Sài Gòn chính thức trở lại sau bốn tháng giãn cách xã hội. Thành phố đã thức giấc sau một thời gian thật yên ắng để dưỡng thương. Nhìn về Sài Gòn những ngày này, ta chợt nhớ lại những tháng năm mà có lẽ rất lâu nữa mới được thấy. Sài Gòn: Hoa cho người giàu – lệ cho người nghèo. Nhưng kỳ thực ngày hôm nay, tự nhiên thấy câu nói này không còn đúng nữa. Sẽ có những thời khắc ta nhận ra ở Sài Gòn này, hoa không chỉ dành cho người giàu, mà lệ cũng không chỉ dành cho nguời nghèo. Đến một lúc, khi trong tay mình đã cầm được hoa mà mắt vẫn cay và sóng mũi vẫn đỏ, đó chính là lúc ta cảm nhận được rõ nhất mình là một người giàu có nhưng vô cùng nghèo khổ.
Tại sao?
Ở tuổi 21 này, chúng ta có gì? Có gia đình, có mẹ có cha, có nguồn động lực to lớn. Đó là thứ căn bản đầu tiên, người nghèo nhất chắc cũng sẽ có được. Có sức khoẻ, có tương lai.
Ở tuổi 21 này, chúng ta làm được gì? Kiếm tiền, có được đồng ra đồng vô trang trải cuộc sống. Đó là điều căn bản thứ hai, dù là bạn có ít hay có nhiều, thì người nghèo nhất chắc cũng sẽ được vài đồng.
Vậy ở tuổi 21 này, chúng ta đang mất gì? Riêng tôi. Tôi mất cả gia đình và sức khoẻ, nhưng tôi có rất nhiều tiền.
Kỳ lạ thật, có đôi lúc chúng ta nhìn đời bằng một nửa con mắt vì nghĩ rằng mình chưa bao giờ nghèo vì mình có quá nhiều thứ, thì giờ đây đã đến lúc phải nhận ra mình nghèo quá. Vì mình mất đi một nửa thế giới, mình gọi là mẹ. Và cũng có đôi lúc, chúng ta nhìn đời bằng một sự trông đợi vì nghĩ rằng mình giàu hơn bất kì ai, vì mình làm ra tiền, nhưng chợt nhớ ra: Mình đã có dấu hiệu của bệnh tật, mình F0, mình bị Covid-19.
Sài Gòn lúc này, trong đôi mắt của tuổi 21 nó khắc nghiệt đến lạ, một chênh vênh, một chút đau lòng: Tay cầm hoa mà rơi nước mắt. Hoa lúc này là bó hoa trắng dành cho người mẹ của mình, bà ra đi vì đại dịch không mong muốn, lệ thì rơi vì biết rằng mãi mãi về sau cuộc đời mình muốn tâm sự với một nửa thế giới ấy, mình không được cầm tay họ nữa, đổi lại; tay mình phải cầm hương khói và mắt thì nghiền nhắm lại.
Vậy thì, Sài Gòn còn đẹp không? Xin thưa là đẹp. Bởi vì dù ở góc cạnh nào, nỗi đau nào, mất mát nào thì nó vẫn cho ta được một giọt lệ ý nghĩa. Giọt lệ của tuổi 21 là giọt lệ của sự lựa chọn: Sống ở Sài Gòn mà chỉ biết kiếm tiền thì sống lỗi, đôi khi sự lựa chọn tài chính hay thời gian bên gia đình mới chính là bài toán khó nhất của cuộc đời, và cái đẹp giờ đây nó nằm ở sắc trắng của băng tang. Đeo vào đầu để biết thời gian này là thời gian bên cha, chứ không còn là thời gian cho long bong ngoài phố mà tìm bảy sắc cầu vồng. Sài Gòn vốn đã khắc nghiệt, giờ đây là còn cay nghiệt với mỗi người, nhưng tin tôi đi, màu trắng ấy sẽ là màu trắng không nhuốm bụi trần, màu trắng thanh khiết nhất từ trước đến nay: Người đã đi, xin họ bình yên nơi chín suối!
Lại quay về Sài Gòn với góc nhìn xã hội.
Những ngày này, có một cảm giác thật lạ khi cái thành phố lúc nào cũng được nhớ đến với cái không khí gấp gáp, sôi động nay lại chìm vào một sự im lìm, buồn bã. Cuộc sống như ngưng đọng trên những con đường vốn tấp nập. Những người lao động náu mình dưới tán cây, nhìn như buồn hơn vì những ngày này thật sự khó khăn lắm… Trong các group chat, bạn bè nhắn tin cho nhau thả nhẹ đường link thông báo giãn cách. Những kế hoạch lại bị trì hoãn, công việc lại thêm vất vả. Nhưng ngay cả trong lúc này, đến người lo lắng nhất cũng lạc quan, bởi ai cũng tin vào sức sống mãnh liệt và tinh thần của Sài Gòn.
Tết ở Sài Gòn cũng không yên tĩnh đến như vậy.
Dưới những tán me dọc phố Lý Tự Trọng, dưới những tán cây dầu cổ thụ bên cạnh Nhà thờ Đức Bà, hay xa xa phía nóc hầm Thủ Thiêm chốn lãng mạn cho những chiều ngồi ngắm hoàng hôn, đâu đâu cũng chợt mất đi nhịp sống mỗi ngày, trống vắng hổng quen xíu nào. Lâu rồi, thành phố mới “bệnh” như vậy, nằm một chỗ hổng đi đâu được, hổng quen xíu nào. Sài Gòn đợt này trở bệnh ngó dữ quá, quanh năm phố thị náo nhiệt, sôi động bao nhiêu, bi chừ hiu quạnh bấy nhiêu.
Người ta nhớ mấy ngả tư Sài Gòn kẹt cứng mỗi chiều tan tầm, nhớ ly bạc xỉu của dì Tư đầu hẻm mỗi sớm tạt ngang gọi vội, nhớ những trưa nắng chưa kịp rọi trên vai thì dính liền cơn mưa chốc lát, nhớ những buổi chiều chạy đua với ánh mặt trời dọc Đại lộ Đông Tây, hay chăng nhớ những vòng xe bất chợt rẽ đủ hướng Sài Gòn, phía sau chở người thương, nói kể dăm chuyện đời. Thành phố bất giác trở mình, “ho” nhẹ một cái mà khiến mọi thứ bỗng lặng im, người người bỗng núp mình hết sau từng ô cửa đóng kín.
Như một đêm, mới xong việc, tui chạy về nhà băng qua từng con đường Sài Gòn mà cứ ngỡ đồng hồ mình bị sai, cứ ngỡ Sài Gòn đang hai ba giờ sáng. Thành phố bệnh ngó rõ buồn, thiếu vắng tiếng người, tiếng xe dọc lối, chỉ thi thoảng hiu hắt dưới mấy trụ đèn đường là những người không nhà, mưu sinh đây đó, chống chọi qua mớ khó khăn chất chồng này.
Bữa đó, tui tình cờ gặp anh Tuấn, người đàn ông bán me chắc hẳn quen thuộc với mớ người mỗi khi có dịp chạy ngang qua ngả tư Lý Trọng – Hai Bà Trưng. Dẫu cho xã hội có rối ren thì những con người nhỏ bé như anh vẫn luôn phải cố sống kiên cường, khó khăn nhân lên nhưng đâu có làm họ dễ bỏ cuộc. Bán bịch me chắt chiu hái cả ngày trời được mấy đồng bạc, nơi bán là chốn vỉa hè, cũng là chốn anh ngủ dưới nắng dưới mưa suốt mấy năm qua, không nhà không cửa, nhưng rồi có than với ai đâu. Anh viết dòng chữ “ Hạnh phúc là gì?” rồi treo ngay ngắn trên khung tường, làm ai đi ngang qua cũng phải ngoái đầu nhìn, không ít không nhiều nhưng cũng đủ khiến cho chính mỗi người, tự đặt dấu chấm hỏi cho định nghĩa hạnh phúc của bản thân. Hỏi anh, anh nói treo tấm chữ đó để mọi người ai cũng thấy, rồi tự bản thân mình thấy, tự mình tìm ra câu trả lời và có thêm động lực sống, dẫu cho cuộc đời có đổi thay, có khó khăn cỡ nào. Tự nhiên nghe chạnh lòng, nghe thương hơn mớ chữ thương gom lại. Mấy lúc này, thương nhất chẳng phải những người “phải” ở nhà; thương nhất là những người không có nhà để về, hoặc có nhà cũng không thể về.
“May nhất” là khi được san sẻ với nhau, chờ thành phố “khỏe” lại rồi cuộc sống của ai cũng ổn. Rồi sẽ ổn thôi, phải hông Sài Gòn?
NGUYỄN TRỌNG NGHĨA