Ngôn ngữ nào cũng đều có những hệ thống quy tắc, quy ước chặt chẽ. Đó là trật tự mà mọi người khi sử dụng đều phải tuân thủ. Đặc biệt, ngôn ngữ chuyên ngành có những đặc thù riêng. Chẳng hạn: Ngôn ngữ giao tiếp; Ngôn ngữ thông tấn báo chí; Ngôn ngữ chính luận; Ngôn ngữ sư phạm; Ngôn ngữ tôn giáo; Ngôn ngữ ngoại giao; Ngôn ngữ khoa học; Ngôn ngữ văn học nói chung và thơ nói riêng.

Mỗi loại ngôn ngữ đều có sự ổn định cần thiết, đó là những chuẩn mực thượng tôn. Duy chỉ riêng ngôn ngữ thơ là có sự “lệch chuẩn” mà các loại ngôn ngữ khác đều không được phép. Xin nêu một số ví dụ:

1. Người đi mỏi phố
mùa chưa cúc

(Hải Từ)

Đi bộ trên hè phố, đi nhiều thì mỏi chân, sao tại “mỏi phố” được ?

2. Đàn cừu đi giữa tung tăng
Làm hương cỏ rối dậy hăng núi đồi

(Trên Cao Nguyên – Lê Đình Cánh)

Cừu ăn cỏ, chúng đi, chạy tung tăng giữa thảo nguyên chứ, sao lại “giữa tung tăng” được nhỉ?

3. Ai tình tứ cho cả chiều bờ ngỡ
Liền chị xa biền biệt nỗi giăng mùng.

(Một chút giăng mùng – Phan Quế)

Đi xem hội Xuân, lạc vào vùng quan họ, chị đã bén hơi yêu, về nhà nhớ vụng, thương thầm. Ban ngày chắc là bận rộn công việc, chỉ đến đêm, lúc giăng mùng đi nằm mới thao thức nỗi thương thầm thì mới phải chứ, sao lại “‘nỗi giăng mùng?

4. “Chúng mình định mệnh vào nhau
Bằng bao hạnh phúc, bằng bao ngậm ngùi”

(Chiều thứ tư – Nguyễn Văn Hàm)

Do định mệnh mà hai chúng mình được gắn kết vào nhau chứ, sao lại “định mệnh” vào nhau?

Những câu thơ trên đây về trật tự thông thường của ngữ nghĩa có vẻ như không ổn, “mất trật tự” thế nào ấy. Cứ như của người nước ngoài mới học tiếng Việt, diễn đạt lớ ngớ vụng về? Khi thì hai danh từ bị đặt nhầm vị trí của nhau (thí dụ 1); khi thì trạng từ đặt vào vị trí của danh từ (thí dụ 2); khi thì động từ đặt vào vị trí cửa danh từ (thí dụ 3); khi thì danh từ đặt vào vị trí động từ (thí dụ 4)…

Nhưng thử xem lại, đây có phải sự nhầm lẫn không.

Thí dụ 1, xin chép lại cả bài, vì cũng ngắn:

Vàng thu
Lác đác hoàng lan
lất phất thu
Hồ run mặt sóng
thoảng sương mù ,
Người đi mỏi phố
mùa chưa cúc
Sắc áo vàng kia
nở sớm ư?

Không có chữ anh, em nào nhưng vẫn hiển hiện là bài thơ tình. Trong tâm trạng của người đang yêu, đang mong đợi nên cảm nhận về ngoại cảnh có khác: lất phất thu, hồ run… tức là ngoại cảnh đã hòa với nội tâm. Hai câu trên đã chuẩn bị cho câu thứ ba xuất hiện: đường phố đã đồng cảm với con người, vì vậy người đi mà cảm thấy “mỏi phố”, tưởng phi lý mà rất hợp lý. Nhờ hai câu trên, lôgic hình thức đã chuyển qua lôgic nội dung. “Mỏi chân” là lôgic hình thức; “mỏi phố” là lôgic nội dung. “Mỏi chân” là cảm giác của người… khuân vác; “mỏi phố” là cảm giác của người tình thơ. Cái sự “đặt nhầm vị trí” này là một sáng tạo bất ngờ, là điểm sáng của bài thơ, mang lại cho tác giả giải cao nhất cuộc thi thơ tứ tuyệt Tài Hoa Trẻ lần thứ nhất 1996 – 1998.

Ở thí dụ thứ 2, giữa thảo nguyên mênh mông, ngắm đàn cừu, nhà thơ vui như chính mình được chạy nhảy tung tăng với chúng, trẻ lại, hồn nhiên, ngây thơ như… con cừu. Trong tâm trạng ấy, nhà thơ có “đặt nhầm” vị trí từ loại thì cũng là cái “nhầm đáng yêu” làm cho câu thơ đẹp hơn, hay hơn. Thơ là hiện thực được phản ánh qua tâm trạng nhà thơ. Chữ “tăng tung” thể hiện được điều ấy.

Ở thí dụ 3, “xa biền biệt” thì chuyện “thương thầm” là quá hiển nhiên, có gì là sáng tạo? Nhà thơ viết “nỗi giăng mùng” hình ảnh này gây ấn tượng, xao động tâm tư, gợi nhiều liên tưởng: giăng mùng, trải chiếu thường nghĩ đến chụyện lứa đôi, hạnh phúc, đằng này lại xa biền biệt, “hoàn cảnh” quá!

Ở thí dụ 4, không cần dùng chữ “gắn kết” mà được gắn kết nhiều hơn qua chữ “định mệnh”. Chữ này có tỉ trọng lớn bởi nó gắn với số phận, với triết lý nhân sinh, đặt vào đây làm cho câu thơ trở nên nặng ký.

Xin dẫn thêm một số câu thơ “nhầm lẫn sáng tạo” khác.

Tính từ đặt vào vị trí của danh từ:

Tôi đong thêm mấy hao gầy
Mở ngày tháng đế chất đầy tương tư

(Khúc dịu êm – Đỗ Trung Lai)

Danh từ đặt vào vị trí của tính từ:

Không dưng chiều trở gió
Nắng đã mùa xa xôi
Tóc người còn hong đó
Giờ đã buồn sang tôi

(Gương mặt – Nguyễn Đức Hạnh)

Ngỡ không thơm nữa trăng ngày cũ
Cuối ngõ khuya về bưởi mới hương

(Hương muộn – Lương Hữu)

Đoạn thơ sau đây của một nhà thơ cao tuổi, ông khéo “phá trật tự”, hoán đổi vị trí từ loại làm cho thơ hồn nhiên mới mẻ chắc chả ai nghĩ là của tác giả cao niên:

Hạt mưa chèo bẻo
Nhặt nắng xiên khoai
Hạt mưa hoa nhài
Tàn đêm kỹ nữ
Hạt mưa sành sứ
Vỡ gạch Bát Tràng
Mưa gái thương chồng
Ướt đầm nắng quái
Sang đò cạn sông

(Mưa – Hoàng cầm)

Đoạn thơ này gợi nhớ câu ca dao: Thân em như hạt mưa sa/ Hạt vào vườn cải, hạt ra vườn đào/ Thân em như hạt mưa rào /Hạt ra đồng cỏ, hạt vào đồng hoa/ Thân em như hạt mưa sa. Trong đoạn thơ trên, Hoàng cầm khéo thay đổi hình ảnh mưa quen thuộc mưa sa, mưa rào thành những hạt mưa khác lạ, mỗi hạt mưa này lại đi kèm một danh từ (chèo bẻo, hoa nhài, sành sứ) và cụm từ (gái thương chồng). Qua những hình ảnh mưa mới lạ ấy, người con gái hiện lên với cảnh ngộ khác với câu ca dao xưa nhiều lắm. Họ đã bắt đầu ý thức được cuộc vận động đổi đời. Vẫn là thân phận hạt mưa đấy, nhưng họ có thể chủ động lựa chọn ở chừng mực nhất định. Bởi thời nào cũng vậy, người phụ nữ vẫn gánh chịu sự thiệt thòi về thân phận giới tính. Ở đây có bóng dáng “hạt mưa” rơi vào vườn cây thôn dã, có tiếng chim chèo bẻo chia sẻ buồn vui, có “hạt mưa” lạc ra phố thị với hương hoa nhài tàn đêm kỹ nữ, có “hạt mưa” làm lụng vất vả đêm ngày đất, lửa sành sứ… Rồi “hạt mưa” bận bịu chồng con, sang đò cạn sông. Có lẽ là dòng sông nước mắt khóc cạn đó sao? vẫn là những số phận, những cảnh ngộ, tâm trạng mà mọi người không thể thờ ơ.

Nhờ có sự lao động thơ công phu, đầy sáng tạo ấy, Hoàng Cầm đã đưa những hạt mưa thân phận đến với những nội dung mới, gắn với sự chuyển động của cuộc sống. Ở đây hình ảnh đã được nâng cấp lên thành những hình tượng.

Hóa ra những thí dụ vừa nêu trên không phải do “nhầm lẫn, lớ ngớ”, mà chính là những thủ pháp nghệ thuật cao cường. Mỗi lần độc chiêu này được tung ra là tạo nên tia chớp lóe đủ làm ta giật mình gây ấn tượng và tác động mạnh. Trước hết nó tạo nên sự bất thường, mới lạ; nó xóa đi cái trật tự quen thuộc đễ gây nhàm chán. Trong tác phẩm văn học, sự nhàm chán là điều tối kị, nó khai tử cho tác phẩm ngay từ lúc tác phẩm vừa mới lọt lòng. Thứ hai, những từ ngữ khi được chuyển dịch vị trí, nó tạo nên phản ứng mới, hình thành cụm từ mới trong một tập hợp mới. Nhờ vậy nó chứa đựng nhiều năng lượng bùng phát mà trước đó nó không có. Thứ ba, cô đọng, hàm súc nói ít, gợi nhiều.

Trong hội họa cũng có hiện tượng tương tự đó chăng? Vẽ không thật giống mà lại giống hơn thật Thật ở cái thần hồn, thần thái. Chẳng hạn như họa sĩ Bùi Xuân Phái, ông vẽ phố Hà Nội, hầu như chả hình ảnh nào “chuẩn xác”. Từ cái cột đèn, bức tường, mái ngói đến chiếc xe xích lô, xe đạp, con người… thảy đều xiêu lệch nghiêng ngả như trong cơn say. Như thể ông vẽ trong mơ… Nhưng lạ lùng sao, chính những hình ảnh xiêu lệch kia nó lại hút hồn người xem và ám ảnh không nguôi. Phải chăng là bậc kỳ tài mới tạo nên được những tác phẩm như vậy.

Quy luật vận động của ngôn ngữ luôn gắn với quy luật vận động của đời sống: trật tự luôn được định hình và luôn bị phá vỡ để thiết lập trật tự mới.

Trên đây là những thủ pháp nghệ thuật mang ý nghĩa tu từ trong thơ. Tuy nhiên “sự phá vỡ” này chỉ nên vừa phải và đúng lúc đúng chỗ, dùng cho đắc địa. Bởi vì dù hay đến mấy mà dùng thái quá cũng mất hay. Chắc bạn đọc sẽ rất khó chịu nếu đọc một bài thơ từ đầu đến cuối toàn một kiểu viết tựa như của một người… chưa thạo tiếng Việt.

Nguyễn Vũ Tiềm

(Trích trong: Đi tìm mật mã thơ – NXB.
Hội Nhà Văn tái bản 2015)