Lục Xì là một thiên phóng sự của Vũ Trọng Phụng xuất bản năm 1937, vẽ nên bức tranh toàn cảnh về một phúc đường chuyên chữa bệnh hoa liễu cho gái điếm, qua đó phơi bày thực trạng nạn mại dâm ở đất Hà thành dưới thời Pháp thuộc, nhằm phản ánh bản chất những quan điểm những công cụ quản lý gái mại dâm của Nhà nước thực dân.

Phóng sự là một thể loại ký, là trung gian giữa văn học và báo chí. Đặc trưng của phóng sự là điều tra, thâm nhập thực tế và phỏng vấn nhiều người. Một ngòi bút phóng sự không thể qua quýt, nông nổi, cũng không được hời hợt, lười biếng.

Giá trị của phóng sự thể hiện ở cả hai mặt: một là phải có những bằng chứng cụ thể với những tài liệu chính xác thể hiện qua các con số, biểu đồ, thống kê; hai là trên cơ sở phân tích tư liệu, số liệu, phải đặt ra được những vấn đề thời sự mang ý nghĩa xã hội to lớn.

Đọc “Lục xì” – một thiên phóng sự đầy những số liệu chuẩn xác như cái tát vào bộ mặt xã hội thuộc địa nửa phong kiến, qua một giọng văn sặc mùi tiêu ớt – độc giả sẽ phải hốt nhiên cảm thán: Danh xưng “Ông vua phóng sự đất Bắc” của Vũ Trọng Phụng quả thực không ngoa chút nào!

Cũng không phải ngẫu nhiên mà Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Hoàng Thiếu Sơn có lời đánh giá cực kỳ cao đối với “Lục xì”:

“Lục xì là một phóng sự có giá trị khoa học lớn, trong lịch sử văn học của ta đã ở một vị trí độc nhất vô nhị trong văn học về mặt y học và pháp lý; đã có vị bác sĩ nào, bậc lương y nào, nhà luật học nào nêu lên được vấn đề như thế, phân tích tình hình như thế và về nhiều mặt góp ý kiến xác đáng như thế với những người có trách nhiệm trong xã hội.” 

Giải mã tên gọi nhà “lục xì” 

Để đối phó với nghề mại dâm, thế giới lúc bấy giờ chia ra làm hai phái: Phái người thắt buộc nghề mại dâm bằng những luật lệ quy định nghề thanh lâu, và phái người bãi bỏ luật quy định nghề thanh lâu, nghĩa là giải phóng cho nghề mại dâm được mọi cái tự do, bằng chủ nghĩa “thủ tiêu”.

Nước Pháp theo phái người thắt buộc, với lập luận rằng nghề mại dâm đẻ ra nạn hoa liễu, mà nạn hoa liễu là một tai họa cho cả xã hội, vậy thì phải đem một ít luật lệ ra thắt buộc nó, kiềm chế nó, mong sao đỡ hại giống nòi.

Và dĩ nhiên, Hà Nội – thủ phủ Đông Dương, thuộc địa của Pháp cũng theo phái người thắt buộc.

Vì lẽ đó, Hà Nội có một cuốn luật lệ quy định mại dâm: gái mại dâm phải có giấy chứng nhận hành nghề, có nhà đĩ điếm để bọn kỹ nữ bán dâm theo đúng luật, có ngạch cảnh sát xướng kỹ để lùng bắt bọn ấy khi họ bỏ trốn, có phúc đường để giam và chữa cho bọn ấy khi họ có bệnh. Nhà đĩ điếm ấy, dân ta gọi nôm na là nhà thổ. Ngạch cảnh sát xướng kỹ ấy, dân ta gọi nôm na là ngạch Đội con gái. Mà phúc đường ấy, dân ta gọi nôm na là nhà lục xì.

Vậy từ “lục xì” nguồn gốc từ đâu mà ra?

Theo lời giải thích của bác sĩ Joyeux – Giám đốc nhà lục xì, kiêm Chánh ngạch vệ sinh (bây giờ là Sở Y Tế) Hà Nội – “lục xì” là ở chữ “Luck sir”, nghĩa là khám bệnh. Tuy nhiên đã có người bông đùa, hay dùng tiếng hồng mao (tiếng Anh) trong khi đáng lẽ phải dùng tiếng Pháp, thành ra cách đọc cái nhà lục xì (cai nha loock see) trở nên phổ biến tại An Nam ngày ấy.

Lục xì là một phúc đường, nhà khám bệnh, nhà thương chữa các bệnh miễn phí cho gái mại dâm, chủ yếu là những bệnh truyền nhiễm như lậu, giang mai… chữa cho đến khi hết bệnh lại ra ngoài để tiếp tục “hành nghề”.

Để đi sâu vào điều tra, tìm cách thâm nhập vào nhà lục xì, Vũ Trọng Phụng đã bắt đầu từ việc xin giấy phép từ ông Đốc lý và phỏng vấn bác sĩ Joyeux.

Bức tranh toàn cảnh về nhà lục xì 

Theo chân tác giả, nhà lục xì dần hiện ra rõ nét, tỉ mỉ đến từng chi tiết, được chia làm phòng giấy, phòng khám bệnh, phòng ngủ, sân nhỏ, phòng khâu vá, phòng học, dãy buồng tắm, cuối cùng là vườn rộng.

Đầu tiên là phòng giấy. Trên tường, một cái bảng thống kê danh sách của các chị em thanh lâu, ở nhà nào, tình hình y tế của chị em, số bị bệnh là bao nhiêu, số đi trốn là bao nhiêu. Phía bên kia là tủ giấy má của gái có giấy, gái đã xé giấy, gái lậu tại ngoại… Thì ra là phong vũ biểu và thời khắc biểu của nghề mại dâm.

Rẽ sang tay trái là phòng khám bệnh. Tường vôi sạch sẽ, bàn bọc kẽm, khăn mặt bông trắng nõn, những chậu rửa mặt bằng sứ nước men bóng nhoáng, những cái tủ, cái ghế sơn trắng… tất cả được đặc tả, trông-rất-vệ-sinh. Những đồ vật ấy chỉ có duy nhất một sứ mệnh: phụng sự những cái xác thịt hôi tanh để mỗi đêm đem cái khang cường của mình ra bán rẻ đi độ mười lần.

Đi thẳng vào trong là phòng ngủ. Có 200 chỗ nằm. Tuy có vẻ ảm đạm của một ngục thất , nhưng vẫn đầy đủ những vật dụng để nghỉ ngơi cho người kỹ nữ: chiếu cói và gối mây, còn có ngăn tủ ngay chỗ đầu giường để cất những đồ lặt vặt.

Sang phía bên kia là cái sân có mái. Chỗ này để nghỉ ngơi những lúc nóng nực, có máy hát và phóng thanh pick-up để các chị lúc nào nhàn hạ thì nghe một khúc ca lý cho bớt nỗi u phiền của trầm luân.

Qua sân đến một căn phòng nhỏ: chỗ khâu vá. Nhà nước mở ra phòng này từ năm 1935 để cho bọn họ có thể có một nghề để sau này có ngày mong bước khỏi phòng mại dâm chăng. Nhiều khi vì bị bắt giam vào lục xì mà lúc được thả ra, một kỹ nữ đã biết đọc và viết chữ quốc ngữ… đó là lời ông Đốc lý cắt nghĩa.

Vào trong là lớp học “Vệ sinh nam nữ, giao cấu học đường!”. Một lớp học cũng có bàn ghế, bảng đen như những lớp học khác. Nhưng nội dung giảng dạy không phải là các bộ môn khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội, mà là dạy về các bệnh phong tình cũng như cách phòng tránh, thông qua bài thơ “Phong tình ca khúc” – bài thơ vệ sinh mà gái nào muốn giật mảnh bằng để thoát khỏi nhà lục xì ắt phải thuộc làu.

Đi qua dãy buồng tắm có hoa sen lối bản xứ, là sân trong cùng, gọi là vườn rộng. Trước kia, chỉ đến chỗ buồng tắm là hết. Bây giờ bọn gái lục xì đã có vườn rộng để tập trồng rau, để giải trí bằng các trò thể thao… 

Đặc biệt, trong nhà lục xì cũng có miếu của ông thần Mày trắng, còn gọi là thần Bạch My – tổ sư của nghề làm đĩ. Kết thúc chuyến thăm quan, các nhà báo, hân hạnh, được chứng kiến một cuộc tuyên thệ long trọng của mụ giầu và gái “có giấy” trước thần Bạch My. Ông Đốc lý Virgitti phân trần, chả phải nhà nước xui họ mê tín, mà là lợi dụng cái mê tín của họ cho được việc. Thả họ ra mà không bắt họ thề, sợ họ làm liều, lại tham tiền mà đổ bệnh trong dân gian.

Dưới con mắt tinh tường và giọng văn gai góc, Vũ Trọng Phụng đã vẽ ra cho độc giả thấy bức tranh toàn cảnh nhà lục xì, cái nơi mà ngày xưa vốn khá là bí ẩn. Bởi xưa kia, việc thăm quan nhà lục xì thành phố hầu như là điều không thể, đặc biệt là giới báo chí. Bởi nó nổi danh là nơi ngục tù ghê gớm, với muôn vàn sự hành hạ, lạm quyền và độc ác của người nhà nước. Đối với những hội viên của hội đồng y tế, nó là cái bảo viện những khuyết điểm và sai lầm.

Nhưng thành phố vừa bỏ ra một số tiền lớn để bổ khuyết và cải tổ. Lúc bấy giờ họ mới nghĩ đến báo giới. Bởi vậy mà nhà báo được mời đến chứng kiến sự cải cách ở nhà lục xì, để đem cái tin mừng ấy loan báo cho dân chúng, và cho gái mại dâm, rằng đó không phải là nơi cầm tù bọn kỹ nữ có bệnh như những tù nhân, mà là chỗ chữa bệnh làm phúc cho những kẻ làm đĩ có bệnh nhưng không có tiền, ở đấy Nhà nước chỉ mang lại những điều có lợi cho các kỹ nữ.

Vũ Trọng Phụng không chỉ miêu tả về từng phòng trạch trong nhà lục xì qua “Cuộc đi bánh bộ trong nhà lục xì”, mà ở các phần sau của thiên phóng sự, ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào sâu, thâm nhập và phỏng vấn các nhà chuyên trách như Virgitti, Coppin, Joyeux, Le Roy des Barres… bà giám thị phúc đường Limougnie, ông y sĩ Nguyễn Huy Quỳnh, cô giáo Nguyễn Thị Nghĩa… 

Người đọc được dịp tận tường một ngày khám bệnh trong nhà lục xì, ở đấy gái đĩ chỉ mặc độc một chiếc coóc-xê và phía dưới hoàn toàn khỏa thân. Cũng sẽ được mục kích lớp học “Vệ sinh nam nữ, giao cấu học đường!” – Lớp học mà bậc giảng dạy đứng lớp phải nhận xét là một lớp học mới lạ, kỳ quái nhất Đông Dương, cũng có thể gọi là kỳ quái nhất thế giới – Ở đấy giáo viên phải nhượng bộ học trò (toàn bộ là gái đĩ, gái giang hồ), mà chính sách trừng trị của giáo viên là để đám học trò túm đánh lẫn nhau, mỗi khi cần phải trừng phạt.

Và rồi gần đến phần cuối, Vũ Trọng Phụng quyết định tự mình vào nhà thổ, gọi hẳn hai gái “có giấy”, người ta kêu gái để chơi, còn ông kêu gái để phỏng vấn, mà nói đúng hơn là để hai nàng tự kể về chuyện đời mình… Dưới góc nhìn của thị Lành – người từng bị giam trong nhà lục xì sáu tháng, dường như tất cả những hào nhoáng của nhà lục xì được ông Đốc lý dựng lên trước mặt báo giới, đã sụp đổ.

“Vào nhà pha thì làm tù cho anh em, vào lục xì thì làm tù cho chị em.” – lời thị Lành.

Thực trạng nạn mại dâm ở đất Hà thành dưới thời Pháp thuộc

Ngay từ phần đầu tiên, tác giả đã đưa ra một con số nhức nhối: Năm nghìn. 

Trong thành phố Hà Nội, ít ra cũng có 5000 gái sống về nghề mại dâm, ấy là chưa kể đến bọn ả đào và gái nhảy các vùng ngoại ô. Con số này được ông Đốc lý Virgitti lấy từ biên bản của Sở Liêm Phóng nên đảm bảo về tính xác thực. Số dân Hà thành thời đó là 18 vạn, nghĩa là gì?

“Nghĩa là cứ ba mươi lăm người lương thiện lại có một người thường nhật sinh sống bằng sự gieo rắc vi trùng hoa liễu.”

Nhà lục xì của Hà Nội chỉ chứa được 200 người, mặc lòng số kỹ nữ phải bắt giam vào lục xì là 5000. Độ chừng 5000 đĩ lậu mà chỉ có 1 viên thanh tra người Pháp chỉ huy 5 hay 6 thầy “đội con gái”. 5, 6 người ấy phải đi kiểm sát, lùng bắt 16 nhà thổ chung, 15 nhà điếm riêng, 377 phòng ngủ trong các nhà săm! Trong một đêm!

Kết quả là, tất cả đều làm việc một cách qua loa, làm cho có.

Nếu 5000 là thực trạng mại dâm, thì hậu quả tai hại mà nạn mại dâm mang lại theo thống kê năm 1914 là: 74% binh lính Pháp ở Bắc Kỳ mắc phải những bệnh hoa liễu. Trong số những người chột và mù của dân An Nam, 70% là do vi trùng bệnh lậu mà ra. Cứ 4000 trẻ con mới đẻ mà chết thì trung bình có chừng 1000 đứa trẻ, theo lối nói kiêng của người mình thì là sài, đẹn, là bỏ, là mất, là khó nuôi, nhưng theo khoa học thì chết vì bố mẹ có nọc bệnh giang mai, hoặc những biến chứng của bệnh ấy.

Thế nhưng, giữa cái đất Hà thành nửa nạc nửa mỡ thời đó, mại dâm lại là một cái nạn bất hủ, dai dẳng, không tránh được, không có không được.

Tác giả đã vẽ ra viễn cảnh nếu có một cách gì mầu nhiệm để trong chốc lát mà trừ khử ngay được cái nghề đốn mạt ấy, thì thành phố Hà Nội sẽ thế nào?

900 binh lính sẽ bất bình, nếu những người ấy – họ không có vợ – không theo nổi lý thuyết nhịn nhục hay tiết chế dâm dục. 16 mụ Tú bà cộng với số chị em nhà thổ là 185 cùng lâm vào một cảnh ngộ khó xử khi muốn tìm nghề khác. 37 ông chủ săm và hơn 100 bồi săm sẽ thất nghiệp. 613 ông chủ tiệm thuốc phiện chính thức hoặc không có môn bài sẽ tự tử. 5000 gái đĩ lậu thuế – con số này cũng do nhà chuyên trách ức đoán – sẽ làm loạn cả kinh đô. Các đạo binh thất nghiệp do những anh bồi săm, ma cô, phu xe đêm lập nên, sẽ ghê gớm vô cùng, sẽ gây ra những vụ cướp bóc, trộm cắp đáng sợ vô cùng.

Quỹ của thành phố sẽ hao hụt một số tiền đại khái là 1.388$ 86 mỗi năm nếu chưa kể đến thuế môn bài các nhà săm, các tiệm khiêu vũ, các cửa hàng rượu, vì số tiền đích xác kia là tiền thuế môn bài của mười sáu nhà thổ.

Mại dâm trở thành một cái nạn cần phải có…

Một xã hội trở nên mục ruỗng thối nát khi bị một cái nghề đốn mạt hoành hành, mà lại bắt buộc phải để cho nó tồn tại, để xã hội không đánh mất thế quân bình.

Ôi, đáng thương làm sao!

Bản chất những quan điểm và công cụ quản lý gái mại dâm của Nhà nước thực dân

Một chế độ mà người cầm quyền không có ai chịu trách nhiệm, đó là cái phiền phức của đất thuộc địa, của đất bảo hộ, của điều ước Patenôtre 1884 đẻ ra mọi sự rắc rối lôi thôi như ngân sách Bắc Kỳ bảo hộ thì có nhà thương Phủ Doãn, công quỹ thành phố Hà Nội thuộc địa thì có nhà lục xì.

Dân nghèo, nhà nước không đủ tiền để thực hành phần kiến thiết của các chương trình cải tổ. Không có tiền làm gì cả, thành phố Hà Nội chẳng giải phóng nghề mại dâm mà cũng không hẳn thắt buộc nghề mại dâm. Đối phó với nạn ấy, thành phố Hà Nội chỉ có thể làm qua loa, cho phải phép.

Nhà lục xì lập ra, nghe lời cắt nghĩa của ông Đốc lý thì cũng êm tai lắm. Nhưng xây dựng một nhà lục xì với 200 chỗ cho gái đĩ thì có nhằm nhò gì với con số 5000 ngoài kia?

Nhà lục xì ra đời thực chất là kết quả của sản phẩm Âu hóa, của tân thời, … vốn là những sản phẩm vừa hào nhoáng vừa mục ruỗng của “nước mẹ” Pháp tuồng vào Việt Nam. Là sự suy đồi về mặt đạo đức, cũng là sản phẩm của sự dồn nén đói rách, túng quẫn cùng ngu dốt.

Đó là một phần kế hoạch của nhà nước bảo hộ, có suy đồi trụy lạc, có chìm đắm vào thuốc phiện, có mại dâm nhiễu loạn… con người trở nên hèn yếu, đất nước loạn lạc, không còn tự chủ và mãi mãi lệ thuộc vào “nước mẹ vĩ đại” Pháp.

Tấm lòng của nhà văn tả chân họ Vũ

Mại dâm là một tệ nạn nhức nhối dưới mọi thời đại và chưa bao giờ là một vấn đề cũ kỹ. Giai đoạn 1930 – 1945, dưới điều kiện thuận lợi khi bọn thực dân đầu độc người Việt bằng thuốc phiện, thì nạn mại dâm lại thuận lợi phát triển dữ dội hơn.

Không riêng gì Vũ Trọng Phụng, cũng có nhiều nhà văn nhà báo khác viết về nạn mại dâm. Phải kể đến “Tàn đèn dầu lạc” của Nguyễn Tuân, “Đêm sông Hương” của Tam Lang Vũ Đình Chí, “Hà Nội lầm than” của Trọng Lang…

“Nhưng đem so sánh với người đồng thời thì ai cũng phải ngạc nhiên về cách đặt vấn đề của Vũ Trọng Phụng, về phương pháp đi sâu vào nghiên cứu vấn đề, về các biện pháp giải quyết vấn đề, về các chính sách của chính quyền để ngăn ngừa tệ nạn, chữa chạy nạn nhân, về cách phân tích lợi hại của các biện pháp đã thực hành đã áp dụng… Người viết phải quan tâm thật sâu sắc đến vấn đề xã hội mới đứng ra làm các việc như thế. Và nhất là phải có tinh thần khoa học cao, có phương pháp khoa học giỏi mới làm được việc có kết quả.” – trích lời GS Hoàng Thiếu Sơn nhận xét về “Lục xì”.

Đối với tệ nạn mại dâm, Vũ Trọng Phụng tự vạch ra cho mình “ba việc phải làm” mà theo ông đó là những công việc xã hội. Thứ nhất, là tả những cái dâm đãng trong sự phú quý, như cái dâm của Nghị Hách trong tiểu thuyết “Giông tố” (1936). Thứ hai, là tả cái dâm của người con gái đến tuổi dậy thì mà không được giáo dục một cách đầy đủ, tức là chuyện “Làm đĩ” (1936). Và thứ ba, là tả những nỗi thống khổ do sự nghèo đói gây nên, tức là nạn mại dâm trong phóng sự “Lục xì” (1937).

Có thể nói Vũ Trọng Phụng tuy sống ngắn nhưng sống sâu , ông hiểu cái đáy của xã hội không phải từ trên nhìn xuống, từ ngoài nhìn vào, mà là người nhập cuộc để thấu hiểu và đưa vào trang viết. “Lục xì” chỉ vỏn vẹn 12 chương nhưng nặng một tấm lòng vì dân mà lo nghĩ, người đọc thấy rõ bóng hình chàng trai 25 tuổi xông xáo bươn vào những nơi mà người ta cho là ô uế dâm tạp, để nói lên tiếng nói của những số phận chạm đáy xã hội, cũng thẳng thắn cay nghiệt đối với chế độ nửa nạc nửa mỡ.

Quả thực, hiếm thấy một nhà văn nào yêu mến nhân dân, yêu mến người lao động và trân trọng họ theo một cách rất riêng, nhân văn và hiệu quả như Vũ Trọng Phụng.

Duyên