Nội dung bài viết
1. Khái niệm
Nghị luận về một ý kiến, quan điểm trong tác phẩm văn học là việc thể hiện quan điểm, chính kiến của mình bằng việc sử linh hoạt các thao thao tác nghị luận: giải thích, phân tích, chứng minh, so sánh, bình luận, bác bỏ.
2. Đặc điểm
– Đó là những ý kiến, quan điểm, nhận xét của một nhà văn, nhà nghiên cứu hay bạn đọc về một tác phẩm văn học.
* Ví dụ: “Trong truyện ngắn Làng, nhà văn Kim Lân đã thể hiện một cách sinh động và tinh tế diễn biến tâm trạng của nhân vật ông Hai khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc”. Dựa vào đoạn trích trong sách giáo khoa ngữ văn 9, em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
– Những ý kiến này có thể xoay quanh những vấn đề: một chi tiết, bút pháp nghệ thuật đặc sắc; một nhân vật; nhận định chung về tác phẩm, đoạn trích;…
* Ví dụ: Có ý kiến cho rằng: “Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng vừa giàu tính kịch vừa đậm chất thơ”. Em hãy phân tích tác phẩm để làm rõ nhận định trên.
3. Dàn ý chung
* Mở bài
– Dẫn dắt vấn đề, giới thiệu tác giả, tác phẩm.
– Trích dẫn nguyên văn ý kiến, quan điểm.
* Thân bài
– Giải thích, làm rõ ý kiến, quan điểm.
– Bàn luận các khía cạnh của vấn đề.
+ Đưa ra ý kiến của bản thân: đồng thuận hay bác bỏ.
+ Phân tích, lấy dẫn chứng để bảo vệ quan điểm của mình.
* Kết bài: Thái độ của người viết về ý kiến, quan điểm trong đề.
4. Đề minh họa
Đề 1. Có ý kiến cho rằng: “Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long là truyện ngắn mang đậm chất thơ.” Ý kiến của em thế nào? Hãy làm rõ. |
Gợi ý dàn bài
Mở bài | – Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm, nhận định. + Nguyễn Thành Long là cây bút chuyên viết truyện ngắn và kí. Thành công trong sáng tác của Nguyễn Thành Long không phải ở cốt truyện giàu kịch tính, dữ dội mà là sự nhẹ nhàng, trong trẻo, thấm đẫm chất trữ tình. + Lặng lẽ Sa Pa sáng tác năm 1970, trong chuyến đi thực tế của tác giả ở Lào Cai. + Bàn về nét đặc sắc của tác phẩm, có ý kiến cho rằng: “Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long là truyện ngắn mang đậm chất thơ.” |
Thân bài | * Giải thích khái niệm chất thơ: – Thơ là tiếng nói của tình cảm. Khái niệm chất thơ trong tác phẩm văn xuôi để chỉ tác phẩm có thiên hướng bộc lộ tình cảm, cảm xúc trước vẻ đẹp cuộc sống và con người, thông qua ngôn ngữ giàu hình ảnh, giọng văn nhẹ nhàng, êm ái, … * Chất thơ toát lên từ khung cảnh thiên nhiên thơ mộng: – Nguyễn Thành Long đã hóa thân vào người họa sĩ, mượn cái nhìn của nghệ thuật hội họa với vô vàn màu sắc sinh động, hấp dẫn để tô vẽ nên một thiên nhiên thơ mộng, lung linh, trữ tình. – Sa Pa xuất hiện với những rặng đào, những đàn bò lang cổ có đeo chuông ở các đồng cỏ trong thung lũng hai bên đường. Dưới ánh nắng, mọi vật đều trở nên sinh động. Ông họa sĩ và cô kĩ sư cũng phải lặng đi trước vẻ đẹp của thiên nhiên. Sa Pa của những rừng cây, của sương … * Chất thơ đến từ vẻ đẹp phẩm chất con người: – Nhân vật anh thanh niên: Chất thơ toát lên từ những suy nghĩ, cảm xúc, việc làm của anh. Anh là con người có tình yêu nghề, có trách nhiệm, biết vượt lên khó khăn, gian khổ của hoàn cảnh sống để làm việc. Anh cống hiến thầm lặng cho đời. Anh chân thành, hiếu khách, khiêm tốn, thực thà, bình dị, … – Nhân vật ông họa sĩ: từng trải, tâm huyết với nghệ thuật. Ông lặn lội lên tận Sa Pa để tìm đề tài, cảm hứng sáng tác. Ông muốn dùng nghệ thuật để ghi lại vẻ đẹp tâm hồn, chân dung anh thanh niên. – Nhân vật cô kĩ sư: Cô có nhiều nhiệt huyết của tuổi trẻ, sẵn sàng lên Sa Pa để cống hiến. Cuộc gặp gỡ với anh thanh niên đã khơi dậy trong cô rất nhiều tình cảm lớn lao, cao đẹp. Cô thêm vững tin vào con đường mình đã chọn. – Nhân vật ông kĩ sư vườn rau, anh nghiên cứu bản đồ sét: sự lao động, cống hiến lặng thầm. => Đó là những con người giản dị, lao động trong thầm lặng mà cao quý. *Chất thơ đến từ tình huống truyện: – Tình huống truyện không có gay cấn, không có tình tiết cao trào, thắt nút, mở nút như các tác phẩm tự sự thông thường. Tình huống truyện chỉ là sự gặp gỡ tình cờ, ngắn ngủi giữa ba nhân vật. Diễn biến truyện thật nhẹ nhàng, tự nhiên. *Chất thơ đến từ lời kể, giọng điệu, nhạc điệu trong mỗi câu văn: – Ngôn ngữ văn xuôi rất trau chuốt, nhịp điệu nhẹ nhàng, khơi gợi nhiều cảm xúc cho người đọc. |
Kết bài | Khẳng định: Chất thơ là một trong những yếu tố đặc sắc tạo nên thành công cho truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa. |
Đề 2. Có ý kiến cho rằng: Bài thơ “Đồng chí”của Chính Hữu là một tượng đài tráng lệ, cao cả, thiêng liêng về người chiến sĩ trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Em hãy phân tích bài thơ để làm sáng tỏ. |
Gợi ý dàn bài
Mở bài | – Nêu khái quát chung về tác giả, tác phẩm. + Chính Hữu là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp – Mỹ. Sáng tác của ông chủ yếu tập trung vào hình ảnh người kính trong hai cuộc kháng chiến. Đặc biệt là tình cảm đồng chí, đồng đội, sự gắn bó giữa tiền tuyến và hậu phương. + Bài thơ ra đời năm 1948, là kết quả của những trải nghiệm thực, những cảm xúc sâu xa, những suy ngẫm của tác giả về tình đồng đội trong chiến dịch Việt Bắc. – Nêu nhận định về bài thơ. |
Thân bài | * Giải thích ý nghĩa lời nhận định: – Lời nhận định trên đã đánh giá chính xác sự thành công của bài thơ Đồng chí. Bức tượng đài tráng lệ là hình ảnh của những người lính được khắc họa rực rỡ, đẹp đẽ, cao cả, thiêng liêng. * Chứng minh nhận định: – Vẻ đẹp rực rỡ, cao cả, thiêng liêng của người chiến sĩ được thể hiện rất rõ trong đoạn thơ nói về cơ sở hình thành tình đồng chí: + Những người lính có xuất thân nghèo khổ. Họ đều là những người nông dân đến từ đồng bằng ven biển, từ miền núi có nhiều khó khăn, gian khổ. + Người lính có chung lí tưởng chiến đấu cao đẹp. Dù ở mọi phương trời khác nhau, nhưng họ nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc mà lên đường đi chiến đấu. + Người lính có chung hoàn cảnh sống và chiến đấu: Súng sát bên súng, đầu sát bên đầu, đêm rét chung chăn.Vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, họ vẫn kề vai, sát cánh bên nhau, để từ xa lạ, đến quen nhau, thành tri kỉ và đồng chí. + Kết thúc khổ thơ là một nốt nhấn, một sự kết tinh cảm xúc: Đồng chí! – Vẻ đẹp rực rỡ, cao cả, thiêng liêng của người chiến sĩ được thể hiện ở tình đồng chí gắn bó với nhau trong cuộc sống gian lao: + Họ cảm thông, chia sẻ tâm tư, nỗi nhớ quê: nhớ ruộng nương, lo cảnh gian nhà không nghèo khổ. Từ mặc kệ chỉ thái độ cương quyết, quyết tâm lên đường ra đi. Không cần phải nói ra, nhưng họ hiểu cảm xúc của nhau. + Người lính cùng nhau chia sẻ những gian lao, thiếu thốn, những cơn sốt rét rừng nguy hiểm. Tác giả khắc họa hình ảnh người lính bằng bút pháp hiện thực, những hình ảnh thơ song hành, đối nhau: áo anh rách vai/ quần tôi có vài mảnh vá; miệng cười buốt giá/ chân không giày, … Dù khó khăn, gian khổ nhưng họ vẫn vượt lên, kiên cường chiến đấu bằng tình đồng chí, đồng đội sâu sắc: Thương nhau tay nắm lấy bàn tay. Đó là cái nắm tay để san sẻ khó khăn, động viên nhau bằng tình đồng chí gắn bó keo sơn. – Vẻ đẹp cao cả, thiêng liêng của tình đồng chí được thể hiện thật lãng mạn khi họ sát cánh bên nhau canh gác: + Những người lính canh gác trong không gian, thời gian khắc nghiệt: đêm, rừng hoang, sương muối. + Họ sát cánh bên nhau vì cùng chung chiến hào, chung nhiệm vụ chiến đấu, chủ động trong tư thế: chờ giặc. + Hình ảnh người lính cao đẹp, thiêng liêng được kết tinh trong hình ảnh thơ rất đẹp: Đầu súng trăng treo. Đó là bức tượng đài người lính, hình ảnh đẹp nhất, cao quý nhất của tình đồng chí. Hình ảnh thơ vừa lãng mạn, vừa hiện thực, vừa là tinh thần thép của những người lính, vừa là tâm hồn thi sĩ lãng mạn. |
Kết bài | – Khẳng định ý nghĩa lời nhận định. – Cái hay của bài thơ ở chỗ: Viết về người lính mà không có hình ảnh tiếng súng, sự chết chóc, đau thương. Dù vậy, hình ảnh cao cả, sự hi sinh của người lính vẫn cao cả, hào hùng. – Nhà thơ đã khai thác thành công chất thơ từ những cái bình dị của đời thường. |
Đề 3. Có ý kiến cho rằng: Trong bốn câu thơ đầu của đoạn trích Cảnh ngày xuân (trích Truyện Kiều), Nguyễn Du đã khắc họa bức tranh thiên nhiên mùa xuân tinh khôi, trong trẻo và giàu sức sống. Em có đồng tình với nhận định trên không? Hãy làm sáng tỏ. |
Gợi ý dàn bài
Mở bài | – Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm, đoạn trích. – Nêu nhận định, bày tỏ thái độ đồng tình với nhận định. |
Thân bài | Phân tích, chứng minh để làm sáng tỏ nhận định. – Hai câu thơ đầu gợi tả không gian, thời gian mùa xuân: Ngày xuân con én đưa thoi Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi. + Ngày xuân, trên bầu trời có những cánh én chao qua, chao lại nhanh như đưa thoi. Chim én là tiếng gọi của mùa xuân. Chim én bay nhanh gợi thời gian trôi nhanh. Ngày xuân có chín mươi ngày, giờ đã trôi hết sáu mươi. Cánh én còn gợi không khí tấp nập, tươi vui, rộn rã, tưng bừng của mùa xuân. + Đã vào những ngày cuối của mùa xuân, nhưng trong không gian vẫn trong trẻo, đẹp đẽ, tinh khôi. Khung cảnh ấy được gợi ra qua từ Thiều quang. – Hai câu sau là bức họa tuyệt đẹp về mùa xuân tinh khôi, trong trẻo và giàu sức sống: Cỏ non xanh tận chân trời Cành lê trắng điểm một vài bông hoa. + Từ chân trời kết hợp với từ tận mở ra một không gian bát ngát, rộng mở, khoáng đạt. + Cỏ non xanh mơn mởn, giàu sức sống kéo đến tận chân trời, làm nền cho bức tranh xuân. Đó là thứ cỏ non tươi, xanh biếc, không phải nội cỏ rầu rầu như trong cảnh Kiều ở lầu Ngưng Bích. Không phải là màu xanh xanh ảm đạm, buồn bã, thê lương, mà là màu xanh của sức sống. Khung cảnh thiên nhiên hiện lên thật tinh khôi, trong trẻo. + Trên nền màu xanh non ấy điểm xuyết một vài bông hoa lê trắng. Sự phối hợp màu sắc hài hòa: trắng – xanh làm không gian trở nên thoáng đạt hơn, trong trẻo hơn, nhẹ nhàng và thanh khiết hơn. Cành lê chỉ điểm tômột vài bông, càng gợi dáng vẻ thanh tao, nhã nhặn, hài hòa. + Từ điểm là phép nhân hóa, gợi sức sống của cảnh vật. Những cành lê như những người thiếu nữ tự điểm tô vẻ đẹp của mình bằng những cành lê trắng. Dường như chúng cũng muốn đẹp hơn, yêu kiều hơn để hòa mình vào sắc xuân. Cảnh vật vì thế có hồn, không tĩnh tại, chết đứng, sinh động. + Tác giả sử dụng phép đảo ngữ. Ý thơ là: Một vài bông hoa trắng điểm trên cành lê. Nhưng câu thơ lại được diễn đạt tinh tế: Cành lê trắng điểm một vài bông hoa. Cách thay đổi trật tự từ trong câu làm cho sắc trắng của cành lê được nhấn mạnh, nổi bật trên cái nền xanh bất tận của đất trời cuối xuân. + Sự phối hợp màu sắc rất hài hòa, nhã nhặn. Hài hòa đến mức tuyệt diệu. Nguyễn Du như một người họa sĩ, đang vẽ lên khung cảnh mùa xuân bằng mảng màu đẹp nhất, trong sáng nhất, bằng con mắt hội họa đầy tinh tế. Tất cả đều gợi lên vẻ đẹp riêng của mùa xuân: mới mẻ, tinh khôi, trong trẻo, vừa tràn trề sức sống, vừa nhẹ nhàng, thanh khiết. + Ý thơ được gợi ra từ hai câu thơ của nhà thơ Trung Quốc: Phương thảo liên thiên bích Lê chi sổ điểm hoa Cũng là cỏ non, cũng là cành hoa lê yêu kiều, nhưng Nguyễn Du không nhấn mạnh vào hương thơm cảnh vật. Ông đã thật sáng tạo khi phối hợp màu sắc thật tinh tế để cho thấy cảnh xuân giàu nhựa sống và tinh khôi. |
Kết bài | – Khẳng định lại sự đúng đắn của nhận định. – Khẳng định sức sống lâu bền của Truyện Kiều trong nền văn học dân tộc, giá trị của đoạn trích trong toàn bộ tác phẩm. |
Làm chủ kiến thức ngữ văn 9 – Luyện thi vào 10 (Phần II)
Tác giả: Phạm Trung Tình