HỮU LOAN

(1916 – 2010)

Nhà thơ Hữu Loan (tên khai sinh Nguyễn Hữu Loan), sinh năm 1916, quê ở Ngọc Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá, tham gia cách mạng từ năm 1936, gây dựng phong trào Việt Minh ở quê, kháng chiến chống Pháp tham gia phục vụ quân đội, phụ trách báo Chiến sĩ của sư đoàn 304 quân khu V, sau 1954 về công tác ở báo Văn nghệ, Hội nhà văn một thời gian rồi trở về sống ở Nga Sơn, Thanh Hoá. Ông mất năm 2010. Tác phẩm chính đã xuất bản: Màu tím hoa sim (thơ 1990).

Từ biệt cõi thế ở tuổi 95, cố nhà thơ Hữu Loan trong tâm trí bạn bè văn chương và độc giả cả nước, vẫn sừng sững một cốt cách thi nhân. Ông sừng sững như Đèo Cả trong thi ca kháng chiến và sống mãi như Màu tím hoa sim trong trái tim triệu người.

Có một điều ít người biết, khi tác giả nổi tiếng của bài thơ Màu tím hoa sim qua đời, trên đường vào xứ Thanh viếng nhà thơ Hữu Loan ngày 19/3/2010 năm ấy, nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn VN vừa đi trên xe ô tô vừa hối hả viết điếu văn cho kịp lễ an táng vào buổi chiều cùng ngày. Trao đổi với chúng tôi: ông Hữu Thinh xúc động kể lại chuyện cách đây hơn 20 năm, ông cùng đoàn nhà văn của Báo Văn Nghệ vào làm việc với lãnh tỉnh Thanh Hóa để khôi phục sổ lương hưu cho nhà thơ Hữu Loan sau nhiều năm bị gián đoạn bởi những nghi vấn văn chương gian quan đến vụ Nhân văn giai phẩm giai đoạn trước đây. Năm 1989, sau ba mươi lăm năm không được nhận lương Nhà nước, cầm sổ truy lĩnh lương hưu trên tay, ông già 73 tuổi Hữu Loan rưng rưng lên xe đò về Hà Nội, đến gặp Ban biên tập Báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn cảm ơn rồi đi uống rượu suốt đêm với các nhà thơ Văn Cao, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Hoàng Cầm… những bạn văn thời đầu cách mạng cùng cảnh ngộ trắc trở, thăng trầm vì văn chương – nghệ thuật như ông.

Nhận xét về thơ Hữu Loan, ông Hữu Thỉnh cứ xuýt xoa khâm phục nói với tôi: “Hữu Loan là một trong những nhà thơ đặc sắc, nổi bật nhất của thơ ca kháng chiến chống Pháp với một cá tính thơ độc đáo hiếm thấy trong sáng tạo. Ông là một nhà thơ với tài năng đặc biệt của mình kết hợp được một cách tài hoa hai mảng thơ khó kết hợp nhất là mảng thơ trữ tình đầy hào hoa, nặng trĩu tình yêu quê hương với mảng thơ hào sảng đầy chất anh hùng ca. Có thể nói, hai mảng thơ này của nhà thơ Hữu Loan đã tìm được điểm tựa trên hai nền tảng là hồn cốt của đồng ruộng quê hương và hiện thực bi tráng của kháng chiến, tạo nên một bút pháp đặc sắc của ông. Hai mảng thơ ấy được Hữu Loan khai thác, kết hợp và đẩy tới tận cùng cảm xúc của mình. Do vậy, ai đã gặp nhà thơ Hữu Loan rồi, dù chỉ một lần, cũng không thể nào quên ông được. Và làm được như thế thì khó lắm thay! Về mặt số lượng sáng tác thì thơ Hữu Loan không đồ sộ, nhưng về mặt chất lượng lại đạt được nhiều bài đỉnh cao. Người ta đọc thơ Hữu Loan và gặp vẻ đẹp tâm hồn của một nhà thơ với những cung bậc đa dạng và chiêm ngưỡng cốt cách “của một thị nhân lớn”, nhà thơ Hữu Thỉnh lại xuýt xoa ngợi khen.

Sinh ngày 2/4/1916 ở Ngọc Lĩnh, Nga Sơn, Thanh Hóa, thời trẻ Hữu Loan tốt nghiệp tú tài, nhưng chỉ ở nhà dạy học tư kiếm sống rồi tham gia cách mạng năm 1936, hoạt động phong trào Mặt trận bình dân, tham gia Việt Minh ở thị xã Thanh Hóa. Những năm kháng chiến chống Pháp, ông từng giữ chức Phó chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa huyện Nga Sơn, Uỷ viên Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Thanh Hoá, kiêm Trưởng ty bốn Ty: Giáo dục, Thông tin, Công chính và Thương chính. Sau đó ông tham gia phục vụ trong quân đội, được cử làm Chủ bút báo Chiến sỹ của Sư đoàn 304 ở Liên khu IV. Sau 1954, Hữu Loan về công tác ở Tạp chí Văn nghệ một thời gian ngắn rồi bỏ về sống Nga Sơn làm nghề thợ đá, nuôi một đàn con tới 10 người.

Quá khứ cách mạng “lẫy lừng” như thế, nhưng Hữu Loan là một nhà thơ rất cảm khái, vì không bằng lòng với cách làm “văn nghệ” của một số người, ông bỏ công việc báo, trở về quê làm nông phu “chân lấm, tay bùn” cho nhẹ đầu. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho biết, hồi năm 1954, trước khi Hữu Loan bỏ báo Văn Nghệ về quê sống, ông đã “khăn gói quả mướp” đến thức suốt một đêm với nhà thơ, họa sĩ Văn Cao ở phổ Yết Kiêu. Trong đêm ấy, hai nhà thơ đi quanh hồ Thiền Quang, vừa đi vừa uống, vừa đi vừa ngẫm ngợi. Nhà thơ Văn Cao thì cố giữ Hữu Loan ở lại, nhưng nhà thơ Đèo Cả vẫn quyết về quê làm “Lão nông trị điền”. Không biết họ đã uống bao nhiêu rượu và tâm sự với nhau những gì trong cái đêm chia tay buồn bã ấy, chỉ biết, sáng sớm hôm sa , Hữu Loan ra bến xe Kim Liên bắt xe đò trở về quê.

Hữu Loan lặng lẽ sống suốt mấy chục năm ở xứ Thanh, lăn lưng đi làm thuê “chở đá, đốn củi” kiếm tiền nuôi vợ con. Người vợ đầu của Hữu Loan là bà Lê Đỗ Thị Ninh chết trẻ trong kháng chiến chống Pháp và bài thơ Màu tím hoa sim ông viết cho bà ấy khi:

Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh

Tôi người Vệ quốc quân
xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới

Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ
bé bỏng chiều quê…

Nhưng không chết
người trai khói lửa
Mà chết
người gái nhỏ hậu phương
Tôi về
không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương
tàn lạnh vây quanh

Tóc nàng xanh xanh
ngắn chưa đầy búi
Em ơi giây phút cuối
không được nghe nhau nói
không được trông nhau một lần

Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa
một mình đèn khuya
bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo
ngày xưa…

Một chiều rừng mưa
Ba người anh trên chiến trường Đông Bắc
Được tin em gái mất
trước tin em lấy chồng
Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về
cỏ vàng chân mộ chí

Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt
Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Ai hỏi vô tình hay ác ý với nhau
Chiều hoang tím có chiều hoang biết
Chiều hoang tím tím thêm màu da diết
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu…
Màu tím hoa sim, tím tình trang lệ rớm
Tím tình ơi lệ ứa
Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành
Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn
Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím
Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu
Áo anh nát chỉ dù lâu…

(1949, Màu tím hoa sim)

Bài thơ Màu tím hoa sim có nhiều dị bản truyền tụng khác nhau, đây đã được xác nhận là bản gốc. Bài thơ này đã được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc như Dzũng Chinh, Phạm Duy, Anh Bằng, Duy Khánh, Nguyễn Đặng Mừng, Thu Hồ, Hồng Vân. Vợ tác giả tên thật là Lê Đỗ Thị Ninh, là con gái cụ Lê Đỗ Kỳ. Lê Đỗ Kỳ cùng công tác tại Uỷ ban tỉnh Thanh Hoá sau Cách mạng tháng Tám với Hữu Loan. Cụ Kỳ nguyên là Chánh Thanh tra Lâm nghiệp toàn Đông Dương. Cụ Kỳ có nhiều con trai là sỹ quan quân đội Nhân dân VN nổi tiếng: Con trai cả là Lê Đỗ Khôi, hy sinh tại Điện Biên Phủ 5 tiếng đồng hồ trước khi quân ta cắm cờ trên sở chỉ huy của Pháp. Tiếp đó là Lê Đỗ Nguyên, tức Trung tướng Hồng Cư. Em ông Cư là Lê Đỗ An, tức Nguyễn Tiên Phong, sau là Bí thư Trung ương Đoàn TNCS HCM. Em ông Nguyên là Đại tá Lê Đỗ Thái. Hai ông Hồng Cư và Lê Đỗ Thái hiện sống ở Hà Nội và đều lấy con gái GS.Đặng Thai Mai.

Tại thời điểm những năm 1950 – 1951, bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan đã mở đầu cho một giai đoạn thơ trữ tình kháng chiến viết về các mối tình “bi tráng” hậu phương – tiền tuyến của những lứa đôi mà tiếp theo dòng chảy ấy là các bài thơ Núi đôi của Vũ Cao thời chống Pháp và sau này Quê Hương của Giang Nam thời chống Mỹ. Bà vợ sau của Hữu Loan kém ông gần ba chục tuổi, hai ông bà sau này sinh được 10 người và 37 đứa cháu. Năm 2004, bài thơ Màu tím hoa sim của nhà thơ Hữu Loan được một Công ty tư nhân bỏ ra 100 triệu đồng mua bản quyền với lòng trân trọng và quý mến tài thơ của ông. Đóng thuế thu nhập mất 10 triệu đồng, ông cho con cháu 60 triệu đồng, còn 30 triệu đồng, ông để in tập thơ Hữu Loan và đề “phòng thân” lúc cuối đời.

Năm 1988 , khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, nhà thơ Hữu Loan bắt đầu “tái xuất giang hồ” và trong chuyến “hành hương phương Nam” năm ấy, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo được đón tác giả Màu tím hoa sim ở cố đô Huế và tổ chức cuộc nói chuyện của nhà thơ Hữu Loan với các nhà văn miền Trung. Đêm gặp mặt ấy, khi một người đưa cho Hữu Loan chiếc micro để ông nói cho to hơn trước đám đông thì nhà thơ gạt đi và nói “Tôi lâu lắm không tiếp xúc đám đông. Thời cướp chính quyền hồi đầu cách mạng, tôi cũng có dịp nói chuyện trước đồng bào nhưng lâu quá rồi nên quên mất thói quen ấy!”. Nguyễn Trọng Tạo dí dỏm nhận xét: “Sau cả nửa thế kỷ, Hữu Loan vẫn giữ nguyên tác phong của một cán bộ cách mạng kháng chiến. Nhưng điều quan trọng hơn, ông ấy là một nhà cách – mạng – thơ thật sự”. Ông được anh em văn chương quý trọng cả về nhân cách thơ và nhân cách sống vì ông là người khí khái, cương trực.

Theo đánh giá của nhiều nhà phê bình văn học, thi ca kháng chiến với Nhớ máu của Trần Mai Ninh và Đèo Cả của Hữu Loan là hai cột mốc đáng ghi nhớ. Bài thơ Đèo Cả của nhà thơ Hữu Loan vào năm 1946, có thể nói đã mở ra một thời kỳ mới của thơ ca cách mạng vào với tính tráng ca lẫm liệt với âm hưởng hùng vĩ giàu sức chiến đấu:

Núi cao vút
Mây trời Ai Lao
                      sầu
                           đại dương
Dặm về heo hút
Đá bia mù sương
Bên quán Hồng Quân
                               người
                                        ngựa
                                               mỏi
Nhìn dốc ngồi than
                           thương ai
                                          lên đường
Chầy ngày
               lạc
                   giữa suối
Sau lưng
             suối vàng
                          xanh
                                  tuôn
Dưới khe
              bên suối độc
                                cheo leo
                                            chòi canh
                                                          ven rừng hoang
Những người
                   đi
                      Nam Tiến
Dừng lại đây
                  giữa
                         đèo núi quê hương
Tóc tai
          trùm
                 vai rộng
Không nhận ra
                     người làng
Rau khe
            cơm vắt
                        áo
                           pha màu
                                       sa trường
Ngày thâu
               vượn hót
Đêm canh
                gặp hùm
                             lang thang
Gian nan lòng không nhợt
Căm hờn trăm năm xa
Máu thiêng trôi dào dạt
Từ nguồn thiêng ông cha

Giặc
        từ trong
                    tràn tới
Giặc
         từ Vũng Rô
                          bắn qua
Đèo Cả
           vẫn
                giữ vững
Chân đèo
                máu giặc
                             mấy lần
                                         nắng khô
Sau mỗi trận thắng
Ngồi bên suối đánh cờ
Kẻ hái cam rừng ăn nheo mắt
Người vá áo thiếu kim mài sắt
Người đập mảnh chai vểnh cằm cạo râu

Suối mang
                bóng người
Trôi những về đâu…./.

Sau này, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho chúng tôi biết, có đánh máy hộ cho nhà thơ Hữu Loan 3 trường ca (mỗi bài 600-700 câu) cho đến nay vẫn chưa được xuất bản. Ba trường ca này viết về đời sống xã hội, viết về những cảm nhận của nhà văn trong cuộc sống phải mưu sinh vất vả nhưng lành sạch của mình. Ông Tạo cho biết thêm, giọng điệu của Hữu Loan trong 3 trường ca này vẫn “oai hùng” như giọng điệu trong bài thơ Đèo Cả hồi đầu cách mạng. “Tôi không biết hiện nay 3 trường ca của Hữu Loan nằm ở đâu, vì sau khi đánh máy xong tôi đã đưa lại cả bản thảo và bản đánh máy cho ông, không hiểu gia đình nhà thơ có còn lưu giữ được không vì lâu nay chẳng thấy ai nhắc tới. Ấn tượng về Hữu Loan trong lòng bạn hữu văn chương rất đẹp. Cái dáng vóc khỏe khoắn, cương nghị, khí khái của lão nông “kiêu hùng” như ông có những nét vời vợi như tượng đồng, như đá tạc. Hôm nay, người thơ ấy đã ra đi, nhưng thơ ông vẫn sừng sững bên nẻo trời thi ca như Đèo Cả, như tượng đá, như màu hoa sim vẫn cháy lặng trong tâm hồn bao người”, ông Tạo ngậm ngùi nói.
Nguyễn Việt Chiến
Thơ Việt Nam tìm tòi và cách tân (1975-2015)