Kịch của Ngô Y Linh – Nguyễn Vũ trực tiếp miêu tả cuộc sống người dân trong lòng địch, thậm chí có vở toàn bộ nhân vật là lính Mỹ. Nhìn sang phía đối phương, tác giả chạm đến những vấn đề như thân phận bị coi rẻ của người da đen trong xã hội Mỹ. Ông có cái nhìn của người hiểu thế sự, tuyên truyền động viên mà không một chiều, nên dễ thuyết phục công chúng…

Đạo diễn Ngô Y Linh (1929 – 1978) là bậc thầy của sân khấu cách mạng. Từ năm 1960 ông là giảng viên cho lớp diễn viên kịch đầu tiên, là thầy dạy của những người sau này trở thành những nghệ sĩ hàng đầu như Thế Anh, Đoàn Dũng, Trọng Khôi, Hà Văn Trọng, Doãn Châu, Nguyệt Ánh, Ngọc Hiền…

Năm 1961 Ngô Y Linh dàn dựng vở kịch tốt nghiệp cho lớp học trò đầu tiên: Nila – cô gái đánh trống trận của nhà văn Xô Viết Afanasy Salynsky. Vở kịch thành công lớn, chấn động sân khấu miền Bắc, diễn hàng chục năm trời với gần 2.000 buổi. Sau năm 1975, ông dựng vở Tiếng trống Mê Linh cho đoàn cải lương Thanh Minh – Thanh Nga. Vở diễn gây ấn tượng mạnh và cũng trở thành một tác phẩm sân khấu kinh điển.

Ngô Y Linh sinh ở Thái Nguyên, lớn lên ở Hà Nội. Thời chống Pháp ông hoạt động ở nội thành Sài Gòn và miền Đông Nam bộ. Năm 1954 ông tập kết ra Bắc, đi học đạo diễn ở nước ngoài rồi về nước giảng dạy và dàn dựng kịch. Năm 1964 Ngô Y Linh vào chiến trường miền Nam, phụ trách đoàn kịch Cửu Long Giang. Thời gian này ông viết mấy chục vở kịch ngắn mang bút danh Nguyễn Vũ. Đây là phần tác phẩm đặc sắc của Ngô Y Linh – Nguyễn Vũ. Am hiểu cảnh sắc tập tục tâm lý người Nam bộ và cuộc sống thời chiến lúc bấy giờ, những vở kịch này thật hấp dẫn, vừa có tính cổ vũ tinh thần đấu tranh, vừa không đơn giản một chiều.

Điểm qua một số vở kịch chống chiến tranh của Nguyễn Vũ:

Đâu có giặc là ta cứ đi: Chuyện xảy ra ở vùng giải phóng tỉnh Gia Định khoảng giữa thập kỷ 1960. Bà má Tám đi cùng con gái nhỏ đến đơn vị bộ đội để tìm bắt đứa con trai về. Lý do: con trai mới mười lăm tuổi, còn nông nổi, đi theo bộ đội làm quẩn chân. Bắt về rồi vài năm sau trưởng thành mới cho đi. Đến đơn vị, bà phát hiện ra cậu đã làm giả thư của mẹ đồng ý cho con đi bộ đội. Cậu con trai thấy má đến vội trốn xuống hầm, đứa em gái cũng đồng tình nên che chắn cho anh. Và khi lá thư bại lộ, thì ra người viết giúp cậu anh bức thư giả mạo của mẹ chính là cô em gái…

Mùa xuân: Cô hộ sinh của xã đi bộ đội làm coi kho trong rừng miền Đông. Kho đã giải tỏa xong, lẽ ra cô có thể lên đường về với đơn vị thì có một anh bộ đội bị sốt, được đơn vị gửi lại kho nhờ cô chăm sóc. Anh bộ đội đang bị bệnh nhưng nôn nóng muốn lên đường chiến đấu. Đúng lúc có một chiến sĩ khác đi qua trạm, anh bộ đội nhờ anh bạn mới giả vờ làm y tá cùng đơn vị đến đón đi. Cô hộ sinh nghi ngờ rồi phát hiện ra trò đánh lừa. Nhưng rốt cuộc, hai chiến sĩ đã thuyết phục được cô bỏ lại cái kho đã trống rỗng để cùng lên đường đuổi theo đơn vị của mỗi người. “Qua năm ’66 rồi, mọi việc cứ phải khẩn trương lên”, đó là câu nói của người chiến sĩ lạc quan mới đi ngang qua trạm. “Qua năm 66” hàm ý cuộc chiến đấu đã sang bước ngoặt, thời cơ cách mạng đã đến.

Đất: Cô gái Củ Chi còn ít tuổi tham gia cùng du kích chống địch tấn công vào làng. Người cha và người mẹ tuổi già cũng góp công sức và động viên tinh thần cho cô chiến đấu.

Đêm đen: Hai sĩ quan Mỹ và một sĩ quan Cộng hòa bị bao vây trong một lô cốt cố thủ ở đồng bằng sông Cửu Long, chờ viện binh đến. Rốt cuộc chỉ huy đã bỏ rơi họ, không cho quân đến cứu. Xung đột xảy ra giữa ba kẻ được coi là đồng minh.

Nàng bắn lén: Nhân vật chỉ gồm năm sĩ quan và lính Mỹ trong một đồn binh. Một tên là tù thường phạm, được hợp đồng sang Việt Nam chiến đấu thay cho việc ngồi tù. Hắn có biệt tài bắn tỉa nên được giao cho việc rình và tiêu diệt “nàng bắn lén”, một cô du kích khét tiếng bắn tỉa, đã giết nhiều lính Mỹ. Chúng dùng các thủ đoạn để lừa cho cô bắn tỉa lộ mặt, thậm chí có lúc đẩy cả hai tên lính của chúng chạy ra ngoài để làm mồi. Tên lính da đen bị ngược đãi nhất, bị đẩy ra ngoài nhiều lần. Tuy nhiên gã tù nhân vẫn bị cô bắn tỉa lừa, thậm chí bị cướp mất khẩu súng chuyên bắn tỉa. Rồi xung đột xảy ra trong hầm, tên tù phát khùng đòi cởi áo nhà binh trả lại, chấp nhận quay về nhà tù ở Mỹ. Tên chỉ huy lừa được tên tù, rồi bỏ chạy lên trực thăng. Rốt cuộc, còn lại một mình tên tù kiêm tay súng bắn tỉa tuyệt vọng bị bỏ lại giữa vòng vây của du kích. Nhân vật cô du kích bắn tỉa không hề xuất hiện mà chỉ thông qua đối thoại của các nhân vật, trở thành một bóng ma, một hình tượng ám ảnh.

Tình ca: Người lính Sài Gòn đào ngũ, trốn vào căn phòng của người yêu. Nhưng khi họ ra đường, cô gái bị một toán lính Mỹ quấy rối, một chú bé hô hoán cho mọi người đến cứu cô. Chú bé bị tên Mỹ bắn trọng thương, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Anh lính đào ngũ lúc ấy cũng nấp gần đó, nhưng không dám lộ mặt vì đang lẩn trốn. Cảnh sát điều tra nghi ngờ có một người khác chứng kiến vụ việc, nhưng cô gái vẫn giấu, không tiết lộ người yêu. Trong tình cảnh đó, hai người yêu nhau quyết định sẽ bí mật tự làm lễ cưới trong căn phòng ngay hôm nay.

Chú bé sau đó bị chết trong bệnh viện. Nhân viên điều tra đến đòi đưa cô gái đi làm chứng rằng chú bé đó ăn cắp của đám lính Mỹ và bị bắn. Cô gái dứt khoát không chịu làm chứng sai sự thật. Lúc đó anh người yêu đào ngũ không trốn nữa mà công khai xuất hiện và hai người kiên quyết phản kháng. Ngoài đường, phong trào xuống đường tràn đến. Bài hát “Dậy mà đi” vang dội khắp nơi.

Những vở kịch ngắn của Nguyễn Vũ tái hiện không khí thời chiến tranh: ngay giữa Sài Gòn, ở vùng giải phóng miền Đông Nam bộ, ở vùng tranh chấp, và cả đồng bằng sông Cửu Long. Kịch Nguyễn Vũ trực tiếp miêu tả cuộc sống người dân trong lòng địch, thậm chí có vở toàn bộ nhân vật là lính Mỹ. Nhìn sang phía đối phương, tác giả chạm đến những vấn đề như thân phận bị coi rẻ của người da đen trong xã hội Mỹ. Ông có cái nhìn của người hiểu thế sự, tuyên truyền động viên mà không một chiều, nên dễ thuyết phục công chúng. Đồng thời, người viết còn là một đạo diễn bậc thầy, cho nên kịch ông viết có kịch tính, nhiều bất ngờ, có lớp lang dàn dựng, có các mảng trò hóm hỉnh và hấp dẫn.

HỒ ANH THÁI