Tao Đàn Mắt biếc được tác giả Nguyễn Nhật Ánh sáng tác vào năm 1990. 30 năm sau, câu chuyện ngây thơ tình si ngày nào của Ngạn và Hà Lan cuối cùng đã được lên màn ảnh rộng.

Viết về Mắt biếc là viết về những mối tình si. Không chỉ một mà tới 3 câu chuyện tình. Và chỉ một trong số đó được cái kết có hậu.

Câu chuyện mở đầu với tuổi thơ của Ngạn, một cậu bé thuộc trường phái cổ điển và cô gái hơi hướng hiện đại Hà Lan. Hai người bên nhau từ thời cởi truồng tắm mưa, những ngày tiểu học giành cái trống trường, cho đến những tháng ngày lặng lẽ làm đôi bạn cùng tiến, và nổi giông bão ở cái thời điểm Hà Lan lên thành phố học hành.

Cho dù Nguyễn Nhật Ánh đã cố giành lấy sự đồng cảm của độc giả khi để dành nhân vật “tôi” trong vai Ngạn tự kể về thời ấu thơ cho tới khi trưởng thành, kể về những tháng ngày được ở bên cạnh Hà Lan. Nhưng không thể phủ nhận một sự thật rằng, cậu bé Ngạn và cô bé Lan của ngày nào vốn dĩ đã sống ở 2 thế giới hoàn toàn khác nhau, cho dù khởi đầu chung một môi trường giáo dục.

Ngạn là một kẻ nhút nhát, rụt rè, sống nội tâm và không có gì nổi bật

Trái lại, “mắt biếc” Hà Lan mang danh cô gái miền quê xa xứ, nhưng lại đặc biệt mến thương chốn xa hoa thị thành. Cô dường như được sinh ra để dành trọn tình yêu cho những gì đẹp đẽ ở thành phố, nơi mà Lan lần đầu tiên đi học đã quay về miêu tả rằng “đó là nơi huyền ảo, đẹp lung linh gấp trăm lần quê mình”.

Ngạn thích những gì cổ điển, những gì rụt rè, những gì âm thầm, những mối tình câm, ý tại ngôn ngoại.

Lan phá cách, lớn trước tuổi. Cô yêu Dũng ở độ tuổi trăng tròn, và sống chết với mối tình ấy một cách hết sức ngây thơ, nhàm chán.

Và dĩ nhiên là 2 con người ấy, vốn ngay từ đầu định mệnh đã an bài rằng họ chỉ có thể làm bạn

Ngạn là bài học cảnh tỉnh cho những anh chàng thích đóng vai trai tốt

No love for good man – Không có tình yêu nào cho những trai tốt! Ông bà đã đúc kết thành câu châm ngôn như vậy từ xa xưa, nhưng vẫn không ít chàng trai thời đại bây giờ vẫn thích đóng vai trai tốt.

Bởi họ đang hiểu nhầm cái nghĩa thực sự của “trai tốt”

Và Hà Lan đã định nghĩa được đúng đắn nhất cái danh xưng này, thông qua một nhân vật không thể thảm hại hơn, không ai khác chính là Ngạn!

Khi nào Ngạn biết được Hà Lan không yêu mình? Đó là thời điểm mà cô nghe tiếng đàn của anh.

Có cô gái nào nghe chàng trai bên cạnh đánh đàn cho mình hơn một năm trời, mà không hiểu ý tứ của anh ta? Chẳng ai hết. Hà Lan biết Ngạn yêu mình, và vô cùng thất vọng khi hơn 1 năm trời mà anh chàng lù đù cục mịch kia chỉ dám “gảy đàn”. Một lời thốt ra cũng tuyệt nhiên không có.

Thậm chí đến phút cuối cùng, chán nản cô mới hỏi “rõ ràng bài này ông sáng tác phải hông”, thì Ngạn mới thành thật “ừ đúng rồi, tất cả những bài hát trước nay tôi đàn đều là do tui tự sáng tác”

Và Hà Lan cũng biết tỏng từ lâu rồi. Trời ạ, cái giây phút đó mà Ngạn tỏ tình luôn, thì mối tình ấy đã kết thúc ngay từ lúc ấy, chứ nó không đau đớn thành một câu chuyện day dứt nhiều năm liền

Có thể một anh chàng rụt rè như trường hợp này, vẫn còn có thể cứu vãn. Nhưng rồi khi Lan lên thành phố, khi bắt gặp Dũng, mọi cơ hội đã chính thức khép lại với chàng Ngạn tội nghiệp ngày nào! Bởi ngay lúc đó, Dũng hơn hẳn Ngạn về mọi mặt. Dù sau này Dũng lộ chân tướng là trai xấu, nhưng ít nhất hắn cũng thú vị hơn cậu bé rụt rè ở quê

Nhiều năm sau, khi mà con gái của Hà Lan đã lên lớp 9, khi mà Ngạn lẫn Hà Lan đều đã ngoài 30, Ngạn một lần nữa lại không thể lọt vào mắt xanh của cô gái năm ấy, một kết cục không thể thảm hại hơn!

Cái ngày định mệnh mà mẹ của Lan nói thẳng với cô về vấn đề yêu Ngạn đi, Hà Lan đáp “anh ấy quá tốt, con không xứng với anh ấy”

Câu nói đó được dịch nghĩa đầy đủ là “cho dù con đã là mẹ đơn thân, đã có một cô con gái, nhưng anh giáo làng cục mịch tên là Ngạn kia vẫn không thể trở thành người xứng đôi với con được mẹ ạ. Anh ta quá nhạt, quá kém, không dám tỏ tình đến tận bây giờ, không dám giành lấy tình yêu, không chủ động. Một chàng trai như vậy thì ai dám đặt niềm tin để dựa vào?”.

Quá đủ thảm hại cho những người trai tốt! Định nghĩa đúng đắn nhất cho từ trai tốt ở đây là “họ nhạt nhòa, thảm hại và họ tưởng rằng thế là tốt, thế là hay”

Cũng như trong bóng đá, một đội bóng không thể cứ tấn công ào ào, đan bóng đẹp mắt, rực lửa là hay. Cái mấu chốt ở đây là ghi bàn. Tán gái cũng vậy, hình ảnh Ngạn trong câu chuyện mắt biếc này chỉ là ôm mối tình si hàng chục năm trời, không dám mở lời quyết định, thì thất bại là 100%

Hà Lan – mối tình đầu và sau tất cả là cái kết có hậu

Yêu một cách dại khờ, đó là Hà Lan. Biết rõ Dũng là gã chẳng ra gì, lăng nhăng nhưng vẫn yêu, vẫn tha thứ nhiều lần. Ở cái tuổi 17, trao thân cho người chẳng xứng đáng, để rồi mang thai và làm mẹ đơn thân. Một cô gái dám yêu và biết yêu, nhưng lại có một mối tình buồn bởi vì đã chọn sai người.

Hà Lan yêu Dũng hệt như cái cách cô yêu thành phố, nơi cô thuộc về. Nhưng tình yêu đó khác hẳn hoàn toàn với tình yêu thành thị. Mưu cầu sự đẹp đẽ xa hoa ở thành phố không có gì sai. Cô hoàn toàn có quyền làm thế. Nhưng yêu một người không ra gì mà vẫn năm lần bảy lượt bỏ qua thì cô đã mù quáng hoàn toàn.

Thậm chí cái tình yêu của cô Mắt Biếc cũng si cuồng chẳng kém gì tình yêu của Ngạn đối với cô. Bởi vì nhiều năm sau, cô lại muốn tiến tới với một anh chàng khác tên là Linh, chỉ bởi vì Linh trông có nét gì đó rất giống vẻ phong lưu ngày xưa của Dũng!!!!!!!Nhưng điểm khác biệt ở đây là cô lí trí hơn Ngạn nhiều, và bởi vậy sau tất cả, cô đã có được thứ mình cần, một mối tình cuối cùng với người chồng chấp nhận được quá khứ của cô. Và Hà Lan xứng đáng với cái kết có hậu này, một cô gái có một cái hạnh phúc tuy muộn màng, nhưng vô cùng cần thiết.Cách cô từ chối Ngạn cũng rất tuyệt vời, thẳng thắn và lạnh lùng, đủ để thức tỉnh được những tâm hồn thích đóng vai “trai tốt”

Cái hay của Nguyễn Nhật Ánh là gợi mở từ từ số phận của từng người, đối với Hà Lan thì ngay từ đầu truyện đã tiết lộ theo cái phong cách Định mệnh an bài, y như người bà nội của Ngạn đã nói “số con bé nó khổ, nó có đôi mắt biếc, nên đời nó vậy, vất vả long đong”

Nhưng thực ra thì cô gái mắt biếc này còn mạnh mẽ hơn thế! Sau tất cả thì lời bà nội của Ngạn chưa hẳn đã đúng!

Điểm sáng trong câu chuyện – Trà Long & Ngạn

Anh chàng Ngạn cũng may mắn hệt như một gã sư thúc nào đó trong câu chuyện kiếm hiệp Ỷ Thiên Đồ Long Ký của Kim Dung. Gã yêu mẹ, nhưng rồi lại kết hôn với con gái. Tất nhiên đó là kiếm hiệp, nơi chàng và nàng gặp nhau vài ngày là đã ôm mối tình si.

Còn với Ngạn và Trà Long – cô con gái 16 tuổi của Hà Lan ngày nào, thì đó là một câu chuyện khác.

Điểm sáng trong câu chuyện là khi Trà Long ôm mối tình với ông giáo làng, quyết chí học thành tài và về quê làm cô giáo, để kết duyên cùng ông ấy. Một nỗ lực đẹp, vượt qua mọi tuổi tác, thế hệ, thậm chí là luân thường đạo lý. Thế nhưng Ngạn chợt tỉnh ngộ rằng mình thực chất chỉ coi Trà Long là một phiên bản beta của Hà Lan. Và anh chọn cách ra đi, dũng cảm nhưng cần thiết.

Không giống như vị đại hiệp ở trên đỉnh Quang Minh đòi năm lần bảy lượt giết cha của Bất Hối vì lý do yêu người mẹ của cô, nhưng rồi cưới cô gái kia ngay lập tức khi nàng ngỏ lời. Tình yêu của Ngạn với Mắt Biếc Hà Lan thực chất đậm sâu hơn cái vị đại hiệp núi Võ Đang kia rất rất nhiều lần.

Và đúng là, thật khó để ta định nghĩa được tình yêu, và hành động của những kẻ ôm mối tình si còn điên rồ và khó hiểu hơn tất thảy huyền bí của nhân loại này.

Một vài điểm nhấn trong Mắt Biếc

  • No love for good man: Đừng đóng vai trai tốt nữa nhé các chàng trai cục mịch hiền lành. Nếu muốn yêu được người mình yêu, hãy biến mình thành phiên bản tốt nhất, tập thể dục thể thao cho cơ thể tráng kiện, văn ôn võ luyện thành tài, và mạnh dạn lên
  • Dành cho những cô gái thích yêu trai đểu: Dù trai đểu có rất nhiều, yêu lăng nhăng phong lưu thú vị thiệt đấy, nhưng trên đời này vẫn còn nhiều lắm những chàng trai vừa tốt lại vừa thú vị. Và muốn gặp được họ thì cũng phải dũng cảm hơn, lạnh lùng hơn đồng thời nâng cấp bản thân mình lên phiên bản hoàn hảo nhất.
  • Giọng văn của tác giả Nguyễn Nhật Ánh: Đọc Mắt biếc, người ta sẽ lại thấy một giọng văn vẫn tuyệt vời như vậy, kể về tuổi thơ một cách trong trẻo hồn nhiên, kể về quãng đời trưởng thành lạnh lùng, logic. Và cuối cùng luôn tạo điểm nhấn bằng cái kết ám ảnh.
  • Lời của bà nội nói là luôn đúng

Thông tin bên lề: Mắt biếc chuyển thể thành phim

Đạo diễn Victor Vũ sau thành công với phim chuyển thể Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (cũng của cùng tác giả Nguyễn Nhật Ánh) đã lên kế hoạch ra lò bộ phim Mắt biếc. Được biết ông đã tuyển chọn hơn 1400 ứng viên để lựa được người đẹp Nguyễn Trúc Anh hóa thân vào vai Hà Lan, còn Trần Nghĩa hóa thân vào vai Ngạn.

Bộ phim hiện đang được công chiếu trên toàn quốc và đang làm mưa làm gió trên các báo điện tử online.

Cảm nhận phim “Mắt biếc”

Phim thu được 100 tỉ đồng sau 1 tuần công chiếu, trở thành một trong những phim chuyển thể từ truyện Nguyễn Nhật Ánh thành công nhất. Bộ phim có góc quay đẹp, kịch bản tốt, kế hoạch truyền thông bài bản đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của khán giả. Nhưng nhìn chung với những độc giả đã xem truyện, phim mới chỉ truyền tải  60-70% cái hồn “Mắt biếc”. Câu chuyện diễn ra hơn 30 năm với nhiều biến đổi xã hội, quan niệm, tâm lý, thật khó để chỉ gói gọn trong 2 tiếng. Những phân cảnh thời thơ ấu của Mắt Biếc được rút gọn trong hơn 30 phút, mang màu sắc của “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Tiết tấu phim chậm rãi, đôi khi còn gây cảm giác dài dòng, lê thê. Đây có lẽ là tình trạng chung của những phim điện ảnh chuyển thể từ truyện Nguyễn Nhật Ánh. 

Trong dàn viên trong Mắt Biếc, Trần Nghĩa có lẽ là điểm sáng xuyên suốt phim, là nhân vật chính dẫn dắt mạch phim từ đầu đến cuối, sở hữu gương mặt đẹp, đôi “mắt biếc” buồn biết nói, nhân vật thầy giáo “Ngạn” được chàng diễn viên gốc Hà Thành truyền tải trọn vẹn. Những phân cảnh đau khổ, bi lụy được thể hiện rất thật. Ngược lại Trúc Anh có lẽ là mắt xích yếu của phim. Dù được ekip tung hô nhưng hình tượng Hà Lan qua thể hiện của Trúc Anh chỉ đơn thuần là cô gái xinh đẹp, có góc nghiêng thần thánh, diễn xuất vẫn một màu từ đầu đến cuối phim. Nó làm mất cái chất “Mắt Biếc” mạnh mẽ Nguyễn Nhật Ánh dày công xây dựng, biến Hà Lan thành “bình hoa di động” hay “thả thính” Ngạn. 

Nói về tình tiết phim, đạo diễn Victor Vũ đã thay đổi so với nguyên tác, sau bao năm Ngạn đã dũng cảm nói ra tình cảm của mình, còn Hà Lan không đến với Linh mà tiếp tục ở vậy.

Xem thêm: Xuất xứ của tác phẩm Mắt biếc