Quen biết nhà thơ Đỗ Trọng Khơi từ lâu, nói chuyện điện thoại, Email qua lại khá nhiều nhưng chưa một lần gặp mặt. Thỉnh thoảng đọc bài tản văn hay thơ của anh trên báo Văn Nghệ, tôi thấy văn anh gần đây có phong vị thiền triết khá sâu sắc. Giờ đọc bản thảo tập thơ mới này của anh, gặp nhiều bài có phong vị ấy, tôi rất lý thú và hào hứng chọn lọc chép lại một số để thưởng thức, làm tư liệu về những câu thơ tài hoa. Trong cuộc sống ồn ào bon chen nhiều bất ổn, gặp câu thơ thanh đạm lắng sâu, thiền triết, lòng ta thấy thanh thản nhẹ nhàng; một chút điềm tĩnh, một chút an nhiên chả là điều đáng quý sao?

Nhấp chén trà trong đêm, Đỗ Trọng Khơi xúc cảm suy tư:

Chén nghiêng nghiêng một vóc gầy
tình xao mặt chén động lay vô cùng…
Chân sương gót ngập gót ngùng
lòng ta đêm thả vào trong lòng trà.

(Trà đêm)

Đêm khuya vắng, chỉ có một “một vóc gầy”, nhìn vào mặt chén trà cỏn con, một sự đồng điệu đến độ động lay tới vô cùng… Một sự cảm thông lan xa quý hiếm. Thế rồi như có gót chân sương ngập ngừng ngoài cửa. Cố nhân chăng? Tri kỷ chăng? Giai nhân chăng? Khao khát bằng hữu lắm, nhưng chỉ là sương đêm thôi. Cô đơn và buồn quá!

Nhưng một khung cảnh cô đơn, một thế giới cô đơn là điều kiện lý tưởng cho người nghệ sĩ mê say sáng tạo. Hầu hết những tác phẩm giá trị sâu sắc chả từng ra đời trong sự cô đơn hoặc đớn đau đến tột cùng đó sao? Và quả nhiên, từ đây thi tứ đã lóe sáng. Trà thấm vào lòng, vào từng huyết mạch thì nhiều người có thể thức nhận ra điều ấy, nhưng: “Lòng ta đêm thả vào trong lòng trà” thì chắc chỉ có thi nhân mới cảm được mà thôi. Câu thơ vừa đẹp, vừa mênh mang sâu thẳm.
Không ít người từng giật mình thấy tóc trắng trên đầu, rồi ngẫm ngợi miên man, không ít phần lo ngại, nhưng Đỗ Trọng Khơi bình tĩnh:

Ta giờ tóc nở như hoa
cái trắng lẫn giữa nhập nhoà cái đen
Ta giờ ánh mắt cài then
ảnh nào cũng lạ, chỉ quen một mình

(Núi nho nhỏ)

Thấy tóc nở như hoa thì hơi “điệu đàng” một chút, nhưng người đọc cũng cảm thông vì thấy có pha một chút xa xót tình đời. Nhất là câu “Ta giờ ánh mắt cài then/ ảnh nào cũng lạ…” tưởng là “cài then” thật, nhưng không, còn thấy lạ, tức là còn mong tìm hiểu, khám phá, còn ngơ ngác, ngạc nhiên, tâm hồn còn non tơ chứ chưa phải đã già. Thi nhân không có tuổi! Già là hình thức bề ngoài, non tơ là nội tâm ẩn giấu. Trong một khúc thơ ngắn mà nói được những điều tinh tế ấy quả không dễ chút nào, chắc phải tu luyện kỳ công lắm?

Phong vị thiền triết trong thơ Đỗ Trọng Khơi thường phảng phất triết lý nhân sinh:

Kết mùa ngậm bóng hoa – rơi
mà theo hoa rụng về thời thơ sinh
Mà về thăm thẳm tâm linh
lặng nghe tĩnh vắng xoá hình dáng ta

(Cầm thu)

Thông thường thấy hoa rụng, có người hay nghĩ đến sự già nua, “lá rụng về cội”, Đỗ Trọng Khơi ngược lại: “mà theo hoa rụng về thời thơ sinh”, lạ và mới mẻ. Quy luật, tuần hoàn, cái còn trong cái mất đó chăng?

Câu: “lặng nghe tĩnh vắng xoá hình dáng ta” chất thiền triết tự nhiên như không, phảng phất lẽ vô thường… Tuy vậy, thơ anh vẫn không thiếu sắc màu tươi trẻ:

Chiều vàng, chiều tím, chiều xanh
đẹp sao đẹp tận mong manh thế này
khi tình quá một gang tay
thì nghiêng vạt áo gói ngày làm đêm.

(Khi tình quá một gang tay)

Một buổi chiều nào đó, có pha chút tình yêu chăng, nên tuy chiều rồi mà còn rực rỡ đến thế! Nhưng anh vẫn bình tĩnh, tỉnh táo nhận ra cái đẹp tận cùng thật mong manh. Vậy xin hỏi: “tình quá một gang tay” thì là dài hay ngắn? Lại nữa: “gói ngày làm đêm” thì gói bằng cách nào? Nhưng thôi, tình yêu, có khi nào rành mạch được đâu! Thơ tình mà vẫn có phong vị thiền triết, thật thú vị!

Và, đến lúc nào đó, Đỗ Trọng Khơi cũng giật mình nghĩ đến thời gian:

Một giờ một thu một tôi
mấy mươi phút nữa đất trời hoà chung
Trăng lên chưa chạm đỉnh không
cỏ xanh chưa ngọn cuối cùng chưa thôi
Hư vô thảm thắc với tôi
thời gian càng nắm càng rơi dọc đường

(Hư vô thảm thắc)

Từ cõi đời thực, anh muốn tiếp cận cõi hư vô? Cũng nên thử ngó vào chỗ này xem sao, chắc cũng lắm điều thú vị! Và, nếu ngó được vào cõi này, có lẽ mỗi người có cảm nhận riêng của mình. Rất có thể có người “chả thấy cái gì cả”; một số thì thấy một chút mập mờ “chả để làm gì”, hơi bị “vô tích sự”; số nữa thấy cũng có nét đậm đà, thi vị; số nào đó lại thấy đời mình vận vào những nét dáng mơ hồ nào đấy. Vân vân… Thôi thì tùy ở mỗi người, nhưng dẫu thế nào cũng phải công nhận “thời gian càng nắm càng rơi dọc đường” là câu thơ hay.

Chắc Đỗ Trọng Khơi đã không ít lần “ngó vào cõi hư vô” kia, nên anh viết được một số câu thơ trong trẻo giản dị và sâu lắng, chẳng hạn như:

Sinh ra là để mất đi
mất đi là để ta về cõi ta

(Ta về cõi ta)

Đưa khoảng không vào cuộc chơi
mà sao cái giọng cái nhời nhẹ tênh.

(Tiếng chim xuân)

Qua các kênh thông tin, được biết Đỗ Trọng Khơi bị tật bẩm sinh, anh chỉ nằm là chủ yếu. Có phải chăng vì thế mà anh có căn duyên với “thiền” trong đạo Phật. Người khác ngồi thiền, anh nằm thiền! “Thiền là sự kết hợp giữa thân thể và ý niệm trong thời gian – không gian nhất định để được tĩnh tâm, thanh lọc mọi thứ tạp niệm, để nhìn nhận sâu sắc về bản ngã và thế giới xung quanh một cách minh tuệ nhất”.

Men dòng nhật nguyệt ta đi
bao điều sắc sắc đã về không không?

(Men dòng nhật nguyệt)

Bờ ao con nước liu diu
dăm ba cánh lá thả điều hư không.

(Cuối thu)

Sách Phật có câu: “Thiên thượng, thiên hạ duy ngã độc tôn”. Một sự tôn vinh bản thể rất đặc biệt. Đỗ Trọng Khơi “nằm thiền” cũng là một trạng thái tâm thức, qua đó anh có điều kiện tự khám phá bản thể mình. Nhìn vào bàn tay, anh tự tin:

Tay năm ngón mở bao la
lòng tay nắng cũng như là rêu phong.

(Ngày)

Tuy nằm một chỗ nhưng anh có cách “đi” riêng của mình:

Tôi tự chèo lái tôi đi
đi cho hết cõi không gì mới thôi.

(Cõi không gì)

Kinh Phật giảng rằng con người ta có hai điều cần quan tâm bậc nhất đó là khả năng nhận biết của trí tuệ bao la vô bờ bến và thứ hai là tính chất đại giải thoát. Hai điểu trên quan thiết với nhau, tính chất đại giải thoát giúp trí tuệ nhìn thấy và tiếp cận được với cõi nhiệm màu và từ đó cũng mở ra cánh cửa giải thoát mênh mang vô định. “Đi cho hết cõi không gì mới thôi”, thơ đến được thiền triết và triết lý nhân sinh thường phải có nhân duyên, cơ duyên.

Chén này đong sự đầy vơi
đựng nơi miệng chén tiếng lời thế gian.

(Cõi rượu)

Cõi thiền cõi thơ thật ảo diệu, là không gian – thời gian lý tưởng của nhà thơ Đỗ Trọng Khơi chăng. Ở đó anh gặp được thế giới tình thương bao la và sự đại giải thoát diệu kỳ. Những dòng thơ như những đóa sen nở ra từ làn nước trong veo xanh mát đạo và đời. Đó là suối nguồn hạnh phúc chứ còn phải tìm kiếm ở đâu.

Nguyễn Vũ Tiềm