Trong lớp đại biểu tinh anh của nền văn học Việt Nam hiện đại sau 1975, Ma Văn Kháng là người đến muộn (so với Nguyễn Khải, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Minh Châu,…). Song với sức sáng tạo phi thường, lao động nghiêm túc, nhãn quan tinh tế để chắt chiu hương vị của đời Ma Văn Kháng đã sớm tạo nên thương hiệu riêng, phong cách riêng cho mình bằng thể loại truyện ngắn và định vị bản thân trong nền tiểu thuyết Việt Nam đương đại.
Trên dưới 50 năm độc thiện kỳ thân, truân chuyên chìm nổi, Ma Văn Kháng đã trình làng một khối lượng tác phẩm khá đồ sộ với trên 200 truyện ngắn, 16 tiểu thuyết và mang về những thành công đáng khâm phục: Giải B Hội nhà văn Việt Nam năm 1986; giải thưởng Văn học ASEAN năm 1998; giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật đợt I năm 2001. Mới đây là giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật năm 2012 khi ở tuổi xưa nay hiếm. Tâm sự với bạn đọc về công việc cầm bút của mình, Ma Văn Kháng chia sẻ: “Tôi viết như văng hòn đá ra khỏi tay“.
Không giống như nhiều nhà văn cùng thời, Ma Văn Kháng chạm tay đến thành công bằng con đường sáng tác văn chương khá muộn. Thế nhưng, nếu lần theo những trang hồi ký của Ma Văn Kháng, có thể thấy tác giả biểu lộ tình yêu đối với văn chương từ rất sớm. Tác phẩm đầu tay mang tên Phố cụt (1961) ra đời chưa để lại nhiều dấu ấn trong lòng người đọc. Chỉ khi Xa Phủ (1969) ra đời và giành được giải Nhì (không có giải Nhất) trong cuộc thi truyện ngắn của Tuần báo Văn nghệ, được coi là đánh dấu bước khởi đầu cho sự nghiệp văn chương của Ma Văn Kháng.
Tiểu thuyết Gió rừng (1976) là “đứa con tinh thần đầu lòng” của Ma Văn Kháng, nhưng chỉ đến Đồng bạc trắng hoa xòe (1979) được viết “với nỗi đam mê tưởng đến điên rồ của cả thể xác lẫn tinh thần” ông mới cho rằng mình thực sự đứng trong làng văn, đã phần nào trả được món nợ cho nơi nặng tình, nặng nghĩa và che chở, đùm bọc cho ông suốt một thời gian dài(1). Cùng với Đồng bạc trắng hoa xòe, Vùng biên ải (1983) và Gặp ở La Pan Tẩn (2001) được coi là bộ ba tiểu thuyết (Chữ của PGS. Nguyễn Ngọc Thiện) rất có giá trị tạo thành một bức tranh hoàn chỉnh trong sáng tác về đề tài miền núi của Ma Văn Kháng.
Sau khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, Ma Văn Kháng chuyển hẳn về Hà Nội công tác. Ông đã hòa nhập rất nhanh với cuộc sống nơi đô thị. Nhà văn vẫn tiếp tục theo đuổi sự nghiệp văn chương của mình và gặt hái được rất nhiều thành công với những tác phẩm mang đậm hơi thở của cuộc sống thành thị thời kỳ đổi mới. Tiểu thuyết Mưa mùa hạ (1982) xuất hiện đã đánh dấu bước chuyển biến đầu tiên trong sáng tác của Ma Văn Kháng ở đề tài thành thị. Tác phẩm ngay lập tức đã gây được sự ngỡ ngàng, xôn xao trong giới văn đàn khi đó. Tiểu thuyết Mưa mùa hạ ra đời đã mang trong mình những dấu hiệu của sự bất thường và gây được chú ý bởi những nguyên nhân:
Thứ nhất, Ma Văn Kháng là một nhà văn chuyên sáng tác những đề tài thuộc về cuộc sống và con người miền biên ải nay bỗng nhiên chuyển sang đề tài thành thị với bút pháp rất tự nhiên, cuốn hút;
Thứ hai, những con người tốt, lương thiện trong tác phẩm lại có cái kết cục buồn và bi thảm. Điều này đã phá vỡ những quan niệm truyền thống trước kia, khi cho rằng: ở hiền thì sẽ gặp lành và những người tốt sẽ có một kết cục rất hậu.
Những tiểu thuyết kế tiếp Mùa lá rụng trong vườn (1985), Đám cưới không có giấy giá thú (1989), Ngược dòng nước lũ (1999)…đã khẳng định thời kỳ chín muồi của tài năng và đỉnh cao của bút lực sung mãn trong sáng tác của Ma Văn Kháng.
Gần đây, Ma Văn Kháng tiếp tục khuấy động đời sống văn học đương đại bằng việc cho ra đời hàng loạt những tập truyện ngắn: Trăng soi sân nhỏ (1994), Cuộc đấu của gà chọi (2005), Mùa thu đảo chiều (2012)… và các tiểu thuyết: Một mình một ngựa (2009), Bến bờ (2011), Bóng đêm (2011), Chuyện của Lý (2014)… Đây là những tác phẩm có giá trị, mang tính thời sự và có ý nghĩa lớn đối với người đọc, cuộc sống hôm nay.
Văn học là nhân học và sứ mệnh của văn học là phải làm cho con người trở nên người hơn. Muốn làm được như vậy, nhà văn sẽ không cầm bút chỉ vì mục đích kiếm kế sinh nhai mà còn bằng cái lòng yêu nghề, đồng thời phải tự thấy có trách nhiệm với cuộc sống và con người. Đặc biệt, bằng ngòi bút của mình, nhà văn còn phải làm cho văn chương trở nên gần gũi, giản dị, thân thuộc như cuộc sống vốn có của nó. Ma Văn Kháng là một nhà văn cầm bút như thế. Khi đã ở cái tuổi 75, với 3 cái stent trong ngực, sống chung với thuốc và những cơn đau trong căn nhà nhỏ trên phố Nguyễn Chí Thanh, song ông vẫn sung sức, dẻo dai và cho ra đời những tác phẩm thật tự nhiên và thân thiết trước bạn đọc mà như ông chia sẻ: Tôi viết như văng hòn đá ra khỏi tay. Đó là cách viết tự nhiên và đầy tính bản năng, đưa văn chương trở về thật gần gũi, thật giản dị, thật dễ tiếp cận. Theo chúng tôi, có nhiều lý do để lý giải lời chia sẻ về cách viết văn rất tự nhiên này của nhà văn, song về cơ bản có thể hiểu:
Thứ nhất, Ma Văn Kháng là nhà văn có một vốn sống dầy dặn của sự từng trải, thực tế tuổi đời từ những năm xê dịch đã bồi đắp cho ông vốn tư liệu sống vô cùng quý báu, “một kho chữ thật rủng rỉnh để tiêu dùng” (Chữ của GS. Phong Lê) cho suốt cuộc đời cầm bút.
Thứ hai, bản lĩnh và tài năng của nhà văn đã giúp ông hòa nhập với thời cuộc, nắm bắt được mạch nguồn của sự chuyển động vô cùng mạnh mẽ, đa dạng đang diễn ra từng ngày và quan trọng hơn là từ sự đa dạng, phức tạp đó lại đưa nó về gần gũi và thân thiết trước bạn đọc.
Ma Văn Kháng – lão nhà văn có sức viết dồi dào, sung mãn và dẻo dai của làng văn tự sự Việt Nam. Sự nghiệp văn chương của ông kinh qua hai giai đoạn và gắn liền với hai mảng đề tài chính: đề tài miền núi với cảm hứng sử thi và đề tài thành thị với cảm hứng thế sự đời tư. Và ở đề tài nào Ma Văn Kháng cũng gây được những điểm nhấn ấn tượng bằng những tác phẩm đánh rất trúng và đúng những vấn đề bóng nỏng của xã hội và thời đại. Bởi vậy, dễ hiểu tại sao Ma Văn Kháng luôn là một hiện tượng văn học độc đáo được dư luận bạn đọc quan tâm, một đối tượng thu hút được nhiều ý kiến đánh giá, tranh luận của giới phê bình văn học.
Phạm Trung Tình
Trích: Khoá luận “Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Một mình một ngựa – Ma Văn Kháng”