1. Khái niệm

Nghị luận về một tình huống truyện là làm rõ những cơ sở tạo nên câu chuyện (mối quan hệ, hoàn cảnh, môi trường sống của nhân vật) để truyền tải nội dung tư tưởng sâu sắc của truyện.

2. Đặc điểm

– Tình huống truyện chính là hạt nhân của của một truyện ngắn. Trong chương trình ngữ văn 9, các em sẽ được biết đến 3 tình truyện cơ bản: Tình huống tâm trạng (Làng – Kim Lân); tình huống hành động (Lặng lẽ Sa Pa – Nguyễn Thành Long); tình huống nhận thức (Bến quê – Nguyễn Minh Châu).

* Ví dụ: Tình yêu làng và lòng yêu nước chân thành, sâu sắc của nhân vật ông Hai trong truyện ngắn “Làng” đã được Kim Lân khám phá, thể hiện qua những tình huống truyện đặc sắc. Em hãy chỉ ra và phân tích tình huống đặc sắc đó.

3. Dàn ý chung

* Mở bài

– Giới thiệu ngắn gọn những nét chính về tác giả, tác phẩm.

– Dẫn dắt vấn đề cần nghị luận.

* Thân bài

– Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác.

– Phân tích và chỉ ra ý nghĩa của các tình huống truyện.

– Đánh giá về tình huống truyện.

* Kết bài: Khẳng định ý nghĩa của tình huống truyện. Từ đó, nêu giá trị của tác phẩm.

4. Đề minh họa

Đề 1. Phân tích tình huống truyện Làng – Kim Lân.

Gợi ý dàn bài

Mở bài – Giới thiệu tác giả, tác phẩm
+ Tác giả: Cây bút truyện ngắn xuất sắc, tiêu biểu trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông am hiểu, gắn bó sâu sắc với người nông dân, hầu hết các tác phẩm của Kim Lân đều viết về đề tài người nông dân, cảnh sinh hoạt ở làng quê. 
+ Tác phẩm: Truyện ngắn Làngđược viết và đăng báo trên tạp chí Văn nghệ năm 1948 – giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Thông qua nhân vật ông Hai, tác giả muốn nói về tình yêu làng, yêu nước của những người nông dân. Một trong những thành công của tác phẩm là nghệ thuật tạo dựng tình huống đặc sắc. 
Thân bài Tình huống: Ông hai nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc:
+ Ông Hai là một người nông dân rất yêu làng. Giặc Pháp vào xâm lược, bất đắc dĩ ông Hai phải đi tản cư. Ở nơi tản cư, ông luôn nhớ về làng, say sưa kể về làng. Ông rất tự hào về tinh thần kháng chiến của làng Chợ Dầu. Hễ ai hỏi về làng, mắt ông lại sáng lên. Không những thế, ông còn yêu nước. Ông rất hay lên phòng thông tin nghe ngóng tin tức đánh giặc của quân mình. Tình yêu làng hòa trộn, song hành trong tình yêu nước.
+ Một hôm, khi ngồi trong quán nước, ông Hai tình cờ nghe được tin làng chợ Dầu theo giặc từ người đàn bà tản cư dưới xuôi. Thông tin này làm ông đau đớn, tủi hổ, thay đổi cả tâm tính và trở thành nỗi ám ảnh với ông. Ông Hai đấu tranh tinh thần để lựa chọn: một bên là tình yêu làng – một bên là lòng yêu nước. Ông đấu tranh trong nội tâm, để rồi đi đến một quyết định: Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây thì phải thù.
=> Tình huống tạo nút thắt, cao trào cho tác phẩm. Từ đó, nhà văn cho thấy diễn biến tâm lí gay gắt, phức tạp trong nhân vật. Người đọc cảm nhận được tình yêu làng, yêu nước sâu sắc trong tâm hồn ông Hai. Tình huống truyện tạo sự gay cấn, hấp dẫn cho tác phẩm, đồng thời giúp Kim Lân bộc lộ tư tưởng, chủ đề của tác phẩm.
Tình huống: Tin làng Chợ Dầu theo giặc được cải chính.
+ Trong lúc tuyệt vọng, đau khổ nhất thì có người ở làng chợ Dầu lên báo tin nhà ông Hai bị Tây đốt. Không cần văn bản, giấy tờ xác thực, đối với ông, sự việc Tây đốt nhà mình là một điều cải chính rõ ràng nhất.Tình huống này giúp mở nút câu chuyện, giải tỏa mọi tâm lí buồn bã, tủi hổ của ông Hai. Ông vui mừng, lật đật chạy đi khoe với mọi người. Ông lại trở về dáng vẻ hoạt bát, vui vẻ, và lại say sưa kể về làng Chợ Dầu của mình. Lúc này, tình yêu làng, yêu nước lại hòa vào nhau, tình yêu nước bao trùm lên tình yêu làng.
=> Tình huống truyện rất độc đáo, kết hợp với nghệ thuật phân tích tâm lí nhân vật đã khắc họa tình yêu làng, yêu nước của những người nông dân. 
Kết bài Truyện ngắn Làng là một tác phẩm độc đáo viết về tình yêu làng, yêu nước của người nông dân. Để làm nổi bật tình cảm ấy, tác giả đã rất thành công trong việc xây dựng tình huống truyện. 
Đề 2. Phân tích tình huống truyện Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng.

 Gợi ý dàn bài

Mở bài – Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
+ Nguyễn Quang Sáng: cây bút trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Các tác phẩm của ông hầu hết viết về cuộc sống và con người Nam Bộ trong hai cuộc chiến tranh.
+ Chiếc lược ngà: một truyện ngắn viết về tình phụ tử sâu nặng của hai cha con ông Sáu và bé Thu. Truyện ngắn rất giản dị, mộc mạc nhưng chứa đầy sức bất ngờ, sự cảm động. Một trong những yếu tố tạo nên thành công cho tác phẩm là nghệ thuật tạo dựng tình huống truyện độc đáo. 
Thân bài Tình huống: Ông Sáu về thăm nhà trong ba ngày nghỉ phép. 
+ Ông Sáu đi kháng chiến khi con gái chưa tròn một tuổi. Mãi đến năm bé Thu lên tám, ông Sáu mới có dịp trở về thăm nhà trong ba ngày nghỉ phép ngắn ngủi.
+ Ông hồi hộp, mong ngóng được gặp con, tưởng rằng sẽ được âu yếm, chăm sóc con. Xuồng chưa cập bến, ông đã nhón chân nhảy lên bờ. Với giọng lặp bặp, run run, ông Sáu dang hai tay chờ đón con và sải bước đến gần con. Ông tưởng rằng đứa bé sẽ chạy ào tới, ngồi trong lòng anh.
+Thế nhưng, bé Thu lại không nhận cha.Nó sợ hãi hét lên kêu Má …má. Không những thế, trong ba ngày, bé Thu nhất định không chịu gọi ông Sáu là cha, dù có bị dồn vào những tình huống khó. Thậm chí, trong bữa cơm, ông Sáu gắp cho nó một miếng trứng cá to vàng, nó cầm đũa, xoi vào cái chén và hất văng miếng trứng cá ra. Ngày cuối cùng ông Sáu được ở bên con, bé Thu còn bỏ sang nhà bà ngoại.
+ Sang nhà ngoại, nghe ngoại kể chuyện, bé Thu mới hiểu rõ tại sao ông Sáu lại có vết thẹo dài trên má. Nó cảm thấy ân hận vì đã đối xử không tốt với cha. Tuy nhiên, hành động không nhận cha của bé Thu càng chứng tỏ tình yêu sâu sắc, lớn lao dành cho người ba kính yêu của mình. Nó không chấp nhận ai khác làm ba của nó, ngoại trừ người trong ảnh.
+ Ngày chia tay, ông Sáu sợ con lại giãy lên, lại bỏ chạy. Ông chỉ dám đứng nhìn con từ xa. Bỗng nhiên, bé Thu hét lên, gọi Ba … Barồi chạy đến ôm ba. Nó dùng hai chân quặp lấy ba, hôn ba, hôn cả vết thẹo dài trên má của ba. Nó không muốn cho ba đi nữa. Ông Sáu vô cùng hạnh phúc trước tình cảm mãnh liệt của con. Đó là một khung cảnh chia tay đầy xúc động, cũng là lần gặp cuối cùng.
=> Tác giả đã tạo ra một tình huống hết sức độc đáo. Đặt nhân vật vào trong tình huống đó, nhà văn đã khắc họa, bộc lộ rất rõtâm lí nhân vật. Để từ đó, người đọc thấy được tình cha con sâu nặng của cha con ông Sáu, thấy được nét tính cách ngây thơ, cứng cỏi, ngang ngạnh của bé Thu. 
– Tình huống: Ở chiến trường,ông Sáu làm chiếc lược ngà tặng con.
+ Ngày trở về chiến trường, ông Sáu hết lòng thương nhớ con. Ông hối hận vì đã một lần đánh con. Thương con, ông Sáu dành hết tâm sức của mình làm chiếc lược ngà. Ông tỉ mẩn khắc từng nét chữ Yêu nhớ tặng Thu, con của ba. Chiếc lược như làm vơi đi phần nào nỗi nhớ con. Nhưng ông lại càng mong muốn được gặp con hơn.
+ Thế nhưng, trong một trận càn lớn của Mỹ Ngụy, ông Sáu đã hy sinh. Trước lúc nhắm mắt, không còn đủ sức chăng chối lại điều gì, ông Sáu đã gửi gắm chiếc lược ngà cho bác Ba.
=> Tình huống đã bộc lộ tình yêu thương con sâu sắc của ông Sáu, khiến người đọc vô cùng xúc động.
– Hai tình huống truyện được liên kết với nhau rất chặt chẽ, thông qua hình ảnh chiếc lược ngà. Đây là sáng tạo nghệ thuật độc đáo, hấp dẫn, góp phần thể hiện tình cảm cha con ông Sáu.
Kết bài Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo, kết hợp với nghệ thuật phân tích tâm lí nhân vật tinh tế đã giúp nhà văn tạo nên thành công cho tác phẩm. Tình cha con sâu nặng khiến người đọc vô cùng cảm động và nhớ mãi.

 Làm chủ kiến thức ngữ văn 9 – Luyện thi vào 10 (Phần II)

Tác giả: Phạm Trung Tình