Trong nền văn học Việt Nam hiện đại có không nhiều nhà văn vào thời còn trai trẻ, trước và những năm đầu cầm bút viết văn (sáng tác, nghiên cứu, phê bình, dịch thuật) đã từng là giáo viên bậc tiểu học, trung học.

Trước Cách mạng tháng 8/1945, có thể kể, đó là: Phạm Duy Tốn, Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Nguyễn Lân, Hoài Thanh, Đặng Thai Mai, Dương Quảng Hàm, Nam Cao…

Sau ngày đất nước giành độc lập, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, con số các nhà văn xuất thân là nhà giáo xuất hiện ngày càng đông hơn, mở rộng đến các nhà giáo giảng dạy ở bậc Đại học. Lúc này có thể nói tới: Hoàng Xuân Nhị, Lê Đình Kỵ, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Trương Tửu, Trương Chính, Hoàng Như Mai, Nguyễn Văn Hạnh, Phương Lựu, Trần Đình Sử, Nguyễn Đăng Mạnh, Lê Ngọc Trà… và Thanh Lãng, Nguyễn Văn Trung, Giang Nam… tiếp đến Hoàng Ngọc Hiến, Mai Quốc Liên, Hoàng Văn An, Vũ Nho, Phạm Quang Trung… cùng nhiều người khác nữa.

Nhà văn Ma Văn Kháng (sinh năm 1936, tên khai sinh là Đinh Trọng Đoàn) cũng thuộc vào trường hợp nói trên.

Trong tác phẩm hồi ký – tự truyện Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương xuất bản quý 3 năm 2009, Ma Văn Kháng cho biết: Trong chặng đường 21 năm đầu của đời công chức nhà nước tại tỉnh biên viễn Lào Cai (từ 1955 đến 1976) thì hơn một nửa thời gian ông hoạt động trong ngành giáo dục. Không thể khác được, vì trước đó, từ 1952 đến 1954 ông là giáo sinh Trường Sư phạm Trung cấp tại Khu học xá Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc), được đào tạo bài bản để sau khi tốt nghiệp làm giáo viên tiểu học về các môn thuộc khoa học xã hội và nhân văn.

Số phận – tình cờ cũng có, chủ tâm cũng có – đã đưa ông đến vùng Lào Cai, miền đất vàng, như ông quan niệm nhuốm màu tâm linh, huyền diệu – mà ở đó ông lập thân, lập nghiệp, thành danh với bút hiệu Ma Văn Kháng.

Từ tháng 01/1955 đến tháng 3/1967 (không kể thời gian từ giữa tháng 9/1961 đến tháng 6/1963, ông đi học đại học tập trung tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội). Ma Văn Kháng đã trải qua các cương vị trong ngành giáo dục: giáo viên dạy các môn khoa học xã hội ở cấp I, II; Hiệu trưởng trường cấp II, cấp III thị xã Lào Cai; rồi Trưởng phòng chuyên môn Ty Giáo dục Lào Cai.

Truyện ngắn đầu tay Phố cụt của ông trình làng bút danh Ma Văn Kháng được đăng trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, 3/3/1961. Nhưng ta phải ngược lên những năm trước đó để đi tìm cội nguồn văn chương nơi ông, khi ông vẫn còn mang tên Đinh Trọng Đoàn. Với ông, không chỉ đợi đến khi làm thày đứng lớp với bảng đen phấn trắng cùng các dụng cụ học tập hoặc làm nhà quản lý (dù ở cấp thấp) sự nghiệp giáo dục ở một tỉnh lẻ có nhiều bà con là người dân tộc thiểu số, ông mới khơi nguồn, phát lộ tiềm năng văn chương. Mà khi còn ở tuổi học trò niên thiếu (mài đũng quần học các môn kiến thức văn hóa sơ đẳng của các cấp học phổ thông), rồi trung cấp, đại học và sau này vào tuổi tráng niên học nghề cầm bút ở Trường Bồi dưỡng những người viết văn trẻ (Quảng Bá, Hà Nội) thì ông cũng không bao giờ quên công lao dạy dỗ của các bậc thày dạy văn trực tiếp mà ông hân hạnh được truyền dạy. Họ đã mở cánh cửa giúp ông và các đồng môn được tiếp xúc với các tác phẩm văn học ưu tú thuộc hàng kinh điển của kho tàng văn học thế giới, văn học dân tộc Việt Nam. Họ đã vun xới và thắp lên ngọn lửa của tình yêu và niềm khao khát cống hiến toàn bộ tâm hồn và sức lực của mình cho văn chương trong con người ông.

Hồi tưởng những ngày cuối năm 1954 đầu năm 1955 khi đi tới quyết định không gì lay chuyển nổi là tình nguyện lên Tây Bắc dạy học sau ngày tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm, ông viết: Dạo đó “tôi đã đọc và rất mê Truyện Tây Bắc của Tô Hoài (…) và “đã có một thôi thúc vừa da diết vừa mơ hồ trong tôi, nó cho tôi cái cảm giác rằng ở nơi đó tôi sẽ sống thoải mái và làm được một điều gì có ích” (Hồi ký, tr. 44-45). Ông khẳng định, không chút đắn đo: “Đối với tôi, trong sự hình thành những cơ sở đầu tiên của một nhà văn, tất cả đều là nhờ thầy cô”. “Và nếu hôm nay tôi có được bạn đọc công nhận là nhà văn thì công lao tạo nên tôi, trước hết là thuộc về nhà trường, nơi trau dồi lý tưởng sáng đẹp, nơi dạy tôi tình yêu đối với tiếng Việt, nơi cho tôi thấy cái đẹp kỳ lạ, cái sức mạnh vô hình, lớn lao của ngôn ngữ ông cha, trong đó, ở bậc tiểu học là sự manh nha và cảm tính; sâu sắc, ấn tượng mạnh mẽ hơn ở bậc trung học và hoàn thiện trọn vẹn, kể cả từ một tình yêu bền vững tới tri thức và kỹ năng sử dụng tiếng Việt cùng cách thức tạo lập nên các giá trị văn học, ở bậc Đại học” (Hồi ký, tr.39,40).

Ở đây, Ma Văn Kháng đã từ con đường đi của mình ghi nhận một quy luật khá phổ biến: nhà văn tương lai có thể và cần phải biết cách tiếp nhận từ “cái nôi” nhà trường các cấp những tri thức nền tảng để từng bước đi vào đại lộ của người viết văn chuyên nghiệp. Đó là một nghề nghiệp không dễ dàng, đòi hỏi phải có tài và có tâm; nghề nghiệp này hướng con người vươn tới cái cao cả của lý tưởng và nhân sinh quan, niềm thiết tha hoàn thiện cái đẹp của nhân cách và tình đời trong cõi nhân thế cùng những rung động thẩm mĩ tinh tế, mãnh liệt trước cuộc đời phồn tạp và con người đa đoan. Đó là cả một thế giới không cùng, bên cạnh những điều hiển lộ, nó còn ấp ủ bao điều thầm kín, bí ẩn luôn chờ đợi sự khám phá, sáng tạo của những nhà văn có trái tim nhạy cảm và cặp mắt tinh đời, ngòi bút điêu luyện!

Song, về một phương diện khác, nghề dạy học lại mở ra cho nhà văn Ma Văn Kháng một chân trời mới về tự đào tạo, dấn thân rèn luyện cho nghề viết. Là nhà giáo, Ma Văn Kháng có điều kiện mở rộng diện tiếp xúc với những mảng hiện thực đời sống tuơi ròng, phập phồng nhịp đập trái tim, thấm đẫm mồ hôi và nước mắt của người đời, chứa đựng trong đó bao vấn đề thiết cốt thuộc nhân sinh, thế sự đương thời gần gụi ta, ám ảnh ta.

11 năm ròng trong nghề này ở nơi vùng cao biên giới đã tích tụ trong Ma Văn Kháng một vốn liếng quý giá vô ngần, chín dần qua năm tháng mãi về sau, trở thành trầm tích, thành mỏ vàng trữ lượng luôn dồi dào. Ông ghi chép, nhập tâm mài sắc sự hiểu biết hiền minh, lão thực mà khoan dung về các loại người trong xã hội, đặc biệt về các loại học trò lớp lớp trên vùng cao các dân tộc anh em; về các thầy cô miền xuôi, miền ngược chung lưng đấu cật dựng lớp, mở trường, khai tâm ánh sáng của văn minh, văn hóa nơi vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh; về những nhà quản lý sự nghiệp các cấp với chân dung muôn hình nhiều vẻ.

Nhưng trên hết, nghề dạy học đã giúp ông có một thế đứng “thượng phong” nếu có thể nói được như vậy. Từ tầm cao điểm nhìn không cắt đứt với cội nguồn truyền thống dân tộc mà vẫn mở rộng giao lưu và hội nhập, các tác phẩm của ông là một sự phản tỉnh, trầm tư sâu sắc, cảnh báo thấm thía xung quanh việc giữ gìn bồi đắp đạo học, đạo làm người, nghĩa thày – trò, ngăn chặn sự suy vi, xuống cấp của nhân tâm, thế đạo.

Bằng những hình tượng nhân vật và thế giới nghệ thuật sinh động, giàu sức ám ảnh, khơi gợi tranh luận, đối thoại, Ma Văn Kháng cố gắng làm sáng lên chân lý giản dị: Phải làm chủ hơn nữa tinh hoa trí thức nhân loại và dân tộc. Đó là những tầng vỉa của văn minh con người, nó giúp cho mỗi người duy trì một cách sống tốt đời đẹp đạo, trong đó người trí thức luôn là những sinh thể tư duy ưu tú đáng trọng thị nhiều lần, như người xưa từng nói rằng phải biết trọng hiền tài, bởi “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”.

Với tư cách nhà giáo – nhà văn, Ma Văn Kháng là người kế tục xuất sắc các bậc đàn anh Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Nguyên Hồng.

Trong khối lượng đồ sộ tác phẩm văn xuôi của Ma Văn Kháng gần tròn nửa thế kỷ (gần 200 truyện ngắn, 13 tiểu thuyết cùng tác phẩm các loại khác), không thể không nhắc tới tác phẩm truyện ngắn đầu tay Phố cụtđược ông viết trong căn nhà trọ của giáo viên ở một khu phố trung tâm thị xã Lào Cai ven bờ sông Nậm Thi trong xanh, thơ mộng. Thiên truyện báo hiệu sự xuất hiện của nhà giáo – nhà văn mới.

Truyện viết về thời đương đại hôm nay mà như đi ra từ cổ tích truyền thống! Bắt gặp trong truyện niềm chan chứa cảm thông, mặn mà chia sẻ niềm vui nỗi buồn giữa những người lao động lam lũ cùng cảnh ngộ. Trong sự chật vật kiếm sống vì miếng cơm manh áo, giữa họ vẫn mở lòng đùm bọc, tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách”.

Dần dà, Ma Văn Kháng đã vượt thoát khỏi những cái bóng đầy uy lực của các bậc đàn anh đáng kính.

Bền bỉ, cần mẫn đi vào đời sống, bắt rễ sâu vào những ngõ ngách phố thị, làng xã, kiên trì tìm hiểu khám phá các số phận đa đoan mà phức tạp, dị biệt nhưng đáng trọng, xới lên những vấn đề nóng bỏng của ngành giáo dục và nghề dạy học, Ma Văn Kháng trong những năm đầu đổi mới cho đến gần đây, bằng các tác phẩm xuất hiện kịp thời, đã thu hút sự quan tâm, thảo luận, bình giá của công chúng rộng rãi.

Qua các tập truyện ngắn và tiểu thuyết nổi tiếng Trăng soi sân nhỏ (1995), Mùa lá rụng trong vườn (1985),Đám cưới không có giấy giá thú (1989), Côi cút giữa cảnh đời (1989), Gặp gỡ ở La Pan Tẩn (2001)… Ma Văn Kháng đã khắc hoạ những điển hình bất hủ (cả về mặt sáng và mặt tối của xã hội ta trên bước đường chuyển đổi cơ chế, cơ cấu) về nhân vật Người Thày – động lực điều hành cỗ máy giáo dục vận hành theo hướng đổi mới. Chân dung những nhân vật nhà giáo – con đẻ của thời đại mới: Đặng Trần Tự, Thiêm… đã tiếp tục nối vào chân dung của Thứ (trong Sống mòn của Nam Cao), là những biểu tượng đẹp đẽ của thế hệ nhà giáo mới hôm nay. Họ đã hết lòng vì học sinh thân yêu, không chỉ dạy kiến thức chuyên môn mà còn dạy cách làm người, cách trở thành những công dân tốt, cho các em là thế hệ trẻ, tương lai của đất nước. Bên cạnh đó, Ma Văn Kháng đã dựng lên những hình tượng biếm hoạ về những kẻ tha hoá trong ngành giáo dục. Chúng là những “con sâu bỏ rầu nồi canh”, bất tài, vô dụng, quen ỷ thế làm càn, tìm cách hãm hại người lương thiện chỉ vì đố kỵ nhỏ nhen, tham tiền và hám gái (Quốc Thanh trong Gặp gỡ ở La Pan Tẩn). Sức mạnh chiết toả từ những trang viết của Ma Văn Kháng về người Thày người Trò và những vấn nạn trong ngành giáo dục hôm nay, về sự lạc hậu, giáo điều trong truyền đạt tri thức, về thói quan liêu vô trách nhiệm, bệnh thành tích, sính khoa trương, hình thức, về sự bất nhẫn trong hành xử giữa những người trong nghề, cùng giới v.v… cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị! Tinh thần trách nhiệm đối với sự nghiệp đổi mới nền giáo dục của đất nước, niềm mong mỏi sự hoàn thiện về năng lực và nhân cách, đạo đức sư phạm của mỗi một người Thày cùng chí tiến thủ của lớp lớp học trò “hậu sinh khả uý”… vẫn ngầm lan toả trên những trang văn của Ma Văn Kháng.

Ma Văn Kháng, có thể nói, đã là một gạch nối, tiếp sau Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Nam Cao, ông là nhà giáo – nhà văn của thế hệ mới, để lại một mảng tác phẩm gây ấn tượng sâu sắc, có sức hấp dẫn lâu bền đối với người đọc – từ những hình tượng nhân vật giầu sức biểu hiện và khái quát cao về ngành giáo dục qua những thăng trầm của lịch sử dân tộc, vẫn rạng rỡ những nét đẹp trong nhân cách kẻ sĩ nơi Người Thày khả kính!

Nguyễn Ngọc Thiện