Cho dù Lê Lựu đã rời xa nhân thế, nhưng các nhân vật điển hình và tác phẩm của ông sẽ luôn lắng đọng trong lòng người đọc…

Tôi biết đến nhà văn Lê Lựu qua một cái nhìn xa.

Có lẽ đối với những người trẻ như tôi, phần lớn đều lần đầu biết đến ông nhờ bộ phim Sóng ở đáy sông phát sóng trên kênh Truyền hình Hà Nội những năm 2000. Sau này có điều kiện được đọc thêm nhiều tác phẩm của ông, nhưng để hiểu hơn về ông, với tư cách một con người cá nhân – tác giả, thì lại thông qua những câu chuyện thú vị được bạn bè văn nghệ sĩ của ông như nhà quay phim Trần Hùng, nhà văn Phùng Văn Khai, kể lại.

Có lẽ, Lê Lựu có những cá tính, khí chất, khía cạnh cuộc sống đặc biệt, khiến người ta không thể không viết về ông. Tuy nhiên, trước “khoảng cách sử thi” không thể xóa nhòa (tôi chưa kịp có cơ hội được gặp ông), tôi đành nhìn ông qua tác phẩm cùng những chiều cạnh của chúng.

Nhìn xa từ ký ức

Nhìn xa đầu tiên, là một nhìn xa từ ký ức. Cho tới nay, Sóng ở đáy sông vẫn là một bộ phim truyền hình Việt xuất sắc, từ đạo diễn, kịch bản, diễn xuất cho đến phục dựng bối cảnh. Bộ phim đã tái hiện lại một không gian Hải Phòng, ngay từ những cái đời thường như chợ Đổ, cảng, ống khói nhà máy xi măng, vườn hoa trung tâm, gợi lại nhiều hoài niệm cho người xem, đặc biệt với những ai từng có tuổi thơ sinh ra và lớn lên nơi thành phố biển này.

Chỉ vỏn vẹn 10 tập, nhưng xuyên suốt bộ phim đã phản ánh chân thực và khắc họa bức tranh xã hội đầy đủ muôn hình vạn trạng, thân phận và nhân cách của từng nhân vật trong giai thời ấy.

Nguyên nhân thành công đầu tiên của bộ phim, phải kể đến là nhờ nguyên tác của nó – tiểu thuyết cùng tên được Lê Lựu viết vào năm 1994. Những kiệt tác điện ảnh thường là tác phẩm chuyển thể từ văn chương, luôn có sự sâu sắc và thuyết phục của riêng chúng. Tự lúc nào, bộ phim đã đồng dạng trở thành một phần ký ức cá nhân của người viết, gắn bó với thời khắc quá khứ khó quên đã trôi qua, mà đôi khi thư nhàn tôi vẫn mở một vài trích đoạn phim ra để xem lại và hồi niệm.

Nhìn trong dòng chảy văn học Việt hiện đại

Nhìn xa hơn nữa, để thấy vị thế của Lê Lựu trong dòng chảy văn học Việt Nam hiện đại, đặc biệt là văn xuôi và trong đó là tiểu thuyết. Thế kỷ XX là một chặng đường dài, với nhiều làn sóng văn chương biến dịch. Xã hội Việt đã sẵn chuyển dịch mạnh mẽ từ giữa thế kỷ XIX từ sự tiếp xúc Đông – Tây mang tính chất cưỡng bách, tạo ra những điều kiện tất yếu để văn học tiếp bước con đường hiện đại hóa. Tương ứng, đầu thế kỷ XX, nhất là giai đoạn 1930 – 1945, nhóm Tự Lực Văn Đoàn với Nhất Linh, Khái Hưng cùng các nhà tiểu thuyết hiện thực chủ nghĩa như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, đã thực sự hình thành và phát triển nền tiểu thuyết mới theo hướng hiện đại.

Sau Cách mạng tháng Tám, hiện lên rõ giữa trập trùng một dòng văn học chủ lưu mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đề cao tâm thế hào hùng, hân hoan cổ vũ tất cả hướng đến mục tiêu chiến thắng. Bởi vậy, nhiều tiểu thuyết đã sinh ra từ bom đạn khói lửa chiến tranh. Song không thể tránh khỏi tính chất cổ động và tuyên truyền, và quan trọng hơn, cái cá nhân phải nhường chỗ cho tập thể. Như tấm huy chương không thể được nhìn thấy mặt trái, cái nỗi buồn, thậm chí là suy tư, ích kỷ cá nhân, giằng xé nội tâm sự tha hóa nhân cách – những khía cạnh khác của đời sống tinh thần bị lu mờ bởi những hình tượng nhân vật điển hình được lý tưởng hóa.

Giai đoạn sau năm 1975 khi đất nước thống nhất, Việt Nam bước vào một thời đoạn mới hòa bình, nhưng đồng thời cả xã hội, lẫn văn hóa – văn học cũng bước vào thời kỳ hậu chiến. Mặc dù đã ra mắt hai tập truyện ngắn Người cầm súng (1970) và Phía mặt trời (1972) trước đó, Lê Lựu mới bắt đầu tập trung sáng tác tiểu thuyết với một giọng điệu mới trong giai đoạn này.

Nhưng cũng giống như giai đoạn văn học hậu chiến là một ngưỡng tích tụ để vượt khỏi những mô thức sáo mòn xa rời thực tế, để bước sang Đổi mới, thì tương ứng có lẽ đây là giai đoạn chuẩn bị của Lê Lựu để trở thành một trong những nhà văn tiêu biểu của thời Đổi mới. Đổi mới năm 1986 chính là một tác nhân giúp văn học Việt Nam bùng nổ. Thời xa vắng (1986) là một sự mở đầu cho văn học Đổi mới, và đánh dấu sự trở lại của dòng văn học hiện thực phê phán.

Lê Lựu đã tự giác thức nhận lại rằng mình phải vận động để thay đổi. Bản thân là một nhà văn – chiến sĩ, trực tiếp tham gia cuộc chiến, nhưng ngay những năm cuối 70 – đầu 80, ông đã nhận thấy phải đánh giá lại “những con người thật, những tình cảm thật.” Xa rời chiến tranh, về với thời bình, hình tượng cả dân tộc ra trận, rồi những nhân vật tấm gương đại diện cho cái đẹp, cái cao cả, anh hùng tuyệt đối, trở nên lạ lẫm giữa thời cuộc.

Do đó, giọng điệu ngợi ca hào hùng, phơi phới, đơn sắc của văn học thời chiến buộc phải chuyển đổi, chuyển dịch trở thành giọng điệu đa kênh, đa sắc thái, khi buồn rầu, u uất, khi phê phán, tố cáo, khi trào tiếu, uy mua, khi triết lý, thương cảm… trên cơ sở một quan niệm toàn vẹn và chiều sâu hơn về con người.

Nhìn từ những nhân vật điển hình

Giang Minh Sài trong Thời xa vắng là một nhân vật điển hình. Nhưng đây không phải là hình tượng toàn bích, lý tưởng, chỉ toàn những phẩm tính tốt. Trái lại, Sài là tiêu biểu cho con người đa diện được hình dung nhiều mặt, mang đầy tính chất mâu thuẫn, nhị nguyên với cả phần “con” lẫn phần “người,” có đầy đủ phẩm chất và thuộc tính, song song lý trí và ý thức là bản năng, bên cạnh cao thượng cũng có thấp hèn. Đó là những tính chất của con người đời thường, cá nhân, thoái lui khỏi con người tập thể.

Giang Minh Sài không những là một nhân vật điển hình theo nghĩa con người cá nhân bị số phận đưa đẩy, một con người đa chiều kích, mà còn là biểu trưng cho một sự vận động quan niệm văn học đã diễn ra cùng với Đổi mới và diễn trình hiện đại hóa – đó là sự nhìn nhận và phê phán hiện thực đời sống xã hội một cách tỉnh táo và trực diện.

Thời xa vắng, ngay từ nhan đề, đã dẫn gợi về một thời đã qua, quá vãng, nhưng không vì thế mà dư chấn di hại của nó đã vắng xa. Trước hết, có thể thấy ngay Lê Lựu đã phê phán, lên án những tục lệ lạc hậu, tản dư lỗi thời như nạn tảo hôn, trong đó Giang Minh Sài là một nạn nhân.

Cuộc đời của Sài đã chịu sự áp đặt một cách phi lý, một sự mặc định duy ý chí của cha, của gia đình, khi buộc phải kết hôn với Tuyết. Chẳng phải bi kịch lớn nhất của con người chính là không được sống là chính mình, phải chịu những định kiến, tiêu chuẩn được áp đặt bởi gia đình, bởi số đông, bởi xã hội?

Không chỉ với Thời xa vắng, Lê Lựu tiếp tục phát triển mạch tuyến này qua Chuyện làng Cuội (1993) và Sóng ở đáy sông. Ở Sóng ở đáy sông, là thân phận Phạm Quang Núi (một nhân vật điển hình khác, không chỉ của văn học mà còn của điện ảnh Việt), “đứa con loại hai” của một viên chức người Việt phục vụ chế độ Pháp. Núi có thể bị dời, đời Núi cũng bị xô đẩy, bị hiểu lầm, bị ruồng bỏ, để từ một thiếu niên có ý chí, học hành giỏi giang, trở nên bần cùng, lưu manh hóa.

Nếu nói gia đình là một xã hội thu nhỏ, thì những nhân vật người cha như ông đồ Khang trong Thời xa vắng, hay cha của Núi trong Sóng ở đáy sông, là những phúng dụ cho những nhân vật bảo thủ, áp chế, đại diện cho ý chí, hay đúng hơn, hiện thân của xã hội gia trưởng và cơ chế bao cấp, bao cấp đến cả tư tưởng, mà sau này ông trực tiếp phê phán. Có những cá nhân, vốn là sản phẩm của quan liêu, nhân danh gia đình, đoàn thể và số đông, cho mình cái quyền chi phối, áp đặt quan niệm của mình cho những người khác.

Mặt khác, trong xã hội mới cập thời hiện đại này, con người thuyên biến trở nên ích kỷ, thiển cận, thực dụng, “thân ai nấy lo,” hoặc trầm kha hơn, yêu quyền lực, tha hóa biến chất về nhân cách. Bủa vây con người là biết bao bi kịch, bi kịch cá nhân, trong cuộc sống gia đình, tình yêu đôi lứa, hôn nhân, mưu sinh. Màn tối của một thời kỳ quá độ được Lê Lựu nhận chân và soi tỏ, hé lộ cho người đọc.

Nhìn xa để lại về gần tìm một ‘huyền thoại cá nhân’

Nhìn xa, là để có một điểm tham chiếu, một lăng kính, để rồi nhìn Lê Lựu gần hơn. Có nhiều ý kiến cho rằng, những nhân vật điển hình như Sài, Núi, vả chăng chính là hiện thân của Lê Lựu, tức tác giả lấy chính mình làm nguyên mẫu cho nhân vật. Từ tiếp cận phân tâm học, tác phẩm văn học có những ánh xạ phóng chiếu “nhân cách vô thức” của tác giả, những ám ảnh, ẩn ức, ham muốn sâu kín.

Nhà phê bình phân tâm học Pháp Charles Mauron trong tác phẩm Des Métaphores obsédantes au mythe personnel (Từ ẩn dụ ám ảnh tới huyền thoại cá nhân, 1962), ẩn dưới những mạng lưới hình ảnh ám ảnh trong văn bản văn học, có một tưởng tượng ám ảnh mang tên “huyền thoại cá nhân,” thông qua đó cái vô thức tác giả được biểu lộ.

Huyền thoại cá nhân của Lê Lựu có thể được biểu tượng hóa qua chính hình tượng “sóng ở đáy sông,” như những dòng cuối của tiểu thuyết cùng tên: “sông Lấp vẫn còn có hai dòng nước chảy ra cửa sông Cấm. Sự lên, xuống của con nước, sự rào rạt của sóng vỗ cũng từ đáy sông mà tạo nên. Nếu người ta biết là lấp sông vẫn còn nước chảy, còn sóng vỗ, thì hàng trăm năm trước người ta lấp sông làm gì?”

Những sóng ngầm thăng trầm của cuộc đời Lê Lựu, là những tai biến, bi kịch cá nhân ông hằng trải qua, cái khao khát “thằng hèn” thèm tư cách của “kẻ sĩ” (được ông bộc bạch trong cuộc phỏng vấn do Yên Ba thực hiện), tất cả kiến tạo nên một chất đời đậm đặc cuội kết, lắng đọng, rồi kết tinh trong từng nhân vật, trong từng tác phẩm của ông.

Một cái nhìn hậu thế, thật xa, nhưng rồi trở nên thật gần. Trong dòng chảy văn học Việt Nam sau 1975 và Đổi mới, Lê Lựu không phải là một dấu lặng. Ông có đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của tiểu thuyết Việt Nam trong thế kỷ XX. Cho dù Lê Lựu đã rời xa nhân thế, nhưng các nhân vật điển hình và tác phẩm của ông sẽ luôn lắng đọng trong lòng người đọc.

Có thể nói, nhà văn Lê Lựu là một tác gia quan trọng của nền văn học cách mạng nhất là sau Đổi mới 1986. Cả cuộc đời cầm súng và cầm bút của ông đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị. Trước và nhất là khi ông qua đời, đã có hàng chục, thậm chí là hàng trăm bài viết, nhất là của giới văn nghệ sĩ báo chí với sự chân thành, sâu sắc, nhân văn về nhân cách và tài năng Lê Lựu. Đó cũng là sự tri ân mà mọi người dành tặng cho nhà văn.

Toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp văn chương Lê Lựu khá đồ sộ với nhiều mảng đề tài đều đạt những dấu mốc lớn, bước ngoặt trong văn xuôi Việt Nam, cũng như là thành tựu chung của nền văn học cách mạng mà ông là một trong những cây bút chủ chốt nhất, đặc sắc nhất.

Nhà văn Lê Lựu – Văn chương và số phận (Nxb Văn học, 2023) là cuốn sách do gia đình nhà văn Lê Lựu phối hợp với Viện Nhân học Văn hóa thực hiện, tập hợp những bài viết, những hình ảnh tiêu biểu nhất về Lê Lựu trong các chặng đường hoạt động văn học nghệ thuật và tham gia khởi xướng, chủ trì, lãnh đạo, điều hành hoạt động của Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam, nhằm tưởng nhớ và tri ân cuộc đời lẫn văn nghiệp của nhà văn.

PHẠM MINH QUÂN