1.
Khái niệm gần gụi ở đây cần được xác định ngay từ đầu, để tránh gây ra những hiểu lầm không cần thiết. Vì sao? Vì trong cuộc sống, con người thường mắc sai lầm vì quá quen lối cư xử với sự vật thông qua những dấu hiệu bề ngoài.

Xem thêm: Cụ thể hóa và trừu tượng hóa trong thơ

Thói quen là lực cản không cho ta dễ dàng có con mắt tiến bộ và mô-đéc, nhờ đó mà biết cách nhìn sự vật cho đúng đắn. Thật đấy! Nghĩa là, nhìn theo góc độ nào đó, hai cái có bề ngoài hệt như nhau, thậm chí trùng tên gọi, sẽ bộc lộ sự khác nhau. Cũng gọi bằng pháo, nhưng cái pháo tép trẻ con chơi hồi chưa cấm pháo lại “giống” với quả tạc đạn, còn khẩu pháo to đùng vài ba chục người kéo đã đem lại tên tuổi cho Hoàng Vân, thì lại giống với cái ná cao su nhẹ bỗng. Những chân lý khoa học bao giờ cũng gây sự tức anh ách như vậy. Đã tức thì tức luôn thể: con gái 18 tuổi và bà mẹ đẻ ra nàng, xét theo dấu hiệu bề ngoài có phải đều là đàn bà không? Thế mà đôi bên sự vật đó lại khác nhau, ấy mới lạ đời! Cô gái sau tuổi mười tám từ biệt cái ổ rơm vẫn nằm chung với mẹ để về nhà chồng. Cô vẫn thành thực lòng tự nhủ lòng, sao mà nhớ mẹ đến thế. Nhưng thỉnh thoảng cô chỉ mang bát canh cần về biếu mẹ thôi, rồi lại ba chân bốn cẳng tót về ngay với cái giường có hơi ấm của chồng mình.

Vậy là, thơ và truyện ngắn cũng giống nhau như khẩu pháo khác cái pháo tép, hoặc người đàn bà đã về nhà chồng khác chính cái người đàn bà từng mười tám năm ròng rã nằm chung ổ rơm với mẹ thân yêu từng sinh ra mình và nâng niu bú mớm cho mình.

Thơ và truyện ngắn sẽ khác nhau khi người ta tán về chúng theo một vài dấu hiệu bề ngoài, nhưng ta sẽ thấy chúng giống nhau một khi xét theo cái cung cách chúng ra đời từ bên trong tâm lý con người đã tạo ra chúng.

Chỉ nhìn theo dấu hiệu bề ngoài, người bình giảng thoạt bước vào lớp là xấn xổ ngay về tầm quan trọng của chi tiết trong truyện ngắn. Người ta quên rằng, chi tiết trong một truyện ngắn tuy vô cùng quan trọng đấy, nhưng chúng rất có thể sẽ chỉ là những viên gạch đẹp chất đống rời rạc ngoài sân, mà chúa biết khi nào sẽ làm thành một ngôi nhà… ngắn, dù nhỏ nhưng đẹp như một truyện ngắn.

Còn với một bài thơ, do chỗ nhìn thấy bề ngoài của nó khác với truyện ngắn, nên người ta không đi tìm chi tiết, và bèn quay sang “nghệ thuật ngôn từ”, và liền tìm đến ngay với tầm quan trọng của con mắt thơ (được gọi khá duyên dáng là “điểm nhãn”). Có lẽ nên dùng ý kiến một đại danh họa, ông Leonard de Vinci để đáp lại quan niệm về “điểm nhãn” này. Leonard nói Thơ là một bức họa để người ta cảm được chứ không để người ta nhìn vào.

Xem thêm: Phương pháp tiếp cận và phân tích tác phẩm trữ tình (Phần 1)

2.
Sẽ có lợi hơn cho lao động thơ nếu ta cùng xem xét con đường sản sinh ra một bài thơ và một truyện ngắn. Rồi nếu tiếp tục đi theo cách nghiên cứu tâm lý phát sinh tác phẩm, ta sẽ có điều kiện nhận ra chỗ giống nhau trong sự ra đời một bài thơ và sự ra đời một truyện ngắn. Theo đường lối này, ta sẽ không bị rơi vào cái bẫy ngôn từ nhiều khi lòe bịp, chỉ vì ta sẽ nhìn được sâu vào bên trong tâm lý những nghệ sĩ ngôn từ đích thực.

Ta sẽ dùng cách phân chia kiểu lý thuyết hoạt động của Leontjev: các tầng bậc được cụ thể dần, rộng nhất là tầng hoạt động (hoạt động xã hội, hoạt động chính trị, hoạt động văn chương…) tiếp theo là tầng hành động (làm bài thơ hoặc viết một truyện trong hoạt động văn chương) và tiếp đó là tầng việc làm chứa đựng trong khi tiến hành cái hành động đặc thù đó. Và bây giờ ta sẽ thử để ý tới những việc làm nào sẽ cho ra đời một bài thơ hoặc một truyện ngắn.

Việc làm thứ nhất để có một bài thơ hoặc một truyện ngắn, ấy là nhà thơ hoặc nhà truyện ngắn tương lai phải có một cảm hứng hoặc một thôi thúc muốn làm một bài thơ hoặc muốn viết một truyện ngắn đó. Do đâu mà có cảm hứng hoặc vì sao mà bị thôi thúc làm điều đó? Hoặc hỏi cách khác, làm cách gì để thực thi “nhiệm vụ” phải tìm ra cảm hứng hoặc tự tạo ra một sự thôi thúc như vậy? Câu trả lời dễ tìm thấy trong trải nghiệm cảm hứng của các nhà văn nhà thơ hoặc bất kỳ tác giả tiềm tàng nào. Cảm hứng đó hiện ra trong sự thôi thúc viết ra một cái gì đó. Nhưng do đâu mà có cảm hứng hoặc sự thôi thúc ấy? Xưa nay ta vẫn quen nói đến vốn sống. Nhưng có người đầy vốn sống mà vẫn không bao giờ trở thành tác giả. Có tác giả ăm ắp vốn sống mà không bao giờ có tác phẩm văn xuôi hoặc thơ để đời. Và ngược lại, có khi có những tác phẩm tuyệt vời nhưng vốn sống của tác giả cũng chẳng có bao nhiêu.

Ở đây, tiện hơn cả cho việc lý giải là hãy vay mượn cách diễn đạt tài hoa của Nguyễn Thụy Kha. Động lực hoặc sự thôi thúc hoặc cảm hứng tạo ra tác phẩm có phần Giời cho, có phần Đời cho, và có phần Thời cho, Kha từng nói thế.

Phần Giời cho, Đời cho và Thời cho không bao giờ đồng đều đối với các tác giả, những người chìa tay ra nhận bố thí. Có một điều khá chắc chắn, ấy là nhà thơ bao giờ cũng là kẻ nhận phần Giời cho nhiều hơn người viết văn xuôi. Vì lẽ đó mà có thể nói không sai rằng, con người sinh ra làm nhà thơ chứ không trở thành nhà thơ. Vì lẽ đó mà người ta cũng không thể bắt gặp một nhà tiểu thuyết mười tuổi. Trong khi điều đó lại diễn ra khác hẳn với trường hợp thần đồng thơ – chẳng hạn như trường hợp tác giả Góc sân và khoảng trời. Giời cho, nên cậu bé có tác phẩm từ khi còn rất ít tuổi, đang học lớp 3 lớp 4 gì đó, chiều chiều cậu nghêu ngao bên cây rơm bên giàn trầu hoặc lầm lì trước những cái cổng bỗng thấy sao mà vắng vẻ chỉ vì Vàng ơi, chờ mãi mà sao không thấy mày về?

Phần Giời cho ở nhà thơ thần đồng sẽ được củng cố bằng phần Đời cho và Thời cho về sau. Khác với Giời chỉ biết cho, dù ít dù nhiều vẫn là cho, thì phần Đời cho và Thời cho thường khi rất khắc nghiệt. Có vô vàn người đi giữa Đời và Thời mà khi chết vẫn tay trắng hoàn tay trắng. Như hòn đá lăn chẳng bám sợi rêu. Phần Giời cho không cần chìa tay xin, nhưng phần Đời cho và Thời cho cần đến sự ngửa tay chủ động. Vì vậy mà, chẳng hạn như cái khát khao chờ mưa hay chờ cái gì đó không gọi nổi thành tên ở cái đảo gì đó có tên là đảo Sinh Tồn chẳng hạn sẽ không khi nào được thoả mãn hoặc được tiếp nối. Một nhà thơ tự bóp chết mình, hay là đã có những yếu tố nào khác làm cho một nhà thơ thui chột, điều đó chỉ có thể mờ mờ nhìn ra nhờ những lời xưng tội dù là muộn màng. Phải chăng vì thế mà vài chú học trò vốn sống chẳng mấy nả nhưng chỉ nhờ thời Tây được học Những lời thú tội của J-J Rousseau mà sau rồi cũng thành thi sĩ-chiến sĩ đánh Tây?

Khác với nhà thơ, người viết văn xuôi thừa hưởng nhiều hơn từ phần Đời cho và Thời cho. Có lẽ ở đây ta chỉ cần soi rọi bằng định nghĩa của Emile Zola là đủ. Ông Zola đã nói về nhà tiểu thuyết rằng đó là một nhà quan sát cộng với một người thể nghiệm. Theo cách làm việc đó (thực ra đúng hơn nên xem đó là một cách sống) nhà tiểu thuyết vẫn cần đến, nhưng cần ít hơn, phần trái tim thổn thức của nhà thơ, song lại cần nhiều hơn cái đầu lạnh lùng của nhà bác học. Có lúc có người từng nói đùa rằng, có cho ông Dostojevski tiền trả hết nợ chỉ với một điều kiện là ông phải thối lại bằng một bài thơ, thì nhà văn xuôi vĩ đại này hẳn là đành chịu công nợ vậy thôi. Cái phần Giời cho không giúp nổi Dostojevski làm ra dù chỉ vài khổ thơ be bé. ở mé bên kia, một nhà văn xuôi như Romain Rolland thì lại đem về cho tiểu thuyết Jean-Christophe dáng dấp của một bài thơ dài. Đầu những năm 60 thế kỷ trước, một bậc đàn anh đã hỏi người viết bài này “Tiểu thuyết thì anh thích cuốn nào nhất?” và khi nghe trả lời “Jean-Christophe của Romain Rolland tôi ngốn hai lượt rưỡi rồi”, thì bậc đàn anh đã phán như sau: “Anh có xu hướng thơ hơn là tiểu thuyết, văn xuôi của Romain Rolland cuốn nào cũng chỉ là thơ thôi, nhất là cuốn Jean-Christophe”. Thảo nào mà trong nhà tù đế quốc, các nhà cách mạng nước Nam ở xứ Đông Pháp xưa lại truyền tay nhau rồi kể cho nhau nghe về cuộc đời anh nhạc sĩ Kraft vô cùng lãng mạn nọ. Họ nhắc nhở nhau lời lẽ trong câu chuyện như nhắc một lời thơ, Anh hùng là người chiến thắng bằng trái tim… Phải nói đến trường hợp nhà tiểu thuyết mang dáng dấp nhà thơ như thế nhằm phân biệt những trường hợp cá biệt đó với nhà tiểu thuyết đích thực. Nhà tiểu thuyết theo “đúng ngạch” khó có thể là người làm thơ.

Chính vì vậy mà ta có một dạng người viết văn xuôi rất gần gụi về mặt tâm lý phát sinh tác phẩm với người làm thơ, đó là người viết truyện ngắn.

Xem thêm: Phương pháp tiếp cận và phân tích tác phẩm tự sự (Phần 1)

3.
Người làm thơ và người viết truyện ngắn có chung mảnh đất thơ cầy bừa thật ngấu nhờ những thôi thúc của Giời, của Đời và của Thời, sẽ vào một lúc nào đó nhận được hoặc tự gieo được một cái hạt thơ. Trên mảnh đất ngấu đó, sau việc làm thứ nhất (cảm hứng thôi thúc) sẽ xuất hiện việc làm thứ hai đó là có được một tứ thơ. Và theo chủ kiến chi phối bài viết này, cái tứ thơ đó là vô cùng cần thiết và chúng có cách thức ra đời giống nhau để từ đó tạo ra một bài thơ hoặc một truyện ngắn.

Không có minh họa nào tuyệt vời hơn cho sự xuất hiện tứ thơ bằng câu chuyện vua Trần Nhân Tông trong cuộc mừng chiến thắng Bạch Đằng tại Chiêu Lăng. Tại cuộc vui này, ông vua trầm tư kia bỗng “nhìn thấy” cái vết bùn ở chân con ngựa đá trang trí trong hoàng cung. Vết bùn đó là có thật chăng? Hay là ông vua triết gia và thi nhân kia hình như đã nhìn thấy cái gì đó như thể một vết bùn ở chân con ngựa đá? Và ngay lập tức cả ba cái phần Giời cho Đời cho và Thời cho bỗng làm nảy ra trong con người ấy một tứ thơ… Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã… Đất nước này, chỉ trong một đời ta, cũng từng thấy những hai đận lao đao gian nan đau khổ, đến nỗi ngựa đá kia chân cũng từng rong ruổi lấm bùn…

Không có cái tứ thơ kia xuất hiện như cái hạt giao vào miền cảm hứng thơ đã ngấu, nhất định không thể có nổi một bài thơ. Một ánh trăng trinh bạch như con người đang đứng bên ngoài cửa sổ đòi thơ của người nghệ sĩ mơ mộng bên trong. Một tiếng ếch kêu ban đêm khiến nhà thơ giật mình ngỡ đó là tiếng ai gọi đò vào cái thời xa xưa nào đó không bao giờ trở lại nữa vì con sông đã thành con sông lấp mất rồi. Cái miền đất ngấu Giời cho chàng trai phong phú hồn thơ đang sống tù túng thời nô lệ bỗng làm nảy ra một tứ thơ đợi sẵn nơi Vườn Bách thú, khiến người đó gậm một khối căm hờn trong cũi sắt… Đó chỉ là một vài thí dụ. Cái tứ thơ kia và cái thơ vụt hiện mà Hoàng Hưng hô hào có lẽ cũng chẳng khác nhau bao xa, những chuyện này sẽ để khi khác bàn tiếp.

Tương tự như với bài thơ, một truyện ngắn thường được nảy ra từ một cái hạt được gieo như cái tứ thơ nói trên kia. Trong văn xuôi, chỗ khác nhau giữa cái hạt giống sẽ nảy nở thành truyện ngắn hoặc thành thiên tiểu thuyết là ở chỗ: cái hạt của tiểu thuyết là bài toán cuộc đời nhân vật chủ chốt, trong khi cái hạt của truyện ngắn là một cảm xúc nhất thời loé ra như vệt sao băng. Cái anh chàng Nhuận Thổ cao lớn mà hiền như đất song lại ứng xử nhỏ thó trước một người tỉnh thành về thăm lại cố hương. Cái câu nói như mê hoảng của thím Tường Lâm tôi dại quá, tôi dại quá… ngay trong mùa chúc phúc sao mà hệt như lời ông đánh xe ngựa kể lể với Tchekhov để tạo thành cái tứ thơ về nỗi đau không thể với của người đời khi không sao tìm nổi người cùng chia sẻ… Cái đám con nít chơi trò chơi xử bắn người Do Thái, sự việc diễn biến nhanh và dứt khoát như thật, khi một đứa “tù binh” nhỏ và chậm chạp chẳng kịp ăn vội nốt chiếc bánh mì đã bị “đạn” găm vào người và ngã xuống, cái tứ thơ đã tạo thành Vết sẹo trong một truyện ngắn tuyệt vời của nhà văn Ba Lan…

Người viết bài này xin nhường phần phản biện cho bạn đọc, và nếu được bạn cùng chia sẻ ý tưởng, thì kể từ dưới đây ta sẽ gán một tên gọi là tứ thơ chung cho sự xuất hiện trong tâm lý tác giả cái “hạt giống” rồi sẽ sản sinh ra một bài thơ hoặc một truyện ngắn. Và do đó có lẽ từ đây ta có thể dùng thoải mái thuật ngữ tứ thơ mà không cần đưa nó vào ngoặc kép nữa.

Xem thêm: Phương pháp tiếp cận và phân tích tác phẩm tự sự (Phần 1)

4
Sau việc làm thứ hai, tạo ra một tứ thơ, ta sang việc làm thứ ba: triển khai cái tứ thơ đã gieo. Nói cách khác là, làm cho hạt giống tứ thơ kia đơm lộc.

Một cách chung nhất, tứ thơ xuất hiện và nhờ đó mà được nhà thơ làm cho nó hiển hiện ra thành cái hình thù mắt người nhìn thấy được. Liền đó, các giác quan khác cũng đều được vào cuộc. Cái hạt giống tứ thơ ném vào mảnh đất ngấu sẽ bung ra thành mầm, thành chồi, thành nụ, thành lá thành cành, thạnh nụ thành hoa thành quả, thành da thành thịt… Sự phát triển này làm nên những “con mắt thơ” để người đời cảm và nhớ. Nó phát triển thành những chi tiết như là những yếu tố không thể thiếu để một truyện ngắn khác với một luận văn triết thuyết. Điều quan trọng là những con mắt thơ kia nhất thiết phải cùng họ hàng – cùng ADN – với cái hạt tứ thơ đã cho nó sinh sôi. Chẳng hạn, trong Tràng giang (Huy Cận) tứ thơ là cái gì chợt đến với nhà thơ khi nhìn cái dòng sông chiều chút sóng gợn gợn. Tiếp đó, từ cái hạt đó nở ra, cả gió cũng gợn theo, rồi cả tiếng lao xao ở một làng xa cũng gợn tới, rồi cả cái nắng chiều khiến trời sâu chót vót gợn gợn mây, cả bóng chim nghiêng cánh nhỏ gợn gợn giữa bóng chiều sa, rồi gợn gợn những lùm bèo dạt ở nơi mênh mông không một chuyến đò ngang… Tất cả mọc lên cho đủ, để cuối cùng xoè ra thành một lời gói lại, lòng quê dợn dợn vời con nước, không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà, có chút gì đó “tình xót xa” như của thơ Đường sách vở đấy, nhưng mà gợi buồn, và cũng giúp cho con người vợi buồn…

Còn ở phía bên kia, với truyện ngắn, từ cái tứ thơ ban đầu ta sẽ lại thấy bung ra vô khối tình tiết. Và một lần nữa lại phải nhấn mạnh rằng những tình tiết đó nhất thiết phải do cái hạt giống ban đầu tạo nên, nếu không, mặc dù truyện ngắn sẽ có nhiều “tình tiết quan trọng” đấy, song khốn thay chúng lại rất có thể bị xa đề hoặc lạc đề. Nhắc lại truyện ngắn Vết sẹo vừa kể bên trên là hợp chỗ: chú bé con cầm chiếc bánh mì tham gia trò chơi với các bạn, chắc hẳn đó là bánh mẹ gói cho để đem đến trường, chú định cắn một miếng cho đỡ đói, nhưng thằng bạn – kẻ sẽ “xử bắn” chú và các bạn chú – cấm chú ăn, nó bắt tất cả quay mặt vào tường, chú bé lại tranh thủ khi quay vào tường đưa chiếc bánh lên miệng định ăn vội một miếng, thì lại có lệnh cấm ăn… Một trò chơi xử bắn người Do Thái được lặp lại ở từng chi tiết quan trọng. Cứ thế, cứ thế tiếp tục cho đến khi đoàng súng nổ, và đến lúc đó tác giả mới nhảy vào nói một lời kết luận tiết kiệm như một câu thơ dợn dợn đâu đây, đến bây giờ vết sẹo vẫn còn đâytrong trái tim tôi…

* * *

Người viết bài này cố ý đặt truyện ngắn Vết sẹo cạnh bài thơ Tràng giang. Để thấy truyện ngắn đó có dáng dấp một bài thơ. Tác giả truyện ngắn đó hẳn cũng không nhiều vốn sống lắm. Dĩ nhiên, viết truyện ngắn đó không đòi hỏi nhiều vốn sống như với tiểu thuyết. Tác giả truyện ngắn kia không cần phải thật là cần cù bác học như một cụ Tolstoi, nhưng lại rất cần cái nhạy cảm Giời đã ban cho nhà thơ. Tiếp đó, một khi anh ta nhận thức rõ phần Đời cho và Thời cho, có thể anh ta sẽ đi rất xa… Nhưng đó lại là chuyện khác mất rồi…

Xem thêm: Vai trò của chi tiết trong tác phẩm Văn học

Phạm Toàn