Trước khi làm quen với phương pháp ký hiệu học, chúng ta hãy tìm hiểu thế nào là “ký hiệu” và thế nào là “ký hiệu học”?
Theo định nghĩa của từ điển bách khoa Larousse (Pháp) thì, một trong các nghĩa của “ký hiệu” là: “Đơn vị ngôn ngữ học được tạo thành bởi sự kết hợp giữa cái biểu đạt với cái được biểu đạt.” Từ điển bách khoa Microsoft Encarta 99 Encyclopedia (Hoa Kỳ) cũng dành cho nó một nghĩa là: “Một dấu hiệu, một biểu trưng hay một biểu tượng được dùng để biểu thị một sự vật hay để phân biệt cái sự vật mà ký hiệu đó được gán cho nó. ”Còn ký hiệu học thì được Encarta định nghĩa là “khoa học về ký hiệu”; và Larousse định nghĩa là “lý thuyết đại cương về ký hiệu”.
Một trong những ông tổ của ký hiệu học là nhà ngôn ngữ học người Thuỵ Sĩ Ferdinand de Saussure (1857-1913), từ những năm 1910-1911 đã định nghĩa ký hiệu học như sau: “Một khoa học nghiên cứu đời sống của các ký hiệu trong cuộc sống xã hội […] . Nó chỉ ra cái gì tạo nên ký hiệu và những quy luật nào chi phối chúng. ”Và ông coi “Ngôn ngữ học chỉ là một bộ phận của khoa ký hiệu học nói chung”. Ông cũng tuyên bố “Ngôn ngữ là một hệ thống ký hiệu dùng để diễn đạt các ý tưởng”; và ông nhấn mạnh: “ngôn ngữ là hình thức chứ không phải chất liệu”. Sự thật này không thể là điểu nhấn mạnh quá mức, bởi vì mọi sai lầm trong thuật ngữ của chúng ta, mọi cách đặt tên sai trái của chúng ta đối với những sự vật liên quan đến ngôn ngữ, đều xuất phát từ một giả thiết sai lầm cho rằng hiện tượng ngôn ngữ phải có chất liệu.” Tức là, mặc dù Saussure nói ký hiệu ngôn ngữ là một thực thể bao gồm hai thành phần: “cái biểu đạt” và “cái được biểu đạt”, nhưng ông vẫn chú trọng đến khía canh hình thức của ký hiệu, của ngôn ngữ.
Mặt khác, Ferdinand de Saussure cũng quan niệm rằng trong hệ thống ký hiệu của ngôn ngữ, “giá trị của bất cứ yếu tố nào cũng đều do những yếu tố xung quanh quy định”. Tức là theo ông, một từ tồn tại được và có ý nghĩa là nhờ nó có mối liên quan và đối lập với những từ xung quanh ở trong một đơn vị ngôn ngữ nào đó, chẳng hạn trong một câu, để tạo cho nó một giá trị. Điều này về sau đã có ảnh hưởng rất mạnh đến các nhà ký hiệu học và cấu trúc luận. Trên cơ sở của lý thuyết ký hiệu học, khi các nhà nghiên cứu phân tích, mổ xẻ tác phẩm để đánh giá ý nghĩa của các ký hiệu, chủ yếu là các ký hiệu ngôn ngữ, thì đó là họ đang tiến hành một phương pháp được gọi là phương pháp ký hiệu học. Và nó cũng có thể được coi là tiền thân của phương pháp cấu trúc. Một nhà ký hiệu học người Mỹ tên là Robert Scholes cũng xác định chức năng của ký hiệu học như sau: “Thường được định nghĩa như là công việc nghiên cứu các ký hiệu […], ký hiệu học trên thực tế đã trở thành việc nghiên cứu các mã: đó là những hệ thống có khả năng giúp con người nhận thức được một số sự kiện hoặc thực thể nhất định như là những ký hiệu mang nghĩa. Bản thân các hệ thống này là những bộ phận hoặc khía cạnh của văn hoá nhân loại,…” .
Có thể nói đây là một phong trào nghiên cứu có nhiều xu hướng khác nhau, có cái mang tính chủ quan (khía cạnh tâm lý), có cái lại thuần tuý khách quan. Nhà mỹ học Iuri Borey (Liên Xô cũ) đã chỉ ra rằng, trong lĩnh vực ký hiệu học có năm xu hướng cơ bản:
1) Lý thuyết khái niệm cho rằng ý nghĩa là hiện tượng bên trong của ý thức con người;
2) Lý thuyết hình thức quy ý nghĩa của một ký hiệu về quan hệ cú pháp của nó với các ký hiệu khác;
3) Lý thuyết hiện thực chủ nghĩa nhấn mạnh khía cạnh ngữ nghĩa;
4) Lý thuyết thực chứng tìm cội nguồn của ý nghĩa ở trong phản ứng của con người khi sử dụng ký hiệu hay ở hiệu quả thực tiễn của hành động;
5) Lý thuyết ngữ nghĩa khái quát đề xuất phương pháp phân tích ngữ nghĩa để giải quyết các nhiệm vụ của triết học và xã hội.
Gilbert và Kuhn cũng cho thấy rằng các nhà ngữ nghĩa học và ký hiệu học muốn xây dựng cho mình một khoa học thực chứng kết hợp với tâm lý học.
Do có sự tuyệt đối hoá phiến diện, lý thuyết ký hiệu học nghệ thuật xét về khả năng khái quát thì là một lý thuyết khiếm khuyết. Nhưng xét về từng khía cạnh cục bộ thì nó cũng có đóng góp nhất định. Một trong những nguyên nhân thực tế dẫn đến sự cần thiết phải tiến hành phân tích ký hiệu học ngữ nghĩa là tính mơ hồ và đa nghĩa của ngôn từ văn học. Sứ mạng của các nhà ngữ nghĩa học là xác định tính rõ nghĩa lôgic và xác định sự đồng tình của công chúng đối với những định nghĩa của các thuật ngữ lý luận – phê bình trong lĩnh vực nghệ thuật, đặt một định nghĩa vào trong mối quan hệ đúng đắn của nó với dụng ý và vốn từ của người định nghĩa. Họ cho rằng phân tích các yếu tố quy chiếu khác nhau sẽ làm chấm dứt cuộc “chiến tranh” liên miên và vô bổ giữa các từ ngữ.
Giống như phương pháp cấu trúc sau đó, phương pháp ký hiệu học cũng là một trong những phương pháp nghiên cứu cận cảnh đối với tác phẩm văn học nghệ thuật. Trong tinh thần này, người ta có thể áp dụng phương pháp ký hiệu học để nghiên cứu những vấn đề rất đặc thù của văn học – nghệ thuật. Chẳng hạn Roland Barthes (Pháp 1915-1980), một trong những chủ soái của chủ nghĩa cấu trúc và hậu cấu trúc sau này, ban đầu đã dùng phương pháp ký hiệu học để phê bình văn phong của tác phẩm văn học. Năm 1953, trong công trình Độ không của lối viết [t.Pháp: “Le Degré zero de l’écriture”], Barthes đã định nghĩa cấp độ cuối cùng của văn học là “lối viết trung tính”, một hình thức phủ nhận cái chức năng tu từ truyền thống của văn học. Và ông coi tác phẩm Kẻ xa lạ của nhà văn phi lý người Pháp Albert Camus là sự thể hiện đầu tiên của văn phong trung tính này. Theo Barthes, đây là kiểu mẫu của một lối văn phong cực kỳ đơn giản, nó làm cho văn học sáp gần với báo chí. Và đây cũng là văn phong chủ đạo của Camus trong toàn bộ sáng tác của ông, nó là kết quả của phương pháp sáng tác có chủ đích của ông là phương pháp hành vi luận (chính Camus, ngay từ dòng đầu của cuốn tiểu thuyết Dịch hạch, cũng đã gọi tác phẩm này là một “bản biên niên sử”).
Quả thực, chúng ta thấy rằng trong Kẻ xa lạ có vô vàn những ký hiệu bộc lộ cái văn phong trung tính nói trên. Đó là một văn phong thể hiện sự vô cảm của nhân vật, thể hiện bản tính “xa lạ” của nhân vật trước cuộc sống của xã hội tư sản “dối trá” theo như lời của Camus. Ở đây, phương pháp ký hiệu học sẽ tỏ ra rất có hiệu quả cho việc nghiên cứu Kẻ xa lạ. Nhân tiện, tôi muốn làm một cuộc khảo sát ký hiệu học nho nhỏ đối với đoạn mở đầu tác phẩm này để cho thấy thái độ dửng dưng, xa lạ của nhân vật cùng văn phong trung tính của tác giả.
Đoạn mở đầu tác phẩm L’étranger [Kẻ xa lạ], chúng tôi xin dịch như sau:
“Hôm nay mà chết. Hoặc có thể hôm qua, tôi không biết nữa. Tôi nhận được một bức điện của trại dưỡng lão: “Mẹ mất. An táng ngày mai. Chào Trân trọng”. Điều đó chẳng có nghĩa gì cả. Trai dưỡng lão nằm ở Marengo, cách Alger tám mươi cây. Tôi sẽ đáp xe buýt vào hai giờ và sẽ tới đó vào buổi chiều. Như vậy, tôi sẽ có thể trực bên linh cữu qua đêm và sẽ trở về vào tối mai. Tôi đã xin ông chủ cho nghỉ hai ngày, và, với một lý do như thế, ông không thể chối từ. Nhưng ông có vẻ không bằng lòng. Tôi đã nói với ông: “Đó không phải lỗi tại tôi”. Ông không trả lời. Tôi bèn nghĩ đáng ra mình không nên nói vậy. Tóm lại, lẽ ra tôi chẳng cần phải biện bạch. Chính ông phải ngỏ lời chia buồn với tôi mới đúng. Nhưng chắc ông sẽ làm thế vào ngày kia, khi thấy tôi để tang. Tạm thời, cứ xem như thể mà chưa chết. Trái lại, sau khi an táng xong thì đó sẽ là một việc đã rồi, và tất cả sẽ mang một dáng vẻ chính thức hơn.”
Trong đoạn mở đầu này, tác giả đã cho chúng ta thấy ngay tính cách và thái độ của “kẻ xa lạ”, nhân vật chính xưng “tôi”: Đó là thái độ dửng dưng trước thời cuộc, trước xã hội và trước cả chính cuộc sống của bản thân. Ngay cả sự kiện trọng đại là mẹ mất cũng không làm anh bận tâm. Tác giả dùng những câu văn ngắn, chấm phẩy rõ ràng, rất phù hợp với kiểu trần thuật các sự kiện khách quan, giống như một bài báo tường thuật các sự kiện diễn ra hàng ngày, không có một câu nào biểu lộ cảm xúc của người kể. Ngay câu đầu tiên tác giả đã dùng từ “maman” chứ không dùng từ “ma mère”. Từ “maman” là từ dùng thân mật của trẻ thơ gọi mẹ. Nhưng đây là một từ dành cho người sống. Thế mà tác giả lại dùng nó cho người đã chết! Tác giả cho nhân vật dùng từ như thế là để nhân vật bộc lộ thái độ hồn nhiên chứ không phải để biểu lộ tình cảm. Sau đó, chưa đi mà nhân vật đã nghĩ ngay đến ngày sớm quay về: “Như vậy, tôi sẽ có thể trực bên linh cữu qua đêm và sẽ trở về vào tối mai”. Rồi khi xin nghỉ phép mà thấy ông chủ có vẻ không hài lòng, thì nhân vật lại nói: “Đó không phải lỗi tại tôi”, cứ như thể chuyện mẹ chết chẳng có liên quan gì đến anh ta. Sau đó anh ta lại còn rất tỉnh táo để biện luận: “Chính ông phải ngỏ lời chia buồn với tôi mới đúng. Nhưng chắc ông sẽ làm thế nào ngày kia, khi thấy tôi để tang. Tạm thời, cứ xem như thể mà chưa chết.” Thật tỉnh táo đến lạnh lùng! Chuyện mẹ chết chẳng gây xáo động gì cho nhân vật cả. Cả một đoạn văn dài không hề có một câu nào nói về mẹ. Điều làm cho nhân vật bận tâm lúc này không phải là cái tin bất ngờ về cái chết của mẹ, mà anh đang tỏ ra băn khoăn về chuyện phải xin nghỉ phép, về thái độ không hài lòng của ông chủ đối với chuyện anh xin nghỉ phép. Tóm lại là những chuyện vụn vặt rất đời thường! Đó chính là cái tinh thần của “kẻ xa lạ”, và cái tinh thần đó kéo dài suốt cả cuốn tiểu thuyết cho đến phút cuối cùng thì bùng nổ thành một tâm trạng phản kháng đầy tính bị kịch của “kẻ xa lạ” này.
Đó chính là cách viết theo lối hành vi luận lạnh lùng và trung tính của Camus. Sự dồn nén tích luỹ các sự kiện bao giờ cũng dẫn đến sự bùng nổ và đột biến. Ngay cả trong Dịch hạch (viết sau Kẻ xa lạ) cũng vậy, chúng ta cũng thấy có một giọng văn vô cảm chi phối suốt cả cuốn tiểu thuyết, cho đến trang cuối cùng nó mới đột biến để chuyển hoá thành dòng cảm xúc thống thiết nhưng vẫn tắc nghẹn của nhân vật chính là bác sĩ Rieux. Chúng ta hãy đọc đoạn kết của cuốn tiểu thuyết này: “Quả thực, khi nghe những tiếng reo vui từ trên phố vọng về, Rieux nhớ lại rằng niềm vui sướng này luôn luôn bị đe doạ. Bởi lẽ ông biết một điều mà đám đông đang vui sướng kia không biết và điều đó có thể được đọc thấy trong sách vở, rằng mầm bệnh dịch hạch không chết và không hề mất đi, rằng nó có thể ngủ im hàng chục năm trong những đống đồ đạc và quần áo, rằng nó kiên nhẫn nằm đợi trong các căn phòng, trong tầng ngầm, trong hòm riêng, trong những chiếc khăn tay và những đống giấy lộn, và rằng có thể đến một ngày kia, trong nỗi bất hạnh và là một bài học cho loài người, dịch hạch sẽ đánh thức đàn chuột cống của nó dậy rồi điều chúng đến chết ở một thành phố hạnh phúc.” Lối viết này đã trở thành phong cách riêng của Camus, và bằng phương pháp ký hiệu học, chúng ta có thể chứng minh được nó.
Cũng trong tinh thần của ký hiệu học, Roland Barthes đã tuyên bố trong tập Tiểu luận phê bình: “Văn học chỉ là một phương tiện, không nguyên nhân, không mục đích… Nhà văn cũng như một người thợ thủ công cố sức làm ra một cái đổ gì rất khó, mà không biết nên theo mẫu nào và cuối cùng rồi để làm gì… Bởi vì đặc thù của tác phẩm không phải là ở những cái được biểu đạt mà chỉ là ở hình thức tạo nghĩa [đáng ra người dịch câu này phải dịch là hình thức biểu đạt mới đúng – NVD].” Tức là tính đặc thù của tác phẩm là ở cái biểu đạt, ở cách thức dùng ngôn ngữ như thế nào để tạo ra nghĩa. Barthes luôn nhắc lại rằng “Văn học chỉ là ngôn ngữ, thực thể của nó là trong ngôn ngữ; mà ngôn ngữ là một hệ thống mang nghĩa tồn tại trước mọi công việc văn học. […] Nói một cách khác , so với bản thân những đối tượng phản ánh thì văn học về cơ bản và về cấu tạo mà nói là phi hiện thực; văn học chính là cái phi hiện thực.” Trong tinh thần đó, những người nào chỉ chăm lo cho cách viết như thế nào ”mà không quan tâm đến việc viết về cái gì” thì được Barthes gọi là “nhà văn” [t.Pháp: écrivain”], còn những người nào dùng văn học để phản ánh hiện thực thì được ông gán cho một tên gọi mà ông tự đặt ra trong tiếng Pháp để chế giễu là “écrivaint” [“thợ viết”]. Quan điểm “duy hình thức” này cũng chính là quan điểm chung của các nhà ký hiệu học, của các nhà cấu trúc luận và hậu cấu – luận sau này.
Về phương pháp ký hiệu học, người ta còn có thể nghiên cứu các ký hiệu ngữ nghĩa của các nhà thơ để góp phần củng cố thêm cho một kết luận đã được rút ra bằng các phương pháp khác. Cụ thể, nhà nghiên cứu người Rumani Mihai Dinu đã thống kê tần suất các từ vần hiếm trong thơ của một số nhà thơ từ trình độ trung bình đến nổi tiếng để đi đến kết luận rằng những nhà thơ lớn thường sử dụng nhiều từ vần hiếm hơn so với những nhà thơ ít nổi tiếng. Đây là một kết luận khá lý thú đối với người Việt Nam ta. Từ đây liệu ta có thể suy ra rằng, việc sử dụng từ vần hiếm có phải là một trong những tiêu chuẩn làm nên giá trị của thơ ca? Và thế thì liệu những nhà thơ trước đây ta cho là “lớn” nhưng lại ít sử dụng từ vần hiếm thì có phải là những nhà thơ thật sự lớn không? Ở Việt Nam hiện chưa có ai quan tâm đến hướng nghiên cứu này.
Dù thế nào thì trong công việc thực hành nghiên cứu đối với hình thức nghệ thuật của tác phẩm văn học – nghệ thuật, đặc biệt là nghiên cứu thi pháp [hay thi pháp học, nhìn chung các nhà nghiên cứu trên thế giới cũng như ở Việt Nam không nhiều thì ít cũng đều phải tiến hành phân tích ý nghĩa của các từ ngữ, và như thế thì, một cách tự giác hay không tự giác, họ đều có dính dáng ít nhiều đến phương pháp ký hiệu học. Như chúng tôi đã nói, cũng giống như trong chủ nghĩa hình thức và chủ nghĩa cấu trúc, trong giới ký hiệu học đã có các xu hướng cực đoan thiên về nghiên cứu hình thức, và điều này cũng đã bị chính một số người trong giới ký hiệu học phản đối. Ví dụ như Robert Scholes đã cho rằng “những phẩm chất hình thức của văn học là kết quả của một quá trình làm gia tăng hoặc làm phức tạp thêm những đặc điểm thông thường của hoạt động giao tiếp của con người.” Và ông khẳng định: Không có một công trình nghiên cứu văn học nào lại có thể mang tính chất thuần tuý hình thức, và mọi nỗ lực nhằm quy giản việc nghiên cứu văn học về cấp độ này đều là sai lầm, nếu không nói là nguy hại. Trong chừng mực mà những công trình ký hiệu học nào cứ khăng khăng cho rằng hoạt động thông tin giao tiếp là một vấn đề của các hệ thống thuần tuý hình thức, thì chúng cũng có thể bị coi là sai lầm nếu không nói là nguy hại. Nhiều nhà ký hiệu học có thể cho rằng nghĩa của bất cứ một ký hiệu hoặc của một từ nào đều chỉ là một chức năng của vị trí của nó trong một hệ biến từ [“paradigmatic system”] và của việc sử dụng nó trong một tình huống ngữ đoạn [“syntagmatic situation”]. Nhưng tôi muốn nói rằng “nghĩa” cũng là một chức năng của kinh nghiệm con người.”
Quan điểm của Scholes là mọi ký hiệu đều có thể có những liên tưởng rất cụ thể đến kinh nghiệm sống của người tiếp nhận chứ không phải là một ký hiệu tự thân. Để minh hoạ cho điểm này, ông lấy ví dụ là khi gặp một biểu ngữ có ghi chữ “Hoà bình” và hình một con chim bồ câu, thì có người có liên tưởng đến sứ giả hoà bình; nhưng người Mỹ trong thời gian diễn ra chiến tranh Việt Nam sẽ liên tưởng đến một tình huống cụ thể hơn. Hay một biểu ngữ khác như “Hãy làm tình chứ không gây chiến” [“Make Love Not War”], sẽ gợi cho ta nghĩ đến “hoà bình” chứ không phải đến hành vi làm tình và gây chiến. Tương tự, biểu ngữ “Làm tình không sinh con” [“Make Love Not Babies”] cũng chỉ gợi cho chúng ta nghĩ đến chiến dịch vận động chống gia tăng dân số,… Ở Việt Nam, việc áp dụng ký hiệu học vào nghiên cứu văn học cũng đã bắt đầu được tiến hành. Ví dụ như GS Hoàng Trinh đã dùng phương pháp ký hiệu học kết hợp với lý thuyết thông tin để nghiên cứu độ dư của từ (còn gọi là nghiên cứu từ láy, từ lặp), từ đó rút ra các quy tắc vận dụng độ dư của từ để diễn tả tư tưởng và tình cảm, đặc biệt là trong thơ. Hoặc ông dùng phương pháp ký hiệu học để nghiên cứu ngôn ngữ thơ ca mà ông gọi là nghiên cứu thi pháp thơ. Nói chung, nhiều nhà khoa học nước ta cũng đã ít nhiều áp dụng phương pháp lý hiệu học trong các công trình nghiên cứu của mình về ngôn ngữ nghệ thuật.
Trên đây chỉ là những ví dụ cụ thể của ký hiệu học. Trong ký hiệu học có một xu hướng chỉ chú ý tìm nghĩa nội hàm của ngôn từ, của tác phẩm, mà chưa chú ý tới cấu trúc thẩm mỹ của tác phẩm. Nhưng nói chung, người ta thường kết hợp nó với phương pháp cấu trúc để phân tích cấu trúc hình thức của tác phẩm nhằm rút ra những nét đặc thù có tính cách tân về hình thức nghệ thuật. Tuy nhiên, cần nhớ rằng không nên tuyệt đối hoá các ký hiệu hình thức, tức là đừng quá thiên về “cái biểu đạt” mà coi nhẹ “cái được biểu đạt”. Nếu nắm vững quan điểm phương pháp luận biện chứng duy vật về quan hệ giữa nội dung và hình thức để nghiên cứu mối quan hệ giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt, thì việc áp dụng phương pháp ký hiệu học sẽ cho ta những kết quả rất khả quan.
Nguyễn Văn Dân
Phương pháp luận nghiên cứu Văn học.