Trước hết ta hãy xác định “loại hình” và “loại hình học” là gì?

Theo từ điển tiếng Việt, loại hình là “Tập hợp sự vật, hiện tượng cùng có chung những đặc trưng cơ bản nào đó.” Còn loại hình học là “Khoa học nghiên cứu về các loại hình nhằm giúp cho việc phân tích và phân loại một thực tại phức tạp.” Nói một cách khác, chúng ta chỉ có thể nói đến một loại hình của các hiện tượng khi chúng cùng có một quan hệ cộng đồng giá trị.

Trong nghiên cứu khoa học, phương pháp phổ biến nhất và lâu đời nhất trong việc nghiên cứu về loại hình là việc phân loại các sự vật để xác định danh tính và ý nghĩa của chúng trong một hệ thống, đồng thời nhận dạng cấu trúc của hệ thống đó. Cụ thể, các nhà khoa học từ thời xa xưa đã phải làm công việc phân loại khoa học. Vị dụ như các học giả thuộc trường phái Pythagore của Hy Lạp cổ đã đã tiến hành phân loại để công nhận 4 ngành khoa học: số học, hình học, âm nhạc và thiên văn học. Sau đó đến Aristote, rồi đến các nhà khoa học thời trung đại, khi các ngành khoa học ngày càng phát triển phong phú, thì việc phân loại khoa học lại càng trở nên cần thiết. Trong thời kỳ này, nhà tự nhiên học người Thụy Điển Carl Von Linné (1707-1778) lần đầu tiên đã tiến hành phân loại thực vật. Mặc dù ngày nay, khung phân loại thực vật của ông đã không còn được sử dụng nữa, nhưng sự mo tả hàng chục nghìn loài sinh vật của ông vẫn còn được áp dụng và là cái làm cho ông nổi tiếng. Nhà triết học vĩ đại người Đức Friedrich Hegel (1770-1831) cũng đã coi việc phân loại khoa học là một nhiệm vụ của bộ môn triết học và khoa học mà sau này, đến thế kỷ XX, ngành khoa học luận [hay khoa học học] sẽ tiếp thu nhiệm vụ này.

Như vậy là việc nghiên cứu loại hình đã được tiến hành từ lâu. Nhưng, để trở thành một phương pháp có những nguyên tắc chặt chẽ và có đối tượng áp dụng cụ thể, thì phải đến thế kỷ XX phương pháp loại hình mới thật sự hình thành và được phổ biến rộng rãi cho các ngành khoa học. Trong nghiên cứu văn học, một trong những người đầu tiên dùng phương pháp loại hình để phân loại các hiện tượng văn học là nhà nghiên cứu văn học người Nga Vladimir Propp.

Trong công trình Hình thái học truyện cổ tích (1928), Propp đã áp dụng phương pháp loại hình để phân loại ra các loại hình chức năng tự sự cho truyện cổ tích. Có thể Propp chưa có khái niệm “phương pháp loại hình” và chưa có ý thức về việc áp dụng nó, vì khái niệm này mãi đến nhuwunxg năm 1960 mới xuất hiện, những khái niệm “loại hình” và “phân loại” thì ông đã sử dụng một cách rất có ý thức. Ông còn khẳng định tầm quan trọng của việc phân loại như sau: “Như vậy chúng ta thấy rằng vấn đề phân loại truyện cổ tích không phải hoàn toàn ổn thỏa. Ấy vậy mà sự phân loại lại là một trong những giai đoạn đầu tiên và quan trọng nhất của công tác nghiên cứu. Chúng ta hãy nhớ đến tầm quan trọng của cách phân lại khoa học đầu tiên của Limné đối với thực vật học. Áp dụng cho nghiên cứu truyện cổ tích, Propp cho rằng việc phân loại là cực kỳ quan trọng, bởi lẽ khối lượng truyện cổ tích là cô cùng lớn, nếu không phân loại thì sẽ rất khó đánh giá được chúng. Thế là ông quan sát và nhận xét thấy rằng trong truyện cổ tích, nhiều nhân vật thương gcos những chức năng hành động như nhau, và “những truyện cổ tích có những chức năng như nhau có thể được gọi là cùng loại hình, hơn nữa, các chức năng là các yếu tố thường xuyên cố định và có hạn. Thế là Propp tự nhận rằng mình đã lấy tiêu chuẩn “chức năng” để thay thế cho tiêu chuẩn “motip” của Veselovski để phân loại truyện cổ tích, mở đầu cho kiểu phân định loại hình chức năng tự sự.

Về chức năng này, chúng tôi đã nói rõ ở mục Phương pháp cấu trúc. Như vậy, Propp đã khơi mào cho hai phương pháp: phương pháp cấu trúc và phương pháp loại hình. Vì thế có thể xếp ông vào mục “Phương pháp cấu trúc” hay “Phương pháp loại hình” cũng đều được, nhưng vì ông phân tích một cách tự giác và kỹ lưỡng đối với các yếu tố cấu trúc của truyện cổ tích, cho nên chúng tôi đã xếp ông vào mục “Phương pháp cấu trúc”. Còn cách phân loại các chức năng tự sự của ông cũng có thể được coi là một sự kết hợp phương pháp cấu trúc với phương pháp loại hình để tiến hành một công việc được gọi là loại hình học về cấu trúc tự sự.

Cùng thời và sau Propp còn có một loạt các nhà nghiên cứu trên thế giới đã áp dụng phương pháp loại hình cấu trúc tự sự như: Veselovski, Pau Ginestier, Stith Thompson, A. Dundes, V. Ivanov, V. Toporov, A. Greimas, Tz. Todorov, M. Pop, L. Dolezel… Các nhà nghiên cứu này đã quy những yếu tố khả biến thành những yếu tố bất biến nhằm rút ra các thông số cho phép phát hiện những hiện tượng đồng hình giữa các tác phẩm tự sự có cấu trúc tưởng như khác biệt nhau; Các thông số này cho phép thiết lập những mối liên hệ thao tác nhất định giữa các cấp độ tổ chức khác nhau của một tác phẩm tự sự. Chúng được coi là những yếu tố quy chiếu. Và ở mỗi nhà nghiên cứu thì loại hình cấu trúc lại mang một ý nghĩa cụ thể khác nhau. Ví dụ, ở Propp ra có loại hình chức năng; ở Veselovski, Dundes và Dolezel ta có các loại hình motip, tương ứng với loại hình chủ đề trong phương pháp nghiên cứu loại hình truyện cổ tích của nhà nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam Đinh Gia Khánh; ở Ginestier ta có các loại hình tình huống kịch tính; ở Greimas ta có các loại hình về tác nhân hành động; ở Todorov và Bremond ta có các loại hình tự sự tạo sinh,…

… (Còn nữa)