Khi con người đau đáu nhìn về một phía, nơi có một mục tiêu vĩ đại chờ đợi thì tất cả đều trở nên tầm thường. Đó là khi “mặt trời chân lý chói qua tim” và con đường cách mạng được định sẵn cho một số phận mang tên – “Ruồi Trâu”.
Ruồi Trâu như làn sóng dữ dội và bất diệt quét đến mọi ngóc ngách của những tâm hồn yêu sống, ham sống một lòng phụng sự cho lí tưởng cách mạng cao đẹp. Để những con người như Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc vững bước trên con đường đầy trông gai và khốc liệt, chọn cho mình một ý niệm kiên định mà mạnh mẽ, cố gắng. Và cũng là bước đệm tinh thần cho bao thế hệ đồng bào yêu nước kiên quyết xông lên giành quyền được sống, mưu cầu tự do và hạnh phúc.
Ethel Lilian Voynich người đã tạo ra hình tượng “Ruồi Trâu” sừng sững, sắc nét và đầy bi ảo trong lòng người đọc. Ngòi bút như túa máu trước cuộc đời chìm nổi của chàng trai Author xinh đẹp, thánh thiện và Rivaret gai góc, xù xì, đã trải qua biết bao biến cố.
Không hề ảo mộng mà vô cùng chân thực, vì chiến tranh chính là nỗi đau, nỗi mất mát. Những đau thương Ruồi Trâu cùng những đồng chí kề vai sát cánh chịu đựng là một phần nhỏ trên con đường cách mạng bắt buộc phải trải qua. Sự kiên cường đến ám ảnh của Ruồi Trâu là lí do để những chiến sĩ đối diện với hiện thực và vượt qua nó.
Biến cố cuộc đời thay đổi vĩnh viễn một con người
Nếu Author không biết đến sự tồn tại của “Nước Ý Trẻ”( một tổ chức đấu tranh cho nền Cộng hòa) anh sẽ mãi là một chàng trai Ý xinh đẹp, hiền lành và thánh thiện? Và có lẽ tình yêu của anh dành cho cha sứ Montoneli mãi không thay đổi. Cuộc đời Author sẽ êm đềm trôi qua trong viễn tưởng ngọt ngào về tương lai như bao người và bên cạnh luôn có sự đồng hành của người cha sứ kính mến cùng niềm tin dành cho Chúa.
“Nước Ý Trẻ” là điểm đệm cho một sứ mạng cách mạng, xuất phát từ sự lương thiện, thông minh của mình mà tư tưởng cách mạng đã ngấm dần vào con người anh. Nơi đó anh gặp Giema, người phụ nữ khiến anh rung động và gắn với anh trên suốt những ngày tháng hoạt động sau này.
Số phận trớ trêu lần lượt đạp đổ từng phòng tuyến tinh thần vững chắc của Author.
Sau mỗi lớp mặt nạ đẹp đẽ của con người luôn ẩn náu một con ác quỷ, vẻ hào nhoáng bên ngoài là vỏ bọc che đậy sự ti tiện, thối nát của những kẻ mặt sắt ben trong. Ngay đến một cha sứ cao ngạo không một vết nhơ, giảng những đạo lý cao đẹp cũng là một kẻ lừa dối – Motoneli là cha đẻ của Author.
Vỏ quýt dày có móng tay nhọn, những che giấu dù hoàn hảo tới đâu rồi cũng đến lúc hạ màn, khi sự thật được tỏ bày, cái nhìn đắng ngắt về cuộc đời đã chấm hết cho một tín ngưỡng, một tình yêu thiêng liêng cao cả. Nỗi đau đó lớn đến nỗi anh điên dại, sững sờ, rồi lại tỉnh táo sáng suốt hơn bao giờ hết và sự tỉnh táo đó quyết định cho ra đời một “Ruồi Trâu”.
“Chuỗi cười điên dại bỗng ngừng bặt trên môi Authur. Anh giật lấy chiếc búa con trên bàn và nhảy xổ tới cây thánh giá. Sau nhát búa đầu tiên, anh tỉnh ngay. Nằm trơ trước mặt anh là chiếc bệ trống không. Tay anh còn giữ chặt búa. Những mảnh thánh giá vỡ tan tành văng trên sàn. Arthur quẳng búa sang một bên. “Dễ dàng đến thế thôi ư?” Anh lầu bầu một mình và quay đi. “Sao ta lại ngốc đến thế!””
“Thế giới trước mắt mà anh chưa bước chân tới có thể là một hố sâu mù mịt, nhưng trong thế giới ấy chưa chắc đã nhiều đê tiện và nhơ nhuốc như ở sau lưng anh. Không thương tiếc gì nữa, không nhìn lại làm gì nữa. Đó là một thế giới nhỏ nhen, ôn dịch, thối nát, đầy lừa lọc đê hèn và lường gạt bỉ ổi – đó là một vũng bùn lầy nước đọng thối tha, nông cạn đến nỗi một người cũng không thể trẫm mình ở đó được.”
Một bức tranh tâm lý đa chiều và sống động, anh không thể chọn cho mình số phận được sinh ra, nhưng anh chọn tiếp tục sống với những hoài bão, chọn cho mình một con đường là tránh xa hố đen đã ngâm mình. Authur đã bước ra khỏi vũng bùn đen ngòm đó để trở nên sáng chói.
Ruồi Trâu – chiến sĩ cách mạng kiên cường, bất khuất
Trong hình hài một Ruồi Trâu- bí danh Author sử dụng khi hoạt động cách mạng- có chút quái dị, xấu xí và tinh quái, Author dường như biến mất hoàn toàn. Một Giema có trí tưởng tượng phong phú và cái nhìn sắc bén đến đâu cũng không thể nhận thấy dấu hiệu nào thuộc về Author trên con người Rivaret. Cái lưng gù gập, vết sẹo ghê rợn bám chặt trên khuôn mặt người đàn ông đó là kết quả của cái gì – Sự đơn độc cùng cực khi đối diện với một xã hội kẻ mạnh luôn thắng thế, và nó đòi hỏi sự chiến đấu không khoan nhượng.
Những nỗi đau lớn lao và sâu sắc khoét sâu vào linh hồn người đàn ông mang trong mình một hoài bão vĩ đại. Giữa nỗi đau thể xác và tinh thần, “Ruồi Trâu” để cái thứ hai thắng thế, có còn gì đau đớn hơn “Linh hồn phải chịu đựng và chịu đựng mãi…”. Mặc dù có lúc anh muốn chết đi để thoát khỏi sự hành hạ về thể xác, cơn đau kéo dài vô tận cho đến khi con người sống chung với nó và hy vọng kết thúc chỉ là vọng tưởng.
Nhưng đó cũng là lí do Ruồi Trâu trở thành một chiến sĩ cách mạng tài giỏi, thông minh, bình tĩnh, sáng suốt, dũng cảm. Một người có tấm lòng nhân hậu khiến tất cả những ai từng giao thiệp đều kính trọng. Sự hiểu đời, hiều người và phẩm chất đạo đức tốt đẹp của anh dễ dàng thu phục lòng người và đạt được một số thành công trong công cuộc hoạt động cách mạng bí mật.
Người chiến sĩ ấy sau cùng ra đi để bảo vệ tổ chức, bảo vệ lí tưởng của mình. Cái chết của anh như một lưỡi dao cứa vào điểm mềm yếu sâu thẳm nhất của những đồng chí, những con người yêu nước và tăng thêm sự căm hận với kẻ đã chà đạp lên một con người tốt đẹp. Quá trình ngồi tù kiên cường bất khuất nhất của con người đó găm sâu vào tâm trí người đọc. Đó là sự nuối tiếc cho một sự nghiệp cách mạng còn dang dở và đoạn tình cảm sâu nặng với Giema anh chôn giấu. Và là sự đấu tranh giằng xé với những cơn đau thể xác, nỗi tuyệt vọng khi bản thân đi vào ngõ cụt.
Một Authur vẫn luôn tồn tại trong Rivaret
Nếu có cái gì đó đối chọi gay gắt nhất trên đời đó là tình cảm và lí lý. Sự đấu tranh nội tâm phức tạp của Ruồi Trâu về tình yêu dành cho Motoneli và lí tưởng cách mạng là một minh chứng.
Rivaret cho dù có xấu xí, sắc sảo, tài giỏi căm hận Chúa và Công giáo đến nhường nào thì trước kia vẫn là một Authur. Trong người Rivaret là chảy dòng máu của giáo chủ Montaneli ( người truyền giáo đạo Cơ Đốc). Người cha chưa bao giờ là một người cha đúng nghĩa, lừa lọc và dối trá, Montaneli đã huyễn hoặc chính mình vào một thế giới tinh thần ảo mộng có Chúa trời, ban phước lành và nhờ sự giúp đỡ cứu rỗi chính mình khỏi những sai lầm. Ruồi Trâu vô cùng khinh bỉ và luôn là nỗi đau trong đời anh.
Cuối cùng tình yêu mà Authur dành cho Montaneli vẫn còn tồn tại, tình cảm đó mâu thuẫn với sự hiểu biết của anh về thế giới, rằng đáng lẽ ra phải căm hận đến cùng. Sự mâu thuẫn đó thể hiện rõ nét nhất khi Montaneli gặc anh trước khi anh bị kết án. Màn đối thoại giữa hai con người đối lập về lập trường tư tưởng nhưng không thể tách rời về mặt tình cảm. Giữa họ là quan hệ huyết thống cha con không thể chối cãi.
“Xin ông kí cho một chữ vào bản án tử hình của chính ông. Tim tôi mềm yếu lắm, tôi không dám làm”
Gặp lại Giema người con gái thuở xưa đem lòng yêu mến, ngọn lửa tình yêu một lần nữa trỗi dậy mạnh mẽ và sâu sắc. Lá thư thú nhận tình cảm chân thành của Ruồi Trâu với Giema được gửi đi trong sự hối tiếc muộn màng. Tình yêu đôi lứa trở nên thật đẹp khi nó gắn liền với lí tưởng cách mạng. Hai con người cùng chung chí hướng, luôn đặt lí tưởng lên hàng đầu và nó là sức mạnh để con đường họ đi cùng nhau dài hơn, vững vàng hơn.
Tác giả cho Ruồi Trâu một đời sống tâm hồn thơ mộng và phong phú. Con người yêu cái đẹp, chung thủy với tình yêu của cuộc đời mình, để rồi run rẩy khi đối mặt với người phụ nữ đó. Người đàn ông cô quạnh suốt nhiều năm tháng rong ruổi vẫn muốn được sẻ chia và đồng cảm bởi Giema, những cuộc trò chuyện không hồi kết, những lắng đọng chiêm nghiệm về số phận con người khiến cả hai tìm được vài tín hiệu. Ruồi Trâu mổ xẻ chính những vết thương trên người mình để Giema hiểu hơn về con người anh. Bằng một giọng văn dí dỏm hài hước cô đọng và giàu hình ảnh, có lúc sắc lạnh khiến kẻ đứng xem ra sức thương tâm, gào thét. Có lẽ Ruồi Trâu cần nhiều hơn một cái ôm, cần nhiều hơn thế.
Nhi Bình