Nguyễn Khắc Viện là nhà báo, nhà văn hóa, nhà giáo dục lớn, nhà nhân đạo chủ nghĩa sâu sắc, một kẻ sĩ hiện đại,… Ông sinh năm 1913, mất 1997. Xuất thân trong một gia đình khoa bảng ở xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Thân phụ là Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm (1889-1954), một đại thần triều Nguyễn, Tư nghiệp Quốc Tử giám, Tham tri Bộ Hình, Tuần vũ Khánh Hòa, Bố chánh Nghệ An, Tổng đốc Thanh Hóa, thân sinh của nhiều trí thức nổi tiếng như bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, giáo sư Nguyễn Khắc Dương, giáo sư Nguyễn Khắc Phi, nhà văn Nguyễn Khắc Phê.

Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm là một trong những người đầu tiên bị chết trong tù hồi cải cách ruộng đất.

Năm 1933, tốt nghiệp tú tài, Nguyễn Khắc Viện vào học Trường Đại học Y khoa Hà Nội rồi sang Pháp học tiếp. Năm 1939, tốt nghiệp và được làm bác sĩ nội trú tại bệnh viện Trouseau, một bệnh viện lớn của Paris. Ông còn đỗ thêm bằng bác sĩ về ký sính trùng và các bệnh nhiệt đới.

Năm 1940, ông tham gia phong trào Việt kiều yêu nước và tham  gia Đảng cộng sản Pháp, thường xuyên viết bài cho các báo, tạp chí nổi tiếng, phản đối các chính sách thực dân tại Đông Dương.

Năm 1963, dưới nhiều sức ép, Chính phủ Pháp trục xuất ông khỏi nước Pháp. Về nước, Nguyễn Khắc Viện viết báo, xuất bản sách, dịch sách. Tác giả của nhiều bộ sách nổi tiếng.

Năm 1992, Nguyễn Khắc Viện được nhận giải thưởng Grand Prix de la Francophonie của Viện Hàn lâm Pháp.

Năm 1997, Nhà nước Việt Nam trao tặng cho ông Huân chương Độc lập Hạng Nhất. Năm 2000, Chủ tịch nước đã quyết định truy tặng Giải thưởng Nhà nước cho cuốn Việt Nam, một thiên lịch sử (Việt Nam, a long history).

Nguyễn Khắc Viện là tấm gương về nghị lực trong học tập, rèn luyện thân thể, chiến đấu với tử thần để giữ gìn sức khỏe, phục vụ đất nước.

1. Một nhà báo, nhà nghiên cứu tài năng

Suốt một đời, Nguyễn Khắc Viện dành tâm huyết cho sự nghiệp báo chí. Ông là người không mệt mỏi trong việc giới thiệu những giá trị tốt đẹp, những tinh hoa đất nước Việt ra thế giới bên ngoài. Ông để lại hơn 20 công trình vừa văn chương, vừa từ điển về y học, tâm lý  học. Hơn một phần tư thế kỷ sống tại Paris, Nguyễn Khắc Viện vẫn giữ bản sắc một ngòi bút thấm sâu văn hóa Việt.

Trong quyển Kể chuyện đất nước (NXB Thanh Niên, 1999), in lại nhiều lần, Nguyễn Khắc Viện giới thiệu về Hà Nội – Thăng Long, Đất tổ, Hạ Long, … cho đến Nam Bộ, Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh bằng tấm lòng quý trọng và thương yêu quê hương với lời Kết:

Còn nhiều chuyện để kể
Nhưng đất nước đâu chỉ có sông núi
Lúa gạo, điện thép, đền chùa cung điện
Đất nước, trước hết là tình là nghĩa
Là máu thịt của mỗi chúng ta
Một nhà thơ sẽ kết chuyện với một bài
Tâm tình đất nước
Không phải nhà thơ, tôi chỉ biết gợi một ý thơ
Không lời.

Khi ở Pháp và cả sau này, Nguyễn Khắc Viện viết báo bằng tiếng Pháp sành sỏi, “một thứ tiếng Pháp vừa truyền thống vừa hiện đại, trong sáng, chính xác” (Charles Fourniau). Ông là người có công đối với công tác đối ngoại bằng báo chí.

Cho tới nay, đã có 11 bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp. Các bản dịch phần lớn đều do người Pháp chuyển ngữ. Nguyễn Văn Vĩnh là người Việt Nam đầu tiên dịch Kim Vân Kiều sang tiếng Pháp. Sau này, có thêm các dịch giả người Việt như Lê Cao Phan, Lưu Hoài. Trong đó, đáng lưu ý bản dịch Kiều của Nguyễn Khắc Viện, Nhà xuất bản Ngoại văn công bố năm 1965, vào dịp UNESCO tổ chức Kỷ niệm 200 năm Nguyễn Du, Danh nhân văn hóa thế giới. Tờ Lettres francaises (Văn học Pháp) do nhà thơ Louis Aragon làm Tổng biên tập, coi bản dịch Kiều của Nguyễn Khắc Viện là một áng văn chương trong văn học Pháp, sánh với bản dịch Thần khúc (Dante Alighieri, nhà thơ Ý) của Charles Baudelaire.

Nguyễn Khắc Viện là người có nhiều công lao trong việc giới thiệu đất nước và con người Việt Nam ra độc giả nước ngoài bằng báo Le Courrier du Vietnam (Tin tức Việt Nam), tạp chí Etudes Vietnamiennes (Nghiên cứu Việt Nam), bằng Nhà xuất bản Ngoại văn.

2. Một nhà văn hóa xuất sắc

Ông là một trong những trí thức (1/24) thuộc thế hệ thứ nhất (từ sau Cách mạng Tháng Tám) được nhà báo Hàm Châu vinh danh trong tác phẩm Trí thức tinh hoa Việt Nam đương đại, NXB Trẻ, 2014. Nguyễn Khắc Viện đứng cạnh những tên tuổi lớn như Tạ Quang Bửu, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Văn Huyên, Đặng Thai Mai, Đặng Văn Ngữ, Trần Đức Thảo, Lê Văn Thiêm, Phạm Ngọc Thạch, Trần Hữu Tước, Nguyễn Xiển, …

Nguyễn Khắc Viện, như Charles Fourniau (1920-2010), nhà sử học nổi tiếng, tác giả của những công trình: Annam – Tonkin, 1885-1896: Lettres et paysants Vietnamiens face a la conquette ColonialeVietnam: Domination Coloniale Et Resistance Nationale 1885-1914Vietnam ’78Le Vietnam que J’ai vu (2003), nhận xét: Chung đúc tinh hoa của ba nền văn hóa Việt Nam, Trung Hoa và Pháp.

Ông viết: “Chỉ có những sản phẩm văn hóa mới in đậm dấu ấn của bản sắc dân tộc, chỉ quá trình giao lưu văn hóa mới có thể tạo nên sự đồng cảm sâu sắc, bền vững giữa các dân tộc, làm cho sự giao tiếp không bị rối nhiễu, ngăn cách bởi bao nhiêu điều kỳ thị, hiểu lầm, hận thù từ bao đời” (Ước mơ và hoài niệm, Nhà xuất bản Tri Thức, 2017, tr.317-318).

Vốn sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống về khoa bảng, coi trọng lễ nghĩa, thương người nghèo, yêu cuộc sống thanh đạm, ghét dối trá, lại thông minh, giàu nghị lực, có khát vọng cống hiến cho đất nước, Nguyễn Khắc Viện bền bỉ và kiên định trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ văn hóa.

3. Một kẻ sĩ hiện đại

Sau năm 1975, đất nước đối mặt với nhiều khó khăn, cả đời sống kinh tế lẫn nhân tâm. Chiến tranh ở hai đầu biên giới, kinh tế khủng hoảng, lòng người xao xuyến. Nhân dân cùng khổ. Cái xấu, thói hư, tệ quan liêu, mất dân chủ có cơ hội bộc lộ. Nguyễn Khắc Viện đau đáu, trăn trở và không thể im lặng. Ông vượt qua rào cản về về nghi kỵ, ngờ vực, giữ một tâm hồn trong sáng của một trí thức chân chính để trao đổi, bàn bạc, không ngại va chạm, dũng cảm đề xuất, sẵn sàng tranh luận về các vấn đề thời sự của dân, của nước,  phấn đấu cho một nền chính trị mà người dân có quyền làm chủ cuộc sống của mình theo tư tưởng Hồ Chí Minh; đồng thời cổ vũ hội nhập quốc tế; động viên công cuộc đổi mới một cách sâu rộng và toàn diện.       Ông từng nói: “Tôi vốn là nhà nho cương trực, có điều gì cần góp với trên, thì tôi nói thẳng, trên nghe hay không là tùy vào quyền ở trên. Tôi là một đảng viện cộng sản, về nguyên tắc tổ chức, tôi chấp hành mọi quyết định của Đảng, nhưng về tư tưởng, tôi có quyền độc lập suy nghĩ và bảo lưu ý kiến của mình cho đến khi tôi được thuyết phục hoàn toàn.” (Xem Nguyễn Khắc Viện, Tác phẩm, Tập II, NXB Lao Động, 2003, trang 33).

Từ năm 1978 đến những năm tháng cuối đời, ông gửi nhiều thư đến lãnh đạo các cấp, viết nhiều bài báo, kiến nghị các vấn đề bức xúc, trong đó có vấn đề dân chủ, tôn trọng tiếng nói đa chiều của nhân dân, đổi mới các chính sách về tiền lương, bỏ các đặc quyền đặc lời, quan tâm đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là các quyền của trẻ em. Năm 1984, ông sáng lập Trung tâm Nghiên cứu tâm lý trẻ em và tâm bệnh lý, xuất bản tờ Thông tin khoa học tâm lý, đặc biệt quan tâm đến những trẻ em bị rối loạn tâm lý do hoàn cảnh.

Năm 1993, Nguyễn Khắc Viện đưa ra bài viết “Bước vào cuộc kháng chiến mới”. Bài này, sau đăng trên báo Người đại biểu nhân dân số ra ngày 6-5-2007. Ông là người sớm nhận ra chủ nghĩa tư bản man rợ (Capitalisme sauvage) với tất cả mặt trái của nó. Ông kêu gọi: “Tiến hành một cuộc kháng chiến mới, lâu dài hơn, đa dạng hơn, mới mong hạn chế được tham nhũng, bảo vệ được môi trường, giảm nhẹ bất công xã hội, phân hóa giàu nghèo, giữ gìn được thuần phong mỹ tục, phát huy tình người, tôn trọng quyền phụ nữ, trẻ em, các nhóm thiểu số …”. Gần đây, Vũ Ngọc Hoàng cũng viết: “Lợi ích nhóm” và “chủ nghĩa tư bản thân hữu” – Cảnh báo nguy cơ (Xem Vũ Ngọc Hoàng, Con đường phía trước, NXB Đà Nẵng, 2016), tương tự như ý kiến Nguyễn Khắc Viện.

Bài Khai bút năm Gà (1993), Nguyễn Khắc Viện viết:

… Gáy lên đi, gà ơi
Cho đời rộn lên, cho người tỉnh thức
Bớt si mê trong cơn lốc thị trường
Bớt chìm đắm trong ao tù quan lại
Cho con người đứng thẳng lên
Không quỳ gối thờ đô la
Không cúi đầu trước quyền lực
Gáy vang lên, hỡi gà ơi !    

Trong hồi ký của Nguyễn Khắc Viện, quyển Ước mơ và hoài niệm (NXB Tri Thức, 2017) có ghi lại một chuyện: Ngày 6 và 7-10-1987, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh gặp mặt văn nghệ sĩ, trí thức. Tại cuộc gặp này, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện bày tỏ bộc trực, thẳng thắn: “…Trong những năm qua, văn học nghệ thuật của ta chưa đóng được đầy đủ vai trò của nó. Vì bị trói buộc. Sự lãnh đạo văn nghệ trong mấy năm qua nhiều lúc còn thô sơ, tỉa cành bắt sâu trong một vườn hoa quý lại dùng dao búa làm rừng khai hoang.

Những người làm báo, viết văn, làm phim thường xuyên được nhắc nhở: phải làm như thế này, không được làm như thế kia, bị trói buộc bởi một loạt húy kỵ. Lâu lâu, lại nổ ra một vụ án: bài báo này, quyển sách kia, cuốn phim nọ bị kết án là xét lại, là chống Đảng, là có tính kích động…”. Sự thẳng thắn của ông khiến Tổng bí thư đã thân thiết đến bắt tay và nhận lấy bản tham luận.

Ngày 30-11-1986, Nguyễn Khắc Viện từng viết thư, lời lẽ rất chân tình, gửi Tố Hữu, nguyên văn:

 Ngày 30 – 11 – 1986

Kính gửi anh Tố Hữu

Hôm nay nhân xem lại vài bài dịch thơ anh trong Anthologie de la littérature Vietnamiene (Tuyển tập Văn học Việt Nam), thấy không thể không gửi cho anh bức thư này.

Anh Tố Hữu ạ! trước kia đọc thơ, dịch thơ anh cảm hứng đằm thắm bao nhiêu thì nay thấy ngán ngẩm bấy nhiêu. Anh bảo làm bí thư vẫn không bí thơ, chúng tôi thấy anh càng quyền cao chức trọng, đọc thơ anh càng thấy nhạt nhẽo.

Anh mà trở lại Trung ương, trở lại chức quyền, là chôn vùi luôn sự nghiệp thơ trong lòng nhân dân. Rút lui đi, anh Tố Hữu, cứu lấy nhà thơ Tố Hữu. Anh sẽ trở lại với cuộc sống bình dị của một nhà thơ, chan hòa với anh em, anh em chúng tôi lại đón anh với tấm lòng trân trọng quý mến. Xuân này anh sẽ chen vào đám đông đi chợ hoa, đi hội làng Gióng hay Đồng Kỵ chứ không tiền hô hậu ủng nữa.

Anh mà trở lại Trung ương, Bộ Chính trị, thì bài báo đối ngoại đầu năm tôi phải viết sẽ là bài “La  mort d’un poète”(Cái chết của một nhà thơ).

Nguyễn Khắc Viện có cốt cách và phong thái của một kẻ sĩ hiện đại. Vốn sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống về khoa bảng, coi trọng lễ nghĩa, thương người nghèo, yêu cuộc sống thanh đạm, ghét dối trá, lại thông minh, giàu nghị lực, có khát vọng cồng hiến cho đất nước, Nguyễn Khắc Viện bền bỉ và kiên định trong lẽ sống làm người. Cha ông là bậc đại khoa, từng góp kế sách để phục hưng quốc gia, với phương châm: Tôn tộc đại quy / Tôn lộc đại nguy /  Tôn tài đại thịnh / Tôn nịnh đại suy. Trần Đại Vinh đã tạm dịch:

Tôn trọng nòi giống ắt đại hòa hợp
Tôn trọng bổng lộc ắt đại nguy nan
Tôn trọng tài năng, ắt đại phồn thịnh
Tôn trọng siểm nịnh, ắt đại suy vong.

Văn hóa phương Đông và truyền thống gia đình có ảnh hưởng sâu sắc trong toàn bộ tư tưởng, cách nhìn, cách sống, cách ứng xử của Nguyễn Khắc Viện, góp phần làm nên chân dung một con người. Hơn ai hết, ông là người hiểu rõ ý nghĩa câu ngạn ngữ phương tây: Ai đúng sớm quá là sai” (Ceux qui ont raison trop tôt, ont tort).

HUỲNH VĂN HOA