1. Hơn nửa thế kỷ cầm bút đã làm định hình một phong cách, phong cách triết lý – chính luận của Nguyễn Khải. Đọc truyện ngắn Nguyễn Khải cần thấy rõ một đặc điểm thể loại: truyện ngắn Nguyễn Khải rất gần với tùy bút. Hầu hết truyện ngắn của ông đều hiện diện nhân vật “tôi”, cái tôi “tiểu sử”, cái tôi “tự truyện”. Cái tôi ấy không hề giấu giếm sau bức màn hư cấu mà ngược lại, luôn “xuất hiện lồ lộ trên văn bản”. Cái tôi ấy tham gia vào tác phẩm và tạo nên giọng điệu riêng, chất giọng rất đặc trưng cho văn phong Nguyễn Khải: giọng nhẩn nha kể chuyện. Truyện ngắn là một mô-măng (chốc lát) nhưng ở truyện ngắn Nguyễn Khải thường không có độ căng của các sự kiện biến cố. Truyện ngắn của ông thường không có cốt truyện, tác phẩm đôi khi là một “mạch cảm xúc”, một “dòng suy tưởng” của cái tôi tác giả. Hình tượng trong tác phẩm hầu hết là các hình tượng trữ tình; trong đó có: cái tôi trữ tình, nhân vật trữ tình, giọng điệu trữ tình, thiên nhiên trữ tình… Nhưng sức ám gợi lớn nhất là một cái tôi tự bộc lộ với những nguồn mạch cảm xúc tinh tế, không ồn ào trên bề mặt sự kiện mà gây nên cái ba động ở chiều sâu.
Với Hà Nội trong mắt tôi, tác giả như một người con xa xứ rong ruổi giữa thành đô để tìm lại hồn thiêng của đất kinh kì. Đúng như nhan đề chung của chùm truyện – Hà Nội trong mắt tôi, chín truyện ngắn đều hiện diện nhân vật tôi, đều được lọc qua “mắt tôi”. Đây đó còn có những góc khuất của danh phận, tiền tài nhưng sự gom góp tình cảm của tác giả sau nhiều năm xa cách đã làm cho Hà Nội luôn sáng lên. Có thể nói, mỗi nhân vật không phải là một câu chuyện mà trở thành một dòng thơ đẹp chảy tràn trong kí ức người cầm bút. Cái tôi nồng nàn ấy quả là có sức lan toả, tạo mối đồng cảm sâu xa về mảnh đất thành đô. Cảm xúc của tác giả như chảy tràn qua từng tác phẩm. Nguyễn Khải từng sống với Hà Nội, nhiều năm gắn bố với Hà Nội. Sau này, do hoàn cảnh gia đình, ông phải chuyển vào sống ở Thành phố Hồ Chí Minh nhưng ký ức, hoài niệm, nỗi lòng thì luôn hướng về mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến. Ở chùm truyện ấy, mỗi truyện đều lấp lánh tình cảm thân thương, yêu quý và rất đỗi tự hào của các tôi tác giả. Cái tôi ấy có khi trầm tư sâu lắng trước một nếp nhà (Nếp nhà), một nghề nghiệp cổ truyền (Nghệ nhân ở làng), có khi như nghiêng lòng trước những nét đẹp, những con người là biểu tượng, là hồn thiêng của đất kinh kì (Đất kinh kì, Người của người xưa, Một người Hà Nội). Ở đó, ta bắt gặp những văn nhân thi sĩ Hà Thành như vợ chồng Hồ Dzếnh trong Đất kinh kì, vợ chồng Trần Dần trong Người vợ, ta cũng bắt gặp những con người bình thường nhưng cốt cách, phong thái thì mang đậm dáng nét của một vùng văn hóa không thể trộn lẫn: đó là bà nội của Nghĩa trong Người của người xưa, là Dụ, một nghệ nhân điêu khắc trong Nghệ nhân ở làng. Chùm truyện Hà Nội trong mắt tôi làm ta nhớ đến những bài kí viết về đất Hà thành của Vũ Bằng. Cũng liên tưởng đến những tác phẩm kí đầy chất thơ mà Hoàng Phủ Ngọc Tường dành cho xứ Huế. Với Hà Nội trong mắt tôi; đúng là “Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn”, đất đã trở nên linh thiêng trong tâm hồn người tín đồ xa xứ Nguyễn Khải.
2. Truyện ngắn kết tụ đầy đủ nét phong cách; truyện ngắn kết lắng đầy đủ tình cảm, sự ngưỡng vọng của Nguyễn Khải về mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn vật có thể nói là Một người Hà Nội; cô Hiền chính là linh hồn của thiên truyện ấy.
Nhan đề tác phẩm như kết lắng những suy tư đầy yêu quý của tác giả về cô Hiền. Nhắc đến cô Hiền, nghĩ về cô Hiền, không một mệnh đề nào để tác giả có thể chuyển tải đầy đủ và thỏa mãn hơn: Một người Hà Nội. Vâng, trong mắt tác giả, cô Hiền chính là biểu tượng của đất Hà thành, một thế hệ mang đậm “chất kinh kì” còn ở cùng với Hà Nội của hôm nay. Qua dòng cảm xúc của tác giả, cô Hiền không chỉ hiện lên với tư cách một cá thể, một con người cụ thể mà cô Hiền chính là tinh túy, là di sản văn hóa của đất kinh kì, cô Hiền là một giá trị.
Cô Hiền trước hết là một người phụ nữ đẹp, lịch duyệt, có quan điểm sống hết sức đáng nể phục. Dõi theo dòng cảm xúc của nhân vật tôi, nối những chi tiết trong nguồn mạch nhẩn nha kể chuyện của tác giả ta sẽ thấy, cái tôi ấy ngưỡng mộ vô cùng khi nhấn đi nhấn lại một quan niệm sống rất vững chải ở người phụ nữ ấy: đó là lòng tự trọng mà sự tự trọng lớn nhất theo cô là ý thức tự lập. Chủ kiến đó như chảy sâu vào trong huyết quản của cô Hiền, trở thành nét cốt cách thật đẹp ở người phụ nữ đất kinh kì này. Nét cốt cách ấy, quý thay khi nó được thể hiện một cách hết sức nhất quán trong suốt cuộc đời cô Hiền: từ việc lấy chồng, sinh con, nuôi dạy con cái đến cách ứng xử của cô khi hai người con trai lần lượt tình nguyện vào Nam chiến đấu. Chính vì có một quan điểm sống rõ ràng như vậy nên cô Hiền rất chủ động và đầy bản lĩnh trong cuộc sống. Ai cũng phải thừa nhận cô Hiền là người giỏi sắp xếp cuộc sống, sắp xếp việc gia đình; cô thu xếp mọi công việc một cách rành rẽ, đâu vào đấy: dưới bàn tay người phụ nữ ấy, mọi việc đều được tính toán trước và đều được tính toán đúng. Nhân vật tôi từng gật gù bái phục trước cốt cách cứng cõi của bà cô: “Cô tuyên bố thẳng thừng với tôi: Một đời tao chưa từng bị ai cám dỗ, kể cả chế độ”.
Cốt cách ấy thể hiện trước hết ở việc lấy chồng. Chuyện lấy chồng của cô Hiền, do vậy cũng không phải theo sự sắp xếp của lẽ thường mà theo những suy tính riêng của cô. Thuở đôi mươi, cô Hiền là một cô gái có nhan sắc: một vẻ đẹp sang trọng, quý phái của thiếu nữ Hà thành. Theo lẽ thường, những người phụ nữ ấy thường chọn cho mình một tấm chồng giàu sang, có quyền thế để “núp bóng tùng quân”. Cô Hiền thì không, vì cô có lòng tự trọng, có bản lĩnh và quan trọng hơn: cô có tính chủ động cao trong cuộc sống. Gần ba chục tuổi cô mới đi lấy chồng. Cô gái đẹp đất Hà thành, từng là chủ một phòng khách văn chương nổi tiếng ấy, lạ thay, không lấy một ông quan, cũng không lấy một văn nhân thi sĩ: “Cô chọn bạn trăm năm là một ông giáo cấp tiểu học hiền lành, chăm chỉ”. Sự lựa chọn của cô khiến cả Hà Nội phải kinh ngạc. Kinh ngạc cũng phải thôi vì thói thường người ta vẫn ham danh, hám lợi, thích tìm nơi bóng mát để dựa dẫm cho nhàn nhã tấm thân. Cô Hiền thì không, cô nghĩ về mình ít hơn và nghĩ về tương lai của một tổ ấm gia đình, tương lai của con cái nhiều hơn. Vui đùa là vui đùa thời son trẻ, còn khi đã quyết định lập gia đình, cô suy nghĩ một cách nghiêm túc về trách nhiệm của người làm vợ, làm mẹ. Chủ kiến, quan điểm như vậy là hết sức rành rẽ, rõ ràng.
Lấy chồng là thế, còn sinh con? Trong khi người ta “đua nhau đẻ” vì cái quan điểm cổ hủ “Đông con hơn đông của”, thì cô dứt khoát chấm dứt chuyện sinh đẻ ở độ tuổi bốn mươi. Đó là sự suy tính khác đời, nhưng là sự suy tính hơn đời. Dừng sinh con ở tuổi 40 cũng là vì cô nghĩ đến lòng tự trọng và đức tính tự lập của con sau này.
Vẻ đẹp của người phụ nữ ấy càng hiện lên rõ ràng hơn khi cô Hiền đứng trước những sự quyết định đầy khó khăn. Người mẹ nào mà chẳng thương con, người mẹ nào mà chẳng nơm nớp lo âu, rồi mòn mỏi ngóng trông khi con đi vào nơi lửa đạn. Cô Hiền cũng vậy, cũng bình đẳng như bao bà mẹ trên thế gian này. Nhưng ngay trong quyết định cam go ấy, cô Hiền cũng rạch ròi và đầy chủ kiến. Cô Hiền nghĩ đến lòng tự trọng và thái độ tự lập trong cuộc sống của con, điều đó, một lần nữa là chuẩn mực để cô Hiền ứng xử trong tình huống này. Khi đứa con trai đầu lòng lên đường, cô Hiền nói : “Tao đau đớn nhưng tao bằng lòng vì tao không muốn nó sống bám vào sự hi sinh của bạn bè. Nó dám đi cũng là biết tự trọng”. Người con trai đầu lên đường ba năm không một tin tức, người con trai kế lại tiếp tục xin tòng quân, cô Hiền vẫn kiên định quan điểm, mặc dù hết sức não lòng: “Tao không khuyến khích cũng không ngăn cản, ngăn cản tức là bảo nó tìm đường sống để các bạn nó phải chết, cũng là một cách giết chết nó”. Đau đớn, giằng xé nhưng chuẩn mực tối cao của bà vẫn là lòng tự trọng của tuổi trẻ. Sống tự trọng nghĩa là phải biết tự lập, mà tự lập nghĩa là cùng lên đường chiến đấu với bạn bè. Còn một khi sống dựa dẫm “tìm đường sống để các bạn nó phải chết” nghĩa là đã đánh mất tự trọng, mà theo cô Hiền điều đó đồng nghĩa với cái chết, đó “cùng là một cách giết chết nó”. Cách tính toán việc nhà việc nước đến như thế khiến chính nhân vật “tôi” cũng phải nghiêng mình kính nể: sắc sảo và rốt ráo đến lạ lùng.
Đó hẳn phải là cách suy tính, cách sắp xếp, lối hành xử của một người phụ nữ lịch lãm và đầy chủ kiến. Tình thương con của cô Hiền là tình thương của một bà mẹ hiểu đời, hiểu người. Chất Hà Nội kết tinh đậm nét trong từng cung cách sống ấy. Chợt ngộ ra một điều: bao nhiêu chàng trai trẻ đất Hà thành từ bỏ bút nghiên để lên đường chiến đấu, không một lần ngoảnh đầu nhìn dù Hà Nội sáng rực phía sau lưng (ý thơ Nguyễn Đình Thi), cũng là vì các chàng ấy là con của những bà mẹ có cung cách sống, cung cách ứng xử như cô Hiền.
Cô Hiền chính là người giữ hồn thiêng của văn hóa Hà thành. Tác giả trở lại kể chuyện cô Hiền sau “Nhiều năm đã trôi qua”. Trong nhiều năm ấy cuộc sống vẫn không ngừng cuộn xoay theo cái quy luật biến thiên vốn có của nó: nhân vật tôi giờ đã trở thành cư dân lâu năm ở Thành phố Hồ Chí Minh, chồng cô Hiền đã mất, các con cô đã lớn, đã có gia đình riêng và: “Chúng nó cũng bắt đầu già…”. Một thiếu nữ Hà Nội đầy nhan sắc, một cô Hiền sắc sảo, lịch lãm của ngày xưa nay đã lên cụ, đã trở thành người hiếm hoi của thế hệ trước: “Lớp các cụ trong họ chỉ còn vài người, cô Hiền là một”. Thời gian có sức bào mòn tuổi tác và sức khỏe của con người đến ghê gớm, cô Hiền bây giờ là một bà cụ đã ngoài 70, già đi nhiều. Thế nhưng, như vượt lên trên tất thảy những biến đổi kia, như vươn ra khỏi vòng xoay bất tận kia, cô Hiền vẫn lưu giữ trong mình những giá trị bất biến, đó chính là chất Hà Nội, là giá trị văn hóa Hà Nội. Phong cách giao tiếp lịch thiệp, quý phái của người Hà Nội thể hiện đậm nét trong cái cách bài trí phòng khách của bà Hiền. Những giá trị văn hóa Hà thành trở nên vững chải, vĩnh cửu trong từng vật dụng “suốt mấy chục năm không hề thay đổi” của gia đình bà. Chất Hà Nội, hồn thiêng của đất Hà Nội như được sống lại trong thú vui thanh tao tinh tế của bà Hiền. Giữa cái tiết mưa xuân là hình ảnh một người Hà Nội chùi rửa cái bát bằng thủy tinh để chuẩn bị cho một giò thủy tiên ngày tết thì tao nhã quá, Hà Nội quá. Cái thú thưởng thức thủy tiên tao nhã đó có sức khơi gợi, sức níu giữ lòng người đến vô cùng. Hình ảnh ấy đã làm người con Hà Nội xa xứ không thể biểu lộ gì khác hơn ngoài việc thốt lên: “thấy tết quá, Hà Nội quá, muốn ở lại thêm ít ngày ăn lại một cái tết Hà Nội quá”.
Chất kinh kì của cô Hiền còn được thể hiện trong tình yêu Hà Nội, tình yêu văn hóa Hà Nội. Người già thường hoài niệm nhiều về quá khứ vì với họ “Cái thời đã qua luôn luôn là thời vàng son”. Bà Hiền thì không thế, với bà, Hà Nội “Thời nào cũng đẹp, một vẻ đẹp riêng cho mọi lứa tuổi”. Một lần nữa ta khâm phục trước sự lịch lãm hơn đời của bà: một bà già thức thời và luôn tin vào giá trị, chiều sâu và sức sống của văn hóa. Dù cuộc sống có biến thiên thay đổi nhưng với bà Hiền, luôn tồn tại một niềm tin vào giá trị vĩnh cửu, bất biến của văn hóa Hà Nội. Suy tư về cái lẽ tuần hoàn của văn hóa kinh kì ở bà Hiền làm chính cái tôi tác giả ngỡ ngàng: “Cô muốn mở rộng sự tính toán vốn đã rất khôn ngoan của mình lên thêm một tầng nữa chăng…”,…
Cô Hiền trở thành một giá trị văn hóa, một thực thể sống của văn hóa Hà thành. Giá trị ấy, thực thể ấy sẽ không bao giờ mất đi mà sẽ bay lên, sẽ thăng hoa để trở nên vĩnh cửu. Một đời người rồi thì cũng về với cát bụi, trở thành cát bụi, cô Hiền cũng thế, nhưng đó là hạt bụi vàng luôn chấp chới bay giữa lòng Hà Nội, những hạt bụi vàng có thể làm phát sáng mãi mãi cho một vùng văn hóa kinh kì: “Một người như cô phải chết đi thật tiếc, lại một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi xuống chìm sâu vào lớp đất cổ. Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kì chói chang những ánh vàng”.
3. Một điều rất độc đáo, Nguyễn Khải rất ít viết về những cái xấu, cái ác. Khó tìm được hình tượng nhân vật phản diện trong truyện ngắn của ông, ở tập truyện ngắn về đất Kinh Kì điều này càng thể hiện rõ. Đọc tác phẩm, có cảm giác như cái tôi tác giả đang lặng lẽ đi tìm cái đẹp giữa đời thường. Ông thành tâm viết về nó như viết về những sự tích đẹp trong cuộc sống bình dị của ngày hôm nay. Đối tượng miêu tả của Nguyễn Khải không phải là ai khác mà chính là bản thân nhà văn cùng những người bà con ruột thịt, anh em bè bạn và những con người của đời thường mà tác giả từng được gặp ở đâu đó giữa cuộc đời. Bên cạnh cái tôi là: cô Hiền trong Một người Hà Nội, là những bạn văn của tác giả: Hồ Dzếnh trong Đất Kinh Kì, Trần Dần trong Người vợ. Trần Thanh Phương đặc biệt yêu quý những tác phẩm này, do vậy mà rất tinh trong nhận định: “Ở đây vai trò hư cấu dường như cũng bị tước bỏ: toàn chuyện người thật việc thật. Viết về người thân trong họ hàng hay bạn bè cũng là viết về những khát khao và những được, mất của mình, đem chính cuộc đời của mình ra làm chất liệu để sáng tác… Nhiều truyện ngắn trong tập truyện này có dáng dấp như một truyện kí”.
Đọc truyện ngắn Nguyễn Khải một cách hời hợt, dễ có cảm giác tác phẩm không có những sự kiện đáng chú ý, không có những vấn đề cần quan tâm. Nhân vật chính xuyên qua hầu hết các truyện ngắn Nguyễn Khải chính là cái tôi tác giả. Do vậy, truyện ngắn của ông đôi khi có dáng dấp của những cuốn tự truyện. Trong truyện ngắn, rất hiếm khi tác giả mô tả diện mạo bên ngoài của nhân vật mà thường là một “mạch cảm xúc”, một “dòng suy tưởng”. Sức ám gợi lớn nhất là ở cái tôi tự bộc lộ với những nguồn mạch cảm xúc tinh tế, không ồn ào trên bề mặt sự kiện mà gây nên cái ba động ở chiều sâu. Ta bắt gặp cái tôi với những tình cảm ấm nóng về một miền quê ngoại dấu yêu. Ta cũng bắt gặp một tín đồ say sưa với những “chói chang ánh vàng” của đất Kinh Kì. Cảm xúc của cái tôi ấy như chảy tràn qua chùm truyện ngắn: Hà Nội trong mắt tôi. Đúng như nhan đề của chùm truyện, 9 truyện ngắn đều hiện diện nhân vật tôi, đều lọc qua “mắt tôi”. Đây đó còn có những góc khuất của danh phận, tiền tài nhưng sự gom góp tình cảm của tác giả sau nhiều năm xa cách đã làm cho Hà Nội luôn sáng lên. Nói như Vương Trí Nhàn: “chất thơ không chỉ nằm trong vang hưởng của ngôn ngữ mà phải toát ra từ khung cảnh, chất liệu, từ không khí chung của toàn truyện”. Có thể nói mỗi nhân vật không phải là một câu chuyện mà trở thành một dòng thơ đẹp chảy tràn trong kí ức người cầm bút. Cái tôi nồng nàn ấy quả là có sức lan toả, tạo mối đồng cảm sâu xa về mảnh đất thành đô. Truyện ngắn Nguyễn Khải do vậy không còn sự kiện ở bề nổi, rất ít nhân vật, rất ít đối thoại, chỉ còn lại những biểu tượng, những thao thức, những dòng cảm xúc. Mỗi truyện ngắn trở thành một bài thơ trữ tình chở biết bao tâm trạng của “thi nhân”. Tập truyện ngắn do vậy cũng bảo lưu biết bao giá trị văn hoá của mảnh đất với biết bao trầm tích ngưng tụ. Nhà văn hoá học sẽ nhận được thật nhiều qua những hình tượng song trùng văn học – văn hoá sinh động như thế.