Địa vị người đàn bà trong xã hội Việt Nam ngày xưa thật là đau đớn bất công. Tại sao người đàn bà, mẹ của loài người, một sinh vật quan trọng nhất của nhân loại lại phải lệ thuộc người đàn ông, mà về đức hạnh, về trí tuệ có khi còn thấp kém hơn nhiều? Tại sao lại phải đóng một vai tuồng phụ thuộc? Và tất cả những gì mà người đời cho là cao cả nhất, như danh vọng, quyền thế, những địa vị quan trọng nhất trong guồng máy chính trị, họ lại không được hưởng như người đàn ông? Tại sao quyền hạn không được bình đẳng với người đàn ông và tại sao những hành động mà người đàn ông được làm và được tha thứ thì người đàn bà bị cấm cản và xem như là phạm tội? Tại sao người ta lại đòi hỏi nơi người đàn bà quá nhiều và quá cao về tư cách, hạnh kiểm như thế? Người ta đòi hỏi nơi người đàn bà những hy sinh quá to tát mà người đàn ông thường không bao giờ làm.
Phải chăng đó là sự bất công của chế độ phụ tộc gây ra không? Không. Nếu ta xét xem cho kỹ về tâm hồn sâu sắc và sứ mạng thiêng liêng của người đàn bà trong xã hội loài người, ta sẽ thấy những hạn chế, những bất công, những đòi hỏi quá cao nơi người đàn bà không có gì là quá đáng cả. Hễ là sứ mạng càng cao, trách nhiệm càng nặng thì sự đòi hỏi của người ta đối với người đàn bà càng nhiều. Cho nên không phải đó là một sự điếm nhục mà thật ra là một danh dự và hãnh diện cho người đàn bà vậy.
PHONG TRÀO NAM NỮ BÌNH QUYỀN
Bởi người ta không hiểu lẽ ấy, nên ngày nay mới có phong trào “nam nữ bình quyền”, người đàn bà đòi hỏi phải được ngang hàng với người đàn ông… Thuyết bình đẳng hình thức của Tây phương đã cám dỗ người đàn bà ngày nay và làm cho họ cố gắng bắt chước người đàn ông và tưởng lầm rằng chỉ có người đàn ông và làm được như người đàn ông mới là được hoàn toàn cao cả mà thôi.
Sự hiểu lầm về sứ mạng thiêng liêng đặc biệt của người đàn bà trong xã hội loài người xui phụ nữ ngày nay “bắt chước” người đàn ông trong từng manh mún hành vi… Và cũng chỉ vì hiểu lầm như thế mà phụ nữ ngày nay mới biết cái tâm cảm tự ti… và tìm cách đồng hóa với người đàn ông để che giấu cái tủi nhục hèn kém của mình. Thật đáng thương hại cho những “phụ nữ tân thời” ăn mặc như đàn ông, cố gắng tranh đua với đàn ông trong những cuộc thi chọi về trí thức, cũng như về sức khỏe. Thật không gì chua xót bằng khi ta thấy người đàn bà đi bắt chước người đàn ông, mà phủ nhận cái trách nhiệm và sứ mạng cao cả của mình.
Sự lầm lạc ấy làm cho người đời nay đem giáo dục và học vấn của người con trai bắt buộc con gái cùng theo. Thật là một tai hại đã làm hư hỏng một cái gì quý báu nhất nơi người đàn bà, làm cho xã hội loài người mất một tay cộng sự đắc lực và vô giá, và cũng không đem lại cho người đàn bà cái hạnh phúc mà chính họ mới mang lại được cho chúng ta mà thôi. Cái khuynh hướng “nam nhi hóa” phụ nữ ngày nay là một việc làm vô ý thức, tai hại cho hạnh phúc chung của loài người không phải nhỏ. Đây là một vấn đề rất quan trọng, tôi sẽ đề cập và bàn đến ở một nơi khác và một khi khác. Cơ năng trí tuệ của phụ nữ khác hẳn với người đàn ông. Ngoài những điều cần có như người đàn ông, người đàn bà cần trang bị đủ điều kiện để thực hiện được thiên chức thiêng liêng của họ là làm vợ và nhất là làm mẹ.
THEN CHỐT CỦA TÂM HỒN NGƯỜI PHỤ NỮ
Tất cả tâm hồn của người đàn bà có thể quy vào một chỗ: “quả tim”, nghĩa là phần đông người đàn bà sống hay chết chỉ vì “con tim” của họ.
Họ yêu bằng “quả tim”, họ suy nghĩ bằng “quả tim”, họ hành động theo cảm xúc của “quả tim”. Nhưng tình yêu của họ là một thứ tình yêu vị tha, nghĩa là trung tâm tình yêu của họ không phải nơi họ, mà là nơi một kẻ khác, một kẻ mà yêu thương như chồng, con, cha, anh hay bè bạn…
Trái lại, phần nhiều tình yêu của người đàn ông là thứ tình yêu vị kỷ, nghĩa là họ lấy sự vui thích riêng, quyền lợi riêng và hoạt động của họ làm trung tâm cho tình yêu của họ.
Người đàn bà chỉ sung sướng khi nào họ thấy kẻ mà họ yêu thương hoặc họ muốn được yêu thương sung sướng. Cũng như họ đau khổ khi nào họ thấy những kẻ họ yêu thương hay muốn được yêu thương đau khổ. Tình yêu của họ là một thứ tình yêu lệ thuộc kẻ khác. Không gì minh chứng rõ ràng khuynh hướng ấy nơi người đàn bà bằng tình mẫu tử. Sự sướng khổ của bà mẹ, không ở nơi mình, mà ở nơi đứa con của mình. Cái sung sướng của người con làm cho mẹ sung sướng đến chảy nước mắt. Họ cảm thấy sung sướng cái sung sướng của con mình còn hơn cái sung sướng của chính đứa trẻ ấy… Cho nên, cái sướng hay khổ của đứa con không sướng không khổ bằng cái sướng khổ của bà mẹ.
Người đàn bà khao khát sống cho kẻ khác, sẵn sàng hy sinh cho kẻ khác, tràn trề lòng tri ân đối với những ân huệ mà họ được thừa hưởng nơi kẻ khác – dĩ nhiên họ rất đau khổ nếu kẻ khác không nhớ đến công ân của họ, nếu kẻ khác không biết lo lắng chăm nom đến họ, nếu không có một kẻ nào sống vì họ và sẵn sàng hy sinh cho họ.
Ngọn lửa lòng của người đàn bà, nếu không có một kẻ nào khác để bồi bổ, nếu không có một kẻ nào khác biết nuôi dưỡng … nó sẽ tắt ngay. Bởi vậy, tình yêu của họ là một thứ tình yêu lệ thuộc, lệ thuộc nơi người họ yêu hay muốn được yêu.
Người đàn ông, trái lại, tình yêu của họ là một thứ tình yêu vị kỷ. Họ có thể sống tự túc, sung sướng với riêng mình, không quan tâm gì đến sung sướng hay buồn khổ của người chung quanh. Họ không lo lắng cho ai, cũng không mong mỏi làm cho ai sung sướng hay đau khổ, bởi vậy, họ cũng không bận gì đến lòng biết ân của ai, cũng không thắc mắc gì cả nếu không được ai chăm nom săn sóc đến họ.
Mong mỏi được sống độc lập tự túc, họ tìm đủ cách để tránh xa sự xúc cảm, họ có thể sống không cần yêu ghét, không cần vui buồn, không cần tiếng khen chê của kẻ khác. Tình yêu của họ không cần lệ thuộc một ai cả, ngọn lửa lòng của họ cháy lấy một mình, không cần một bàn tay nào khác bồi dưỡng cả. Bởi vậy, người đàn ông có thể sống một mình trong cô tịch, tự mình có thể tiêu diêu tự tại, còn người đàn bà thì không thể nào sống như thế được.
Ta cứ xem những đứa trẻ cùng sống trong một gia đình, khi chưa bị lối giáo dục nhồi sọ nào làm sai bản tính thì rõ… Con trai, thì ao ước có một trái banh, một cây súng, một cây kiếm hay một chiếc vòng để biểu diễn sức lực và tài giỏi của mình; con gái, trái lại, muốn có một em búp bê bế để ru ngủ, để săn sóc, để nâng niu. Con gái thì trong khi bày trò chơi, thích làm bà mẹ, bà thầy, người thầy thuốc hoặc một bà vú, còn chơi thì thích chơi với những đứa nhỏ hơn để có thể rầy la, nựng nịu, hoặc chỉ huy và được chúng âu yếm. Hễ học thì đứa gái sẽ cố gắng học để vui lòng mẹ hay vui lòng thầy, để được ban tặng những niềm âu yếm. Trái lại, con trai thì khi chơi, thích chơi với những trẻ lớn hơn để có thể tranh tài đấu sức, muốn đóng vai anh tài xế hay ông tướng lãnh để được chỉ huy, có nhiều kẻ phục tùng. Còn việc học hành hoặc giúp đỡ mẹ trong những công việc gì trong nhà, là đòi hỏi một phần thưởng gì, nếu không phải là kẹo, mứt, hay món đồ chơi… hoặc vì bị hăm dọa phải chịu một hình phạt gì.
Những thiên tính ấy… chúng vẫn gìn giữ y nguyên sau này khi ra đời: đàn ông thì chỉ quan trọng đến những gì có lợi cho riêng mình, cho sự vui sướng riêng mình; còn người đàn bà thì luôn luôn lo nghĩ đến kẻ khác, lo nghĩ đến cách làm vui lòng kẻ khác, săn sóc đến kẻ khác và bắt buộc kẻ khác phải để ý đến mình. Dù cho là hạng người đàn bà ích kỷ, đê tiện bậc nào, người đàn bà chỉ tìm sự vui sướng cho mình thôi cũng vậy, họ vẫn đặt trung tâm của hạnh phúc họ nơi kẻ khác. Họ bắt buộc kẻ khác phải yêu thương săn sóc họ, chết sống cho họ… Tình yêu họ vẫn là tình yêu lệ thuộc bên ngoài. Hạnh phúc của họ, không thể là thứ hạnh phúc tự họ gây ra được mà phải do kẻ khác mang lại cho họ.
Ngay như người đàn bà đến tuổi tàn niên, nếu điều kiện vật chất của họ khá đầy đủ và cho phép họ được an nhàn, họ vẫn không chịu an nhàn. Người đàn ông cùng một cảnh ngộ như họ, sẽ tìm cách dưỡng nhàn, tránh tất cả những cái gì có thể làm bận rộn họ. Như ông bà của chúng ta, ông thì không thích ràng buộc theo con cháu, muốn sống một mình không bận rộn, không lo lắng gì đến ai nữa cả? Trái lại, bà thì bận bịu theo con cháu, yêu thương chiều chuộng còn hơn lúc bà nuôi con ruột của bà nữa. Đối với bà, không có ai biết yêu thương cháu bằng bà, săn sóc cháu bằng bà, trong lúc mà bà có quyền hưởng cảnh an nhàn lại là lúc bà quyến luyến đau khổ hơn khi nào hết.
Đối với người đàn bà, thời gian hạnh phúc nhất là lúc mà sự lo lắng gia đình và xã hội thu hút tâm tư và hoạt động vật chất tinh thần họ, khoảng mà tâm hồn họ xúc cảm nhất, khi mà đối với con họ, họ đóng vai tuồng bà mẹ, bà thầy, và người yêu thứ nhất của chúng, người đàn bà nào sống cô độc: không anh, không em, không con, không cháu để mà quyến luyến yêu thương, không có một kẻ đau khổ nào để họ an ủi, giúp đỡ, không làm được một cô giáo, một bà thầy hay một nhà tu hành độ nhân tế thế như đức Quan Âm, nghĩa là kẻ không có một mục đích gì thực hiện và hoạt động vị tha trong đời, kẻ ấy sẽ trở nên gay gắt và tâm hồn sẽ biến đổi sa đọa lạ thường.
Không có gì khó chịu nhất đối với người đàn bà bằng sự ở không, nhưng sự lạnh lùng cô độc không có gì đau đớn hơn cho người đàn bà bằng một cuộc đời không có gì để họ xúc cảm, yêu thương và đau khổ.
Lòng yêu vị tha của người đàn bà là một sự cần thiết cho giống nòi. Thiếu nó, nhân loại sẽ không thể nào tồn tại.
Theo Thu Giang – Nguyễn Duy Cần