Phương pháp thực chứng có cơ sở của nó là chủ nghĩa thực chứng trong triết học. Theo định nghĩa, chủ nghĩa thực chứng là một hệ thống triết học được dựa trên kinh nghiệm và kiến thức kinh nghiệm về các hiện tượng tự nhiên, trong đó siêu hình học và thần học được coi là không thích đáng và là các hệ thống kiến thức không hoàn hảo. Chủ nghĩa thực chứng cho rằng trong lý thuyết nó không dựa trên những lập luận tư biện trừu tượng, mà hoàn toàn dựa trên những sự kiện “thực chứng”, xác thực”. Nó cho rằng nó đứng trên cả chủ nghĩa duy vật lẫn chủ nghĩa duy tâm. Nhưng trên thực tế, chủ nghĩa thực chứng là một trong các loại chủ nghĩa duy tâm chủ quan, bởi vì nó không chú ý đến bản chất của sự vật mà chỉ chú ý đến những sự vật được coi là “có thật” mà thôi.

Chủ nghĩa thực chứng trong triết học chỉ quan tâm đến việc mô tả chứ không lý giải các sự kiện. Nó đã làm sống lại thuyết bất khả tri của David Hume (triết gia người Anh, 1711-1776) và của các nhà triết học duy tâm chủ nghĩa khác, nhằm mục đích chứng minh rằng sự nhận thức thực tại chỉ giới hạn ở những điều nhận thức bằng cảm giác. Người ta cho rằng người sáng lập ra chủ nghĩa thực chứng là nhà triết học người Pháp Auguste Comte (1798-1857). Theo Comte, những gì đứng ở bên kia các sự kiện được nhận thức bằng cảm giác thì đều là điều bất khả tri; và mọi xu hướng muốn tìm hiểu bản chất của các hiện tượng và các quy luật khách quan của thiên nhiên và của xã hội đều là các xu hướng siêu hình học. Như vậy, nguyên tắc cốt lõi của chủ nghĩa thực chứng là nó chỉ quan tâm đến các sự vật và kinh nghiệm cảm giác chứ không quan tâm đến các sự vật và kinh nghiệm cảm giác chứ không quan tâm đến nguyên nhân và bản chất của các sự vật đó. Thậm chí những sự việc có tính chất trừu tượng không thể chứng minh được bằng các phương pháp trực quan cũng đều bị nó lại bỏ khỏi phạm vi nhận thức. Từ đây, xuất hiện hai phương pháp nghiên cứu chủ chốt trong lịch sử văn học và nghệ thuật: phương pháp thực chứng – lịch sử và phương pháp thực chứng – ngữ nghĩa.

1. Phương pháp thực chứng – lịch sử

Phương pháp thực chứng – lịch sử là phương pháp kết hợp cái khía cạnh phương pháp của chủ nghĩa thực chứng với phương pháp lịch sử của Gustave Lanson. Nó được thịnh hành chủ yếu ở Pháp vào giai đoạn cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX.

G. Lanson (1857-1934) là nhà phê bình và là giáo sư đại học người Pháp. Ông là người có công xây dựng bộ môn Lịch sử Văn học Pháp, tách nó ra khỏi khoa học lịch sử nói chung để làm cho nó trở thành một bộ môn khoa học độc lập, có đối tượng và phương pháp luận riêng. Lanson cho rằng các sự kiện lịch sử văn học cần phải được nghiên cứu một cách hoàn toàn khách quan. Nhà nghiên cứu văn học chỉ được căn cứ vào các sự kiện văn học chính xác và có thật của lịch sử, không tự ý suy diễn hay khái quát hóa một cách vội vàng cà khiêm cưỡng.

Ở một mức độ nào đó, phương pháp thực chứng – lịch sử cũng có một ý nghĩa nhất định. Nó giữ cho người ta luôn đứng trong giới hạn của sự chắc chắn, không bị trượt ngã sang những suy luận mơ hồ, chủ quan, võ đoán. Tuy nhiên, vì chỉ tự bó buộc trong giới hạn của các sự kiện có thể thực chứng được, cho nên phương pháp thực chứng – lịch sử có phần nào hạn chế óc tìm tòi sáng tạo của các nhà nghiên cứu. Thậm chí đôi khi, do tuyệt đối hóa khía cạnh lịch sử và do bị áp dụng một cách máy móc, nó còn cắt bỏ mất cả các khía cạnh khác ngoài khía cạnh lịch sử của văn học. Ví dụ như Paul Van Tieghem, nhà nghiên cứu văn học người Pháp nửa đầu thế kỷ XX, đã tuyệt đối hóa khía cạnh lịch sử khi ông tuyên bố như sau về văn học so sánh: “…thuật ngữ so sánh cần phải trút bỏ mọi giá trị thẩm mỹ và nhận lấy một giá trị lịch sử”. Xu hướng tuyệt đối hóa này về sau đã bị phê phán, và chính Van Tieghem cũng đã phải điều chỉnh quan điểm thực chứng duy lịch sử của mình, phải kết hợp nó với khía cạnh thẩm mỹ để làm cho việc nghiên cứu có hiệu quả.

Tóm lại, phương pháp thực chứng – lịch sử cũng có ưu điểm của nó là tôn trọng các sự kiện lịch sử có thật. Nếu chúng ta kết hợp nó với các phương pháp khác thì nó sẽ đem lại hiệu quả rất hữu ích. Thậm chí ngay cả khi nó được áp dụng một mình, thì nó vẫn đem lại hiệu quả nhất định. Cụ thể là cho đến tận cuối thế kỉ XX, phương pháp này vẫn được sử dụng trong nghiên cứu văn học sử.

2. Phương pháp thực chứng – ngữ nghĩa

Phương pháp thực chứng – ngữ nghĩa là sự kết hợp khía cạnh phương pháp của chủ nghĩa thực chứng lôgic với phương pháp phê bình ngữ nghĩa, xuất hiện ở nửa đầu thế kỷ XX.

Chủ nghĩa thực chứng – ngữ nghĩa được hình thành bởi một nhóm các nhà triết học và các nhà khoa học tại Viên (Áo) trong những năm 1920-1930. Đại diện cho chủ nghĩa này là Moritz Schlick, Rudoph Carnap và Huân tước Alfred Jules Ayer. Lý thuyết chủ chốt của họ là nguyên tắc kiểm nghiệm. Theo nguyên tắc này, bất cứ một lời phát biểu nào mà kinh nghiệm cảm giác không thể xác nhận hoặc phản bác đều bị bác bỏ như là một điều vô nghĩa. Theo các nhà thực chứng – ngữ nghĩa, việc phát biểu các chân lý của lôgic học và của toán học được coi là phải nhờ vào các quy ước ngôn ngữ, không có ngôn ngữ thì chúng không thể đưa ra được một thông tin thật sự nào về thế giới. Từ đây, lôgic học ngôn ngữ trở thành công cụ chủ chốt của sự nhận thức chân lý. Với nguyên tắc kiểm nghiệm, chủ nghĩa thực chứng lôgic đã bác bỏ nhiều diễn ngôn tự biện của triết học truyền thống và của thần học.

Với việc coi trọng đến lôgic học ngôn ngữ, chủ nghĩa thực chứng lô gic đã ảnh hưởng mạnh đến lý thuyết phê bình ngữ nghĩa học, mà người đại diện tiêu biểu nhất cho lý thuyết này là nhà phê bình văn học, nhà thơ và là nhà nghiên cứu ngữ nghĩa học người Anh Ivor Armstrong Richards (1893-1979). Richards có công trình nổi tiếng về ngữ nghĩa học là Nghĩa của nghĩa (tiếng Anh: The Meaning of Meaning, 1923), viết chung với Charles Kay Ogden, một nhà tâm lý học cà nhà giáo người Anh. Ông cũng viết hai công trình phê bình văn học là: Các nguyên tắc của phê bình văn học (1924) và Phê bình thực chứng (1929).

Là người yêu thích văn chương và tốt nghiệp khoa tâm lý học tại Học viện Magdelene ở Cambridge, Richards đã đi đến chỗ muốn xây dựng một khoa ngữ nghĩa thực chứng kết hợp với tâm lý học để đề xuất một cách đọc thơ, mở đường cho việc hình thành trường phái “Phê bình mới” ở Âu – Mỹ từ những năm 1920 đến những năm 1950. Ông nhấn mạnh đến việc phải đọc kỹ văn bản và cảnh báo sự nguy hiểm của cách đọc khái quát và cách đọc lười nhác, cẩu thả.

Theo Richards, việc đọc văn bản là để tìm ra ý nghĩa của câu văn, và ý nghĩa đó phải được kiểm nghiệm bằng việc đặt nó vào mối quan hệ với sự thật hiển nhiên. Richards cho rằng tình trạng ý nghĩa của văn bản bao gồm ba yếu tố: chủ thể sử dụng kí hiệu; đối tượng được chủ thể nói đến; và bản thân ký hiệu như là phương tiện chuyển tải mối quan hệ. Còn ý nghĩa có bốn chức năng chính: mô tả đối tượng; biểu đạt tình cảm liên quan đến đối tượng; biểu đạt thái độ đối với người nghe; và biểu đạt mục đích thực tiễn mà việc thực hiện nó được theo đuổi theo đuổi thông qua lời phát biểu. Trong trường hợp của nghệ thuật, ngôn ngữ được nhấn mạnh vào chức năng thứ hai: biểu đạt tình cảm của tác giả trong mối quan hệ với đối tượng sáng tác. Cụ thể là trong lĩnh vực thơ ca, một trong những công cụ gợi mở cơ bản của các nhà thơ là phép ẩn dụ. Và Richards gọi các tính từ ẩn dụ là tính từ thẩm mỹ hay tính từ  “có khả năng ngoại xạ”, bởi vì mặc dù chúng thuộc phạm vi tình cảm của người phát ngôn, nhưng chúng thường được người phát ngôn chiếu xạ vào đối tượng và vào trạng thái của sự vật. Pháp ẩn dụ như vậy đã dẫn đến tính nước đôi và tính đa nghĩa của ngôn từ. Có thể nói tính đã nghĩa là nguyên tắc cơ bản của ngữ nghĩa học. Có nghĩa là ý nghĩa của ngôn từ phụ thuộc vào dụng ý và cơ sở văn hóa của người sử dụng nó. Như vậy, tính đa nghĩa ở đây không có nghĩa là  một từ được sử dụng trong văn bản sẽ có nhiều nghĩa, mà có nghĩa là một từ có thể có những nghĩa khác nhau trong những cái khung quy chiếu khác nhau. Và nhiệm vụ của nhà ngữ nghĩa học là phải đi tìm tính rõ ràng lôgic của ngôn từ. Đó chính là tinh thần của phương pháp phê bình thực chứng – ngữ nghĩa, với xuất phát điểm của nó là chủ nghĩa thực chứng lô gic. (Xin độc giả lưu ý: tính đa nghĩa ở đây là tính đa nghĩa của ngôn từ, chứ không phải tính đã nghĩa của văn bản tác phẩm như trong quan điểm hiện tượng học của Roman Ingarden mà chúng tôi sẽ trình bày ở Phương pháp hiện tượng học).

Nắm vững các chức năng của ý nghĩa, nhà phê bình ngữ nghĩa học sẽ phải đọc kỹ hơn văn bản để hiểu được các tầng bậc ý nghĩa của nó trong mối quan hệ với chủ thể và đối tượng. Xét về mặt mổ xẻ ngôn từ của văn bản văn học, phê bình ngữ nghĩa học đã đem lại những đóng góp nhất định. Tuy nhiên, nếu chỉ tuyệt đối hóa việc mổ xẻ này thì lại làm nghèo công tác phê bình. Chính vì vậy mà chúng ta cũng nên xem xét thêm các phương pháp nghiên cứu và phê bình khác nữa để đóng góp thêm cho kho tàng công cụ của phương pháp luận.

Nguyễn Văn Dân

Theo: Phương pháp luận nghiên cứu văn học