Nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử nhằm giải mã lịch sử, chứ không phải người chép lại lịch sử. Để bạn đọc dễ hình dung, xin đưa một ví dụ. Các nhà Cổ sinh vật chỉ tìm được một chiếc xương ống chân voi Mamut, hoặc một chiếc răng khủng long thời tiền sử. Nhưng họ đã cho ta thấy cả một loài Mamut hoặc loài khủng long rất hoàn chỉnh và sinh động. Nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử cũng vậy. Nếu khai thác được đúng mạch nguồn của nó, cũng như các nhà Cổ sinh vật thôi. Trái lại, nếu sai hướng thì các nhà Cổ sinh vật chỉ vẽ ra được Con Ma, chứ không phải Mamut. Các nhà tiểu thuyết lịch sử cũng không có ngoại lệ.
Cách đây 3 năm, khi đến thăm tôi, nhà văn Phùng Văn Khai hỏi: “Chú có còn định viết gì nữa không?” Tôi cười, đáp:
– Với nhà văn, không viết gì nữa, có nghĩa là anh ta đã chết.
– Thế chú định viết gì?
– Định viết về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
– Hai Bà Trưng à? Ngừng một lát, Khai tiếp: – Hai Bà Trưng, chú để cháu viết. Chú viết cái khác đi.
– Vậy tôi nhường cậu. Ai viết cũng được, miễn sao chuyển được thông điệp lịch sử từ ngàn xưa do tổ tiên để lại một cách trung thực, giúp người sau tiếp cận lịch sử không quá khó.
Bẵng đi khoảng 1 năm sau, Phùng Văn Khai mời ra mắt sách Trưng Nữ Vương. Sách in 2 tập khổ 16 – 24 cm với trên 700 trang. Tốc độ viết của Phùng Văn Khai thật đáng nể. Năm 2015, anh viết cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên: Phùng Vương. Bốn năm sau, 2019 anh trình làng tiểu thuyết Ngô Vương. Thuận đà, năm 2020 anh cho ra 2 đầu sách tiểu thuyết lịch sử: Nam Đế Vạn Xuân; Triệu Vương phục quốc. Và thừa thắng xông lên, năm 2021, Phùng Văn Khai liên tiếp ra mắt hai đầu sách viết về lịch sử: Lý Đào Lang Vương; Lý Phật Tử định quốc. Tiểu thuyết Trưng Nữ Vương ra mắt năm 2023. Sức viết như vậy, mấy ai đã theo kịp, bởi việc chính của anh là công tác quản lý. Hiện anh làm phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Viết tiểu thuyết lịch sử, khoảng thời gian từ thế kỷ XIV trở về trước, đối với nhà văn là vô cùng gian nan. Bởi tất cả những gì thuộc về văn hóa, lịch sử của chúng ta đã bị giặc Minh vơ vét và thiêu hủy triệt để. Đây là chủ trương của Minh Thành tổ Chu Nguyên Chương. Theo Minh thực lục chép ngày 15 tháng 8 năm 1406: “Sắc dụ quan Tổng binh Chinh thảo An Nam Thành Quốc công Chu Năng: – Quân vào An Nam đánh chiếm các quận ấp, phàm tịch thu được thư tịch, bản đồ đều hủy không được sót”. Vậy là bao nhiêu sách sử văn tự quí giá của nước ta, như Bộ Hình luật của nhà Lý năm 1042, Bộ Hình luật của nhà Trần năm 1232 rồi mấy bộ Binh thư yếu lược, Vạn Kiếp tông bí truyền thư của Trần Hưng Đạo, Đại Việt sử ký toàn thư của Lê Văn Hưu mười mấy tập v.v… đều bị chúng cướp hết. Và những gì không cướp đi được thì chúng đốt phá hủy hoại cho bằng hết, từ đình, đền, chùa, miếu, tháp cổ tới hoành phi câu đối, bi ký chúng đều tiêu hủy không còn một thứ gì. Vì vậy, khi viết lại Đại Việt sử ký toàn thư, trong biểu dâng sách lên vua Lê Thánh tông, Ngô Sĩ Liên đã tâu: “Giáo mác đầy đường, đâu cũng là giặc Minh tàn bạo, sách vở còn lại chỉ là một đống tro tàn. Những gì tìm được thì chữ HỢI chữ THỈ khó phân (Chữ Hán hai chữ này có tự dạng khá giống nhau, nên khó phân biêt. Ý Ngô Sĩ Liên muốn nói là, tư liệu kiếm tìm được độ chính xác không đáng tin cậy). Thần lục tìm trong các truyện dân gian, kể cả truyện hoang đường góp nhặt lại, làm ra bộ sách này…” Vậy đó, bộ sử lớn nhất của cả dân tộc lâm vào tình trạng đau buồn như thế đấy, thử hỏi tội ác nhằm thủ tiêu nền văn hóa của cả một quốc gia do giặc Minh gây ra, liệu chúng ta có thể quên được không?
Tom góp những gì còn sót lại về Kỷ Hai Bà Trưng, do vị học quan Lê Ngô Cát chuyên làm sử dưới thời nhà Nguyễn viết trong Đại Nam quốc sử diễn ca, tổng cộng được 20 câu thơ lục bát, cả thảy được 140 từ:
TRƯNG TRẮC XƯNG VƯƠNG
Bà Trưng quê ở Châu Phong
Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
Phát cờ nương tử thay quyền tướng quân
Ngàn Tây nổi áng phong trần
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên
Hồng quần nhẹ bước chinh yên
Đuổi ngay Tô Định dẹp yên biên thành
Đô kỳ đóng cõi Mê Linh
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta
Ba thu gánh vác sơn hà
Một là báo phục hai là bá vương
Uy danh động đến Bắc phương
Hán sai Mã Viện lên đường tấn công
Hồ Tây đua sức vẫy vùng
Nữ nhi chống với anh hùng được sao
Cấm Khê đến bước hiểm nghèo
Chị em thất thế cũng liều với sông
Phục Ba mới dựng cột đồng
Ải quan truyền dấu biên công cõi ngoài
Tư liệu lịch sử chỉ có vậy. Bằng cách nào nhà văn Phùng Văn Khai viết nổi tiểu thuyết lịch sử Trưng Nữ Vương? Đó là công việc của nhà văn. Độc giả cứ đọc tiểu thuyết Trưng Nữ Vương sẽ thỏa mãn những gì mình băn khoăn muốn biết.
Trở lại nội dung tiểu thuyết Trưng Nữ Vương. Bắt đầu từ việc tên Thái thú Tô Định được triều đình nhà Hán cử sang thay Thái thú Tích Quang. Bởi có kẻ tâu về triều, rằng Tích Quang nhu nhược, chuyên chú về phong tục, lễ nghĩa, khiến các hào trưởng bản xứ khinh lấn, thiên uy không còn đủ sức răn đe, e sẽ có ngày họ nổi lên phục quốc. Lũ vũ phu này thật là ngu. May thay chúng không nhận ra việc làm của Tích Quang và Nhâm Diên.
Quả là hai người này không dùng chính sách tàn bạo để cai trị, mà họ chỉ dùng “Lễ”, “Nghĩa” giáo hóa dân. Người dân Việt Nam không hề bị mắc lừa về “lòng tốt” của kẻ xâm lược, mà chỉ giới nho sĩ câu kết với giặc và những người nhẹ dạ ngộ nhận về “lòng tốt” của kẻ thù mà thôi. Như Đại Nam quốc sử diễn ca cũng viết: “Tích Quang lễ nghĩa khai tiên. Nhâm Diên dạy việc canh điền hôn nhân”.
Thật là ngớ ngẩn, từ đầu đời Hùng Vương, trước khi giặc Hán xâm lược gần hai ngàn năm, nước ta đã có phong hóa. Việc cưới hỏi đã định hình. Truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh; truyện Chử Đồng Tử – Tiên Dung là những bằng chứng hùng hồn về hôn nhân của người Việt cổ. Còn việc cày cấy nông tang ư? Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều hạt thóc hóa thạch từ 3.000 năm tới 8.000 nảm trước Công nguyên trong “Động người xưa” ở Hòa Bình. Vậy là truyền thống cày cấy, đặc biệt là việc cấy lúa nước của cư dân Đông Nam Á còn có trước cả lịch sư của nước Trung Hoa.
Việc hai nhà Tích Quang và Nhâm Diên truyền bá phong tục tập quán của người Hán cho dân Việt, chính là họ đã làm việc taẩy não cho người Việt mình, để họ nhồi nhét văn hóa Hán, phong tục, tập quán Hán nhằm biến dân tộc này trở thành “xác Việt” “hồn Hoa”. Đó là bước đi cơ bản nhất trong âm mưu “đồng hóa” dân tộc ta. May thay, chỉ có lớp nho sĩ tay sai cho quân thù hớp lấy văn hóa của chúng, còn tuyệt đại đa số nhân dân sống sau “lũy tre làng” vẫn cứ là “đất lề quê thói”. Chính người nông dân ít học này lại là nhân tố quan trong nhất trong việc gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc. Đó mới là nhân tố giữ nước bền vững. Bởi nếu mất văn hóa là mất hết. Nhớ khi vua Quang Trung phát hịch đánh quân Thanh xâm lược, ông nhấn mạnh trong lời “hịch”. “Đánh cho để răng đen. Đánh cho để tóc dài…” Vì người Hán để răng trắng, đầu cạo trọc. Chúng ta nhuộm răng đen, để tóc dài, nhằm phân biệt sự khác nhau giữa người Việt và người Hán. Đó là cách chống đồng hóa bằng nếp sống, phong tục. Điều mọi người tưởng đơn giản, nhưng thực chất lại là giải pháp mềm mang giá trị vĩnh cửu.
Có một chuyện tưởng như vậy, mà không phải vậy. Đó là vào năm 1972, người Mỹ thấy không thể thắng được trong chiến tranh Việt Nam, mà thương lượng mãi với Việt Nam tại Hội nghị Paris cũng chưa tìm ra giải pháp. Kissinger bèn qua ngả Bắc Kinh. Trong khi bàn bạc về người Việt Nam và lịch sử Việt Nam, Thủ tướng Chu Ân Lai mặc cả với Mỹ điều gì chúng ta đâu có biết. Sau này Kissinger hé lộ một trong những điều Chu nói về Việt Nam: “Họ là một dân tộc anh hùng. Họ đã đánh bại tổ tiên chúng tôi. Hồi đầu Công nguyên, tổ tiên chúng tôi đã bị đánh bại bởi hai người đàn bà Việt Nam …” Sau này, nguyên ngoại trưởng Mỹ tiết lộ với báo chí Hoa Kỳ, chúng ta tiếp nhận được, rất lấy làm hỉ hả, cứ rỉ tai nhau hoặc tán thán hoài trên mạng xã hội, rằng Chu Ân Lai xử tốt với ta. Chu khách quan, Chu trung thực.
Thủ tướng Chu Ân Lai nói rất chính xác, so với những gì đã diễn ra trong quá khứ. Nhưng điều đó không có nghĩa là ông ấy ca ngợi Việt Nam, ông ấy tốt với Việt Nam. Từ cổ xưa tới nay, chưa có một người Tầu nào khi họ đang cầm quyền mà hé răng nói tốt cho Việt Nam, tức là nói đúng sự thật về nước ta thôi. Đặc biệt là về việc ta đánh thắng họ. Vậy trường hợp Chu Ân lai thì sao? Ông Chu nói vậy, là ra giá cao với người Mỹ đấy. Vì Mỹ đang muốn thoát ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam mà họ đang sa lầy, nên nhờ Trung Quốc dàn xếp với ta. Vì Mỹ nghĩ, Trung Quốc có ảnh hưởng quan trọng với Việt Nam. Việc ấy sau này sẽ rõ. Vì quyền lợi của họ và để lấy lòng tin từ Mỹ, Đặng Tiểu Bình đã gây ra cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam vào tháng 2 năm 1979. Quân xâm lược vừa hung hăng, vừa tàn bạo và man rợ chẳng khác gì lũ giặc Minh xâm lược nước ta đầu thế kỉ 15. Giặc Minh, giặc Thanh, giặc Trung Quốc với giặc Hán từ 2000 năm trước, đều là giặc Tầu, sự tàn ác và man rợ của chúng cứ mỗi ngày một gia tăng. Cuộc chiến tranh xâm lược năm 1979, với người dân tưởng chỉ diễn ra có vài chục ngày, rồi quân xâm lược phải cuốn gói. Nhưng với nhân dân Vị Xuyên tỉnh Hà Giang, thì cuộc chiến tranh ấy kéo dài suốt 10 năm. Trung Quốc có 15 Đại quân khu, thì chúng cho tới 12 Đại quân khu đều lấy Vị Xuyên làm “sa bàn” thực tập. Có ngày giặc bắn tơi 60.000 trái đại bác sang phía ta. Cả một dẫy núi đá bị bóc hết lớp vỏ ngoài trắng xóa như vôi bột. Các nhà báo nước ngoài đã gọi Vị Xuyên là “Lò vôi thế kỷ”. Nói vậy để mọi người cảnh giác. Rằng giới cầm quyền Trung Hoa từ Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh đến nay chưa hề có chuyện hữu hảo với dân tộc ta, mà họ chỉ: “Bề ngoài thơn thớt nói cười. Mà trong nham hiểm giết người không dao”.
Trở lại với tiểu thuyết Trưng Nữ Vương, nhà văn Phùng Văn Khai cho ta biết tình hình xã hội thời Hai Bà Trưng vào khoảng cuối thời đại Hùng Vương. Lúc đó nhà Hán đã xâm lược Việt Nam. Nhưng chế độ cai trị còn lỏng lẻo. Quan cấp địa phương vẫn do người bản xứ nắm giữ. Các chức huyện lệnh vẫn do các thế gia thuộc dòng dõi Lạc hầu, Lạc tướng kiêm quản. Những vùng đất nhiều hào kiệt như Phong Châu, Mê Linh, Cổ Lôi, Chu Diên, Dạ Trạch… vẫn là nơi hội tụ anh tài. Họ vẫn tổ chức các lực lượng ngoài là dân sự, nhưng trong ẩn chứa như những đội quân ngầm với ý đồ nung nấu, chờ thời cơ đến sẽ nổi dậy đánh đuổi bọn thống trị ngoại bang, giành quyền độc lập tự chủ. Ví như các đội thương thuyền với những ngày hội đua thuyền, thực chất là những cuộc tập dượt của thủy quân. Những ngày hội đua ngựa, bắn cung… thực chất là những cuộc thao diễn quân sự trá hình. Nhà văn Phùng Văn Khai đã mô tả rất sinh động những sinh hoạt này. Và cũng thầm nhắc cho độc giả về ý đồ khôi phục giang san của các hào kiệt.
Hai dòng họ Dương (Thi Sách) và họ Trưng (Trưng Trắc, Trưng Nhị) với hai thủ lĩnh, một người là cha của Thi Sách; một người là cha của Trưng Trắc và Trưng Nhị, họ đều nắm giữ chức huyện lệnh, đều là các bậc hùng tài thuộc dòng dõi các Lạc hầu, Lạc tướng. Hai đầu lĩnh này qui tụ được hầu hết hào kiệt trong vùng. Do đó dân chúng đều hướng về hai nhà Dương, Trưng.
Điều quan trọng là hai nhà hào kiệt này lại kết thông gia. Thi Sách vốn nổi tiếng là tay anh hùng mã thượng, còn Trưng Trắc cũng là bậc nữ lưu, chí khí hơn đời, chứ không phải loại gái quần thoa chỉ ưa điểm tô son phấn. Đôi trai tài gái đảm này đều nặng lòng vì nước, nên họ chuyên chú tới việc tập hợp công chúng, tổ chức những đội quân trá hình dựa vào các hoạt động hội hè để che mắt giặc. Mặt khác, họ vừa nung nấu ý chí vừa rèn luyện võ nghệ, thông qua các lớp dạy võ để nhen nhóm những tài năng cung thủ và côn, quyền cùng đao, thương, kiếm thuật.
Tình hình đất nước trở nên căng thẳng bắt đầu từ khi con cáo già Tô Định được bổ nhiệm làm Thái thú Giao Châu. Y săm soi, xoi mói và canh chừng tầng lớp quan lại được bổ nhiệm dưới thời các Thái thú Tích Quang, Nhâm Diên. Bắt đầu từ sự hạn chế quyền lực, đến bao vây, phong tỏa các hoạt động dân sự. Cao hơn nữa, Tô Định cho bắt Trưng huyện lệnh, tức là cha của Hai Bà Trưng, tức nhạc phụ của Thi Sách. Cho quân đến bao vây huyện đường của Thi Sách, triệu Thi Sách phải về Luy Lâu phụng mệnh.
Biết đây là kế “Điệu hổ ly sơn”, Thi Sách kháng lệnh. Hỗn chiến nổ ra. Ở đây, tác giả cực tả tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất và tài năng siêu việt của dũng tướng Thi Sách đã trổ oai thần tướng, khiến quan quân nhà Hán một phen táng đởm kinh hồn.
Tuy nhiên, cuộc chiến nổ ra, phía ta khá bất ngờ, bị động; lực lượng quá chênh lệch, chỉ có quân bản phủ của Thi Sách, nên cuối cùng quân ta bị tiêu diệt và thủ lĩnh Thi Sách thọ tử.
Vừa để tang cha, tang chồng, Trưng Trắc gạt lệ, tế cờ chiêu binh đánh giặc.
Trước lời hiệu triệu của Trưng Trắc, hào kiệt khắp nơi trong cả nước, không phân biệt nam nữ đều về Mê Linh tụ hội. Trai gái nô nức đầu quân. Số người về Mê Linh tụ nghĩa ngày một đông. Thế nước đã nổi. Nhiều viên huyện lệnh bỏ trị sở, đem toàn bộ quân lính về tụ dưới cờ nghĩa của chị em Trưng Trắc.
Tin quân khởi nghĩa nổi dậy trùng trùng điệp điệp bay về Luy Lâu, quan quân người Việt lặng lẽ trốn đi. Thành Luy Lâu im vắng đáng ngờ. Tô Định cho triệu các huyện lệnh trong toàn cõi Giao Châu về hội họp. Tuyệt nhiên không có viên huyện lệnh nào có mặt. Quân thám về báo, hào kiệt bốn phượng về tụ dưới cờ Trưng Trắc ngày một đông, trai gái khắp nơi nô nức kéo về đầu quân đông như đi trảy hội. Chị em Trưng Trắc đã lập thành nhiều đội quân nam nữ, ngày đêm tập luyên ráo riết, chờ ngày kéo đại quân về Luy Lâu hỏi tội Tô Định.
Các nữ tướng bấy lâu mai danh ẩn tích, giấu mình chờ thời, nay đã bắt đầu xuất lộ, rầm rộ kéo quân về hội dưới ngọn cờ nghĩa của nữ chúa họ Trưng. Đó là nữ tướng Thánh Thiên tuổi trẻ tài cao, đa mưu túc trí. Đó là nữ tướng Bát Nàn, nữ Đô đốc Phùng Vĩnh Hoa, nữ tướng Lê Chân… kề vai sát cánh cùng các bậc tướng lĩnh mày râu, khiến khí thế đất Mê Linh nóng sôi như chảo lửa.
Trong thành Luy Lâu, từng bầy trẻ nhỏ tóc để trái đào, đứa mặc áo đỏ đứa vận váy đen túm đuôi áo nhau rồng rắn diễu quanh chợ vừa đi vừa đồng thanh hát Đồng dao:
Giao Chỉ tứ thập niên,
Quân tướng Hán đảo điên.
Luy Lâu binh Trưng nhập,
Lửa kinh động Trung Nguyên.
Quân thám về bẩm, trong thành Luy Lâu xuất hiện trẻ hát đồng dao giữa chợ đông người. Sau khi nghe thông dịch nội dung, Tô Định mặt mày sây sẩm vội sai quân đi bắt, nhưng chẳng tìm thấy đứa trẻ nào vừa hát đồng dao. Tô Định cho là điềm trời làm ra thế. Đây là điềm triệu không thể coi thường. Trong lòng tướng giặc vô cùng hoang mang, nao núng. Y tự nghĩ, chẳng nhẽ ta giết Thi Sách hóa ra là hạ sách, là nước cờ tồi. Hóa ra ta thua cả Nhâm Diên, Tích Quang…
Tin dữ báo về dồn dập: Tào Đại tổng quản trúng mai phục, chết bên núi Phượng Hoàng. Sầm Lân, Sầm Bá bị quân phục giết chết tại Cổ Lôi sơn trang. Đô đốc Ngụy Húc bỏ mạng ở cửa Hát Môn. Chủ tướng Tây doanh Độc Cô Tần bị vây đã bỏ mạng trong thành Cổ Loa. Thành Cổ Loa có nguy cơ bị nghĩa quân Trưng Trắc hạ trong sớm tối…
Tô Định hội các tướng tâm phúc bàn kế tẩu thoát khỏi Luy Lâu càng sớm càng tốt. Canh ba đêm ấy, quan quân Tô Định người ngậm tăm, ngựa bỏ nhạc âm thầm chạy trốn trong nỗi hãi sợ kinh hoàng về thanh thế của mấy người Đàn bà Giao Chỉ. Qua ải Pha Lũy, Tô Định thở phào. Đến đây, y mới cảm thấy mình thoát chết. Nhưng nỗi lo khác lại bắt đầu. Lo về tội để mất Giao Châu vì đã chọc giận người Giao Chỉ.
Trưng Trắc cho quân vào thành Luy Lâu. Các tướng lục tục đưa quân về hội đóng chật kinh thành, khí thế ngút tận trời xanh. Nữ chúa cho mở tiệc khao quân. Các tướng nhất tề xin chủ tướng Trung Trắc lên ngôi hoàng đế.
Trưng Trắc miễn cưỡng lên ngôi. Nữ vương tuyên cáo: “Cõi Nam ta đã đuổi sạch Hán Di ra khỏi bờ cõi. Nhưng các tộc Bách Việt anh em thuộc đất Lĩnh Nam vẫn trong vòng kiềm tỏa của quân Hán tặc. Nhiệm vụ của chúng ta là phải giải phóng cho người Bách Việt đồng tông”.
Ngọn cờ nghĩa của Trưng Vương tiến thẳng sát chân Ngũ Lĩnh, tới tận hồ Động Đình. Quân của Trưng Vương với thế chẻ tre, đi tới đâu, quân giặc đều qui hàng. Chỉ trong vài tháng đã thu phục tới 65 thành trì, giải phóng toàn bộ các dân tộc Bách Việt anh em khỏi ách chiếm đóng của giặc Hán…
Tiểu thuyết Trưng Nữ Vương của nhà văn Phùng Văn Khai còn nhiều trường đoạn, người viết bài này dành cho độc giả tự khám phá.
Tại đây tôi chỉ muốn tuyên dương Phùng Văn Khai, với hàng loạt tiểu thuyết lịch sử bắt đầu từ Phùng Vương và tạm kết thúc ở Trưng Nữ Vương, anh đã chứng minh hùng hồn rằng: “Không có một nghìn năm đô hộ giặc Tầu” như các sử gia lười nhác đã chép ghi vào quốc sử.
Còn như việc định giá tác phẩm, và liệt xếp thứ hạng, điều này chỉ có Thời gian và Độc giả mới đủ thẩm quyền. Trong khi tôi đang viết bài này, nhận được nhiều câu hỏi đều có chung một nội dung rằng: “Giặc Minh cướp, đốt hầu hết sách vở của ta, vậy các tác giả (không chỉ riêng nhà văn Phùng Văn Khai) dựa vào đâu để viết hàng loạt tiểu thuyết lịch sử như vậy?”
Xin thưa, nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử nhằm Giải mã lịch sử, chứ không phải người chép lại lịch sử. Để bạn đọc dễ hình dung, xin đưa một ví dụ. Các nhà Cổ sinh vật chỉ tìm được một chiếc xương ống chân voi Mamut, hoặc một chiếc răng khủng long thời tiền sử. Nhưng họ đã cho ta thấy cả một loài Mamut hoặc loài khủng long rất hoàn chỉnh và sinh động. Nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử cũng vậy. Nếu khai thác được đúng mạch nguồn của nó, cũng như các nhà Cổ sinh vật thôi. Trái lại, nếu sai hướng thì các nhà Cổ sinh vật chỉ vẽ ra được Con Ma, chứ không phải Mamut. Các nhà tiểu thuyết lịch sử cũng không có ngoại lệ.
Để kết thúc bài viết, chúc nhà văn Phùng Văn Khai tiếp tục gặt hái trên lĩnh vực văn chương mà ông đã có nhiều thành tựu.
Sau rốt, tôi xin chép lại một bài thơ đã rất nổi tiếng của Nữ sĩ Ngân Giang sáng tác về Nữ Vương Trưng Trắc cách đây non một thế kỷ.
TRƯNG NỮ VƯƠNG
Thơ Ngân Giang
Thù hận đôi lần chau khóe hạnh,
Một trời loáng thoáng bóng sao rơi.
Dồn sương vó ngựa xa non thẳm,
Gạt gió chim bằng vượt dặm khơi.
Ngang dọc non sông đường kiếm mã,
Huy hoàng cung điện nếp cân đai.
Bốn phương gió bãi lùa chân ngựa,
Tám nẻo mưa ngàn táp đóa mai.
Máu đổ cốt xong thù vạn cổ,
Ngai vàng đâu tính chuyện tương lai.
Hồn người chín suối cười an ủi,
Lệ nến năm canh rỏ ngậm ngùi.
Lạc tướng quên đâu lời tuyết hận,
Non Hồng quét sạch bụi trần ai.
Cờ tang điểm tướng nghiêm hàng trận,
Gót ngọc gieo hoa ngát mấy trời.
Aỉ Bắc quân thù kinh vó ngựa,
Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi.
Chàng ơi điện ngọc bơ vơ quá,
Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi.
Pháo Đài Láng 5.8.2024
HOÀNG QUỐC HẢI