A. Khái lược về thơ
I. Định nghĩa về thơ
Thơ ca là một hiện tượng độc đáo của văn học. Nó xuất hiện từ thời cổ đại và không ngừng vận động phát triển theo thời gian. Đã có rất nhiều nhà nghiên cứu, học giả từ đông sang tây, từ cổ đến kim bàn đến nhiều vấn đề khác nhau của nó, nhưng thiết nghĩ, việc tìm hiểu khái niệm thơ là một việc làm cần thiết cho việc cảm thụ và phân tích thơ.
Thơ là gì ? Để trả lời đầy đủ câu hỏi này ta phải xuất phát từ việc nắm vững những nét đặc trưng của thơ ca trong sự đối sánh với các thể loại văn học, các bộ môn nghệ thuật khác.
Trước hết, ai cũng biết thơ ca lấy ngôn ngữ làm chất liệu. Nói cách khác, thơ ca là một công trình nghệ thuật sáng tạo bằng ngôn từ. Những thể loại văn học khác cũng lấy ngôn từ làm chất liệu, song ngôn ngữ thơ được nhà nghệ sĩ tổ chức thành một hệ thống vừa tinh tế, ngắn gọn, súc tích, vừa tuân theo những quy luật ngữ âm nhất định. Hơn hẳn các thể loại văn học khác, ngữ âm đóng vai trò quan trọng trong việc lưu giữ và truyền đạt của thơ ca.
Cũng như các thể loại văn học khác, các bộ môn nghệ thuật khác, thơ ca luôn phản ánh đời sống con người , xã hội thông qua những hình tượng nghệ thuật. Nhưng nét đặc trưng về nội dung của thơ là bày tỏ tâm trạng, thái độ, tình cảm của người nghệ sĩ về cuộc đời qua những hình tượng thơ độc đáo – hình tượng là nơi kết tinh những giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ. Nội dung của bài thơ là những rung động từ con tim, là những thổn thức từ tấm lòng của nhà nghệ sĩ trước cuộc đời. Vì lẽ đó, các nhà nghiên cứu đã xếp thơ vào loại tác phẩm trữ tình.
Từ những luận điểm trên, ta có thể rút ra một cách hình dung về thơ : Thơ là một thể loại văn học được xây dựng bằng hình thức ngôn ngữ ngắn gọn súc tích, theo những quy luật ngữ âm nhất định, nhằm phản ánh tâm trạng, thái độ, tình cảm, … của người nghệ sĩ về đời sống thông qua những hình tượng nghệ thuật.
Về mặt đại thể, ta đã hiểu thơ là gì. Nhưng để có những hiểu biết làm cơ sở lí luận để tiếp nhận tác phẩm thơ ta cần phải tìm hiểu những đặc điểm cơ bản của thể loại này.
Xem thêm: Phương pháp tiếp cận và phân tích tác phẩm trữ tình
II. Những đặc điểm cơ bản của thơ
1. Tính trữ tình và chủ thể trữ tình
1.1. Tính trữ tình
Trữ tình là yếu tố quyết định tạo nên chất thơ. Tác phẩm thơ luôn thiên về diễn tả những cảm xúc, rung động, suy tư của chính nhà thơ về cuộc đời. Những rung động ấy xét đến cùng là những tiếng dội của những sự kiện, những hiện tượng đời sống vào tâm hồn nhà thơ. Đây là đặc điểm cơ bản nhất của tác phẩm thơ. Nắm vững đặc điểm này ta sẽ có một định hướng rõ ràng trong việc tiếp cận, phân tích đúng tác phẩm thơ. Nghĩa là, khi phân tích tác phẩm thơ, ta không phải đi sâu vào mổ xẻ, cắt nghĩa, lí giải về các chi tiết, sự kiện, sự việc được nhà thơ đề cập, mà điều cốt lõi là thấy và nói được những cảm xúc, tâm trạng, thái độ và suy tư của nhà thơ về các vấn đề trên. Ví tác phẩm thơ như một cơ thể sống thì chữ nghĩa, chất liệu, sự kiện ,… chỉ là phần xác, phần hồn của nó chính là nội dung trữ tình. Nội dung trữ tình luôn là cái đích cuối cùng phải vươn tới của quá trình sáng tác cũng như cảm thụ, phân tích thơ.
1.2. Chủ thể trữ tình
Trong tác phẩm thơ ta luôn bắt gặp bóng dáng con người đang nhìn, ngắm, đang rung động, suy tư về cuộc sống. Con người ấy được gọi là chủ thể trữ tình. Nói cách khác , chủ thể trữ tình là con người đang cảm xúc, suy tư trong tác phẩm thơ. Khác với nhân vật tự sự ( trong tác phẩm tự sự) là những con người bằng xương, bằng thịt, có tính cách, có số phận riêng ; nhân vật trữ tình trong tác phẩm thơ chỉ hiện diện, đối thoại với độc giả bằng những sắc thái tình cảm, thái độ tình cảm.Trong tác phẩm thơ, chủ thể trữ tình là yếu tố luôn có mặt để thể hiện nội dung trữ tình của tác phẩm. Bất kỳ thi phẩm nào cũng đều có chủ thể trữ tình. Thơ ca không phải là ghi chép hay kể lại những hiện tượng thuộc về đời sống bên ngoài mà là thể hiện tâm tư, suy cảm của nhà thơ. Cho nên, khi phân tích thơ, ta phải phân tích nội dung trữ tình . Muốn phân tích nội dung trữ tình thì nhất thiết, nắm bắt và phân tích được chủ thể trữ tình. Bởi lẽ, nội dung trữ tình luôn chứa trong chủ thể trữ tình.
2. Đặc điểm ngôn ngữ thơ
P.Reveredy nói:” Chỉ một từ thôi cũng đủ tiêu diệt bài thơ hay nhất”. Không cần lý giải dài dòng vẫn thấy vai trò quan trọng của ngôn ngữ thơ. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về ngôn ngữ thơ, xin tóm gọn mấy ý chính về vai trò, đặc điển ngôn ngữ thơ đã được nhiều nhà nghiên cứu thống nhất :
– Không có ngôn ngữ thì không có thơ ca.
– Ngôn ngữ thơ ca cũng nằm trong vốn ngôn ngữ chung, nhưng đã được nhà thơ sử dụng sáng tạo theo những yêu cầu và mục đích sau:
2.1 Ngôn ngữ thơ phải có tính tạo hình
Tạo hình là khả năng trực tiếp miêu tả các hiện tượng của hiện thực. Nhờ có tính tạo hình mà ngôn ngữ thơ có thể vẽ nên bức tranh về cuộc sống, mở ra trước mắt người đọc, những hình ảnh, sự vật…giống với đối tượng trong thực tế
2.2 Ngôn ngữ thơ phải có tính biểu hiện
Văn học nói chung, thơ ca nói riêng phản ánh hiện thực cuộc sống qua hình tượng nghệ thuật. Nghĩa là điều mà nhà nghệ sĩ nhận thức , suy tư về cuộc sống luôn được thể hiện một cách gián tiếp . Để làm được điều này người nghệ sĩ đi vào khai thác khả năng biểu hiện của ngôn ngữ. Đó là cách tổ chức sắp xếp ngôn ngữ sao cho từ một hình thức biểu đạt có thể có nhiều nội dung biểu đạt.
B. Nghị luận về một bài thơ, một đoạn thơ
Chúng ta biết rằng một tác phẩm văn học là công trình nghệ thuật mà nhà văn, nhà thơ mất bao công sức, bao trải nghiệm để sáng tạo nên. Nó thật sự có giá trị khi mang ý nghĩa đời sống, ảnh hưởng sâu sắc đến tâm tư tình cảm, nhận thức của con người.
Nghị luận về một tác phẩm, một đoạn thơ, một bài thơ có vai trò quan trọng như trên và nó đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng, phương pháp đặc biệt là cách cảm, cách nghĩ, nhưng thực tế phần lớn trong học sinh hiện nay việc nghị luận về tác phẩm văn học, một đoạn thơ, một bài thơ còn mang tính đối phó, chép bài mẫu, chép sách giải hay học thuộc lòng một bài của thầy cô phụ đạo thêm nào đó để làm bài lấy điểm.
Việc giúp học sinh nắm được phương pháp, kỹ năng làm bài nghị luận mà thể hiện được cách cảm, cách nghĩ của mình là rất cần thiết trong việc dạy văn của đội ngũ giáo viên dạy văn hiện nay.
I. Thế nào là nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ
Đứng trước một tác phẩm văn học, một đoạn thơ hoặc một bài thơ người đọc suy nghĩ rồi bộc lộ tình cảm, cách hiểu, cách đánh giá về tác phẩm, đoạn thơ, bài thơ. Đó chính là quá trình nghị luận về một tác phẩm, một đoạn thơ hay một bài thơ.
Kiểu bài nghị luận về một tác phẩm văn học, một đoạn thơ, một bài thơ trong nhà trường là yêu cầu học sinh phải chỉ ra được ý nghĩa giá trị của tác phẩm, thể hiện rõ nhận thức, tư tưởng, tâm hồn của mình đứng trước tác phẩm, đoạn thơ, bài thơ và ứng dụng nó vào đời sống hàng ngày.
Cái đích cuối cùng trong quá trình tiếp nhận thơ là độc giả đi tìm, lĩnh hội được đầy đủ cái hay, cái đẹp của thi phẩm. Thực tế cho thấy, đứng trước tác phẩm thơ, người đọc dễ dàng khen hay, chê dở. Nhưng nếu yêu cầu chỉ ra cái hay, cái dở thì nhiều người lúng túng khó trả lời. Bởi lẽ, họ chỉ mới cảm thơ mà chưa phân tích được. Từ thực tế ấy, ta nhận thấy quá trình tiếp nhận thơ phải trải qua hai bước từ cảm thơ đến phân tích thơ.
Xem thêm: Sự gần gũi giữa thơ và truyện ngắn
II. Hai giai đoạn trong quá trình tiếp nhận thơ
1. Cảm thơ
Việc đánh giá, khen chê một tác phẩm thơ mà không có lý do (hay chưa tìm ra lý do) thì gọi là cảm thơ. Đây chính là bước khá quan trọng trong quá tình tiếp nhận thơ.
Khi tiếp nhận tác phẩm thơ, người đọc chuẩn bị cho mình một tâm thế, một thái độ, một cảm xúc (gọi là trường cảm xúc của người đọc). Do vậy, cảm thơ thực chất là việc giao cảm giữa hai trường cảm xúc của độc giả và bài thơ. Từ đó, ta dễ nhận thấy cảm thơ có những đặc điểm sau:
– Nếu hai trường cảm xúc ấy đồng điệu thì việc cảm thơ diễn ra chính xác và đầy đủ; Nếu lệch pha thì chỉ cảm được một phần hoặc cảm nhận sai, hoặc không cảm nhận được.
– Mỗi độc giả có một tường cảm xúc riêng, do vậy việc cảm thơ diễn ra ở nhiều người trước một tác phẩm cũng có sự khác nhau. Một bài thơ, người khen hay, kẻ chê dở là chuyện thường tình, lắm khi có người không có cảm xúc hay chính kiến. Việc cảm thơ phụ thuộc rất lớn vào độ mẫn cảm của từng người
– Việc cảm thơ thường diễn ra theo sự mách bảo của con tim, chịu sự chi phối bởi tâm lý, thể trạng, hoàn cảnh của độc giả… Do vậy, nó mang tính chủ quan, cảm tính; nên việc cảm thơ không phải lúc nào cũng chính xác.
Từ thực tiễn và lý luận trên, ta có thể rút ra nhận xét: Cảm thơ là một quá trình giao cảm giữa độc giả và bài thơ. Cảm thơ không phải lúc nào cũng chính xác, nhưng dẫu sao nó cũng là một khâu quan trọng nhằm định hướng để phân tích tốt hơn. Không có cảm xúc định hướng do quá trình cảm thơ đưa lại thì việc phân tích thơ khó mà thành công.
2. Phân tích thơ
Việc khám phá và chiếm lĩnh một cách có cơ sở những giá trị thẩm mỹ của tác phẩm thơ là phân tích thơ. Tất cả quá trình ấy phải được biểu hiện bằng ngôn ngữ của người đọc.
Khác với cảm thơ, phân tích thơ luôn tuân theo những nguyên tắc nhất định có tính khách quan, khoa học đối với nhiều người. Những nguyên tắc ấy là những công cụ đáng tin cậy để người làm văn có những nhận xét, đánh giá chuẩn xác về giá trị thẩm mỹ của tác phẩm thơ.
Năng lực phân tích thơ tuỳ thuộc rất lớn vào trình độ hiểu biết văn chương, kỹ năng sử dụng ngôn ngữ diễn đạt cũng như các thao tác, phương pháp phân tích của độc giả.
Thành công bao giờ cũng dành cho người nào nắm phương pháp. Phân tích thơ mà không có phương pháp thì khó bề đặt chân đến bờ chân – thiện – mỹ của thi phẩm.
2.1 Chủ đề của tác phẩm thơ
Trước khi phân tích văn học nói chung, thơ nói riêng ta cần phải nắm chủ đề của tác phẩm. Xác định được chủ đề của thi phẩm sẽ góp phần định hướng, chi phối mọi thao tác phân tích của chúng ta.
Tóm lại Thơ ca thuộc loại tác phẩm trữ tình, do vậy chủ đề của bài thơ luôn là cảm xúc, tâm trạng, thái độ,… của nhân vật trữ tình đối với một sự vật, sự việc, con người nào đó. Nói cách khác, thơ là sản phẩm của trái tim, tâm hồn người nghệ sĩ, nên dù muốn hay không nó phải mang hơi ấm tâm hồn, nhịp đập trái tim người nghệ sĩ. Chủ đề tác phẩm thơ là tâm trạng của nhân vật trữ tình trước một vấn đề nào đó trong hiện thực đời sống.
Muốn tìm hiểu chủ đề của một thi phẩm, ta cần làm các bước sau:
2.2. Xác định nhân vật trữ tình trong bài thơ
Như đã trình bày, nhân vật trữ tình là con người đang cảm xúc, rung động trong thơ.
Nội dung trữ tình trong thơ luôn được thể hiện thông qua nhân vật trữ tình. Sâu xa hơn, tác giả cũng chỉ có thể thể hiện xúc cảm của mình thông qua nhân vật trữ tình.
Độc giả cần phân biệt nhân vật trữ tình và nhân vật tự sự. Sự phân biết ấy dựa vào việc đối lập những nét đặc trưng của loại tác phẩm trữ tình và tự sự. Sự phân biệt này giúp ích rất lớn trong quá trình phân tích thơ.
Nhân vật trữ tình là con người, nhưng đó là con người của tâm trạng, của cảm xúc… chứ không phải con người hành sự, đi đứng, nói năng,… như nhân vật tự sự. Do đó, khi phân tích nhân vật trữ tình ta cần phải tập trung khai thác thế giới tâm trạng của nhân vật. Phân tích thơ mà không nói được tâm trạng của nhân vật trữ tình thì coi như không phân tích được gì cả!
Trước khi phân tích thơ, ta phải xác định cho được nhân vật trữ tình. Công việc này có khi đơn giản nhưng nhiều lúc phức tạp.
Ví dụ 1: Nhân vật trữ tình trong bài “Mời trầu” (Hồ Xuân Hương) rất dễ xác định. Đó chính là tác giả.
Ví dụ 2: Nhân vật trữ tình của câu ca dao:
“Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
Nhớ ai ai nhớ, bây giờ nhớ ai?”
Có thể là một cô gái hay một chàng trai. Nói chung là một người đang yêu, đang tương tư. Nhân vật trữ tình trong câu ca dao này không là ai cụ thể, và cũng nhờ vậy mà nhiều người tìm thấy mình, đúng hơn là tâm trạng của mình trong câu ca dao đó.
Ví dụ 3: Nhân vật trữ tình trong bài “Tiếng hát con tàu” (Chế Lan Viên) vừa là tác giả vừa là thế hệ trẻ Việt Nam trong thời điểm kiến thiết đất nước sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi.
Ví dụ 4: Bài thơ “Tống biệt hành” (Thâm Tâm) có nhiều nhân vật trữ tình (người đi, kẻ ở). Bài “Việt Bắc” (Tố Hữu) cũng vậy…
Nhân vật trữ tình suy cho cùng là một sản phẩm của thời đại, hoan cảnh lịch sử. Do vậy, việc phân tích, đi tìm tâm trạng nhân vật trữ tình đôi lúc cần thiết gắn với tâm lý thời đại, hoàn cảnh ra đời của bài thơ.
2.3. Xác định tứ thơ
Tứ thơ là một sự việc hay hiện tượng nào đó trong đời sống được đề cập trong bài thơ và nhờ các sự việc, hiện tượng ấy mà nhân vật trữ tình bộc lộ cảm xúc. Nhiêu khi tứ thơ chỉ là cái cớ nghệ thuật, là giả định nhưng có lúc nó là một sự kiện, sự việc có thật trong cuộc sống.
Trong bài “Mồng hai tết viếng cô Ký”(Trần Tế Xương), tác giả mượn cái chết của cô Ký làm tứ để bày tỏ thái độ trước hiện thực giao thời của xã hội Việt Nam mà những chân giá trị cuộc sống bị đảo lộn. Nhưng, bài “Khóc Dương Khuê”, Nguyễn Khuyến lại bày tỏ nỗi đau, niềm cô đơn khi mất bạn, và qua đó ông còn thể hiện một tình bạn sâu sắc chân thành.
Người làm thơ muốn diễn đạt tốt cảm xúc (ý) thì phải chọn tứ. Tứ hay là tứ mới lạ, diễn tả trọn vẹn, độc đáo, sâu sắc cảm xúc của nhà thơ.
Thực tế cho thấy, một bài thơ hay cũng nhờ một phần ở tứ thơ. Khi tìm hiểu tứ thơ trong mối quan hệ với nội dung cảm xúc,độc giả cần tỉnh táo và linh hoạt, không cứng nhắc, máy móc. Bởi lẽ, có nhiều bài thơ cùng chung một tứ nhưng nội dung cảm xúc khác nhau và nhiều bài khác nhau về tứ nhưng nội dung cảm xúc có nhiều điểm giống nhau.
Tóm lại tứ thơ là một đối tượng cụ thể để nhà thơ bộc lộ cảm xúc thái độ tư tưởng của mình (đúng hơn là của nhân vật trữ tình ). Xác định tứ thơ mới dễ dàng nắm bắt mạch cảm xúc của bài thơ. Cần thấy tứ thơ là phương tiện để tìm hiểu giá trị cảm xúc của bài thơ chứ không phải là mục đích việc phân tích thơ.
2.4. Xác định mạch tâm trạng chính của bài thơ (Cảm nhận sơ bộ nội dung cảm xúc của bài thơ)
Nội dung cảm xúc trong thơ luôn được thể hiện một trong hai hình thức sau: Trực tiếp và gián tiếp trên ngôn ngữ thơ.
+ Thể hiện trực tiếp bởi các từ ngữ chỉ tâm trạng.
Ví dụ:
“Sóng gợn Tràng Giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng”
(Tràng Giang – Huy Cận)
Khổ thơ có hai từ “buồn”, “sầu” trực tiếp thể hiện tâm trạng nhân vật trữ tình. Nỗi buồn sầu ấy là mạch cảm xúc của khổ thơ này nói riêng và bài Tràng Giang nói chung.
+ Gián tiếp thể hiện cảm xúc thông qua hình tượng ngôn ngữ thơ:
“Nghe càng đắm, ngắm càng say
Lạ thay mặt sắt cũng ngây vì tình”
(Kiều – Nguyễn Du)
Sự việc được tả trong câu thơ là sự đắm đuối, ngây ngất của Hồ Tôn Hiến trước tiếng đàn và nhan sắt của Kiều. Nhưng điều quan trọng trong câu thơ là Nguyễn Du dùng hình ảnh hoán dụ “mặt sắt” (chỉ Hồ Tôn Hiến) để bày tỏ thái độ khinh bỉ, mỉa mai cái bản tính háo sắc, tâm hồn khô cằn của vị tổng đốc trọng thần này.
Dựa vào những điều vừa trình bày trên, ta dễ dàng xác định chủ đề của một bài thơ. Ví thử xác định chủ đề bài Tràng giang (Huy Cận).
+ Nhân vật trữ tình: tác giả (Một người khách tha phương).
+ Tứ thơ: Không gian mênh mông của dòng Tràng giang, của vũ trụ.
+ Cảm xúc chính: Nỗi buồn sầu, sự cô đơn.
Vậy chủ đề của bài Tràng giang là: Bài thơ thể hiện nỗi buồn sầu, sự cô đơn của tác giả trước không gian mênh mông.
Tuy nhiên, để phân tích, tìm hiểu đầy đủ giá trị nội dung và nghệ thuật của một thi phẩm ta cần đi sâu vào việc phân tích hình tượng ngôn ngữ thơ.
2.5. Hình tượng ngôn ngữ thơ
2.5.1 Khái niệm
Hình tượng thơ là một hình ảnh vừa có khả năng thể hiện cái cụ thể sinh động của đời sống, vừa mang ý nghĩa biểu trưng về cuộc sống thông qua sự sử dụng ngôn ngữ tài tình, trí tưởng tượng, óc sáng tạo và cách đánh giá của người nghệ sĩ.
Từ định nghĩa này, ta thấy điều kiện cần của hình tượng trước hết phải là một hình ảnh về cuộc sống và điều kiện đủ là hình ảnh ấy phải có ý nghĩa biểu trưng về cuộc sống. Vì vậy, để ngôn ngữ thơ có tính hình tượng, người nghệ sĩ luôn phải biết tổ chức, sáng tạo ngôn ngữ từ đơn vị cơ bản của ngôn ngữ là từ đến những đơn vị lớn hơn là cụm từ, tổ hợp từ, câu, đoạn, …
Vậy, ta có thể khẳng định hình tượng thơ là nơi kết tinh cao độ giá trị nội dung và nghệ thuật của thi phẩm.
2.5.2. Các phương thức sử dụng ngôn ngữ tạo nên hình tượng thơ
2.5.2.1. Chất liệu thơ (thi liệu)
Là hệ thống hình ảnh, sự vật được ngôn ngữ gọi tên có cùng một đặc điểm tính chất và có mối quan hệ tương cận với nhau.
Từ cách hiểu như vậy, ta thấy những từ ngữ tạo nên chất liệu thơ thường là các danh từ hay ngữ danh từ. Và cũng vì các hình ảnh sự vật được ngôn ngữ gọi tên có nét tương đồng và quan hệ tương cận nên có thể hiểu chất liệu thơ là hệ thống các danh từ, ngữ danh từ cùng trường.
Chương “Đất nước” (Trích trường ca Mặt đường khát vọng – Nguyễn Khoa Điềm) sử dụng thi liệu là văn hoá dân gian, như: các câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, truyện cổ tích, thần thoại, truyền thuyết, … giúp tác giả thể hiện thành công hình tượng đất nước.
“Đất là nơi “ con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc
Nước là nơi “ con cá ngư ông móng nước biển khơi
Thời gian đằng đẵng
Không gian mênh mông
Đất nước là nơi dân mình đoàn tụ
Đất là nơi chim về
Nước là nơi rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng…”
Đất nước là những gì thân thuộc, gần gũi với mỗi chúng ta. “Đất nước là đất nước của nhân dân, đất nước của ca dao thần thoại”.
2.5.2.2. Hình tượng không gian và thời gian trong thơ
Không gian và thời gian là hai phạm trù luôn có mặt trong mọi hoạt động, sinh hoạt của con người. Nhiều lúc không để ý nhưng nó vẫn thường trực chi phối, ám ảnh chúng ta. Người ta thường nói rằng họ xúc cảm về một điều gì đó mà quên đi yếu tố không gian và thời gian làm nên sự tồn tại, xác định của điều đó. Do vậy, tư duy, xúc cảm của con người cũng nằm trong và chịu sự chi phối của một hệ không gian, thời gian nào đó.
Trong thơ, hai phạm trù này thường xuyên xuất hiện, nhưng hẳn đó không phải là sự ngẫu nhiên của việc miêu tả hiện thực, cảm xúc. Phạm trù không gian và thời gian trong thơ luôn được các thi sĩ ý thức sâu sắc nên nó hiện lên trong thơ như những hình tượng chứa đựng suy tưởng, cảm xúc của thi sĩ về cuộc đời. Vì vậy, phân tích thơ không thể bỏ qua việc tìm hiểu cảm thức của nhà thơ về không gian, thời gian.
Mọi người đều có nhận thức giống nhau về không gian, thời gian vật lý. Đó là thứ không gian 3 chiều, thời gian tuyến tính. Đó là nhận thức bằng lý trí, khách quan, khoa học. Nhưng về mặt tâm lý, tình cảm quá trình nhận thức ấy diễn ra không như nhau ở nhiều người. Vẫn xuất phát từ cơ sở khoa học, nhưng các thi sĩ nhận thức, biểu hiện không gian, thời gian trong thơ theo chiều tâm lý tình cảm chủ quan. Cho nên thông qua hình tượng không gian và thời gian ta sẽ tìm thấy cách cảm, cách nghĩ của nhà thơ về cuộc đời.
2.5.2.3. Nhạc thơ
* Bản chất và khái niệm nhạc thơ
Trong quá trình sáng tác của người nghệ sĩ, hay cảm thụ của độc giả, vấn đề nhạc thơ luôn được xem xét và đầu tư đáng kể. Tác phẩm thơ hay, thường có nhạc điệu mới lạ, phong phú. Độc giả có đủ bản lĩnh phân tích nhạc thơ thì mới thực sự có khả năng tiếp nhận thơ ca. Phân tích nhạc thơ được xem là thước đo khả năng cảm thụ, phân tích thơ của độc giả
Nhạc thơ là gì? Ngôn ngữ thơ ca luôn được độc giả tiếp nhận ở ba mặt (âm thanh, ý nghĩa, hình thức trình bày). Nhạc thơ là do âm thanh của ngôn ngữ tạo ra, khi chúng được nhà nghệ sĩ sắp xếp, tổ chức theo những nguyên tắc, trật tự nhất định. Vậy bàn đến nhạc thơ là bàn đến việc tổ chức ngữ âm trong thơ.
Tiếng Việt thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập. Đơn vị cơ bản của tiếng Việt là “tiếng ”(âm tiết). Xét nhạc thơ tiếng Việt phải căn cứ vào “tiếng ”. Mỗi “tiếng” có đầy đủ ba thuộc tính âm thanh (cao độ, trường độ, cường độ) và được cấu thành từ hai đơn vị âm thanh của ngôn ngữ (nguyên âm và phụ âm ). Vậy, tổ chức ngữ âm trong thơ cơ bản là việc sắp xếp tổ chức các “ tiếng ” trong thơ. Để có nhạc trong thơ thì việc tổ chức sắp xếp các thuộc tính âm thanh và đơn vị âm thanh của “ tiếng “ phải luân phiên nhau.
Vậy nhạc thơ là sự luân phiên các thuộc tính và đơn vị âm thanh của ngôn ngữ trong khoảng thời gian nào đấy. Quá trình luân phiên ấy được chia làm hai loại: tiết tấu và vần.
* Chức năng của nhạc thơ:
“Nếu nhạc điệu vĩnh viễn trường tồn, thì thơ ca làm sao bị tiêu diệt được ” (Kino Curajuki). Nhạc thơ liên quan mật thiết, trực tiếp đến sinh mệnh của bài thơ. Bài thơ hay về ý tứ mà không có nhạc điệu thì cũng yểu mệnh. Theo R.D.Tagor; “Ý nghĩa của bài thơ đi bộ, còn nhạc điệu bay cao”. Góp phần làm thêm sức sống của bài thơ là vì nhạc thơ có hai chức năng sau: Thứ nhất, nó góp phần tích cực vào việc lưu giữ và truyền đạt của bài thơ. Tức là nó gây ấn tượng thính giác ở độc giả. Thứ hai, từ ấn tượng thính giác, nó tác động vào thị hiếu thẩm mỹ và cộng hưởng với ý nghĩa của ngôn ngữ làm bùng nổ giá trị cảm xúc của bài thơ. Nói cụ thể, nhạc thơ không chỉ giúp ta dễ nhớ, nhớ lâu bài thơ mà nó còn có khả năng gợi lên những giá trị tình cảm tinh tế của bài thơ. Do vậy, phân tích nhạc thơ là cần phải tiến hành trình tự theo ba bước sau:
+ Xác định đơn vị, thuộc tính nào của âm thanh, ngôn ngữ tạo nên nhạc thơ cho bài, đoạn, câu thơ.
+ Ấn tượng thính giác hay đặc tính của nhạc điệu cụ thể ấy là gì?
+ Nhạc điệu ấy có khả năng gợi những cảm xúc gì?
* Kỹ năng phân tích nhạc thơ
Phân tích nhạc thơ về mặt tiết tấu:
– Tiết tấu là do sự luân phiên những mặt đối lập của các thuộc tính âm thanh ngôn ngữ. Nghĩa là một trong hai mặt đối lập của chúng (cao- thấp, dài- ngắn, mạnh- nhẹ) luân phiên trong một khoảng thời gian nào đấy tạo nên.
– Các yếu tố tạo nên tiết tấu thơ:
+ Số “tiếng” trong một dòng thơ: Là số lượng âm tiết trên một dòng thơ (không phải câu thơ). Do vậy, dễ thấy số “tiếng” là căn cứ để phân chia thể thơ tiếng Việt, và cũng là căn cứ để phân nhịp.
+ Phép điệp: Là hiện tượng lặp lại một hay nhiều đơn vị âm thanh của ngôn ngữ. Có hai trường hợp lặp lại một cách đặc biệt là từ láy và hiện tượng gieo vần, ta sẽ xét ở phần sau.
Nhờ phép điệp mà thơ tạo nên những ấn tượng thính giác. Những đơn vị ngữ âm được lặp lại tạo nên những biểu tượng ngữ âm. Biểu tượng ấy có khả năng gợi lên hay nhấn mạnh một nội dung cảm xúc nào đó trong thơ. Đối với ngôn ngữ thơ tiếng Việt, có các cấp độ điệp sau đây:
* Điệp phụ âm đầu: Là hiện tượng lặp lại phụ âm đầu.
* Điệp từ: Điệp từ là hiện tượng khá phổ biến trong thơ. Có nhiều bài thơ, câu thơ mà sức sống của nó ở điệp từ. Dễ thấy, mọi trường hợp điệp từ, trước hết đều gây ấn tượng thính giác, nhưng nội dung mà nó gợi ra thì rất phong phú.
* Điệp ngữ : Là hiện tượng lặp lại một cụm từ, một tổ hợp từ (ngữ). Trong thơ ca, hiện tượng này cũng khá phổ biến . Cách phân tích điệp ngữ trong thơ rất linh hoạt , song có thể tiến hành theo các thao tác sau: Về mặt ngữ âm, điệp ngữ trước hết giúp ta xác định nhịp thơ ( bước thơ), tạo ấn tượng thính giác cho độc giả . Về mặt ngữ nghĩa, cần xác định nghĩa của ngữ thông qua nghĩa của từ và cấu trúc ngữ pháp của ngữ. Ngoài ra, phải đặt nghĩa của ngữ trong mối quan hệ lâm thời về ngữ nghĩa với các tín hiệu ngôn ngữ khác của câu thơ, bài thơ .
* Điệp dòng: (thói quen gọi là điệp câu): Tương tự các hiện tượng điệp khác, điệp dòng bao giờ cũng có chức năng nhấn mạnh nội dung mà dòng thơ đó chứa đựng. Nó mang cái âm ba của thi phẩm dội mãi vào lòng độc giả , để lại dấu ấn thẩm mỹ sâu đậm trong lòng độc giả.
* Điệp đoạn (còn gọi là điệp khúc): Là hiện tượng lặp lại một đoạn thơ . Đoạn thơ được lặp luôn chứa một nội dung cảm xúc nào đấy. Cho nên, điệp đoạn thường có vai trò nhấn mạnh và thể hiện tính thường trực của cảm xúc.
2.5.2.4. Vần
– Khái niệm : Là hiện tượng lặp lại khuôn vần trên một hay nhiều dòng thơ ( cấu tạo của vần gồm hai phần: Nguyên âm và phụ âm cuối).
– Chức năng: Gieo vần trước hết giúp cho thơ tăng cường khả năng lưu giữ và truyền đạt. Thứ đến, ở một số vần trong thơ tiếng Việt có biểu tượng âm thanh. Nghĩa là, mỗi khuôn vần có khả năng thể hiện một loại cảm xúc, tâm trạng, … nào đó.
2.5.2.5. Các lớp từ giàu sắc thái
Trong tiếng Việt có một số lớp từ rất giàu sắc thái biểu cảm, như lớp từ Hán – Việt (vang về âm, nhoè về nghĩa), lớp từ khẩu ngữ…Thơ ca cũng khai thác triệt để các lớp từ ấy.
Không phải ngẫu nhiên mà bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng xuất hiện nhiều từ Hán – Việt, như: đoàn binh, biên cương, viễn xứ, độc hành…Ta biết, những ngày nơi thượng nguồn sông Mã, binh đoàn Tây Tiến gặp nhiều khó khăn, gian khổ, chết chóc. Miêu tả hiện thực ấy mà dùng từ thuần Việt thì nó sắc nét, và bi thương quá. Các từ Hán – Việt xuất hiện nhoè về nghĩa vang về âm và có sắc thái cổ kính, trang trọng nên đã góp phần khoả lấp những bi thương , xoá đi sắc màu ảm đạm của chết chóc. Nó lấn át cái thực tế khắc nghiệt và bắc nhịp cầu liên tưởng cho độc giả về hình ảnh các anh hùng đại trượng phu thời phong kiến.
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Ao bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
(Tây Tiến)
2.5.2.6.Ngôn ngữ biểu tượng
Ngôn ngữ thơ luôn được sử dụng theo cơ chế tiết kiệm nhất.Càng tiết kiệm thì thơ càng hàm súc. Sử dụng các biểu tượng ngôn ngữ giúp cho thơ thực hiện tốt cơ chế tiết kiệm này.
Biểu tượng chính là ẩn dụ được sử dụng rộng rãi, mang tính kí hiệu, tính quy ước. Ý nghĩa biểu trưng của biểu tượng không hoặc ít phụ thuộc vào văn cảnh trong thi phẩm mà phần lớn phụ thuộc vào phong tục tập quán, quy ước chung của cộng đồng sử dụng ngôn ngữ. Phạm vi hoạt động của biểu tượng rộng.
Hệ thống biểu tượng trong thơ tiếng Việt rất phong phú. Bộ phận văn học dân gian đã tạo ra nhiều biểu tượng và tác động đến cả văn học viết. Có thể chia biểu tượng ngôn ngữ thơ tiếng Việt thành nhiều loại: biểu tượng đơn (cò, hạt mưa…), biểu tượng kép (non – nước, mận – đào, trúc – mai, thuyền – bến..)
2.5.2.7. biện pháp tu từ từ vựng
Biện pháp tu từ từ vựng là cách thức sử dụng từ, ngữ cố định một cách sáng tạo để diễn đạt nội dung một cách nghệ thuật. Ngoài chức năng nhận thức, tu từ từ vựng sẽ tạo nên hình tượng nghệ thuật làm tăng tính biểu cảm và truyền cảm cho thơ.
Xem thêm: Cụ thể hóa và trừu tượng hóa trong thơ
III. Những kiến thức bổ sung để phân tích thơ
Yêu cầu cao nhất của một bài phân tích thơ là phải viết đúng và viết hay. Viết đúng đã khó, viết cho hay lại càng khó hơn. Để bài phân tích đạt hiệu quả cao, ngoài những kỹ năng cơ bản phân tích thơ, người làm văn phải đảm bảo yêu cầu về những kiến thức hỗ trợ khác. Kiến thức càng phong phú thì việc phân tích càng sâu sắc. Có thể nêu ra một số lĩnh vực kiến thức sau:
1. Kiến thức văn học sử
Văn học là một hiện tượng lịch sử ra đời và phát triển theo thời gian. Tiếp nhận một tác phẩm văn học nói chung, tác phẩm thơ nói riêng không nên tách nó ra khỏi phạm trù lịch sử, không nên xem nó như một cá thể độc lập, thoát li hẳn mối quan hệ, ràng buộc của xã hội.
Kiến thức về văn học sử bao gồm là những hiểu biết về các trào lưu văn học, giai đoạn văn học, thời kì văn học ; nó còn là những hiểu biết có hệ thống về từng tác gia cụ thể. Đứng trước một tác phẩm thơ, người làm văn phải biết huy động sở biết của mình về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, nó thuộc thời kì, giai đoạn và trào lưu văn học nào ?…, cuộc đời và quá trình sáng tác của tác giả ra sao ? … để từ đó nhận xét và đánh giá các vấn đề về phương diện lịch sử cũng như nghệ thuật trong thi phẩm.
2. Kiến thức và kỹ năng sử dụng ngôn ngữ
Ngôn ngữ là phương tiện để con người thể hiện những điều mình đã tư duy. Bài phân tích thơ đúng và hay tuỳ thuộc rất lớn vào kiến thức và kỹ năng sử dụng ngôn ngữ của người viết. Thật khó diễn đạt trọn vẹn cái điều mình nhìn thấy, cảm thấy, tư duy thấy. Thực tế, rất nhiều lúc ngôn ngữ diễn đạt không theo kịp tư duy. Để khắc phục những bất cập này, người làm văn phải có ý thức thường xuyên tích luỹ vốn ngôn ngữ, trau dồi kỹ năng sử dụng ngôn ngữ. Kiến thức về ngôn ngữ giúp người viết vừa xâm nhập vào tác phẩm, vừa diễn đạt những điều mình cảm nhận được từ tác phẩm. Riêng ở mặt sử dụng ngôn ngữ để diễn đạt, yêu cầu người viết phải viết đúng và hay theo các cấp độ sau:
+ Dùng từ:
Yêu cầu người viết phải biết dùng từ độc đáo. Sẽ rất chán nản cho người đọc khi một bài viết không dùng được một từ cho hay, cho độc đáo. Dùng từ hay thì mới có đoạn hay rồi bài hay.Từ hay là từ dùng đúng lúc, đúng chỗ, lột tả được cái thần thái của vấn đề nào đó trong bài thơ, làm cho câu văn có hồn, có sinh khí, làm cho người đọc sung sướng thán phục.
Cũng nên lưu ý rằng từ hay, từ có ” thần ” không phải là những từ ” đao to búa lớn ” , hoa mỹ, công thức, sáo rỗng… mà là những từ bình thường nhưng quan trọng là sử dụng đúng chỗ.
+ Viết câu :
Phương tiện ngôn ngữ cơ bản để diễn ý là câu. Một câu luôn diễn đạt một nội dung nào đấy. Muốn cách diễn đạt khỏi đơn điệu nhàm chán người viết phải biết cách sử dụng nhiều kiểu câu. Tính linh hoạt trong việc sử dụng câu ở chỗ : tuỳ từng lúc, từng nơi, tuỳ giọng văn của từng đoạn mà có những loại câu tương ứng. Khi người viết muốn biểu đạt tình cảm của mình thì dùng câu cảm thán; lúc muốn gây sự chú ý cho người đọc ta có thể dùng câu nghi vấn để đặt vấn đề và tự trả lời để giải quyết vấn đề; khi muốn nhìn nhận vấn đề ở nhiều góc độ theo nhiều mối quan hệ ta dùng câu có cặp quan hệ từ : tuy – nhưng, càng – thì càng, không những – mà còn, nếu – thì …, khi muốn khái quát vấn tổng hợp đề ta dùng kiểu câu có tính chất quy nạp toàn thể với các từ mở đầu : nhìn chung, đại thể, về cơ bản, phần lớn …
+ Ngôn ngữ làm văn phân tích thơ cũng phải có tính tạo hình và gợi cảm:
Về mặt khoa học, bài phân tích thơ là loại văn của tư duy logic. Văn ý phải rõ ràng, sáng sủa, lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục lí trí. Tuy nhiên, không phải vì thế mà bài phân tích thơ chỉ trình bày một cách khô khan máy móc, chối bỏ cảm xúc và hình ảnh. ngôn ngữ phân tích thơ thiết nghĩ cũng phải có chất thơ, phải hấp dẫn lôi cuốn người đọc bằng từ ngữ có tính tạo hình và giàu sức biểu cảm.
3. Kiến thức về các bộ môn liên quan
Sóng Hồng định nghĩa ” Thơ là nhạc là hoạ là điêu khắc theo một phong cách riêng”. Định nghĩa này cho thấy thơ ca liên quan đến các ngành nghệ thuật khác. Hơn thế, thơ ca luôn chứa đựng nhiều vấn đề, phạm trù xã hội khác nhau. Do vậy, để có thể xâm nhập trọn vẹn vào tác phẩm thơ, chúng ta cần phải có hiểu biết về nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, như : Lịch sử, Địa lý, Triết học, Đạo đức học … Những kiến thức này là những luận cứ ( vừa tiềm tàng vừa hiện thực ) góp phần soi sáng các hiện tượng thơ ca.
C. Một số kinh nghiệm khi dạy kiểu bài văn nghị luận về một bài thơ, một đoạn thơ
– Mục đích của một bài nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ là qua việc tìm hiểu các tín hiệu nghệ thuật (như hình ảnh, ngôn ngữ, nhịp điệu, cấu tứ…), nhận xét đánh giá được giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ, đoạn thơ.
– Tìm hiểu phân tích thơ là một việc khó, đánh giá về thơ lại càng khó và phức tạp hơn, bởi lẽ thơ là sản phẩm của cảm xúc, trí tưởng tượng mang dấu ấn cá nhân.Quá trình tiếp nhận thơ ca cũng đồng thời là một qúa trình tiếp nhận mang tính chất chủ quan, sâu sắc. Bài nghị luận vì thế cần có sự kết hợp giữa việc trình bày hiểu biết về những “dấu ấn cá nhân” của tác giả, đồng thời phải nói lên được những cảm nhận, đánh giá chủ quan của bản thân người viết.
– Kiến thức được thể hiện trong một bài nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ là kiến thức tổng hợp kết hợp của nhiều hiểu biết trong đó có những hiểu biết về đặc trưng thể loại về tác giả, về hoàn cảnh sáng tác… Vấn đề bám vào đặc trưng thể loại thơ ( thể hiện trong những đặc trưng về từ ngữ, hình ảnh, cách ngắt nhịp, cấu tứ…) để phân tích, nghị luận là rất quan trọng.
I. Đối tượng nghị luận một bài thơ, đoạn thơ
+ Nghị luận về một bài thơ.
+ Nghị luận về một đoạn thơ.
+ Nghị luận về một khía cạnh (nội dung, nghệ thuật) của bài thơ, đoạn thơ…
+ Nghị luận tổng hợp (từ hai đoạn, hai bài trở lên.).
Với mỗi kiểu bài yêu cầu nghị luận có sự khác nhau, vì thế HS phải căn cứ vào yêu cầu cụ thể để làm bài, tránh ôm đồm tham lam. Nhìn chung, bài nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ thường có những nội dung sau:
+ Giới thiệu khái quát về tác giả, về bài thơ, đoạn thơ.
+ Phân tích những giá trị đặc sắc về những giá trị nghệ thuật của bài thơ, đoạn thơ
+ Đánh giá chung về bài thơ, đoạn thơ.
Xem thêm: Vai trò của chi tiết trong tác phẩm văn học
II. Nội dung và cách thức làm bài văn nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ
1. Nghị luận về một bài thơ
1.1 Những lưu ý về cách làm bài.
Khi tiếp xúc với đoạn đề này, khá nhiều học sinh thắc mắc, băn khoăn: có cần chếp hết bài thơ trong phần mở bài không? Làm thế nào để học thuộc cả một bài thơ dài? Phân tích nội dung hay nghệ thuật trước? v.v… Sau đây là một số lưu ý cụ thể:
– Khi giới thiệu bài thơ (nên để ở phần mở bài), HS không cần dẫn nguyên bài thơ, chỉ cần giới thiệu tên bài thơ là đủ
– Để tìm hiểu giá trị bài thơ (bao gồm giá trị nội dung và nghệ thuật) HS có thể chọn cách phân tích cắt ngang (tức là phân tích theo bố cục các đoạn của bài thơ).Với cách phân tích thứ nhất, cần nắm chắc bố cục bài thơ, từ đó lần lượt phân tích từng đoạn cho đến hết bài thơ. Với cách thứ hai, trước hết cần bao quát được hệ thống ý (cũng có thể hiểu là những biểu hiện, diễn biến cảm xúc của nhân vật trữ tình), sau đó tập hợp, phân tích những câu thơ có cùng nội dung cảm xúc ấy…
– Quá trình phân tích, cảm nhận bài thơ phải theo trình tự từ nghệ thuật đến nội dung. Đây là quá trình ngược lại với quá trình sáng tác của nhà thơ, là quá trình người đọc tự “giải mã” những tín hiệu ngôn ngữ để tìm đến nội dung tư tưởng, nội dung cảm xúc mà nhà thơ gửi gắm.
– Trong quá trình phân tích không nhất thiết phải trích dẫn tất cả những câu, đoạn trong bài thơ ( nếu là bài thơ dài). HS có thể chọn những câu thơ, đoạn thơ tiêu biểu để phân tích và làm dẫn chứng minh họa .
1.2. Ví dụ tham khảo:
Em hãy phân tích bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh.
Gợi ý:
Bài làm cần đáp ứng được một số yêu cầu sau:
a. Giới thiệu tác giả, bài thơ
• Xuân Quỳnh là một nhà thơ nữ nổi tiếng trong nền thi ca hiện đại Việt Nam.
Thơ Xuân Quỳnh bộc lộ sự hồn hậu chân thành, nhiều âu lo và luôn da diết trong khát vọng hạnh phúc đời thường.
• Bài thơ ra đời năm 1967 trong tập thơ Hoa dọc chiến hào – tập thơ được sáng tác trong thời kì chống Mĩ.
b. Phân tích bài thơ
– Nội dung: Bài thơ thể hiện sinh động trạng thái cảm xúc xao động, nhiều cung bậc của người phụ nữ đang yêu, gắn với cả những suy tư trăn trở và ngập tràn khát vọng. Đó là những trạng thái tâm lí đặc biệt của một trái tim khát khao yêu thương – lúc “dữ dội” lúc “dịu êm” … ( hai khổ đầu). Đó là nhu cầu muốn được tìm hiểu cội nguồn của tình yêu, là nỗi nhớ da diết, sự thủy chung, là ý thức và niềm tin tình yêu vượt qua thử thách ( năm khổ thơ tiếp). Là khát vọng lớn lao, cao cả – muốn được tan hoà vào biển lớn tình yêu của cuộc đời (hai khổ cuối).
mà một, như hai nhân vật hỗ trợ cho nhau, cùng khắc họa những trạng thái xúc cảm, những khao khát mãnh liệt của tác giả. Thể thơ năm chữ và sự linh hoạt, phóng túng trong cách ngắt nhịp có tác dụng tạo nên nhịp điệu lúc dịu êm, khoan thai, lúc dồn dập, sôi nổi của sóng biển và sóng lòng.
c. Đánh giá chung về nội dung và nghệ thuật
– Sóng là bài thơ tình đặc sắc, với hình ảnh thơ giàu giá trị thẩm mĩ, thể hiện những nghĩ suy, trăn trở đồng thời thể hiện khát vọng tình yêu mãnh liệt, chung thuỷ và vĩnh hằng của Xuân Quỳnh.
– Bài thơ toát lên vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu: vừa có nét truyền thống (thể hiện ở sự đằm thắm, mãnh liệt, thủy chung, son sắt ) vừa có nét hiện đại ( dám chủ động bày tỏ, nỗi lòng, khát vọng; sôi nổi, bộc trực…).
2. Nghị luận về một đoạn thơ
– Phạm vi kiến thức của dạng bài nghị luận này hẹp hơn so với nghị luận về một bài thơ, nhưng điều đó không có nghĩa là đơn giản, “nhẹ” hơn so với yêu cầu nghị luận một bài thơ. Đây là dạng đề đòi hỏi người viết phải thể hiện được những kiến thức, khả năng cảm thụ cụ thể của bản thân.
– Khi nghị luận, ngoài việc phân tích, đánh giá về nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ, cần phải đánh giá được vai trò, vị trí của đoạn thơ trong việc góp phần thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Điều đó cũng có nghĩa là khi phân tích, trình bày cảm nhận về đoạn thơ, không bao giờ được tách rời với tổng thể là cả bài thơ.
– Những đoạn thơ mở đầu tác phẩm thường khơi gợi cảm hứng chủ đạo của bài thơ, những đoạn cuối thường kết tinh giá trị, bộc lộ rõ nhất thi tứ, hoặc thể hện tính chất triết lí của bài thơ đó. Việc nắm được ý nghĩa của những vị trí “đắc địa” này cũng tạo thuận lợi nhất định cho quá trình làm bài.
– Trình tự cơ bản của bài nghị luận về đoạn thơ cần lưu ý:
+ Khi giới thiệu đoạn thơ, chú ý thao tác trích dẫn đoạn thơ.
+ Tập trung phân tích những giá trị về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ được yêu cầu nghị luận tránh lạm dụng trích dẫn tư liệu mở rộng quá nhiều.
+ Đánh giá chung về đoạn thơ, trong mối quan hệ với tư tưởng chủ đề của tác phẩm.
3. Nghị luận về một khía cạnh của bài thơ, đoạn thơ.
3.1. Những lưu ý về cách làm bài.
– Đề bài nghị luận có thể tập trung ở một phương diện, một khía cạch cụ thể về nội dung hay nghệ thuật của bài thơ, đoạn thơ. Ví dụ ở bài Mộ (Chiều tối), đề có thể yêu cầu HS trình bày cảm nhận về bức tranh chiều tối, vẻ đẹp tâm hồn con người (nội dung), màu sắc cổ điển và hiện đại (nghệ thuật); với bài Tây Tiến, đề có thể yêu cầu cảm nhận về hình tượng người lính Tây Tiến (nội dung) hay bàn về bút pháp lãng mạn (nghệ thuật)…
– Khi làm bài, cần xác định trọng tâm nghị luận( tức khía cạnh cụ thể mà đề yêu cầu), tuy nhiên cần tránh tình trạng tách rời hoàn toàn nội dung – nghệ thuật trong quá trình phân tích, cảm nhận. Khi gặp đề bài có yêu cầu khai thác về phương diện nội dung , cần đánh giá được các yếu tố nghệ thuật thể hiện nội dung đó; trái lại, khi gặp đề bài có yêu cầu thiên về khai thác phương diện nghệ thuật, cần rút ra được nội dung thể hiện…
3.2. Ví dụ tham khảo:
Cảm nhận về hình tượng người lính trong đoạn thơ sau:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc.
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.
Gợi ý:
Bài làm cần đáp ứng được một số yêu cầu sau:
a. Giới thiệu khái quát về tác giả Quang Dũng và bài thơ Tây Tiến, hình tượng người lính Tây Tiến và đoạn thơ.
b. Trình bày cảm nhận về hình tượng người lính Tây Tiến trong đoạn thơ.
– Về dáng vẻ bên ngoài tiều tụy.
– Về tư thế kiêu hùng, dũng mãnh.
– Về tâm hồn lãng mạn hào hoa.
– Về phẩm chất anh hùng – sự hi sinh bi tráng…
c. Đánh giá chung
– Nghệ thuật thể hiện hình tượng : âm hưởng bi tráng; bút pháp thiên về lãng mạn…
– Hình tượng người lính Tây Tiến trong đoạn thơ vừa có nét riêng, vừa mang những nét chung của người lính chống Pháp, góp phần tô đậm hình tượng người lính trong toàn bài thơ.
Xem thêm: Tìm hiểu và phân tích hoàn cảnh ra đời của tác phẩm văn học (phần 1)
4. Dạng đề nghị luận tổng hợp về thơ.
4.1 Những lưu ý về cách làm bài.
– Khác với dạng đề yêu cầu học sinh nghị luận về một đoạn, bài cụ thể, dạng đề tổng hợp về thơ thường có phạm vi rộng, bao quát hơn (thường liên quan đến hai đoạn thơ, hai bài thơ…).
– Một trong những cơ sở để hình thành một đề bài tổng hợp về thơ là những nét tương đồng giữa các đoạn, các bài thơ…Nhưng từ những nét tương đồng đó, HS cần phát hiện ra cả những điểm khác biệt – yếu tố tạo nên nét riêng, sự độc đáo, sự hấp dẫn.Chính vì thế, nghị luận tổng hợp về thơ thường đặt ra yêu cầu đối chiếu, so sánh… để hướng tới mục đích tìm ra cả nét tương đồng lẫn nét khác biệt.
– Khi làm bài, cần tránh tình trạng phân tích, cảm nhận riêng lẻ, tách rời các đoạn, bài, hay đối tượng cần nghị luận.
– Chẳng hạn: đề bài yêu cầu trình bày suy nghĩ về vẻ đẹp của con người Việt nam thời chống Pháp qua các bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu và Tây Tiến của Quang Dũng, nhiều học sinh sẽ chỉ phân tích lần lượt vẻ đẹp của con người Việt Nam thời chống Pháp qua từng bài thơ mà quên thao tác tổng hợp, đánh giá cần thiết. Với đề bài này, HS vẫn có thể chọn cách làm như trên (tìm hiểu vẻ đẹp của con người Việt Nam thời chống Pháp qua từng tác phẩm), nhưng sau đó cần rút ra những nét chung, nét riêng(kể cả trong nghệ thuật thể hiện).
4.2. Ví dụ tham khảo:
Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau:
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi…”
(Tây Tiến – Quang Dũng, Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục, 2008, trang 88)
“Nhớ khi giặc đến giặc lùng
Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây.
Núi giăng thành lũy sắt dày
Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù.”
(Việt Bắc – Tố Hữu, Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục, 2008, trang 112)
Gợi ý:
Mở bài:
– Giới thiệu khái quát về hai tác giả, tác phẩm.
– Dẫn dắt và trích dẫn hai đoạn thơ.
Thân bài:
– Cảm nhận về đoạn thơ trong bài Tây Tiến.
– Cảm nhận về đoạn thơ trong bài Việt Bắc.
– So sánh về hai đoạn thơ (nét tương đồng và khác biệt).
– Nhận định chung về giá trị của hai đoạn thơ.
Kết bài:
– Khái quát những nét giống nhau và khác nhau tiêu biểu.
– Nêu cảm nghĩ của bản thân (tình cảm của con người khi nghĩ về quá khứ).
Dàn ý chi tiết
a. Mở bài:
– Quang Dũng là nghệ sĩ đa tài, tên tuổi của ông gắn liền với tác phẩm Tây Tiến. Bài thơ thể hiện nỗi nhớ của tác giả về thiên nhiên và con người nơi tác giả cùng gắn bó khi tham gia trong đoàn quân Tây Tiến. Bốn câu thơ đầu đã thể hiện rõ nét nội dung cũng như cảm hứng sáng tạo nghệ thuật của tác giả.
– Việt Bắc là bài thơ xuất sắc của Tố Hữu. Bài thơ đã thể hiện tình cảm sâu sắc của người cán bộ kháng chiến với chiến khu và con người nơi núi rừng Việt Bắc. Bốn câu thơ thuộc phần một của bài thơ đã khắc họa phần nào đạo lí ân tình thủy chung đó.
b. Thân bài:
* Cảm nhận về đoạn thơ trong bài Tây Tiến của Quang Dũng:
– Hai câu đầu bộc lộ nỗi nhớ da diết của tác giả về cảnh núi rừng Tây Bắc và người lính Tây Tiến. Những hình ảnh hiện về trong nỗi nhớ bao trùm lên cả không gian và thời gian.
– Tiếng gọi Tây Tiến ơi đầy tha thiết, trìu mến; điệp từ nhớ thể hiện nỗi nhớ cháy bỏng; từ láy chơi vơi vẽ ra trạng thái của nỗi nhớ, hình tượng hóa nỗi nhớ dàn trải, da diết.
– Hai câu còn lại khắc họa vẻ đẹp của người lính trên đường hành quân gian khổ. Thời gian từ sáng sớm đến đêm khuya cho thấy sự gian lao, vất vả và sự tinh tế trong cảm nhận của người lính Tây Tiến trên bước đường hành quân.
– Từ ngữ chỉ địa danh Sài Khao, Mường Lát gợi sự hoang sơ, vắng vẻ; Hình ảnh thơ có sự hài hòa giữa thực và ảo; Sự kết hợp hiệu quả giữa âm vần rồi, ơi, chơi vơi, hơi tạo âm hưởng thiết tha, bồi hồi.
* Cảm nhận về đoạn thơ trong bài Việt Bắc của Tố Hữu:
– Đoạn thơ thể hiện nỗi nhớ khôn nguôi về những trận đánh nơi chiến khu Việt Bắc. Thiên nhiên, núi rừng Việt Bắc cùng gắn kết với con người trong chiến đấu với kẻ thù.
– Dưới con mắt nhà thơ, thiên nhiên, núi rừng nơi đây trở nên có ý chí, có tình người. Đoạn thơ góp phần khẳng định thiên nhiên và con người Việt Nam thật anh dũng, kiên cường trong chiến đấu chống lại kẻ thù.
– Sử dụng nghệ thuật nhân hóa, lặp từ mang hiệu quả biểu đạt cao; Hai từ che, vây đối lập làm nổi bật vai trò của núi rừng chiến khu Việt Bắc trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
* So sánh hai đoạn thơ:
– Điểm tương đồng: Hai đoạn thơ đều bộc lộ nỗi nhớ thiết tha, sâu nặng về thiên nhiên và con người ở những nơi mà người linh đã từng đi qua và in dấu nhiều kỉ niệm.
– Điểm khác biệt:
+ Đoạn thơ trong Tây Tiến bộc lộ nỗi nhớ cụ thể của người trong cuộc, toát lên vẻ hào hoa, lãng mạn, hình ảnh thơ nghiêng về ý nghĩa tả thực.
+ Đoạn thơ trong Việt Bắc thông qua nỗi nhớ để thể hiện cái tình, lòng biết ơn sâu nặng của người cán bộ kháng chiến đối với đất và người Việt Bắc, hình ảnh thơ nghiêng về ý nghĩa khái quát, tượng trưng.
c.Kết bài
– Đánh giá chung: Nội dung chủ yếu của hai đoạn thơ là thể hiện nỗi nhớ về cảnh và người nơi núi rừng Tây Bắc và chiến khu Việt Bắc.
– Khẳng định: Hai đoạn thơ đã thể hiện tình cảm gắn bó sâu sắc của con người khi nghĩ về một thời quá khứ gian khổ mà hào hùng.
D. Kết luận
Bài văn nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ là kiểu bài khá quen thuộc với học sinh trung học, việc nắm vững cách làm kiểu bài này sẽ giúp các em viết tốt và đứng trước mỗi kì thi không mắc những lỗi sơ đẳng khi làm bài để không mất điểm. Với đề tài này chúng tôi hi vọng sẽ giúp ích một phần nhỏ vào việc giảng dạy của giáo viên và việc học ngữ văn của học sinh. Đề tài sẽ không tránh khỏi những thiếu sót mong nhận được sự đóng góp của đồng nghiệp.
Nguyễn Thị Tuyết Đào