Nội dung bài viết
1. Khái niệm
Nghị luận về một sự việc, hiện tượng trong đời sống xã hội là bàn về một sự việc, hiện tượng có ý nghĩa đối với xã hội, đáng khen, đáng chê hay có vấn đề đáng suy nghĩ.
2. Đặc điểm
– Xuất phát từ một sự việc, hiện tượng có thật trong đời sống, xã hội. Thường là những vấn đề thời sự, đòi hỏi tính cập nhật cao của học sinh.
* Ví dụ: Hiện nay, một bộ phận giới trẻ đang có thái độ sống thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm với người thân, gia đình và cộng đồng. Hãy nêu những suy nghĩ của em về hiện tượng trên.
– Đó có thể là một hiện tượng tích cực, nhưng cũng có thể là một hiện tượng tiêu cực trong xã hội, hoặc một hiện tượng có cả tích cực lẫn tiêu cực.
* Ví dụ: Điện thoại di động là một trong những phương tiện thông tin liên lạc hữu ích của con người hiện nay. Thế nhưng, một bộ phận học sinh lại sử dụng nó chưa đúng cách, với mục đích chưa tốt. Trình bày suy nghĩ của em về hiện tượng trên.
– Không chỉ có ý nghĩa xã hội mà còn tác động tích cực trong việc việc giáo dục tư tưởng, nhân thức, nhân cách,.. của các em học sinh.
3. Dàn ý chung
* Mở bài: Dẫn dắt, giới thiệu vấn đề cần nghị luận.
* Thân bài:
– Miêu tả một các cụ thể vấn đề, hiện tượng cần nghị luận.
+ Giải thích nếu như trong bài có khái niệm, thuật ngữ cần phải làm rõ
+ Chỉ những ra những biểu hiện (thực trạng) đã và đang diễn ra như thế nào?
– Phân tích các nguyên nhân về sự việc, hiện tượng cần nghị luận.
+ Nguyên nhân chủ quan: do cá nhân.
+ Nguyên nhân khách quan: do gia đình, nhà trường, xã hội,…
– Chỉ quả ra hậu quả (hệ quả) về vấn đề, hiện tượng cần nghị luận.
+ Đối với cá nhân.
+ Đối với cộng đồng, xã hội.
– Đề xuất những giải pháp khắc phục, ngăn chặn sự việc, hiện tượng tiêu cực.
– Bài học nhận thức và hành động (liên hệ bản thân).
* Kết bài: Khẳng định lại tầm quan trọng của vấn đề.
4. Đề minh họa
Đề 1: Tổng thống Mê-xi-cô Calderon có câu: “Tất cả kho báu trên trái đất không thể nào sánh bằng hạnh phúc gia đình”. Thế nhưng, trong xã hội ngày nay, nhiều người đã đánh mất hạnh phúc gia đình bằng những hành động bạo hành. Em có suy nghĩ gì về vấn nạn đó? Hãy trình bày trong một đoạn văn (hoặc bài văn ngắn). |
Gợi ý dàn bài
Giải thích | – Bạo lực gia đình: là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại về thể chất, tinh thần đối với các thành viên khác trong gia đình. |
Biểu hiện | – Gần đây, nạn bạo hành gia đình có xu hướng ngày càng gia tăng. Tình trạng đó diễn ra ở mọi nơi, không những ở các vùng nông thôn mà còn ở các đô thị, không những ở nhóm người nghèo mà còn ở cả nhóm những người có điều kiện thu nhập cao, không loại trừ thành phần xã hội nào.
– Bạo lực biểu hiện ở hành vi đánh đập thể xác: Chồng đánh đập vợ, bố mẹ đánh đập con cái, thậm chí gây ra án mạng, … |
Nguyên nhân | – Bạo lực cha mẹ đối với con cái: Do quan niệm truyền thống nghiêm khắc Yêu cho roi cho vọt. Cha mẹ dùng cách đánh đập để dạy dỗ con cái. – Bao lực con cái đối với cha mẹ: Do sự thiếu kiềm chế, đua đòi hư hỏng, bị ảnh hưởng bởi các trò chơi bạo lực, … Nhiều trường hợp con đánh đập mẹ chỉ vì không xin được tiền chơi điện tử. – Bạo lực giữa vợ chồng: Do ghen tuông, thói gia trưởng, không thể giải tỏa được khó khăn trong cuộc sống, … – Bạo lực gia đình có thể đến từ nhiều nguyên nhân, nhưng điều cơ bản nhất là sự xuống cấp về đạo đức. |
Hậu quả | – Hậu quả của bạo lực gia đình là rất lớn, ảnh hưởng rất lâu dài. – Bạo lực gia đình làm cho nạn nhân luôn phải sống trong lo âu, sợ hãi, tổn thương cả vật chất và tinh thần, không thể thực hiện tốt vai trò trong việc nuôi dạy con cái, … – Bạo lực gia đình làm cho đứa trẻ bị tổn thương tinh thần, xuất hiện tâm lí tiêu cực như trầm cảm, nhu nhược, thiếu tự tin, trẻ dễ dàng xa rời gia đình để dính vào tệ nạn xã hội, … |
Biện pháp | – Cần phải xóa bỏ những hủ tục, quan niệm phong kiến: trọng nam khinh nữ, gia trưởng, … – Tuyên truyền sâu rộng về bình đẳng giới, toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, giáo dục, … – Các đoàn thể, cơ quan chức năng của Nhà nước, địa phương, đặc biệt là Hội phụ nữ, … cần phải tích cực tham gia chống nạn bạo lực gia đình. – Có quy định xử phạt nghiêm khắc đối với các hành vi bạo lực gia đình. – Mỗi cá nhân cần biết yêu thương, quan tâm, chăm sóc gia đình, … |
Liên hệ bản thân | – Yêu thương, giúp đỡ tất cả thành viên trong gia đình. – Học cách đối thoại mỗi khi gặp khúc mắc trong gia đình,… |
Đề 2: Cho các sự việc sau: – Ở ngã tư đường, một ông lão bị tai nạn xe. Nhiều người thấy ông đau đớn ngồi bên vệ đường nhưng chỉ mặc kệ lướt qua. – Mẹ Nam đi làm về mệt. Mẹ có nhờ Nam nấu hộ bữa cơm. Nam thản nhiên đáp: “Không được, con bận đi xem biểu diễn ca nhạc rồi.”. Theo em, các sự việc trên đã nhắc tới hiện tượng nào trong giới trẻ ngày nay? Em hãy viết một bài văn ngắn (hoặc một đoạn văn) nêu suy nghĩ của mình về hiện tượng đó? |
Gợi ý dàn bài
Đặt vấn đề | – Hai sự việc nêu trên khá phổ biến trong xã hội ngày nay. Chúng ta thờ ơ trước tai nạn của người khác, thờ ơ với chính cha mẹ mình. Đã đến lúc chúng ta cần lên tiếng, ngăn chặn căn bệnh vô cảm của giới trẻ. |
Giải thích | – Vô cảm: một trạng thái tinh thần, con người không nảy sinh cảm xúc đối với bất kì sự vật, sự việc nào diễn ra xung quanh mình. Con người trở nên “rô – bốt hóa”, có những hành xử tàn nhẫn, vô tình, trái tim hoàn toàn băng giá. Người vô cảm không thể hiểu được nỗi đau, tình cảm của người khác, chỉ nghĩ đến lợi ích riêng của mình, ngại va chạm, sợ phiền toái, liên lụy, … |
Biểu hiện | – Thấy người bị tai nạn, bị đánh đập, … không giúp đỡ, hỏi han, thậm chí còn đứng ngoài chụp ảnh. – Thờ ơ, dửng dưng với sự vất vả của cha mẹ, chỉ biết xin tiền để chơi games, tụ tập bạn bè, … – Trên nhiều các trang mạng xã hội, các “anh hùng bàn phím” thản nhiên dùng những lời lẽ thô tục để hạ bệ, xỉ nhục mà không cần quan tâm đến cảm xúc của người khác. – Sẵn sàng gây ra án mạng chỉ vì những lí do đơn giản, xích mích không đáng có. – Không cảm nhận, không rung động trước những tâm hồn và nhân cách cao đẹp. – … |
Nguyên nhân | – Do bản thân mỗi người thiếu tình yêu thương, sống bằng lí trí sắt đá, ích kỉ, nhỏ nhen, thực dụng và chỉ thích hưởng thụ. – Do lối sống ảo, chỉ thích giao lưu với những người trên mạng, bó hẹp giao tiếp, sa đà vào các trò chơi điện tử gây ra tình trạng thờ ơ, dửng dưng. – Do cha mẹ mải kiếm tiền, không có thời gian để dạy dỗ, bảo ban, tâm sự với con. – Do nhà trường, xã hội thiếu các hoạt động cộng đồng, bồi dưỡng tâm hồn cho giới trẻ. – Do sự bùng nổ của khoa học công nghệ, mạng xã hội, tác động của nền kinh tế thị trường, cuộc sống quá đủ đầy, … – … |
Tác hại | – Xã hội trở nên sa sút về đạo sức. Con người mải chạy theo những nét đẹp phù phiếm và hư ảo mà bỏ quên những nét đẹp chân thật hay tình cảm thiêng liêng. – Xã hội, cộng đồng sẽ không còn tình thương, sự quan tâm giữa con người với nhau. Thay vào đó là sự vô tình. – Nếu ai trong xã hội cũng vô cảm thì sẽ trở thành một tai họa lớn, đất nước cỏ thể bị suy vong, … |
Biện pháp khắc phục | – Mỗi cá nhân phải biết yêu thương con người, luôn mong muốn được hoàn thiện chính mình, xác định ý thức trách nhiệm đối với gia đình và xã hội, rèn luyện lòng nhân ái, vị tha, tích cực tham gia các hoạt động xã hội tình nguyện, … – Gia đình, nhà trường và xã hội nên chú trọng vào việc giáo dục nhân cách cho học sinh. – Lên án mạnh mẽ lối sống vô cảm, thiếu trách nhiệm, ích kỉ – … |
Liên hệ bản thân | – Biết yêu thương, chăm sóc, quan tâm người thân, bạn bè. – Xây dựng lối sống lành mạnh, tăng cường đọc sách. – Tham gia hoạt động tình nguyện, các hoạt động cộng đồng. |
Đề 3: Điện thoại di động là một trong những phương tiện thông tin liên lạc hữu ích của con người hiện nay. Thế nhưng, một bộ phận học sinh lại sử dụng nó chưa đúng cách, với mục đích chưa tốt. Trình bày suy nghĩ của em về hiện tượng trên. |
Gợi ý dàn bài
Đặt vấn đề | – Ngày nay, hầu hết phụ huynh đều trang bị cho con em mình chiếc điện thoại di động để tiện liên lạc, theo dõi hoặc phục vụ việc tìm tư liệu học tập trên in – tơ – nét. – Một bộ phận không nhỏ học sinh sử dụng điện thoại di động chưa đúng cách, đúng mục đích. |
Giải thích | – Điện thoại di động: loại điện thoại cầm tay với kích thước nhỏ gọn, có hòa mạng viễn thông giúp trao đổi thông tin từ xa. Hiện nay, ngoài chức năng nghe – gọi, điện thoại di động còn trang bị nhiều chức năng, ứng dụng như trò chơi, chụp ảnh, … |
Biểu hiện | – Dùng chưa đúng cách: dùng ngay trong giờ học để nói chuyện riêng, dùng điện thoại quá khuya, mải dùng điện thoại khi tham gia giao thông. Thậm chí, khi nhìn thấy bạn mình bị đánh đập, không ít học sinh dùng điện thoại để chụp ảnh, quay clip tung lên mạng xã hội, … – Dùng sai mục đích: Dùng điện thoại để quay cóp trong giờ kiểm tra; khi có bài tập, thay vì suy nghĩ, tìm tòi tài liệu, các bạn học sinh lên mạng chép đáp án, văn mẫu; đăng tải, phát tán các clip có nội dung xấu; dùng điện thoại di động như một thú vui để khoe khoang, … |
Nguyên nhân | – Do sự bùng nổ công nghệ thông tin, đời sống con người được nâng cao nên điện thoại di động trở thành vật không thể thiếu đối với con người. – Do sự chiều chuộng của cha mẹ. – Do học sinh chưa có nhận thức đúng đắn về việc sử dụng điện thoại di động, lạm dụng các chức năng của điện thoại. |
Hậu quả | – Sử dụng điện thoại trong giờ học gây ra tình trạng không hiểu bài, hổng kiến thức, … – Sử dụng điện thoại để tra cứu tài liệu, đáp án, … tạo ra thói quen lười suy nghĩ, thói ỷ lại, … – Sử dụng điện thoại với mục đích không tốt sẽ ảnh hưởng đến tâm lí, dễ bị ảnh hưởng của văn hóa không lành mạnh, có hành động vi phạm chuẩn mực đạo đức, vi phạm pháp luật, … – Gây ra căn bệnh vô cảm. |
Biện pháp khắc phục | – Bản thân mỗi học sinh cần có thái độ, ý thức tự giác trong học tập, sống có văn hóa, nên chú tâm vào việc học. – Gia đình cần quan tâm, gần gũi với học sinh để kịp thời giáo dục. – Nhà trường siết chặt hơn công tác quản lí học sinh, tạo ra các hoạt động học tập, vui chơi bổ ích, thu hút học sinh. |
Liên hệ bản thân | – Chỉ sử dụng điện thoại di động khi thật cần thiết, đúng mục đích. – Biết kiểm soát có chừng mực hành vi của mình, trang bị kĩ năng sống cần thiết,… |
Đề 4. Dưới đây là một vài tin nhắn hội thoại của giới trẻ ngày nay: – Hum ni hok ai fone or nt het bun wa! (Hôm nay không ai điện thoại hoặc nhắntin hết buồn quá!). – 2day U co ranh o? (Hôm nay bạn có rảnh không?) – Tui đợi pà dza rất lâu zùi đấy! (Tôi đợi bà đã rất lâu rồi đấy!) Từ những mẩu tin nhắn trên, em có suy nghĩ gì về cách sử dụng tiếng Việt của giới trẻ ngày nay? |
Gợi ý dàn bài
Đặt vấn đề | – Cùng với sự phát triển của xã hội, ngôn ngữ cũng biến đổi không ngừng. Một điều dễ dàng nhận thấy, cách sử dụng tiếng Việt của giới trẻ hiện nay có nhiều sự pha tạp, lai căng, lệch lạc,… dẫn tới nhiều hệ lụy. |
Biểu hiện | – Giới trẻ sử dụng nhiều tiếng lóng: + Đó là việc lợi dụng yếu tố đồng âm trong các từ chỉ sự vật hoặc dùng tên gọi của các con vật, loại quả để ám chỉ bản chất, hành động của người khác: sấu (xấu), tủ đè (thi không trúng phần đã ôn tập), chuồn chuồn (chuồn, lỉnh), cà chua (chua ngoa), vitamin D (dê, háo sắc, in – tơ – nét (nét, sắc cạnh, hoàn hảo), …. + Lợi dụng yếu tố đồng âm trong các từ chỉ địa danh để chỉ bản chất con người, sự việc: Ca-mơ-run (run sợ), Ác-hen-ti-na (ác độc); Hà Tĩnh (bình tĩnh), …. – Ngôn ngữ pha tạp tiếng Anh – tiếng Việt: Ví dụ: 2day = today = hôm nay; 2nite = tonight = tối nay,… 2day U co ranh o? = Today you có rảnh không? (Hôm nay bạn có rảnh không?), … – Giới trẻ sử dụng nhiều từ ngữ viết tắt tự tạo: Ví dụ: biết rồi = bit rui; không = 0, ko, kh, kg; hok; Hum ni = hôm nay, … – Các hiện tượng sử dụng tiếng Việt ở trên đã trở thành một xu thế phổ biến. Nhiều bạn trẻ quan niệm rằng phải nói như thế mới hợp thời, đúng “mốt”. Dần dần, cách sử dụng tiếng Việt này được đa số thanh niên sử dụng một cách tùy tiện. |
Nguyên nhân | – Do sự phát triển của công nghệ thông tin dẫn tới sự bùng nổ ngôn ngữ máy tính, ngôn ngữ điện thoại. Nhiều bạn học sinh, vì muốn nhắn tin cho nhanh nên đã sáng tạo ra nhiều lớp ngôn ngữ mới lạ. – Giới trẻ thích khám phá, tìm tòi, dễ bắt nhịp với cái mới, không cần biết tốt hay xấu, miễn là hợp thời và được nhiều người sử dụng. – Do thói a dua, bắt chước, thấy bạn nói mình cũng nói theo, … |
Hậu quả | – Mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. – Tâm lí, đạo đức giới trẻ bị ảnh hưởng xấu. – Ngôn ngữ giao tiếp, ứng xử giữa học sinh với thầy cô giáo,học sinh với ông bà, cha mẹ,… sẽ bị pha tạp một thứ ngôn ngữ lệch lạc, mất lịch sự, gây ra sự khó chịu cho người đối diện. |
Biện pháp khắc phục | – Tuyên truyền, giáo dục về vai trò của tiếng Việt và tầm quan trọng cần phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. – Tổ chức các buổi tọa đàm, định hướng về việc sử dụngtiếng Việt. – Giáo dục tình yêu tiếng Việt thông qua văn học, âm nhạc, … – Tổ chức các hoạt động cộng đồng mang tính nhân văn đểhọc sinh rèn luyện kĩ năng giao tiếp, bồi dưỡng tâm hồn, đạo đức cho học sinh. … |
Liên hệ bản thân | – Ngay từ bây giờ, bản thân mỗi người cần có ý thức trách nhiệm về việc sử dụng, giữ gìn ngôn ngữ tiếng Việt. – Lời nói thể hiện trình độ văn hóa, học thức của mỗi người. Bởi vậy, cần có ý thức sử dụng ngôn ngữ trong sáng, lành mạnh, lịch sự, văn minh, … |
Làm chủ kiến thức Ngữ văn 9 – Luyện thi vào 10 (Phần II)
Tác giả: Phạm Trung Tình