I.

Nàng là giáo viên dạy văn trung học, khá đẹp, tuổi cỡ ba chục mùa khai giảng. Nàng tìm đến tòa soạn với một tập bản thảo trong tay, buông một nụ cười lủng lẳng cùng cái liếc cháy xẹt mặt biên tập viên họ Nguyễn: “Anh cố gắng in cho em một bài lấy điểm bảo vệ, anh nhớ! Rồi em sẽ trả ơn anh xứng đáng.”

Chàng biên tập viên mủm mỉm: “Em trả ơn anh gì nào?”
Nàng lửng lơ: “Anh muốn gì em cũng chiều!”
Chàng hỏi: “Luận văn em làm về cái gì?”
Nàng thỏn thẻn: “Dạ em làm về Nam Cao.”

Chàng nhăn mặt: “Em ơi, Nam Cao có cả tỉ người làm rồi. Báo anh không in những bài viết về tác giả cũ. Nếu em làm tác giả mới thì anh có thể giúp.”

Nàng phụng phịu dẩu môi rất chi là đa nghĩa: “Dưng mà anh ơi… làm tác giả mới thì em chết!”
Chàng nhướng mắt kinh hãi: “Chết? Sao mà chết?”

Nàng cúi mặt mân mê tà áo mỏng tang cánh chuồn xậm xịu: “Là vì… làm tác giả mới thì em… phải đọc. Phải viết mới hoàn toàn. Như thế thì em cũng vất vả, mà thầy cũng vất vả. Mí lại… thầy đã gợi ý em làm Nam Cao, trái ý, khi bảo vệ thầy quay em ra tóp! Thôi, cứ làm tác giả cũ cho chắc ăn anh ạ”.

Chàng đón tập bản thảo của nàng. Mới liếc qua mấy trang chàng đã ngao ngán giấu một tiếng thở dài. Những luận điểm, câu chữ, bố cục… y chang những “luận văn chợ trời” mà nhiều thạc sĩ, tiến sĩ tương lai đã ôm đến cho chàng đọc cùng lời nhờ vả. Vốn tính thương người (đẹp), chàng tĩnh tâm hít một hơi lấy lại bình tĩnh bảo:
“Em nên làm về tác phẩm mới. Vất vả tí nhưng sẽ là cái riêng, có thể để lại dấu ấn. Anh sẽ giới thiệu một vài tác giả để em lựa chọn.
Nàng cúi đầu ngẫm nghĩ rồi ngước lên: “Vâng.”

Chàng biên tập viên mừng húm, bắt đầu thao thao nói về những nhà văn đương đại đã có thành công trên văn đàn. Nhưng hỡi ôi, nhắc đến tác giả tác phẩm nào nàng cũng ngồi ngây như người Việt Nam nghe tiếng… Brazil! Đừng nói đến các tác giả trẻ, ngay cả các “ông to bà lớn” đang làm mưa làm gió văn đàn nàng cũng chưa bao giờ… nghe nói!

Khi tiễn nàng về rồi, chàng biên tập viên mới ngửa cổ lên trời gào lên một câu thống thiết: “Sao lại có thứ cô giáo dạy văn mà không bao giờ đọc sách hở giời!”

II.

Cách nay chục năm, mấy anh em nhà cháu về quê một người bạn chơi. Nhà bạn nằm giữa cánh đồng mênh mông, có vườn cây, ao cá. Để đãi khách, bạn đã tổ chức một bữa câu cá thưởng trăng cùng người đẹp.

Người đẹp mà anh bạn mời tới là cô em họ, một cô giáo dạy văn cấp 2. Mới nhìn thấy cô từ xa các nhà văn đã xốn xang. Cô đẹp. Đẹp theo cách cổ điển. Mái tóc dài buông ngang hông vương hương bồ kết. Mắt bồ câu bắt trăng lung linh. Nụ cười e ấp kiểu thôn nữ…

“Em mê văn lắm í, nên mới xin phép bố mẹ đến chơi với các nhà văn.”

Lời tự giới thiệu rất ngọt trong cảnh trăng thanh gió mát hứa hẹn một cuộc chơi lãng mạn trữ tình giữa miền thôn dã khiến ai nấy đều thấy hồn thanh sạch lâng lâng.

Nhà cháu bắt đầu màn chào hỏi:
“Ở trường em có thư viện chứ?”
“Vâng. Có. Dưng mờ quanh năm… chỉ có mỗi em lên đọc thôi.”
“Ồ, quý hiếm quá! Thế cô giáo đọc những tác giả nào?”

Cô giáo ngập ngừng hồi lâu, như đang rà lại hàng trăm tác giả đã đọc. Nhà cháu trong bụng lo ngay ngáy. Lo là với mớ kiến văn hạn hẹp của mình sẽ không đủ để tiếp chuyện cô giáo thì ê mặt.

“Em thích Trần Đăng Khoa!”
Cô giáo bất ngờ reo lên hồn nhiên như trẻ nhỏ khiến các nhà văn cũng vui lây. Thích Trần Đăng Khoa là ổn rồi.

“Thế em thích nhất tác phẩm nào của ông ấy?”
“Dạ, em thích nhất là Hạt gạo làng ta!”

Nhà cháu đã ngờ ngợ, nhưng hỏi thêm:
“Em đã đọc những cuốn sách nào của Trần Đăng Khoa?”
Cô giáo bẽn lẽn cười:
“Em có đọc cuốn nào của ông ấy đâu. Em chỉ đọc mấy bài trong sách giáo khoa thôi!”
Nói xong cô giáo không giấu giếm sự ngượng ngùng khiến nhà cháu phải nói đỡ:
“Đó là những tác phẩm hay nhất của Trần Đăng Khoa rồi. Thế em có đọc báo VN không?”
“Dạ… không…”
“Thế em có đọc tạp chí VNQĐ không?”
“Dạ… không…”
“Thế em thường đọc sách báo gì?”
“Dạ, em đọc báo TT, báo TP, báo MT… với báo AT… với báo… với báo… với… với…”

Cô giáo liệt kê có đến hơn chục đầu báo dành cho tuổi teen, phụ nữ, báo dạy làm đẹp, nấu ăn… Để tạo cơ hội ghi bàn cho cô, nhà cháu khen cô có sức đọc khỏe rồi tiếp:
“Thế thì em biết nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đấy nhỉ?”

Hỏi câu này là bởi hồi đó xảy ra sự kiện truyện ngắn Cánh đồng bất tận bị đánh tơi tả, tên và ảnh Nguyễn Ngọc Tư xuất hiện dày đặc trên các mặt báo từ Nam chí Bắc, chắc chắn cô giáo phải biết. Nhưng nhà cháu đã nhầm. Cô giáo thành thật… lắc đầu.

Đến nước này thì nhà cháu cũng bắt chước anh bạn biên tập viên nọ mà ngửa cổ lên giời định kêu một tiếng. Nhưng rồi chợt nhận ra mình đang ở quê của cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, nên đành ngồi im “tựa gối ôm cần” nhìn mông lung vào mặt ao trăng sáng lênh loang. Không ai nói thêm được câu nào. Đêm khuya thanh vắng, nghe mông lung “Cá đâu đớp động dưới chân bèo”…

Thấy không khí sượng sần, cô giáo xin phép ra về. Anh bạn tiễn em ra cổng rồi quay lại… mắng anh em nhà cháu:
“Các ông đừng có được voi đòi hai Bà Trưng. Nó là con gái, nhiệm vụ của nó là đẹp. Nó đến chơi để nghe các ông nói chuyện chứ không phải đến để nghe các ông truy bài. Mà các ông truy ngay giới nhà văn í. Ối ông cũng chả đọc sách đâu. Sách công cụ, sách kinh điển còn không đọc, nói gì đọc tác phẩm của nhau.”

III.

Cũng cách nay chục năm rồi, khi giai nhớn nhà cháu học lớp 9, 15 tuổi, bắt đầu dậy thì. Tuổi này con trai rất không muốn gần bố. Có chuyện gì cu cậu đều bắn tin qua mẹ. Ấy vậy mà bỗng dưng cu nhắn cho bố một cái tin lạ: “Con được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi Văn cấp tỉnh đó bố!”

Đọc tin, nhà cháu ngồi thừ hồi lâu. Rồi nhắn lại:
“Việc đó có gì mà tự hào hả con?”

Thằng bé im tịt, chắc giận bố lắm.

Nhà cháu lúc đó cũng hơi ân hận và tự trách mình. Nhưng rồi lại tự bào chữa. Là cha là mẹ ai chả muốn con mình học giỏi, nhất là giỏi Văn. Nhưng giỏi theo kiểu của con thì…

Năm thằng cu lớp 6, mỗi lần về là nhà cháu lại bảo con mang bài thi các môn ra bố kiểm tra. Các môn khác cu cậu học đều. Riêng môn Văn bập bõm. Có hai bài tập làm văn khiến nhà cháu phải chú ý.

Một bài với đề: “Hãy tả một buổi ra chơi của lớp em.”
Cu con làm bài thế này: “…Giờ ra chơi các bạn nam chia phe đá bóng. Phe em có bạn Tuất rất siêu. Mỗi khi có bóng, đôi chân bạn dẻo như kẹo singum hút dính khiến quả bóng không tài nào sổng ra được. Bạn rê bóng qua một rừng chân như qua chỗ không người rồi tung một cú sút cực nét khiến thủ môn đội bạn đứng hình…”

Bài văn còn dài, đây chỉ là một đoạn, nhưng bị cô giáo sửa be bét. Chữ “phe” đổi thành “đội”, “siêu” được thay bằng “giỏi”, “dẻo như kẹo singum” được thay bằng “khéo léo”, “sổng” được thay bằng “rời”, “cực nét” được thay bằng “chính xác”, “đứng hình” được thay bằng “đứng như trời trồng”… Lời phê của cô giáo: Cách dùng từ tuỳ tiện. Điểm: 5.

Bài thứ hai: Đề “Hãy tả lại một ngày nghỉ của gia đình em!”
Cu con viết: Sáng chủ nhật bố em nằm võng đọc báo, mẹ em đi chợ. Em tranh thủ học bài rồi chơi với em Hà. Trưa mẹ về, cả nhà xúm vào nấu nướng. Mẹ em làm món bún riêu. Bố em xắn tay giúp mẹ giã cua. Em cũng góp phần rửa rau. Em Hà 3 tuổi chưa biết làm gì nhưng cũng giơ tay nói: “Con xung phong vào bếp”. Bé sờ hết cái này sang cái khác, miệng hỏi liến thoắng. Bố mắng yêu: “Con lên nhà chơi, ở đây vướng chân quá!”... Bài văn sạch tinh tươm, không có nét gạch xoá, sửa chữa của cô giáo. Lời phê: Bài làm tốt, tả cảnh sinh hoạt gia đình sinh động. Điểm: 9.
Đọc xong hai bài văn nhà cháu buồn nẫu cả người. Bài thứ nhất, thằng cu viết đúng theo quan sát và cảm nhận của đứa trẻ 13, được miêu tả bằng những từ ngữ sáng tạo, phản ánh đúng tính cách lứa tuổi hiếu động, tinh nghịch của học sinh lớp 6. Vậy mà những từ rất hay kia lại bị cô thay bằng những từ đúng đến độ… bạc phếch!

Đáng buồn hơn ở bài thứ hai. Đây là một mẫu văn rất quen trong sách giáo khoa. Thằng bé đã học thuộc và bê vào gần như nguyên si. Buồn vì con học vẹt một thì buồn vì con không trung thực mười. Bố quanh năm công tác, về nhà thì quơ hết việc này quào sang việc khác, có bao giờ thảnh thơi để nằm võng đọc báo? Và em Hà, em Hà nào thế? Nó có hai thằng em trai phá như giặc Nguyên Mông, anh em đánh lộn suốt ngày. Nó không muốn, hay không đủ khả năng để tả thực cảnh sinh hoạt nhà mình? Hay nó đã rút kinh nghiệm từ bài văn điểm kém trên kia nên chọn giải pháp an toàn là làm theo văn mẫu? Con ơi là con! Chính vì con làm theo văn mẫu nên con đã có những ấu trĩ không thể chấp nhận được. Em Hà, cái nhân vật tưởng tượng của con mới 3 tuổi thì biết thế nào là xung phong? Làm sao mà hỏi liến thoắng được? Bập bẹ như trẻ lên ba cơ mà?

Trong cơn thất vọng, nhà cháu tính tìm gặp cô giáo trao đổi vài câu. Nhưng rồi lại lưỡng lự, tặc lưỡi, chả dại. Xã hội An Nam, ngôi vị của “thầy” lớn hơn “cha”, chỉ đứng sau “vua”. Mình mở miệng không khéo lại bị cô giáo lại mắng cho mấy mắng rằng anh biết gì mà nói.

Và từ đó môn Văn của cu con luôn luôn ở mức “ổn định – thiết thực – vững chắc”, điểm Văn cao nhất trong các môn. Điểm số ấy gieo vào não thằng bé một niềm ảo tưởng khốn khổ.

Học hết 12, cu cậu toan thi khối C để theo nghề văn. Trước tình huống nguy cấp, bố con nhà cháu đã có một cuộc đối thoại như hai người đàn ông.

“Theo cảm nhận của bố, con không có năng khiếu văn chương, nên chọn thi khối tự nhiên.”
“Con học Văn tốt mà bố.”

Nhà cháu bảo con đưa tập vở ôn luyện môn Văn, đọc chậm một bài làm và nói: “Toàn chữ của các thầy trong các cuốn sách luyện thi. Không có chữ nào, câu nào của con. Nếu thi khối C con sẽ đỗ, đỗ cao là khác. Nhưng kiểu học văn như này, có tốt nghiệp thì con cũng không thể độc lập viết một bài báo, nói gì đến viết văn. Vì thế sẽ chả báo nào nhận. Hoặc có được nhận vào đâu đó thì cũng phải có hai điều kiện, hoặc là Quyền, hoặc là Tiền. Mà cả hai thứ ấy bố đều không có. Thi tự nhiên! Nếu thực sự có tài văn, sau này con theo vẫn chưa muộn. Chấm hết!”

Khi kể lại chuyện này với mấy anh em trong cơ quan, nhà cháu bị lên án là “một ông bố gian ác”. Nhà cháu đáp, đúng vậy. Vì tôi tổ chức gia đình theo nguyên tắc: Độc đoán gia trưởng là đương nhiên; dân chủ có, nhưng đang ở giai đoạn thể nghiệm; và sẽ áp dụng quân phiệt khi cảm thấy cần thiết. Tôi làm thế vì không muốn sau này lại phải nói khó với chú T, chú H cho cháu nó vào đọc morat hoặc pha trà rót nước ở tòa soạn mình.

Và bây giờ thì cu cậu trong câu chuyện này đã là một kĩ sư tin học. Tuy kĩ sư tin học nhưng vẫn… đọc sách. Và điều quan trọng là vừa ra trường chàng đã được mời về làm việc trong một tập đoàn lớn, lương năm nhất đã bằng lương của ông bố có hơn 30 năm theo cách mạng.

IV.

Anh bạn của nhà cháu nguyên là giảng viên dạy Văn một trường cao đẳng miền núi. Bố mẹ anh đều là giáo viên. Cô em gái cũng là giáo viên – giáo viên dạy Văn. Gia đình anh được xếp vào hàng trí thức toàn tòng. Nếu như anh cứ yên tâm với nghề giáo thì chắc chẳng có chuyện gì để nói. Nhưng số anh đắm đuối với cái Đẹp nên sau khi uể oải với những bài giảng đóng khung trên giảng đường, anh chìm đắm vào sáng tác. Khổ cho anh, dính ngay giải Nhất cuộc thi truyện ngắn ở một tờ báo văn chương lớn. Bởi thế mà anh về Thủ đô.

Một tối sau bữa cơm bụi vỉa hè, anh bạn ngập ngừng nói với nhà cháu:
“Ông ạ, tôi phải kiếm đủ 50 triệu làm… luận án tiến sĩ.”
(Xin nói thêm, đây là giá cách đây chục năm, giờ thì… trượt giá, cao gấp mấy lần rồi).

Mới nghe thế, nhà cháu cắt ngay:
“Điên à! Lương ông tháng mấy triệu, ăn cơm bụi chửa đủ no, tích cóp bao giờ cho đủ ngần ấy tiền?”
“Nhưng mà…”
“Nhưng mà gì? Cơ quan văn nghệ người ta chỉ phục tài nhau qua tác phẩm, chả ai mang học hàm học vị ra so đâu.”
Anh bạn gãi đầu khổ sở:
“Thì tôi cũng biết thế… Nhưng mà…”
“Nhưng mà sao? Ông cứ viết cho hay như hiện nay thì ai dám coi thường ông?”
“Ừ, cơ quan không ai coi thường… Nhưng mà… em gái tôi nó coi thường. Hôm nọ tôi về, nó dám nói trước cả nhà rằng, ’em không hiểu sao anh lại đi theo cái nghề văn dở hơi ấy. Em tưởng anh về Hà Nội để làm luận án tiến sĩ mang lại vẻ vang cho gia đình’…”

Ca này lạ đây. Những câu chuyện giáo viên dạy văn ‘khinh sách’ chợt ùa về, nhà cháu buột hỏi:
“Thế em gái ông có đọc sách không, có đọc văn của ông không?”
Anh bạn cúi đầu giấu một hơi thở dài rồi buông một câu u uất:
“Nếu đọc thì nó đã chả bao giờ nói như thế!”

À, ra thế!
Dưới con mắt của cô giáo dạy Văn không bao giờ đọc sách kia, văn chương và danh hiệu nhà văn là những thứ phù phiếm đáng vứt đi. Chỉ có học vị tiến sĩ mới cao cả.

Nhà cháu là người luôn coi trọng học vấn, kính trọng những trí thức thực tài nên luôn giữ quan niệm học vị tiến sĩ phải gắn với những công trình xuất sắc, đi được vào đời sống và có tác động tích cực đến xã hội. Nhưng nhà cháu cũng thông cảm với những người, vì vị trí công việc nên dù không muốn họ vẫn phải phấn đấu để có học vị học hàm.

Còn anh bạn, một khi đã giã từ nghề giáo chuyển sang sáng tác chuyên nghiệp thì bằng tiến sĩ để làm gì? Chả nhẽ để mỗi khi in truyện in sách thì ghi kèm vào bút danh là Tiến sĩ – Nhà văn xxx ư?

Thế nhưng anh bạn vẫn phải làm.
Anh chọn một đề tài khá “nhọc”, tự khai phá một mảnh đất hoang vu. Bằng tiến sĩ của anh bạn là bằng thật.

Nhưng chẳng hiểu sao, nhà cháu lại thấy tiếc và trách cô giáo dạy văn kia. Nếu cô đừng nói những “lời cay đắng” thì anh trai cô, với văn tài đã được khẳng định, sẽ dành thời gian mấy năm để viết một cuốn tiểu thuyết hay, đóng góp cho nền văn học nước nhà nhiều hơn là một cái luận án tiến sĩ điểm ưu mà… chả để làm gì. Còn số tiền nhiều triệu kia anh trai cô hoàn toàn đủ để cưới vợ, đâu phải vẫn lang thang cơ nhỡ như nay…

V.

Cô bạn của nhà cháu là một giáo viên dạy Văn ở một trường chuyên nổi tiếng Hà thành. Cô yêu môn văn và văn chương đến độ cực đoan. Ngày còn là sinh viên sư phạm, cô có rất nhiều chàng cưa cẩm, nhưng rồi, giai dù đẹp dù giàu đến mấy mà qua vài câu giao tiếp, lộ “cấu hình thấp” là nàng cho “out”.
Rốt cục chỉ còn một chàng.

Kẽo kẹt cả năm, chàng vẫn chưa mời được nàng “đi ăn chè”, tức là điệu nàng ra khỏi phòng kí túc xá vốn có hàng chục cô bạn quang quác như gà mái sẵn sàng gây trở ngại cho chàng. Nhưng chàng cương quyết không từ bỏ mục tiêu. Và cuối cùng “mục tiêu” cũng… động đậy. Nàng buông một làn thính thơm, thơm ngao ngát nhưng lại mơ hồ mang thông điệp ngầm rằng người yêu em phải là người có cùng sở thích mê văn đọc sách. Và một cái tít sách quý “vô tình” được kể ra.

Theo lời chồng nàng kể lại thì ngày ấy, để có thể đánh sập được cái lô cốt kiên cố, chàng đã mất gần một năm lương phóng viên để mua cuốn sách nàng mê dày khự như một khối bộc phá. Và đến bây giờ thì sách trong nhà nàng còn nhiều hơn ối thư viện. Nàng bảo, nếu không mua sách thì vợ chồng nàng thừa sức sắm xe xịn lâu rồi.

Ngoài dạy, nàng còn viết văn và làm thơ. Những bài thơ mang cảm hứng phồn thực, viết bằng bút pháp bung phá sau những buổi nàng phi xe ào ào khắp các con đường mà chẳng biết đi đâu, đi cho đến khi bình xăng cạn kiệt…

Thi thoảng nàng vẫn “nổi loạn tạm thời” là điện thoại rủ vài người bạn viết đi quán nhậu để nghe nàng… than thở. Bao giờ cũng thế, vừa ngồi vào bàn là nàng buông một hơi thở hắt, kèm câu “Tôi chán dạy lắm rồi!”

Ô kìa! Giáo viên trường khủng, lương nhiều đủ để đè chết người, cớ gì chán dạy?

Cô bạn giãi bày, tôi soạn một cái giáo án, thế mà ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác tôi phải “nhai đi nhai lại” cái giáo án ấy đến bã bời chữ nghĩa thì làm sao tôi chịu nổi?

Rồi cô xả hận. Mình là người chịu đọc, thấy có tác phẩm mới, tác giả mới xuất hiện là muốn giới thiệu với học sinh. Đôi khi nổi cơn “hâm” lên là cô trò nói chuyện văn chương cả buổi. Những buổi dạy ấy mình thực sự “phê”, trò nghe cũng “sướng”. Thế nhưng ban giám hiệu biết lại phê bình mình không dạy theo giáo án. Lại đành “Ăn cơm chúa múa theo bài”, ngày ngày nhồi nhét những câu chữ sáo mòn trong trong sách giáo khoa, trong văn mẫu vào đầu học trò. Nghĩ mà thương chúng quá!

Nói rồi cô bạn nâng li rượu ực một hơi cạn sạch. Má cô ửng đỏ. Mắt cô long lanh. Cô nhìn vào đám bạn văn nói một câu thành thực như rút ruột:

“Các ông có biết ngày ngày phải đọc phải dạy những thứ mình không thích nó chán như thế nào không? Nó chán như… ngủ với người mình không yêu ấy!”

Đỗ Tiến Thuỵ