Trong mâm rượu
Nếu nói xấu người vắng mặt
Rượu sẽ thành thuốc độc.
Trong mâm rượu
Nhắc nhớ người vắng mặt
Rượu sẽ ngọt ngào nước thánh
Ta rót vào hồn nỗi nhớ thương.
Nguyễn Quang Sáng
Lời bình của Nguyễn Vũ Tiềm:
Chỉ biết Nguyễn Quang Sáng qua văn xuôi, tôi ngạc nhiên thấy ông viết bài thơ trên trong tập thơ giấy dó trong ngày thơ Việt Nam lần thứ 5 của Ban Thơ Đương đại Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh. Tập thơ gồm thủ bút của trên một trăm nhà thơ, chúng tôi bán đấu giá được 287 triệu đồng, số tiền này được trao cho Mặt Trận Tổ Quốc TP. Hồ Chí Minh làm quà tặng trẻ em nhiễm chất độc da cam nhân dịp Tết Đinh Hợi 2007 (ảnh dưới). Tôi hỏi ông về bài thơ, ông nói:
– Tôi làm thơ từ lâu, và vẫn thường làm, nhưng thơ tôi dở, không dám đưa đăng báo. Rượu là một trong những bài thơ dở đó của tôi. Tôi cho là từ chất liệu đời sống trở thành văn chương giống như gạo nấu thành cơm và rượu. Văn xuôi của chúng tôi là cơm, thơ là rượu. Thơ là tinh chất của cuộc đời.
Thơ và rượu, cổ kim đông tây đã đề cập đến nhiều nhưng so sánh như trên vẫn là những ý mới mẻ lý thú.
Trong bài Rượu, Nguyễn Quang Sáng đặt vấn đề về giao tiếp ứng xử bên mâm rượu, qua đó mỗi người tự thể hiện mình một cách rõ ràng nhất: hay dở, đúng sai, cao thượng hay thấp hèn… bộc lộ hết mình khó có gì che đậy.
Trong mâm rượu
Nếu nói xấu người vắng mặt
Rượu sẽ thành thuốc độc.
Chữ “thuốc độc” có nặng quá không? Hơi bị cực đoan chăng? Để dễ chấp nhận, thử thay bằng chữ nào đó nhẹ hơn một chút, chẳng hạn như “cay đắng”? Thì chính rượu đã phảng phất vị đó rồi. Suy ngẫm kỹ thì thấy đây là câu nhắc nhở nghiêm khắc cần thiết đối với tất cả mọi người. “Rượu vào lời ra”, lời hay và lời dở, nói xấu người vắng mặt, nói sau lưng là tự bộc lộ cái chất tiểu nhân hèn mọn của bản thân mình. Từ đó rượu lại dễ dẫn dắt ta tới những động thái bất thường khác, dễ đưa ta vượt qua cái ngưỡng từ tốt qua xấu từ sang ra hèn, mất nhân cách thậm chí thành thú tính chỉ trong một thoáng chốc! Trong thực tế thiếu gì những chuyện đau lòng do rượu gây nên. Như thế không nguy hiểm chết người sao? Chữ “thuốc độc” có tác dụng như ly rượu mạnh, trở thành từ rất đắc địa. Văn chương giống như rượu vậy, không chấp nhận sự nửa vời, trung tính, pha loãng.
Trong mâm rượu
Nhắc nhớ người vắng mặt…
Chưa phải là ngợi khen hay nói tốt, chỉ cần nhắc nhớ thôi cũng đã quý lắm rồi. Chữ “nhắc nhớ” rất gợi, dễ rung lên những sợi ân tình từ thẳm sâu tiềm thức.
Rượu sẽ ngọt ngào nước thánh
Cũng một ly rượu mà sự khác biệt ghê gớm quá: thuốc độc giết người với nước thánh cứu người. Đoạn trên nghiêm khắc nhắc nhở, đoạn dưới thủ thỉ ân tình chứa chan nhân ái:
Ta rót vào hồn nỗi nhớ thương.
Là “nước thánh”, trong đó nỗi nhớ thương hòa vào ly rượu thấm đẫm tâm hồn ta. Nguyễn Quang Sáng trải nghiệm nhiều, ông đúc kết tình người, lẽ đời trong một bài thơ ngắn: từ đây lại đặt ra vấn đề không nhỏ trong cuộc sống, có thể khái quát thành một phạm trù văn hóa, đó là văn hóa trong tiệc rượu, gọi một cách dân dã kiểu Nam Bộ là văn hóa nhậu.
Giống như bản tính thẳng thắn bộc trực của tác giả, bài thơ không hoa lá màu mè đi thẳng vào cốt lõi nhân văn, đụng đến điều gan ruột trong giao tiếp ứng xử, giản dị mà thấm thía.
Nguyễn Vũ Tiềm