1. Về mâu thuẫn nghệ thuật của tác phẩm văn chương
1.1. Mâu thuẫn nghệ thuật (MTNT) của tác phẩm văn chương (TP) là một phạm trù của phép biện chứng nghệ thuật, biểu hiện những hiện tượng xung đột, mâu thuẫn trong nội dung phản ánh của TP, trong sự vận động của TP trong ý thức tiếp nhận của người đọc, nhất là trong mối tương quan giữa nội dung và hình thức của TP. MTNT là nhân tố cơ bản chi phối kết cấu của một TP, tạo nên đặc trưng của cấu trúc TP.
1.2. MTNT của TP là một phạm trù với hàm nghĩa hết sức phong phú và có nhiều cấp độ. Vì vậy, khi bàn về MTNT của TP, mỗi nhà nghiên cứu có thể tiếp cận nó trên các cấp độ và khía cạnh khác nhau.
a) M.B Khrapchenko nhấn mạnh xung đột như là một yếu tố giữ “vai trò quyết định trong cấu trúc của TP nghệ thuật”. Tác giả cho rằng xung đột không chỉ tồn tại trong TP tự sự mà cũng tồn tại trong thơ trữ tình, và xác định “… bất kỳ những xung đột nào của TP cũng phản ánh bằng cách này hay cách khác những mâu thuẫn của cuộc sống hiện thực”. Như vậy, khái niệm “xung đột” trong TP được Khrapchenko xác định như là sự phản ánh mâu thuẫn trong đời sống thực tại. Chẳng hạn, đó là xung đột giữa cá nhân và xã hội với những biểu hiện đa dạng, nhiều mặt như: mâu thuẫn giữa những nhu cầu chân chính của dân tộc, của nhân dân với thể chế xã hội chuyên quyền, tồi tệ; mâu thuẫn giữa thói nhỏ nhen, ti tiện của cuộc sống với những nguyên tắc và những chuẩn mực của sự hoạt động sáng tạo tích cực, giữa sự hủ lậu và ngu dốt với sự phát triển của văn hoá, của tri thức, với sự tiến bộ của xã hội loài người…
b) A.Ia. Esalnek cho rằng những mâu thuẫn thực tế của bản thân thực tại được phản ánh và khúc xạ rõ nét qua sự tương phản, sự đối lập hay tính chất phản đề của các tính cách. Tác giả nêu lên một loạt phản đề của các tính cách được xây dựng trong các TP của Lermontov, Chekhov, …
A.Ia. Esalnek còn chú ý đến những mâu thuẫn, đối lập bên trong bản thân các tính cách – nhất là những tính cách đặc biệt phức tạp và phát triển – được nhà văn trình bày trong một tương quan phức tạp của các mặt tích cực và tiêu cực, trong sự biến đổi và phát triển. Chẳng hạn, những mâu thuẫn bên trong tính cách nhân vật Grigory Melekhov trong tiểu thuyết Sông Đông êm đềm của Sholokhov.
Tác giả cũng chú ý đến “tính mâu thuẫn trong sự đánh giá của tác giả có thể bộc lộ ở những TP”. Chẳng hạn, trong Truyện kể về binh đoàn Igor, tác giả vô danh đã bày tỏ lòng khâm phục chân thành đối với các tráng sĩ Nga dũng cảm, nhưng đồng thời lại lên án cuộc hành quân đơn độc vào thảo nguyên của họ đã dẫn đễn chỗ diệt vong và khiến kẻ thù đánh vào nước Nga cổ…
Ngoài ra, theo Esalnek, đôi khi còn nảy sinh trong TP mâu thuẫn giữa khuynh hướng suy lí với khuynh hướng nghệ thuật, khuynh hướng hình tượng.
c) L.S. Vygotski, trong Tâm lý học nghệ thuật, cũng khẳng định: “tính chất mâu thuẫn vốn nằm trong cấu trúc của bất kỳ một TP nghệ thuật nào”, và nhấn mạnh: “trong một TP nghệ thuật bao giờ cũng có hàm chứa một mâu thuẫn nào đó, một sự không ăn khớp bên trong nào đó giữa chất liệu với hình thức”. Theo ông, mâu thuẫn này làm dấy lên những cảm xúc đối lập (đối nghịch) nhau, gây nên hiệu quả thực sự của TP nghệ thuật.Tác giả đã phát hiện một số kết cấu đối lập trong TP thể hiện mâu thuẫn biện chứng giữa nội dung và hình thức, gây nên hiệu quả “cảm xúc đối nghịch” hay catacxit trong phản ứng thẩm mĩ của người đọc sau đây:
– Kết cấu “chất liệu” đối nghịch với “hình thức”, chẳng hạn, chất liệu đá “nặng nề” được nhà điêu khắc tạo cho dáng thanh thoát.
– Kết cấu đối nghịch “hơi văn” nhẹ nhõm, thanh thoát lại toát ra từ sự khắc phục chất liệu nặng nề, vẩn đục của một chuyện đời phàm tục.
– Kết cấu nội dung truyện đối nghịch với tiết tấu lời văn kể truyện, chẳng hạn, trong Iliat, nỗi đau buồn, thảm thương do cái chết của Hector gây ra lại được kể bằng câu thơ khoan thai, bình thản.
– Kết cấu đối nghịch được bao hàm trong số phận nhân vật bi kịch : tột độ của sự diệt vong đồng thời là tột độ của niềm hoan thắng của nhân vật bi kịch.
– Kết cấu đối nghịch được tạo ra từ những ý nghĩa tương phản của hành động được xem xét từ những bình diện khác nhau, chẳng hạn, trong truyện ngụ ngôn Con Sói và con Cừu non, chú Cừu non càng thanh minh cho mình tốt bao nhiêu thì càng đi gần tới chỗ chết.
d) Trong Lí luận văn học – vấn đề và suy nghĩ, Huỳnh Như Phương cũng nhấn mạnh: “… xung đột nghệ thuật là nhân tố cơ bản tạo nên bản sắc của cấu trúc TP… Và sự đa dạng của xung đột sẽ làm xuất hiện sự đa dạng của kết cấu TP. Có xung đột biểu hiện qua sự đè nén, giằng co, cưỡng ép giữa các thế lực. Có xung đột được nhận diện bằng sự đấu trí căng thẳng giữa hai tính cách. Có xung đột thể hiện bằng cuộc tranh luận về chính kiến giữa những tính cách đang tìm cách thuyết phục nhau bằng lí lẽ của mình. Lại có xung đột diễn ra giữa hai mặt của một tính cách, tạo nên sự giằng xé bên trong nội tâm nhân vật.”
Theo tác giả, “Biểu hiện dưới dạng xung đột xã hội hay xung đột nội tâm, xung đột nghệ thuật trong TP phơi bày sự mâu thuẫn, cọ xát, va chạm và đối chọi nhau giữa các phương diện của đời sống bên ngoài và thế giới tâm linh của con người”.
e) Phan Huy Dũng cũng khẳng định rằng: “MTNT đặc thù là hiện tượng có thực và phổ biến”, và nhấn mạnh việc phát hiện và nghiên cứu MTNT đặc thù của TP giúp “định giá TP một cách khoa học và sâu sắc hơn, đồng thời giúp cho sự tiếp nhận diễn ra có hiệu quả hơn. Điều này (…) đặc biệt có ý nghĩa đối với việc DH TP trong nhà trường phổ thông”. Tác giả đã “nhận diện” một số loại hình MTNT của TP như sau:
– Hiện tượng chênh nhau giữa nội dung sự việc và giọng điệu trần thuật.
– Hiện tượng vận động “lạc hướng” của tiến trình sự kiện so với xác định dứt khoát ban đầu của tác giả.
– Hiện tượng phối hợp đầy ngẫu hứng giữa những mô típ truyền thống với nội dung hoàn toàn mới.- Hiện tượng xung khắc giữa mô hình kết cấu lôgic với nội dung trữ tình. v.v…
Tóm lại, việc phát hiện và khái quát hóa một số loại hình MTNT của TP có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc dạy học TP ở phổ thông. Nó chẳng những giúp GV tạo THCVĐ nhằm kích thích sự tìm tòi sáng tạo, thúc đẩy tính tích cực hoạt động của HS mà còn giúp nắm bắt đầy đủ và sâu sắc bản thể của TP, phân tích chiều sâu ý nghĩa của các khái quát nghệ thuật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc dạy học TP.
2. Một số loại hình mâu thuẫn nghệ thuật của tác phẩm văn chương
Nói như Khrapchenko “… những hình thức, những phương thức phản ánh những mâu thuẫn của hiện thực trong văn học, như mọi người đều biết, thật vô cùng đa dạng”. Vì sự “vô cùng đa dạng” của những phương thức thể hiện mâu thuẫn trong TP cho nên không thể loại hình hóa và gọi tên chúng một cách đầy đủ. Dưới đây chỉ khái quát một số loại hình MTNT của TP mà thôi.
2.1. Mâu thuẫn đời sống thực tại phản ánh qua tác phẩm văn chương
Những mâu thuẫn đời sống thực tại được phản ánh trong TP có thể là những mâu thuẫn, xung đột trong đấu tranh xã hội, đấu tranh giai cấp hay đấu tranh dân tộc mang tính chất chính trị, tính chất xã hội, tính chất triết học hay đạo đức… Điều này tùy thuộc vào chỗ nhà văn chú ý nhấn mạnh vào những phương diện nào, xung đột nào của đời sống xã hội. Và việc nhà văn có thể ý thức được hay nhấn mạnh vào những mâu thuẫn nào trong bản thân đời sống thực tại lại thể hiện tính chất và chiều sâu tư tưởng chủ đề của TP.
Chẳng hạn, Nguyễn Du, trong Truyện Kiều, đã đặt ra vấn đề cơ bản là mâu thuẫn giữa quyền sống của con người, chủ yếu là người phụ nữ, với sự áp bức của xã hội phong kiến trong lúc suy tàn. Đó là chưa kể trong Truyện Kiều, dù chỉ là mờ nhạt, hình như Nguyễn Du còn nêu lên triết lí về sự mâu thuẫn giữa “Tài” và “Mệnh”.
Ngô Tất Tố, trong Tắt đèn, đã tập trung làm nổi bật mâu thuẫn đối kháng gay gắt trong lòng nông thôn Việt Nam trước Cách mạng, giữa cuộc sống cùng quẫn, thê thảm của người nông dân lao động bị áp bức, bóc lột với bọn địa chủ độc ác keo kiệt, bọn cường hào tham lam thô lỗ, bọn quan lại dâm ô bỉ ổi, bọn tay sai đầu trâu mặt ngựa…
2.2. Mâu thuẫn giữa tính cách và hoàn cảnh
K. Mác nói: “Nếu như tính cách của con người được tạo ra bởi những hoàn cảnh, vậy thì phải làm cho những hoàn cảnh mang tính chất người”. Tính cách của con người là tổng hòa các đặc điểm tâm lí vững bền ở một con người, phụ thuộc vào hoạt động, vào các điều kiện sinh hoạt và biểu hiện qua các ứng xử của họ trong những hoàn cảnh nhất định. Trong TP, tính cách là sự khái quát về bản chất xã hội, lịch sử, tâm lí của con người dưới hình thức những con người cá thể và thể hiện qua các hành động, giao tiếp, suy nghĩ của nhân vật, trong những mối liên hệ giữa tính cách với môi trường sinh hoạt cụ thể và những hoàn cảnh lịch sử xã hội mà nó chịu ảnh hưởng hay tác động tới. Nói đến hoàn cảnh trong TP, theo Hoàng Ngọc Hiến, “cần phân biệt hoàn cảnh nhỏ và hoàn cảnh lớn. Hoàn cảnh nhỏ là môi trường hoạt động cụ thể, là môi trường sống trực tiếp của nhân vật. Hoàn cảnh lớn, hiểu theo nghĩa rộng, là hoàn cảnh lịch sử chung, là trạng thái nhân thế của cả xã hội, là tình thế thời đại với những quy luật, những xu thế khái quát nhất bật ra từ những mối liên hệ cốt yếu nhất của thời đại…”, và “mỗi thời đại, mỗi hệ tư tưởng ý thức quy luật của hoàn cảnh lớn theo một cách riêng”.
Chẳng hạn, trong văn học cổ, hoàn cảnh lớn đó là đạo lí, tập tục, là số phận (với những tên gọi khác nhau như Thượng đế, Trời xanh, định mệnh, nhân duyên…). Trong văn học mới, hoàn cảnh lớn được nhận thức như là khuynh hướng chính trị, là xu thế phát triển của xã hội.
Về mối liên hệ giữa tính cách và hoàn cảnh, có thể nói, tính cách có thể được tạo ra bởi những hoàn cảnh mà cũng có thể đối lập, mâu thuẫn với hoàn cảnh. Chẳng hạn, Khrapchenko đã chỉ ra trong những TP của các nhà văn thuộc trào lưu Puskin, đó là mâu thuẫn những ảnh hưởng xấu của môi trường hủ lậu đã làm những nhân cách có tài năng trở thành hư hỏng, thành “những con người thừa”; và cũng có cả những cá nhân có tính cách chống đối, khước từ việc chấp nhận những chuẩn mực xã hội, đạo đức đang ngự trị…
Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, đó là mâu thuẫn Trời xanh, số mệnh, xã hội phong kiến áp bức, bóc lột ghen ghét, đố kị, vùi dập những con người tài tình xuất chúng, lại trung hiếu tiết nghĩa như Kiều.
Trong sử thi Đam San, đó là khát vọng tự do và cuộc đấu tranh mang tính chất phức tạp, đầy mâu thuẫn của tù trưởng trẻ tuổi tài năng Đam San để chống lại những ràng buộc của một tập tục hôn nhân theo chế độ mẫu quyền.
Trong Đời thừa của Nam Cao, đó là mâu thuẫn người trí thức nghèo – văn sĩ Hộ – có ý thức tự khẳng định, muốn nâng cao giá trị đời sống cá nhân bằng một sự nghiệp có ích cho xã hội bị gánh nặng cuộc sống cơm áo đè bẹp, không thể thực hiện được “hoài bão lớn” của mình mà phải sống một cuộc sống “vô ích”, một cuộc “đời thừa”…
2.3. Mâu thuẫn giữa các tính cách nhân vật
Trong TP, nhà văn thường miêu tả những nhân vật nhằm khái quát tính cách của con người như là sự kết tinh đặc điểm, bản chất xã hội, lịch sử, tâm lí của con người dưới hình thức những con người cụ thể, cá thể. Trong TP, hệ thống nhân vật, nhất là những tính cách phức tạp mang bản chất xã hội và cá tính đa dạng, không phải được đưa vào trong quan hệ một chiều, đơn giản mà nó được thể hiện trong những quan hệ, tình huống, xung đột rất phức tạp, đầy mâu thuẫn.
Nhân vật là một phương tiện đặc biệt quan trọng để thể hiện tư tưởng chủ đề của TP. Đặt các nhân vật, tính cách vào trong những mối quan hệ đối lập, mâu thuẫn là một phương thức để nhà văn khám phá, phát hiện những vấn đề xã hội sâu sắc trong đời sống vốn rất sinh động và phức tạp, qua đó làm nổi bật được vấn đề, tư tưởng sâu xa trong TP. Vì vậy, để thể hiện vấn đề tư tưởng nhà văn rất hay lí giải và xây dựng hệ thống nhân vật theo lối đối chiếu các tính cách bằng sự đối lập, tương phản. A.Ia. Esalnek gọi đó là “tính chất phản đề của các tính cách”.
Chẳng hạn, ngay trong truyện cổ tích dân gian, các nhân vật phần lớn được đối chiếu theo công thức một chiều và hoàn toàn quy về một sự tương phản gay gắt nhằm khái quát các chuẩn mực giá trị đối kháng trong quan hệ giữa người và người như thiện với ác, trung với nịnh, thông minh với ngốc nghếch,…
Truyện Người trong bao của Chekhov được xây dựng bằng tương phản giữa Belikov ươn hèn về chính trị với Kovalenko có tư tưởng tự do.
Truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan trước Cách mạng tháng Tám thường được tổ chức xoay quanh một mâu thuẫn giữa hai hạng người. Ở những truyện viết về đề tài xã hội, đó là mâu thuẫn giữa một gã nhà giàu có quyền thế, bất lương, vô liêm sĩ với một người nghèo. Ở những truyện viết về đề tài luân lí gia đình, thì đó là mâu thuẫn giữa một nam, một nữ, hoặc lớp già, lớp trẻ.
Trong truyện Chí Phèo của Nam Cao, đó là mâu thuẫn gay gắt giữa Chí Phèo, vốn là một nông dân lương thiện, “hiền như cục đất”, có ý thức nhân phẩm với bá Kiến tàn ác, xảo quyệt, gian hùng.
Trong truyện Đôi mắt, đó là tương phản, đối lập gay gắt giữa hai cái nhìn, hai cách sống trái ngược của Hoàng và Độ…
2.4. Mâu thuẫn trong tính cách, số phận nhân vật
Nhà văn thường xây dựng và lí giải các tính cách nhân vật theo những cách không giống nhau do có cảm quan tư tưởng khác nhau. Nhìn chung, các TP ra đời trong các thời đại văn học về sau thường xây dựng và lí giải các tính cách nhân vật theo những tương quan rất rộng và nhiều bình diện hết sức phức tạp. Và không hiếm khi chúng ta bắt gặp một tương quan phức tạp, đầy mâu thuẫn trong các tính cách nhân vật trong TP.
Nhà văn lí giải, xây dựng các nhân vật bằng việc miêu tả, nhấn mạnh vào những mâu thuẫn, những mặt nào đó trong tính cách, nội tâm của nhân vật là nhằm thể hiện chủ đề TP và bộc lộ thái độ đánh giá mang tư tưởng – cảm xúc đối với các tính cách được miêu tả.
Mâu thuẫn trong tính cách nhân vật được thể hiện qua sự đối lập, mâu thuẫn giữa nhận thức và hành động, giữa nội tâm và tính cách, giữa các nét tính cách, hay mâu thuẫn bên trong nội tâm của nhân vật, sự giằng xé giữa cái xấu xa và cái đẹp đẽ, cái thấp hèn và cái cao thượng,…
Chẳng hạn, trong tiểu thuyết Sông Đông êm đềm của Sholokhov, nhân vật Grigory Melekhov có những mâu thuẫn, đối lập bên trong tính cách, giữa một bên là sức kéo về phía cuộc sống nông dân, lòng yêu lao động, yêu con sông Đông êm đềm như là hiện thân của đời sống phóng khoáng, độc lập của người Kazăc với một bên là sự vật vã, hoài nghi đối với cuộc cách mạng và những hành vi không có khả năng đứng về phía bảo vệ những quyền lợi thiết thân của người lao động Kazăc…
Trong tính cách của Hamlet (Hamlet – Shakespere) – Hoàng tử nước Đan Mạch, đó là mâu thuẫn trong cuộc đấu tranh nội tâm nặng nề giữa cảm giác về bổn phận rửa thù cho cái chết của cha đối với kẻ sát nhân tiếm đoạt ngai vàng và ý thức mơ hồ về sự bất khả chống chọi với cái ác đang ngự trị xung quanh.
Trong truyện Đời thừa, Nam Cao đã miêu tả rất thành công xung đột nội tâm của nhân vật Hộ, thể hiện ở mâu thuẫn không thể lựa chọn dứt khoát một trong hai hay dung hòa giữa sống với lí tưởng văn chương và sống theo lẽ sống tình thương, khiến Hộ rơi vào bế tắc, sa vào tấn bi kịch tinh thần đau đớn của một con người có hoài bão cống hiến cho đời những tác phẩm có giá trị, lại phải viết thứ văn chương “vô vị, nhạt nhẽo” như “một kẻ bất lương, đê tiện”, “một kẻ vô ích, một người thừa” ; hơn nữa là bi kịch của một con người sống theo lẽ sống tình thương, hi sinh tất cả vì lòng thương lại chà đạp lên lẽ sống tình thương của mình, như một kẻ tồi tệ, khốn nạn, bị huỷ hoại nhân cách.
2.5. Mâu thuẫn giữa hiện thực được phản ánh và hiện thực sáng tạo
Trong Bút kí triết học, Lê-nin đã từng tỏ ý tán thành ý kiến của Feuerbach : “Nghệ thuật không đòi hỏi phải thừa nhận các tác phẩm của nó như là hiện thực”. Vì vậy, không thể đồng nhất giữa thực tại đời sống với hiện thực sáng tạo, giữa sự thật và chân lí đời sống với sự thật và chân lí nghệ thuật.
Bởi vì, hiện thực được miêu tả, phản ánh trong TP cũng chỉ là một “hình thái quan niệm về hiện thực” (M. Bakhtin), một “mô hình về cuộc sống” (A. Bôtsarov). Hiện thực sáng tạo bao giờ cũng là lôgic nội tại, sự hài hòa bên trong của tư tưởng tác giả trong cái mô hình về thế giới do tác giả tạo nên. Nói cách khác, hiện thực sáng tạo đó là hiện thực với các sự kiện, quan hệ, tình huống của đời sống thực tại đã được tư duy lại một cách sáng tạo gắn liền với một quan điểm sinh động, có chủ đích của người nghệ sĩ. Chính do mục đích, ý đồ sáng tạo mà đôi khi hiện thực sáng tạo lại không “ăn khớp” với hiện thực đời sống, thậm chí tương phản, mâu thuẫn nhau. Dĩ nhiên, trong những trường hợp cụ thể, điều này không phải do nhận thức hay tài nghệ của nhà văn hạn chế, kém cỏi mà như đã nói, là do quan niệm, chủ đích nghệ thuật của anh ta. Vì vậy, việc phát hiện, nắm bắt, lí giải được hiện tượng này là tiền đề để tiếp cận, chiếm lĩnh chiều sâu các khái quát nghệ thuật, chủ đề tư tưởng của TP và quan điểm, thái độ tình cảm của tác giả.
Chẳng hạn, truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu phản ánh hiện thực chiến tranh trong những năm tháng chống Mĩ cứu nước của nhân dân ta. Hiện thực đời sống chiến tranh là một sự thật trần trụi với những tàn phá, hủy diệt, mất mát, chết chóc đau thương,… Thế nhưng Mảnh trăng cuối rừng đã sáng tạo nên một hiện thực như được “nhúng” vào bể lọc của lí tưởng, trở thành hiện thực cao cả, một hiện thực bay bổng trên đôi cánh của những đam mê lãng mạn. Hiện thực ấy là thế giới của tình yêu và đức tin mà không một đạn bom của kẻ thù nào có thể tàn phá nổi. Vẻ đẹp của Nguyệt cũng thăng hoa rực rỡ trong cảm hứng lãng mạn, trong cái nhìn lí tưởng. Đó là một cái đẹp tuyệt đối, toàn diện, vượt lên trên đời sống chiến tranh, vượt lên trên đời thường. Đúng như N.I Niculin nhận xét: “Nhà văn thời ấy đã khá triệt để trong việc thi vị hóa nhân vật. Đây vừa là chỗ mạnh vừa là chỗ yếu của anh: niềm tin vào tính bất khả chiến thắng của cái đẹp tinh thần, của cái thiện đã được khúc xạ ở chỗ anh đã “tắm rửa sạch sẽ” các nhân vật của mình, họ giống như được bao bọc trong một bầu không khí vô trùng”.
Nhưng tạo ra mâu thuẫn, đối lập giữa hiện thực được phản ánh và hiện thực sáng tạo, Nguyễn Minh Châu đã có được chiếc chìa khóa để thực hiện chủ đích nghệ thuật “đi tìm hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn của những con người Việt Nam trong những năm tháng đánh Mĩ”. Trong thiên truyện, cái đẹp hiện ra đối lập và vượt lên mọi tàn phá, hủy diệt của bom đạn. Tình yêu và niềm tin cuộc sống trở thành bất tử. Vậy là, qua mâu thuẫn, đối lập giữa hiện thực được phản ánh và hiện thực sáng tạo, tác giả đã thể hiện tư tưởng chủ đề của thiên truyện: sự bất diệt của tuổi trẻ, của tình yêu và niềm tin của con người Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước vĩ đại.
2.6. Mâu thuẫn giữa nội dung phản ánh, biểu hiện với phương thức trình bày nghệ thuật
Đây là loại hình mâu thuẫn đặc trưng của TP nghệ thuật. “Nó chỉ ra mâu thuẫn trong nội dung cảm xúc và kết cấu của TP…, đặc biệt là trong mối tương quan giữa nội dung và hình thức của TP” (Hoàng Ngọc Hiến). Những biểu hiện của loại MTNT này rất đa dạng. Đó là “Kết cấu nội dung truyện đối nghịch với tiết tấu lời văn kể truyện” (Vygotski), là “Hiện tượng chênh nhau giữa nội dung sự việc và giọng điệu trần thuật”, là “Hiện tượng xung khắc giữa mô hình kết cấu lôgic với nội dung trữ tình” (Phan Huy Dũng),… Loại MTNT này thuộc phạm trù mâu thuẫn biện chứng giữa nội dung và hình thức, như Vygotski đã viết: “… với toàn bộ mĩ học truyền thống, chúng ta đã được chuẩn bị sẵn sàng cho một cách hiểu ngược hẳn lại về nghệ thuật: trong suốt bao thế kỉ các nhà mĩ học thường quả quyết về sự hài hòa giữa nội dung và hình thức, về việc hình thức minh họa, bổ sung, hỗ trợ nội dung, và giờ đây chúng ta bỗng phát hiện ra rằng đây là một sự nhầm lẫn rất to lớn, rằng hình thức vật lôn với nội dung, đấu tranh với nó, khắc phục nó, và rằng trong cái mâu thuẫn biện chứng ấy của nội dung và hình thức dường như có chứa đựng cái ý nghĩa tâm lí chân chính của phản ứng thẩm mĩ ở chúng ta”. MTNT loại này chẳng những gây được tác dụng phản ứng cảm xúc, hiệu quả mĩ học nơi người đọc mà còn bộc lộ chiều sâu ý nghĩa của các khái quát nghệ thuật, thể hiện chủ để tư tưởng của TP và quan điểm, thái độ tình cảm của tác giả một cách sâu sắc.
Chẳng hạn, bài thơ Tôi yêu em của Puskin chứa đựng một nghịch lí, mâu thuẫn giữa mạch trần thuật trữ tình và mạch cảm xúc, giữa lí trí và tình cảm, bộc lộ sự day dứt, trăn trở trong lòng nhân vật trữ tình. Theo mạch trần thuật, bài thơ đi từ sự khẳng định tình yêu lưu luyến đến chối bỏ say mê rồi như cố dập tắt ngọn lửa tình nhưng mạch tình cảm, cảm xúc thì càng lúc càng trào dâng, cuồn cuộn, ngọn lửa tình không nguội tắt mà ngùn ngụt cháy. Hoá ra xúc cảm thơ không có ý từ bỏ tình yêu mà như muốn vun đắp thêm, thắt chặt thêm nữa.
Bài thơ Mời trầu của Hồ Xuân Hương cũng chứa đựng một nghịch lí, mâu thuẫn: giọng thơ đanh đá, đáo để mà vẫn khiêm tốn, nhún nhường ; một tấm lòng son khát khao yêu, khát khao sống mà xót xa cay đắng, nổi nênh giữa dòng đời đen bạc ; một thể thơ bác học mà thấm đẫm chất dân gian… Đó cũng là sự thống nhất trong những nghịch lí ở Hồ Xuân Hương: một con người nhiều tài hoa, giàu sức sống, khát khao tình yêu, hạnh phúc mà cuộc đời nhiều trắc trở, éo le, ngang trái, bất hạnh (con vợ lẽ, hai lần lấy lẽ, hai lần goá chồng…) ; một cá tính ngang tàng, một bản lĩnh dám thách thức đối với xã hội phong kiến, với cả vũ trụ càn khôn mà số phận đơn cô, đầy những giọt nước mắt và tiếng thở dài tủi hờn, cay đắng ; một sức sống có tầm cỡ trời đất, một tấm lòng trẻ trung, đầy ắp xuân sắc xuân tình, một tình yêu chân thật, tươi roi rói mà cuộc đời gặp nhiều bạc bẽo, hạnh phúc bấp bênh, chơi vơi…
2.7. Mâu thuẫn trong quan điểm, đánh giá của tác giả
Chernưshevski cho rằng, TP nghệ thuật, cùng với việc “tái hiện” và “giải thích” đời sống, còn có tác dụng “phán xử các hiện tượng của đời sống”. Thật ra, TP bao giờ cũng thể hiện quan điểm, thái độ đánh giá mang tư tưởng – cảm xúc của nhà văn đối với các hiện tượng đời sống và các tính cách mà nhà văn phản ánh, miêu tả. Quan điểm, thái độ đánh giá đời sống và các tính cách bắt nguồn từ thế giới quan của nhà văn. Nhà văn có thể đồng tình, biểu dương, biện hộ, khẳng định, ngợi ca cuộc sống và các tính cách được miêu tả ; hoặc là, bất bình, phẫn nộ, lên án, phản kháng đối với chúng. Tùy thuộc vào cái nhìn cuộc sống và con người, vào chỗ đứng, lập trường của mình mà nhà văn có thể nghiêng về tư tưởng khẳng định hay phủ định.
Tuy nhiên, giữa tư tưởng khẳng định và tư tưởng phủ định của nhà văn trong TP có thể có những tương quan nhiều mặt, có những khuynh hướng khác nhau, thậm chí đôi khi nảy sinh những mâu thuẫn, nghịch lí. Tính mâu thuẫn trong quan điểm, đánh giá của tác giả đôi khi có thể bộc lộ ở những TP miêu tả cuộc sống và các tính cách đặc biệt phức tạp, trong sự biến đổi và phát triển của nó.
Chẳng hạn, tác giả Sông Đông êm đềm đồng cảm sâu sắc với những khát vọng của Grigory, nhưng đồng thời lại không tán thành sự hoài nghi của anh ta đối với cuộc cách mạng đang bảo vệ quyền lợi của nông dân.
Trong truyện Đôi mắt, Nam Cao phê phán cách nhìn người, nhìn đời định kiến, “một phía” của văn sĩ Hoàng, nhưng dường như lại không hoài nghi về sự thật từ phía cái nhìn của Hoàng, thậm chí có lúc Độ – người có thể coi như một hóa thân của Nam Cao – còn góp thêm vào những hiện tượng tương tự theo cách nhìn của Hoàng, với một giọng điệu không phải hoàn toàn xa lạ so với giọng điệu của Hoàng…
2.8. Mâu thuẫn giữa khuynh hướng suy lí với khuynh hướng nghệ thuật, hình tượng
Trong TP, khuynh hướng (hay tính khuynh hướng) biểu hiện ở xu thế tư tưởng, ở quan điểm, thái độ và nhiệt tình của tác giả trong sự nhìn nhận, lí giải đánh giá các vấn đề, các hiện tượng đời sống được miêu tả trong TP. Khuynh hướng của TP thường toát ra một cách tự nhiên từ sự miêu tả đời sống bằng hình tượng sinh động, chứ không phải qua những lời thuyết lí khô khan, hoặc những tư tưởng trừu tượng. Tuy nhiên, không hiếm khi các nhà văn vẫn cứ nhiệt tình phát ngôn các ý kiến, tư tưởng khái quát, trừu tượng – hoặc từ ngôi mình, hoặc từ ngôi người kể chuyện, hoặc trao phó cho các nhân vật phát ngôn – để làm rõ tư tưởng hình tượng của mình, cắt nghĩa ý đồ của mình. Do vậy, trong TP, cùng với khuynh hướng nghệ thuật, khuynh hướng hình tượng là chính, có khi còn xuất hiện khuynh hướng suy lí mà đôi khi giữa chúng lại nảy sinh mâu thuẫn, làm tổn hại phẩm chất tư tưởng thẩm mĩ của TP.
Chẳng hạn, Engels đã trách M. Kausky về chỗ bà đã “đặc biệt nhấn mạnh” khuynh hướng của truyện Những người cũ và những người mới bằng những lời thuyết lí của các nhân vật được lí tưởng hóa. Theo Engels, “khuynh hướng tự nó phải toát ra từ tình huống và hành động, chứ đừng nên đặc biệt nhấn mạnh nó,và nhà văn không bắt buộc phải đưa sẵn cho độc giả cái giải pháp lịch sử sau này của các xung đột xã hội mà mình miêu tả”.
Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, căn cứ vào cách mở đầu và kết thúc TP, chúng ta dễ tưởng tác giả viết Truyện Kiều để minh chứng cho thuyết “tài mệnh tương đố” của Nho giáo. Nhưng đi sâu vào thực chất nội dung hình tượng của TP, chúng ta sẽ thấy vấn đề cơ bản đặt ra trong Truyện Kiều không phải là mâu thuẫn giữa “Tài” và “Mệnh”, mà là mâu thuẫn giữa quyền sống của con người, chủ yếu là người phụ nữ, với sự áp bức của xã hội phong kiến trong lúc suy tàn. Thuyết “tài mệnh tương đố” chẳng qua chỉ là sự nhận thức lệch lạc của nhà thơ về vấn đề xã hội này, và nó tồn tại chủ yếu thông qua những lời bình luận, giải thích có tính chất phụ đề của tác giả./.