Từ đấy tới nay non ba chục năm trời. Các nhân viên trên đoàn tàu đêm nay không ai biết ga Mả Phu Tàu. Có thể vì họ không biết hết tên các ga xép. Thành thử tôi cứ chong mắt nhìn ra đêm trăng. Ngoài cửa sổ núi nọ hiện hình lên rồi từ từ khuất dạng, núi khác lại chồng tiếp vào, miên man, trùng điệp. Nhưng suốt đêm nhìn ra tôi vẫn thấy mãi một ngôi sao xanh treo trên một đỉnh núi nào đó cứ đang lặng lẽ trông với theo vệt sáng của đoàn tàu.

Những địa danh thoáng hiện, chưa kịp nhói lên đã vuột mất khỏi tầm trí nhớ, vụt đi như là bị gió thổi phù.

Trăng lên, tàu dừng ga Phúc Trạch chừng mươi phút rồi lại chuyển bánh. Không vội vã, đoàn tàu dấn sâu vào thế giới hoang vu chập chùng đồi gò khe lũng và mênh mông những trảng trống miền tây Quảng Bình. Thỉnh thoảng một vạt núi từ Trường Sơn ăn ra cắt ngang qua vùng cô tịch kéo dài của cỏ tranh và lau lách. Đường sắt xẻ vào núi, trườn giữa hai vách ta-luy đột ngột tối sầm rồi lại đột ngột băng ra giữa miền trăng sáng.

Đường dây Năm trăm kìa! –  Đằng cuối toa một người đàn bà kêu lên.

Tôi đã tưởng trên toa chỉ còn riêng mình đang thức. Nhịp tàu dập dềnh, tiếng bánh sắt lăn đều đều, và gió mát, ru người ta ngủ. Ngoài cửa sổ, trăng sáng, đêm dài, cảnh đường trường lươn lướt trôi qua như những cái chớp mắt. Những cột tín hiệu. Các nhà ga xép. Những đám cây cối. Một vạt rừng thưa. Những rặng đồi thâm thấp. Và đột ngột tiếng rền vang như sấm của một đoạn cầu ngắn ngủn. Đất đai quê hương trải dài trong quạnh quẽ.

Đã non ba chục năm rồi còn gì, ngày ấy với bây giờ, nhân tình thế thái đổi khác biết bao nhiêu, nhưng mà núi vẫn thế, rừng vẫn thế, suối sông cũng vẫn thế thôi. Vẫn một Quảng Bình hình thể độc đạo, đất hẹp trời cao, và vẫn trùng điệp Trường Sơn một dọc không cùng tận. Có lẽ ngoài tuyến tải điện Bắc Nam là một công trình còn quá mới, hai mươi năm hòa bình đã chỉ in được vào trong cảnh vật của miền non nước hoang sơ thưa vắng bóng người này có độc nhất một con đường xe lửa. Dường như tất thảy những bước tiến và những đổi thay của cả nước đều chỉ nườm nượp trẩy qua chứ không chịu dừng chân. Dường như ở nơi đây kể từ sau chiến tranh, thời gian tức là tiếng còi tàu, dường như kim đồng hồ chỉ chạy khi có tàu chạy ngang. Những chuyến tàu ra rồi những chuyến tàu vào bù trừ cho nhau như là ngày và đêm.

Ngày xưa, thời chúng tôi, lính đi Bê, anh nào may mắn thì cũng được rời Hà Nội bằng tàu hỏa. Song chỉ tới bắc Cầu Bùng là kịch đường, phải xuống. Từ Quỳnh Lưu, cuốc bộ, súng ống trang bị chất trên vai, xuyên Nghệ An, Hà Tĩnh, vòng tránh đèo Ngang, rồi hoặc một mạch đổ về Cự Nẫm hoặc là đi chéo đường về “thủ đô Troóc”. Từ đấy, mới thực sự bắt đầu đường giao liên 559, ngàn dặm vào Nam.

Tôi nhớ năm ấy, mùa đông, tiểu đoàn chúng tôi một hàng dọc vượt Khe Gương. Ở khúc lội của bộ binh, ngày xưa từng có một cây cầu. Thân cầu đã sập xuống khe từ những đời thuở nào, chỉ còn lại đó cái mố giữa đứng chơ vơ. Mặc dầu đã sạm đen và lở nát đi vì năm tháng song mố cầu vẫn giữ lại được vóc dáng xưa tuyệt đẹp nom tựa vòm cổng một tòa thành cổ từ dưới lòng khe sâu cao vút lên. Giữa lòng khe, thân cầu như một con tàu mắc cạn, đã rã nát ra. Những mảnh dầm cầu phủ nặng rêu nằm rải rác trên nền sỏi trắng dưới làn nước lạnh giá trong vắt. Tiểu đội trưởng bảo: “Không phải sập vì bom đâu mà do ngày xưa người ta tiêu thổ kháng Pháp”

Sang bên kia khe, đường hành quân men theo đường sắt. Thực ra thì chẳng còn tăm hơi đường sắt. Chẳng còn ray, chẳng còn tà-vẹt, cả đến một cục đá răm rải đường cũng chẳng còn. Thời gian, mưa nắng, cỏ cây đã biến tuyến hỏa xa Xuyên Việt thành một lối mòn vô danh trườn lượn lẩn khuất dưới những vách đồi. Đồi dốc chập chùng, mưa phùn lê thê. Tiểu đoàn rẽ vào Rú Voọc, rải quân ra chốt lại. Vì có thể sẽ dừng chân vài ngày trong vùng rừng hoang này nên các đơn vị được lệnh không tạm bợ tăng võng qua đêm mà phải đào hầm dựng lán đàng hoàng nơi ăn chốn ở đón xuân.

Mỗi tiểu đội một lán, nền âm, mái lá. Đầy đủ hầm chữ A, bếp Hoàng Cầm, sạp giường, giá súng, giá ba-lô, và cả bàn thờ nữa với cờ Tổ Quốc, ảnh Bác Hồ. “Ở thì tươm rồi đấy, chẳng kém doanh trại trường hạ sĩ quan một tị nào – tiểu đội trưởng bảo – Nhưng tết nhất sao đây hả, giao thừa mà nhá lương khô thì quá thể nực cười ”. Tiểu đội trưởng Tỏ của chúng tôi đã hai năm quân ngũ nên thạo đời, sắc bén như con dao pha. Thoáng cái anh đã biết ngay lũng rừng âm u nơi đơn vị đang hạ trại vốn dĩ là một khu khai thác gỗ. Như vậy thì phải có dân cư gần đâu đây. Một xóm sơn tràng, hoặc thậm chí một lâm trường nữa cũng nên. Tỏ mở miệng bao tải, và lính tráng moi ba lô, mỗi đứa bỏ một thứ vào đó góp vốn để Tỏ đi sắm tết. Kim, chỉ, đá lửa, pin Văn Điển, cao Sao Vàng, lưỡi dao lam, cặp ba lá. Và lương khô, thịt hộp, đường, sữa. Tôi được Tỏ kén đi chợ cùng.        Ban đầu hai đứa tôi đạp góc phương vị mà đi. Nhưng chỉ một chốc thì Tỏ lục lạo tìm ra được một vệt đường lâm nghiệp trốn sâu trong gai góc và lùm bụi. Lội rừng chừng hơn một giờ theo cái lối mòn kéo gỗ đã bị bỏ hóa ấy, chúng tôi bước ra một vùng rừng thưa và gặp lại đường xe lửa. Khác với đoạn ở Khe Gương, tại Rú Voọc này nền đường sắt mặc dù bọc trong lau lách nhưng còn khá rõ, nhô cao lên như một con đê dài lượn giữa sóng rừng nhấp nhô. Đang đắn đo chưa biết nên đi ngả nào thì chúng tôi chợt trông thấy ở đằng xa, trước khúc cua vòng của trục đường, có một túp lều mọc trong màn mưa bụi li ti lạnh giá. Rẽ lau, chúng tôi đi tới. Túp lều mà không phải là lều. Nó giống một cái bục có mái che của người gác ghi nhà ga. Cố nhiên là ọp ẹp, xiêu vẹo, mái có vẻ như bằng gỗ, ba bên vách cũng vậy, nhưng đều đã mục ruỗng, thủng nát. Vén manh chiếu rách che cửa lều, tôi thấy một ông lão ngồi co ro trên chiếc ghế đẩu. Một ông già đã  rất già. Lưng còng, trán nhăn như vỏ táo khô và có lẽ vì răng không còn nhiều nên phần dưới khuôn mặt sụp xuống. Ông vận một cái áo bông cổ lông nhưng mà lông đã trụi nhẵn, vải áo đắp đầy mảng vá bằng những mụn vải nhiều màu.

“Chào bọ  ạ !”, tôi lên tiếng.

“Gì ?”

“Rét thế này bọ ngồi làm gì ở đây thế ạ ?”

“Bây hỏi chi lạ ! – Ông cụ phều phào gắt –  Ta làm gì nơi đây đui sao mà không thấy ! Lính khu Ba tụi bây đứa mô cũng tài nói lẻo ”.

“Gần đây có cái thôn nào không cụ ơi ?” , Tỏ hỏi. Ông cụ ho khù khụ.

“Bây cần cái chi mà hỏi?”.

“Bọn con muốn trao đổi hàng hóa, cụ ạ. Hàng khô quân sự đổi lấy đồ ăn tươi. Cho bộ đội và nhân dân cùng ăn tết cụ ạ”.

Ông lão lọm cọm đứng dậy, gỡ ở vách ra một cái áo tơi lá, rồi bước ra khỏi lều. Ông diện một đôi giày lính đã hoác mõm, bê bết bùn.

“Đó ! –  Ông cụ chỉ tay về một khoảnh rừng xa – Thị trấn đó. Lâm trường bộ đó. Trường học đó. Vườn ươm cây đó, đó nọ, đó !”.

“Dạ, cụ nói sao ạ, thị trấn ư ?”

“Ngoài khu Ba bây mới có thị trấn hử ?” – Ông cụ nạt.

“Bây tới đó, qua vườn ươm, rồi qua suối, rẽ tay mặt. Đi tới. Rẽ tay mặt. Đi thẳng tới. Qua đồi. Đó, đồi đó nọ. Đội Bốn lâm trường bên đồi đó. Tới đó mà kiếm đồ ăn”.

Chúng tôi phải khó khăn lắm mới hiểu được những chỉ dẫn rắc rối của ông cụ. Tôi nghe  giọng ông cụ hình như không hẳn giọng Quảng Bình.

“Cụ cũng ở chỗ đội bốn đó ạ ?”, Tỏ hỏi.

“Bây hỏi chi lạ. Can cớ chi ta phải ở với bọn sơn tràng trong nớ”          “Nhưng cụ ngồi làm gì ở đây thế ?”.

“Ta gác ghi”

Tôi kinh ngạc, nhìn. Bây giờ tôi mới nhìn thấy trước ngực ông cụ có đeo một cái còi bằng đồng buộc vào một sợi dây gai choàng qua cổ. Và cụ cầm trong tay hai cây cờ nhỏ. Một lá màu vàng, một lá màu đỏ.

“Cái bọn sơn tràng đội Bốn trong nớ chúng nghèo cực, bây không hòng mua được gì nhiều của bọn chúng. Nhưng ngoài bọn nớ thì không thôn làng chi nữa nơi Rú nầy”

“Thế nhà cụ ở đâu ạ ?”

“Ở nhà ga chớ ở đâu !”

“Ga ư ? Đâu ạ  ?

Ông già nhướn cặp lông mày bạc phếch và mở to cặp mắt kèm nhèm nhìn sững vào mặt tôi như thể kinh ngạc vì sự ngớ ngẩn quá sức của tôi. Rồi chậm rãi ông quay người lại.

“Nhà ga đó !” – Ông chỉ cho tôi thấy một đám rừng chồi xanh tươi ở cuối khúc cua của nền đường sắt.

Ông nói: “Vào trong đội Bốn rồi, khi trở ra mời hai anh qua chơi, thăm nhà chúng ta. Ta cũng muốn mua vài món. Ta có tiền. Hai anh có vải hoa không?”

“Dạ không có ạ!”, Tôi đáp

“Xà phòng thơm Hoa Nhài?”

“Không ạ”

“Vậy gương soi, thứ của đàn bà con gái đó?”

“Không có ạ. Mà cụ cần thứ đó làm gì ạ?”

“Ta không cần. Nhưng ta muốn mua cho con Giang, cháu ta. Hừ. Vậy thì trong bị của hai anh có những món gì? Nói coi. Ta mua. Ta có tiền”

Tôi định trả lời, nhưng Tỏ xua tay. Anh chào ông cụ rồi vội kéo tôi đi.

“Ông lão hóa rồ rồi, không thấy à, đồ ngốc! – Tỏ mắng – Lão ấy thì có cái gì mà đổi chác. Mày khai hết các thứ ra không sợ lão rồ ấy hỏi xin cho bằng hết à ? ”

Nhưng mà chúng tôi vẫn đi theo sự chỉ dẫn của “lão rồ” để tới lâm trường bộ và thị trấn. Đấy là một đám rừng tái sinh mọc trên bãi bom B52. Trận bom đã từ khá lâu. Những thân cây đổ cháy dang dở đã đâm chồi non. Trong những đám cỏ rậm cao vút có thể thấy thấp thoáng di tích nhà cửa. Ù ù gió thổi. Bạt ngàn hố bom. Chồng đống gạch nát, ngói vụn, rầm gẫy. “Thị trấn đấy!” – Tỏ bảo. “Ông lão ấy thế mà cũng giỏi đùa nhỉ.” Vòng vo, quanh quéo, rẽ phải, rẽ trái, cuối cùng thì chúng tôi cũng đến được cái gọi là đội Bốn lâm trường. Vốn là cánh rừng nhưng cây cối đã bị bom xô đổ. Lối đi hụp lặn trong cỏ tranh. Cỏ tranh rẽ lào xào, răng rắc tiếng cành khô gãy. Cơ hồ không một bóng người. Đời sống chỉ còn chập chờn vương vất dưới đây đó rải rác những túp lều dụi dọ, nửa nhà nửa hầm, ngoi lên ngay bên nền cũ tang thương của những xác nhà.

Tỏ thở dài: “Ở đây chợ Tết tan sớm ghê. Hàng quán nghỉ cả rồi”

Từ các xó xỉnh bụi bờ hang hốc lũ trẻ lốc thốc chui ra. Đứa nào đứa nấy gầy vêu, ốm đói, xống áo tả tơi, da đen nhẻm, môi tím tái vì rét.

Các chú khu Ba! Các chú khu Ba “manh xờ lam đổi gà ri” tề, bay ơi! – Bọn nhãi reo lên, nhẩy cẫng, hò nhau chạy xán đến gần chúng tôi.

“Bố mẹ, anh chị các cháu đâu?” – Tôi hỏi.

“Ba đi dân công hỏa tuyến. Mạ về Cổn đổi muối!”

“Bọ mạ vô rú trồng bắp”

Đứa lớn nhất hỏi:

“Hai chú tha chi trong bao? Tiêu chuẩn đi Bê đổi lấy gà hỉ?”

“Ừ, – Tôi nói – Các chú cần chút thực phẩm tươi cải thiện. Nhà cháu có gì để đổi không?”

“Ôi thôi nào! – Tỏ làu bàu, mặt cau lại, rồi lại thở dài – Còn đổi chác cái gì nữa hở mày. Không thấy cảnh nơi này sao? Thôi thì có gì chia nấy. San đều mỗi nhà mỗi xíu mày ạ. Gọi là chút quà lính đi Bê biếu bà con ăn Tết”

Chúng tôi vác bao đi lần lượt mười căn nhà hầm của xóm sơn tràng. Bọn nhãi nhũng nhẵng theo sau rồng rắn như đám rước. Tới trước cửa mỗi hầm, Tỏ mở bao, bốc trong đó mỗi thứ mỗi ít bỏ vào mũ cối. Bọn trẻ xúm xít, giương mắt nhìn, thèm thuồng. Chúng tôi xuống hầm, cất tiếng chào. Mặc dù có bếp lửa giữa lòng nhà nhưng căn nhà hầm nào cũng tối âm âm, ẩm ướt, lạnh lẽo, trống rỗng. Nhà thì có ông lão, nhà thì bà lão. Tôi bỏ các thứ trong mũ lên góc chiếu. “Năm cũ chưa dứt nhưng chúng con bộ đội hành quân qua không dừng lâu được xin có chút quà gửi sớm tới gia đình lời và  chúc mừng năm mới ”. Có cụ chào hỏi lại và cám ơn. Có cụ chẳng nói gì, hấp háy cặp mắt đục lờ… Tôi và Tỏ trở về theo lối cũ. Im lặng bước đi. Trong lòng buồn bã. Trời buổi trưa đã tạnh mưa nhưng mà thêm phần lạnh lẽo. Núi rừng cằn cỗi, bao la, chập chùng. Biển lau xám xịt một màu. Tiếng động cơ phản lực rền rền lăn trên mây. Chúng tôi lên lại nền đường sắt, đi về phía túp lều gỗ của ông già “gác ghi”. Ông già đang đứng ngoài lều. Ðứng nghiêm, mặt trông về phía bắc, nơi đang rầm rầm tiếng máy bay quần lượn. Một tay ông cụ đưa ngang ra.

“Ông lão làm gì thế nhỉ?” – Tôi ngạc nhiên.

“Không thấy ông già trương cờ à? – Tỏ nói – Cờ vàng. Ðón tàu qua ga đấy. Tiếng máy bay nghe xa cũng na ná tiếng tàu hỏa đấy chứ”

Ông cụ không để tâm tới chúng tôi đang bước tới gần. Mắt cụ chăm chăm nhìn hút theo trục đường. Tay cụ cứ đưa ra mãi không biết mỏi. Lá cờ vàng vẫy trong gió rét. Tôi định lên tiếng chào thì bị Tỏ kéo kéo tay ra hiệu im lặng. Hai đứa lách cỏ lau đi vòng qua sau lưng ông cụ.

Đi xa khỏi túp lều rồi Tỏ mới bảo: “Tao sực nhớ là bọn mình quên không để lại thức gì làm quà cho ông lão. Nên phải tránh”. Suốt dọc đường hai đứa im lặng rảo bước. Về đến gần lán tiểu đội, Tỏ níu tôi dừng lại một lát bên bờ suối. Anh bảo: “Tao thật không đành lòng mày ạ. Nghĩ thương ông lão quá. Thôi bây giờ thế này nhé. Tao thì trung đội không cho đi nữa, chứ không thì tao đi ngay. Nên mày chịu khó một tí vậy. Về lán, mày nằm nghỉ một lát cho đỡ mệt rồi quay lại “trạm gác” đường tàu mang cho ông lão chút quà Tết. Tao sẽ chuẩn bị gói quà ấy. Những thứ ông ấy thích tao có cả đấy. Mảnh vải hoa may áo. Xà-phòng thơm. Các thứ bọn con gái chuộng: kim chỉ, cặp ba lá, cúc áo, có cả. Gương tròn tao không có nhưng thằng Ngữ bên A2 có, tao sẽ xin của nó cho cháu gái ông lão. Mày đi nhé? Ði rồi quay về ngay vẫn kịp đón giao thừa”

Tôi chỉ và vội bát cơm, chứ chẳng nằm nghỉ, khoác túi quà lên đường ngay. Nhưng tới nơi thì ông già “gác ghi” không còn trong túp lều. Chiều đã muộn rồi, lại càng thêm rét, lại lâm thâm mưa phùn. Tàn tích của con đê hỏa xa như thêm một nét ảm đạm nữa cho buổi chiều đông. Bốn bề mênh mông im lìm. Quả đồi này nhường bước cho quả đồi khác, cánh rừng này tiếp nối cánh rừng khác, kéo dài vô tận dưới vòm trời thâm ướt. Mệt mỏi tôi lê bước theo khúc cua vòng của nền đường lở nát đi về phía rừng chồi, nơi mà ông lão gọi là nhà ga. Tưởng cụ lú lẫn nói nhăng, vậy mà đúng là có vết tích một nhà ga ở bìa rừng. Lần đầu tiên ở phía nam Vinh tôi trông thấy lại những thanh ray và những tà-vẹt bằng sắt nằm cong queo, rỉ nát trong cỏ. Một khoảnh đất bằng với những phiến đá phẳng đã rạn vỡ nhưng vẫn mang dáng của một cái sân ke.

Một vệt đường lượn cong cong dẫn vào rừng chồi. Có vẻ như đây là dấu vết còn lại của một nhánh phụ tuyến đường sắt. Tôi rẽ vào rừng theo đường nhánh đó.

Ngôi nhà hiện ra đột ngột và huyền bí trong ánh chiều đẫm hơi mưa đang dần nhòa lụi dưới bóng rừng. Không phải nhà ngói, nhà gianh, không phải lều lán, không phải là nhà hầm. Mặc dù gần như hoàn toàn bị trùm lấp trong những tầng dây leo nặng trĩu, ngôi nhà vẫn rõ ràng là một toa tàu hỏa khiến tôi sững sờ. Những bánh xe ấn lút hai khúc ray xuống đất mùn. Khung xe trùm lấp dây leo. Những quả mướp lõng thõng trước những khuôn cửa sổ. Ðây là một toa tàu khách, cửa ở hai đầu toa. Bậc lên xuống đã mục nát được thay bằng tam cấp gỗ tự đóng lấy. Nhưng tay vịn bằng đồng thì vẫn còn.

Một cảm giác hơi rờn rợn ngăn tôi lại trước cửa toa. Khá lâu, tôi đứng sững, lặng im. Cho đến khi tôi nhận thấy có người đứng ngay đằng sau mình. Người đó bước tới bên tôi mà sự xao động gây ra không mạnh hơn một bóng ma. Tôi ngoắt người quay lại. Có thể nói lúc bấy giờ chỉ còn lại một thoáng ánh sáng cuối cùng trước khi rừng hoàn toàn sập tối, tuy nhiên chẳng những nhận ra bóng ma đó là một cô gái mà tôi còn kịp định hình được vóc dáng của cô, gương mặt của cô. Thoáng hiện đó sẽ còn in đậm mãi trong tâm trí tôi bởi vì từ sau đó tôi chỉ còn thấy được cô mờ mờ trong ánh lụi mờ của đốm lửa hương bài.

“Chào anh bộ đội, anh tìm ông nội em phải không?” – Cô gái lên tiếng, giọng Quảng Bình dịu ngọt, gần như là du dương vậy.

“Cô là Giang à ?”

Cô gái dạ thật khẽ.

“Ông em ngủ rồi anh à”.  Cô không nói mời anh lên toa mà nói mời anh lên nhà.

Sàn toa bằng gỗ vẫn còn chắc chắn vang lên thình thịch dưới bước chân. Trong toa thơm ngát khói hương bài tỏa từ bàn thờ. Bàn thờ khuất đâu đó trong lòng toa tối đen. Tôi và Giang ngồi xuống băng ghế gỗ. Ðây là loại toa khách hạng ba. Chỉ có hai băng ghế dài dọc theo hai bên thành.

Ông lão nằm ở băng ghế bên kia, thở khò khè và ho.

“Sao không làm sạp giường trải cho ông nằm?” – Tôi hỏi.

“Ông em thích vậy đó. Ðã quen như vậy. Bởi hàng chục năm rồi ông ngủ.

“Sao Giang không thắp đèn lên? – Tôi lại hỏi sau một lát lâu im lặng – Giôn-xơn nó tuyên bố tạm ngừng ném bom mấy ngày Tết. Từ chiều không thấy nó quần đảo nữa”.

“Dạ, em cũng nghe nói vậy. Nhưng ông nội em sợ ánh sáng về đêm lắm. Ðang ngủ say mà ai bật que diêm hay đánh máy lửa là ông vùng dậy la hoảng. Rồi ông chạy. Ông em đâu còn tỉnh trí, chắc anh cũng biết. Chắc anh đã gặp ông em ngoài đường tàu rồi” Tôi kể cho Giang nghe chuyện tôi và Tỏ gặp ông cụ. Và nguyên do tôi tìm tới đây.

“Vậy đó anh nờ, – Giang thở dài – Ông em sống mãi trong thời xưa, thời còn tàu hỏa Tây. Thời xưa đó ông em từ Huế ra đây làm ký ga. Nghe ông kể thì chỗ đây xưa là nhà ga, ga Kiểm Lâm, hay còn gọi ga Mả Phu Tàu. Tên chi mà dễ sợ anh hi”.

“Cái toa xe này là thế nào? Nó nằm đây từ bao giờ vậy?”

“Nó có ở đây từ trước khi có em. Mạ sinh em ở trên toa này đó anh. Mà em năm nay mười bảy tuổi. Ba mạ kể chuyện rằng cái toa xe này là của đoàn tàu Nam chuyến cuối cùng chạy qua đây. Tàu chở người tản cư từ Huế ra Vinh. Thiếu than, chạy chậm, mà Tây thì nổ súng Ðồng Hới rồi, nên đến ga này phải cắt bớt toa để vượt nhanh. Sau đó thì không còn tàu qua nữa. Khắp nơi hủy cầu, bóc đường rầy chống Tây. Ông bà với ba mạ em đẩy cái toa bị rớt lại này theo đường nhánh vào náu trong rừng. Không còn xe lửa nhưng chín năm kháng chiến ông bà ba mạ em vẫn ở lại ga. Tây bỏ bom ga, cả nhà dời vào sống trên toa từ đó”

“Sao thế nhỉ, sống làm gì trong chốn hoang vu này từng bấy năm trời”

“Bà nội em qua đời nằm lại đây. Ông em không thể rời xa mộ bà. Với lại ông bảo ông vốn chức việc hỏa xa nên phải suốt đời với nhà ga với đường tàu. Ông một lòng tin sẽ đến ngày đường hỏa xa sống lại. Hòa bình rồi, năm này qua năm khác, ông ngày một già vẫn sống lì tại đây, một li không rời, vẫn mỏi mắt đợi tàu qua ga. Ba mạ em vì vậy cũng ở bền lại Rú Voọc làm công nhân lâm trường. Mà coi vậy chứ Rú Voọc không phải thời nào cũng hoang vu. Những năm hòa bình nhờ có lâm trường, có xưởng cưa, xưởng rèn, có trạm kiểm lâm nên đông vui lắm. Dần dần có chợ búa, có thị trấn, với trường cấp một cấp hai. Ba mạ rồi cũng mời được ông ra ở nhà ngói ngoài thị trấn. Nhưng ông vừa ra ở được mấy bữa thì giặc Mỹ ném bom. Bao công phu khó nhọc xây dựng quê hương bị thiêu hết cả. Và bao nhiêu là người bị hại. Ba mạ em mất trong trận bom đầu tiên xuống thị trấn. Em đưa ông nội và hai em trai chạy về ở trong đội Bốn. Ở nhà hầm. Mùa đông năm ngoái, một đêm hai em của em dậy đốt lửa sưởi. Ánh lửa lọt ra ngoài. Tàu bay hắn bắn rốc-két trúng cửa hầm. Hai đứa chết cùng một khi. Em bị thương. Ông thì từ đó mất trí. Ông lại trở ra sống trên toa tàu này. Em ở cùng ông, làm lụng và trông nom ông. Ông chẳng biết ngày tháng, không biết Tết, không biết giao thừa là gì. Ngày ông ra gác ghi đón tàu. Ðêm về ngủ trên toa chứ không chịu ngủ hầm. Ông không sợ tàu bay, chỉ sợ ánh đèn”.

Tôi ngồi lặng bên Giang nghe cô nói chuyện. Cô nói không ngớt. Có thể hình dung được nỗi cô đơn đè nặng trái tim cô gái. Cô thì thầm ước ao đến một ngày nào đó tuyến đường sắt hồi sinh, tàu hỏa qua lại nơi này để cô được biết đoàn tàu hỏa nó như thế nào, được biết âm thanh của những hàng bánh sắt lăn trên đường ray, và nhất là được biết tiếng còi tàu. Tàu hỏa nó như thế nào, ngày xưa, khi còn tỉnh trí, ông nội vẫn thường tả cho các cháu của ông nghe. Nhưng chưa từng được tận mắt thấy thì sao mà có thể hình dung nổi.

Giang hy vọng: “Khi nào tàu hỏa sống lại, chạy ngang qua, rúc còi, ông nội em sẽ minh mẫn lại như  xưa”.

Rồi cô nói đùa, đùa mà chứa chan mơ mộng:  “Ông và em sẽ móc ngôi nhà của hai ông cháu vào đoàn tàu. Sẽ ngồi trong nhà mà đi chơi khắp đất nước”

      ***

Ðêm trừ tịch tối đen, nhưng đã tạnh mưa nên vòm trời có phần quang ra, sáng mờ, rải rác những vì sao. Chúng tôi chia tay ở bìa rừng, Giang trỏ một ngôi sao xanh biếc chênh chếch trên nền trời mạn bắc.

“Anh biết tên ngôi sao kia không anh?”

“Không. Ngôi ấy rõ đấy nhưng nó vô danh. Có lẽ vì để định hướng phương bắc người ta đã có Bắc Đẩu to và sáng hơn”.

“Ông em bảo là ngày xưa khi ngôi sao ấy hiện lên ở đầu núi thì ở đây đoàn tàu Bắc chuyến đêm sắp chạy lướt qua sân ga”

Tôi hẹn sáng mai, Mồng Một, sẽ cùng anh em trong tiểu đội đến chúc Tết gia đình. Chúng tôi sẽ xông đất ngôi nhà có bánh xe của ông cháu cô. “Bọn anh sẽ cùng em đẩy cho nó lăn bánh, Giang ạ”, tôi nói, nắm nhẹ bàn tay cô mềm mại.

Nhưng ba giờ sáng, cấp tốc lệnh hành quân. Và đường hành quân của tiểu đoàn rẽ sang tây, tách xa mãi mãi trục đường hỏa xa.

Từ đấy tới nay non ba chục năm trời. Các nhân viên trên đoàn tàu đêm nay không ai biết ga Mả Phu Tàu. Có thể vì họ không biết hết tên các ga xép. Thành thử tôi cứ chong mắt nhìn ra đêm trăng. Ngoài cửa sổ núi nọ hiện hình lên rồi từ từ khuất dạng, núi khác lại chồng tiếp vào, miên man, trùng điệp. Nhưng suốt đêm nhìn ra tôi vẫn thấy mãi một ngôi sao xanh treo trên một đỉnh núi nào đó cứ đang lặng lẽ trông với theo vệt sáng của đoàn tàu.

Những địa danh thoáng hiện, chưa kịp nhói lên đã vuột mất khỏi tầm trí nhớ, vụt đi như là bị gió thổi phù.

BẢO NINH