“Những đêm trắng” (tựa gốc: Белые ночи) được xem là một kiệt tác về tình yêu trong văn học Nga, viết về cuộc chiến nội tâm của chàng trai trẻ lòng tràn đầy mơ mộng. Một câu chuyện pha trộn giữa chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực, nhẹ nhàng mà cũng hết sức dữ dội, đi sâu vào khám phá sự dằn vặt cùng mặc cảm của một tình yêu không được hồi đáp.
Cuốn tiểu thuyết được đạo diễn Ivan Pyryev chuyển thể thành một bộ phim tình cảm lãng mạn, ra mắt lần đầu năm 1959.
Đêm trắng hay bạch dạ là một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú, khi ban đêm mà vẫn sáng như ban ngày.
Vào những đêm trắng, mặt trời chỉ biến mất sau 11 giờ đêm, sau đó 3 – 4 tiếng, trời lại hửng sáng, không gian chiều tà cứ lởn vởn, nhởn nhơ cuối đường chân trời khiến người ta mất dần khái niệm đêm khuya. Hiện tượng kỳ lạ này thường kéo dài từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 7, xuất hiện ở Nga và các nước phương Tây khác như Thụy Điển, Phần Lan, Canada, Iceland, Na Uy, Pháp…
Saint Petersburg của Nga là thành phố có thể quan sát hiện tượng đêm trắng dễ dàng nhất, vì nơi đây có cao độ phù hợp, cảnh quan thoáng đãng và không khí mát mẻ.
Những đêm trắng của Saint Petersburg đã thổi bùng cảm hứng cho đại văn hào Dostoevsky viết nên một chuyện tình yêu đẹp, bao dung, trong sáng nhưng cũng ngắn ngủi và đầy tiếc nuối.
Kẻ mộng mơ và nàng Nastenka.
Cuốn tiểu thuyết chỉ xoay quanh hai nhân vật.
Chàng, là một kẻ mộng mơ nhút nhát, dành hầu hết thời gian một mình, đặt bản thân ngoài rìa cuộc sống của thành Saint Petersburg. Nhưng mặt khác, chàng cũng là một thanh niên trẻ, thông minh, quyến rũ, chàng có thể nói hay như đọc sách, bởi vì cuộc sống quan sát và trí tưởng tượng của chàng dường như là bất tận. Và chàng, không được gọi tên, như cách nói của Dostoevsky, kẻ mơ mộng không phải là người, chỉ là một sinh vật giống trung nào đó (trong tiếng Nga, danh từ có ba giống: giống đực, giống cái, giống trung). Chàng cũng giống như bao người khác, nhưng lại là không có gì hết, không người san sẻ, không bạn đồng hành, chỉ có những giấc mơ.
Nàng, gọi là Nastenka, thật dễ thương với mái tóc đen, một cô gái mồ côi sống với một người bà mù lòa từ nhỏ. Thế giới của nàng chỉ là những ước mơ xa vời sau những câu chuyện cổ tích bà kể.
Trong khung cảnh bàng bạc của ánh mặt trời chưa tắt hắt lên vạn vật, cuộc gặp gỡ của họ như hai tinh cầu cô độc bỗng dưng va vào nhau, đôi bên nhanh chóng trở thành những người bạn tuyệt vời, cùng san sẻ những câu chuyện. Những mẩu chuyện cất cánh, len lỏi trong sự giao thoa mơ hồ của bình minh và hoàng hôn ảo diệu của đêm trắng.
Nastenka đã dặn chàng là đừng yêu cô, nhưng rồi kẻ mộng mơ đem lòng yêu nàng như một lẽ tất yếu dĩ nhiên mà chẳng điều gì có thể ngăn cản nổi.
Và rồi trong đêm trắng cuối cùng của kẻ mộng mơ, Nastenka gặp lại vị hôn phu của mình. Nàng không còn ra bờ sông ngóng chờ và trò chuyện với người mơ mộng nữa. Nàng ra đi, chỉ còn kẻ mộng mơ và tình yêu ở lại.
Cái kết chẳng trọn vẹn, nhưng cuộc đời nào phải chỉ có riêng những đóa hồng hoa. Người mộng mơ ôm mối tình si đầy tiếc nuối, nhưng Nastenka cũng xứng đáng có được tình yêu mà nàng đã kiên nhẫn đợi chờ bằng tất cả chân thành.
Nhưng rồi một câu hỏi bất chợt được đặt ra, liệu rằng toàn bộ cuộc gặp gỡ tình cờ và những xáo trộn tâm tình ấy có phải chỉ là một cơn ảo mộng của người mộng mơ chăng?
Dostoevsky đã nhấn chìm người đọc vào biển cả ngôn từ và trò chơi chữ nghĩa. Những con chữ tuôn ra như suối đầu nguồn, nếu yêu thích sẽ thấy sự trong lành, nếu quá choáng ngợp sẽ chỉ thấy sự gầm gào chảy xiết. Nhiều nhận định cho rằng, nếu bạn thích “Những đêm trắng” bạn sẽ quý Dostoevsky, ngược lại nếu không cảm được tác phẩm này bạn sẽ chẳng yêu nổi tác giả.
Một kiệt tác về tình yêu trong văn học Nga.
“Những đêm trắng” là một trong những tác phẩm đầu tay của Dostoevsky.
Truyện ngắn này ra mắt bạn đọc năm 1848, khi nhà văn mới 27 tuổi, thuở còn chưa bị bắt và chưa bị lưỡi hái của Thần Chết vồ hụt, cũng chưa chịu cảnh tù đày. Giọng văn của ông bởi thế còn hết sức ngọt ngào, những nhân vật trong ấy còn hết sức mơ mộng, và dòng chảy cuộc sống của chuyện vẫn còn hết sức thanh bình, yên ả… là khoảng không gian của những đêm trắng.
Nhưng giống như điềm báo chẳng lành, những đêm trắng đầy ảo diệu của thành Saint Peterburg chẳng thể nào kéo dài mãi mãi, phút giây hạnh phúc vụt qua nhanh, tình yêu của người mơ mộng nhanh chóng bị hiện thực làm cho thất vọng, dẫu đớn đau nhưng chàng vẫn cầu mong điều tốt đẹp cho Nastenka:
“Mong sao nụ cười của em sáng trong, mong sao nụ cười của em tươi tắn và thanh thản, cầu trời ban phước cho em vì một phút hoan lạc và hạnh phúc mà em đã ban cho một trái tim khác, trái tim cô đơn và biết ơn! Trời ơi! Cả một phút hoan lạc! Như thế đâu phải là ít, dù cho là cả một đời người đi nữa?”
Tình yêu mà kẻ mộng mơ dành cho Nastenka là một tình yêu đầy nhiệt thành mà vụng dại, một thứ tình cảm quá đỗi bao dung và trong sáng, gần giống với tuyên bố tinh túy về chủ đề tình yêu đã mất trong thơ Nga của Alexander Pushkin thể hiện trong bài thơ “Tôi yêu em”.
“…
Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng,
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen,
Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm,
Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em.”
(Bản dịch thơ của Thúy Toàn)
“Những đêm trắng” của Dostoevsky đã trở thành câu chuyện tình trong sáng mà đứa trẻ lớn lên nào ở Nga cũng từng đọc qua, từng say mê. Và những đêm trắng ở thành Saint Petersburg không chỉ là chuyện của mặt trời và sóng nước, nó đã trở thành biểu tượng của những câu chuyện tình yêu và tình bạn, đầy bao dung và lòng biết ơn:
“Đừng khóc vì chuyện đã kết thúc. Hãy cười vì nó đã xảy ra.” – Dr Seuss.
Xem thêm: Puskin và những người phụ nữ đã đi qua đời thơ
Đôi nét về Fyodor Dostoyevsky (1821 – 1881).
Tên đầy đủ là Fyodor Mikhailovich Dostoyevsky, còn được gọi là Dostoevsky, là một đại văn hào người Nga. Cùng với Lev Tolstoy, Dostoevsky được xem là một trong hai nhà văn Nga vĩ đại thế kỷ 19.
Cuộc đời Dostoevsky có một điểm đứt gãy – bị bắt năm 1849, bị kết án tử hình năm 1850 rồi phút chót hành hình nhận được lệnh ân xá, sau đó bị 4 năm tù đày tại Omsk, thuộc tây nam miền Xibia. Khoảnh khắc Thần Chết ập xuống pháp trường rồi vụt bay đi, cùng những trải nghiệm ở tù và thời gian tại ngũ, đã làm thay đổi lớn niềm tin tôn giáo và chính trị của Dostoevsky, điều này thể hiện rõ trong các tác phẩm của ông, trước và sau biến cố.
Giới phê bình đánh giá Dostoevsky rất cao, phần lớn gọi ông là người báo trước cho chủ nghĩa hiện sinh thế kỷ 20. Tuy nhiên ở Liên Xô, sau Cách mạng tháng Mười, người ta hầu như phủ nhận toàn bộ các sáng tác của Dostoevsky. Mãi đến tận năm 1972, tác phẩm của Dostoevsky mới được nhìn nhận lại và đánh giá đúng mức ở quê hương của mình.
Dostoevsky nổi tiếng với câu nói: “Cái đẹp cứu rỗi thế giới!”