(Qua hai tập thơ: Thơ thơ và Gửi hương cho gió)
1. Con người mộng tưởng
Trước 1945, Xuân Diệu là nhà thơ lãng mạn cho nên trong thơ ông thường hay xuất hiện hình ảnh con người mộng tưởng: Mộng tưởng trong tình yêu, mộng tưởng với thiên nhiên, ảo tưởng với cuộc đời:
– Anh tưởng em là của anh rồi
– Ta chỉ sống để hoài hoài tưởng nhớ
– Ta tưởng tượng một tình duyên mới nụ
– Một trời mơ đang cầu nguyện trong tôi
Chờ một tiếng để bừng lên hạnh phúc…
Vì sao Xuân Diệu luôn mộng tưởng? Mở đầu tập Gửi hương cho gió Xuân Diệu viết:
Tôi là con chim đến từ núi lạ
Ngứa cổ hót chơi
Câu thơ trên vừa là một tuyên ngôn nghệ thuật, vừa cho ta thấy ông là “con chim lạ”, ông không thuộc về cuộc sống trần gian tầm thường tẻ nhạt này:
– Tôi vốn biết cuộc đời thường tẻ nhạt
Nên mang theo từng suối rượu nguồn tình
– Rồi hết thần tiên bỡ ngỡ xa
Đời thường tẻ nhạt lại trôi qua.
Thực tại giết chết tuổi xuân, mộng mơ, lý tưởng:
Chỉ mấy năm thôi đủ phận chồng
Chàng trai tơ mởn đã thành ông;
Không còn mộng dễ ngày tươi trẻ
Mắt sáng phai rồi má hóp không
(Tặng bạn bây giờ – Gửi hương cho gió)
Giấc mơ nào cũng có lúc tàn và ông vẫn phải thuộc về thế giới này. Do đó ông cố thoát ra khỏi cõi trần gian tẻ nhạt bằng mộng tưởng. Mộng tưởng, một mặt là thái độ lảng tránh thực tế, hay nói cách khác là dùng mộng tưởng để thị vị hoá thực tế:
Những mắt cạn cũng cho rằng sâu chứa;
Những tim không mà tưởng tượng tràn đầy;
Muôn ngàn đời tìm cớ dõi sương mây,
Dấn thân mãi để kiếm trời dưới đất.
(Dại khờ – Gửi hương cho gió)
Mặt khác, lại hé mở cho chúng ta thấy tâm hồn thơ mộng, giàu cảm xúc của tác giả:
Chỉ là gió, nhưng lòng tôi thả bướm,
Thêm phất phơ cho hơi thở vừa hiền;
Chỉ là trăng, nhưng tôi thấy thần tiên
Như tuyệt diệu: bởi hồn tôi xanh quá.
(Chỉ ở lòng ta – Gửi hương cho gió)
Thực tế “chỉ là”, “chỉ là” những cái bình thường nhưng tác giả lại “thả bướm”, “thấy thần tiên”. Điều đó có nghĩa là tác giả mộng tưởng một cách cố ý để giữ lấy niềm vui sống. Đồng thời, để làm đẹp thực tế, toả ánh trăng mộng ảo lên thực tế bằng hồn thơ phong phú của mình.
Đó là vấn đề “đôi mắt” của người nghệ sĩ, nó nhấn mạnh vai trò năng động sáng tạo của người nghệ sĩ, khác hẳn với quan niệm của các nhà thơ cố đề cao thế giới khách quan, voi nhẹ chủ quan người sáng tác:
Xuân Diệu mộng tưởng là biết rõ mình bị lừa dối nhưng vẫn có một thái độ khá lạ lùng:
Ta tưởng tượng một tình duyên mới nụ.
Người được nói, tôi được nghe là đủ;
Thực càng hay, mà giả dối lại sao?
…Tôi lắng đợi! Nhịp lòng tôi đứng lại!
Tôi cần tin! Tôi khao khát được nhầm!
Cho tôi mơ một ảo tưởng thâm trầm,
Và mặc kệ, nếu đó là dối trá!
(Mời yêu – Gửi hương cho gió)
Thực hay giả, không thành vấn đề. Quang trọng là được mơ, được tưởng tượng, được tin, được nhầm. Rõ ràng đó là sự lừa dối lòng mình, sự trốn tránh cái đắng cay của thực tại. Chủ thể mộng tưởng đâu phải chỉ là tác giả, mà là trăng mơ sáng, cây ước mơ, đường cỏ mộng, trăng vú mộng, trời mộng… Cả không gian trong thơ Xuân Diệu là không gian ảo mộng, không phải là không gian của những sinh hoạt đời thường vì tác giả đã chủ động tránh né nó.
Xem thêm: Thơ Xuân Diệu thời kỳ trước cách mạng tháng Tám
Phổ biến hơn cả trong thơ Xuân Diệu là mộng tưởng trong tình yêu: tưởng tượng mình đang yêu và được yêu, đang được ở bên người yêu:
Có lúc tưởng, chỉ để rơi tàn lửa,
Tay vô tình gieo một đám cháy to;
Người tưởng buông chỉ đôi tiếng hẹn hò
Tôi hưởng ứng bằng vạn lời say đắm
(Dối trá – Gửi hương cho gió)
Một phút gặp thôi mà muôn buổi nhớ;
Vài giây trông khơi mối vạn ngày theo.
Mộng bay chơi nhằm một buổi trời chiều,
Gặp tóc biếc; tưởng sắc ngày xưa nở!
(Yêu mến – Gửi hương cho gió)
Trái tim đa tình, niềm khát khao tình yêu đến tột bậc của tác giả được biểu hiện bằng những cặp từ đối lập: tàn lửa – đám cháy to, đôi tiếng – van lơn, một phút gặp – muôn buổi nhớ, vài giây khơi – vạn ngày theo. Ta cũng cảm nhận được ý vị cay đắng trong những câu thơ trên, vì người ta chỉ mơ ước những cái mà người ta không có. Nhưng vì sao lúc nào Xuân Diệu cũng ảo trưởng trong tình yêu? Vì ông quá cả tin, ngây thơ, kỳ vọng quá nhiều ở tình yêu. Với ông, yêu là một phương cách lánh né thực tại. Tình yêu về một mặt nào đó cũng là một giấc mộng, một giấc mộng không dễ có trong cuộc đời. Do đó mà phải hối hả yêu, phải bằng mọi cách giữ lấy nó. Suốt trong cuộc đời nhưng Xuân Diệu luôn mơ tưởng tới một không gian xa xôi nào đó.
Mơ ước đến một miền xa xôi hay hoài niệm về quá khứ cũng là một dạng mộng tưởng. Các nhà thơ lãng mạn muốn thay đổi hiện tại bằng cách thay đổi không gian. Đó là điều không tưởng. Những chuyến giang hồ của các nghệ sĩ Nguyễn Tuân, Nguyễn Bính… là cách hướng tới cái gì đó ngoài thực tại, nhưng dù có trải qua bao nhiều những chuyến giang hồ đến đâu thì đó cũng chỉ là “giang hồ vặt”. Rút cuộc họ vẫn phải quay đầu về với thực tại. Do thực tại không thoả mãn được nhu cầu của con người cho nên con người mới mơ mộng, tưởng tượng. Nhưng nói cho cùng có bao giờ có thể thoả mãn được con người? Đặc tính của con người là luôn mơ ước, vươn tới những cái mình không có. Đó là cái vĩ đại đồng thời là bi kịch của con người.
2. Con người cô đơn, lạc loài
Dù mộng tưởng quá nhiều ở tình yêu, cuộc đời và không được đáp ứng như mong ước cho nên nhân vật trữ tình trong thơ Xuân Diệu hay thất vọng, buồn chán và cô đơn. Đó là một hệ quả tất yếu:
Thiên hạ vô tình nhận ước mơ,
Nhận rồi không hiểu mộng và thơ…
Người si muôn kiếp là hoa núi,
Uổng nhuỵ lòng tươi tặng khách hờ!
(Gửi hương cho gió)
Cho nên bên cạnh con người mộng tưởng là con người cô đơn, lạc loài: một mô típ quen thuộc trong thơ ca lãng mạn:
Khách không ở, lòng em cô độc quá
Chớ để riêng em phải gặp lòng em
Sự tồn tại một cách lẻ loi của những “riêng chiếc”, “riêng em”, “lẻ một” nói lên sự cô đơn, nỗi sợ hãi chính mình của tác giả. Cô đơn, lạc loài, tức không tìm được tiếng nói chung với cộng đồng mà chỉ thấy “Ta là Một, là Riêng, là Thứ nhất”. Dường như đó là con người “sinh lầm thế kỷ”. Cô đơn, lạc loài vì không tìm được phương hướng, lối đi trong cuộc đời:
Tôi là con nai bị chiều đánh lưới
Không biết đi đâu, đứng sầu bóng tối
Câu trả lời nằm ngoài khả năng của những cá thể lẻ loi yếu đuối. Với những nhà cách mạng như Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh,… thì đó là câu hỏi về lối đi, hướng đi cho cả dân tộc. Câu hỏi ấy ám ảnh biết bao thế hệ người Việt Nam yêu nước. Với các nhà thơ lãng mạn câu hỏi đó được đặt ra ở phạm vi nhỏ hẹ hơn: phạm vi cá nhân.
Quan hệ giữa chủ thể và ngoại giới là quan hệ “lệch pha”, không tương xứng. Chủ thể là “lòng tươi”, “người si” và luôn mong đợi, mời mọc, phơi trải. Còn ngoại giới là “khách hờ”, phụ phàng và vô tình, không hiểu chủ thể. Chủ thể cho rất nhiều song chẳng nhận được bao nhiêu cho nên lúc nào cũng ở trong trạng thái đợi chờ, mời mọc. Đó cũng là một biểu hiện của cái cô đơn:
Lòng tôi bốn phía mở cho trăng;
Khách lại mười phương cũng đãi đằng:
Nước ngọt sẵn tuôn, vườn đợi hái,
Đường không ngăn cấm, cỏ chờ băng…
Còn có sự mời mọc, đợi chờ, dâng hiến nào nhiệt tình và đáng thương hơn thế nữa? Còn có sự cô đơn nào đáng sợ hơn thế nữa? Đó không phải là sự mời yêu như một nhà phê bình đã nhận xét. Đó là sự cầu xin tình yêu và rộng hơn là cầu xin sự cảm thông, sự giao cảm của mọi người. Có thể nói quan hệ giữa chủ thể và ngoại giới trong thơ Xuân Diệu là quan hệ một chiều. Chủ thể: mở, ngoại giới: đóng kín.
Hồn thơ Xuân Diệu là một hồn thơ giăng mắc khắp không gian, ông gửi lòng, gửi hồn, gửi hương cho gió, dâng tình… ông là bông hoa “cánh vàng rơi hạt phấn lơ thơ”. Phấn thông vàng là hình ảnh điển hình cho khao khát được hoà nhập với ngoại giới, cho trái tim tràn đầy tình cảm được san sẻ, dâng hiến cho mọi người, cho tất thảy, như những hạt phấn thông vàng vung vãi muôn nơi, chắt lọc tinh tuý cho đời. Đó là quan niệm sống, quan niệm yêu mang tính nhân văn cao cả: “Tình yêu của loài cây xa xôi, viễn vong như thế, không tính toán, gần gũi như loài người. Hoa thông để nhị vàng chảy ra tự trong lòng, và chỉ biết chừng nấy. Có một việc, là yêu, là gửi đi, là cho. Phấn thông sẽ đến, sẽ không đến. Kể làm chi”. Ở bài Tặng thơ, tác giả viết: “Đây dây thơ, tôi đã rứt vì người”.
Hồn thơ giăng mắc của Xuân Diệu được thể hiện bằng những từ “toả”, “trùm”. Đó là một trạng thái của “ôm”, “quấn”, “riết”, nhưng ở một phạm vi rộng lớn hơn, phạm vi không gian.
Một nghịch lý là Xuân Diệu muốn sống trong đời, giữa đời nhưng vì là kẻ cô đơn, lạc loài nên ông như người cung nữ bị “giam chín lần tường”. Ước vọng chỉ là ước vọng. Do cô đơn lạc loài nên con người trong thơ Xuân Diệu lúc nào cũng ở trong trạng thái lạnh run.
Đáng chú ý là ở tập Gửi hương cho gió (xuất bản sau tập Thơ thơ) cảm giác lạnh ngày càng tăng lên. Điều ấy có nghĩa là cùng với thời gian, con người trong thơ Xuân Diệu ngày càng chìm sâu vào nỗi cô đơn, vào cảm giác bất an với cuộc sống. Và khi các nhà Thơ mới mất cái nhìn an nhiên với thực tại (cái ở trong thơ cổ có rất nhiều) thì họ dường như nghi ngờ chính bản thân trong khi đào sâu vào cái tôi cá nhân, họ hay tự hỏi: Ta là ai? Tôi là ai?
Trạng thái run biểu hiện tâm hồn nhạy cảm nhưng rất yếu ớt, dễ bị tổn thương của nhân vật trữ tình. Xuân Diệu run chủ yếu là do sợ hãi thời gian, sợ tuổi già và sợ sự phôi pha của vạn vật:
Tôi run như lá, tái như đông,
Trán chảy mồ hôi, mắt lệ phồng.
Năm đẩy, tháng dồi, tôi đã đến
Trước bờ lạnh lẽo của hư không.
(Hư vô – Gửi hương cho gió)
Cũng do sự cô đơn nên con người trong thơ Xuân Diệu rất sợ sự xa cách. Mô típ biệt ly phổ biến nhất trong Thơ mới.
Xuân Diệu luôn giục giã người yêu: xích lại, xích lại gần thêm chút nữa. Ước vọng rút ngắn khoảng cách không gian cũng là ước vọng hợp nhất hai cá thể để tránh né cô đơn, để có thể sở hữu người yêu hoàn toàn cả về thể chất lẫn tình cảm. Nhưng ước vọng đó là không tưởng, bởi ngay cả trong những giây phút tưởng chừng gần gũi nhất ông bỗng cay đắng nhận ra:
Dầu tin tưởng: chung một đời, một mộng.
Em là em, anh vẫn cứ là anh.
Có thể nào qua Vạn Lí Trường Thành
Của hai vũ trụ chứa đầy bí mật.
(Xa cách – Thơ thơ)
Cái tôi cá nhân tồn tại sừng sững giữa cuộc đời không bị hoà tan vào cái ta. Và cái tôi cá nhân được ý thức một ý thức sâu sắc nhất thì cũng là lúc nhà thơ chợt nhận ra rằng: con người càng cô đơn: “Vẫn cứ” là một thực tế không thể vượt qua.
Xem thêm: Xuân Diệu sau cách mạng tháng Tám
Trong thơ Xuân Diệu nói riêng và trong Thơ mới nói chung, đâu đâu cũng thấy sự biệt ly, xa cách.
Biệt ly, chia phôi trong thơ Xuân Diệu không chỉ là sự biệt ly, chia phôi giữa người với người, chia phôi trong tình yêu mà còn là sự chia phôi, trôi chảy vĩnh viễn của thời gian:
– Anh ngóng tìm em, tuy thấy đó
Sắp xa thôi cũng tựa xa rồi
– Giờ ly biệt cứ đến gần từng phút
Chúng tôi thấy đã xa nhau một chút…
Xuân Diệu sống trong hiện tại nhưng luôn phấp phỏng về tương lai, nhìn thấy trong hiện tại tương lai buồn thảm. Bài Hoa nở để mà tàn thể hiện quan niệm độc đáo của Xuân Diệu về quy luật sinh thành của sự vật:
Hoa nở để mà tàn;
Trăng tròn để mà khuyết;
Bèo hợp để chia tan;
Người gần để ly biệt.
(Hoa nở để mà tàn – Thơ thơ)
Vật chất luôn tồn tại, nó biến đổi từ dạng này sang dạng khác, không có cái gì mất đi vĩnh viễn. Đó là nhận thức của các nhà triết học, họ nhìn sự vật trong tổng thể, trong mối quan hệ giữa sự vật này với sự vật khác. Với Xuân Diệu thì mỗi sự vật là một cá thể duy nhất, không lặp lại, không có vòng tuần hoàn. Điều đó tạo nên âm hưởng bi quan của Thơ mới. Nếu như các nhà thơ cách mạng luôn thể hiện niềm tin ở tương lai, hướng tới tương lai thì trong thơ Xuân Diệu không có tương lai. Nói đúng hơn là tương lai trong quan niệm của Xuân Diệu đồng nghĩa với sự chia ly, phôi pha, sự kết thúc của mọi sự vật. Vì thế nên ông khiếp sợ sự chia ly xa cách. Chia ly xa cách có nghĩa là không bao giờ gặp lại. Xuân Diệu đã tránh né tương lai, tránh né biệt ly xa cách bằng cách chủ động rút ngắn hiện tại.
Nguyễn Thị Hồng Nam