1. Ở Việt Nam trong khoảng một vài thập niên gần đây, Sex (được hiểu vừa như một đối tượng phản ánh, vừa như một bút pháp nghệ thuật) xuất hiện ngày càng đậm nét trong các sáng tác văn học. Đã từng có thời điểm, những bứt phá quyết liệt, trong đó hàm chứa cả sự “phá cách” và “phá phách” ở một số cây bút về Sex đã trở thành tâm điểm của đời sống văn học với nhiều phản hồi phức tạp, thậm chí trái chiều từ phía độc giả. Thực ra nều nhìn nhận một cách công bằng và bình tĩnh thì Sex chính là một trong nhiều dấu hiệu thể hiện những cách tân ngày càng mạnh mẽ của văn học ở trên cả phương diện đề tài (nội dung phản ánh) và bút pháp (phương thức thể hiện) nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp cận, khám phá hiện thực ở những chiều kích đa dạng, phức tạp, ngoắt ngoéo nhất trong đời sống hiện đại hôm nay.

Trong tình hình ấy, viết về Sex là một thách thức không nhỏ, đòi hỏi bản lĩnh của mỗi người cầm bút. Bởi nếu không khéo sẽ dễ lâm vào hiện tượng a dua, chạy theo thời thượng để nhằm thoả mãn ý muốn được nổi tiếng – một đòi hỏi tức thời và phi văn chương trên thực tế đã xảy ra ở khá nhiều cây bút. Ở một khía cạnh khác, tuy quan niệm hiện đại đã tương đối cởi mở nhưng trong nền văn hoá, văn học Á Đông Sex vẫn chưa thể có một vị thế bình đẳng và bình thường như các đề tài khác. Nếu quyết liệt bứt phá để đạt tới những cách tân nhằm đáp ứng nhu cầu thẩm mĩ của văn học ở một đề tài vốn chứa trong nó nhiều bất trắc thì “tai nạn nghề nghiệp” rất dễ xảy ra. Tôi muốn nói tới một hiện tượng như vậy. Chị được đánh giá là một trong những cây bút tiên phong về Sex hiện nay. Bằng lối viết “bạo liệt”, gai góc và một ý đồ rõ ràng dùng Sex làm “bệ đỡ”, hàng loạt truyện ngắn của chị đã hướng vào phám phá đời sống bản năng, tính dục của con người với nhiều lý giải độc đáo, thú vị, mang chiều sâu nhân tính. Trong một xêri những truyện như vậy, có một truyện ngắn đã từng nhận giải thưởng của cuộc thi Truyện ngắn và Thơ tình trên báo Văn nghệ năm 2007(sau đó không lâu đã bị rút ra khỏi danh sách với một lí do thuộc về hành chính rất không đâu). Đó là trường hợp của nữ nhà văn Y Ban và truyện ngắn I am đàn bà.

2. Thật ra I am đàn bà là tên một truyện ngắn, đồng thời cũng là tiêu đề tập truyện của Y Ban mới xuất bản Quý II năm 2007 và ngay lập tức trở thành một hiện tượng của đời sống văn học với nhiều phản hồi trái chiều nhau. Công bằng mà nói trong toàn bộ tập truyện này, đúng là Y Ban đã táo bạo đưa ra một quan niệm về đời sống, về nghệ thuật bằng…Sex. Ở một vài truyện yếu tố Sex đậm đặc, cách mô tả có phần lộ liễu đem tới cho người đọc cảm giác “bất an” bởi hình như Sex chẳng là gì cả mà là… chính nó, trong cái bản nguyên sơ khai và hoang dã có nguy cơ kéo con người xuống tận cùng bản năng thú tính. Ở góc độ sáng tạo nghệ thuật có thể coi đây là những trang viết thô sượng, ít nhiều “gây sốc” khiến người ta không khỏi hoài nghi về một động cơ nào đó nằm ngoài văn chương của chị.

Nhưng Y Ban cũng lại là tác giả của Bức thư gửi mẹ Âu Cơ và giờ đây là I am đàn bà, truyện ngắn từng lọt vào “mắt xanh” của hội đồng chung khảo cuộc thi Truyện ngắn và Thơ tình báo Văn nghệ. Có nhiều lí do để I am đàn bà được vinh danh nhưng có một yếu tố, tôi nghĩ là tiêu chí số một, thuộc về nghệ thuật. Trong đó, điều đáng nói nhất là khả năng xử lý công phu, đầy tài nghệ yếu tố Sex, đưa nó trở thành một thứ nghệ thuật đích thực, từ đó thể hiện thành công ý đồ tư tưởng của nhà văn. Nghĩa là trong I am đàn bà Sex đã không còn là chính nó, như nó mà mang một sứ mệnh thiêng liêng hơn. Ấy là một phương tiện, một tín hiệu nghệ thuật trong nhiều phương tiện, tín hiệu nghệ thuật khác của tác phẩm, nhờ đó nhà văn có thể truyền tải thông điệp về tính mẫu đàn bà (với đặc trưng căn bản là tình thương yêu và sự hi sinh hồn nhiên vô bờ bến) cũng như khả năng hồi sinh, cứu rỗi con người của tính mẫu ấy một cách sâu sắc và xúc động. Đây là một đặc điểm mà người đọc dễ nhận thấy trong khá nhiều truyện ngắn khác, cái dường như đã thuộc về phong cách Y Ban.

3. I am đàn bà không đơn giản chỉ là câu chuyện kể về nông nỗi của một người đàn bà, chủ yếu là chặng đời mưu sinh nhọc nhằn khổ ải nơi xứ người trong thân phận “ô – sin”, dù chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ làm nên một giá trị và có một sức ảnh hưởng nào đó. Điều quan trọng là trong đêm tối thăm thẳm của cuộc mưu sinh đoạ đày ấy, tác giả đã không ngừng khai thác và làm phát lộ ngày một chói sáng vẻ đẹp nguyên sơ, thuần chất đàn bà, rất đỗi tự nhiên và thánh thiện, nâng nó thành sức mạnh xóa nhòa mọi khoảng cách, mọi ràng buộc, mọi hệ lụy và trên hết là khả năng hồi sinh, tái tạo sự sống con người. Thực ra viết về tính nữ, khẳng định thiên tính nữ không phải là khám phá riêng của Y Ban. Đó dường như là một trong những thuộc tính của văn chương Việt. Do thế sáng tạo độc đáo của I am đàn bà nằm ở cách viết, một lối viết thực sự thăng hoa, không còn là vấn đề kỹ xảo đơn thuần mà là một hình thức chứa đựng trong đó những trải nghiệm âm thầm, những trăn trở riêng tư nào đó của chính tác giả. Hai thủ pháp nghệ thuật độc đáo nhất trong kỹ thuật tự sự của truyện ngắn này chính là hình thức độc thoại triền miên một giọng của nhân vật nữ, người đàn bà “ô- sin” trong nhiệm vụ làm bảo mẫu cho một ông chủ trẻ Đài Loan tàn phế, rồi bằng chính lòng thương yêu, sự nhân từ bao dung vô bờ bến đã làm hồi sinh dần dần sức sống tinh thần và thể chất người bệnh đặc biệt đó, rồi được yêu, rồi bị buộc tội xâm phạm tình dục và đợi ngày hầu tòa…

Thủ pháp nghệ thuật đặc sắc thứ hai, và là cái đáng để bàn nhiều nhất, là khả năng sử lý Sex, biến nó từ một chất liệu dung tục của đời sống thành một chất liệu nghệ thuật mang tính thẩm mĩ cao. Y Ban đã thông qua truyện ngắn này để đưa ra một thông điệp (chắc chắn làm chấn động và gây sốc những thói quen cũ trong tư duy và đạo đức truyền thống): Sex là hiện thân của sức sống và khát vọng sống, cái khát vọng mạnh mẽ nhất luôn tiềm ẩn đâu đó trong bản thân mỗi con người. Những dấu hiệu đầu tiên biểu hiện đời sống người của người đàn ông – ông chủ Đài Loan sau nhiều năm tháng tàn phế sống đời sống thực vật là ở cái bộ phận người mang tính người – tính dục nhất:“ Thị nắn tay vào con giống và nín thở để nghe ngóng, như cái cách thầy lang bắt mạch cho con…Thị nghe rõ tiếng thùm thụp của trái tim thị. Và thị cũng cảm nhận sự lớn dần lên của con giống…”, “ thị cũng chả hiểu sao, cứ thấy thị là nó lại cất cao đầu. Ừ thì thị cũng biết là ông chủ đang dần khỏi bệnh. Ông chủ đã có cảm giác ở một số bộ phận. Nhưng sao lại không ở các bộ phận khác mà lại ở cái bộ phận nhạy cảm này cơ chứ…”. Ai đó khắt khe sẽ coi đây là những câu văn dung tục, phi thẩm mĩ. Nhưng nhìn sâu vào trong đời sống, hoàn cảnh nhân vật và đặt trong cấu trúc hoàn chỉnh của tác phẩm, mới thấy hết cái tinh tế, nhân bản của Y Ban. Bởi từ chi tiết ấy, tác giả đã dẫn dắt cốt truyện, chính xác hơn là dẫn dắt tâm lý nhân vật theo một chiều hướng ngày càng rối rắm phức tạp nhưng vô cùng chân thực, từ đó đi vào tận cùng thăm thẳm mê cung của tính dục con người. Người đàn bà đầu tiên đã rất đỗi vui mừng, sung sướng (vì ông chủ có khả năng bình phục, vì những cố gắng không mệt mỏi của chị được đền đáp, vì cả những hãnh diện ngấm ngầm của một thiên sứ khi nhìn thấy khả năng hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình). Nhưng trớ trêu thay nỗi vui mừng không bao lâu đã bị tấn công bởi những xúc cảm riêng tư. Từ xấu hổ, rồi nảy sinh những khao khát, rồi giày vò về đạo đức, tư cách, chức phận, rồi tìm cách chạy trốn, và cuối cùng tất cả những dồn nén căng tức chất chứa bấy lâu vỡ òa thành những vồ vập đam mê. Tất nhiên trong nỗi đam mê mãnh liệt gần như mụ mị, trong hành động, tư thế bị dẫn dắt bởi những ham muốn vô thức, người đàn bà có lúc đứng giữa ranh giới của cái thú tính (bản năng) và cái nhân tính (khát khao thương yêu, hạnh phúc), giữa phần con và phần Người. Rất may truyện không bị trượt theo xu hướng thứ nhất. Yếu tố Sex xuất hiện bên cạnh những dòng độc thoại nội tâm của nhân vật về nông nỗi bản thân, về tình cảnh trớ trêu éo le mình đang gặp phải đã hướng người đọc tới những cảm xúc thiêng liêng, đầy tính nhân bản. Sex trong I am đàn bà, vì thế không còn là Sex thuần túy mà là hiện thân của thứ sức mạnh tiềm ẩn có khả năng đánh thức, làm bệ đỡ và là ý nghĩa sự sống con người. Người đàn ông ở cái thời khắc ngắn ngủi được làm đàn ông sau nhiều năm tháng sống đời thực vật không chỉ hồi sinh về thể xác mà còn được hồi sinh về tinh thần. Thậm chí sự hồi sinh ấy khiến anh ta còn tiềm tàng sức sống hơn nhiều người đàn ông bề ngoài vẫn được coi là khỏe mạnh khác (biết yêu và cảm nhận tình yêu ở một người đàn bà). Còn chị, người đàn bà, ở thời khắc ấy như được thoát ra từ kiếp ô – sin tủi nhục trở thành một “nữ hoàng” vì được yêu một cách chân thành nhất, thứ tình yêu thánh thiện, mạnh mẽ bất chấp cả khoảng cách về thân phận, địa vị, văn hóa… dẫu chị không bao giờ mong chờ và đón đợi nó, dẫu ở phía trước là những thách thức nghiệt ngã từ nhiều phía. Sex, do đó, vừa là một biểu hiện của năng lượng sống vô biên ở con người, vừa là hiện thân của tính mẫu đàn bà, của sứ mệnh được yêu thương, chở che, hy sinh và dâng hiến vô bờ bến, để thay đổi và tái tạo…

I am đàn bà là một bứt phá nghệ thuật đáng kể của Y Ban. Sự bứt phá ấy khiến người ta từ chỗ e dè đến nể trọng chị. Bởi vì với Y Ban sex hay là cái gì hơn thế nữa cũng không quan trọng, đáng nói bằng nhân tính con người.

Xem thêm: “I am đàn bà” và một thế giới “nửa đàn ông là đàn bà”

Theo Tao Đàn