Tao Đàn“Người tình phu nhân sư trưởng” của Diêm Liên Khoa là một tác phẩm trào phúng thời kỳ Cách mạng Văn hóa, là cuốn sách phơi bày hiện thực ở trạng thái nguyên thô nhất, mà đặt ở Trung Hoa thì thực sự nó rất “nghịch tặc”, phạm vào cả vấn đề chính trị lẫn sắc giới.

Tác phẩm được xuất bản lần đầu vào cuối năm 2004, liền bị cấm ở Trung Hoa đại lục vì nội dung mô tả cặp đôi nhân vật chính chỉ đạt khoái cảm tình dục khi xé ảnh và sách Mao ngữ lục, hay đập vỡ tượng thạch cao Mao Trạch Đông. Vậy mà đến năm 2007, sách đã được dịch và xuất bản tại nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới như Hồng Kông, Singapore, Đài Loan, Italia, Nhật bản, Pháp, Hà Lan, Đức, Mỹ, Israel, Australia, Bồ đào Nha, Tây Ban Nha, Hàn quốc, Brazil…

Đây là một trong những cuốn kỳ thư của Diêm Liên Khoa được nhiều Tạp chí văn học nước ngoài gọi là “sách viết ở Trung Hoa, đón đọc khắp thế giới”.

Vì nhân dân phục vụ!

“Người tình phu nhân sư trưởng” lấy bối cảnh năm 1967, là thời kỳ cao điểm tôn thờ cá nhân Mao Trạch Đông, giai đoạn đầu của cuộc Cách mạng Văn hóa.

Sách viết về cuộc tình vụng trộm giữa anh lính cần vụ Ngô Đại Vượng và cô vợ trẻ Lưu Liên 32 tuổi của ông tư lệnh sư đoàn bị bất lực.

Một cuộc trộm yêu đầy mãnh liệt mà đắm say, suốt 7 ngày 7 đêm không mặc gì, không ra khỏi nhà, đói ăn, mệt ngủ, tỉnh dậy, làm tình. Thế mà tất cả đều có kết thúc trọn vẹn, trọn vẹn đến hoang đường, buộc người gõ những dòng này phải bật ra trong đầu một câu hỏi, phải chăng tất cả chỉ là một âm mưu để tìm kiếm người nối dõi của vợ chồng sư trưởng?

Nguyên tác tiếng Trung có tên “为人民服务” nghĩa là “Vì nhân dân phục vụ”, xuất bản ở Việt Nam với tựa đề “Người tình phu nhân sư trưởng” (dịch giả: Vũ Công Hoan) – có lẽ dễ thu hút độc giả hơn và cũng khái quát nội dung tác phẩm hơn, nhưng không giữ được tính châm biếm sâu cay trong tựa đề gốc.

“Vì nhân dân phục vụ” mang hàm ý phải suy nghĩ và hành động vì lợi ích của nhân dân. Đây là khẩu hiệu do Chủ tịch Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông đưa ra đầu tiên, là một trong những đặc điểm cơ bản đặc trưng và quy phạm của đạo đức chủ nghĩa cộng sản, còn là nghĩa vụ nguyên tắc của nhân viên công tác như là Đảng viên Cộng sản và nhân viên cơ quan Nhà nước tại Trung Quốc. Trong thời kỳ đầu Cách mạng văn hóa, hầu hết người dân Trung Quốc đeo phù hiệu Mao Trạch Đông, riêng Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai đeo phù hiệu “Vì nhân dân phục vụ”. Đây cũng chính là khẩu hiệu chính của quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc khi diễu binh.

Khẩu hiệu “Vì nhân dân phục vụ” xuất hiện xuyên suốt tác phẩm này của Diêm Liên Khoa, qua lý luận cách mạng trong tâm trí và ngôn luận của mỗi người lính, lẫn hiện vật là tấm biển in năm chữ có ở mỗi gia đình. Ban đầu, tấm biển ở trên bàn ăn gia đình sư trưởng, sau đó trở thành vật ký hiệu để hẹn nhau vụng trộm yêu đương.

Đôi tình nhân đó, đứng trong hàng ngũ những con người giác ngộ cách mạng một cách sâu sắc, có sự hiểu biết không tầm thường đối với lý tưởng của Mao Trạch Đông, thuộc nằm lòng tới từng dấu chấm dấu phẩy trong sách Mao ngữ lục, luôn hô hào khẩu hiệu “Vì nhân dân phục vụ”.

Cũng đôi tình nhân đó, đập phá tan tành những thần tượng chính trị được kính cẩn tôn thờ để thể hiện tình yêu mãnh liệt và để đạt được khoái cảm trong những cuộc yêu – mà trong cái quá trình tế nhị đến trần trụi đó, họ vẫn thốt lên “Vì nhân dân phục vụ”.

Một tác phẩm trào phúng không một chút giấu diếm che đậy nào lên những gì gọi là nghĩa vụ nguyên tắc, đặc trưng cơ bản, quy phạm đạo đức của những người cộng sản thời Cách mạng Văn hóa.

Phạm vào cả chính trị lẫn sắc giới!

“Người tình phu nhân sư trưởng” là một câu chuyện nhuốm đầy dục vọng, ở đấy tính dục trở nên trần trụi, không che đậy. Nhưng dù thế nào thì ngoại tình chưa bao giờ là đúng, dẫu đặt trong bối cảnh thời không nào.

Điều đáng chú ý là, đặt tiền đề cho cuộc yêu vụng trộm đó, là phi vụ đổi chác giữa tình dục và quyền thế. Ngô Đại Vượng muốn giành được lợi ích và địa vị xã hội cho bản thân, mới cuối đầu trước quyền lực chính trị của Lưu Liên. Rồi trong cuộc hoang đàng, anh ta mê muội và đánh mất luôn cả chính bản thân mình.

Dẫu có thể giải thích và biện luận bằng hàng trăm lý do từ khách quan đến chủ quan, đã đẩy Ngô Đại Vượng đến với Lưu Liên, nhưng có một sự thật là – dù Vượng hay Liên đều là những con người đã đánh đổi dục tình thể xác để đạt được địa vị.

Diêm Liên Khoa đã thông qua một cuộc ngoại tình để nâng lên phê phán trên bình diện chính trị, lịch sử và hiện thực Trung Quốc.

Quân đội Trung Quốc thời Cách mạng Văn hóa trong tiểu thuyết “Người tình phu nhân sư trưởng” rất chân thực, viết về mảng đen tối cũng trực tiếp vạch trần. Đó các loại tham nhũng trong quân đội, từ chuyện hối lộ gọi đi lính, đến vào đảng, rồi chuyển sang lính tình nguyện và đề bạt cán bộ; từ các vụ lãng phí, phung phí kinh phí, lấy của công làm của riêng; đến những phi vụ đổi chác giữa tình dục và quyền thế…

“Người tình phu nhân sư trưởng” bởi vậy mà rất nghịch tặc, phạm vào cả chính trị lẫn sắc giới.

Diêm Liên Khoa sinh năm 1958, cũng chính vào năm đầu tiên Mao Trạch Đông tiến hành chính sách kinh tế Đại nhảy vọt – sự thất bại của kế hoạch này làm đình trệ sản xuất, kết hợp với những thiên tai đã gây ra nạn đói kéo dài ba năm, xuất hiện cái gọi là “tam niên đại cơ hoang”, dẫn đến ít nhất 30 triệu người chết.

Sinh ra trong nạn đói thời kỳ Đại nhảy vọt, từng phải bới rác ăn đất để sinh tồn. Lớn lên trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, sau này rời thôn xóm nhập ngũ, Diêm Liên Khoa đã từng chứng kiến những bộ mặt và thời khắc đen tối nhất của lịch sử Trung Hoa, ông đã chịu đựng, kiên trì và dũng cảm đi ra từ trong bóng tối để viết về bóng tối của xã hội Trung Quốc hiện nay và cả những thời điểm lịch sử nhạy cảm trước đây.

Trong diễn từ nhận giải thưởng văn học Kafka 2014 của Diêm Liên Khoa có đoạn:

“Tôi trốn trong sự u tối bên rìa ánh sáng. Tôi ở trong sự u tối và đen tối, cảm nhận thế giới, cầm bút viết, đồng thời từ trong sự u tối, đen tối này kiếm tìm ánh sáng, ánh trăng và sự dịu dàng, kiếm tìm tình yêu, cái thiện và những linh hồn sống vĩnh cửu.”

Đó là khởi nguồn của văn chương Diêm Liên Khoa!

Hiểu thêm về tác giả Diêm Liên Khoa.

Diêm Liên Khoa nguyên quán tại thôn Điền Hồ, huyện Tung, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.

Năm 1978, Diêm Liên Khoa đi bộ đội. Năm 1982, được đề bạt sĩ quan. Năm 1985, tốt nghiệp khoa giáo dục chính trị trường Đại học Hà Nam. Năm 1991, tốt nghiệp khoa văn học Học viện nghệ thuật Quân giải phóng.

Năm 1979, Diêm Liên Khoa bắt đầu sáng tác, chỉ mong được “ăn no bụng và trốn thoát khỏi đồng ruộng”. Tới nay, người lính năm xưa đã trở thành nhà văn nổi tiếng thế giới với nhiều tác phẩm được dịch ra hàng chục thứ tiếng.

Là một tác giả có bút lực dồi dào, ông viết nhiều thể loại từ tiểu thuyết, truyện dài, truyện vừa và ngắn, tản văn, tùy bút, tiểu luận, kịch bản, lý luận văn học… Diêm Liên Khoa sở hữu một khối lượng tác phẩm đồ sộ và đa dạng, cũng gặt hái được nhiều giải thưởng có giá trị, phải kể đến Giải Franz Kafka của Cộng hòa Czech (là nhà văn châu Á thứ 2 sau Haruki Murakami, và là người đầu tiên được nhận giải ở ngay lần đề cử đầu tiên).

Tuy nhiên, nội dung văn học mà Diêm Liên Khoa nhắm tới đa phần là hiện thực sắc sảo, phê phán xã hội và lịch sử Trung Quốc hiện đại, phơi bày những góc u tối về đời sống cách mạng và chính trị, mang tính châm biếm cao, nên nhiều tác phẩm nổi tiếng vẫn đang bị cấm tại Trung Quốc. Nhà văn đã viết song song hai phiên bản trong cùng một tác phẩm, để tác phẩm đã tự kiểm duyệt có thể xuất bản trong nước, đồng thời giữ phiên bản gốc xuất bản ở nước ngoài.

Năm 2004, Diêm Liên Khoa xuất ngũ với quân hàm đại tá, chuyển sang làm nhà văn chuyên nghiệp của Hội nhà văn thành phố Bắc Kinh cho đến nay.