Phê bình văn học vốn là phản ứng tự nhiên của người đọc đối với tác phẩm. Vì thế hình thức phê bình đầu tiên của con người là phê bình tự phát. Đọc xong một cuốn sách hay thì vỗ đùi khen, nếu đọc cuốn sách dở, buột miệng chửi một tiếng, hay khi trà dư tửu hậu, hoặc lúc dạo chơi với bạn bè, bàn bạc mấy câu về cuốn sách nào đó… Đó là phê bình tự phát. Loại phê bình này chủ yếu là phê bằng miệng, bằng động tác, như phẩy tay, dẫu miệng…đều là tự phát cả. Sau này trong các xa lông sang trọng của các bà quý tộc, các bà mệnh phụ sau cuộc chơi bài, đàm đạo mấy cuốn sách vừa xem, đó vẫn là phê bình tự phát. Anh Hoàng trong truyện ngắn Đôi mắt của Nam Cao, khi nghe vợ đọc Tam quốc diễn nghĩa, đến chỗ hay, vỗ đùi đánh đét khen: “Tài thật, Tài thật. Tài đến thế là cùng. Tiên sư anh Tào Tháo!”, “Tiểu thuyết thì nhất anh Tàu.” Đó cũng là phê bình tự phát. Phê bình tự phát có mọi nơi, mọi lúc, đồng hành cùng sinh hoạt văn học của con người. Dù cho phê bình chuyên nghiệp có chết hết đi thì phê bình tự phát vẫn sống. Phê bình tự phát khi thành dư luận mạnh mẽ buộc phê bình chuyên nghiệp phải nhào vô giải thích. Phê bình tự phát thường có ba nhược điểm. Một là thường nói theo, nói leo. Người đã đọc sách nhận xét đã đành, người không đọc cũng nghe rồi nói theo, bàn tán, thực ra là nói mò. Hai là phê bình tự phát dễ biến thành ý kiến nhóm, có thói quen riêng, thiếu cái nhìn toàn bộ, dễ thiên lệch. Ba là dễ chạy theo thời thượng, đồng thời cũng nhanh chóng bị thay thế, thiếu bền vững, hôm nay vừa khen, ngày mai thấy nói khác, lại nói theo, số phận ngắn ngủi. Có một thời, sách xuất bản xong liền có cán bộ đi thu thập ý kiến bạn đọc các giới, kết quả thu được chỉ là các dư luận như thế, rất ít tính khoa học. Tất nhiên phê bình chuyên nghiệp cũng góp phần định hướng cho phê bình tự phát, giúp nó sâu sắc hơn.

Phê bình chuyên nghiệp là thứ phê bình khác, nó có nhiệm vụ riêng, yêu cầu riêng, là sản phẩm của sự phân công lao động xã hội. Theo A. Thibaudet, nhà tư tưởng Khai sáng Pháp là Voltaire (1694 – 1778) có lần nói: “Trong các nước hiện đại, khi người ta chú tâm phát triển văn học thì nảy sinh loại phê bình chuyên nghiệp. Người này cũng giống như các ông thú y ngoài chợ, hàng ngày đi kiểm tra các loại lợn đem bán, nếu có bệnh thì cấm bán, nếu lành thì đóng dấu cho lưu hành.” Như thê người phê bình chuyên nghiệp đầu tiên có thể coi giống như nhân viên thú y kiểm dịch ngoài chợ, thấy có bệnh thì kêu lên, để mọi người tránh xa, không mua hàng đó. Cứ theo chức năng đó thì nhà phê bình chuyên nghiệp kiểm dịch đầu tiên của nhân loại phải kể đến là Đức Khổng Tử, người Tàu. Ông này sống vào năm 552 – 479, trước Platon (427-327), người Hi Lạp 100 năm. Khổng Tử đã chọn lựa trong hàng vạn bài ca dao, dân ca của các nước trong lãnh thổ Trung Hoa cổ đại, chọn lấy 305 bài, theo tiêu chí “tư vô tà”, tức là tư tưởng không có gì sai trái, lệch lạc, đồi trụy, có thể lưu hành. Còn các bài khác đã bị ông vứt bỏ, thất truyền hết. Tuy nhiên, ông là bậc thầy lỗi lạc, ông đã  lấy ngôn chí, tải đạo làm gốc, có sự thống nhất giữa mĩ và thiện, chấp nhận thi ca có thể hứng, quan, quần, oán, văn chất thống nhất với nhau, cho nên tuy chỉ chọn có 305 bài mà gồm đủ thi ca nhiều nước, các tác phẩm xuất sắc, đa dạng. Platon thì quá cực đoan, ông coi thi ca (văn học ) đều là dịch, thế là ông đuổi nó ra khỏi nước Cộng hòa lí tưởng của ông.

Loại phê bình chuyên nghiệp thứ hai theo cách hiểu của Thibaudet là phê bình văn học về phương diện nghề nghiệp. Nội dung này đổi thay theo lịch sử. Trước hết nó bao gồm phê bình theo các quy tắc sáng tác mà chủ yếu là quy tắc thể loại, phong cách, tức là thi pháp học. Người đầu tiên thuộc loại này là Aristote (384 -322), viết sách Thi pháp học, Tu từ học, tuy thiên về lí thuyết, nhưng ông cũng đã phân tích các tác phẩm kịch của Eschyle, Sophocle về các mặt quy tắc thể loại. Tiếp theo là Longinus (213-278) bàn về caí cao cả. Đến thế kỉ thứ 5 sau công nguyên mới xuất hiện nhà lí luận nổi tiếng Trung Quốc Lưu Hiệp (sinh khoảng 465, năm mất không rõ) viết Văn tâm điêu long bàn về phép làm văn, các thể loại, các phong cách. Ở phương Tây đến thế kỉ XVII loại phê bình theo tiêu chí quy tắc thể loại này đạt đến toàn thịnh.

Tuy phê bình theo quy tắc thể loại, nhưng họ lại xử lí tác phẩm theo quy tắc kiểm dịch, nghĩa là tác phẩm nào không theo đúng quy phạm thể loại là bị chê. Theo Thibaudet cho biết, thế kỉ XVII Tể tướng Pháp là Richelieu đem áp đặt cho Viện Hàn lâm Pháp loại phê bình kiểm dịch này. Bất đắc dĩ Viện Hàn lâm Pháp phải chấp nhận, nhưng chỉ làm một lần duy nhất rồi thôi. Ở Trung Quốc xưa phê bình kiểm dịch thực hiện việc phát hiện các vụ án văn tự ngục khiến bao nhiêu văn sĩ rơi đầu. Truyền thống này léo dài đến thời Mao, thời Cách mạng văn hóa. Ở nước ta trong thời kì bắt đấu xây dựng chủ nghĩa xã hội phê bình chuyên nghiệp cũng thực hiện nhiệm vụ kiểm dịch, chỉ ra các biểu hiện tư sản, phản động, đồi trụy, xét lại, bôi đen chế độ…Thực tế lịch sử cho thấy loại phê bình này tuy có tính chuyên nghiệp, đúng hơn là tính nghiệp vụ, song chất lượng thực tế có nhiều vấn đề đáng bàn, có nhiều sai sót và nhiều khi gây hậu quả không thể sửa chữa được.

Ở phương Tây phê bình chuyên nghiệp về nghệ thuật đã phản ứng rất mạnh với phê bình kiểm dịch. Có lần một nhà phê bình, hình như Jean Chapelaine thì phải, chỉ trích tác phẩm của Corneille, Nicolas Boileau liền bỏ ra ngoài, không nghe.  Từ đó về sau phê bình chuyên nghiệp phương Tây chuyển sang phê bình hàn lâm, khoa học. Ở phương Đông hình như muộn hơn một chút, bắt đầu từ thời Ngụy Tấn, túc là khi tư tưởng đại nhất thống, độc tôn nho học sụp đổ. Đó là vào thời gian từ thế kỉ I CN cho đến thế kỉ VI CN. Sau đó là thời Tùy Đường, Ngũ đại. Sau Lưu Hiệp là Chung Vinh, tiếp theo là các nhà thi thoại, bắt đầu từ Lục nhất thi thoại của Âu Dương Tu. Ở Trung Quốc nói chung không có nhà phê bình chuyên nghiệp, phần lớn là các nhà thơ, có làm quan hay ở ẩn, vừa sáng tác vừa kiêm bàn về thi ca cũng rất chuyên nghiệp theo lối sành sỏi, chứ không phải theo phân công xã hội. Đến đời Minh Thanh mới có các nhà bình điểm tiểu thuyết đóng vai trò phê bình chuyên nghiệp. Ví như Kim Thánh Thán, ông không sáng tác mà chỉ bình điểm (phê bình). Đặc điểm chung của phê bình chuyên nghiệp lúc này là phê bình về phong cách và thể loại, cách đọc.

Mặc dù nêu ra nguyên tắc mô phỏng tự nhiên, song các nhà phê bình phương Tây đều quan tâm mô phỏng để sáng tạo thể loại, chứ không phải sáng tạo đối tượng. Khi Aristote viết: “Cái mà bi kịch mô phỏng không phải là con người, mà là hành động, đời sống của con người…Bi kịch là sự mô phỏng hành động, chủ yếu là để mô phỏng hành động, mới mô phỏng con người trong hành động.” Câu này nói lên rằng sự mô phỏng tự nhiên trong học thuyết của Aristote chỉ nhằm để sáng tạo ra hình thức của nghệ thuật. Đỉnh cao của phê bình thể loại ở phương Tây là thời kì chủ nghĩa cô điển thế kỉ XVII. Mọi tác phẩm đều được xét theo quy tắc thể loại. Các nhà phê bình quyền uy như Jean Chapelaine rồi Nicolas Boileau tiếp theo nhau xác định nguyên tắc “tam duy nhất” và Chapelaine đã buộc các nhà viết kịch đi theo quy tắc này. Mô phỏng tự nhiên chưa hề là yêu cầu để xem xét về nội dung của nghệ thuật đối với hiện thực. Lưu Hiệp, Chung Vinh, các nhà thi thoại, các nhà bình điểm chủ yếu đều chỉ phê bình thể loại và phong cách mà thôi. Chính truyền thống này đã ảnh hưởng đến phê bình văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan chủ yếu là các nhà phê bình về phong cách và quy tắc thể loại. Nói đến tính chuyên nghiệp có nghĩa là chuyên nghiệp trong các lĩnh vực đó, chứ không phải là chuyên nghiệp theo kiểu lấy phê bình để làm kế sinh nhai như sau này nhiều người hiểu lầm. Trên đời xưa nay trừ các nhà quý tộc, không ai sống được bằng nghề phê bình.

Từ thế kỉ XVIII ở phương Tây các nhà phê bình lãng mạn chủ nghĩa mới dần dần bác bỏ nguyên lí mô phỏng có từ thời cổ đại và bắt đầu quan tâm đến mối quan hệ văn học với  tính chân thực của tình cảm và tưởng tượng, hư cấu. Lúc này nghệ thuật không mô phỏng tự nhiên nữa, mà dùng trí tưởng tượng và tình cảm làm biến đổi hình ảnh về hiện thực. Theo M. H. Abrams trong sách Gương và đèn – lí luận chủ nghĩa lãng mạn và phê bình văn học truyền thống (1953) đã tổng kết quan niệm văn học và hiện thức theo quan điểm lãng mạn chủ nghĩa như sau: 1) Thơ chân thực bởi vì nó phản ánh một hiện thực siêu vượt lên trên thế giới cảm giác; 2) Thơ chân thực, bởi vì bài thơ là một tồn tại, có giá trị, là sản phẩm nảy sinh từ tình cảm thực tế và kinh nghiệm của trí tưởng tượng; 3) Thơ chân thực bởi vì nó  đối ứng với những sự vật hàm chứa tình cảm và trí tưởng tượng của người quan sát, hoặc bị các yếu tố đó làm biến đổi. Phê bình phải đi tìm sự khác biệt của văn học so với tự nhiên do tình cảm và trí tưởng tượng tạo nên. Vậy là nhiệm vụ của phê bình văn học đã thay đổi so với truyền thống.

Bước sang đầu thế kỉ XIX quan niệm văn học thay đổi khiến cho nhiệm vụ của phê bình văn học cũng thay đổi theo. Quan niệm khoa học, quy luật tiến hóa, chủ nghĩa thực chứng đã xem văn học là sản phẩm của lịch sử. Honoré Balzac tuyên bố nhà văn là người thư kí của thời đại, E. Zola coi sáng tác là thực nghiệm khoa học. K. Marx, F. Engels coi văn học là nhận thức xã hội, nhân vật văn học phải thể hiện cái bản chất giai cấp mà nó đại diện. Tính cách điển hình là sản phẩm của hoàn cảnh điển hình, cả hai là sản phẩm của lịch sử. V. N. Belinski coi nhiệm vụ văn học là sáng tạo các điển hình, những người lạ quen biết. Giá trị văn học phụ thuộc vào đối tượng mà nó phản ánh. Đây là điển hình của tầng lớp tư sản đang lên, kia là điển hình của tầng lớp hiệp sĩ lỗi thời, nọ là điển hình của lớp người thừa. Thắng lợi của chủ nghĩa hiện thực là hình tượng chân thực đi ngược lại thế giới quan và thiện cảm chủ quan của nhà văn. Nhiệm vụ của phê bình văn học là chỉ ra cái hoàn cảnh, điều kiện lịch sử, và con dường dẫn đến các điển hình văn học. Saint Beuve chỉ ra yếu tố tiểu sử, Hyppolyte Taine chỉ ra ba nhân tố tạo ra văn học nghệ thuật: chủng tộc, địa lí, thời cơ. Brandes kết hơp cả hai lí thuyết mà viết nên các trào lưu văn học châu Âu thế kỉ XIX. Gustave Lanson vận dụng các yếu tố ngoại tại để viết lịch sử văn học Phấp. Toàn bộ phê bình văn học đi tìm các nhân tố ngoại tại để giải thích văn học. Nhiều nhà phê bình văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 tiếp thu các trào lưu phê bình này. Ví dụ Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm so với Lịch sử văn học Pháp của Lanson.

Với sự thành công của cách mạng vô sản ở Nga rồi lan ra các nước Đông Âu, Á châu, Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba, Triều Tiên, quan niệm của văn học lại thay đổi. Văn học là công cụ tuyên truyền lí tưởng cộng sản, đối tượng biểu hiện là công nông binh, đề cao tính giai cấp, phủ nhận tính người, ca ngơi chế độ mới chuyên chính vô sản, văn học và phê bình đều là vũ khí phê phán mọi lực lượng thù địch. “Lấy cán bút làm đòn xoay chế độ, Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”. Thơ ca là tạc đạn, là vũ khí tấn công, thực hiện nhiệm vụ chuyên chính vô sản. Phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa thực chất là vũ khí miêu tả hiện thực theo quan niệm của Đảng, là công cụ để giáo dục lí tưởng cộng sản cho nhân dân. Văn học hoàn toàn biến thành chính trị hóa, phê bình là công cụ đấu tranh chính trị, phê phán mọi tư tưởng trái với tư tưởng của chủ nghĩa Mác Lênin, Mao Trạch Đông, đường lối của Đảng. Phê bình văn học trơ thành công cụ sát phạt các tư tưởng khác mình. Phê bình cũng ngợi ca các mẫu mực của văn học cách mạng theo quan điểm của Đảng. Đáng tiếc, theo thời gian phần nhiều các tác phẩm mẫu mực ấy ngày càng mất giá, rất ít tác phẩm còn đứng được với thời gian, ngoại trừ chủ yếu là các tác phẩm thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, sự hi sinh cao cả trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Đó là một nhiệm vụ phê bình văn học hết sức đặc thù, chỉ hợp với tính chất không bình thường của thời chiến.

Ở các đô thị miền Nam, trong bối cảnh chính trị khác đã tiếp thu các hệ hình mới của phê bình văn học phương Tây từ đầu thế kỉ XX đến sau thế chiến II và đã hình thành những phong cách, có những tìm tòi và thành tựu.

Nhưng rồi các cuộc chiến tranh cũng kết thúc, chiến tranh lạnh cũng tiêu tan. Phe xã hội chủ nghĩa đã sụp đổ.  Cuộc sống trở lại thời bình. Những kẻ thù từng đánh nhau đang chuyền dần sang đối tác làm ăn có hiệu quả, trong khi có người bạn lộ rõ dã tâm xâm chiếm lãnh thổ. Hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa kinh tế và tri thức. Sự giao lưu, tiếp xúc văn học Việt Nam với thế giới cởi mở chưa từng thấy. Với các điều kiện đó, phê bình văn học Việt Nam đã đổi thay hoàn toàn. Chúng ta đang tìm hiểu, dịch thuật, tiếp nhận nhiều cách tiếp cận mới từ những năm 60 trở lại đây của phương Tây. Nhiệm vụ phê bình trở lại với thông lệ của nó với một độ mở mới.

Phê bình văn học có nhiệm vụ đặc thù của nó. Nói chung, bất cứ nền phê bình văn học nào cũng có bốn nhiệm vụ chính phải làm. Phê bình văn học Việt Nam hiện nay nói chung cũng không ngoại lệ. Một là nghiên cứu, miêu tả các thể loại, ngôn ngữ văn học, diễn ngôn đương đại và thế kỉ XX cùng những biến đổi của chúng theo thời gian. Đó là nhiệm vụ mà bất cứ nền phê bình văn học bình thường nào cũng phải làm. Hai là miêu tả, phân tích mối quan hệ giữa văn học đương đại, văn học thế kỉ XX với văn học truyền thống dân tộc cũng như sự ảnh hưởng, sự tiếp nhận văn học nước ngoài để phát triển văn học dân tộc. Không một nền phê bình văn học nào trong bối cảnh như hôm này mà từ chối công việc đó. Ba là sắp xếp, liệt hạng đối với các tác gia, các thế hệ của các nhà văn thế kỉ XX và đặc biệt là nhà văn đương đại. Việc này ít nhất cũng được phản ánh một phần trong các giải thưởng văn học, các giải thưởng nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh. Vì các lí do tế nhị chúng ta chưa có sự xếp hạng toàn bộ các nhà văn thế kỉ XX, tác giả tại các đô thị miến Nam vùng tạm chiếm. Nhưng chân dung, sáng tác của các nhà văn thì đã được khắc họa, phân tích khá rộng rãi. Bốn là phân biệt và nghiên cứu các xu hướng văn học trong quá trình vận động của một thế kỉ. Văn học Việt Nam hiện đại đang có những khuynh hướng nào, thàh tự mối khuynh hướng ra sao, nhà phê bình không thể không cho người đọc biết. Tác phẩm văn học đương đại ùn ùn như một dòng thác, phê bình không đọc xuể, phải có thời gian, độ lùi mới nhìn kĩ được, nhưng các tên tuổi hàng đầu vẫn được nhận ra. Vấn đề nghiên cứu các khuynh hướng sáng tác vẫn đang là khâu trống, do nhiều lí do khác nhau. Các nhiệm vụ đó đều phải do các nhà phê bình chuyên nghiệp thực hiện, những người không chuyên không ai có thể làm thay được cho họ. Nhiệm vụ này hiện đang gặp khó khăn, các tiêu chí hoặc nặng về chính trị hoặc do có nhiều lí thuyết, khi phát biểu ra sẽ có nhiều ý kiến trái chiều. Nhưng đó là điều tất yếu trong thời hội nhập mà nhà phê bình phải vượt qua. Hiểu như vậy thì chuyên nghiệp và nghiệp dư không thể nào lẫn lộn được. Người nghiệp dư không thể làm được công việc của người chuyên môn, trái lại một khi đã là nhà chuyên môn rồi, họ không thể nghiệp dư hóa trở lại được. Chỉ có các quan điểm nghiệp dư thì mới lẫn lộn hai thứ đó vơi nhau.

Xét theo bốn nhiệm vụ nêu trên thì nói chung phê bình văn học Việt Nam đang làm tốt, chỉ có chất lượng chưa đồng đều. Vấn đề là phê bình chuyên nghiệp cần phải được đánh giá một cách chuyên nghiệp. Ở Việt Nam thường có chuyện người chuyên môn được đánh giá bởi người không chuyên môn. Truyền thống này bắt đầu từ cuôi những năm 40 trong thời chống Pháp, khi khái niệm “quần chúng phê bình” được đề xuất trong các cuộc tranh luận văn học nghệ thuật, nhằm để vô hiệu hóa các nhà chuyên môn. Hiện nay, khi đánh giá phê bình chúng ta thường không căn cứ vào các nhiệm vụ cụ thể, chuyên môn của phê bình văn học, các công việc cụ thể mà phê bình phải làm, mà căn cứ vào các yêu cầu chính trị, nhiệm vụ chính trị, các công thức tư tưởng chung chung thời nào cũng đúng, ai cũng nói được, như phê bình lạc hậu so với sáng tác văn học, lạc hậu so với thực tế đời sống, phê bình sính ngoại… Nội dung các khái niệm này phần nhiều mù mờ, cần phải được thảo luận kĩ lưỡng. Rất khó mà nói phê bình lạc hậu so với sáng tác. Ngay bây giờ mà đánh giá các tác phẩm đầu thế kỉ XX vẫn chưa thể coi là muộn hay lạc hậu, nếu như nhìn theo quan điểm lí thuyết hậu thực dân. Đánh giá một tác phẩm mới ra như Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư theo quan điểm điển hình cũ thì lại rất lạc hậu. Ở đây muốn tránh lạc hậu phải có tư tưởng lí thuyết tiên tiến. Mà các lí thuyết tiên tiến hiện nay chủ yếu đều có nguồn gốc tư sản phương Tây. Các tác phẩm mới ra nhiều khi phải có độ lùi cần thiết mới đánh giá đầy đủ được, như thế, phê bình mà “lạc hậu” so với sáng tác thì lại hợp quy luật, còn tác phẩm vừa ra đời mà đánh giá ngay nhiều khi bất cập, ví như khen thơ của Hoàng Quang Thuận. Chỉ có thể yếu cầu phê bình kịp thời theo nhiệm vụ chính trị mà mỗi kì Đại hội hay mỗi Nghị quyết của Trung ương  mới ra, “đưa nó vào cuộc sống sinh động”, mà làm được như thế thì chỉ có phê bình chính trị mà thôi. Phê bình chuyên nghiệp mà được đánh giá một cách không chuyên nghiệp thì số phận của nó không nói cũng biết rồi. Kết quả đã được biết trước khi đánh giá, thậm chí không nghiên cứu, chỉ nghe một vài dư luận cũng đánh giá được. Hoàn cảnh lịch sử của đất nước đã đổi thay rồi, mà tiêu chí đánh giá phê bình thì không thay đổi kịp. Chúng ta vẫn nói theo ngôn ngữ cũ của thời chiến: “phê bình trực chiến”, “đội ngũ phê bình”, “nhà phê bình là chiến sĩ”, “mặt trận văn nghệ”, “nâng cao tinh thần chiến đấu chống các luận điệu sai trái”…Tại sao nhà phê bình lại nhất thiết là chiến sĩ? Khi đã làm chiến sĩ rồi, liệu có còn là nhà phê bình? Chẳng lẽ chiến tranh kết thúc đã gần 40 năm mà ngôn ngữ phê bình không có sự thay đổi hay sao? Phải chăng vấn đề hiện nay là tiêu chí đánh giá phê bình không theo kịp thực tiễn phê bình? “Phê bình kiểm dịch” vẫn có người thực hiện, và thường xuyên nhận được các giải cao của các cơ quan Đảng và Nhà nước, các cơ quan luôn mở lòng khuyến khích rất hậu, bởi nó đáp ứng nhu cầu của công tác chính trị. Nhưng theo chúng tôi, đó là nhiệm vụ chính trị đặc biệt, không phải là nhiệm vụ chung, bình thường của toàn bộ nền phê bình văn học thời bình của một nền văn học đang có đà phát triển. Nhà nước cần khuyến khích mọi loại hình phê bình chuyên nghiệp. Bởi có như thế thì phê bình chúng ta mới tiến kịp các nước tiên tiến. Cứ theo tiêu chí “tính chiến đấu” của phê bình chính trị mà đánh giá thì nói chung hầu hết những ai làm công tác phê bình văn học bình thường khó lòng được chấp nhận xứng đáng. Thiết nghĩ nên đánh giá nền phê bình văn học của ta theo nhiệm vụ mà bất cứ nền phê bình văn học nào của bất cứ nước nào đều thực hiện đối với nền văn học của họ, như thế sẽ công bằng với nền phê bình văn học hiện nay hơn và thúc đẩy phê bình phát triển.

Phê bình văn học luôn đổi thay theo lịch sử. Nhìn phê bình theo quan điểm lịch sử ta sẽ thấy sự đổi thay các giai đoạn, các hệ hình phê bình khá rõ ràng. Khi giai đoạn lịch sử đã đi qua mà vẫn muốn khuôn phê bình theo yêu cầu cũ thì sẽ trói buộc và hạn chế sự phát triển của phê bình và suy cho cùng cũng hạn chế luôn sự phát triển của bản thân văn học dân tộc.

Trần Đình Sử