Nhân vật chính của hàng trăm tiểu thuyết lớn nhất của nhân loại từ bi kịch Hy Lạp đến nay, hầu hết đều là những con người ấm ớ, con người muôn mặt, đa nhân cách mang tính bi hài kịch vô cùng tận.
Tác phẩm lớn nhất thế giới của thời đại Phục Hưng là tiểu thuyết “Don Quijote” của đại văn hào Miguel de Cervantes Tây Ban Nha (1547-1616), nhân vật chính là một kẻ ấm ớ toàn phần. Don Quijote là một kẻ dở người chính hiệu, một hiệp sĩ, một anh hùng rơm. Người anh hùng tốt bụng, ngây ngô, mắc bệnh hoang tưởng, luôn luôn tưởng tượng ra những kẻ thù kỳ quái như cối xay gió để anh ta chiến đấu.
Anh ta cưỡi trên lưng một con nghẽo gầy trơ xương nửa ngựa, nửa lừa có tên là Roxinante, dắt theo một đệ tử chưa thật tính người là Sanchopanza đi giải phóng thế giới khỏi áp bức, mang tự do về cho giun dế, muỗi ruồi, người ngợm, thề thực hiện giấc mơ giải phóng đàn cừu. Don Quijote xưng tụng một mụ nạ dòng xấu như ma thành tuyệt thế giai nhân là Dulcinea để suốt đời chiến đấu bảo vệ trinh tiết và sắc đẹp của nàng. Hết chiến dịch chiến đấu chống bọn giặc cối xay gió, đến chiến dịch bảo vệ Đức Mẹ đồng trinh, Don Quijote lập được rất nhiều chiến thắng ảo, và tự hào mình đang bảo vệ thế giới, không có chàng ta ma quỷ sẽ ăn thịt hết người Tây Ban Nha và cả loài người…
Ở triết thuyết ấm ớ này, Cervantes đã báo trước những bi kịch khủng khiếp, thảm khốc của nhân loại. Đó là tính bi hài kịch con người phải chiến đấu với những ảo tưởng vô cùng tận của chính mình, có thể biến địa cầu thành địa ngục đớn đau.
Bên kia biển Manche, kịch tác gia vĩ đại nhất thời Phục Hưng là William Shakespeare (1564-1616) đã cho ra đời những vở kịch lớn như: “Hamlet”, “Othello”, “Vua Lea”, “Romeo và Juliet”… Tất cả các nhân vật của kịch Shakespeare đều là những người “ấm ớ vĩ đại”. Hamlet chẳng hạn. Chàng luôn nghi ngờ mình chưa có thật, không có thật, là chính chàng đây hay là cái bóng của chàng? “Tồn tại hay không tồn tại”, câu hỏi của Hamlet với chính mình có phải là triết thuyết vĩ đại nhất của con người nước đôi, con người ấm ớ?
Thời cổ đại Hy Lạp có một thi sĩ, một kịch tác gia vĩ đại là Sophocles (496-406 TCN) đã viết vở bi kịch “Oedipus làm vua” để phơi bày tính cách loạn luân vô cùng tận của loài người thời dã man. Do những điều kiện lịch sử loạn lạc, Oedipus đã thất lạc cha mẹ, làm con nuôi hết người này đến người khác. Lớn lên, Oedipus lao vào chiến trận liên miên và đã vô tình giết chết cha mình. Sau đó, Oedipus lên ngai vàng làm vua và đã lấy nhầm mẹ mình làm vợ. Mẹ Oedipus đâu biết người chồng đang làm vua vốn là con trai mình, và bà đã sinh ra cho Oedipus 2 đứa con gái. Sau này, Oedipus phát hiện ra sự thực, chàng đã chọc mù con mắt mình và sau đó tự sát, vì chàng đã ngu ngốc và hèn hạ, bẩn thỉu hơn loài ngựa. Nhân vật Oedipus từ đó được gọi tên là “mặc cảm loạn luân hay mặc cảm Oedipus”, một nhân vật ấm ớ nhất của văn học châu Âu và thế giới.
Kinh Thánh của Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo đã kể ra nhân vật ấm ớ đầu tiên của loài người đó là nhân vật Cain, con trai đầu của Adam và Eva, đã trở thành tên ấm ớ đầu tiên của nhân loại: kẻ đã giết chết em trai mình. Từ đó, có một tên gọi để chỉ hành vi huynh đệ tương tàn: “anh em nhà Cain”.
Từ sự tích này, đại văn hào Nga là Fyodor Mikhaylovich Dostoyevsky (1821-1881) cuối đời đã viết ra một cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất thế giới là “Anh em nhà Karamazop”. Tất cả các nhân vật trong cuốn tiểu thuyết này đều là những nhân vật nửa người nửa quỷ, trừ vị thiên sứ đi lạc vào gia đình thiên lôi này là cậu út Eliosa.
Có thể nói, tất cả các nhân vật trong hệ thống tiểu thuyết đi tận cùng cái ác để gặp cái thiện của Dostoyevsky đều là những nhân vật ấm ớ, nửa người nửa ma, nửa khôn nửa dại, nửa chống Chúa Trời nhưng vẫn sợ Chúa và tìm cách lẩn như chạch để thoát khỏi sự quan phòng của Thiên Chúa toàn năng.
Người có công đầu đã kéo hồi chuông báo kết thúc thời trung cổ là đại thi hào ”ấm ớ” nhất thế giới: Alighieri Dante (1265-1321). Với một sự ấm ớ đến gần như liều mạng, Dante đã cho ra đời tác phẩm lớn nhất đời mình là “Thần khúc” – một tinh thần dị giáo (trái với các nguyên lý đạo đức Kitô) xuất hiện trong cuộc thám hiểm vào ba cõi: địa ngục, lò luyện tội và thiên đường. Dante đã nhờ thi sĩ La Mã cổ đại (một người dị giáo) là Virgile ( 70-19 TCN) dẫn ông tham quan 9 tầng địa ngục và lò luyện ngục. Ở đấy, Dante đã gặp khá nhiều giáo hoàng và hồng y phạm tội bị lưu đày địa ngục. Sau này, khi “Thần khúc” được in ra, Giáo hoàng Boniface đã truy tìm Dante để thiêu sống ông trên dàn hỏa nhưng ông đã trốn thoát.
Dante còn bị giáo hội Roma kết án vì ông đã nhờ tình nhân, nàng Beatrice xinh đẹp dắt ông tham quan thiên đàng, gặp được Thiên Chúa và Đức Mẹ Maria. Nâng một người đàn bà bình dân lên ngang Đức Mẹ là tính nhân văn ca ngợi con người của Dante nhưng lại “phạm thượng” trong tinh thần Thiên Chúa giáo; bởi thiên đàng đâu có chấp nhận đôi trai gái bồ bịch thế tục leo lên làm ô uế cõi thiêng…
Như vậy ba đỉnh cao của thời đại Phục Hưng mở đầu với Dante, Cervantes và Shakespeare đều chọn các nhân vật mang tính ấm ớ để đưa vào văn học sự khai phóng tinh thần nhân văn cho toàn châu Âu và thế giới tiến sang thế kỷ Ánh sáng.
Tiền bán thế kỷ thứ 19, châu Âu với hai đỉnh cao V.Hugo lãng mạn và H. Balzac hiện thực lại đưa ra toàn những nhân vật ấm ớ làm nhân vật chính của văn học. Jean Valjean trong “Những người khốn khổ” (Les Misérables) là một ông già tốt bụng ấm ớ toàn tập. Các nhân vật: anh gù Quasimodo và cô gái Bohémiens xinh đẹp trong “Nhà thờ Đức Bà Paris” đều là những nhân vật dị thường rất chi là ấm ớ vậy.
Hầu hết hàng trăm nhân vật trong “Tấn trò đời” vĩ đại của đại văn hào hiện thực H. Balzac đều là những người ấm ớ, yêu đương ấm ớ, buôn bán ấm ớ, gái mãi dâm ấm ớ, anh hà tiện ấm ớ, linh mục ấm ớ, cảnh sát ấm ớ, quan tòa ấm ớ, du côn ấm ớ…
Nhân vật bác sĩ Faust của đại thi hào Đức Johann Wolfgang Goethe (1749-1832) là một chàng ấm ớ nhất trong văn học châu Âu thế kỷ thứ 19. Faust đã bán linh hồn mình cho quỷ Mephisto để đổi lấy sự khôn ngoan. Anh ta đã trở thành cái máy cho quỷ sai khiến. Một con người mà không có linh hồn, con người ấy chẳng ấm ớ vô cùng lắm sao?
Nhà văn “du thủ du thực” Nga M. Gorky với bộ ba tác phẩm tự truyện viết trước năm 1917: “Tuổi thơ”, “Kiếm sống”, “Những trường đại học của tôi” viết về chính ông là một con người vô địch ấm ớ, vô địch liều mạng, vô địch sống và vô địch chết… như một kiệt tác của văn học Nga, bên cạnh các nhân vật ấm ớ của Gogol, Dostoevsky…
Ngó sang Trung Quốc, ta thấy kiệt tác “AQ chính truyện” của Lỗ Tấn có nhân vật ấm ớ nhất trong nền văn học thế giới. Anh AQ mắc căn bệnh của dân Trung Hoa “phép thắng lợi tinh thần”, dù bị đánh nhưng anh ta rất sướng với quan niệm: mày đánh tao như mày đánh bố mày vậy.
Chí Phèo, Lão Hạc của Nam Cao, Giang Minh Sài của Lê Lựu, là những kiệt tác văn học mà tính ấm ớ của nhân vật chính phải nói là không hề thua tính ấm ớ của anh AQ của Lỗ Tấn bên Trung Quốc. Các nhân vật trong “ Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng như Xuân tóc đỏ, bà Phó Đoan, ngài Típ phờ lờ… thảy đều là những nhân vật ấm ớ. Nhân vật Tám Bính, Năm Sài Gòn trong “ Bỉ vỏ” của Nguyên Hồng cũng là những con người ấm ớ trong hoàn cảnh ấm ớ… Một số nhân vật trong truyện ngắn lừng danh của Nguyễn Huy Thiệp, có nhân vật có cá tính đặc sắc, “ấm ớ” khôn tả xiết!
TP Hồ Chí Minh, 13.4.2023
TRẦN MẠNH HẢO