Cơn chếnh choáng xoay vần trời đất lại,
Chốc ngâm nga xáo lộn cổ kim đi.
Cái công danh là cái chi chi,
Quý nhân tưởng bất như nhàn nhân quý(1).
Thú yên hà(2) gửi nơi thành thị,
Nhớ Đông Ba, Gia Hội(3) có hai cầu.
Khi gió mát lúc trăng thâu,
Dập dìu những văn nhân tài tử.
Trong ngọc đá vàng thau ai biết thử,
Có xanh xanh trên ấy đã cầm quyền.
Đua hồng sánh lục(3) bấy nhiêu niên,
Nào đã thấy hoa khôi là mấy mặt.
Thôi cũng muốn Nam vô Di đà Phật,
Trót dở đem thân thế hẹn tang bồng(4).
Nghìn dặm đường một gánh non sông,
Còn mơ tưởng năm xưa cầm với hạc(5).
Thời nhân bất thức dư tâm lạc(6),
Mượn phong tình mà giả nợ phong lưu.
Thanh nhàn ngâm một vài câu,
Biết đâu ấm lạnh, biết đâu ngọt bùi.
Để cho đó gẫm mà coi.

Nguồn: Nguyễn Công Trứ cuộc đời và thơ do Đoàn Tử Huyến chủ biên, NXB Lao động, 2011


* Chú thích:

(1) Người quyền quý hẳn không quý bằng người thanh nhàn.

(2) Yên hà: khói và ráng; chỉ thú vui thanh tao.

(3) Đông Ba, Gia Hội: địa điểm ở phía Bắc kinh thành Huế, có hai cái cầu, nơi dạo chơi của đám văn nhân tài tử.

(4) Tang bồng: Xem chú thích ở bài Đi thi tự vịnh.

(5) Cầm hạc: đàn và chim hạc. Tích kể đời nhà Tống có Triệu Thanh Hiến làm quan rất thanh liêm, đến nơi nhậm chức chỉ đem theo một cây đàn và một con chim hạc.

(6) Người đời không biết lòng ta vui. Đây là câu thơ của Trình Hiệu đời Tống trong bài Xuân nhật ngẫu thành.