Kể từ khi tập thơ Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh được phát hiện và được dịch ra tiếng Việt để phổ biến rộng rãi, cho đến nay đã 50 năm. Trong 50 năm ấy, đã có biết bao công trình nghiên cứu, bình luận, phân tích (trong đó có cả những chuyên luận) về tập thơ này, tưởng như khó có khía cạnh nào mới để tìm hiểu nữa. Thơ Nhật kí trong tù lại được đưa vào SGK các cấp, cho nên việc học tập thơ của Hồ Chí Minh đã thành phong trào quần chúng chứ không còn là việc riêng của nhà nghiên cứu. Khát vọng tự do, ý chí cách mạng kiên cường, lòng yêu nước thiết tha, ý thức tự tu dưỡng bản thân trong nghịch cảnh, tinh thần nhân đạo bao la, lòng yêu thiên nhiên, tính chất umua, hài hước thâm thúy, hóm hỉnh là những phẩm chất cao đẹp khiến tập thơ nhận được sự mến mộ, yêu chuộng phổ biến cả trong và ngoài nước.

Ngày nay đọc lại bản in đầy đủ Nhật kí trong tù, điều khiến tôi thú vị là tính chất nôm na trong thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh, biểu hiện một con người gần gũi, đời thường, thân thương, cho dù làm thơ bằng chữ Hán.

Trước đây, khi người ta đưa bản dịch Nhật kí trong tù vừa thực hiện xong cho Bác xem, Người đã nhận xét các chú dịch thơ Bác hay quá, có ý nói các dịch giả đã phần nào “văn chương hóa”, “thi vị hóa”, làm đẹp thơ của Người, làm cho nó bớt nôm na đi, cứ nghĩ như thế mới xứng với thơ của Bác. Lại có người như nhà thơ Trung Quốc Quách Mạt Nhược đã khen thơ Hồ Chí Minh theo lối so sánh với các mẫu mực Đường Tống, cho rằng nhiều bài thơ trong tập, đặt chung với thơ Đường thơ Tống cũng không phân biệt được. Không ít giáo sư Việt Nam cũng khen thơ Hồ Chí Minh trong tập này theo lối đó. Kể ra cũng có phần đúng ở bề ngoài, bởi một số bài thơ được Bác làm theo lối phỏng cổ, đọc lên vẫn thấy dư vang âm điệu cổ điển. Thực ra đó là kiểu làm thơ chơi, không nhằm tạo ra sáng tác mới. Cách đánh giá Nhật kí trong tù bằng cách so với các mẫu mực cổ điển của thơ Trung Hoa theo tôi là không thỏa đáng. Ông Quách Mạt Nhược không nhìn thấy cái mới trong lối thơ mang tính chất văn xuôi, bạch thoại của tập Nhật kí trong tù. Điểm thứ nhất, trong bài Khán Thiên gia thi hữu cảm (Cảm tưởng đọc Thiên gia thi) Hồ Chí Minh đã đối lập thơ xưa và thơ hiện đại, sao lại còn đánh giá thơ ông theo mẫu mực cũ? Trong bài có câu: “Hiện đại thi trung ưng hữu thiết, Thi gia dã yếu hội xung phong” (Trong thơ hiện đại cần có thép, Nhà thơ cũng phải biết xung phong). Bản tiếng Việt dịch “Nay ở trong thơ nên có thép” bỏ mất mấy chữ “trong thơ hiện đại” – tức là những chữ mà ở đó Bác tự coi thơ mình làm là thơ hiện đại, mang phong cách hiện đại, chứ Bác không làm thơ cổ. Thơ hiện đại của Người là thơ bạch thoại, thơ văn xuôi, sử dụng đủ loại chất liệu của bản thân đời sống. Có không ít nhà nghiên cứu do không biết chữ Hán, không hiểu được thâm ý của Hồ Chí Minh, chỉ biết thơ Nhật kí trong tù giống thơ Đường, thơ Tống, thế là đánh giá nó theo tiêu chí Đường Tống, chỉ đề cao mấy bài thơ phỏng cổ, nhại cổ, mà bỏ qua hoặc không đánh giá đúng hầu hết các bài thơ hiện đại của ông. Điểm thứ hai là cách làm thơ của Hồ Chí Minh trong tù chỉ là để giải khuây, không giống với các thi sĩ làm thơ. Trong bài Khai quyển có chữ “liêu tá” nghĩa là “tạm mượn” đã xác định rõ rằng ngâm thơ ở đây là để giết thời gian, vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do. Bác làm thơ không như một số nhà thơ khác, có khi ba năm mới được một chữ, mà phải làm nhanh để ghi kịp sự kiện. Tuy vậy, ta đều biết, “phong cách ấy là con người”, cho nên thơ Người, dù không cố ý làm mà vẫn hay, vẫn mang cái thần của người, vừa thành thật, vừa nôm na như có lần ông tự thổ lộ: Mấy lời thành thật nôm na, Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân.

Đặc điểm nổi bật thứ nhất của thơ Nhật kí trong tù là thơ luật, thơ tứ tuyệt, thơ ngũ ngôn, một ít bài thơ thất ngôn bát cú, giống như thể loại trong tập Thiên gia thi mà Người có nhắc đến trong bài Khán Thiên gia thi hữu cảm. Đó là điều không phải chứng minh nữa, nhiều học giả đã nghiên cứu, phân tích rồi. Điều cần nói thêm là thơ luật ở đây chủ yếu chỉ tuân thủ quy định về số câu, số chữ, bằng trắc, còn các yêu cầu khác như niêm, điển cố… đều không đòi hỏi chặt chẽ. Điểm thứ hai là tuy thơ làm theo khuôn khổ thơ luật, song ngôn ngữ phần nhiều lại là bạch thoại. Đây cũng là điểm khác với thơ bạch thoại của người Trung Quốc hiện đại, bởi thơ bạch thoại của họ chủ yếu là thơ tự do, không hạn chữ, hạn vần, không làm theo luật, hoặc nếu có thì theo “luật mới”, ví như thơ của Hồ Thích, Chu Tác Nhân, Lưu Bán Nông, Lưu Bán Khê, Băng Tâm, Văn Nhất Đa, Quách Mạt Nhược, Từ Chí Ma, Đới Vọng Thư… Người Trung Quốc hiện đại vẫn làm thơ từ theo luật cổ, ví như thơ Mao Trạch Đông, trong đó dùng nhiều từ cổ, điển cố xưa rất kì khu. Chỉ cần lướt qua các chú thích dày đặc của tập thơ từ Mao Trạch Đông, thiếu nó, người đọc hiện đại rất khó hiểu, thì biết. Làm thơ cổ không chỉ một mình Mao Trạch Đông mà còn có rất nhiều người, giống hệt ở bên ta, nhiều cụ già khi về hưu, thường lấy việc sáng tác thơ đường luật làm một thú vui tao nhã. Họ có tạp chí riêng để công bố loại thơ đó. So sánh với loại thơ đó, ta thấy thơ Nhật kí trong tù của Bác Hồ tỏ ra “nôm na” hẳn. Điều này góp phần bác bỏ lập luận cho rằng tập thơ Nhất kí trong tù không phải do Hồ Chí Minh làm, mà do một người Trung Quốc nào đó viết. Một là người Trung Quốc nói chung, không thể làm kiểu thơ luật cổ bạch thoại như thế, và thứ hai, nội dung tập thơ lại gắn chặt với quá trình tư tưởng, tình cảm của Hồ Chí Minh, một con người cụ thể, từ khi bị bắt, bị tù cho đến khi được ra tù trong suốt hành trình sang Trung Quốc làm nhiệm vụ. Không ai có thể làm “hộ” được kiểu thơ đó, và Bác là tác giả duy nhất của tập thơ là điều không còn gì phải bàn cãi.

Trở lại tính chất nôm na trong thơ Nhật kí trong tù. Có thể nói phần lớn các bài thơ trong tập đều pha trộn cấu trúc cổ văn và cấu trúc câu bạch thoại, thậm chí là khẩu ngữ, một điều rất hiếm gặp trong thơ cổ. Câu thơ cổ điển thường được danh ngữ hóa và tỉnh lược các hư từ. Câu thơ bạch thoại thường được động ngữ hóa, điều đó kéo theo việc sử dụng phổ biến các giới từ, hư từ. Tính chất nôm na thể hiện ở ba phương diện sau.

Một là dùng các cấu trúc câu bach thoại với các giới từ như: bả, bị, tài, dã…; các giới từ phương hướng như tòng, hướng; các đại từ giá, na… Ví dụ bài Tại Túc Vinh nhai bị khấu lưu, câu “Túc Vinh khước sử ngã mông nhục, Cố ý trì diên ngã khứ trình” (Túc Vinh mà lại khiến ta mang nhục, Cố ý làm chậm trễ hành trình của ta), “khước sử”, “cố ý trì diên” đều là ngôn từ bạch thoại. Câu “Gián điệp hiềm nghi không niết tạo, Bả nhân danh dự bạch hi sinh” (Bày đặt chuyện tình nghi làm gián điệp, Làm mất hết danh dự của người ta) với “bả” đều là câu có cấu trúc văn xuôi bạch thoại. Cụm từ “không niết tạo” và “bạch hi sinh” là cách nói bạch thoại, khẩu ngữ và có tính chất văn xuôi. Bài Thế lộ nan thứ ba câu: ”Trung thành ngã bản vô tâm cứu, Khước bị hiềm nghi tộ Hán gian” (Lòng trung thành ta vốn chẳng có gì hổ thẹn, Thế mà lại bị hiềm nghi làm Hán gian) “bị hiềm nghi tộ Hán gian” là câu văn xuôi bạch thoại. Trong bài Đổ bác (Đánh bạc) có câu “Dân gian đổ bác bị quan la” mấy chữ “bị quan la” tức là bị quan bắt, vừa bạch thoại, vừa khẩu ngữ. Bài Song thập nhật giải vãng Thiên Bảo (Ngày tết song thập giải đi Thiên Bảo) có câu “Ngã khước kim thiên bị bang giải” (Thế mà hôm nay ta bị trói giải đi) cũng hoàn toàn là cấu trúc văn xuôi bạch thoại. Bài Cước áp số 1 cũng vậy. Câu “Vãn thượng trương khai bả cước thôn, Các nhân bị thôn liễu hữu cước, Chỉ thặng tả cước năng khuất thân” (Buổi tối ngoác mồm nuốt chửng chân. Mỗi người bị nuốt chân bên phải, Co duỗi chỉ còn chân trái thôi) Chữ “bả” là câu văn xuôi, “thôn liễu” chỉ kết quả hành động trong Hán ngữ hiện đại. Cũng theo cấu trúc bạch thoại, bài Vọng nguyệt rất nổi tiếng, cấu tứ theo cổ thi, nhưng hai câu kết: “Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt, Nguyệt tòng song khích khán thi gia”, cấu trúc “hướng… khán” và “tòng… khán” lại là kiểu bạch thoại. Lối hành văn này thuận tiện cho tác giả và cho người đọc bình dân hiện đại, mà không hề ảnh hưởng tới cấu tứ bài thơ. Bài thơ Đáp hỏa xa vãng Lai Tân có câu: “Tuy nhiên chỉ đắc tọa thán thượng, Tất cánh tỉ đồ bộ phiếu lượng” (tuy nhiên chỉ được ngồi trên đống than, Rốt cuộc so với đi bộ thì đẹp chán). Các hư từ “tuy nhiên”, “chỉ đắc tọa thán thượng”,“tất cánh”, “tỉ”, “phiếu lượng” đều là các từ ngữ văn xuôi đã được sử dụng tự nhiên, thú vị. Khi dịch ra tiếng Việt các sắc thái ngữ nghĩa này đều biến mất, người Việt hầu như không cảm thấy được sự phân biệt này, đã lầm tưởng thơ Bác viết hoàn toàn theo phong cách thơ cổ điển.

Hai là sử dụng các từ hiện đại, từ khẩu ngữ, thành ngữ. Dùng từ hiện đại ví dụ bài Tẩu lộ, chữ “tẩu” đây là bạch thoại, nghĩa là “đi”, nếu là từ cổ văn ngôn thì “tẩu” có nghĩa là “chạy”. Nếu hiểu theo cổ văn “chạy” thì bài thơ thành ra vô nghĩa. Trong bài Chia nước (Phân thủy) có hai câu: “Thùy yếu tẩy diện vật phanh trà, Thùy yếu phanh trà vật tẩy diện” (Ai muốn rửa mặt chớ pha trà, Ai muốn pha trà chớ rửa mặt). Chữ “yếu” chữ “tẩy” đều là từ hiện đại. Hán ngữ hiện đại dùng rất nhiều từ “đích” chỉ quan hệ sở hữu, phụ thuộc. Tại bài Dạ bán (Nửa đêm) có câu: “Thiện ác nguyên lai vô định tính, Đa do giáo cục đích nguyên nhân” (Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, Phần nhiều do nguyên nhân của giáo dục). Chữ “đích” làm cho câu thơ thành văn xuôi. Trong bài Độc Tưởng công huấn từ” (Đọc lời huấn thị của ông Tưởng Giới Thạch), có câu “Quyết tâm khổ cán dữ ngạnh cán, Tự hữu thành công đích nhất thiên” (Quyết tâm gian khổ cũng làm, và làm cứng rắn, Tự nhiên sẽ có một ngày thành công). Mấy chữ “thành công đích nhất thiên” là bạch thoại, rất văn xuôi. Trong bài Cấm yên (Cấm thuộc lá) có chua thêm mấy chữ “Chỉ yên đích” nghĩa là “thuốc lá cuốn thành điếu”, một cấu trúc bạch thoại. Tập thơ còn nhiều từ “đích” nữa, chúng tôi tạm lược qua. Đặc biệt trong câu ở bài Độc Tưởng công có hai từ khẩu ngữ: “khổ cán” và “ngạnh cán”. “Khổ cán” là chấp nhận gian khổ mà làm. “Ngạnh cán” nghĩa là làm mạnh, làm rắn, làm tới, không dao động. Trong tập thơ còn có mấy trường hợp chữ “ngạnh” nữa mà nghĩa khác nhau. Trong bài Tù đánh bạc (Đổ phạm) có câu “Ngạnh phạm hào soạn thiên thiên hữu, Cùng phạm cơ diên cộng lệ thùy” (Tù cứng ngày ngày no rượu thịt, Tù nghèo dãi với lệ cùng tuôn). Chữ “ngạnh” đây chỉ tù giàu có. Chữ ngạnh có khi chỉ “chết cứng”, ví như trong bài Nhất cá đổ phạm ngạnh liễu (Một người tù cờ bạc chết cứng rồi). Các từ này vừa có tính khẩu ngữ vừa có tính chất tiếng lóng. Ví như trong bài Lai Tân có câu thơ câu “Huyện trưởng thiêu đăng biện công sự”, thường dịch là “Chong đèn, huyện trưởng làm công việc”, song “thiêu đăng” theo người bạn Trung Quốc nói với Đặng Thai Mai, là tiếng lóng chỉ việc hút thuốc phiện. Trong bài Nạn hữu Mạc mỗ (Nạn hữu họ Mạc) có câu “Xa đại pháo tài chân vĩ đại”, trong đó “xa đại pháo tài” có nghĩa là tài nói phét, khoác lác, chém gió. Từ khẩu ngữ rất nhiều. Ví dụ như bài Buổi sớm thứ 2, có câu “Khuyến quân thả ngật nhất cá bão, Bĩ cực chi thì tất thái lai” (Khuyên anh hãy gắng ăn no bụng, Bĩ cực rồi ra ắt thái lai). Câu này theo tôi phải dịch là “Khuyên anh cứ chén no cái đã” mới đúng ý vị khẩu ngữ của nó, còn dịch “hãy gắng ăn no bụng” thì trung tính quá, không còn sắc thái gì.

Ba là dùng các cách viết phiên âm bằng chữ la tinh. Như chữ “Oa…! Oa…! Oaa…” trong bài Tân Dương ngục trung hài (Đứa bé trong nhà lao Tân Dương), tiếng phiên âm như chữ “sĩ đích” từ là cái gậy. Có nhan đề chỉ là dấu hỏi (?) hoặc dấu than (!).

Tóm lại, xét về mặt thơ ca, thơ Nhật kí trong tù có một số bài phỏng cổ, là thơ làm theo thi pháp thời trung đại. Nhưng đặc sắc hơn cả, theo tôi là các bài thơ làm theo văn bạch thoại, mang tính chất văn xuôi. Chính loại thơ này thích hợp với thể nhật kí của tập thơ, phù hợp với việc ghi lại nhiều tình huống, nhiều hình ảnh của đời sống trong tù ngục, đầy bi hài, chua chát, u mua, hóm hỉnh. Đó là phong cách thơ nôm na, bình dị rất đặc trưng cho văn phong của Hồ Chí Minh. Điều này chứng tỏ Người rất thành thạo bạch thoại, hiểu các sắc thái từ ngữ khẩu ngữ, tiếng lóng, đưa được hết vào thơ, tạo thành một phong cách mới chưa từng có. Nêu đặc điểm “nôm na” trong thơ Nhật kí trong tù không có nghĩa là hạ thấp giá trị nghệ thuật của thơ trong tập thơ. Giá trị nghệ thuật của tập thơ là do chỗ nó thể hiện sinh động cuộc sống thực tế và tình cảm của con người một cách chân thật, đặc sắc tạo nên, chứ không phải là do nó “giống” với các mẫu mực cổ xưa của Đường thi mà có. Chính phong cách “nôm na” ở đây mới là Việt Nam, là sáng tạo, độc nhất vô nhị, còn xem nó hao hao với Đường thi lại là hạ thấp giá trị của tập thơ, coi đó là chỉ thứ thơ bắt chước khéo léo, hoàn toàn không đúng với cách đánh giá đối với một tập thơ có tính sáng tạo. Cách đánh giá đó cũng đi ngược lại tư tưởng của Hồ Chí Minh, vì chính ông cũng coi thơ của Thiên gia thi đã cũ rồi, không phải là mẫu mực của ông nữa. Việc Hồ Chí Minh làm thơ bạch thoại, khẩu ngữ cũng không phải vì ông không sành văn ngôn. Chúng tôi ddaxc có dịp đọc thấy nhiều bài lưu bút của ông trong một số bảo tàng Trung Quốc, cũng như một số bức thư khác viết bằng văn ngôn, lời lẽ uyên súc, tao nhã không khác người Trung Quốc. Rõ ràng Người muốn làm một loại thơ mới hiện đại.

Tất nhiên giá trị to lớn của tác phẩm Nhật kí trong tù gắn với nội dung tư tưởng của bậc lãnh tụ, song nội dung ấy không tách rời với hình thức mới mẻ của thơ văn xuôi, bạch thoại dười hình thức truyền thống của Người.

Trần Đình Sử