Bốn mươi tuổi, Nguyễn Việt Chiến mới xuất bản tập thơ đầu tay, Mưa lúc không giờ (1992), nhưng giờ đây, sau 30 năm kể từ mốc khởi đầu tĩnh lặng ấy, qua tập thơ Nguyễn Việt Chiến-Thơ và Trường ca mà NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành, ta thấy ông thực sự đã có một gia tài thơ ca bề thế, không chỉ vì số lượng tập thơ liên tiếp gối nhau ra đời, mà quan trọng hơn, vì sự hấp dẫn, chiều sâu và sự phức tạp cảm quan thường thấy ở những cá tính thơ, phong cách thơ.
Ngọn sóng thời gian, Cỏ trên đất, Những con ngựa đêm, Trăng và thơ đọc chậm, Hoa hồng không vỡ, Tổ quốc nhìn từ biển,… mỗi một tập thơ, ít hay nhiều, đều cho thấy Nguyễn Việt Chiến biểu đạt tiếng nói công dân ở những suy tư, ngẫm nghĩ, những bình luận và cảm luận về đất nước, Mẹ-Tổ quốc, về sự vĩ đại mà gần gũi của tình giống nòi, đồng bào, của giá trị dấn thân tìm kiếm lẽ phải, hạnh phúc. Nhưng cũng trong mỗi tập thơ đó, còn có một Nguyễn Việt Chiến rất đỗi đơn độc, tựa như kẻ biết giới hạn của những điều lớn lao, để không ngừng tự tình, tâm tình về nỗi buồn và cô đơn, về nhỏ bé hiện hữu và vĩnh hằng bất tận của cỏ và cát, về sự đỗ vỡ tâm trí và bất khả xóa bỏ nhọc nhằn, mệt mỏi của kiếp người.
Một Nguyễn Việt Chiến nhuần nhuyễn và đôi lúc rất mực tài hoa ở lục bát, cũng đồng thời là một Nguyễn Việt Chiến chủ ý rất cao khi xây dựng cấu trúc, mượn âm nhạc và nghệ thuật thị giác để kiến tạo hình ảnh, nhịp điệu trong thơ tự do, trường ca. Nguyễn Việt Chiến của ngôn từ bay bổng, lãng mạn ở chặng đầu, lại trở thành Nguyễn Việt Chiến tính toán, lí trí và tích cực làm mới ý tứ, chữ nghĩa ở chặng sau. Tất cả đối nghịch tưởng chừng khác chiều đó, không loại trừ nhau, mà cùng tạo vị thế đọc, thách thức đọc của thơ Nguyễn Việt Chiến: đọc thơ ông, có thể nói, cần sự đọc chậm, đọc trong hoài nhớ tìm về các bóng hình văn hóa châu thổ, trong thúc đẩy nhận ra hệ thống biểu tượng, ẩn dụ, liên tưởng đa nghĩa, và, dĩ nhiên, trong cả thao tác so sánh với thi sĩ cùng thế hệ. Nhưng những cách đọc cũng sẽ còn kéo dài, tôi tin, với thơ Nguyễn Việt Chiến.
Thoạt nhìn, thơ như là phái sinh trong nghiệp cầm bút của Nguyễn Việt Chiến. Bởi lẽ, viết báo mới là hoạt động chủ yếu và đồng thời, là hoạt động xác định tư thế công dân của ông rõ ràng, quyết liệt hơn cả. Tuy nhiên, sự thực, thơ mới là cách để ông hoàn thiện chính mình, cũng là cách để tiếng nói nội tâm đạt đến các chiều kích sâu rộng mà đời cầm bút ít khi có được. Nguyễn Việt Chiến, dưới danh xưng nhà báo, là hình ảnh thi sĩ lặng lẽ cô đơn, người sớm nhận thấy tâm hồn mình hóa lẫn trong những hạt cát thầm lặng để góp thêm một nghĩa lí trần đời: “Câu thơ như cát mỗi chiều/ Đem theo chút ấm nắng nghèo vào đêm” (Cát đợi).
Cũng như thế hệ mình, Nguyễn Việt Chiến sớm rời ghế nhà trường để bước vào chiến trường. Những trải nghiệm ngắn ngủi nhưng có lẽ khốc liệt về chiến tranh, một mặt, lưu sâu trong kí ức người cầm bút cựu chiến binh như một chất liệu thơ ca lâu dài, mặt khác, là căn cớ thúc đẩy anh ta vấn đáp nội tâm, vấn đáp xung quanh và bứt phá lên trong những ngẫm ngợi, bình luận sâu sắc về đất nước, dân tộc. Nguyễn Việt Chiến giữ được năng lượng đó, xuyên suốt, không đứt gãy, ngay từ tập thơ đầu tiên, Mưa lúc không giờ, rồi các tập Ngọn sóng thời gian và Cỏ trên đất.
Đến Những con ngựa đêm, Nguyễn Việt Chiến chủ hướng tìm tòi, cách tân, thơ. Những ẩn ý đa tầng, những thi ảnh mới và đa dạng, nhịp điệu thơ biến hóa kéo theo nhịp cảm xúc sinh động, Những con ngựa đêm, tự nó, đứng vào mạch tiếp tục đổi mới thơ Việt Nam giai đoạn đầu thế kỉ XXI. Tuy vậy, Những con ngựa đêm dường như chưa được đánh giá kĩ lưỡng, thấu đáo. Nguyễn Việt Chiến, đáng chú ý thay, hầu như chỉ được đông đảo công chúng biết đến, yêu thích với tư cách là tác giả của nhiều thi phẩm viết về biển đảo. Hai trong số đó, Tổ quốc nhìn từ biển và Tổ quốc bên bờ biển cả, nhìn chung, tái trở lại giọng điệu hào hùng, khỏe khoắn, giàu âm hưởng tráng ca và sử thi nhờ việc tái sử dụng các tích sử, tích truyền thuyết, đặc biệt là các sự kiện đánh giặc ngoại xâm trên sông nước của cha ông.
Nguyễn Việt Chiến nhìn biển đảo trong chiều dài quá khứ và bề rộng không gian để tạo nên hình tượng biển-dân tộc một cách vừa gần gũi vừa thiêng liêng. Gần gũi vì xuất phát từ tích cha Rồng mẹ Tiên thuở hồng hoang để kéo về hiện tại (Ngàn năm trước con theo cha xuống biển/ Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa…). Thiêng liêng là bởi trong mỗi ngọn sóng, hòn đảo đều chất chứa bao yêu thương, gian khổ, hi sinh của cha mẹ, của những người thân yêu ruột thịt (Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy/Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân; Bao dáng núi còn mang hình goá phụ/ Vọng phu buồn vẫn dỗ trẻ, ru nôi). Tuy viết theo thể trường thiên 7, 8 chữ khá quen thuộc nhưng bởi giọng điệu bi tráng, hình ảnh thơ chắt lọc nên hai bài thơ của Nguyễn Việt Chiến đã chiếm trọn tâm trí độc giả, nhất là khi người tiếp nhận cũng đang tự thấy trong tâm hồn mình có những ngọn sóng biển Đông.
Một phẩm tính nổi bật của thơ Nguyễn Việt Chiến là những suy tư, ngẫm nghĩ, những bình luận và cảm luận. Thuở ban đầu, là những suy ngẫm về con người, về điều còn lại trong cuộc chiến:“Chiến tranh là nơi ngọn cỏ/ Cao hơn tất cả chúng ta/ Những người lính bị đốn ngã/ Xanh xao hơn mọi hận thù” (Vô danh trận mạc). Về sau, khi biên độ cảm luận nới rộng và trở nên phức tạp, thì cái đẹp, cái thật, cái giá trị trở thành tâm điểm ngẫm ngợi: “Hiền nhân và bạo chúa/ Thành bụi đất cả rồi/ Phù điêu nung từ đất/ Chỉ tạc hình em thôi” (Phù điêu cổ). Nhưng trở đi trở lại, có khi đắm đuối, khi bất khả lí giải, khi thấm đẫm cảm xúc là những suy tư, cắt nghĩa về con người.
Trong hình dung của Nguyễn Việt Chiến, “Con người/ Kẻ suốt đời bị thương”, bởi sâu xa, con người cũng có những giới hạn của mình: “Chúng ta không thể nào hiểu được ngôn ngữ của loài kiến/ Con người bất lực trong cách giải thích/ Bởi chúng ta chẳng có gì cả/ Ngoài cát và mưa, và cỏ, những nỗi buồn”. Ngay cả chính mình, nhà thơ cũng chỉ ước định mơ hồ: “Tôi cầm chính cả tôi lên/ Câu thơ nhặt được phía miền quạnh hiu”, và tự phân bua: “Ở miền đất chật dân đông/ Rối phải xuống nước để mong thành người”… Con người, rút cuộc, không thể đem lại góc nhìn thuần nhất nên nhà thơ, khi thường xuyên bận tâm, trăn trở về hạnh phúc, nỗi buồn khổ, cô đơn của cuộc đời thì cũng đồng nghĩa với cách bộc lộ, suy tư, biểu đạt về nỗi lòng cá nhân mình. Trong đó, như một “niềm tin lành lặn”, nhà thơ tự nhận về mình những giá trị nhỏ bé, khiêm nhường: “Trước vô cùng năm tháng/ Thơ mình sương khói thôi”.
Để các ý tưởng, các luồng suy nghĩ va chạm và nảy sinh, cấu trúc thơ Nguyễn Việt Chiến có sự đối lập, ngay từ tiêu đề, cho đến cách tạo nghĩa: Những con ngựa đêm và trăng; Hầm tránh bom và kem ốc quế; Bản Công- xéc-tô viết cho lưỡi dao mổ… Cấu trúc thơ của ông cũng tạo ra sự hô ứng với các đoạn khúc khác nhau, khiến thi phẩm như có lớp lang ý tứ liên hồi. Trong tập Những con ngựa đêm, có khá nhiều bài thơ chứa đựng đặc tính này như Trận mạc, Ánh sáng, Đêm, Trẻ em trên mặt đất, Phố… Cách tổ chức đó vẫn đảm bảo sự cân bằng giữa tính ngẫu hứng và kỉ luật. Ngẫu hứng chờ đón những vòng sóng cảm xúc đính vào câu chữ và kỉ luật sắp đặt chúng sao cho tứ thơ được phát triển tối đa. Đọc thơ Nguyễn Việt Chiến, vì thế, thường bắt đầu với trạng thái mơ hồ, nhẹ nhàng khơi gợi nhưng kết thúc bao giờ cũng là một sự đúc rút, chiêm nghiệm, như cách người lữ khách bước vào một chốn mới, con đường mới của nhìn thấy, quan sát và cảm nhận thấu đáo trần đời.
TS MAI ANH TUẤN
(Đại học Văn hóa Hà Nội)