Trong dòng văn học hiện thực phê phán giai đoạn từ 1930 tới 1945 nói riêng và văn học Việt Nam thế kỉ XX nói chung, Nguyên Hồng đứng ở một vị trí quan trọng và là một trong những nhà văn xuất sắc thời kì đó.
Nội dung bài viết
Vài nét tiểu sử về tác giả Nguyên Hồng
Ông sinh vào tháng 11 năm 1918 tại Vụ Bản, Nam Định, Nguyên Hồng được cuộc đời đón chào trong một gia đình có người cha làm cai đề lao nhưng nhanh chóng thất nghiệp.
Sống trong hoàn cảnh nghèo túng, người cha nghiện ngập bệnh tật lại không thương yêu mẹ dù bà là người tần tảo, hiền hậu và giàu đức hy sinh nên Nguyên Hồng đã sớm thấu hiểu nỗi đau khổ của mẹ mình.
“Thầy mẹ tôi lấy nhau không phải vì thương yêu nhau.” – Trích Những ngày thơ ấu
Ngay từ khi còn rất nhỏ, ở cái tuổi mà những đứa trẻ con khác đang vô tư tận hưởng tình yêu thương chiều chuộng của cha mẹ thì Nguyên Hồng đã sớm tự nhận thức được mình được sinh ra trong một cuộc hôn nhân gượng gạo, không tình yêu.
Bằng tất cả những gì non dại và vô tư nhất, Nguyên Hồng đã khắc sâu vào kí ức hình ảnh của những năm tháng tuổi thơ mang một sắc màu xám xịt với một gia đình không có sự vui vẻ hòa thuận của người lớn mà chỉ toàn tủi nhục, cay đắng.
Mới mười hai tuổi, ông đã mồ côi cha, mẹ lén lút đi thêm bước nữa và bị gia đình nhà chồng ruồng bỏ, hắt hủi, không được tự do gần gũi, chăm sóc con, Nguyên Hồng phải sống nhờ bà nội cùng cô ruột và chịu sự rẻ rúng, khinh miệt của bà.
Ông lớn lên bằng những lời cay nghiệt, cuộc sống cực khổ vì đói ăn, thiếu mặc, thiếu cả tình thương gia đình. Nguyên Hồng đã từng phải đi đánh đáo để có tiền trang trải cuộc sống, tiếp xúc với đủ mọi hạng trẻ hư hỏng của các tầng lớp thấp kém nhất trong xã hội ở khắp nơi như vườn hoa, bến tàu, cổng chợ.
Học hết bậc tiểu học, Nguyên Hồng đã phải nghỉ giữa chừng để theo mẹ đi kiếm sống, trải qua nhiều vất vả trong hành trình kiếm việc làm nhưng thất bại, ông dừng chân nơi xóm Cấm, Hải Phòng và trở thành giáo viên, ngày ngày dạy học cho con em của người dân lao động nơi đây.
Bằng sự nhạy cảm của mình, ngay từ nhỏ Nguyên Hồng đã cảm nhận và thấu hiểu được sâu sắc nỗi thống khổ của những người lao động nơi phố nghèo và đồng thời được tiếp xúc với tri thức tiến bộ của mặt trận dân chủ nên ông dễ dàng nhìn ra được những ngóc ngách tăm tối của cuộc sống, sự bức bối chèn ép của xã hội đương thời.
Cũng chính ở mảnh đất Hải Phòng này, Nguyên Hồng đã gặp được Thế Lữ, một nhân vật đình đám mở đầu cho phong trào Thơ mới rồi bắt đầu hình thành một khát vọng được theo đuổi sự nghiệp văn chương của chàng trai trẻ.
“Trông bộ dạng Nguyễn Hồng, không ai nghĩ là một nhà văn. Mặt đen sạm, để râu dài, áo cánh màu xanh chàm, bốn túi, mũ lá, dép lốp xỏ cả hai quai hậu, đi xe đạp thiếu nhi Liên Xô, mất cả chắn xích lẫn chẵn bùn, đèo đằng sau một bị cói vừa đựng tài liệu, vừa đựng một chai rượu cuốc lủi, kèm theo mấy thanh giang chẻ lạt.” – Trích Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh viết về Nguyên Hồng
Và cũng từ đó khu ổ chuột nơi xóm đất Hải Phòng đã xuất hiện một nhà văn với những trang viết đầu tiên mang màu sắc giản dị nhưng sâu sắc, thấm thía và rung động lòng người.
Hành trình theo đuổi nghề viết một cách miệt mài
Từ nhỏ, những quyển sách đã có sự thu hút đặc biệt đối với Nguyên Hồng, ông thường dành dụm tiền để đọc và dường như đọc hết những cuốn mình thích ở cửa hàng cho thuê sách tại Nam Định.
Nguyên Hồng thích tìm hiểu về lịch sử Trung Hoa, trong đó những nhân vật có khí phách ngang tàng, trung dũng, những hảo hán chiếm cảm tình của ông nhiều nhất.
Mở đầu sự nghiệp viết văn từ năm 1936 với truyện ngắn Linh Hồn đăng trên Tiểu thuyết thứ 7 đã dần tạo nên tên tuổi của nhà văn Nguyên Hồng.
Đến năm 1937, ông thực sự gây được tiếng vang trên văn đàn với tiểu thuyết Bỉ Vỏ. Đây không chỉ là bức tranh xã hội sinh động về thân phận những con người nhỏ bé dưới đáy như Tám Bính, Năm Sài Gòn mà còn là một câu chuyện gây tiếng vang lớn thật sự đưa Nguyên Hồng đi vào lòng độc giả nói riêng và toàn bộ cộng đồng tri thức nói chung.
Bỉ vỏ dần được xuất hiện trên các mặt báo như một hiện tượng mới lúc bấy giờ và nhanh chóng nhận được giải thưởng từ Tự lực văn đoàn (1937). Cũng từ tác phẩm này, tác giả đã có những lời nhận xét và khẳng định đầu tiên từ nhà văn Thạch Lam:
“Tác giả tả một cách rõ ràng tuy nhanh chóng và có khi hơi vội vã. Văn lúc nào cũng minh bạch, giản dị, một đôi khi thấm thía rung động, có nhiều đoạn đẹp đẽ và sâu sắc. Những cảnh tả chân thực có vẻ sống sượng một cách vừa phải…”
Là tiểu thuyết đầu tay, Bỉ vỏ ít nhiều vẫn tồn tại một cái nhìn lệch lạc và vấp phải những lỗi vụng về nhưng đó là lỗi sai của những người mới chập chững bước vào nghiệp viết, dần dần sẽ biến mất theo thời gian bằng những kinh nghiệm sau nhiều lần từng trải.
Sau tác phẩm này, uy tín và vị trí cũng như danh tiếng của Nguyên Hồng dần được xác lập trong văn đàn Việt Nam và ông đã thật sự trở thành nhà văn.
Trong sự nghiệp theo đuổi viết lách, Nguyên Hồng là một trong số ít những nhà văn ngay từ khi cầm bút đã xác định được con đường của mình là suốt đời đi theo những con người cùng khổ.
Chủ nghĩa nhân đạo thống thiết được thể hiện rõ nét trong cả thơ và văn của ông, với một cảm hứng nhiệt tình, sôi nổi và lao động không biết mệt mỏi khiến Nguyễn Tuân phải nói rằng:
“Nguyên Hồng là kẻ đam mê viết – Một kẻ bị ám ảnh bởi công việc ngoài viết ra không biết gì đến ăn mặc, ăn mặc xuềnh xoàng tới mức người ta tưởng là lập dị.”
Sau này, nhà văn tiếp tục viết về cuộc đời của mình qua nhiều trang hồi ký khác như Bước đường viết văn của tôi, Những nhân vật ấy đã sống với tôi, Một tuổi thơ văn. Cách đây không lâu, những trang nhật ký của nhà văn cũng lần đầu tiên được gia đình công bố.
Những trang nhật ký của ông được viết từ 1941 – 1982 không chỉ cho bạn đọc được biết về cuộc sống của nhà văn mà còn như được thấy cả một giai đoạn lịch sử, đặc biệt là về đời sống văn nghệ của đất nước trong suốt hơn nửa đầu thế kỷ XX. Nhật ký Nguyên Hồng ngay khi vừa ra mắt đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả.
Các tác phẩm để đời và phong cách văn chương đặc sắc
Sinh ra ở Nam Định nhưng lớn lên và sống chủ yếu ở Hải Phòng nên có thể nói từng ngóc ngách nơi thành phố này Nguyên Hồng đều đã thuộc nằm lòng, ông khắc ghi trong trí nhớ từng gương mặt, từng số phận.
Có lẽ cũng chính vì vậy mà hàng loạt tác phẩm ra đời đều thấm đẫm bóng hình của cuộc sống nơi đây và gắn liền với từng nhịp sống trên mảnh đất này.
Rất nhiều truyện ngắn được xuất bản và bộ tiểu thuyết Cửa biển sáng tác từ năm 1961 tới 1976 gồm bốn tập: Sóng gầm, Cơn bão đã đến, Thời kỳ đen tối và Khi đứa con ra đời dài đến hai chục ngàn trang in, ngồn ngộn hơi thở cuộc sống lao động, đấu tranh ở miền đất đầy sóng và gió này.
Bộ tiểu thuyết này không chỉ là tác phẩm đồ sộ, kì công nhất cuộc đời của Nguyên Hồng mà còn là một trong những thiên tiểu thuyết dài nhất trong lịch sử văn học hiện đại Việt Nam.
Với bản tính vốn nhẫn nại và kiên trì, Nguyên Hồng từng bước chinh phục hành trình viết lách bằng bút, bỏ bao nhiêu thời gian và tâm huyết để hoàn thành được Cửa biển, có thể nói đây là một tác phẩm đáng nể của ông.
“Nghề văn là nghề nhọc nhằn, nghiệt ngã sòng phẳng lắm, nó không kể là già hay trẻ, viết lâu năm rồi hay mới viết. Nó cũng không có sự phân biệt “chiếu dưới”, “chiếu trên” mà nó đòi hỏi người viết phải lao động cật lực. Những con chữ anh viết phải được chắt ra từ cảm xúc thực, từ tim, óc, máu thịt anh chứ không thể “giả khượt”. Văn của anh nó là con anh, không thể con của anh lại giống con người khác, như thế là hủ hóa đấy. Văn chương nó không chấp nhận sự hủ hóa, sự giống nhau đâu.”
Bất cứ ai đọc văn của Nguyên Hồng cũng có thể nhận thấy sự chân thực hiện lên rõ ràng và gần gũi hết sức, từng nhịp văn cứ thế thấm vào lòng người. Ông là người thẳng thắn và tôn thờ sự thành thật trong văn chương, vậy nên tác phẩm của ông toát lên một màu sắc đời thường bình dị.
Nguyên Hồng nổi tiếng là người viết được ở nhiều thể loại, truyện ngắn Linh hồn được ông viết năm mười bảy tuổi đã được cô con gái của mình nói thế này:
“Tác phẩm đầu tay của cha tôi đã ra đời như thế đấy!… Một chàng trai mười bảy tuổi, nghèo đói đến lằn ranh của sự sống và cái chết, đã viết như ngày mai sẽ chết, để dâng tặng cho cuộc đời, cho tất cả những kiếp người đói khổ và cùng cực “những rung động cực điểm” của trái tim mình.”
Dồn cả nhiệt huyết và say mê của đời người, Nguyên Hồng sau này cho ra đời các truyện ngắn và truyện vừa trong sự đón nhận hân hoan của độc giả như Bảy Hựu, Hai dòng sữa, Miếng bánh, Giọt máu, Đêm giải phóng, Giữ thóc.
Giai đoạn 1936 tới 1939, ông tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ ở Hải Phòng. Cũng trong khoảng thời gian này, Nguyên Hồng viết Những ngày thơ ấu, tập hồi ký viết về tuổi thơ cay đắng khắc nghiệt của chính mình và được đăng trên báo năm 1938, xuất bản thành sách vào năm 1940.
Tháng 9 năm 1939, Nguyên Hồng bị mật thám bắt và bị đưa đi trại tập trung ở Bắc Mê (Hà Giang) không lâu sau đó. Bốn năm sau, Nguyên Hồng tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc bí mật cùng với Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng.
Nguyên Hồng là một trong những hội viên sáng lập Hội nhà văn Việt Nam năm 1953. Cuốn tiểu thuyết cuối cùng của ông là Núi rừng Yên Thế được viết năm 1980, cuốn này đang viết dở thì sức khỏe ông yếu đi và qua đời trước khi nó hoàn thành tại Tân Yên (Bắc Giang).
Nguyên Hồng và những chuyện chưa kể
Nhà văn Nguyên Hồng là người có thói quen ghi nhật ký, trong những cuốn sổ tay của ông để lại mà gia đình có được, những trang nhật ký được bắt đầu từ năm 1941 và kéo dài đến cuối năm 1981.
Qua những trang nhật ký của nhà văn, ta thấy hiển hiện cả một thời đại sống động và chân thực, trong đó nền văn học nước nhà trong suốt nửa đầu thế kỷ XX là rõ ràng hơn cả.
Nguyên Hồng dẫn dắt người đọc bước qua phần nào cuộc đời của những nhà văn thế hệ ấy, biết được họ đã từng sống và viết như thế nào.
“Nhật ký như là một phần cuộc sống của cha tôi. Ông viết hầu như là hàng ngày. Hay đúng hơn là hầu như mỗi sự kiện trong đời đều được ông ghi lại. Về gia đình, về các con, về người vợ thông minh nhưng gầy yếu, về người mẹ hiền từ, về bạn bè văn chương, về công việc viết lách cũng như công tác đoàn thể, về những sự kiện lớn trong nước và quốc tế, về những nhân vật mà ông bỏ nhiều công sức tìm hiểu cũng như những con người mà ông gặp hàng ngày, về những ước mơ hay dự định.”
Năm 24 tuổi, nhà văn thành hôn với bà Vũ Thị Mùi, một người phụ nữ thông minh và lãng mạn. Bà biết tiếng Pháp, thích ngâm thơ nên dễ tìm thấy sự đồng điệu ở Nguyên Hồng, hai ông bà thường cùng nhau đọc thơ vào những lúc nhàn rỗi.
“Họ nên duyên từ một lần, bố thuê người ta đan cho một chiếc áo len. Tuy nhiên, người này bận nên giới thiệu cho mẹ tôi đan. Mẹ tôi từ trước đã rất ngưỡng mộ tác giả của tiểu thuyết Bỉ vỏ nên nhận lời ngay.”
Khác với các văn nghệ sĩ dành phần nhiều thời gian sáng tác, việc cơm áo gạo tiền để vợ lo toan thì Nguyên Hồng lại đỡ đần vợ rất nhiều trong cuộc sống.
”Mẹ tôi sức khỏe yếu và bận chăm nom bảy người con, công việc nhà như đi chợ, giặt quần áo, cơm nước… bố tôi thường không nề hà mà hay đỡ đần mẹ. Tôi nhớ có những ngày mẹ mệt, bố tôi rời trang bản thảo, liền bê ngay chậu quần áo lớn xuống suối giặt. Biết mẹ thích uống chè, nhà được ai biếu lạng nào, ông đều để phần và nhường cho bà dùng.”
Với đam mê đọc sách từ nhỏ nên dù gia đình luôn túng thiếu nhưng trong nhà ông vẫn luôn có hai tủ sách, trong đó chủ yếu gồm sách kinh điển được dịch bằng tiếng Việt dành cho các con và sách tiếng Pháp cho ông.
“Mỗi lần xuống Hà Nội giao bản thảo hay lấy tiền nhuận sách, ông đều mua sách về cho các con đọc.” – Lời của chị Nhã Nam, con gái Nguyên Hồng kể lại
Các con ông vẫn nhớ như in hình ảnh người cha khắc khổ đạp xe từ Cầu Đen, Bắc Giang xuống Hà Nội, phía sau là chiếc cặp to đựng bản thảo và ít đồ ăn đạm bạc nhưng khi về trong hành lý của ông ngoài các tài liệu và các nhu yếu phẩm của gia đình bao giờ cũng có vài cuốn sách cho các con.
Đối với Nguyên Hồng, mỗi cuốn sách đều đáng quí, đáng trân trọng, ông nâng niu, gìn giữ vô cùng và yêu cầu các con khi cầm sách đọc cũng phải cẩn thận không được bẻ sách, đọc xong phải xếp ngay ngắn để khi cần có thể thấy ngay.
Nguyên Hồng là người rất coi trọng bạn bè, khi ông cùng gia đình chuyển từ Hà Nội về Bắc Giang sinh sống năm 1959, các bạn văn nghệ sĩ hay lên chơi. Các nhà văn Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Kim Lân, Nguyễn Huy Tưởng thường viết thư hẹn gặp nhau.
Với nhà văn Nguyễn Tuân, dù tính cách rất trái ngược như Nguyễn Tuân đã nói với Nguyên Hồng từ khi hai người mới quen nhau thời trẻ:
”Tôi là một người thích phá đình, phá chùa, mà anh thì đúng là một người ưa chuyện tô tượng đúc chuông…”
Ấy vậy nhưng họ lại rất yêu quí và nể trọng nhau.
Nguyên Hồng về Hà Nội bao giờ cũng phải gặp Nguyễn Tuân, đôi khi chỉ là để uống với nhau cốc bia, nói vài câu chuyện, tin tức.
Ngày Nguyên Hồng mất, nhà văn Nguyễn Tuân rất đau lòng, Nguyễn Tuân lên Bắc Giang khi đám tang đã xong được một ngày. Trước nấm mồ người bạn, ông đã đau xót tưới lên đó những chén rượu quê.
Ông đã lao động nghệ thuật say mê, hết mình và bền bỉ như một người thợ cho đến giây phút cuối của cuộc đời.
“Trước khi ngồi vào bàn viết văn, ông chuẩn bị rất cẩn thận: trải chiếu ra nền nhà, cái bàn viết bằng gỗ nhỏ được sắp xếp gọn với giấy viết, bút, nghiên mực… Tất cả chúng tôi đều hiểu, khi ông đã ngồi vào bàn viết là không được gây tiếng động, không được làm bất cứ việc gì phiền đến ông.”
Năm 1982, sau chuyến công tác tại Quảng Ninh, Nguyên Hồng trở về nhà ở Bắc Giang. Mấy hôm trời mưa, tường bếp bị mưa xói lở nên ông xuống suối lấy đất trộn với rơm để trát lại bếp. Đi công tác về mệt và làm việc quá độ khiến ông trở bệnh, được vợ dìu vào nhà, ông nằm mê man và không tỉnh lại.
Con trai ông sau này có kể lại, lúc Nguyên Hồng mất các con không ai ở cạnh, ông đi rất nhanh. Bà Mùi chỉ nghe ông mấp máy môi mấy từ bằng hơi thở rất yếu: “Tiếc quá”, “Hội nhà văn, “Bác sĩ”.
Ông muốn vợ gọi cho bác sĩ, gọi cho Hội nhà văn báo tin và điều ông nuối tiếc là gì? Có lẽ là tác phẩm mà ông chưa hoàn thành?
Ông đang viết về người anh hùng Hoàng Hoa Thám, bộ tiểu thuyết được ông dành rất nhiều tâm huyết và chuẩn bị tư liệu rất kỹ càng trong suốt mấy chục năm. Tập 1 đã xuất bản năm 1981, tập 2 đang còn dang dở trong sự tiếc nuối vô cùng của ông.
Đó là một ngày đầu hè năm 1982, sự nghiệp của nhà văn ấy mãi mãi dừng lại ở trang 183 tập 2, trong bộ tiểu thuyết Núi rừng Yên Thế.
Ông đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996. Nguyên Hồng sẽ mãi sống trong lòng nhiều thế hệ độc giả bằng Bỉ vỏ đầy ám ảnh, Những ngày thơ ấu cùng nhiều cảm xúc dâng trào và rất nhiều tác phẩm khác mang một chất rất riêng, rất lạ lùng không lẫn vào đâu được.
Thùy Lam