Nhà thơ Mai Văn Phấn sinh năm 1955, tại Kim Sơn, Ninh Bình, hiện sống và sáng tác ở thành phố Hải Phòng, hội viên Hội nhà văn Việt Nam, từng được trao giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam và một số giải thưởng văn học khác.

Ông là tác giả của nhiều tập thơ in riêng: Giọt nắng, Gọi xanh, Cầu nguyện ban mai, Nghi lễ nhận tên, Vách nước, Trường ca Người cùng thời,… Thơ Mai Văn Phấn được giới thiệu tại Anh Quốc, Hoa Kỳ, Canada, Hàn quốc, Singapore,…

Trong thời gian chủ biên cuốn sách Thơ Việt Nam – Tìm tòi và cách tân 1975 – 2015, chúng tôi đã nhận được sự hưởng ứng của giới viết trẻ và không ít các nhà thơ đã thành danh đang tìm tòi, cách tân thơ đầu hào hứng và quả quyết, trong đó có nhà thơ Mai Văn Phấn ở Hải Phòng. Khoảng hơn một thập niên trở lại đây, anh và một số nhà thơ của thế hệ hậu chiến đã nổi bật lên như những cây bút tiềm tàng sức sáng tạo, hướng về những cách tân thực sự mang lại cho thi ca một hơi thở mới, một sức sống mới và một biến động mới làm lung lay những “nền tảng” cũ trong thơ trước đó.

Không ít người cho rằng, giá trị “thật” của thi ca là phải có thơ “hay” chứ không cần thơ phải “mới” (thà “cũ” mà hay còn hơn “mới” mà dở!). Nhưng một số người lại cho rằng, nếu các nhà thơ hậu bối cứ học hỏi, “bắt chước” kiểu viết của các đại thi hào ở những thế kỷ trước thì làm sao nền văn học Việt Nam có được những “giá trị mới” của thơ Tiền chiến 1930 – 1945 còn ảnh hưởng đến tận hôm nay. Như vậy, mỗi thời đại đều có diện mạo thơ ca riêng của mình, mang hơi thở và sức sống của thời đại đó. Vì thế, những tài năng thơ ở mỗi giai đoạn mới, dường như đều nỗ lực kiếm tìm những giá trị mới trong nghệ thuật, để cho thơ hành trình cùng với đời sống tinh thần của con người qua mỗi chặng thời gian.

Nhà thơ Mai Văn Phấn đang hướng tới những bến bờ của cách tân ấy, anh đã bước đầu có được những dấu ấn riêng trong nền thơ đương đại của chúng ta với tư cách là một nhà thơ rất chuyên nghiệp, chuyên sâu và có nhiều ý tưởng mới. Trong bài thơ Chọn cảnh dưới đây, chúng ta sẽ thấy Mai Văn Phấn, với một “góc nhìn” mới về thơ cách tân đã nắm bắt và triển khai thi pháp hiện đại một cách sáng tạo như thế nào:

Trong mơ ngả mình trên biển
gối đầu lên tay em

Em nghĩ nơi đây biển sâu 8 mét
(tôi đọc được ý nghĩ)
có đám mây và chim hải âu

Tôi mang giấc mơ ra phố
lúc ăn sáng thấy mình giống miếng mộc nhĩ
sôi lên trong nồi nước dùng
nồi nước sâu 8 mét

Vào thăm bạn trong ngõ hẹp
biển số nhà giống miếng mộc nhĩ trong nồi nước dùng
tiếng bạn vọng từ độ sâu 8 mét

Khép bớt cửa vì lạnh
Hơi ẩm mơ hồ ngấm xuống rất sâu

Thấy khoảng cách từ chân ghế tới bức tượng
tiếng mọt kêu tới vụt nhanh tia chớp
giữa những khuôn mặt trong quán phở xa lạ…
bằng khoảng cách giữa đám mây và chim hải âu
đẹp tuyệt vời trên độ sâu 8 mét

Một bài thơ mang lại cho ta thấy những bất ngờ đến từ mỗi câu thơ và ta không thể đoán định nổi câu thơ sau Mai Văn Phấn sẽ viết gì về “cái độ sâu 8m” đã ám ảnh nhà thơ (và ám thị luôn cả người đọc). Bạn đừng đòi hỏi sự có lý, sự hợp chuẩn, sự dễ hiểu của những bài thơ hiện đại kiểu này, nó có vẻ như phi – đời – sống và phi – hiện – thực nhưng nó chính là một đời sống hiện thực 100% theo kiểu nhìn “nghiêng”. Và ở giác độ mới này, nhà thơ đã phát hiện giúp chúng ta những cảm nhận khác lạ về một số hiện tượng đời sống ở những góc rất khôi hài và nhiều ý vị.

Với Mai Văn Phấn, mỗi bài thơ là một thể nghiệm để có được một phát hiện mới, một ghi nhận mới về sự cách tân. Anh miệt mài như thế đã nhiều năm, anh đọc khá kỹ và khá nhiều  tác giả thơ hiện đại của thế giới để nắm bắt những trường phái cách tân thơ hiện nay. Sau những kiên trì thể nghiệm (có lúc đã đạt tới một cái gì đấy, và cũng có khi còn lúng túng, hoang mang), thơ Mai Văn Phấn thời gian gần đây bắt đầu “non xanh” trở lại và bớt đi những liên tưởng rắc rối (khiến người đọc thấy choáng sốc nhiều hơn là được thưởng ngoạn vẻ đẹp của thơ). Và bài thơ Nghe em qua điện thoại là một dẫn chứng về sự “non xanh” ấy:

Tiếng em trong điện thoại rất trong và nhẹ

Một giọt nước vừa tan

Một mầm cây bật dậy

Một quả chín vừa buông

Một con suối vừa chảy

Khoảng cách tới đầu dây bên kia là ruộng đồng, làng mạc, quang gánh. Là xe cộ, tháp dựng, rễ sâu. Giọng em không vượt qua mà làm cho chúng bé lại, mở thông những cánh cửa sang nhau. Anh nghe em nhờ rễ sâu mở những vỉa tầng linh thiêng trong đất ấm, con sông chảy vào quang gánh, làng mạc phồn sinh tháp dựng, cánh đồng tươi tốt trên xe cộ.

Nói tiếp cho anh những câu bâng quơ không nội dung.

Lát nữa em đặt ống nghe, chắc mọi vật sẽ loay hoay tìm về đường cũ

Chỉ còn gợn sóng lan xa

Chỉ còn tan trong diệp lục

Chỉ còn thoảng bay dịu ngọt

Chỉ còn bờ đá lung lay

Một bài thơ tình khá hiện đại, tôi có cảm thấy thơ Mai Văn Phấn đang bắt đầu có độc giả và họ là những người đọc thời @ – cái thời mà giá trị thi ca đang chịu rất nhiều thử thách và đang trăn trở tìm lối thoát.

Bàn về thơ trong bài Bản năng gốc của thơ là…bệnh trầm uất?, Mai Văn Phấn cho rằng: “Thơ ca nhằm khai mở tiếng nói mới, hoặc tìm lại âm sắc thuở hoàn nguyên đã mất. Từ khi hình thành ngôn ngữ, tiếng nói loài người luôn bị biến dạng, vừa đào sâu vào bản chất sự vật… vừa làm chúng méo mó, dị hình trong vỏ bọc ngôn ngữ. Vậy phải chăng, thơ ca ngoài mục đích tải đạo, tuyên truyền, mô phỏng, diễn tả…, nó còn tìm cách đặt tên lại sự vật, định hình lại thế giới. Việc sáng tạo thi ca gần giống trạng thái bàng hoàng của một đứa trẻ lần đầu được nhìn thấy những hiện tượng kỳ lạ của thiên nhiên và khám phá những bí ẩn, phức tạp của con người. Một bình minh vừa rạng, con sâu trong nách lá, hay tiếng thở dài của một thiếu phụ… Tất cả hiện lên trong thơ ca luôn tươi non, mới mẻ, như ta vừa được thấy lần đầu. Cùng một hiện tượng, sự vật đời sống, nhưng chúng hoàn toàn khác nhau trong cách nhìn mỗi nhà thơ. Có bao nhiêu nhà thơ là bấy nhiêu con đường đến với thi ca. Tầm vóc nhà thơ càng lớn dung chứa không gian thi ca càng rộng, càng riêng biệt, cũng như ảnh hưởng, áp lực lên cộng đồng càng mạnh. Nó như bóng cây lớn có thể làm râm mát thảo mộc ở gần. Nhà thơ là người được chọn (tạm gọi Thượng đế chọn), được “ơn gọi” trong tinh thần của Jesus Christ, gặp được “nhân duyên” trong Phật giáo. Là người được may mắn nhìn thấy một thế giới khác, mang hình hài nó, nhưng không phải nó. Gọi tên vẻ đẹp cụ thể nhưng khó nắm bắt ấy chính là lý tưởng thi ca mà nhà thơ vươn tới. Vẻ đẹp này không phải lúc nào cũng hiển hiện trước mắt nhà thơ, mà xuất hiện như một “cơ duyên”, hoặc đột khởi trong những biến động tinh thần con người. Thường được ra đời trong những cơn dư chấn, nên nhiều người đã lầm tưởng thơ ca chính là lòng phẫn nộ, nỗi tuyệt vọng, hay sự quá khích của hưng phấn. Tất cả đều nhầm lẫn và ngộ nhận. Mọi trạng thái tình cảm con người, như mừng, giận, yêu, ghét, buồn, vui, muốn… đều là cái cớ cho thi ca chứ hoàn toàn không phải mục đích. Mục đích của thi ca là tạo lập một từ trường, để trong không gian đặc biệt ấy, tất cả từ đồ vật đến linh hồn đều được cất tiếng nói, được công bằng như nhau trong một trật tự mới. Những hình ảnh hiện lên trong không gian ấy là cánh cửa mở ra tương lai hoặc tìm về với quá khứ, hoặc tất cả cùng đồng hiện và đồng hành trong những thời khắc đặc biệt. Trong lần trả lời phỏng vấn của nhà thơ Lưu Diệu Vân, tôi đã nói: Bản năng gốc của thơ là… bệnh trầm uất. Nỗi buồn trải nặng trên bộ phận nào của nhà thơ? Không, toàn thân nhẹ bỗng, muốn cất cánh. Nhà thơ cảm thấy nhu nhược khi phải đối diện với… vẻ đẹp quá sức tưởng tượng (chịu đựng) của mình. Mỗi người chỉ có một lần cơ hội… chết như một nhà thơ. Một nghịch lý nhà thơ đang tôn thờ: Ý nghĩa của Thi ca. Ngôn ngữ là phương tiện củ… sự bất lực và giả dối. Sự bất tận có thể so sánh với… ngu lâu dốt bền. Một bằng chứng huy hoàng của sự thất bại trong đời sống tâm linh của nhà thơ: thấy mình thành thần tượng. Sự dốt nát của con người được biểu lộ qua hành động: quay vái lạy chiếc áo vừa treo lên giá (thơ MVP). Chu vi phòng thủ của sự chết nằm ở… đường bao của sự kiêu hãnh được dát ra mỏng nhất.

Về thơ hay. Mãi còn đó những tranh luận “Thế nào là thơ” nên chuyện thơ hay càng mông lung hơn khi lý giải. “Hay là điểm sáng đầu tiên nhưng chỉ là một phần nằm trong tổng thể giá trị thẩm mỹ của bài thơ. Ý niệm “thơ hay” chắc chắn thay đổi theo quan niệm thẩm mỹ Đông – Tây, vùng miền, thời đại… “Hay” còn cần được lý giải trên nhiều khía cạnh: ngôn ngữ, tư tưởng, thần thái bài thơ… Đi tìm một bài thơ hay toàn diện, hay trong mọi thời đại, hay với mọi người là chuyện mò kim đáy biển. Thơ hay không hạn chế đề tài, cũng không quy định bởi trường phái, thể loại, cũ & mới, truyền thống hay hiện đại. Thơ hay cũng không nhất thiết lệ thuộc vào vần điệu, tiết tấu, phải dễ thuộc, dễ nhớ, vì thơ ngoài để thuộc lòng, còn để đọc và cảm nhận. Thơ thường đến tình cờ với thi sỹ trong khoảnh khắc đốn ngộ, xuất thầ… Thơ hay, còn tuỳ khả năng đồng sáng tạo của người đọc. Tác phẩm của nhà thơ có thể ví như những bông hoa được ngắt từ cánh đồng rộng lớn, nhưng nếu người thưởng hoa không biết nâng niu, không chọn được chiếc bình hợp lý để cắm, dĩ nhiên những bông hoa ấy không còn nguyên giá trị, thậm chí phản cảm. Người đọc vương tới cái đẹp bằng “nền văn hoá cá nhân”, bằng khát vọng đồng hành với tác giả mới mong có sự đồng điệu, tiếp nhận đúng bản chất và giá trị tác phẩm. Tác giả – bạn đọc chính là cặp phạm trù làm thay đổi đời sống văn học chậm chạp, buồn tẻ hiện nay. Pablo Neruda than thở rằng: “Thơ đang dần bị thu hẹp vào vương quốc của riêng nó, rằng bây giờ chỉ có các nhà thơ đọc thơ nhau. Nhưng tôi tin, thơ sẽ hay hơn nếu chúng ta biết đón chờ những giá trị mới bằng một tâm thế mới”.