TRẦN ĐĂNG KHOA: Trao Giải Hội Nhà Văn cũng không phải là phong thánh. Và cũng không nên quan trọng hóa những tác phẩm được trao giải. Sở dĩ, ông có cảm giác văn Nguyễn Huy Thiệp có sức ám ảnh, vì ngoài phép nói ngược, văn ông ta rất gần với thơ. Nghĩa là nó có sức gợi, sức dư ba. Nói như các cụ thì “ý tại ngôn ngoại”. Mặc dù xét về ngôn ngữ, chữ của ông Thiệp kình địch với thơ nhất, vì nó bỗ bã và xuồng xã. Nguyễn Huy Thiệp không thi vị hoá đời sống. Ông cũng không qua bất cứ một khâu trung gian nào mà cứ gọi thẳng sự vật ra bằng tên thật của nó. Ví như cứt thì cứ gọi là cứt, chứ không gọi là đồ phế thải hay chút hương thừa. Lối viết bốc mùi vỉa hè cống rãnh của đời sống bụi bặm này, thoạt đầu làm cho không ít người choáng, nhất là những ai quen với lối văn thanh lọc kiểu cổ điển. Nhưng rồi quen dần lại thấy mê. Mê vì nó thật. Câu chữ bỗ bã, nhưng ý tưởng lại thâm hậu. Bởi thế, tôi mới bảo văn ông ta gần với thơ. Và gần ở phía bản chất. Nguyễn Huy Thiệp không bao giờ nói hết, nói đến trơ gốc trơ rễ, mà chỉ thoáng vài nét chấm phá, đủ để tạo sức gợi. Nét chắt lọc này nằm ngay trong toàn truyện cho đến từng câu văn. Ví như truyện Con gái thuỷ thần viết cách đây đã hơn hai chục năm. Phải nói, ông ta tạo không khí rất giỏi. Một không khí huyền thoại. Vừa thực lại vừa ảo. Không tạo được cái không khí ma quái này thì truyện giả ngay. Và như thế là hỏng hoàn toàn. Cả một vùng quê sống chết cho một huyền thoại. Huyền thoại có cái tên rất ghê rợn là Mẹ Cả. Rút cục, Mẹ Cả chỉ là khúc gỗ mục, chôn ở trước cửa đền, do một lão già bệnh hoạn, quái thai nghĩ ra. Cái kết thật bất ngờ. Đọc hãi quá. Sau đó, ông Thiệp lại kéo cái truyện ra thành lê thê. Các phần sau lại kể chuyện đi tìm Mẹ Cả với những tình tiết có vẻ như là hiện thực thì lại hỏng rồi. Truyện đã hết mà Nguyễn Huy Thiệp cứ bôi phết ra. Tất nhiên, nhờ tài văn, ông viết vẫn hấp dẫn, nhưng gấp lại, chẳng thấy gì, cũng chẳng còn gì.

Nhung tuyết đã bay hết. Đọc thấy trơ thổ địa những ý tứ sống sít và lổn nhổn. Cái phần hỏng này, lại có sức lây nhiễm, làm nham nhở cả cái phần đã hoàn thiện ở trên kia. Thực tâm, tôi rất lấy làm tiếc cho Nguyễn Huy Thiệp. Người Việt ta, nhìn chung không có sức dẻo dai, ông ạ. Ví như bóng đá là dễ thấy nhất. Nếu gồng mình lên để thắng thì thắng ngay từ keo đầu. Đã đá đến hiệp phụ thì nhất định thất bại. Văn chương cũng thế. Tiểu thuyết Sóng gầm của Nguyên Hồng tập I khá hay, đến các tập sau thì không còn đọc được nữa. Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi cũng vậy. Tập II toàn chạy theo minh hoạ các sự kiện lịch sử, và minh hoạ một cách quấy quá, sống sít. Dù có quí ông cụ tài hoa này đến đâu, tôi vẫn phải đau đớn mà nói thẳng ra như vậy. Nói thế cũng là để chia xẻ nỗi vất vả trong nghiệp sáng tạo của ông cụ thôi. Nguyễn Trọng Oánh cũng có một cuốn sách rất hay. Đó là tiểu thuyết Đất trắng. Nếu chỉ dừng lại ở tập I thì cuốn sách cũng đã hoàn thiện rồi. Trong tiểu thuyết này, có một nhân vật tôi rất thích. Đó là Thượng tá Tám Hàn. Ông ta là Chính uỷ, một cán bộ cao cấp, linh hồn của cả mặt trận. Một con người rất tốt, rất tận tụy. Nhưng rồi cuộc chiến khốc liệt quá, không thể chịu đựng nổi, ông ta đã chiêu hồi. Khi đầu hàng địch, nhảy sang hàng ngũ địch, ông ta cứ day dứt ân hận, không phải ân hận vì sự chiêu hồi, mà ân hận vì khi ra đi, ông đã quên, không nhắn anh em di chuyển địa điểm đóng quân, vì khi đầu hàng rồi, tất nhiên ông ta sẽ khai và địch sẽ ném bom tàn sát khu rừng mà anh em đang trú ngụ. Lần đầu tiên trong văn học Việt Nam, Nguyễn Trọng Oánh nhìn nhân vật phản diện với con mắt không hề đơn giản. Cuộc chiến tranh hiện lên thật khốc liệt. Người tốt kẻ xấu đã phô bày một cách khá trọn vẹn. Nói như một thi sĩ: “Những gì đã cháy thì thành tro rồi – Những gì còn lại thì thành thép tôi”. Và như thế cuốn sách đã xong rồi. Nguyễn Trọng Oánh mới chính là nhà văn đầu tiên của công cuộc đổi mới. Ông còn xuất hiện trước khi có công cuộc đổi mới. Đó là năm 1981.

Đương thời, cuốn sách này từng bị không ít bạn đọc phê phán rất gay gắt, đặc biệt là ở chính nơi cuốn sách đề cập, phản ánh. Nhưng nó mới chính là tia chớp đầu tiên của cơn mưa đổi mới. Nó báo hiệu sự xuất hiện của một dòng văn học mới, với sự hiện diện của Nguyễn Minh Châu với hàng loạt truyện ngắn, Lê Lựu với “Thời xa vắng”, Nguyễn Khắc Trường với “Mảnh đất lắm người nhiều ma”, Nguyễn Trí Huân với “Chim én bay”, Dương Hướng với “Bến không chồng”, Bảo Ninh với “Thân phận tình yêu”. Nhưng phải đến mãi sau này, khi xuất hiện Nguyễn Huy Thiệp thì mới thành một cú sốc, khiến người ta nhận ra đầy đủ diện mạo, tầm vóc của dòng Văn học mới, mà Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến gọi là “Dòng văn học Bước qua lời nguyền”. Tôi chỉ tiếc, sau đó Nguyễn Trọng Oánh lại ra tiếp tập II, khiến Đất trắng đã hoàn thiện lại trở thành một cuốn sách nham nhở và nhạt nhoà, khiến người ta không còn nhận ra gương mặt ông nữa. Và rồi người ta cũng quên luôn vai trò mở đường tiên phong của ông. Quả các nhà văn của ta không có khả năng chạy Ma ra tông, vì sức dẻo dai rất kém. Sự trồi sụt này không chỉ ở những bộ sách trường thiên, mà còn nằm ngay trong một cuốn tiểu thuyết. Đến cả lão tướng Tô Hoài, thường phần đầu các tiểu thuyết, ông cụ viết rất kỹ và hay, sau cũng đuối dần. Tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường cũng vậy. Nguyễn Huy Thiệp đâu phải ngoại lệ. Vì thế, tôi không tin tiểu thuyết Tuổi 20 yêu dấu của ông Thiệp lại có thể hay. Không có đâu. Tôi nói vậy, không phải là võ đoán. Tôi đã đọc ở trên mạng rồi. Và cuốn sách này cũng đã trích in trên Tạp chí Hợp Lưu. Và như thế thì chúng ta đã có cơ sở mang ra bàn được. Nó chẳng ra làm sao cả. Ông Thiệp thì bảo: “Cuốn sách ấy nếu ra được sẽ là một cú sốc cho văn học đương đại Việt Nam”. Tôi cũng tin như thế, nhưng nếu có cú sốc là sốc ở chỗ này: Những người từng hâm mộ ông Thiệp, trong đó có cả tôi và ông sẽ bị choáng, vì không ngờ một bút lực cỡ như Nguyễn Huy Thiệp, lại viết kém đến mức như thế. Với cuốn sách ấy, ông Thiệp đã tự đẩy mình xuống đội ngũ những cây bút nghiệp dư. Có lẽ cái tạng chung của người Việt là không trường lực. Sức lực của ông Thiệp cũng chỉ vừa đủ cho những truyện ngắn. Con gái Thuỷ thần, nếu dừng lại ở phần một thì cái truyện thật đặc sắc. Truyện khép ở con chữ, nhưng ý tưởng lại mở về phía bạn đọc, mở vào cõi vô biên. Tôi nói văn ông Thiệp có sức gợi là vì thế. Ngay trong từng câu văn, ông ta viết cũng rất kiệm lời. Ông chỉ chém vài nhát chữ là ra ngay dung mạo, cốt cách nhân vật. Những đoạn tả cảnh cũng vậy. Ông không miêu tả chi li, chỉ phẩy đôi nét cốt để gợi. Rồi người đọc tự nghĩ tiếp, tự tưởng tượng sáng tạo tiếp. Cái này phải nói là ông Thiệp tài lắm. Còn truyện Thương nhớ đồng quê mà ông khen thì tôi lại thấy vừa thôi. Cùng đề tài này, Những bài học nông thôn khá hơn, tuy không toàn bích, vì trong đó có đoạn Nguyễn Huy Thiệp để anh giáo Triệu phán về chính trị, xã hội, nhân dân với một thằng bé con mới nứt mắt thì gượng gạo lắm. Vả lại, cái ngôn ngữ du thủ du thực ấy, không phải là ngôn ngữ của một anh giáo, nhất là anh giáo quê, lại sống ở thôn quê. Ngay cái đoạn văn bàn về đàn bà, vợ con cũng vậy. Ta hãy nghe anh giáo luận bàn: “Chú có biết hoa này không?…Hoa này lạ lắm, trông y như cái miệng cười, vớ vẩn có chú muỗi nào rơi vào là nó khép ngay cánh lại. Nó có cái lạ là cứ để yên thì chẳng làm sao, nhưng hễ đụng đến là thơm lựng lên. Người ta đặt tên là hoa cỏ đĩ. Y hệt đàn bà, để yên thì hạnh kiểm phi thường, đụng vào tan nát như chơi, đầu tiên nát tiền, đến nát tâm hồn, rồi tan gia đình, tan cơ nghiệp”. Tôi cười: “Anh có vợ chưa?” Anh Triệu bảo: “Chưa. Vợ người thì đẹp. Vợ mình lại tử tế. Khốn thế”. Phải công nhận, đoạn văn này, Nguyễn Huy Thiệp tỏ ra rất lọc lõi.

Nhưng đó là ngôn ngữ của một gã trác táng, rất am tường đàn bà và cũng rất chán vợ, nhưng lại không có khả năng bỏ vợ vì trong gã vẫn còn có một chút lương tâm. Đây không phải là ngôn ngữ của một anh giáo quê chưa vợ. Nếu anh Triệu từng có vợ ở trên thành phố, và vì chán vợ nên anh ta bỏ thành phố, về dạy học ở làng quê, rồi anh gặp chị Hiên, một người đàn bà đẹp và hiền thục ở cái làng quê lam lũ này, rồi anh trút bầu tâm sự với một cậu bé con như thế thì đã đi một nhẽ. Nhưng câu chuyện lại không phải như vậy. Nguyễn Huy Thiệp luôn bắt nhân vật làm một con rối, làm một cái loa phát ngôn cho những câu thánh phán rất dớ dẩn của mình. Lời thánh mà đặt vào mồm trẻ trâu thì không còn thiêng nữa. Đấy là điều tôi rất lấy làm tiếc cho ông Thiệp. Trong truyện Thương nhớ đồng quê mà ông khen, cũng có nhiều đoạn ông Thiệp viết rất giỏi. Nó như một cái tiểu thuyết dài dồn nén lại. Nhưng vì quá dồn nén nên nhiều chỗ ôm đồm, chỉ lổn nhổn những sự việc. Có chỗ sơ sài như phác hoạ kịch bản phim tài liệu truyền hình. Này, hãy xem ông viết về đám ma hai cô bé chết trẻ: “Chiều hôm ấy phải làm đám ma cho hai em tôi. Cũng như mọi đám ma ở làng, ở đấy có rất nhiều nước mắt, nhiều lời than vãn”. Tất nhiên, mục đích của ông Thiệp trong truyện này không phải tả đám ma, vì thế, ông chỉ lướt qua để nói những chuyện khác. Nhưng văn lướt cũng có những quy củ phép tắc của nó. Không phải chỉ nói vuốt cho xong. Văn chương mà viết như thế là rất cẩu thả, bố Thọ ạ.

Đấy, chính vì thế, mà những câu văn có sức lay động, một số người kính phục coi như thánh phán, thực chất cũng chẳng phải thần thánh gì đâu. Đó là những lời kiêu bạc của một gã chán đời. Cuộc đời vốn có nhiều cái đáng chán, nên gặp những câu nói ấy, người ta dễ dàng đón nhận, và thấy có gì tiên tri như những lời sấm ký. Thực ra, nó chỉ là giọng điệu của một lão già đã biết hết sự đời và chán hết mọi sự đời. Còn những lời phán thật của ông Thiệp thì lại liều mạng, lỗ mỗ. Ông nói lung tung cho vui thôi. Ví như những bài viết khen Đồng Đức Bốn. Tôi công nhận Đồng Đức Bốn là cây bút có tài. Nhưng thơ anh óng ánh như những phoi bạc chống ra đa. Ông từng là lính ông biết đấy. Những sợi nhiễu ấy mà tung ra thì khiếp lắm. Cứ mù trời, mù đất. Lộng lẫy, kỳ vĩ lắm. Những người yếu bóng vía rất dễ choáng ngợp. Nhưng gom lại, bóp lại thì không đầy một chét tay. Đồng Đức Bốn chỉ giỏi mài rũa mấy con chữ. Vì thế, tôi gọi anh là ông thợ kim hoàn bậc 9/7. Nói thế cũng là đề cao tài nghệ của anh ấy lắm.

Nhưng thơ anh long lanh một thứ vàng mạ. Chỉ óng ánh trang kim, nhưng nhẹ tếch chẳng có gì. Gạt cái vỏ mạ vàng ra, bên trong chỉ lễnh loãng một chút sương khói. Thế mà ông Thiệp bảo Nguyễn Du trao y bát thơ lục bát cho Tản Đà, Tản Đà trao cho Nguyễn Bính, và đến lượt mình, Nguyễn Bính trao cho Đồng Đức Bốn thì rất buồn cười. Mặc dù ông Thiệp chỉ khuôn trong thể thơ lục bát, nhưng ngay cả trong thể thơ lục bát, Nguyễn Du, Tản Đà, Nguyễn Bính, tuy ở các cấp độ rất khác nhau, dù Tản Đà có chỗ tưởng như rất phóng khoáng, nhưng cũng đều là thứ thơ chiêm nghiệm, nặng trĩu nỗi đời, sự đời. Thơ ông Bốn chỉ là thơ lãng du của một gã tài tử, nên không thể so sánh, ví von thế được. Ông Thiệp lại còn chia thơ ra thành mấy loại, loại thơ Thần, thơ Thánh, thơ Khởi nghĩa, thơ Trí năng và Ngộ năng. Rồi cao hơn thơ, vượt lên trên thơ là Triết học thì đúng là say rượu rồi. Cao hơn thơ phải là thơ Thần, thơ Thánh, chứ sao lại là Triết học? Triết và thơ là hai thể loại khác nhau, hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau. Trong thơ có thể có Triết, nhưng Triết học không thể lại là thơ ca được. Cũng như đàn ông là đàn ông. Đàn bà là đàn bà. Người đàn ông đẹp nhất cũng không thể lại là người đàn bà đẹp được. Đấy là lời phán của một lão say khướt chứ không phải của người tỉnh táo, càng không phải của thánh thần.

Ông phê phán Nguyễn Hoàng Đức bởi những nhận định có phần cực đoan của anh ấy về Nguyễn Huy Thiệp. Tôi cũng không hoàn toàn đồng ý với Nguyễn Hoàng Đức. Nhưng có một nhận xét của Nguyễn Hoàng Đức mà tôi nghĩ chúng ta cũng nên suy ngẫm. Đó là Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn của những mệnh đề đơn giản. Văn Nguyễn Huy Thiệp hầu hết đều là những câu đơn giản. Đại loại:” Chị Ngữ là chị dâu tôi, lấy anh Kỳ. Anh Kỳ đang làm công nhân trên mỏ thiếc Tĩnh Túc Cao Bằng. Chị Ngữ là con ông giáo Quý. Ông giáo Quý có nhiều sách. Mọi người bảo ông là “Đồ gàn”, lại bảo ông là “lão dê già”, “Quý dê”. Ông giáo Quý có hai vợ, vợ cả sinh ra chị Ngữ, chị dâu tôi. Vợ Hai là thím Nhung, vừa là thợ may, vừa bán quán, sinh ra thằng Văn bạn tôi. Thím Nhung trước kia là gái giang hồ ở Hải Phòng ông giáo Quý lấy về làm vợ nên uy tín chẳng còn gì”. Cũng theo Nguyễn Hoàng Đức, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đầy rẫy các tai nạn chết ngẫu nhiên. “Chảy đi sông ơi”: Thắm chết. “Tướng về hưu”: cha mẹ đều chết. “Cún”: cha chết. “Không có vua”: lão Kiên chết. “Đời thế mà vui”, ông Khách ngoẻo. “Tội ác và trừng phạt”: vài người chết. “Những bài học nông thôn”: anh Triệu ngẫu nhiên bị trâu húc chết. “Thương nhớ đồng quê”: “Cái Minh em tôi và cái Mi con dì Lưu đèo nhau đi học về, qua ngã ba thì thì bị ô tô chở cột điện cán chết”. Cả hai cái chết đó chỉ phục vụ cho tác giả đọc một bài thơ đám ma. Bi kịch là gì? Là tác giả phải tạo lên cả một quá trình để nhân vật dù không phải bằng xương bằng thịt cũng phải “được chết” trong nguyên lý, không thể có cái chết vu vơ tuỳ tiện giành cho nhân vật. Vậy Nguyễn Huy Thiệp bắt nhân vật phải chết ngẫu nhiên để làm gì? Vì theo tâm lý làng xã, mọi người xem chèo, xem cải lương về thường bảo nhau: “Vở kịch hay quá. Tôi khóc từ đầu đến cuối”. Thêm nữa, cái chết bao giờ cũng ru người ta vào sự vừa thương tiếc, vừa hệ trọng. Thế là truyện của Nguyễn Huy Thiệp được đưa vào khung cảnh lâm li. Điều này là không thể chối cãi được, vì tác giả của bi kịch phải là tác giả của tư tưởng, mà Nguyễn Huy Thiệp với trình độ chưa có nổi tư tưởng, thì buộc phải tạo ra những cái chết ngẫu nhiên. Trông giống bi kịch mà không phải. Riêng điểm này cũng đủ nói lên trình độ bút pháp của Nguyễn Huy Thiệp hết sức ấu trĩ và tuỳ tiện. Những nhận định như thế của Nguyễn Hoàng Đức phải nói là nghiệt ngã và khinh bạc, nhưng không phải là không có lý.

Tôi cũng đồng ý với ông là chúng ta rất tiếc khi Nguyễn Huy Thiệp chưa được trao giải thưởng Hội Nhà văn, nhất là trong giai đoạn sáng tác ban đầu. Hội Nhà văn quả là đã “nợ” Nguyễn Huy Thiệp một cái Giải thưởng Văn học. Món “nợ” ấy, bây giờ không còn có cơ hội “trả” nữa. Vì thực chất, mười năm nay, ông Thiệp viết rất sút. Hình như lực đã cạn và hơi cũng kiệt rồi. Trên bầu trời văn đàn chúng ta, vẫn còn nguyên vệt sáng Nguyễn Huy Thiệp, nhưng thực chất, đó là ánh hào quang phất lại của một ngôi sao đã tắt. Nhưng cũng đừng trách Nguyễn Huy Thiệp. Dù Nguyễn Huy Thiệp không viết nữa thì ông ấy cũng vẫn là Nguyễn Huy Thiệp. Những gì ông ấy có, cũng đủ thành một sự nghiệp rất đáng được trân trọng. Không ít nhà văn có lượng sách đồ sộ, thực chất không bằng ông. Có thể gọi Nguyễn Huy Thiệp là tài năng, hay một thiên tài cũng được. Nhưng đó là thiên tài thời loạn. Đất nước thì yên, nhưng tâm thức thì loạn. Nguyễn Huy Thiệp là sự thăng hoa của một thời đại không binh ổn. Đây là điểm mạnh của Nguyễn Huy Thiệp, đồng thời cũng là nhược điểm không thể cứu vãn nổi của ông ấy. Nguyễn Huy Thiệp là nỗi may mắn hiếm có và đồng thời cũng là niềm bất hạnh của cả nền văn học chúng ta. Lùi sâu về thời gian, khi trời êm bể lặng rồi, tôi tin người ta lại tìm đến Nam Cao thôi. Nam Cao mới là người của muôn đời. Cố nhiên, Nguyễn Huy Thiệp cũng không phải là con người của một buổi…

NGUYỄN VĂN THỌ: Như vậy, chúng ta hóa ra đều đọc Nguyễn Huy Thiệp rất cẩn thận và cùng yêu mến, lại sòng phẳng với ông ấy. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có mặt thành công lớn và cũng có mặt ông ấy tự huỷ hoại mình. Theo tôi, Nguyễn Huy Thiệp không chỉ pha chế Thương nhớ đồng quê để làm hỏng món ăn khó nấu. Trong Thương nhớ đồng quê, tôi nghĩ thực vất vả, Nguyễn Huy Thiệp mới nhặt nhạnh được nhiều chi tiết, dồn vào một truyện ngắn, để ông gọi nó là Tiểu thuyết dồn nén. Đây là một truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp viết, công bố sau giai đoạn rực rỡ nhất của ông ta với chùm chín – không, mười cho tròn đi – truyện ngắn mà tôi và ông đã dẫn, ấy là kể cả Những bài học nông thôn. Tôi đưa thêm “Không có vua”. Truyện này khá hơn ông ạ. Nếu nói ở dạng cấu trúc tương tự này thì “Không có vua“ mới đạt tới thang nấc kiêu hãnh của thử nghiệm nghê thuật cắt dán. Đặc biệt là việc tạo dựng nhân vật. Trong “Không có vua“, ông Thiệp đã vót, đẽo, tạc nên cái ác làm thần thái, chứa đựng ngay trong ngôn ngữ nhân vật. Nếu ví nhà văn với nghề tạc tượng, điêu khắc, thì Thiệp đã tạo được Ông ác sinh động nhất đứng ngụ ở cửa ngôi chùa trần thế. Con mắt nghệ thuật của Thiệp rất lạ. Ngay ở ngoài đời, trong khu vườn nhà mình, Thiệp cũng dựng bức tượng phật to ngật ngưỡng. Bức tượng hơi bị mất cân đối về giải phẫu học, trên tà áo lại nhằng nhịt trăm ngàn vệt gờ như những sợi dây trói. Trông quái đản lắm Khoa ạ. Ông khen câu văn Nguyễn Huy Thiệp có sức dư ba, ngay cả đoạn tả cảnh. Tả chấm phá cốt gợi. Điều này thì tôi không đồng ý với ông. Ông cho rằng, ngay cả việc tả cảnh, Nguyễn Huy Thiệp cũng tiết chế, không tả hết. Đấy là vì ông Thiệp không muốn tả cảnh. Vì ông ấy tả rất kém. Trong Chảy đi sông ơi, đoạn ông Thiệp dẫn chuyện, tả sông nước thì hay. Nhưng đoạn đầu của truyện ngắn Truyện tình kể trong đêm mưa thì ông ấy lại tả rất vụng, mà viết cũng vụng, bỏ qua những đặc điểm lướt nhanh, đi thẳng vào các tình huống khi dẫn chuyện, vốn là thế mạnh tạo nên phong cách Nguyễn Huy Thiệp, ông Thiệp viết cà kê thế này: “Hồi ở Tây Bắc, tôi có quen một người Thái tên là Bạc Kỳ Sinh. Tôi quen Bạc Kỳ Sinh, trong dịp tình cờ. Sự việc như sau..“ Rõ ràng, đoạn mở này chỉ thông tin kể việc thôi. Thế mà cứ lề mề. Có thể co lại mà vẫn đầy đủ: “Hồi ở Tây bắc, trong một dịp tình cờ, tôi có quen một người Thái tên là Bạc Kỹ Sinh. Sự việc như sau…“ Nguyễn Huy Thiệp, sau Chảy đi sông ơi…thường tránh tả cảnh. Bởi đó không phải là sở trường của ông ấy. Tả cảnh cũng phải như họa sỹ, chỉ phảy vài nét chấm phá mà toát ra thần thái của cảnh và vật, như đàn tôm, bầy ngựa của Tề Bạch Thạch và Từ Bi Hồng. Rất nhiều nhà văn khác cũng có khả năng như thế. Nhưng đó không phải tạng của Nguyễn Huy Thiệp.

Đối với truyện ngắn, kĩ năng ráp mối, dựng truyện, cắt dán là vô hạn quan trọng. Nhưng ngay trong vấn đề cốt lõi này, đôi lúc ông Thiệp cũng tỏ ra lúng túng như một kẻ non tay nghề. Đấy là điều thật đáng tiếc. Tôi không nương nhẹ như ông, là ông Thiệp đã: cẩu thả mà mắc lỗi ấy. Ông Thiệp chưa khi nào cẩu thả cả. Ông ta tính toán, đo đếm rất thận trọng, rất chú ý tiểu xảo, kể cả khi hạ bút: Tôi kể chuyện này đến đây là hết cũng đều có dụng công. Nhưng cả khi dụng công cũng vẫn có thể thất bại, để tôi thì tiếc và ông có cái mà bàn với tôi hôm nay. Nếu thật sự cao tay thì Thương nhớ đồng quê đã thành công, Nguyễn Huy Thiệp sẽ bổ sung cách nhìn về sự đa dạng của truyện ngắn. Trong cấu trúc, dựng truyện phải hợp lý, lại luôn năng động, biến hoá. Có lẽ cái lỗi mà ông nói: “Văn chương viết như thế là cẩu thả ’’ xuất phát từ việc đẩy nhanh tốc độ, bị câu thúc trong việc dồn nén câu chuyện còn bấy của Nguyễn Huy Thiệp trong hình thức thể hiện này. Ông Khoa ạ, nhìn vào dòng chảy văn chương của Nguyễn Huy Thiệp, mới thấy làm thằng nhà văn thực khó. Nguyễn Huy Thiệp sinh ra phùng thời, thỏa chí tang bồng hơn một số nhà văn lớp trước với nhiều chiêu khác lạ. Ông có công thay đổi cả cách nghĩ và cách đọc một thời, ấy là tôi tóm tắt ý kiến của ông, còn sau này Nguyễn Huy Thiệp tự bôi màu lên bức tượng của mình. Tượng thánh vẽ xanh đỏ vừa độ thôi, đằng này cứ bôi mãi mầu vào thành ra thánh tuồng trên sân khấu. Ông Nguyên Ngọc – nguyên là Tổng biên tập báo Văn Nghệ, người có công đầu trong việc mạnh dạn giới thiệu cho bạn đọc một lọat truyện ngắn thời Nguyễn Huy Thiệp bắt đầu có thương hiệu, nhận xét có ý: Bấy lâu nay Nguyễn Huy Thiệp đã lặp lại mình. Lại bàn thêm về tiểu thuyết Tuổi hai mươi yêu dấu của Nguyễn Huy Thiệp. Tác phẩm này, tạp chí Hợp Lưu ấn hành tại Hoa kì số 73 tháng 10/11/2003 có đi ba chương. Kèm theo là bài bình luận khen nức nở của Liễu Trương, viết tại kinh đô ánh sáng Paris. Liễu Trương chạy cái tít giật gân: Tuôỉ hai mươi yêu dấu của Nguyễn Huy Thiệp hay một giải thoát cho con người. Tôi phì cười vì không ngờ văn chương vẫn còn đất dung cho sự đại ngôn trơ trẽn đến như vậy. Liễu Trương có quyền khen tha hồ, nhưng đẩy một cuốn sách, mà theo tôi là rất dở, trở thành sự giải cứu cho con người thì không thể không bịt mũi. Tưởng đọc nhầm, hay là sự giải cứu cho binh nhì (tên một bộ phim gần đây ở Mỹ) mà Hợp Lưu in sai!? Về Tuôỉ hai mươi yêu dấu, ông Thiệp trả lời mạng Trực tuyến Việt Nam, đã trách cứ nhiều nhà xuất bản không in. Tôi lại thấy, đó là điều may cho ông Thiệp. Tiểu thuyết đầu tay này chứng tỏ Nguyễn Huy Thiệp không có khả năng viết tiểu thuyết. Ông viết như những bài báo xoàng, phản ánh tiêu cực tại Việt Nam. Nhưng xét ngay ở góc độ báo chí thì cuốn sách lại thua xa những bài báo cùng nội dung đăng tải trên các trang báo hàng ngày. Ông cũng lại dùng miệng cậu Khuê ngay từ mở đề (lại cậu trẻ) phang nền giáo dục Việt Nam. Mọi bùa phép có thể giúp ông thành công ở truyện ngắn, đem sang tiểu thuyết xem ra không còn hợp, khiến ông đã thất bại thảm hại. Thà như Trần Mạnh Hảo, dũng cảm tỏ thái độ với nhiều vấn nạn hiện nay của sự nghiệp giáo dục đào tạo, hay như những bài báo của những phóng viên vừa ra trường viết về tệ nạn ma tuý, mại dâm, còn hơn là Nguyễn Huy Thiệp viết báo bằng món nộm giả cầy, có tên là tiểu thuyết …

TRẦN ĐĂNG KHOA: Kể ra, mỗi nhà văn chỉ cần để lại một cái truyện ngắn đích thực là truyện ngắn cũng đã tuyệt vời rồi. Nhiều nhà văn viết cả đời, ra hết tập này, tập khác mà rồi chẳng còn lại một chữ nào ấy chứ. Nguyễn Huy Thiệp không phải chỉ có một truyện ngắn, mà là hàng loạt truyện ngắn đặc sắc. Thế là tuyệt vời rồi. Nói đến Nguyễn Huy Thiệp, tôi nghĩ đến Tướng về hưu, Chảy đi sông ơi, Muối của rừng, Con gái thuỷ thần, Không có vua, Những ngọn gió Hua tát…

Thời đại này, chúng ta đã có những bước tiến khổng lồ về công nghệ, mà cha ông ta xưa có nằm mơ cũng không thấy được. Ví như tôi với ông cách nhau hàng vạn dặm lại có thể đàm đạo với nhau về một nhân vật thứ ba là Nguyễn Huy Thiệp mà cả hai cùng quý mến. Ngày xưa, ở trong cùng một nước, ông M. Gorki muốn đến với ông L.N Tonxtoi phải đi ngựa mất mấy ngày đường. Bây giờ chúng ta ở cách nhau đến gần nửa vòng trái đất, chỉ trong nháy mắt, đã có thể “gặp” nhau, trò chuyện với nhau. Cái đó thì chúng ta đã vượt rất xa cha ông xưa. Quả là về khoa học kỹ thuật và công nghệ, chúng ta còn phải tiếp tục, để lại những dấu ấn tâm lực trí tuệ của mình vào thời đại, làm những phần việc mà các bậc tiền bối xưa, dẫu có nằm mơ cũng không làm nổi. Còn văn chương thì chưa chắc, ông bạn vàng ạ. Không phải cứ thời sau thì hiện đại hơn, hay hơn, vượt xa hơn thời trước đâu. Về văn học nghệ thuật, tôi có cảm giác loài người đã làm xong rồi, đã hoàn thiện rồi. Chúng ta có cố gắng đến cật lực thì bất quá cũng chỉ quẫy cái đuôi cho tung chút bụi lên để chứng tỏ sự hiện diện của mình. Vậy thôi. Tôi nói điều này không phải để cầu an, hoặc quá choáng ngợp trước quá khứ của cha ông, mà chỉ đưa ra một cảm giác thật. Chí ít, chúng ta cũng bớt đi những huênh hoang, ảo tưởng lố bịch. Ngay cả các đấng khổng lồ, từng có giải Nobel làm lá bùa hộ mệnh cũng chẳng là cái gì so với các cụ tiên tổ. Khoảng đầu thập kỷ 80, trên thế giới, người ta đã trưng cầu 100 nhà văn lớn, các học giả lớn nhất của thời đại, để bình chọn ra một cuốn sách hay nhất của tất cả mọi thời. Ông có biết cuốn nào được bình chọn không? Không phải “Chiến tranh và hoà bình” đâu nhé. Cũng không phải “Cái trống thiếc” hay “Trăm năm cô đơn”, hoặc “Sông Đông êm đềm’’…. Tất cả những cuốn sách ấy và nhiều kiệt tác của nhân loại nữa chỉ được xem là những cuốn sách hay. Còn kiệt tác của mọi thời đại lại là “Đon Kihote”. Cuốn sách này Xecvantec viết từ thế kỷ 16, trước L. N. Tônxtoi đến 3 thế kỷ. Tôi đã phải đọc lại Xecvantéc, đọc lại những kiệt tác của nhân loại mà các học giả đề cập. Đọc để chống lại cái tư tưởng, cái quan niệm thẩm mỹ rất “phản động’’ của họ. Nhưng đau xót thay, họ lại đúng, ông Thọ ạ. Những cuốn sách mà mình vẫn thờ phụng kia chỉ đơn thuần là những cuốn sách hay thôi. Còn những cuốn ở mức thấp hơn, thì thật là buồn, vì phần lớn là sách minh họa. Người viết chỉ tựa vào cái đã có sẵn, nếu có phần sáng tạo thì cũng là sáng tạo trên những cái đã có sẵn. Ngay cả ý tưởng chủ thể xuyên suốt tác phẩm, mà ta gọi là Tư tưởng chủ đạo cũng đã có sẵn rồi. Phần sáng tạo của nhà văn chỉ là việc sơn phết những sắc màu của ngôn ngữ tâm hồn mình vào cái khung đã có sẵn mà thôi. Và như thế, nhà văn chỉ làm công việc của anh thợ quét vôi. Ngay cả những bậc Đại phu cũng khó thoát ra được. Tôi chợt nhớ đến Mao Thuẫn, một nhà văn rất lớn của Trung Quốc. Tên ông còn được lấy làm tên cho một Giải thưởng Văn học trao cho những tác phẩm xuất sắc nhất của Văn học Trung quốc đương đại. Cuốn sách lớn nhất và cũng đặc sắc nhất của Mao Thuẫn là tiểu thuyết Tý dạ, ở ta dịch là Nửa đêm, miêu tả sự sa sút suy tàn của giới Đại Tư sản Trung quốc ở Thượng Hải. Tập I rất đặc sắc. Tập II ông miêu tả cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân. Rất tiếc đến phần cần phải đầu tư, viết cho hay,, thì ông cụ lại viết rất sút kém.
Khi bộ tiểu thuyết đã khép, mặc dù được các nhà phê bình và dư luận đương thời đánh giá rất cao, Mao Thuẫn vẫn nói với bạn bè rằng, ông rất lấy làm tiếc vì chưa phản ánh được đầy đủ tư tưởng chỉ đạo của Mao Chủ tịch là vấn đề lấy nông thôn bao vây thành thị. Hình như đó là một hạn chế không thể khác được của những dòng văn học có tính định hướng. Còn Xécvantec thì sao? Ông cụ chẳng lệ thuộc vào cái gì cả, cũng chẳng minh hoạ cho cái gì. Ông cụ tung ra một ý tưởng của riêng mình. Rồi với ý tưởng ấy, ông cụ bịa ra một cốt truyện, rồi bịa tiếp các nhân vật. Bịa hoàn toàn. Bịa từ đầu đến cuối. Mà truyện thì có gì to tát đâu. Ông cụ chỉ kể về một gã tâm thần điên điên khùng khùng. Vậy mà rất hấp dẫn, lại hài hước, có thể tủm tỉm cười suốt trên từng trang sách. Tốc độ truyện rất nhanh. Khác với lối văn cổ điển, rề rà, tỷ mỉ kỹ lưỡng của Lép Tonxtoi. Gấp cuốn sách lại, nghĩa là thoát ra khỏi từ trường Xecvantec rồi, mới thấy ông cụ bịa, còn đọc trên từng trang lại thấy rất thật, rất cuốn hút đến không thể buông cuốn sách ra được. Thế mới tài chứ. Rồi Đon – Kihote cứ lồng lộng hiện lên. Qua Nga, tới Mỹ, và rồi đến đâu, tôi cũng thấy những gã Đon – Kihote ông ạ. Đó là những kẻ hoang tưởng, điên khùng mà không biết mình điên khùng, cứ can thiệp vào những chuyện của thiên hạ, với ảo tưởng mang lại bình đẳng, tự do, bác ái cho mỗi con người, và lập lại những trật tự xã hội. Nhưng thực chất chỉ gây rối, chỉ tàn phá những quy luật tự nhiên, bắt những con người được “giải phóng’’ phải chịu những trận đòn oan, và bản thân những kẻ “giải phóng’’, những Đon – Kihote cũng phải nhận những trận đòn bò lê bò càng. Tôi đọc và thấy sợ lão già thời trung cổ quá ông ạ. Cặp mắt lão là mắt la ze. Lão có thể nhìn suốt qua các thế kỷ, nhìn dọc theo sự phát triển của lịch sử loài người. Chẳng có cái gì có thể ngăn cản được lão. Hoá ra lão hiện đại hơn bất cứ ai. Bằng cuốn sách của mình, không cần phải tranh cãi, lão im lặng biến tất cả những công trình văn chương, kể cả lý luận và thực tiễn mà chúng ta cứ huyênh hoang gọi là Hiện đại rồi Hậu hiện đại trở thành trò bịp bợm. Bởi những công trình ấy rất khó đọc. Và như thế, cái gọi là Hiện đại và Hậu hiện đại đã trở thành cũ kỹ, lạc lõng ở ngay thời đại mà nó vừa được sinh ra. Khi đã không chinh phục được độc giả đương đại thì cũng đừng hy vọng sẽ mê hoặc được họ trong tương lai. Qua trường hợp Xecvantec, mới hay tài năng là vô hạn quan trọng. Tài năng giúp con người vượt qua những hạn chế của bản thân và của cả thời đại mà anh ta đang sống. Tạt qua Xecvantec cũng là để thông cảm với những trồi sụt, lởm khởm của Nguyễn Huy Thiệp. Ngay các bậc tiền bối Inox mà chúng ta từng thờ phụng cũng không thoát nổi cái nạn oxi hoá của thời gian, huống hồ là ông thánh nhôm kẽm mà có người tấn phong với niềm yêu mến đầy cảm tính. Ông nghĩ về điều này thế nào?

Còn nữa…

Nguyễn Văn Thọ, Trần Đăng Khoa

Đọc thêm: Đọc thêm: Nguyễn Huy Thiệp hay là cuộc trò chuyện ngẫu hứng qua mây gió – Phần III