Cao Bá Quát sống và viết vào nửa đầu thế kỉ XIX, giai đoạn mà chế độ phong kiến sau bao phen “thay đổi sơn hà”(1) đã thiết lập lại được trật tự dưới sự cai trị của triều Nguyễn. Nhìn bề ngoài, xã hội Việt Nam lúc này có vẻ ổn định, vững chãi nhưng thực chất bên trong lại tối tăm, ngột ngạt bởi vô vàn những giáo điều hà khắc, ấu trĩ. Sự nặng nề của thể chế khiến không ít trí thức dân tộc cảm thấy u uất, bi phẫn và khủng hoảng niềm tin trầm trọng. Ngay cả Nguyễn Công Trứ, người từng say mê lí tưởng, dốc chí đi học đi thi để phò vua giúp nước cũng không tránh khỏi có lúc phải ngậm ngùi:
“Ngồi buồn mà trách ông xanh
Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”
(Vịnh cây thông – Nguyễn Công Trứ)
Một con người giàu cá tính, phóng khoáng, tự do thậm chí có lúc ngang tàng, kiêu bạt như Cao Bá Quát dĩ nhiên không chịu ở yên trong vòng luẩn quẩn, chật hẹp. Ông không ngừng bứt phá, quẫy đạp, trăn trở tìm đường xuyên qua bóng tối, hướng tới những điều tươi sáng “Bay thẳng cánh muôn trùng Tiêu Hán/ Phá vòng vây bạn với kim ô”(2). Nhưng rồi Cao Bá Quát đã không đủ sức thoát ra khỏi chiếc “vòng kim cô thời đại”. Ông càng chống đối nó càng thít chặt. Thực tại nghiệt ngã khiến nhà thơ rơi vào bi kịch. Một nỗi cô đơn khổng lồ vây phủ tâm hồn ông. Cao Bá Quát đã tìm đến thơ như một sự giải tỏa, như một cơ hội để giãi bày tâm sự. Người đời sau cảm nhận được trong những thi phẩm của ông, đặc biệt là “Sa hành đoản ca” những nỗi niềm chua chát nhất.
Cao Bá Quát không có được cái “hăm hở chí trai hồ thỉ”(3) như Nguyễn Công Trứ. Bởi nếu Nguyễn Công Trứ phải “lợm mùi giáng chức với thăng quan”(4) mới nhận ra danh lợi chỉ “như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao”(5), thì Cao Bá Quát ngay từ khi còn tấp tểnh trên đường khoa cử đã sớm nhận ra sự vô nghĩa của nó.
“Trường sa phục trường sa,
Nhất bộ nhất hồi khước.
Nhật nhập hành vị dĩ,
Khách tử lệ giao lạc.”
( Bãi cát dài lại bãi cát dài,
Đi một bước như lùi một bước.
Mặt trời đã lặn không dừng được,
Lữ khách trên đường nước mắt rơi.)
(Sa hành đoản ca, Tố Hữu dịch)
Con đường công danh mà bao nhiêu trí thức đương thời mải mê chinh phục trong mắt Cao Bá Quát không phải là con đường sáng mà là những bãi cát dài tít tắp, mờ mịt. Từ “trường sa” lặp lại hai lần trong một câu thơ ngắn, chen vào giữa là chữ “phục” mở ra một không gian mênh mông và vắng lặng đến nao người. Không gian ấy lại được đặt giữa thời gian “mặt trời đã lặn” – vũ trụ đã vào đêm. Thời gian ấy dễ khiến cảm giác cô đơn, chán chường dâng trào trong tâm tưởng. Câu thơ “Lữ khách trên đường nước mắt rơi” diễn tả thấm thía cõi lòng u uất, bi phẫn của người trí thức đang phải nhọc nhằn trong vòng danh lợi giữa một thời đại đầy nhiễu nhương. Muốn dừng mà không thể nào dừng được, càng bước lại càng lún sâu vào cát “đi một bước như lùi một bước”.
Tâm sự của Cao Bá Quát giống với tâm sự của Khuất Nguyên “Đời say riêng ta tỉnh, đời đục mình ta trong”. Bi kịch của ông xuất phát từ chỗ sớm thức nhận để nhìn ra được sự vô nghĩa, bế tắc của con đường công danh. Ông thấu hiểu sâu sắc cái điều mà Nguyễn Trãi từng nói “Dưới công danh đeo khổ nhục”. Giữa lúc người đời đắm chìm trong mồi phú quý, say trong bả vinh hoa “Xưa nay, phường danh lợi/ Tất tả trên đường đời/ Đầu gió hơi men thơm quán rượu/ Người say vô số tỉnh bao người” (Sa hành đoản ca, Tố Hữu dịch) thì ông lại ngộ ra bao nhiêu nghịch lí trái ngang, cay đắng của cuộc đời khiến niềm tin bị sụp đổ; tâm hồn chìm trong phẫn uất, cô đơn. Con người ta chỉ thực sự đau khổ khi ý thức được thực tại chua chát của đời mình. Nếu nhà thơ cũng tất tả, cũng say như đời có lẽ cõi lòng ông đã không u uất, xót xa đến vậy.
Có hai con đường có thể giải thoát Cao Bá Quát khỏi bi kịch. Hoặc là mặc kệ tất cả để say theo đời, tiếp tục ôm lấy giấc mộng công danh phù phiếm. Hoặc là “học tiên ông phép ngủ” để lãng quên tất cả, vứt bỏ tất cả. Hoặc là theo đời. Hoặc là quên đời. Nhưng nhân cách của một kẻ sĩ chân chính đã không cho phép ông chọn bất cứ con đường nào trong hai con đường kể trên. Tâm hồn ông sáng trong, thuần khiết không thể chấp nhận vòng lợi danh đã trở nên tầm thường, dung tục. Ông cũng không thể quên đời bởi một người trí thức giàu tâm huyết, từng thiết tha ôm mộng giúp đời như ông sao có thể nói quên là quên được. Nhận ra cuộc đời vô nghĩa mà vẫn đau đáu hướng về cuộc đời, đó là nguyên nhân của bao nhiêu khổ đau, day dứt trong tâm hồn nhà thơ. Mọi thứ trước mắt ông trở nên xa ngái, mịt mùng, ghê sợ. Ông lạc lõng, bơ vơ giữa con đường cùng thời đại. Nỗi u uất, tuyệt vọng thổn thức trong những câu hỏi đầy nhức nhối; trong khúc bi ca đầy tuyệt vọng. Người trí thức không ngừng trăn trở, truy vấn chính mình về ý nghĩa thực sự của cuộc đời, về cách hành xử của bản thân khi rơi vào cảnh “cùng đồ”.
“Trường sa, trường sa nại cừ hà?
Thản lộ mang mang úy lộ đa.
Thính ngã nhất xướng cùng đồ ca,
Bắc sơn chi bắc sơn vạn điệp,
Nam sơn chi nam ba vạn cấp.
Quân hồ vi hồ sa thượng lập?”
(Bãi cat dài, bãi cát dài ơi!
Tính sao đây? Đường bằng mờ mịt,
Đường ghê sợ còn nhiều, đâu ít?
Hãy nghe ta hát khúc đường cùng
Phía bắc núi Bắc, núi muôn trùng,
Phía nam núi Nam sóng dào dạt.
Anh đứng làm chi trên bãi cát?)
(Sa hành đoản ca, Tố Hữu dịch)
Bi kịch của Cao Bá Quát trong “Sa hành đoản ca” cũng chính là bi kịch của của biết bao trí thức khi lâm vào con đường cùng thời đại. Vướng vào bi kịch ấy, nếu Khuất Nguyên trầm mình trên dòng Mịch La để tự giải thoát thì Cao Bá Quát lại khát khao thay đổi xã hội, mạnh mẽ chống đối dưới lá cờ “Bình Dương, Đồ Bản vô Nghiêu Thuấn/ Mục Dã, Minh Điền hữu Vũ Thang” (Bình Dương, Đồ Bản không có vua Nghiêu Thuấn thì Mục Dã, Minh Điền phải có Vũ Thang nổi dậy). Con đường mà Cao Bá Quát lựa chọn là con đường đẫm máu nhưng nó lại là con đường tất yếu mà một người trí thức trong sáng và yêu tự do như ông phải đi qua. Dẫu rơi vào thất bại, phải chịu họa sát thân nhưng dũng cảm bước đi trên con đường ấy, Cao Bá Quát đã góp sức mình mở ra chân trời tự do phía trước. Điều đáng quý là cho đến phút cuối cùng, ông vẫn giữ được nguyên vẹn phẩm chất trong sáng, cốt cách thanh cao của một kẻ sĩ chân chính kiên quyết không chịu “học tiên ông phép ngủ”, cũng không nhắm mắt hòa vào đám “người say vô số” của cuộc đời.
Hồ Tấn Nguyên Minh
* Chú thích:
(1) Ý thơ Nguyễn Du
(2) Thơ Nguyễn Hữu Cầu
(3) Ý văn Phạm Thái
(4) Thơ Nguyễn Công Trứ
(5) Thơ Nguyễn Công Trứ