Từ xa xưa các cộng đồng dân tộc trên thế giới đã biết dùng tưởng tượng, mượn tưởng tượng sáng tạo cho mình những kho tàng thần thoại bay bổng và phong phú. Thần thoại mặt trời rất phổ biến và khá độc đáo trong kho tàng thần thoại của nhiều nước trên thế giới trong đó có ba nước Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản. Nghiên cứu so sánh thần thoại mặt trời của ba nước không những có thể thấy được sự tương đồng của “các hình thái ý thức xã hội đã được trí tưởng tượng chế biến đi một cách vô ý thức”(1) mà còn có thể thấy được sự khác biệt của “hệ thống những quan niệm hoang đường về thế giới…”(2). Trên cơ sở những nét tương đồng và dị biệt ở thần thoại mặt trời của ba nước, bài viết lí giải nguyên nhân và ý nghĩa của những hiện tượng trên, đặc biệt là môtip mặt trời lặn và mọc, môtip người anh hùng chinh phục mặt trời.
1. Thần thoại mặt trời và cội nguồn văn hóa
Trước hết cả ba nước đều ở khu vực Đông và Đông Nam Á, có cội nguồn từ nền văn hóa nông nghiệp lúa nước. Nhưng Trung Quốc trước khi có nền văn hóa lúa nước, đã có nền văn hóa lúa khô ở khu vực sông Hoàng Hà. Người Hán đã bành trướng xuống phía nam sông Trường Giang, đồng hóa văn hóa Hoa Hạ với văn hóa Bách Việt, vốn là nền văn hóa lúa nước. Người Việt Nam từ xa xưa gồm hai cộng đồng Âu Việt và Lạc Việt trong số Bách Việt trên. Hai cộng đồng này kết hợp lại thành Âu Lạc như lịch sử Việt Nam vẫn thường nói tới. Ở đây sự đồng hóa diễn ra hai chiều. Tộc Hoa áp đặt văn hóa của mình vào cư dân bản địa, đồng thời họ cũng tiếp nhận không ít thành tựu văn hóa độc đáo của cư dân bản địa, đặc biệt là nghề trồng lúa nước vốn là của cư dân phía nam sông Trường Giang, thích nghi với môi trường nhiệt đới gió mùa. Nói tới vấn đề này để thấy có sự tương đồng, thậm chí có những thần thoại mặt trời trong kho tàng thần thoại của cả hai dân tộc Việt và Hoa. Thần thoại mặt trời của người Việt Nam và Trung Quốc ra đời trong quá trình hai cộng đồng này cố lí giải hiện tượng mặt trời và vai trò của nó khi canh tác lúa nước. Còn Nhật Bản là nước đảo, gần 4000 hòn đảo lớn nhỏ đã làm nên đất nước Phù Tang này. Trước khi người Nhật có nền văn hóa lúa nước, họ đã có nền văn hóa ngư nghiệp. Hàng ngày dựa vào biển để kiếm sống, giữa trời và biển mênh mông, thì mặt trời chói chang là điều hết sức kì lạ với sinh dân cổ xưa Nhật Bản. Họ mong muốn lí giải tự nhiên, từ đó sự tôn sùng mặt trời đã nảy sinh. Họ đã tự nhận đất nước của mình là Nhật Bản (đất nước có nguồn gốc mặt trời).
Mặt khác cần thấy Trung Quốc là một trong năm cái nôi văn minh của nhân loại, vậy nên ảnh hưởng của văn hóa Hán tới các nước trong khu vực Đông và Đông Nam châu Á, trong đó có Việt Nam và Nhật Bản là điều không tránh khỏi. Thần thoại mặt trời của ba nước đại thể có những nét tương đồng nhau sau:
Thần Mặt Trời cổ xưa nhất đều là nữ. Trong kho tàng thần thoại của ba nước và nhiều nước khác trong khu vực và trên thế giới, thì thần Mặt Trời mang nữ tính là hết sức phổ biến. Sách “Ký kỷ thần thoại” của Nhật Bản ghi ghép Amaterasu là nữ thần Mặt Trời, nàng là một mỹ nhân có thân hình kiều diễm, tóc dài, cặp mắt sáng chói, có muôn ngàn tia sáng rực rỡ bao phủ quanh mình. Các dân tộc ở Tây Nam, miền duyên hải Đông Nam và cả Đông Bắc Trung Quốc đều lưu truyền rộng rãi những truyện về nữ thần mặt trời. Trong các sách Hán văn cổ Trung Quốc đều ghi Hy Hòa là thần Mặt Trời, cũng là mẹ của 10 mặt trời, hàng ngày bà tắm cho chúng… Dân tộc Thái Việt Nam có truyện: “Nữ thần Mặt Trời Mặt Trăng”, dân tộc Ê Đê Tây Nguyên Việt Nam có chàng Đăm San cũng từng đi bắt nữ thần Mặt Trời làm vợ. Ngoài ra các dân tộc ở châu Úc, châu Mỹ đều có nữ thần Mặt Trời. Song cho tới nay trên phạm vi toàn thế giới, trong thần thoại và tôn giáo các dân tộc thì thần Mặt Trời phần lớn đều là nam. Vì vậy xét quan hệ giữa mặt trời và mặt trăng, thì mặt trời thường là chồng, là anh hoặc là cha, còn mặt trăng thường là vợ, là chị em gái hoặc mẹ. Cho nên nhiều nhà nghiên cứu cho rằng thần thoại mặt trăng là “thần thoại nữ tính”, còn thần thoại mặt trời là “thần thoại nam tính”. Ở đây có sự biến đổi quan niệm thần thoại và tôn giáo về mặt trời. Thần từ nữ tính chuyển thành nam tính là do sự chuyển hóa xã hội loài người từ mẫu hệ sang phụ hệ, từ tôn trọng nữ quyền sang xác lập nam quyền đặc biệt là từ khi xác lập xong vương quyền. Mặt khác có những cộng đồng như người Kinh Việt Nam, một số nơi ở Trung Quốc đã chuyển cả mặt trời mặt trăng từ nữ tính thành nam tính. Người Việt gọi mặt trời mặt trăng là ông Trời ông Trăng. Trung Quốc cũng có Nguyệt Lão – ông già Trăng. Điều này cho thấy thần thoại mặt trời mặt trăng là nam ra đời muộn hơn thần thoại mặt trời mặt trăng là nữ.
Điểm chung thứ hai là trong thần thoại ba nước, đều có truyện kể về số lượng nhiều mặt trời. Ở Trung Quốc rộng lớn, chỗ nào cũng thấy thần thoại mặt trời, như ở phương bắc có thần thoại về Hy Hòa sinh ra 10 mặt trời. Trong các dân tộc ở phía nam cũng lưu truyền rộng rãi thần thoại nhiều mặt trời. Tộc Miêu ở Vân Nam có thần thoại: “Dương Tước tạo nhật nguyệt”, nói tới 9 mặt trời… Mo Mường (Việt Nam) kể rằng: “Ông Cuông Minh Vàng Rậm, Nàng Ả Sấm Trời, đúc được 9 mặt trời, đúc được 12 mặt trăng”(4). Truyện “Nữ thần Mặt Trời Mặt Trăng” (tộc Thái Việt Nam) kể hai nữ thần sà xuống đất xem xét khiến mặt đất nóng bỏng. Thần Dư Nhung tức vua trời (tộc Mông Việt Nam) thả 9 mặt trời 8 mặt trăng xuống sưởi ấm trái đất. Trong “Ký kỷ thần thoại” của Nhật Bản cũng nói ngày xưa có nhiều mặt trời. “Cổ sự ký” cũng ghi, ngoài nữ thần Mặt Trời Amatêrasu còn có 3 vị thần nữa cũng là thần Mặt Trời. Các nước Đông Nam Á cũng lưu truyền thần thoại nhiều mặt trời. Thần thoại Ấn Độ có đến 12 mặt trời. Thần thoại các nước châu Mỹ cũng lưu truyền phổ biến nhiều mặt trời. Có điều số mặt trời trong thần thoại mỗi nước không giống nhau, ít nhất là 2, nhiều nhất là 99 mặt trời. Số lượng mặt trời sở dĩ nhiều như vậy chính là do người xưa cố gắng lý giải sự thiêu đốt của mặt trời đối với mặt đất, lý giải hạn hán thông qua trí tưởng tượng ấu thơ của mình.
Nét tương đồng thứ ba là người anh hùng chinh phục mặt trời. Thần thoại bắn mặt trời phần lớn đều liên quan đến nhiều mặt trời hoặc mặt trời gây tai hoa. Trong thần thoại Trung Quốc, có truyện “vua Nghiêu ra lệnh cho Hậu Nghệ bắn 10 mặt trời, trúng 9” (Hoài Nam Tử). Các dân tộc thiểu số ở Trung Quốc, phần lớn đều lưu truyền thần thoại anh hùng bắn mặt trời. Ở Việt Nam, “lúc ấy, họ nhà Ngao” (họ của thần Nỏ), Có ná sơn đỏ, có nỏ sơn đen, Sắm tên bương già ba năm xông khói. Họ nhà Ngao truyền rằng: 9 mặt trời bắn rơi đi 8, còn để lại 1 mặt trời đem nắng, 12 mặt trăng bắn rơi đi 11, còn để lại 1 làm sáng trời đêm… (Mo Mường)(4). Chàng Quải (tộc Thái) đã trèo lên ngọn núi cao, dùng cát ném túi bụi vào mặt trời mặt trăng khiến chúng không dám xuống thấp để gây họa cho loài người. Chàng Giàng Do (tộc Mông) đã bắn rụng 8 mặt trời 7 mặt trăng. Chàng Lương Vung (tộc Mường) cũng bắn rụng mặt trời… Thần thoại bắn mặt trời xuất hiện khá dày đặc ở Trung Quốc và Việt Nam. Môtip của thần thoại này thường là: Ngày xưa trên trời có nhiều mặt trời cùng xuất hiện. Người và vật đều chết héo vì sức nóng của nó. Bấy giờ có một anh hùng (đều nam tính) dùng cung tên bắn rơi nhiều mặt trời, diệt trừ tai họa cho mọi người, chỉ còn lại duy nhất một mặt trời và một mặt trăng. Từ đó trật tự của vũ trụ được lập lại như hiện nay. Có điểm đáng lưu ý là các anh hùng diệt mặt trời ở phía nam, tây nam Trung Quốc, ở cả Việt Nam đều có nhiều phương thức diệt trừ mặt trời khác nhau. Ngoài cách bắn rơi, người anh hùng còn dùng tay bắt, dùng mây che, dùng cát ném… Những phương thức khác nhau này đã phản ánh phương thức sống gần gũi của các cộng đồng xa xưa. Nhiều nhất là hình thức dùng cung tên bắn. Mặc dù trên thế giới thần thoại bắn mặt trời rất phổ biến, đặc biệt ở Đông Nam Á, Trung Á và Nam Bắc Mỹ, nhưng riêng Nhật Bản không có ghi chép về anh hùng bắn mặt trời. Trong “Ký kỷ thần thoại” của Nhật chỉ ghi có nhiều mặt trời, không ghi anh hùng bắn mặt trời. Có học giả cho rằng: “có thể khi biên định, tác giả “Ký kỷ thần thoại” có ý loại trừ chi tiết này, hoặc là Nhật Bản có thể cũng có thần thoại bắn mặt trời, nhưng đã bị thất lạc”(3). Tuy nhiên theo chúng tôi, điều kiện thiên nhiên của Nhật Bản là nước đảo, có hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ, biển lớn bao quanh, hầu như không có hạn hán cho nên không thể tưởng tượng ra thần thoại bắn mặt trời được. Vì vậy cũng chẳng có người anh hùng bắn mặt trời.
Tóm lại, thần Mặt Trời là nữ và có nhiều mặt trời là những yếu tố cơ bản của thần thoại mặt trời ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương trong đó có ba nước Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản. Thần thoại anh hùng bắn mặt trời là một nhánh của thần thoại mặt trời. Nếu thần thoại về mặt trời nằm trong hệ thống thần thoại suy nguyên thì thần thoại anh hùng bắn mặt trời lại nằm trong hệ thống thần thoại sáng tạo. Cố nhiên ở đây có sự đan xen của cả hai hệ thống thần thoại, cả quan niệm sùng bái mặt trời lẫn thái độ thách thức, đương đầu, chống lại uy lực của mặt trời, từ sự ca tụng mặt trời dẫn tới sự ca tụng và mỹ hóa người anh hùng và chiến công chống lại mặt trời của họ.
Một điểm nữa cần thấy là trong các thần thoại bắn mặt trời, các anh hùng tiêu diệt mặt trời trừ họa cho loài người nhưng họ vẫn để lại một mặt trời. Điều này cho thấy, tổ tiên chúng ta cũng ý thức được có nhiều mặt trời là khổ, ngược lại không có mặt trời lại càng khổ hơn. Vậy nên, sinh ra anh hùng chinh phục mặt trời nhưng chẳng ai bắn rụng hết mặt trời. Họ để lại trên bầu trời một mặt trời và một mặt trăng để tạo phúc cho nhân loại. Do vậy từ bối cảnh tâm lý trên sẽ nảy sinh sự kiện mặt trời lặn và mọc.
2. Môtip mặt trời lặn và mọc
Trong thần thoại chinh phục mặt trời của ba nước Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản, môtip mặt trời lặn và mọc đã có những diễn hóa và biến đổi. Tuy nhiên ở một số tộc người phía tây nam Trung Quốc vẫn lưu giữ tương đối đầy đủ môtip này. Thần thoại “Dương Tước tạo nhật nguyệt” của Tộc Miêu (Vân Nam) có nói: xưa có 9 mặt trời thiêu đốt chết muôn vật. Dương Tước dùng một loại cây gai bị mặt trời thiêu chết, làm ra cung tên bắn rơi 8 mặt trời. Mặt trời còn lại lẩn trốn, sau đó phải nhờ con gà trống lớn mời mặt trời mọc ra. Ngoài truyện trên, còn có truyện “Gà trống mời mặt trời mặt trăng”: Bốn lão tổ họ Miêu dùng vàng bạc tạo ra 12 mặt trời mặt trăng. Nhưng 12 mặt trời mặt trăng này không chịu sự phân công mà cùng nhau xuất hiện trên bầu trời, thiêu đốt cỏ cây khô héo, sông nước cạn khô. Có một chàng trai trẻ bắn tên giỏi, đứng trên một cây dâu không ngừng lớn lên, bắn liên tiếp rơi nhiều mặt trời và mặt trăng, chỉ còn hai cô Mặt Trời Mặt Trăng, may trốn thoát. Sau đó gà trống dùng tiếng hát mời Mặt Trời Mặt Trăng. Hai cô lại thay nhau xuất hiện trên bầu trời, tạo phúc cho nhân loại. Nhiều tộc người khác ở Vân Nam, Quảng Đông, Đài Loan… đều có môtip mặt trời lặn và mọc. Ở Việt Nam truyện chàng Giàng Do (tộc Mông) kể: thần Du Nhung (vua Trời) thả 9 mặt trời và 8 mặt trăng xuống sưởi ấm mặt đất, làm muôn vật bị khô héo. Giàng Do bèn chặt cây tùng màng làm dây cung, chặt cây tang thú làm cánh cung đi săn mặt trời mặt trăng, 8 mặt trời 7 mặt trăng bị trúng tên tắt sáng, còn hai cái nữa trốn biệt, phải nhờ gà trống đi gọi mãi mặt trời mặt trăng mới trở lại khiến mặt đất sáng sủa như xưa. Mo Mường cũng kể: “Gà ải nhảy lên lưng vịt êm, Bơi trên sông quanh sông rộng. Nó gáy một tiếng ở đằng đông, Gáy vồng sang phía đằng tây, Mặt trời nghe tiếng con gà ải, Mặt trời lên rải nắng vàng. Mặt sáng nghe tiếng con vịt êm, Mặt sáng đã mọc lên tỏ tỏ…”(4). Còn Nhật Bản như trên đã nói không có thần thoại anh hùng bắn mặt trời, song cũng có anh hùng chinh phục mặt trời, nên cũng có môtip mặt trời lặn và mọc. Có hai chi tiết đáng lưu ý giải thích hiện tượng mặt trời lặn và mọc trên đất nước của thần Mặt Trời này như sau:
- Một là sự xúc phạm khiến mặt trời phải đi trốn: Nam thần Susanoo – thần Phong Vũ vốn tính thô lỗ hung bạo, đã xâm phạm đất đai của chị gái là nữ thần Mặt Trờ i- Amaterasu và xúc phạm nàng, khiến nàng xấu hổ và vô cùng tức giận trốn vào hang đóng chặt cửa đá lại, làm trời đất tối đen như mực. Đất trời trở thành đêm dài vô tận. Đây là sự lý giải về gió mưa và bão tố mịt mùng che kín mặt trời của cư dân xa xưa trên nước đảo Nhật Bản.
- Hai là Mặt Trời lại xuất hiện có liên quan tới tiếng gà trống gáy. Sau khi nữ thần Mặt Trời Amaterasu đi trốn, đất trời tăm tối, các tai họa đều diễn ra. Tám trăm vạn thần họp nhau lại bàn cách tìm con gà gáy thật dài để tiếng của nó thấm vào hang đá vang tới tai nữ thần Mặt Trời Amaterasu. Các thần cũng cùng nhau cất tiếng hát cười vui vẻ, khiến thần Mặt Trời Amaterasu tò mò đi ra khỏi hang. Bầu trời lại trong sáng như cũ.
Trên cơ sở những tư liệu về thần thoại anh hùng chinh phục mặt trời trên, chúng ta có thể thấy cách lý giải về hiện tượng mặt trời lặn và mọc giữa thần thoại Nhật Bản và Việt Nam, Trung Quốc có khác nhau. Tuy nhiên cũng có thể tìm thấy những nét tương đồng: Một là mặt trời lặn là do bị các anh hùng chinh phục (bị bắn hoặc bị xúc phạm). Hai là mặt trời mọc có liên quan tới tiếng gà gáy hoặc do một hình thức vu thuật nào đó. Gà gáy sáng vốn là một hiện tượng tự nhiên. Nhưng ở đây có sự liên tưởng của tư duy thần thoại và tâm lý tôn giáo. Gà là loài vật được thuần hóa lâu đời ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á và tiếng gáy của con gà trống là “chiếc đồng hồ sinh học” kì diệu của các cư dân nơi đây. Chính vì vậy con gà trống đã được “thiêng hóa”. Trong quan niệm của các cư dân ba nước, gà trống thuộc dương và trở thành vật linh trong tâm thức dân gian của các dân tộc trồng lúa nước, trong đó có cả Nhật Bản. Nhiều dân tộc đã dùng gà trống để trừ tà, để dâng lễ; đêm giao thừa các dân tộc Việt và Trung phải cúng gà trống hoa để gọi mặt trời trở lại và cầu cho một năm mới tốt đẹp. Chưa kể tới việc sau này người Hán còn suy tôn phẩm chất của gà trống thành “ngũ đức” như đạo đức của Nho giáo (Gà trống có cái mào trên đầu ngay ngắn như quan văn có mũ là văn đức; có đôi cựa khỏe dưới chân để đánh nhau là võ đức; tiếng gáy rất đúng giờ là tín đức; ứng xử hài hòa với cả đàn là nghĩa đức và sẵn sàng bảo vệ giang sơn bầy đàn là dũng đức. Những tiêu chí đạo đức này chỉ xuất hiện khi Nho giáo đã định hình và được nhân cách hóa cho con gà trống). Nét tương đồng thứ ba là sau khi mặt trời mọc, vũ trụ lại được xác lập theo trật tự thường ngày.
3. Nội hàm văn hóa của môtip mặt trời lặn và mọc
Cũng đã có những ý kiến lý giải về môtip mặt trời lặn và mọc trong thần thoại của ba nước Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản. Chẳng hạn có học giả cho rằng mặt trời tròn nên lặn và mọc. Ý kiến khác cho là mặt trời lặn và mọc thể hiện vần xoay của mùa đông và mùa xuân. Sự kiện nam thần Phong Vũ xúc phạm nữ thần Mặt Trời trong thần thoại Nhật Bản được giải thích là sự xung đột của hai tộc người trên đất Nhật…(5). Tuy nhiên nếu cho rằng mặt trời lặn và mọc có liên quan tới đông chí và lập xuân thì ở nhiều nơi khác trên thế giới cũng có hiện tượng này vì sao không có những thần thoại anh hùng chinh phục mặt trời, làm nó phải đi trốn. Hoặc giả cho rằng có sự xung đột giữa các cộng đồng thì thần thoại mặt trời của Nhật khó tìm được sự tương đồng với thần thoại Việt và Trung trong việc giải thích tự nhiên và chinh phục tự nhiên. Cho nên ở đây cần tìm những nội hàm văn hóa và ý nghĩa tượng trưng của môtip trên.
Với sự hiện hữu chói lọi sáng và ấm nóng cùng với chức năng đem lại sự sống cho muôn loài của mặt trời, vậy nên trong tâm thức xa xưa của nhân loại thường phổ biến quan niệm sùng bái mặt trời. Mặt trời được coi là chí cao vô thượng, là sinh thực khí, là mẹ, là thủy tổ. Hơn nữa nhiều thần thoại ra đời ở thời kỳ mẫu hệ. Cho nên thần Mặt Trời phần lớn là nữ cũng là điều dễ hiểu. Sau này, cùng với sự phát triển của xã hội và sự biến thiên của văn hóa, nam giới dần nắm địa vị chi phối xã hội, sự sùng bái mặt trời cũng dẫn biến đổi theo. Thần Mặt Trời từ nữ tính chuyển hóa thành nam tính, Mặt Trời từ thiện thần chuyển thành ác thần khi nó thiêu đốt làm ra hạn hán. Khi xã hội giai cấp sinh ra, vương quyền xuất hiện, sùng bái mặt trời lại kết hợp với vương quyền, trở thành biểu tượng của vương quyền.
Cùng với sự biến đổi của xã hội, nhận thức của loài người cũng ngày một chính xác hơn, thế giới thần linh cũng mất dần sự linh thiêng, thời đại của thần thoại lùi vào quá khứ nhường chỗ cho thời đại sử thi, sự sùng bái mặt trời chuyển hóa thành sự sùng bái người anh hùng. Cho nên hình tượng người anh hùng bắn mặt trời trong hệ thống thần thoại mặt trời ra đời muộn hơn. Điều này thể hiện rõ trong văn hóa Hán. Hy Hòa là nữ thần Mặt Trời xa xưa nhất trong thần thoại Trung Quốc. Tiếp đó Viêm Đế là thần Mặt Trời đồng thời là thần nông nghiệp, thần y dược. Đến đời Ân, Đế Tuấn là thần Mặt Trời và đã có sự kết hợp với vương quyền nên Hy Hòa trở thành vợ của Đế Tuấn. Từ Tiên Tần đến Hán sơ đã xuất hiện thần thoại anh hùng bắn mặt trời Hậu Nghệ. Ở đây sự sùng bái mặt trời đã nhường chỗ cho sùng bái anh hùng tài năng thần dũng. Môtip thần thoại anh hùng bắn mặt trời đã thể hiện khát vọng chinh phục hạn hán thông qua tưởng tượng ấu thơ của người xưa. Thần thoại anh hùng bắn mặt trời của Việt Nam cũng thể hiện khát vọng chinh phục hạn hán như của Trung Quốc. Tuy nhiên thần thoại chinh phục mặt trời của Nhật Bản thì khác. Như trên chúng tôi đã nói, ở Nhật Bản dường như mặt trời ít gây tai họa nên cũng vắng bóng anh hùng bắn mặt trời. Tuy nhiên theo nhà nghiên cứu văn hóa Nhật Nishizato Shingo thì tính cách nam thần Phong Vũ Susanoo “thô mãng, nóng nảy và nữ thần Mặt Trời Amaterasu tượng trưng cho sự đối lập giữa tư tưởng quốc gia và tư tưởng anh hùng. Nam thần này cũng đáng được xếp vào hàng anh hùng chinh phục mặt trời. Xung đột trên còn là sự giải thích hiện tượng bão tố che mặt trời trên nước đảo Nhật Bản thông qua trí tưởng tượng bay bổng”.
Mặc dù có những nét chung trong môtip mặt trời lặn và mọc, nhưng sau khi mặt trời mọc thì quan hệ của người anh hùng và mặt trời trong thần thoại ba nước lại có sự khác nhau. Trong thần thoại của Việt Nam và Trung Quốc, có mặt trời gây tai họa, cho nên người anh hùng bắn mặt trời trở thành đối tượng được ca ngợi và súng bái. Thần thoại của Nhật Bản lại khác. Sau khi nữ thần Mặt trời Amaterasu xuất hiện, nàng yêu cầu “phải trừng phạt thần Phong Vũ Susanoo thật nặng nề. Các thần bèn bắt thần Phong Vũ Susanoo nhổ hết móng chân móng tay, rồi đầy xuống hạ giới”. Vì sao người anh hùng khống chế mặt trời lại bị giáng xuống địa vị lệ thuộc thần Mặt Trời, thậm chí phải ra khỏi thiên đình? Điều này có liên quan tới sự phát triển của lịch sử xã hội Nhật và ý đồ của tác giả biên soạn “Cổ sự ký” và “Nhật Bản thư kỷ” vào thế kỷ VIII. Trước hết là chế độ quân chủ ở Nhật hình thành từ thế kỷ IV đến thế kỷ VI, chế độ Thiên Hoàng cũng ra đời, người viết sách đã có ý thức đề cao địa vị của Thiên Hoàng bằng cách tôn nữ thần Mặt Trời Amaterasu là mẹ của Thiên Hoàng. Hoàng thất trở thành con cháu của nữ thần Mặt Trời cho tới nay. Vì vậy không khó lý giải vì sao thần Phong Vũ Susanoo bị chịu tội và bị đầy xuống hạ giới, khi làm nữ thần Mặt Trời Amaterasu – mẹ của Hoàng thất tức giận. Mặt khác cần thấy thần thoại mặt trời của Nhật Bản là sản vật của xã hội thị tộc, mà những sách “Ký” “Kỷ” thì ra đời vào thế kỷ thứ VIII, sự sưu tập, gia công và san định từ nhiều nguồn thần thoại khác nhau theo một ý thức hệ mới là không tránh khỏi. Hơn nữa, một nguyên nhân quan trọng là chế độ mẫu hệ được bảo lưu quá lâu dài ở Nhật Bản. Vào cuối thế kỷ XII, gia đình phụ quyền mới giữ địa vị chủ đạo ở Nhật. Nhưng nhiều gia đình Nhật vẫn duy trì chế độ chia đều gia sản cho cả nam và nữ, vẫn thừa nhận quyền kế thừa của con gái, dựa trên điều kiện ở rể, giống như tộc Thái ở Tây Bắc Việt Nam. Chính sự bảo lưu lâu dài ý thức tôn sùng phụ nữ thời mẫu hệ, cộng với sự gắn kết vương quyền với nữ thần Mặt Trời, cho nên trong thần thoại mặt trời Nhật Bản mới có sự thất thế của người anh hùng. Điều này cho thấy cội nguồn văn hóa xã hội xa xưa của môtip mặt trời lặn và mọc trong thần thoại Nhật Bản. Ở đây vừa bảo lưu tập tục văn hóa thời mẫu hệ cổ xưa nhất, vừa kế tục lưu giữ quy chế Thiên Hoàng trong quan niệm sùng bái mặt trời.
Tóm lại nghiên cứu so sánh thần thoại mặt trời của ba nước Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản, chúng ta có thể thấy những nét tương đồng và dị biệt về triết học, tôn giáo, khoa học, lịch sử, kinh nghiệm sống và cách ứng xử với tự nhiên, sau đó là với xã hội của các cư dân xa xưa trong mỗi cộng đồng. Hiểu nhau hơn từ cội nguồn văn hóa là một trong những yếu tố quan trọng để các cộng đồng có thể hội nhập tốt nhất trong thơid đại toàn cầu hóa hiện nay. Tinh thần và trí tưởng tượng của người xưa thật bay bổng, khát vọng chinh phục tự nhiên của họ thật lớn lao. Cho dù thời đại thần thoại đã qua đi nhưng tinh thần lãng mạn bay bổng và khát vọng chinh phục tự nhiên của nó vẫn còn sống mãi thôi thúc các cộng đồng vươn lên vì một ngày mai tốt đẹp hơn.
Trần Lê Bảo
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 8.2010.
Tài liệu tham khảo
- C. Mác, Góp phần phê phán chính trị kinh tế học, Nxb ST, H, 1971.
- Dẫn theo Văn học dân gian – Những công trình nghiên cứu, Nxb GD, H, 1997, tr.74.
- Lý Tử Hiền, Sự kiện lặn và mọc của mặt trời, Trung Quốc cổ đại cận đại văn học nghiên cứu, 2.1995, tr26.
- Mo (Sử thi và Thần thoại) Dân tộc Mường, Nxb VHDT, HN 1997, tr.1302-1305.
- Thế giới Thần thoại bách khoa toàn thư, Nhật Bản thần thoại, Thượng Hải văn nghệ xuất bản xã, 1992.