1. Một Người Hà Nội và bước chuyển của ngòi bút văn xuôi Nguyễn Khải

Nguyễn Khải là nhà văn giỏi quan sát chuyện đời, chuyện người, ham giảng giải, triết lý về mọi sự bằng một tư duy phân tích sắc sảo. Thời trước ông chọn giọng hùng biện-chính luận để truyền tải niềm say mê đối với hình mẫu con người tập thể, cổ vũ họ thóat khỏi cám dỗ của hạnh phúc gia đình, có ¨ tầm nhìn xa¨ để ¨ đi xa hơn nữa¨. Thời sau ông dùng giọng suồng sã thân tình bày tỏ chiêm nghiệm về ¨một cõi nhân gian bé tí¨, về cuộc tranh đấu sao cho ¨thời gian của người¨ không trôi qua vô nghĩa. Nét độc đáo ở những trang viết của ông bây giờ là mối quan hệ giữa “chuyện người” với “chuyện mình”, giữa “chuyện đời” với “cái tôi” trải nghiệm chặt chẽ đến mức luôn có xu hướng làm thành một kết cấu trần thuật kép: vừa “phản ánh” vừa “biểu hiện”, vừa nhằm “tác động” vừa “tự nhận thức”, vừa xác định chân lý theo kinh nghiệm cá nhân vừa muốn bàn bạc, đối thoại với những kinh nghiệm khác. Chính “cái tôi” tác giả, một “cái tôi” có khả năng in đậm dấu ấn lên câu chuyện (rất thông minh khi phát hiện và lật xới vấn đề, dễ dàng gọi ra được trạng thái tinh thần thời đại phía sau những ứng xử thường ngày, kể chuyện mà cứ như đang suy nghĩ-luận bàn về câu chuyện với rất nhiều đúc kết có sức nặng) đã giúp Nguyễn Khải khẳng định vị trí chắc chắn trong tâm trí những ai yêu thích thứ văn chương giàu chất trí tuệ mà vẫn tựa vững trên tấm lòng trìu mến, tha thiết với vẻ đẹp tâm hồn con người. Khi tự chia hành trình sáng tác của mình thành hai giai đoạn (trước 1978 và từ 1978 trở đi), nhà văn không chỉ muốn nói đến mối quan hệ giữa “con người” và “thời thế”, đến những điều chỉnh cần thiết và tất yếu trong thế giới quan của ông ở giai đoạn sau, mà còn gián tiếp triết lý về cái hữu hạn của nghệ thuật trước cái vô hạn của đời sống. Từ đây ông sẽ lấy triết lý này làm nguyên tắc sáng tạo: khước từ cung cách độc thoại của kiểu nhà văn đứng cao hơn bạn đọc, chăm chăm dạy dỗ bạn đọc, để làm một người đề xuất vấn đề, gợi mở đối thoại, chia sẻ cảm xúc và kinh nghiệm riêng trên tinh thần tôn trọng bạn đọc, trao cho bạn đọc quyền phán xét chân lý. Nếu trước 1978, ngòi bút Nguyễn Khải chủ yếu quan tâm đến các sự kiện, các vấn đề chính trị – xã hội, thì từ 1978 trở đi, ông dành phần lớn mối quan tâm cho con người cá nhân, con người có thân phận, danh phận, bổn phận cụ thể, đang đan dệt nên cái dòng chảy sôi sục, ồn ào, đầy biến động của cõi nhân gian. Một người Hà Nội, được hoàn thành ngày 19 tháng 1 năm 1990 (theo ghi chú cuối truyện) là một truyện ngắn đẹp về cấu trúc, giàu hàm lượng tư tưởng, một cuộc đối thoại cởi mở về con người-hiện thân quan trọng nhất cho văn hóa của cộng đồng: phải chăng bản lĩnh cá nhân, lòng tự trọng ở mỗi cá nhân là cốt lõi cho một lối sống đẹp và chính những sống đẹp làm nên chuẩn mực văn hóa mà một cộng đồng cần hướng tới? Phải chăng tính cách điềm tĩnh mà quyết liệt; đáo để, khôn ngoan mà ấm áp nghĩa tình; luôn dám là mình nhưng không bao giờ quên trách nhiệm cộng đồng thể hiện trong nét sinh họat quý phái, lịch lãm; biết làm giàu đồng thời luôn bận tâm gìn giữ ¨nếp nhਅ giúp xác định giá trị bà Hiền- một người Hà Nội bình thường nhưng cũng là một gương mặt cá nhân sắc nét, một ¨cái tôi¨ đàng hòang bước vào lãnh địa cái Đẹp? Dõi theo mối quan hệ đối sánh giữa bà Hiền với người trần thuật xưng ¨tôi¨, có thể thấy rõ sự trở lại đầy tự giác của ý thức cá nhân trong văn học nước ta sau gần nửa thế kỉ nó phải chịu mặc cảm bé nhỏ, lạc lòai.

Được viết trong bối cảnh xã hội Việt Nam trên con đường đổi mới đang biến chuyển mau lẹ, nhiều cuộc “đụng độ” gay gắt giữa hai hệ giá trị cũ – mới xảy ra khi cơ chế kinh tế thị trường phát huy ảnh hưởng rộng khắp và quan hệ giao lưu đa chiều đem đến nhiều kinh nghiệm mới mẻ, làm mất giá nhiều kinh nghiệm cũ, Một người Hà Nội là nơi tác giả gửi gắm nhiều chiêm ngẫm, trăn trở về cái đúng, cái sai, cái nhất thời, cái vĩnh hằng…trong quan niệm sống mỗi thời.Với một đất nước vừa đi qua chiến tranh, đang hăm hở giấc mơ làm giàu, căn bệnh thực dụng, ảo tưởng phát triển nóng, tâm lý gỡ gạc…liệu có tạo dựng được những giá trị bền vững đủ làm yên lòng người? Và liệu các giá trị tinh thần đẹp đẽ phải nhiều đời mới hun đúc được như văn hóa Thăng Long-Tràng An có tránh khỏi bị phôi pha, phiêu tán? Ma Văn Kháng khi viết Mùa lá rụng trong vườn (1985) cũng đã ít nhiều chạm đến câu hỏi này. Cùng thời điểm đó, đạo diễn Trần Văn Thủy làm bộ phim tài liệu nghệ thuật Hà Nội trong mắt ai đưa ra cái nhìn đa chiều về Hà Nội, trong đó có cả niềm tự hào lẫn nỗi buồn, sự quan ngại trước một thực trạng văn hóa rất khó định danh đang hàng ngày bày ra ngay trước mắt du khách. Một người Hà Nội có thể xem như một tiếng nói đối thoại sắc sảo Nguyễn Khải góp vào mối quan tâm chung của những ai nặng lòng với vẻ đẹp kinh kì, rộng ra là tinh hoa văn hóa Việt.Ý hướng đối thoại càng rõ hơn khi nhà văn đưa truyện này vào tập truyện có tên Hà Nội trong mắt tôi, in năm 1995. Người đọc nhận ra rằng Nguyễn Khải dành cho Hà Nội một tình yêu và niềm tự hào sâu sắc đến thế nào và ông cũng coi trọng truyện ngắn Một người Hà Nội thế nào. Với ông, Hà Nội là nơi hội tụ tài trí cả nước, nơi linh khí núi sông nhào luyện nên những giá trị tinh hoa. (Ở truyện Đất kinh kì, ông mượn lời nhà văn Hồ Dzếnh bày tỏ niềm ngưỡng mộ:“cái nước sông Hồng, cái gió sông Hồng nó lạ lắm, nó làm ra văn chương Bắc Hà, văn chương Hà Nội”. Mà đâu chỉ văn chương!) Chọn nhân vật bà Hiền làm một cuộc “đối chứng¨ với những quan niệm phổ biến thời trước, tác phẩm gợi mở nhiều vấn đề thiết thực đối với định hướng phát triển-đổi mới xã hội từ góc nhìn riêng của văn chương: con người đánh dấu sự có mặt của mình như thế nào trên thế giới này? Đâu là mối quan hệ hợp lý giữa cá nhân với cộng đồng? Một xã hội tốt đẹp cần giải quyết thế nào nhu cầu vật chất và các giá trị tinh thần? Phải chăng từ những cá nhân đích thực như bà Hiền mà truyền thống văn hóa qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử vẫn được bảo tồn?… Tính thời sự của tác phẩm do vậy lại làm nảy sinh nhu cầu đối thoại về chuẩn văn hoá, cụ thể là văn hóa Hà Nội. Người như bà Hiền có tiêu biểu cho cái văn hoá ấy không?

Bà Hiền-điểm tựa chính cho chủ đề tác phẩm- được khắc họa nổi bật ở cả hai mặt: tính cách và tư tưởng. Qua điểm nhìn của người kể chuyện xưng “tôi”, tính cách bà Hiền hé lộ dần, một tính cách tưởng “động” mà hóa ra nhất quán. Tư duy nghiên cứu chi phối cách trình bày câu chuyện như một mạch chảy liên tục những khám phá bất ngờ, “níu chân” bạn đọc: mỗi lần gặp gỡ bà Hiền là một lần người kể chuyện ngỡ ngàng, vỡ lẽ về một nét đẹp mới ở bà, để rồi phải nhìn lại những suy nghĩ nông nổi, giáo điều, đầy định kiến của mình.Tác phẩm xâu chuỗi bốn tình huống nhận thức, mới nhìn ngỡ cà kê, ngẫu hứng, kì thực đan xen uyển chuyển, lớp lang chặt chẽ, kết dính thành thành bức chân dung ngày càng sắc nét, đầy đặn về bà Hiền. Quá trình hòan thiện bức chân dung cũng là quá trình¨ tự phản tỉnh¨ của người kể chuyện. Qua các tình huống bà Hiền chọn chồng, tình huống bà bị “ngờ” là tư sản, tình huống bà nhận tin con tình nguyện đi chiến đấu và tình huống bà phải bày tỏ thái độ trước lối sống thủ đô thời kinh tế thị trường, cảm quan lịch sử hiện lên rất đậm. Mỗi tình huống tương ứng với một hoàn cảnh lịch sử cụ thể, mỗi phát hiện của người kể chuyện về bà Hiền là một vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là sự ¨ đốn ngộ¨ của người kể chuyện: từ hoài nghi đến nể phục, từ e ngại đến tin cậy, từ tò mò, giễu cợt đến cảm động, trân trọng. Tình huống nhận thức trong Một người Hà Nội khác với trong Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu ở chỗ: không gay cấn, éo le, người kể chuyện không “bừng ngộ” mà “tiệm ngộ” dần trong quãng thời gian mấy chục năm quan sát, suy tư, trải nghiệm và đối chứng. Quá trình này giống như một mạch ngầm văn bản. Chủ đề tác phẩm sẽ đươc nhận diện chủ yếu qua hai nhân vật: bà Hiền-đối tượng nhận thức và ¨tôi¨-chủ thể nhận thức.

2.Nhân vật bà Hiền:sự khẳng định bản lĩnh cá nhân

Xa lạ với thói xu thời, với tâm lý đám đông, nhưng cũng không kiêu căng tự phụ, bà Hiền đã sống trải những biến thiên lịch sử kéo dài từ trước Cách mạng tháng Tám đến thời kỳ đất nước tưng bừng công cuộc Đổi mới. Qua bao thăng trầm thời cuộc, bà Hiền luôn vững vàng một bản lĩnh sống, đầy trách nhiệm công dân mà không khi nào đánh mất mình “một đời tao không để bị ai cám dỗ”. Người ta không chọn được thời để sống nhưng có thể chọn cách sống với mỗi thời. Sống bằng niềm tin riêng, bằng lòng tự trọng, không ích kỉ nhưng không đánh mất mình, là nguyên tắc sống của bà. Xung quanh ồn ào thay đổi hay nghĩ sai về bà, bà vẫn không nao núng, không đổi cách xưng hô, không khen chê dễ dãi.Với chế độ mới, bà thẳng thắn phê phán những điều bất cập, nhưng không hề vướng vào định kiến:¨ Các bà không biết nhưng nhà nước biết…¨ Phải lo cơm áo nuôi con, nhưng không kiếm tiền bằng mọi giá, không để bị gọi là ¨bóc lột¨, bà phản đối việc chồng mở xưởng in tư nhân, cho tất cả con cái đi làm công chức nhà nước. Bà thực hiện tư tưởng nam nữ bình quyền theo cách riêng, tỉnh táo, dứt khóat: chỉ sinh con khi đủ điều kiện nuôi dạy con nên người, nghĩa là phải cho chúng khả năng sống tự lập để khỏi phải ¨sống bám¨ vào người khác. Bà chê trách người cháu: “Mày bắt nạt vợ mày quá, không để nó tự quyết định bất cứ việc gì, vậy là hỏng”. Bà điều hành gia đình bằng những phép tính khôn ngoan, nhìn xa trông rộng “và luôn tính đúng vì không có lòng tự ái, sự ganh đua, thói thời thượng chen vô. Không có sự lãng mạn hay mơ mộng vớ vẩn. Đã tính là làm, đã làm là không thèm để ý đến những đàm tiếu của thiên hạ”.

Một người coi¨cái tôi¨ quan trọng đến thế có trở thành ích kỷ? Vấn đề nằm ở chỗ khi một cá nhân phát triển đầy đủ, nó mới thật sự có ý thức về ¨kẻ khác¨, biết khẳng định mình đồng thời biết tôn trọng cái¨khác mình¨. Bà Hiền luôn lấy lòng tự trọng làm nguyên tắc đối nhân xử thế: Với con cháu, bà bảo:¨Tao chỉ dạy chúng nó biết tự trọng, biết xấu hổ, còn sống thế nào thì tùy¨. Xấu hổ là biểu hiện của đời sống lương tâm, biết xấu hổ là đặt mình cạnh người khác để thấy cái thua kém của mình. Tự trọng, như thế là tự chịu trách nhiệm. Người biết tự trọng làm sao có thể sống hèn nhát, đê tiện được! Với mình, bà Hiền không để ai chi phối, luôn dám là mình. Bà chấp nhận lựa chọn của các con, tin rằng chúng đươc quyền thể hiện lòng tự trọng (và bà đã không phải xấu hổ vì điều đó).Tự trọng là trung thực với mình, với người, kể cả khi phải đối lập với số đông. Không ít người thấy trái tai khi nghe bà trả lời về việc con trai làm đơn tình nguyện vào Nam chiến đấu:¨Tao đau đớn mà bằng lòng¨. Chẳng lẽ chỉ vì bà đã thành thật mà kết án bà không có tinh thần ái quốc? Người mẹ tuy đau đớn mà vẫn bằng lòng cho con ra trận là đã đặt vận mệnh quốc gia cao hơn sinh mệnh đứa con. Có một niềm kiêu hãnh sâu xa ẩn chứa ở những lời bà như tự nhủ mình:¨ Nó dám đi cũng là biết tự trọng. Bảo nó tìm đường sống khi bạn bè nó chết cũng là giết chết nó¨. Vậy là chính lòng tự trọng sẽ đảm bảo cho mỗi người ý thức gắn kết cộng đồng, sự gắn kết trên nguyên tắc mọi¨cái tôi¨ đều được tôn trọng chứ không phải sự lệ thuộc của tâm lý bầy đàn. Rất nhiều lần bà khước từ chuyển động theo số đông, dù để được hân hoan vui sướng:¨Vui hơi nhiều, nói cũng hơi nhiều, phải nghĩ đến làm ăn đi chứ!¨. Nhưng bà không hề chối bỏ trách nhiệm công dân:¨ Tao cũng muốn bình đẳng với các bà mẹ khác.Vui lẻ thì có hay hớm gì¨. Bà giải thích việc đồng ý để đứa con trai thứ hai lên đường nối chí anh nó như thế.Ý thức tự trọng làm cho bản lĩnh cá nhân trở thành một giá trị chân chính.

Bản lĩnh cá nhân không tự nhiên mà có, nó là sản phẩm của văn hóa-giáo dục. Gia đình chính là môi trường quan trọng hình thành nhân cách mỗi người. Bà Hiền đúng hay sai khi thiết tha gìn giữ “nếp nhà”, khi đề cao vai trò¨nội tướng¨ của người phụ nữ? Gốc gác Hà Nội cho bà một căn cốt vững vàng từ nền giáo dục gia đình. Cha mẹ bà đã là bằng chứng cho việc người ta có thể giàu có mà vẫn lương thiện, giàu có mà không “trọc phú”. Cô Hiền thuở trẻ được cha mẹ cho mở phòng tiếp khách văn chương (gọi là Salon Văn học). Ai đó coi đây là cơ hội để lấy được tấm chồng danh giá hoặc chỉ đơn giản, có dịp phô diễn sự thức thời (kiểu bà Phó Đoan xây sân quần trong Số đỏ chẳng hạn), nhưng với cô Hiền (thời trẻ) và gia đình cô, đấy là nhu cầu giao tiếp để mở mang tầm mắt, để hấp thụ thêm cái tao nhã của văn chương nghệ thuật. Thế nên việc cô Hiền chọn chồng đã khiến tất cả người quen biết bất ngờ. Họ bất ngờ vì họ quen tư duy theo thói thường. Cô Hiền đứng ngoài cái thói thường ấy. Cô không làm vợ quan, không lấy ai trong đám nghệ sĩ thời thựợng say mê cô, cô không tham tiền bạc cũng như danh vọng. Cô nhắm tới một cuộc hôn nhân đảm bảo duy trì truyền thống giàu có lương thiện của gia đình và cô phải được đóng vai người “nội tướng” để giữ vững “nếp nhà” (mà biết đâu cô Hiền làm thế, đơn gỉản vì cô thích tình yêu giản dị chân thành của ông giáo tiểu học?).Đảm đang, tháo vát, người vợ- người mẹ ấy bằng cách sống đậm chất văn hóa đã truyền vẻ đẹp nhân cách mình sang con cái và người thân.

Khi Hà Nội được giải phóng, khi “văn hoá thời chiến”, “văn hoá đại chúng” lên ngôi, bà Hiền càng có ý thức nuôi dưỡng dưới mái nhà mình nếp sống thanh lịch vốn có. Bà dạy con kĩ lưỡng để các con bà nhận ra “văn- hoá- người” ngay từ những chuyện nhỏ nhặt, thường tình nhất. Cái sâu sắc ở bà không phải ai cũng hiểu được. Người cháu họ lúc đầu nghĩ bà “đích thị là tư sản” nên bảo vợ con “tránh xa” để khỏi liên lụy, rồi sau đó lại cho bà là kẻ thủ cựu, cố chấp, không hợp thời.(Mãi sau này, khi gặp những kẻ không còn khả năng “biết xấu hổ”, không còn lòng tự trọng mà chỉ còn sự trâng tráo thô bỉ, “tôi” mới thật hiểu trí lự của bà Hiền). Có một chi tiết nhỏ, mà thật ý nghĩa: thấy cậu con trai xưng hô không hợp với quan hệ gia đình, bà “cau mặt gắt” nhưng khi ông chồng cũng phạm chính lỗi đó, bà chỉ “thở dài, quay người đi”.Vì trọng chồng mà bà nhượng bộ chồng để con cái tôn trọng bố. Bà nghiêm khắc, kĩ lưỡng uốn nắn con cái từng li từng tí, nhưng không tước mất tự do của chúng. Bà rành mạch, tự tin mà không ích kỷ, lạnh lùng. Tình nghĩa thuỷ chung của vợ chồng chị vú em đối với gia đình bà nói lên điều đó. Có một người mẹ như thế, tất sẽ có những người con “không sống bám vào sự hy sinh của bạn bè”, tự nguyện làm tròn bổn phận công dân. Trong bữa tiệc gia đình mừng Dũng trở về từ chiến trường miền Nam, người- con -trai -bà -Hiền tỏ ra rất khiêm nhường, anh không khoe khoang như thói thường, anh nói rất ít về những chuyện vui, những chiến công mà chủ yếu nói về tình thương bạn, về nỗi khổ tâm khi ngày trở về phải đối diện với người mẹ mất con. Niềm vui được sum họp không làm chàng trai còn rất trẻ ấy quên chia sẻ nỗi đau của người khác. Trong Dũng, ta như thấy lại nét tính cách trầm tĩnh, kín đáo, đầy khả năng chế ngự, mà trái tim vẫn nồng ấm ân tình ở mẹ anh.

Nhưng một người “nội tướng” mẫu mực có thể gặp ở nhiều nơi. Cái làm nên tính cách riêng của bà Hiền, khiến bà-một phụ nữ bình thường trong hàng triệu phụ nữ Việt Nam – trở nên cá biệt, phi thường chính là tình yêu sâu săc bà dành cho Hà Nội. Là công dân Thủ đô, đương nhiên bà tự hào về quá khứ vàng son của mảnh đất thiêng được lịch sử gọi tên Thăng Long, Đông Đô, Tràng An. Trong bà, Hà Nội là tình yêu máu thịt, thường trực trong mỗi việc làm, tự giác đến thành niềm xác tín, thành chuẩn mực ứng xử. Bà nhắc nhở con cháu: ¨ là người Hà Nội thì cách đi đứng nói năng phải có chuẩn, không được tùy tiện, buông tuồng¨. Đúng là khát vọng mãnh liệt quyết bảo tồn niềm kiêu hãnh: ¨Chẳng thơm cũng thể hoa nhài-Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An¨. Với bà, Hà Nội cũng như một con người đích thực, có nhan sắc riêng, cốt cách riêng, và phải luôn giữ được bản sắc riêng ấy.

Những năm Hà Nội bị tạm chiếm, gia đình bà không tản cư, khiến không ít người ngờ vực về lòng yêu nước của bà ( người ta chỉ quen với một hình thức bộc lộ lòng yêu nước). Nhưng bà không tản cư chỉ vì “không thể rời xa Hà Nội, không thể sinh cơ lập nghiệp ở vùng đất nào khác”. Một tình yêu sâu nặng đến mức nghĩ rằng chỉ ở Hà Nội mới duy trì được lối sống đẹp chăng? Yêu Hà Nội có phải là yêu nước? Thậm chí cả khi Hà Nội tiến hành cải tạo tư sản, mọi cung cách ¨phi đại chúng¨ đều bị xét nét, bà Hiền không chỉ giữ nguyên ¨gương mặt rất tư sản¨ mà còn chủ động duy trì trong gia đình mình những nét sinh họat sang trọng, quý phái, mấy chục năm sau vẫn thế. Nhìn vào bữa tiệc mỗi tháng bà tổ chức tiếp bạn bè, sẽ thấy thực ra những người Hà Nội này đang nỗ lực cưỡng lại sự xô bồ, phàm tục mà cụộc sống thời chiến mang lại. Họ không muốn văn hóa kinh kì bị hòa tan, bị quên lãng. Người kể chuyện dù thấy xa lạ với họ cũng phải thừa nhận trong môi trường ¨bình dân¨, mình có thể ¨buông tuồng, thiếu ý tứ¨,¨ tất cả đều có quyền ăn nói thô tục¨, khác hẳn sự đắn đo khi giao tiếp với ¨những người quý phái¨. Hóa ra đánh đổ giai cấp bóc lột không đồng nghĩa với việc phủ nhận những gía trị văn hóa của ¨giai tầng thượng lưu¨. Đất ¨kinh kì¨ càng cần lưu tâm điều đó. Không phải một người dân bình thường nào cũng đau đáu suy tư về văn hóa như bà Hiền: ¨Xã hội nào cũng phải có một giai tầng thượng lưu của nó để làm chuẩn cho mọi giá trị. Theo anh, ở xã hội ta thì là tầng lớp nào?¨. Một lời chất vấn đầy sức nặng tư tưởng mà chỉ những cá nhân có khả năng tự ý thức cao mới dám đặt ra thẳng băng như vậy. Trong sâu thẳm con người bà Hiền là cái tâm linh của Hà Nội. Tâm linh ấy được bồi đắp trên mảnh đất nghìn năm văn hiến, có khả năng đề kháng trước mọi đe dọa hay cám dỗ. Bà Hiền giữ nếp nhà là để giữ nếp người. Sau bao nhiêu đổi thay, đến thời buổi kinh tế thị trường đầy rẫy tâm lý thực dụng mà phòng khách nhà bà vẫn là một thế giới riêng, nguyên vẹn phong cách thượng lưu, đài các như hơn nửa thế kỷ trước với tấm bình phong bằng gỗ chạm, bộ sa lông gụ, sập gụ, tủ chùa, lọ men Thuý hồng, lư hương đời Hán, liễn hấp sâm Giang Tây…Những thứ đồ trưng bày đều là cổ vật quý giá, mang trong mình vẻ trang nhã, cổ kính, biểu hiện cốt cách văn hoá của chủ nhân: trầm tĩnh, thanh tao, ung dung tự tại. Hình ảnh bà Hiền đang lau chiếc bát cổ chuẩn bị gọt hoa thuỷ tiên không chỉ đẹp mà còn cảm động, vì nó chứa đựng tất cả cái không khí tết Hà Nội đặc trưng. Đó là hình ảnh mà rồi đây con người phải thèm thuồng tiếc nhớ khi cái nhịp sống công nghiệp và xã hội tiêu dùng với sự thống trị của vật chất sẽ có nguy cơ làm chai cứng tâm hồn, xói mòn các giá trị tinh thần. Các giá trị ấy còn hay mất đều do ý thức con người. Người Hà Nội là người thủ đô, càng phải mẫn cảm trước điều đó. Câu chuyện bà kể về cây si cổ thụ vừa là lời cảnh báo về sự mất mát gia tài văn hóa, lại vừa như khẳng định niềm tin vào sự sáng suốt của lương tri con người.

Suốt cuộc đời, bà Hiền kiên trì theo đuổi những giá trị bền vững, dù xung quanh vồ vập cái nhất thời. Bằng tài trí và sự tháo vát, bà vừa lo kinh tế gia đình vừa góp phần làm đẹp cho đời. Bà như hiện thân của Hà Nội cần cù, sáng tạo, Hà Nội của trí tuệ và nghệ thuật, đầy bản lĩnh tự khẳng định mình. Đến tận lúc ngòai bảy mươi tuổi, bà vẫn ¨là người của hôm nay, một người Hà Nội của hôm nay¨, vẫn tinh tường cảm nhận từng đổi thay tích cực của Hà Nội, vẫn tin chắc chắn rằng Hà Nội ¨thời nào nó cũng đẹp, một vẻ đẹp riêng cho mọi lứa tuổi¨. Chỉ có sự trải nghiệm sâu sắc, sự tận tâm gìn giữ và tình yêu lớn lao mới chưng cất nổi một niềm tin như thế. Mạnh mẽ, quyết đóan khi cần nêu chính kiến, nhưng phong thái lúc nào cũng nhẹ nhàng, thanh thóat, bà đúng là một ¨ thể phách¨, một ¨ tinh anh¨ của Hà Nội, đủ bản lĩnh vượt lên mọi biến suy, mọi xô bồ thời thượng để bảo vệ ¨cái tôi¨ của mình, làm một ¨hạt bụi vàng¨ thắp sáng đất kinh kì.

Còn có thể nói về tình yêu Hà Nội trong Dũng (như sự bổ sung cho người mẹ). Tâm hồn nhạy cảm của anh lưu giữ mãi giọng Hà Nội ¨rất sâu, rất vang¨ trên sân ga Hàng Cỏ ngày anh ra trận. Khi đất nước hát khúc khải hòan chiến thắng, “ anh không ngớt nghĩ về những người từ Hà Nội ra đi cách đây đúng mười năm. Sáu trăm sáu mươi người. Bây giờ còn lại khoảng trên dưới bốn chục”. Hà Nội của anh đã không tiếc máu xương cho Tổ quốc, Hà Nội xứng đáng là thành phố anh hùng! Rồi anh kể về sự xúc động và vẻ kiêu hãnh của người đồng đội tên Tuất lúc nghe tiếng mẹ, về sự can đảm phi thường của mẹ Tuất khi nhận tin Tuất hy sinh. Đúng là nhờ truyền thống gia đình mà “Chất Hà Nội” từ thế hệ trước đang được chuyển giao thật tự nhiên sang thế hệ sau. Ở họ, mọi vui buồn đều ẩn chứa một chiều sâu văn hóa, một khả năng tự ý thức về sứ mệnh làm chuẩn cho cộng đồng.

Chọn nhân vật bà Hiền làm biểu tượng về ¨người Hà Nội¨, Nguyễn Khải giống như nhiều nhà văn thời Đổi mới (Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Nguyễn Duy, Ma Văn Kháng, Tô Hòai…) trên hành trình kiếm tìm những giá trị nhân bản, nhận ra sự cứng nhắc của cái nhìn duy ý chí thời chíến tranh đã làm nghèo nghệ thuật như thế nào với hình ảnh con người được lý tưởng hóa một chiều. Sáng tác của họ hướng tới con người đời thường, phức tạp, bí ẩn và cái đẹp mang ¨thiên tính nữ¨ trở thành nét phổ biến trong lý tưởng thẩm mĩ của họ. Với Một người Hà Nội, tác giả không chỉ ngợi ca ¨thiên tính nữ¨ qua vẻ đẹp mẫu tính (đúng là ¨phúc đức tự mẫu¨), qua sự trung thực với cái bản ngã tự nhiên, mà còn gửi vào nhân vật bà Hiền ước vọng về một trình độ phát triển cao của cá nhân, khi ấy người phụ nữ đạt đựợc vị thế xứng đáng với vai trò của họ. Và vì vậy có thể xem truyện ngắn này như một tiêu chí tinh tế về dân chủ. Sau quãng thời gian khá dài, do hòan cảnh chiến tranh, văn học ưu tiên thể hiện con người giai cấp, con người tập thể, nhu cầu khám phá con người cá nhân-đời thường đánh dấu bước chuyển quan trọng của sáng tác Nguyễn Khải nói riêng, của văn học Việt Nam thời kì Đổi mới nói chung. Ý thức về cá nhân là ý thức về văn hóa người. Bà Hiền đẹp vì bà là một-người -Hà-Nội đầy tự giác.

3. Nhân vật người kể chuyện: một ¨cái tôi¨ tự nhận thức

Trong tác phẩm tự sự kiểu người kể chuyện xưng tôi có ưu thế rõ rệt khi muốn đưa ra cách cảm nhận chủ quan về thế giới và nhu cầu biểu hiện dòng chảy nội tâm từ cái nhìn bên trong.Văn xuôi giai đọan 1945-1975 do xu hướng ¨hướng ngọai¨ và sự đề cao kinh nghiệm cộng đồng nên hình thức kể chuyện từ ngôi thứ 3 giấu mặt là phổ biến. Nếu có xuất hiện người kể chuyện ngôi thứ nhất, thì anh ta cũng phát ngôn cho chân lý của số đông, làm người đứng ngòai khách quan quan sát, cố xóa mờ ¨cái tôi tiểu sử¨ để hình tượng tác giả không đối lập với độc giả mà anh ta hướng tới. Người kể chuyện xưng ¨tôi¨ trong Một người Hà Nội vừa tham gia vào câu chuyện như một nhân vật thúc đẩy mạch truyện phát triển lại vừa tách ra để phát biểu ý kiến riêng . Dường như anh ta đang ngẫm nghĩ về câu chuyện hơn là thuật kể câu chuyện. Anh ta mang dáng dấp một nhân vật tự vấn, tự thú, tự phản tỉnh rõ hơn là một người phán truyền chân lý. Người kể chuyện này mang đậm nét hình tượng tác giả: việc cố ý tiết lộ những chi tiết tiểu sử (cậu em họ gọi ¨đồng chí Khải¨, các quan hệ họ hàng, nơi cư trú) đem đến cho tác phẩm màu sắc tự truyện. Khi nhà văn tự tin lấy chuyện mình làm chất liệu văn học, hứng thú với việc đưa ra cái nhìn riêng, là khi kinh nghiệm cá nhân được quyền bình đẳng với kinh nghiệm cộng đồng do đó tác phẩm sẽ như một tiếng nói đối thọai dân chủ, chứ không phải sự áp đặt những chân lý đã mặc định. Sự xuất hiện sôi nổi nhiều cuốn hồi kí-tự truyện, hình thức chủ quan hóa điểm nhìn trần thuật (thậm chí cá biệt hóa) mà nhiều nhà văn thời nay ưa dùng khẳng định xu hướng này.

Ở Một người Hà Nội, cuộc trò chuyện giữa ngừời kể chuyện với bà Hiền thật sự là cuộc đối thọai của hai ý thức độc lập, hai quan niệm giá trị khác nhau. ¨Tôi¨ luôn xét nét bà cô bằng cái nhìn nghi ngại và định kiến. Anh ta thuộc về số đông nên những gì khác lạ với số đông, anh đều cho là sai, là xấu. Vì ¨cái ăn, cái mặc¨ không giống xung quanh, vì ¨có gương mặt đặc biệt là tư sản¨ mà bà Hiền bị anh ta quy kết ¨đích thị là tư sản rồi. Đã là tư sản thì không thể tin cậy được.Việc mình mình biết, việc cô mặc cô, dính líu nhiều có ngày lại rắc rối¨. Sự cảnh giác thái quá, nhất là định kiến giai cấp đầy cực đoan khiến anh ta vừa bất công vừa hèn nhát, ích kỉ chỉ chăm chăm đến sự an tòan bản thân và vợ con. So sánh lối sống của gia đình mình với gia đình bà cô, ¨tôi¨ tỏ ra tự hào với cung cách ¨bình dân¨ thỏai mái ¨không cần khuôn bó theo một quy tắc nào cả¨ và phủ nhận ¨cái thứ lễ nghi rườm rà của giai cấp tư sản¨. Anh ta thậm chí không che giấu thái độ giễu cợt với bà Hiền bằng những câu hỏi nhuốm vẻ khích bác:¨Tại sao cô không phải học tập cải tạo, cô giấu cũng tài nhỉ?¨, ¨Cô bằng lòng cho em đi chiến đấu chứ?¨ vv…Đáp lại câu hỏi rất nghiêm túc của bà Hiền rằng ở xã hội ta thì tầng lớp nào làm chuẩn cho mọi giá trị, ¨tôi¨ đã ¨cười phá lên¨ đắc thắng: ¨Thưa cô, là bọn lính chúng tôi, là giai cấp lính chúng tôi chứ còn ai nữa¨. Anh hòan tòan quên rằng văn hóa thời chiến chỉ là nhất thời! Định kiến với những gì không giống mình, anh chỉ thích Hà Nội theo cách tuổi trẻ ham vui:¨Được sống năm đầu ở Hà Nội vừa giải phóng, với lứa tuổi chúng tôi ngày ấy mới hăm bốn hăm lăm là cực kì khoan khóai…¨. Một tình cảm hời hợt như thế rất dễ phôi pha, dễ nản lòng khi gặp điều bất ý: anh đã thất thố, lố bịch khi chê Hà Nội, khen Sài Gòn ( dù mới biết Sài Gòn lần đầu) khiến ¨khiến những người ngồi nghe đều nín lặng¨ (họ phản ứng trước lối khen chê dễ dãi, cốt để khoe mình?), rồi anh đã ¨sững sờ¨, đã ¨tức¨, đã ¨hơi nghiệt¨ đưa ra ¨những nhận xét không mấy vui vẻ¨ trước một số biểu hiện phản văn hóa của lớp trẻ Hà Nội thời kinh tế thị trường…Trước một lọat tình huống, ¨tôi¨ luôn lộ ra sự chủ quan, ngạo mạn và nông nổi so với bà cô của mình.

Nhưng người kể chuyện ở đây còn mang tư cách một nhân vật đối thọai, nghĩa là đặt niềm tin của mình bên cạnh niềm tin của kẻ khác để tham chiếu, luận bàn. Anh ta thực sự là một ¨cái tôi¨ biết ¨tự phê¨, ¨tự nghiệm¨ nên đã dần dần gỡ bỏ được những định kiến hẹp hòi: từ thái độ nghi kị, châm chọc, đến ¨nín lặng¨ thừa nhận lí lẽ của bà cô, cuối cùng ¨tâm phục khẩu phục¨ nhân cách của bà ¨bà già vẫn giỏi quá, bà khiêm tốn và rộng lượng quá. Một người như cô phải chết đi thật tiếc¨. Nhờ những vỡ lẽ trong quá trình cọ xát với chân lí của ¨kẻ khác¨, anh điều chỉnh thế giới quan của mình. Cấu trúc đối thọai được thể hịện rõ thêm bằng sự di chuyển điểm nhìn trên trục thay đổi nhận thức của người kể chuyện.

Câu chuyện kết thúc khi những hoài nghi, bất bình của người kể chuyện về cách ứng xử thô bạo anh ta gặp trên đường phố Hà Nội đã được hoá giải. Bước ngoặt nhận thức tạo dựng trong anh tình yêu mới mẻ mà sâu sắc với Hà Nội. Anh kính trọng bà Hiền, đánh giá cao tấm lòng tha thiết với văn hóa ¨kinh kì¨của bà . Dường như chính anh đã trở thành bà Hiền trong nỗi khăc khỏai lo âu về sự mai một vẻ đẹp này:¨…Ví thử có thủy tiên liệu còn có người biết gọt tỉa thủy tiên. Lại thêm cái cách sống, cái tâm lí sống ào ạt, xô bồ, vụ lợi (…) dễ gì có được sự bình tĩnh để thưởng thức vẻ đẹp trang trọng của một dò hoa thủy tiên¨. Cảm giác ¨đau và tức¨ của anh, nỗi thất vọng của anh về sự vô văn hóa ở mấy nhân vật trẻ cũng xuất phát từ sự thức nhận ¨chất người¨ và một tình yêu chín chắn dành cho Hà Nội. Có lẽ Nguyễn Khải muốn kí thác ở anh một chiêm nghiệm đắt giá: “nói cho cùng, để sống được hàng ngày, tất nhiên phải nhờ vào những giá trị tức thời. Nhưng sống cho có phẩm hạnh, có cốt cách nhất định phải dựa vào những giá trị bền vững¨ (Nguyễn Khải, Tuyển tập tiểu thuyết, nhà xuất bản Hội Nhà văn, 1999).

Hướng tới tinh thần dân chủ hóa văn học, Một người Hà Nội thường đặt một sự việc, một vấn đề dưới nhiều cách đánh giá (khi công khai, khi ngầm ẩn), tạo ra quan hệ bình đẳng giữa các nhân vật, giữa nhân vật và bạn đọc, mời gọi bạn đọc tham gia đối thoại. Bà Hiền có phải người Hà Nội điển hình không? Cách sống của bà, những ứng xử của bà có gì hạn chế?… tất cả thực ra vẫn còn là những câu hỏi ngỏ vì tác giả đã luôn nhấn mạnh vào cái nhìn chủ quan của người kể chuyện. Như vậy, tôn trọng kinh nghiệm cá nhân không có nghĩa người đọc phải coi kinh nghiệm ấy là chân lí. Truyện không sa vào lí luận nặng nề hay nhàm tẻ mà có sự đan xen giọng điệu khá linh hoạt: trong giọng của người kể chuyện, thấp thoáng có những giọng khác. Tác phẩm làm hiển hiện một Nguyễn Khải có nhu cầu tự vấn, tự nhận thức lại về nhiều vấn đề quen thuộc trong xã hội Việt Nam. Cảm hứng phân tích-triết luận không lấn át cảm hứng tự trào, câu chuyện được kể lúc giản dị, thân tình, khi rưng rưng hòai niệm, lúc lại dào dạt men say lãng mạn…, đấy là cái duyên riêng của tác giả Một người Hà Nội

Nguyễn Thị Bình

Xem thêm: Nghĩ về “Một người Hà Nội” của Nguyễn Khải