Ngôn ngữ thơ ca thức dậy mỗi ngày. Ngôn ngữ ấy nuôi dưỡng tình yêu của con người đối với thiên nhiên, sự hiểu biết và nối kết của họ, và một khả năng như thế có thể mạnh hơn những tàn phá đang xảy ra.

Nhưng ngôn ngữ cũng thường trực ở dưới áp lực của thời gian, giới hạn của chiều kích trang giấy, các quy ước, của mối quan hệ giữa thấu hiểu và diễn dịch, của tính cân bằng mong manh giữa đa nghĩa và hiểu sai ý định của tác giả.

Xuân
Ngấm đất
Đào xuống gặp toàn năm cũ

Mai Văn Phấn nói về năm cũ hay năm mới? Anh nói về ngôn ngữ dân tộc. Ngôn ngữ không bất biến, vĩnh viễn, chúng thay đổi theo thời gian, ngày một mới. Sự phát triển của nó, không như nhiều người lầm tưởng, không phải bao giờ cũng theo hướng thăng hoa: ngôn ngữ lụi tàn. Tiếng Việt có thể rơi vào tình cảnh như vậy, nếu những điều kiện khắc nghiệt mà trong đó nó vận động không bị kiểm soát, ví dụ sự thống trị ngày càng mạnh của tiếng nước ngoài, sự tan rã của tinh thần dân tộc, suy đồi của văn hóa. Các ngôn ngữ từng thoái hóa và biến mất trên trái đất. Lịch sử chứng minh hàng ngàn ngôn ngữ của các dân tộc đã biến mất như thế, và tiếng Việt không nên tự xem là ngoại lệ. Tái cấu trúc, mở rộng các liên kết trong thơ, xóa chúng đi, làm lại, đi thêm con đường rẽ của văn phạm, là những việc mới đối với độc giả Việt Nam. Sự ngắt câu, sự vắt dòng, sự chia nhỏ các câu thơ, phân đoạn, kéo dài chúng ra, mở rộng biên độ của câu, đặt tên mới cho sự vật và cảm xúc, là những tiến hóa chủ động của ngôn ngữ.

Gom ánh sáng
Dồn nước mắt
Chảy qua những vết thương

 
Tất cả đang trắng ra như sữa

Mai Văn Phấn theo đuổi cái bình thường, hàng ngày, nỗi lo âu đối với suy vong của xã hội, tình yêu đối với trái đất, ân huệ của cuộc sống. Chữ dùng của anh tuy vậy nhẹ nhàng, bình thản, đôi khi quá hiền lành. Nhưng cũng nhờ thế, con đường anh đi là con đường ít tiêu tốn năng lượng nhất. Anh không phải là người thích bày tỏ xúc cảm, trái lại có thói quen kiềm chế, hướng dẫn cho xúc cảm, hơn là đè nén. Đó là một thứ thơ nặng về tinh thần, thanh sạch, gần như quý phái. Thơ không quá thiên về cảm xúc, cũng không nặng lý trí, nhưng vẫn đặt ra những thách thức lớn cho người đọc.

Hôn em
Hồi tù và song đôi
Bay đi rất chậm

Bài thơ không suy nghĩ theo phương cách phân tích, tư duy của bài thơ là tư duy hình ảnh. Người đọc đi tìm những khả năng: thơ anh nói về những khả năng. Thế giới của anh được nhìn thấy rõ nhưng đó không phải là một thế giới thuần túy vật chất. Đó là sự kết hợp giữa thể xác và tinh thần.

Đã hơn ngàn lần đầu thai
Tôi cầm lại chiếc rìu đá
Chặt không đứt

Trầm tư nhưng không than thở, đề kháng nhưng không nổi loạn, đi tìm sự hòa hợp trong khi vẫn chống lại tình trạng đóng kín, tình trạng một giải pháp, chân lý độc quyền, chống lại sự kìm hãm. Đôi khi anh lặp lại, không tránh được những chữ đã được dùng nhiều lần, đôi khi có bài thơ viết còn dễ dãi, nhưng anh vẫn là một trong những thi sĩ cẩn trọng trước ngôn ngữ. Chữ của anh không gây nhiều bất ngờ, nhưng kết hợp của chúng thì lạ và thích hợp.

Công bằng là trời xanh, oan khuất đến như mây
Chỉ có cánh hoa là nghe thấy cả.
Nơi đất mỡ màu, cây có khi chỉ toàn ra lá
Lá cũng lại như bài học công bằng

Đó là một thiên nhiên quyến rũ nhưng không toàn hảo. Có lẽ vì vậy mà Mai Văn Phấn thường tìm cách thay đổi bút pháp. Có một nỗi ao ước trong thơ anh được nhìn thấy thế giới như toàn thể, thiên nhiên như người mẹ. Điều ấy dẫn đến tính hiện tại, chất hiện sinh của thơ. Trong khi những người khác, cùng thời, tìm cách lý giải các xung đột, hướng tới quan tâm xã hội, thì anh chú tâm hơn đến mối quan hệ giữa con người và khung cảnh. Anh muốn mô tả; chuyển ký ức thiên nhiên thành ký ức con người. Sự kết hợp giữa một ngôn ngữ dịu dàng, đằm thắm, bình tĩnh đến ngạc nhiên và sự chú ý cao độ, đôi khi có tính phân tích, thăm dò táo bạo, là khả năng riêng của Mai Văn Phấn. Đó là một cặp thức điệu trữ tình và suy tư song đôi. Tuy vậy đừng quên anh là người viết nhiều trường ca, và đã từng dự phần vào và hiện nay vẫn chưa hoàn toàn rời bỏ chủ nghĩa hậu hiện đại. Nhờ khuynh hướng này, các bài thơ của anh giữ nguyên tính mở ngỏ và phi tuyến. Tôi tin rằng trong tương lai, thế nào anh cũng phải tìm được sự cân bằng giữa, một bên, tính bề bộn, nổi loạn, náo động của thơ đương đại và, bên kia, truyền thống tâm linh, Đông phương, tối giản, tĩnh lặng, thậm chí rỗng không.

Trong mắt có dây tơ hồng
Rủ bóng hình em ngơ ngẩn
Rừng cây cây mọc muôn trùng

 
Lá cuốn mùa thu trải thảm
Anh về ngủ dưới chân em
Cơn mơ mơ lạc giữa đền

Với giọng thân mật, anh mang chúng ta tới những khoảng không gian hẹp, sự sống tươi tắn, cái đẹp im lặng: bông tường vi, con cá, ếch nhái, vũng nước, hạt cỏ, mầm cây. Và đó là một thiên nhiên Việt Nam. Thiên nhiên nhiệt đới. Vượt lên khỏi những xung đột thời sự và lịch sử, vượt lên khỏi những cách tân ngôn ngữ của chính tác giả, thơ Mai Văn Phấn trước hết là cảm xúc về đời sống hôm nay, thế giới hôm nay. Đó không phải là dòng thơ hoài niệm, đó là dòng thơ đang ở thì hiện tại.

Đi về phía cuối đường
Nơi bắt đầu cơn giông
Dọn lòng thanh sạch

 
Chỉ vòm cây rũ bụi
Và lá khô tơi tả mới biết

Đầu thế kỷ hai mươi, đa số người Việt sống ở nông thôn; một thế kỷ sau, họ đã di chuyển phần lớn về thành thị. Đó là sự dịch chuyển mau chóng, hỗn độn, vượt quá sự kiểm soát của các chính sách dân số; không chỉ là dịch chuyển cơ học mà còn là xáo trộn văn hóa rất lớn. Văn chương Việt, đối mặt với quá trình thành thị hóa điên cuồng, công nghiệp hóa vô tội vạ, làm giàu bằng mọi cách, tha hóa nông thôn, vắt kiệt rừng núi, biển cả, trong mấy mươi năm qua, thật ra đã làm được những gì?

Không có gì đáng kể. Mai Văn Phấn là một trường hợp khá hiếm, trong đó sự quan tâm đến sinh thái là nổi bật hơn so với nhiều nhà thơ cùng thời. Tiếng nói của anh, bao giờ cũng chừng mực, không hẳn là sự phản kháng, nhưng mang lại cho chúng ta niềm hy vọng về khả năng của con người lên tiếng trước các hoàn cảnh chống lại văn hóa. Trong thơ Việt hiện nay sự phân biệt giữa khuynh hướng đô thị và khuynh hướng chống đô thị, hay khuynh hướng nông thôn, có lẽ sẽ ngày càng rõ. Tôi yêu mến những bài thơ riêng tư của Mai Văn Phấn, đụng chạm đến phần sâu xa và cá biệt, có lẽ chúng chính là đời sống riêng của anh, một đời sống tuy không náo nhiệt, bề ngoài ít sự kiện, nhưng sâu sắc và quyến rũ. Một đời sống đầy những xem xét lại và những đánh giá lại.

Cánh chim bị thương
Lòng đất quặn thắt
Vùng cây cỏ nhiễm độc

Trong quá khứ, các nhà thơ ít sử dụng chi tiết thật của đời sống riêng làm vật liệu sáng tác. Chỉ họa hoằn mới có người ghi lại hoàn cảnh ra đời tác phẩm, vì họ xem tác phẩm là sản phẩm của trí tưởng tượng, không phải sao chép hiện thực. Tuy nhiên ngày càng có nhiều người viết sử dụng đời sống của mình như một chất liệu nghệ thuật, biến mỗi ngày tồn tại trên trái đất như một ngày trải nghiệm. Không phải chỉ đến thời kỳ của, ví dụ trong thơ tiếng Anh, Robert Lowell, Sylvia Plath, người ta mới nói về đời sống riêng tư của mình, nhưng khuynh hướng ấy đòi hỏi thành thật, dũng cảm, khả năng tự bộc lộ. Tiểu sử của nhà thơ, theo cách như thế, trở thành một tiểu sử tâm hồn. Mai Văn Phấn lạc quan hay bi quan? Song song với, thậm chí bên dưới, một tiếng thơ điềm tĩnh, thỉnh thoảng có chất ca ngợi, hào hứng, thiết tha, là nỗi bi phẫn ngấm ngầm, đôi khi để vang lên giọng thế sự sắc như dao.

Châm biếm:

Đêm nay
Rắn rết, bọ cạp tràn vào thành phố
Nhưng đừng sợ!
Nhà nào bây giờ cũng thiết kế kiểu lô cốt
Trời tối không ai ra đường.

Trào lộng:

Vạn lý Trường Thành còn xây dở?
Trên không tiếng hoạn quan truyền chỉ
Bắt được kẻ nào vừa vác đá vừa làm thơ
đánh hộc máu mồm
Khâm thử!

Lên án:

Đồng tiền lạnh ngắt
Buốt tận mồ sâu
Đen bạc lừa nhau
Đốt lên tàn bạo

Cay đắng:

Chúng bịt miệng
trấn lột mọi thứ
và xin tôi bộ phận sinh dục

Nỗi bi quan triết học không hề rời bỏ cách chọn đề tài và cách nói của anh. Dưới sự suy nghĩ của một nhà thơ, sự vật dần biến đổi, ra xa khỏi tầm quan sát. Sức tưởng tượng của anh là lớn trong khi biểu hiện là tối thiểu. Mai Văn Phấn có phải là người say mê phong cách hay anh thực sự không quan tâm lắm đến các chủ nghĩa, trường phái? Câu trả lời tùy thuộc vào từng giai đoạn sáng tác. Thơ anh không chỉ viết về thiên nhiên, mà còn quan tâm đến mối quan hệ giữa con người và ngoại cảnh, tác động của con người lên thế giới, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, với giọng ca tụng hoặc phê phán. Trong những bài thơ hay của anh, thiên nhiên được mô tả như một ý kiến. Những bài thơ kém hơn mô tả sự vật mà không phải quan hệ giữa con người và sự vật ấy, hoặc ngược lại, nặng về cảm xúc chủ quan mà nhẹ về mô tả hiện thực. Sự thật trong mấy câu thơ sau đây được dung chứa trong giọng điệu của tác giả.

Trong hội trường
Con nhặng
Đột nhiên cất tiếng

Vậy thì Mai Văn Phấn mới. Nhưng mới đến mức nào?

Tĩnh lặng tựa người thiền
Tựa giọt sương dịu mát
Trong hương thơm trái ngọt
Và tiếng chim tìm nhau

Thì không mới. Các câu thơ thời ấy và cả bây giờ của anh hầu hết vẫn theo cấu trúc tuyến tính, phù hợp với ngữ pháp. Anh ít có những câu mất thăng bằng, cắt rời hụt hẫng, những đảo ngược văn phạm khó hiểu. Câu chuyện ít những cú va đập bất ngờ của tình huống, mặc dù vẫn có. Tuy vậy, những năm sau này, mỗi lần đọc xong một bài thơ mới viết của anh, tuy tôi vẫn ít khi giật mình trong lần đọc đầu tiên, vài hôm sau nhẩn nha đọc lại, và lần đọc thứ hai hoặc thứ ba này mở ra sự tươi mới, như khi ta bước ra bầu trời thoáng đãng.

Anh cầm trên tay hòn than nóng bỏng
ngậm lút sâu vào lưỡi câu sắc nhọn
nằm trên từng mũi kim nhói buốt
uống vội vàng ngụm nước đang sôi

Là ngôn ngữ mới, hay cảm xúc mới? Là cường điệu, hay sự thật hơn cả sự thật? Tôi nghĩ, cảm giác mãnh liệt ấy nằm trong toàn bộ ý tưởng và hình ảnh của đoạn thơ, toàn bộ cảm xúc mà tác giả truyền vào nó, như khi bạn gặp người bạn thân lâu ngày không gặp, nửa cũ nửa mới, nửa an tâm, nửa lạ lẫm. Cũng như:

Tiếng sét
Lay bông huệ
Dịu dàng

Thơ Mai Văn Phấn làm người đọc tin rằng thế giới có một đời sống tâm linh riêng biệt, vạn vật cây cỏ có tâm hồn, tin rằng bên trong thế giới của chúng ta có một thế giới khác. Bài thơ chứa đựng trong câu chữ ít ỏi sự tưởng tượng giàu có, mà không bị chất đầy bởi các chi tiết, những chi tiết của một đời sống được xem xét thường trực.

Cái ác đã ngủ yên trong nhụy đắng
Cho đất lành thơm mát đến rưng rưng
Hồn tôi lung linh hạt nắng
Rơi xuống đồng xanh không cùng

Tôi không biết buổi sáng, buổi chiều nào đã dẫn anh đến với bài thơ trên, nhưng tôi tin rằng vào giây phút ấy, một điều gì đó đã gọi anh tới, như có lần cuộc đời gọi bạn ngoài cửa sổ, khi thức giấc sớm mai, còn trẻ. Bạn nhìn thấy điều gì? Thơ ca biểu hiện một trong những mối liên kết sâu xa nhất giữa con người và thiên nhiên, giữa thiên nhiên và văn hóa, và đó là liên kết của tình yêu. Nhưng tình yêu trong thơ Mai Văn Phấn vừa là tình mẫu tử, là tình bạn, vừa là tình nam nữ pha trộn nhục cảm. Tình mẫu tử là tình yêu dành cho người yếu hơn, sự cao lớn cúi xuống, tình bạn là giữa những người bình đẳng, cả hai đều là những tình cảm có thể chia sẻ rộng rãi, duy nhất tình yêu nam nữ là không chia sẻ, có tính sở hữu. Nhục cảm là sở hữu. Sở hữu vừa là đối lập của tự do vừa là sự hòa hợp không bờ bến đối với người khác. Trong nhục cảm, ranh giới bị xóa.

quyến rũ quá
sao mà chịu được
bồng em lên
và xiết chặt hơn
tới vỉa quặng khai phá ký ức
xa vời
rợn ngợp chông gai

Xóa ranh giới để cùng nhau đi tới tận nơi quá khứ ngọc ngà trầm tích. Của cá nhân, đất nước. Mai Văn Phấn làm nhiều thể thơ, từ lục bát đến tự do. Tôi lấy làm ngạc nhiên là các nhà phê bình phân biệt một cách quá rõ ràng những người làm thơ có vần và những người làm thơ tự do. Thực ra thể của bài thơ không chỉ là hình thức bên ngoài. Một bài thơ tự do, tuy không bị ràng buộc bởi số chữ trong câu, các vần quy định, vẫn bị ước thúc bởi những quy luật về nhạc điệu, ký ức, nhịp thở. Vì vậy tuy thơ tự do khác với thơ có vần, tính tương tự giữa chúng vẫn nhiều hơn, và sự dịch chuyển từ cái này đến cái kia là tiệm tiến, không đột nhiên chớp mắt. Thơ Mai Văn Phấn chứng minh điều ấy.

Thôi đừng dỗ cỏ lên trời
Khi tan mộng mị biết ngồi với ai
Dấu chân đừng hóa chông gai
Nép vào bóng xế dũa mài hoàng hôn
Ta về đổ bóng xuống vườn
Cho xanh tươi lại từng cơn úa vàng
Ghé môi vào miệng thời gian
Cho hơi thở mọc vô vàn cỏ non

Ngôn ngữ của anh không phải là ngôn ngữ trừu tượng, hình ảnh trong thơ anh cũng không hẳn là siêu thực, như nhiều người có thể lầm tưởng. Một số yếu tố trừu tượng bắt nguồn nhiều hơn từ tính triết học, một số yếu tố siêu thực bắt nguồn từ khuynh hướng tâm linh và tôn giáo. Thơ Mai Văn Phấn có tính riêng tư đặc biệt; anh có thể nói về bản thân mình, vợ hay con, nhưng vẫn là thứ nhân vật riêng tư mang tính tưởng tượng, và trong một số bài thơ thành công như bài thơ nói về việc cho con uống thuốc, người đọc thấy ở đó người cha và người con như những biểu tượng, chỉ thấy ở đó tình phụ tử. Theo khuynh hướng này, nhưng ở một bài thơ không thành công đâu đó, độc giả sẽ thấy ngập ngừng như khi bước vào một phòng ngủ không phải của mình. Ở bài thơ của anh, trái lại, tính riêng tư tạo nên sự mời gọi, vào một không khí kín đáo nhưng trầm tĩnh.

Cơn sốt thiêu con trên giàn lửa
Cha cũng có thể thành tro nữa
Thuốc đắng không chờ được rồi
Giữ tay con
Cha đổ
Ngậm ngùi thả lòng chén vơi…
Con ơi! Tí tách sương rơi
Nhọc nhằn vắt qua đêm lạnh
Và những cánh hoa mỏng mảnh
Đưa hương phải nhờ rễ cây.
Mồ hôi keo thành chai tay
Mùa xuân tràn vào chén đắng
Tuổi cha nước mắt lặng lặng
Sự thật khóc òa vu vơ.

 
Con đang ăn gì trong mơ
Cha để chén lên cửa sổ
Khi lớn bằng cha bây giờ
Đáy chén chắc còn bão tố.

Tôi mong anh viết nhiều hơn những bài như vậy. Thơ Mai Văn Phấn chứng minh rằng trong thơ, cách tân quan trọng nhất vẫn là cách tân cảm xúc và suy tưởng. Thật ra, bất kỳ bài thơ đáng đọc nào trong một xã hội nhiễu nhương sẽ là bài thơ hướng về cái tốt đẹp, luân lý, bất kỳ bài thơ thành công nào trong một xứ sở ở đó con người ra sức tàn phá đất và biển, giết hại thú rừng, sẽ là bài thơ có khuynh hướng sinh thái. Công việc của thi sĩ là mài giũa ngôn ngữ, nuôi nấng chúng, chờ đợi giây phút mà ngôn ngữ tìm được niềm hứng khởi và hoan lạc ở chủ đề và chất liệu thơ ca. Các bài thơ ngắn gần đây của Mai Văn Phấn, như thơ ba câu trong tập “Thả”(*), đạt được ý nghĩa tối đa của chúng khi trở thành một tập hợp. Ngược lại, có thể xem đó là những cố gắng sắp xếp lại. Tôi lấy làm tiếc là trong từng bài thơ, anh chưa để lộ ý thức xóa bỏ quy ước về ngôn ngữ, thiếu những lắp ghép rời rạc. Có lẽ Mai Văn Phấn hãy còn ít quan tâm đến kỹ thật collage.

Con gián và tôi từ giờ sòng phẳng
Nó chui ra. Tôi vô cảm.
Nó gặm nhấm. Tôi ngập chìm.
Nó leo tường. Tôi thù vặt.
Nó bài tiết. Tôi ăn gian.
Nó hôi xì. Tôi lì lợm.
Nó dò xét. Tôi mở đường.
Nó nghênh ngang. Tôi u muội

Buông thả. Tôi ước gì anh buông thả hơn nữa: sòng phẳng nhưng chưa bình đẳng. Có một liên kết giữa con người và ngoại cảnh, niềm vui được tái hợp của những lạc loài phân rẽ. Về mặt tâm linh, tuy thơ anh không nặng về tôn giáo, nhưng bàng bạc một niềm tin có tính nghi lễ, dân tộc, thờ phượng, như đối với Mẫu. Mang niềm tin vào thơ ca chưa bao giờ là công việc dễ dàng.

Anh phân vân không phân biệt được mưa bụi phơi phới bay
hay lửa reo phần phật
hơi thở ấm hơn hay tiếng chuông ngân?

Bài thơ bắt đầu bằng cái không biết, vận động qua khoảng trống, khoảng im lặng, những cái nhìn chồng lấn nhau, với giọng điệu đôi lúc già dặn, đôi lúc trẻ thơ. Tuy là một người tiếp cận nhanh các khuynh hướng hiện đại và hậu hiên đại, trước sau anh vẫn giữ nguyên giọng nói. Nếu thay đổi giọng nói là một trong những khuynh hướng hậu hiện đại, thì Mai Văn Phấn không thuộc về khuynh hướng ấy. Anh giữ cho mình sự thông suốt trong cái nhìn đối với thế giới, một thế giới ngày càng tan vỡ, anh thừa biết, nhưng, có lẽ vô thức, tìm cách chống lại kết quả của quan sát. Tôi nghĩ, có một bài thơ tiêu biểu cho sự toàn vẹn tôi vừa nói.

Tôi làm vườn để di dưỡng tinh thần
tưới một cây lại uống thêm chén nước
nhà tôi có năm mươi sáu cây

Hình ảnh trung tâm của bài thơ phản chiếu hình ảnh tác giả. Tuy nhiên không phải trong bài thơ nào của anh, tác giả cũng hiện ra rõ như thế, đôi khi chỉ như cái bóng, đôi khi như giấc mơ. Sự vắng mặt của Thượng đế chưa được nói đến rõ ràng, có lẽ chỉ ngụ ý. Không có chủ thể thì không có khách quan, không có thế giới bên ngoài nếu không có thi sĩ. Có vẻ như anh không dùng kỹ thuật phân mảnh, phương pháp siêu thực, bỏ qua một số thao tác thể nghiệm chẳng hạn thơ tân hình thức, tất cả những điều này làm cho con đường sáng tạo của anh sáng rõ hơn, nhưng chưa chắc đã dễ dàng hơn. Tôi có thói quen ước chừng kích thước từ vựng các nhà thơ. Mai Văn Phấn ít dùng chữ lạ, bất thường. Với một kho từ vựng không lớn, sự tránh cho chúng khỏi dẫm lên nhau là điều khó. Bạn có thể tránh được điều này, với một kỹ thuật điêu luyện và một cái giá phải trả, đó là ngay từ câu thơ đầu tiên bạn phải mở được cánh cửa và đi thẳng vào cánh cửa ấy. Bạn không đi vòng.

Tức là bạn bắt đầu một cách sáng suốt, và, do đó, sẽ phải kết thúc một cách mờ tối.

Sau tiếng quạ kêu
Ra đi không cưỡng lại
Gói bọc được mở ra
Sự băng hoại không thể cất giấu
Thầy lang đốt sách cuối vườn

Thơ Mai Văn Phấn giàu liên tưởng và nhiều biểu tượng văn hóa gốc. Có thể cho rằng thơ anh xuất phát từ các nguyên mẫu văn hóa, và vì truyền thống Việt Nam là một truyền thống nhiều hòa hợp hơn xung đột, nhiều pha trộn hơn tinh khiết, nên các nguyên mẫu ấy không đồng nhất. Có thể thấy tuổi thơ của anh là tuổi thơ êm đềm, dù khó khăn hay nhọc nhằn, vì ký ức trong anh là ký ức đẹp, như mặt trời phản chiếu trong mặt nước yên tĩnh, bát ngát cô quạnh hơn là bão tố, tan vỡ. Tất nhiên những đau khổ của con người có thể mang vẻ ngoài yên tĩnh, những bi kịch nội tâm xáo trộn nhiều hơn biển cả, nhưng người đọc chờ đợi điều ấy thể hiện nhiều hơn trong thơ anh, nếu quả thực chúng đã từng chiếm giữ những khoảnh khắc quan trọng nhất của đời người.

Tôi ngủ trên giường
Con chó dưới sàn
cách tôi ba mét bảy mười lăm xăng-ti.
Sau này vợ tôi đo và bảo thế.

Đây là cách cấu tứ của Mai Văn phấn, kể chuyện thong thả, chi tiết nhỏ, tỉ mỉ và chính xác, giọng điệu nhẹ nhàng, nhưng ý tưởng thì lớn hơn. Thành tựu nghệ thuật trong những năm gần đây của anh có thể khó nhận ra hơn so với nhiều người khác, một phần vì thơ anh xa rời các vấn đề thời sự, mặc dù không hề xao lãng thế sự. Là người viết trường ca, càng về sau anh càng thiên về thơ ngắn. Đó là một ngôn ngữ tự bộc lộ mình, vừa mô tả vừa biểu cảm, vừa khách quan như thơ haiku vừa biểu hiện như thơ Đường, nhưng cả hai thứ ấy đều không phải là thơ anh, tất nhiên mới hơn và pha trộn nhiều hơn. Đó là một ngôn ngữ nặng về tinh thần, tâm linh, thiền, một ngôn ngữ đôi khi phảng phất hình ảnh của phép mầu nhiệm, điều rất hiếm gặp ở các nhà thơ Việt. Thơ anh cá nhân và riêng tư. Ranh giới giữa nhà thơ và người đọc ngày càng thu hẹp lại trong thơ hiện đại, trở nên tối thiểu hóa trong thơ hậu hiện đại. Một chuỗi dài những bài thơ của anh hướng về sự hồi phục sau chấn thương, trầm tĩnh trở lại sau tin buồn, sự khôi phục.

Mưa cầm tiếng phách tiếng sênh
Cho ta buông giữa chiều chênh lệch chiều
Tim mình một thoáng không kêu
Lặng yên như có nhiễu điều phủ lên
Lá rơi lên tiếng kim tiền
Trong mưa nghe lọt cả miền âm dương
Sen tàn chờ gió rung chuông
Mưa như dây níu con đường vào chân

Mai Văn Phấn ít hài hước, hiếm thấy nụ cười nhất là giễu cợt trong thơ, nhưng ngược lại cũng ít tìm thấy nỗi sầu cảm melancholy, tiếng gào thét, vết thương chảy máu. Hoặc anh không hướng về những nỗi buồn đau ấy, hoặc chúng được nén lại bằng sức mạnh tâm linh. Các đề tài của anh xoay quanh kinh nghiệm giao tiếp giữa tác giả và thiên nhiên, ít có hình bóng người thứ ba, đến từ thế giới nhộn nhịp, bụi bặm và tao loạn hôm nay. Con đường sáng tác của anh rất dài, chia làm ba: thời kỳ cổ điển trước hiện đại, thời kỳ khai phá và hậu hiện đại, thời kỳ sau hậu hiện đại, với sự trở lại, mặc dù không hoàn toàn, của thẩm mỹ cổ điển và thơ ngắn. Câu văn trong sáng, từ ngữ đẹp, ẩn chứa sức tươi trẻ lạ lùng không dễ nhận ra. Thơ anh mô tả thế giới khách quan nhưng vẫn nhuốm vị lãng mạn. Đó không phải là mô tả tỉ mỉ, chi tiết như thường thấy trong thơ phương Tây hiện nay. Sự mô tả ấy có tính giản lược và Đông phương. Mai Văn Phấn ca ngợi sự sống, ca ngợi cuộc đời bằng cách nào? Bằng cảm giác. Tình yêu và nhục cảm.

Gọi trái xanh níu cành chín rục
mặc con dơi treo mình ngủ trong chiều muộn
gió tràn về vi vút bông lau

 
Em và anh tụ thành nước mát
mưa xuống những nụ hôn làm lại thế gian.

Thơ anh là thơ của những đồng cảm rộng rãi, hóa thân, sự trở thành người khác một cách tự nguyện, hòa vào dòng chảy êm đềm của đám đông, mà vẫn giữ riêng mình chất huyền thoại. Anh không phải là người can dự trực tiếp các vấn đề xã hội, là người đứng riêng một cõi, lặng lẽ, độc lập mà vẫn hòa đồng. Tính cách ấy không những giúp Mai Văn Phấn tạo được không khí riêng của mình trong đời sống mà còn chuyển năng lực sáng tạo vào những chủ đề quan trọng. Gieo gặt trong những mùa màng khác với người cùng hoàn cảnh, anh ý thức rõ về sự phá hủy, về hướng đi đáng báo động của một xã hội phát triển không bền vững, vội vã chạy theo hiện đại hóa. Không hẳn là một người theo chủ nghĩa sinh thái học, Mai Văn Phấn chuyên cần và tha thiết sống và viết với thiên nhiên, rừng cây, thảm cỏ, động vật. Thơ anh ít nói hơn, mặc dù vẫn có, về thảm kịch, cái chết, tuyệt vọng. Tôi không nghĩ rằng anh tránh né những đề tài ấy, có điều có thể chúng không chạm được đến cõi rung động của anh, làm anh xao xuyến, bần thần, như ở người khác. Mai Văn Phấn đi tìm những đức tin tôn giáo trong sự vật, đời sống, nhiều hơn ở các tín lý giáo điều. Sự cân bằng trong thơ anh, vẻ thanh đạm, chừng mực có lẽ là do những ảnh hưởng tâm linh, hoặc anh ý thức một cách rõ ràng hoặc do các động cơ vô thức. Tuy vậy, vẫn có những phút sáng loáng, như tia chớp, như mặc khải, những kinh nghiệm độc nhất. Và lúc ấy thơ anh tựa như loại thơ ngắn có nhiều chất ngụ ngôn ở một số nước Trung đông, như Rumi, pha chút thần bí. Lúc nào cũng tươi trẻ, vì loại thơ ấy say đắm tình yêu, say đắm ý nghĩa mới mẻ của cuộc sống.

Muốn dừng lại bên đường
Nằm lên cỏ
Trời cao mong leo lên cây
Nhìn xuống tiếc nuối cát
Thèm trộn vào cát

Chủ nghĩa tối thiểu trong thơ Mai Văn Phấn ngày càng trở thành khuynh hướng chính yếu, ít nhất những năm gần đây, nhưng không át đi hoàn toàn bút pháp trữ tình, mô tả, dàn trải, giọng tâm sự, chất tâm tình. Đó là một chủ nghĩa tối thiểu được phát triển ra ngoài khuynh hướng khách thể hóa tuyệt đối. Sự chậm lại trong thơ Mai Văn Phấn là sự chậm lại của ký ức, một ký ức của hạnh phúc, lo âu, chia sẻ, lớn lên.

Chiếc bẫy
Con thú
Xa nhau trong sương đục

Chúng ta dừng lại ở đây. Xa nhau cần được xem là một động từ. Phép so sánh trong thơ không phải chỉ là hình ảnh trang trí cho đẹp, như bông hoa trên ngực áo. Ẩn dụ tạo ra ý nghĩa; chính nó là ý nghĩa. Đó phương cách mà Mai Văn Phấn dùng để tạo ra sự thân mật giữa người đọc và người viết, giữa khung cảnh và nhân vật, và điều ấy đặc biệt khó khăn trong một thế giới đầy rẫy nghi kỵ và bạo lực, về tinh thần và trí tuệ, như hiện nay. Nỗi ao ước thầm kín của mỗi cá nhân là được gần gũi với cá nhân khác. Con người đến gần nhau trước hết bao giờ cũng bằng tin cậy; lòng tin là phẩm chất quan trọng bậc nhất và cũng dễ vỡ nhất trong những phẩm chất của con người. Ernest Hemingway viết rằng, cách tốt nhất để tìm ra liệu bạn có thể tin cậy vào một người hay không, là trước hết bạn tin cậy họ. Lòng tin có thể bị đánh cắp, bị đập vỡ, đánh mất. Nhưng trước hết bạn phải tin đã. Nếu không, bạn không thể đi thêm một bước nào. Nếu đã từng dự một cuộc đọc thơ, bạn biết rằng sự chú ý của người nghe, sự tập trung của họ, là cao nhất trong các sinh hoạt tinh thần, sự im lặng ấy trong khi nghe bạn đọc thơ là gần tuyệt đối. Trong sự tập trung ấy, giao tiếp giữa những con người được tối ưu hóa. Thơ tạo ra sự tồn tại ở nơi không tồn tại. Bởi vì chúng ta không tin tưởng vào cái chết, vào bạo lực, phá hủy, chúng ta không tin vào tro tàn.

Nước cuốn chiều nao nghịch phách
Mình anh xoay bốn phương trời
Tay nâng cây đàn lên ngực:

Bên tình dậu mà tình ơi…

Nhà thơ đi qua mọi sự việc, khép lại cánh cửa của bài thơ, và người đọc đến đó để thưởng thức một sân khấu đã được tính toán kỹ, âm thanh, ánh sáng, khoảng cách, và do đó vai trò của tác giả, thậm chí của đạo diễn không còn quan trọng và hiển lộ nữa.

Soi lên ngực em biết lòng mình ngay thẳng. Chợt nhớ lần đầu ra biển, được lún vào cát, lặng im trong vô tận luênh loang. Thoáng nỗi sợ vô tình gặp cơn bão lốc, giữa đêm đen dựng dậy sóng thần. Chạm vào nước, lặn sâu vào nước, anh ước mình có thể nín thở mãi. Trong một thời đại có nhiều thay đổi, trên một đất nước có quá nhiều thay đổi, thơ Mai Văn Phấn là tượng trưng của kinh nghiệm siêu nhiên. Đó là sự chậm lại, tập trung, sự trống rỗng. Khi bạn tập trung, thời gian trôi chậm. Khi bạn tập trung, mọi hình tượng của sự vật dần dần nhường chỗ cho trống rỗng. Vì vậy thơ anh tất phải đi vào cái bình thường, đi vào các chi tiết, tìm cách mở rộng các thí dụ của chúng trong không gian rộng lớn hơn, tìm cách đẩy xa biên giới của ẩn dụ. Mặt khác, trong không gian nhỏ hẹp, loại thơ ấy cần loại bỏ cái tôi, sự diễn dịch, cần thêm nhiều hình ảnh. Nhưng chúng ta nhớ rằng Mai Văn Phấn xuất phát từ một truyền thống khác, truyền thống trữ tình Việt Nam, trong đó tính chất biểu hiện, cái tôi trữ tình, phép biểu tượng có tính chủ quan, giọng điệu tha thiết, vốn nổi bật. Thơ Việt ngày trước chịu nhiều ảnh hưởng của thơ Trung Hoa hơn là thơ Nhật Bản. Vì vậy thơ anh bây giờ cần phép hỗn hợp cao tay, giữa sự mô tả khách quan và giọng điệu riêng tư. Trong khi tiết chế ngôn ngữ, giảm số lượng câu và số chữ trong câu, nhà thơ buộc sử dụng phương pháp khác. Anh phải mở rộng không gian trong việc mô tả, thay đổi khí hậu và giọng của bài thơ, xếp đặt các hình ảnh khác nhau thành chuỗi, đặt bên những câu đơn giản những câu bất ngờ hơn và phức tạp hơn.

Có khi sự dễ hiểu cũng phải bị hy sinh.

Đặt bát nước
Cạnh con dê bằng gỗ
Mùa hanh khô

Theo tôi, trong các đức tính của thơ, sự dễ hiểu ít quan trọng nhất. Vốn sở trường về thơ tự do, Mai Văn Phấn biến đổi văn phạm, ngắt câu và xuống hàng một cách mới mẻ, tạo ra tứ thơ ngày càng tách rời các khuôn thước ngữ pháp, mở rộng khả năng ứng dụng của ngôn ngữ. Chỉ tiếc rằng trong những giới hạn của những câu quá ngắn, cố gắng ấy của anh không phải bao giờ cũng thành công. Đễ hãm chậm tiến độ của một câu thơ, bạn phải bẻ cong chúng, hướng sự chú ý vào những chi tiết nhỏ nhưng sắc. Bạn càng đến gần, sự chú ý càng tăng, mức độ thân mật cũng tăng lên, khoảng cách giữa nhà thơ và người đọc ngắn lại, bạn dễ dàng trở thành người đứng về một phía với tác giả, hòa đồng với anh ngay cả trong tình huống gay cấn. Tuy vậy, giữa các nhà thơ cách tân, Mai Văn Phấn thuyết phục nhiều hơn là thách thức người đọc. Bài thơ của anh cần nhiều trường liên tưởng, cách đọc liên văn bản, cần sự can dự trước sự hiểu, cần sự hiểu trước sự xúc động.

Tôi ở giữa
Nhiều hệ quy chiếu
Những linh hồn hữu tri
Vô tri
Và chưa được đặt tên

Thật ra im lặng của một bài thơ là không tuyệt đối. Im lặng nào cũng sở hữu tiếng nói riêng của mình, nhiều khi chúng ta không nghe được ở nơi kết hợp giữa ngôn ngữ và phi ngôn ngữ. Đó là sự im lặng mong manh, dễ bị phá vỡ, xen kẽ ánh sáng và bóng tối, giàu nhạc điệu, nơi thế giới bên ngoài và thế giới bên trong giao hòa, nơi hạnh phúc và sự tìm kiếm không thỏa mãn giao nhau, nơi những cảm xúc xung đột tìm cách đến gần nhau mà không tan vỡ, như thế giới vật chất gặp phản vật chất. Những bài thơ ngắn đôi khi cần những giải thích bên lề. Thơ đương thời phát triển đến mức, tôi nghĩ, vượt qua sự hiểu biết và cảm nhận của người đọc trung bình. Những khái niệm như đúng sai, hay dở, tốt xấu, trước đây tưởng là không bao giờ thay đổi, cũng bị thách thức. Thế giới ngoại cảnh mang theo bóng dáng của chúng ta, ý nghĩa mà chúng ta tạo ra cho chúng. Đặc trưng của thơ Mai Văn Phấn là thấu hiểu, mang chứa, tự rời bỏ cái trung tâm, tự xóa bỏ, phá cấu trúc. Càng ngày anh càng đến gần với một thứ thẩm mỹ Đông phương đương đại hóa, càng ngày bài thơ của anh càng mở ra như một tâm trí cởi mở, hiện thực có tính toàn thể, của thăng hoa. Trong khi anh càng nghiêng về thể, thì những thay đổi tâm hồn, cảm xúc, nhận thức ngày càng có xu hướng không định hình. Để hiểu và yêu mến thơ anh, người đọc không cần những khen ngợi vội vã hay tranh cãi ồn ào, mà cần nghe được tác động chậm rãi và lâu dài của tình yêu điềm đạm, nhìn thấy được ánh sáng của những vòng sóng lan ra trên mặt nước. Sự chú ý và sự thay đổi, cả hai phẩm chất ấy trong thơ Mai Văn Phấn cùng lúc trở nên cần thiết như nhau. Quá chú ý và ít thay đổi, bạn có một thứ thơ Đông phương cổ điển, như thơ Đường, quá thay đổi và không chú ý, bạn sẽ có một thứ trình diễn sân khấu, nghệ thuật của cái thoáng qua, nhà thơ không để lại dấu chân của mình trên mặt đất. Làm thế nào một nhà thơ để lại dấu ấn sâu? Tôi cho rằng có ba cách: phải viết khác đi, không lặp lại người trước; phải viết mới, tạo ra những điều chưa từng được nói đến; hoàn toàn trung thực với cá nhân mình, vì mỗi cá nhân tự nó không lặp lại, trong vũ trụ.

Ngọn gió đổi màu
Trườn qua cát bỏng
Người dễ thấp hèn
Lúc trời cao rộng

Tính độc đáo của nhà thơ không phục vụ chính nó, đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết trong thời đại chúng ta, nơi các truyền thông đại chúng, kỹ nghệ đám đông, đời sống đô thị, sẵn sàng điều khiển hóa con người thành những tập hợp đồng nhất, phi cá nhân. Ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ hình ảnh, quy ước, biểu tượng. Sự sáng tạo không phải chỉ là, thậm chí không hề là, khởi đi từ các ý tưởng tiền đề, hoài bão, nung nấu, như thể bài thơ là kết quả của chúng, trái lại sự sáng tạo xảy ra vào giây phút bạn ngồi xuống, viết, trong cay đắng, trong chớp mắt những chữ ấy xuất hiện. Chữ đầu tiên kéo theo những chữ khác, vượt ra ngoài sự kiểm soát của người viết. Sử dụng ngôn ngữ hay và đẹp là hành xử gần như siêu nhiên, gần với sự thật, gần như tự do.

Sấm rền
Cá trong miệng chim săn mồi
Hy vọng

Đuổi theo tự do chính là đuổi theo việc dùng chữ, săn đuổi một thứ mà bạn chưa bao giờ mất, tìm kiếm một phẩm chất mà bạn hằng có, vì vậy tính độc đáo của nhà thơ trước hết nằm trong vật liệu sáng tạo của người ấy, tức là sự trở lại với cội nguồn tâm linh như kẻ tha hương về cố thổ. Mối quan hệ giữa thơ trữ tình và ngôn ngữ khách quan là mối quan hệ phức tạp và tinh tế. Thơ trữ tình là tiếng nói của cái tôi, của tâm hồn, từ xưa cũng thế, sau này vẫn thế, nhưng thách thức lớn nhất của nó hiện nay là việc biến đổi từ khuynh hướng sử dụng giọng điệu đầy tính biểu hiện, tâm tình, thổ lộ, thành giọng điệu tỉnh táo, mô tả. Điều thiết yếu khi đọc chúng là khả năng xem xét chính mình, tự sống lại những kinh nghiệm bản thân, trong mối quan hệ liên văn bản với việc đọc ở người khác, nơi khác, hơn là chỉ tập trung trong những câu thơ. Nếu Mai Văn Phấn tiếp tục theo đuổi khuynh hướng cách tân trong nhiều năm tới, mà tôi chắc anh sẽ làm thế, cách đọc thơ anh phải khác đi, người đọc và các nhà phê bình cần đặt anh vào một trường quy chiếu đặc biệt, trong đó sự thẩm định giá trị nghệ thuật mới sẽ giúp người đọc tiếp nhận thơ của những người cách tân như Mai Văn Phấn đầy đủ hơn, và giúp chính tác giả triển khai sở trường của mình. Có thể anh sẽ trở lại với thơ dài, thậm chí rất dài, một phần vì anh có sở thích thơ xuôi. Một số bài thơ ngắn của anh cần được văn xuôi hóa (rephrasing), là một thao tác phê bình căn bản mà tôi thường làm, nhằm đọc và đọc lại. Ca tụng sự sống, cái thiêng liêng siêu việt, ca tụng bằng im lặng như cầu nguyện, ngôn ngữ gần duy mỹ, chạm tới triết học, là những đặc sắc của Mai Văn Phấn. Nghệ thuật im lặng là dừng lại, khoảng cách, là kẽ hở, là trống rỗng, giữa các câu thơ, giữa các chữ, giữa các chỗ ngắt dòng, sự mất tích. Sự thả. Sự im lặng trong thơ xảy ra một cách nghệ thuật chỉ khi nào có sự bất tương xứng giữa suy tư và cảm xúc của nhà thơ và khả năng biểu đạt của ngôn ngữ mà người ấy dùng. Cũng như khi một người nói năng lưu loát lạc vào chỗ đông người tranh cãi ầm ĩ, anh ta im bặt. Nhưng đó là sự im bặt có tính chuẩn bị, một thứ cân bằng động, không phải im lặng bất lực. Đó là im lặng có tính riêng tư, đi xuyên qua những chữ được kén chọn kỹ, những chữ như thế sẽ trở thành những cái mốc, điểm sáng dò đường.

Trời tối
Con chuột và tôi
Băng qua đường

Sự đồng nhất hóa của tác giả trong thơ Mai Văn Phấn với nhân vật hay với đối tượng mô tả, tức là những chất liệu nghệ thuật, đôi khi trở nên mạnh mẽ đến mức thành vô thức. Điều chúng ta nghĩ là hiện thực có khi chỉ là sự tái xây dựng các hình ảnh khách quan trong tâm trí. Tỉnh thức là vừa tồn tại vừa ý thức từng giây phút về tồn tại ấy như một thực thể độc lập, tự tách mình ra khỏi chủ thể, nhưng vẫn hòa nhập với chủ thể; sự phân chia và hòa nhập không tách rời. Câu chuyện mà chúng ta nói về cá nhân và dân tộc, về những điều chúng ta tin là đúng, bao giờ cũng hướng về cái tốt đẹp, và như vậy ký ức chẳng qua là quá trình thăng hoa, làm biến đổi câu chuyện; văn hóa càng thay đổi, ngôn ngữ càng phải thay đổi theo. Sự chú ý không phải là sự hiểu biết. Sự hiểu biết và sự không hiểu biết làm nên sự chú ý, sinh ra bài thơ.

Trái đất bắt đầu vòng quay khác
Nhanh hơn

Đọc sâu, nghĩ lớn, không phán đoán vội vàng, xúc động dai dẳng, là những yếu tố quan trọng đối với một nhà thơ, anh ta phải sẵn sàng rời bỏ biên giới của hiểu biết và tìm kiếm những mảnh đất xa hơn của sự chú ý. Sáng tạo như thế bao giờ cũng là lưu vong. Để nhìn thấy thế giới từ nhiều phía, để nhìn thấy sự thật của nó, chúng ta cần một ý thức có khả năng xuyên thấu giới hạn giữa con người văn minh và con người hoang dã, giữa một xã hội thuần hóa và những khả năng bất tận của thiên nhiên, ngoài con người.

Nguyễn Đức Tùng


(*) “Thả” là tập thơ in năm 2016 của Mai Văn Phấn; đọc thêm Hoàng Thụy Anh: “Thả” vào Thanh Tịnh, http://vanhien.vn