Mỗi khi Tết đến trong tôi lại nôn nao nỗi nhớ về một miền cổ tích, nơi tôi sinh ra và có những tháng ngày ấu thơ đầy ắp những kỷ niệm. Tết với người lớn luôn là sự lo toan vất vả, khi biết bao nhiêu thứ cần phải mua sắm bằng tiền, mà với nền kinh tế của đại đa số người dân quê tôi khi xưa đều eo hẹp, nghèo khó khi chỉ trông vào lúa, ngô, khoai, sắn thu hoạch nơi ruộng đồng, thì đồng tiền kiếm được qua một năm không lấy gì làm dư giả. Chẳng vậy mà người lớn là những trụ cột trong các gia đình luôn phải trăn trở, lo nghĩ để làm sao đấy cho gia đình mình có một cái Tết tươm tất, không kém cạnh so với hàng xóm láng giềng. Vâng, người ta từng bảo “đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết”, hay “số cô chẳng giàu thì nghèo, ngày Ba mươi Tết thịt treo trong nhà”… ý nói lên rằng, dù gia cảnh có nghèo đói, túng kém, thiếu ăn quanh năm đến như thế nào chăng nữa, thì trong mấy ngày Tết những trụ cột trong gia đình cũng phải cố gắng chạy vạy, vay mượn để gia đình mình được ăn một cái Tết đủ đầy các món cơ bản, trước là để cúng ông bà tiên tổ, sau là để được ăn uống no nê thoả thích. Chính vì mỗi khi Tết đến là đều phải lo toan như thế, nên hầu như chẳng mấy người lớn thích Tết, thậm chí họ còn… “sợ” Tết là đằng khác.
Thế nhưng, với trẻ con, những người còn chưa tới tuổi lo tuổi nghĩ thì luôn thích Tết với một sự háo hức và niềm vui sướng khôn tả. Tôi từng có suốt những năm tháng tuổi thơ ngóng trông, đợi chờ Tết như vậy, nên khi lớn lên rồi, trở thành người lớn, bắt đầu phải lo toan cho cuộc sống bộn bề của cơm, áo, gạo, tiền, tôi cảm thấy luyến tiếc về một thời hồng hoang của tuổi trẻ. Ngày ấy, mỗi khi Tết còn cách đến cả tháng trời mới tới, vậy mà bọn trẻ trong làng tôi đã luôn ngóng trông, đếm đợi từng ngày, từng ngày một. Đứa nào cũng mong cho Tết đến thật nhanh để không phải đến trường học trong cả tuần trời. Rồi thì, sự thích thú và niềm vui sướng vô bờ bến chắc chắn sẽ đến với bất cứ đứa trẻ quê nào trong những ngày Tết, đó là được ăn các bữa cơm với vô số các món ngon đầy mâm, đầy bát. Nào thịt gà, thịt bò, nem rán, cá kho, thịt đông, giò, chả; rồi canh mắng, canh bóng… Ngoài ra còn có vô số các loại bánh, đó là: bánh chưng, bánh dầy, xôi gấc; hay như bánh kẹo cũng có rất nhiều thứ, từ kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo cam, kẹo socola, bánh quy, bánh xốp… Nói chung là mấy ngày Tết chúng tôi được ăn thỏa thích, ăn theo nhu cầu chứ không lo bị bố mẹ o ép, cấm đoán như dịp ngày thường. Ngoài ra, trong dịp Tết dẫu kinh tế các gia đình ở nông thôn đều khó khăn nhưng trẻ con vẫn luôn được bố mẹ mua cho quần áo mới để mặc diện Tết. Rồi thì các phong bao đỏ thắm đựng tiền lì xì của ông bà, bố mẹ, những người họ hàng trong thời khắc Giao thừa, hay vài ngày đầu xuân năm mới, cũng luôn khiến chúng tôi đợi chờ từng giây từng phút. Ôi, tựu chung là mỗi dịp Tết với trẻ em thôn quê như chúng tôi thuở ấy luôn là tất cả những gì vui sướng và tuyệt vời nhất. Chẳng vậy mà, khi đắm say trong những ngày Tết với niềm vui bất tận như thế thì đứa trẻ nào cũng chỉ muốn Tết qua đi thật chậm…
Suốt những năm tháng ấu thơ sống ở làng quê, tôi cũng được hưởng đủ đầy sự háo hức, những niềm vui khôn tả như bao đứa trẻ quê khác trong những dịp Tết đến xuân về. Tôi luôn thích thú “ấn tượng” với bầu không khí gia đình mình cũng như các gia đình hàng xóm lo chuẩn bị sửa soạn Tết. Dịp Tết luôn chỉ có 3 ngày chính, đó là ngày cuối năm và 2 ngày đầu năm mới, thế nhưng Tết thường đến sớm hơn với gia đình tôi, khi ngày 27 tháng Chạp, nghĩa là còn cách 3 ngày nữa mới đến ngày cuối cùng của năm, là bố mẹ tôi thường mổ lợn để lấy phần thịt sửa soạn ăn Tết, cũng như dành gói bánh chưng. Cũng có năm, do nhà không nuôi lợn, hoặc lợn nuôi chưa kịp lớn, thì mẹ tôi lại “ăn đụng” với những nhà hàng xóm khác. Hình thức “đụng lợn” ngày Tết như vậy ở làng quê tôi vẫn luôn duy trì từ xưa và cho tới tận ngày nay vãn còn, bởi như vậy vừa tiện lợi, vừa vui, lại thể hiện sự gắn bó keo sơn tình làng nghĩa xóm. Tôi còn nhớ, cứ nhằm ngày 28 tháng Chạp thường kỳ hàng năm, bao giờ gia đình tôi cũng gói bánh chưng, và mấy anh chị em chúng tôi luôn được mẹ phân công lo rửa lá bánh, đãi đậu đỗ, phụ giúp bố quanh nong bánh, mỗi khi bố cần sai bảo việc gì đó. Những năm còn nhỏ xíu, mỗi lần bố gói bánh chưng Tết như thế, bao giờ tôi cũng nài nỉ bố gói cho vài chiếc bánh chưng nhỏ xinh để “góp vui”, khoe với nhóm bạn trong xóm. Công việc luộc bánh chưng cũng rất thú vị, khi tháng Tết trời lạnh giá, nên khoảng thời gian ngồi canh chừng nồi bánh sôi ùng ục là lúc sưởi ấm rất tuyệt, nên gia đình tôi các thành viên ai cũng muốn nhận làm. Có nhiều năm, mẹ chải chiếu sát cạnh nồi luộc bánh để cả nhà vừa ngồi canh bánh, sưởi ấm, rồi tiện thể bố mẹ kể chuyện cổ tích cho các con nghe…
Vào hôm 29 tháng Chạp cận Tết là ngày mà tôi luôn phải cùng mẹ và chị cả lo dọn dẹp nhà cửa, cũng như lau chùi sạch sẽ tinh tươm các đồ thờ cúng trên bàn thờ để đón Tết. Khi lau dọn bàn thờ, bao giờ mẹ cũng luôn nhắc nhở chị em tôi phải cẩn trọng với bát hương, ống cắm, lư đồng…, bởi nếu không sẽ bị sứt mẻ, vỡ méo… Sau khi công việc dọn nhà, sửa soạn bàn thờ xong, chiều cùng ngày, bao giờ cả gia đình tôi cũng ra nghĩa trang của xã để mời linh hồn ông bà, các cụ, tiên tổ về nhà ăn Tết cùng con cháu. Ở quê thường có tục lệ như vậy, nên gia đình nào cũng phải thực hiện nghi thức này, chẳng vậy mà ngày này các nghĩa trang trong vùng luôn nhộp nhịp người và nghi ngút khói hương.
Trong suốt những năm tháng tuổi thơ, vào dịp Tết tôi luôn nhớ hơn cả đó là vào ngày cuối cùng của năm cũ được theo mẹ đi chợ Tết để mua sắm thực phẩm, các thứ phục vụ cho việc ăn uống của gia đình trong suốt 3 ngày Tết. Chợ Tết ở bất cứ làng quê nào vào ngày cuối cùng của năm cũng đều đông như nêm cối. Người người chen chúc nhau bán mua, mời mọc. Năm nào tôi cũng luôn được đi chợ Tết cùng mẹ. Nhiệm vụ của tôi là ngoài việc đứng trông quanh gánh để mẹ rảnh rang chuyện bán mua hàng hoá, thì khi về tôi cũng luôn là người phụ tá đắc lực trong việc gánh vác bớt hàng hóa để mẹ đỡ phần vất vả, nặng nhọc. Đi chợ sắm Tết mẹ luôn mua biết bao là thứ, từ măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương, rau, hoa tươi…, cho đến các loại bánh kẹo, hộp mứt, hương đốt, dầu hỏa dùng để thắp đèn… Mua biết bao là hàng hóa lỉnh kỉnh là vậy, nhưng chẳng năm nào mẹ quên mua các thứ quà cho tôi để ăn dọc đường, khi thì mấy nắm bỏng ngô đường, lúc lại chục kẹo bột, kẹo vừng, hay nhiều khi là dăm tấm mía, mấy múi bòng bưởi… Nói chung là đi chợ tết theo mẹ bao giờ tôi cũng được ăn thoả thích bao nhiêu thứ quà. Quà mẹ mua cho nhiều đến nỗi, tôi ăn từ chợ cho tới khi về đến nhà rồi mà vẫn còn chưa hết…
Ngày 30 Tết- ngày Tất niên, cũng chính là ngày đầu tiên trong dịp 3 ngày Tết, vì thế mà ngày này gia đình nào cũng làm cỗ Tết to nhất, với nhiều món ngon nhất để trước là cúng ông bà tiên tổ, sau là cả nhà đoàn tụ quây quần ăn uống sau một năm dài vất vả lo toan. Tùy theo mỗi gia đình có thể làm cỗ cúng Tết vào buổi sáng, hoặc buổi chiều tối. Với gia đình tôi thì năm nào bố mẹ cũng luôn để chiều tối 30 mới làm cơm, bởi bữa cơm cúng Tất niên vào chiều ngày cuối cùng của năm luôn ý nghĩa, đầy ấm cúng. Trước khi sửa soạn làm cơm, bao giờ mẹ cũng nhắc tôi, chị Cả, anh Hai đi tắm gội sạch sẽ để tẩy rửa hết những bụi bẩn ô uế, trước khi bước sang thời khắc năm mới. Dù bận thế nào thì mẹ vẫn luôn nấu một nồi nước to cây hoa rau mùi (ngò) để cả nhà cùng tắm, bởi đây là loại nước thảo mộc rất thơm tho, khi tắm xong còn lưu giữ lại trên thân thể cả vài ngày sau mà vẫn còn hương thơm quyến rũ. Rồi, sau khi cả nhà ăn bữa cơm Tất niên xong, trong lúc chị em chúng tôi mải lo bỏ quần áo mới ra mặc, thì mẹ phải dọn dẹp, rồi lo mổ gà, nấu chè hoa cau, chè con ong, xôi gấc… để lo cho lễ cũng Giao Thừa- một lễ cúng Tết thiêng liêng mà bất cứ một gia đình Việt nào dù ở quê, ở thành phố, hay ở hải ngoại thì cũng đều thực hiện.
Ba ngày Tết với nhiều niềm vui, sự thích thú của lũ trẻ quê chúng tôi rồi cũng qua đi chóng vánh, để rồi nhịp sống của những ngày thường trở lại, với các bữa cơm độn ngô, khoai, sắn giản đơn, cùng với tương cà rau muối… Tôi lớn lên qua biết bao những mùa Tết tuổi thơ đầy ắp những kỷ niệm đẹp đẽ và vui vầy như thế, vì vậy mà khi đã là người trường thành, có lẽ chẳng bao giờ tôi có thể quên được không khí Tết của những ngày xưa ấy, dẫu không thể đủ đầy về vật chất như Tết của thời hiện đại bây giờ, nhưng nó vui lắm, đáng nhớ lắm…
Thạch Bích Ngọc
(ĐHQG, TP.Hồ Chí Minh)