Nhắc tới Mạc Ngôn là nhắc tới tiểu thuyết và truyện ngắn. Nhà văn với các sáng tác Báu vật của đời, Cao lương đỏ, Đàn hương hình, Cây tỏi nổi giận,… đã trở thành tên tuổi quen thuộc của độc giả. Sự góp mặt của tập tản văn “Người tỉnh nói chuyện mộng du” thật khiêm nhường nhưng là món ăn “thú vị” đối với người đọc. Suy nghĩ về con người và lẽ sống được bộc lộ trong nhiều bài viết.
Tập tản văn bao gồm 25 bài viết lớn nhỏ, ấn tượng về nước Nga, về thảo nguyên Nga và cuộc sống con người Nga. Tiếng chim, cánh đồng thảo nguyên màu mỡ, hoàng hôn và ánh trăng. Có các so sánh và liên tưởng rất thú vị trong tản văn Mạc Ngôn, “tiếng chim ríu rít như những em nhỏ vừa nghe chuông tan lớp” hay “Dãy núi nhấp nhô khiến tôi liên tưởng đến một thiếu nữ mơ màng đang nằm ngủ, những ngọn núi trông như những khuôn ngực đẫy đà”. Tâm hồn rộng mở, phóng khoáng có được niềm hạnh phúc khi cảm giác “nắm đầy ánh trăng trong lòng bàn tay… thậm chí cảm nhận được tiếng vỡ của trăng”.
Điều sâu sắc là nỗi lo lắng và dự cảm của nhà văn. Niềm tin tưởng vào sức lao động và sáng tạo của nhân dân lao động. Thiên nhiên Nga, con người Nga không những đem lại cho tác giả cảm xúc “huy hoàng” mà đôi khi cả những “thất vọng ê chề”. Bữa ăn trưa nhạt nhẽo chán chường khiến những tưởng tượng về một nước Nga văn học “bốc hơi” hết, may thay phụ nữ Nga đã tạo một cảm tình đặc biệt với tác giả.
Nội dung bài viết
Động vật
Những bài viết về chó, chim, ngựa cho thấy những tình cảm và kí ức không thể quên của nhà văn. Chuyện bị chó cắn khiến ông có những chuyển biến tâm lí sâu sắc, buộc lòng phải giết chó nhưng điều Mạc Ngôn đau lòng là mình không đánh chết nó “trong động tác đau khổ”. Sự gắn bó của loài chó và con người trong lịch sử tiến hóa nhân loại, những oan ức của chó, công lao của chó và cả những ẩn ức trong “đôi mắt” con chó nhà trước khi chết là sợi dây tình cảm khiến nhà văn suy nghĩ. Cách nói bỗ bã, nhưng giàu tình cảm là nét duyên của Mạc Ngôn trong văn chương. Cách mà ông miêu tả hình ảnh những con chó đội mũ nhung be bé nằm trong “khe núi vú” của những người đàn bà Nga cho thấy ông dành cho nước Nga và con người Nga một tình cảm trìu mến.
Dù ở đâu thì những ấn tượng về loài vật ở quê nhà vẫn đặc biệt. Chó nhà tuy không được bữa ăn ngon như giống chó Đức nhưng điều chúng có là sự tự do. Nói về mối quan hệ gắn bó giữa con người và loài vật, nhà văn gợi lên kỉ niêm khó quên về câu chuyện chân gãy của con ngựa. Chỉ có ở con quê mình, ông mới tìm được “chất phóng túng hoang dã” trên thân thể chúng. “Mấy chục con ngựa tung vó trên cánh đồng hoang sơ như một dòng sông nhiều màu sắc đang ầm ầm nổi sóng”.
Theo cách nói của Mạc Ngôn, ông đã “thâm nhập” vào “tâm linh” của loài vật mới có thể cảm nhận được nỗi đau và suy nghĩ của chúng. Nhà văn rất chân thật, ông dám nhìn thẳng vào đôi mắt từng con vật. Chuyện nhà văn báo cáo với cấp trên người đồng đội bắn giết chim vô tội vạ cùng chi tiết cái lưỡi khi chết của con chim gõ kiến cho thấy ông hiểu chúng như thế nào.
Cuộc sống ở Đông Bắc Cao Mật
Dành phần lớn cuốn sách của mình, tác giả viết về những vấn đề có mối quan hệ mật thiết với con người. Đó là chuyện ăn, chuyện ở, chuyện tắm và sở thích âm nhạc, đọc sách, … Nếu đã đọc tiểu thuyết Mạc Ngôn, chúng ta đều biết rằng, bối cảnh và con người trong nhiều tác phẩm đều có xuất phát từ quê hương Đông Bắc Cao Mật của ông. Đọc Người tỉnh nói chuyện mộng du, ta có được hình dung chân thực về nơi nhà văn sinh ra và lớn lên.
Chuyện “Tường hát” miêu tả một cách cụ thể và tỉ mỉ cái làng quê ấy. Con đường cát vàng giữa làng với hàng cây “vàng ươm” lá vào mùa thu, nắm đất đen qua “bàn tay điêu luyện” của tổ tiên ông đã thành những đồ gốm sứ, những thảm cỏ cùng nhiều loại thú trong thiên nhiên đã tạo nêm một không gian thôn dã thân quen và ấm áp. Những cái ao trên đồng cùng những truyền thuyết của nó gợi lên sự tò mò và thích thú cho người đọc về vùng đất này. Không chỉ có cảnh mà con người cũng là nhân tố đặc sắc của câu chuyện. Đó là những Hứa Bàn Tay To, những cô gái câm xinh đẹp gia tộc họ Tôn và bao lớp người ở Cao Mật. Hình ảnh “Chợ tuyết” mãi là kí ức đẹp nơi tâm hồn nhà văn. Cũng như bức tường biết hát dù đã sụp đổ nhưng những âm thanh thì đã thấm nhuần vào kí ức bao người và mãi mãi được lưu truyền.
Chuyện ăn
Viết về quê hương, về nơi mình sinh ra, trăn trở nhất trong sáng tác của tác giả là chuyện cái ăn. Ở cuốn tạp tản văn này, ông dành nhiều trang sách viết về cái đói. Chuyện ăn ám ảnh Mạc Ngôn. Bởi lẽ, ngay từ khi biết suy nghĩ, cái đói đã triền miên trong đời sống của ông. Nhà văn sinh năm 1955, suốt 20 năm gắn bó ở quê nhà cho tới ngày nhập ngũ (1976) là quãng thời gian đất nước Trung Quốc trải qua nhiều biến động, cũng như bao người dân Trung Quốc, Mạc Ngôn đã sống những ngày tối tăm nhất khi cái đói luôn rình rập, chực chờ và đe dọa. Tự nhận ham ăn thuộc về phẩm chất con người mình. Cho tới tận sau này, dù không còn lo chuyện ăn nữa, song cái ăn vẫn rất ám ảnh ông. Chuyện ông ăn nhiều, ăn nhanh hay “dáng ăn hùng hổ” không đơn giản chỉ vì đói. Vấn đề ăn và cái đói đã trở thành những ấn tượng sâu đậm trong tâm hồn Mạc Ngôn.
Chuyện giành ăn với cô em họ, chuyện ăn vụng thức ăn thậm chí cả ăn trộm để ăn được Mạc Ngôn ghi chép một cách tỉ mỉ. Những kí ức kinh hoàng về cái đói luôn hiển hiện thường trực trong tâm trí nhà văn. U ám nhất là cái chết, người chết đói và bữa ăn ngày đói. Nhưng vượt lên những năm tháng hắc ám đó, Mạc Ngôn vẫn giữ được cái nhìn trong sáng về cuộc sống.
Cái đói trở thành nỗi vật vã của con người, phủ trùm bóng đen không gian cảnh vật, song trong cái đói, người ta cũng nhận được những giá trị đáng để sống tiếp. Nồi rau hổ lốn trong chiếc mũ sắt, bát canh thịt ngựa, miếng bánh ép khô, cảnh cả làng đi tìm cái ăn suốt 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Những kí ức tuổi thơ tuy ảm đạm nhưng vẫn ấm tình người. Và cũng chính những ngày tháng ấy đã để lại trong Mạc Ngôn nhiều trải nghiệm nhất để sau này trở thành nguồn tư liệu trong trang sách của ông.
Không chỉ dừng ở chuyện ăn, tản văn Mạc Ngôn nói về niềm hạnh phúc của con người. Đó có thể là chuyện tắm nước nóng, chuyện cảm thụ âm nhạc, chuyện về đôi cừu, chuyện uống trộm rượu, và hơn tất cả, trở đi trở lại trong tản văn của ông vẫn là những câu chuyện về quê hương, những ước mơ, khát vọng từ một cậu bé ham đọc đến giấc mộng đại học và trở thành nhà văn.
Đôi nét về Mạc Ngôn
Mạc Ngôn ham đọc từ bé. Bằng cách này, cách khác, thưở nhỏ, ông đã đọc hầu hết các cuốn “nhàn thư” như Tam Quốc Diễn Nghĩa, Thủy Hử truyện, Nho Lâm Ngoại Sử,… cũng như các bộ tiểu thuyết hiện đại mà mình mượn được. Mạc Ngôn bộc lộ một trí nhớ đặc biệt từ thưở bé. Dù trong điều kiện phải đọc giấu diếm và ngấu nghiến nhưng ông có thể nhớ được hầu hết các tình tiết và tên tuổi các nhân vật. Kỉ niệm về đọc sách thì nhiều, song niềm ham sách lưu lại trong Mạc Ngôn là chuyện đọc ké sách và giành sách với anh trai. Trong điều kiện cuộc sống khó khăn, mỗi cuốn sách đã đem lại cho nhà văn của chúng ta những ý nghĩa tinh thần vô cùng sâu sắc. Một đứa bé đang học tiểu học có thể xúc động phát khóc lên trước nỗi đau của nhân vật, rưng rưng những giọt nước mắt hạnh phúc trước mối tình của PaVen và ĐoNhiA, điều đó chứng tỏ khả năng cảm thụ văn học và tâm hồn đặc biệt nhạy cảm, vô cùng phong phú của tác giả.
Có lẽ Mạc Ngôn sinh ra là để làm một nhà văn. Mặc dù con đường học hành không được hanh thông, phải dừng học khi đang học dở lớp 5, nhưng tinh thần ham học của Mạc Ngôn thì vô cùng lớn. Tháng ngày ngắn ngủi ngồi ở trường tiểu học còn ghi đậm trong tâm trí nhà văn. Những bài văn có bút tích của thầy giáo Trương cùng chiếc quần không đáy và chiếc thắt lưng là kỉ niệm đáng nhớ nhất mà tác giả có được thời đi học.
Chính vào thời gian bị dừng học, phải trở thành người lao động, mộng văn chương đã hình thành trong ông. Ngay từ những năm 70, từ thực tế nơi địa phương, Mạc Ngôn đã tập tành sáng tác. Và sau nhiều lần chưa thành công, mùa thu năm 1981, truyện Mưa đêm xuân bay bay của ông được đăng trên báo. Mất học trở thành trẻ chăn trâu cắt cỏ, tưởng chừng tương lai đóng lại trước mặt, song bằng niềm ham học, Mạc Ngôn đã mở ra cho mình một cánh cửa vào đời khác. Niềm yêu thích văn học thôi thúc mãnh liệt trong ông. Thông qua con đường tự học, cậu bé nghèo ở một vùng quê còn nhiều lạc hậu đã từng bước trở thành một nhà văn danh tiếng, một người có địa vị bằng cấp trong xã hội (ông tốt nghiệp Học Viện Nghệ Thuật Quân Đội, lấy bằng Thạc sĩ tại Viện Văn Lỗ Tấn).
Phong cách văn chương
Sinh ra vào một giai đoạn lịch sử đầy biến động, Mạc Ngôn phải sống một cuộc sống thiếu thốn từ bé. Lúc nhỏ khi giành ăn khoai với cô em họ, ông chỉ ước có thể được một lần ăn khoai no nê. Sau khi vào quân ngũ, những ngày no mới tồn tại trong ông. Khi dệt giấc mộng văn chương, điều thôi thúc ông trở thành nhà văn là có thể được ăn ngày ba bữa sủi cảo. Đọc tản văn Mạc Ngôn, nhiều điểm ở con người ông gây cho người ta sự bất ngờ. Nhà văn có ước mơ là xây cho mình một bể tắm nước nóng. Suy nghĩ “vui vui’ của ông “sẽ đón quý khách khắp nơi đến nhà tôi tắm nước nóng. Chúng ta vừa ngâm mình trong nước vừa bàn chuyện văn chuyện đời. Ôi! Cuộc sống sao mà hạnh phúc!”. Xuất phát điểm của mong muốn xây bể tắm được tác giả hun đúc từ kí ức tắm sông ở quê nhà và những lần tắm nước nóng tới 60 độ khi còn trong quân ngũ. Dòng sông quê nóng rực dưới ánh mặt trời và cái nóng khiến cơ thể đỏ lên như “con tôm luộc” trở thành “quầng sáng” và niềm “khoái cảm” trong cuộc đời Mạc Ngôn.
Là người viết văn, tâm hồn ông cũng rất dễ giao hòa với thế giới âm thanh – đó là âm nhạc. Lúc còn chăn trâu cắt cỏ ở quê, tiếng chim, tiếng bò, tiếng trâu đã tạo nên cảm xúc khó quên trong tâm hồn cậu bé Mạc Ngôn. Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê mà đời sống vật chất và tinh thần còn nhiều thiếu thốn, Mạc Ngôn không có được những tháng ngày tuổi thơ nâng niu và bao bọc, nhưng những thiệt thòi về một mặt nào đó, lại khiến năng khiếu văn học của ông tỏa sáng.
Chính cuộc sống giữa tự nhiên bao la đã cho ông khả năng quan sát, kinh nghiệm sống, tạo nên một tâm hồn cực kỳ tinh tế và bén nhạy. Không chỉ có âm thanh của tự nhiên mà các hình thức âm nhạc địa phương như loại hình ca kịch Miêu Xoang, người kéo đàn nhị, những khúc ca tự tạo của mấy cô gái xóm giềng là những bài học giúp Mạc Ngôn có được những kiến thức về cảm thụ âm nhạc. Mặc dù chỉ cảm nhận âm nhạc từ quan sát đời sống nhưng những âm thanh kì diệu đã làm giàu có tâm hồn bay bổng và nhiều cảm xúc nơi ông.
Đúng như ông nói, cố hương đã trở thành “mạch nguồn” và là “động lực” trong hầu hết các sáng tác. Tác phẩm “Cao lương đỏ” cho ta bắt gặp cây cao lương đầy sinh khí như có hồn, có tính cách, tiểu thuyết “Đàn hương hình” lại mang đậm chất dân gian qua nghệ thuật Miêu Xoang, hay hàng loạt các trang viết khác thì vẫn là cảnh, là người ở vùng đất ấy. “Chùm ba bài”, “Dòng sông nóng bỏng”, “Cây cổ thụ thành tinh”, “Chuyện về ông nội” là các bài viết biểu hiện rất rõ con người Mạc Ngôn. Vùng kí ức không thể quên, cậu bé bị rơi xuống hố phân được anh trai bế ra dòng sông vào trưa hè giữa bao người dân quê. Việc chặt cây liễu cổ thụ đã gây nên tai nạn thương tâm tại làng quê (5 người chết và nhiều người bị thương).
Con người cần biết sợ trước sức mạnh của tự nhiên và bí ẩn của văn hóa. Ông nội trong cảm nhận của Mạc Ngôn là người nông dân tài hoa, kỹ thuật gặt lúa của ông “khó có ai có thể đọ được”, ông còn biết đan lưới, lồng chim, bắt cua, bắt cá, bắn chim. Cuộc sống nông thôn vào ngày mùa, khung cảnh lao động của người nông dân cùng bao truyện kể “kỳ lạ” về tài năng, phẩm chất của người lao động là những thực tế sinh động nhất về sự sống được nhà văn đưa lên trang sách.
Viết về miếng ăn, về cái đói, chuyện tắm, chuyện nghe nhạc hay viết về loài vật đi nữa thì điều mà ta cảm nhận qua tập tản văn là một tình cảm chân thành đầy ưu tư. Nhưng trên tất cả, dù những chuyện thật buồn, thật thê thảm về người, về cảnh ở một giai đoạn lịch sử nào đấy, tản văn Mạc Ngôn vẫn mang hơi thở nồng ấm. Giữa cái chết, cái đói, sự kì diệu của cuộc sống vẫn đâm hoa nảy mầm.
Văn Mạc Ngôn viết về những gì gắn bó máu thịt với ông, đó là những con người đã thành tên, thành tuổi, đó là ngôi nhà nơi ông ở, là con đường, là cánh đồng, là những cái ao làng, … Tất cả, dù thời gian có thay đổi, vẫn là người đấy, cảnh đấy. Dường như vẫn đang hiện hữu. Tất nhiên, ở cuốn tạp văn này, nhà văn cũng đồng thời đề cập tới nhiều vấn đề quan thiết như ảnh hưởng cụ thể của cố hương tới tiểu thuyết, bàn về Faulkner và Mishima Yukio – những nhà tiểu thuyết vĩ đại của thế giới hay chuyện làm phim Cao lương đỏ, chuyện đọc sách, chuyện anh hùng, về người đẹp, … Nhưng sâu sắc, ám ảnh người viết là các trang sách đã đề cập ở trên.
Tống Thị Thanh