Nữ nhà văn trẻ Nguyễn Thị Kim Hòa – người đạt giải nhất Cuộc thi Truyện ngắn do Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội 2013 – 2014 tổ chức đã “đóng dấu” văn tài trong lòng người đọc yêu văn chương bằng lối viết độc đáo: “Không ráo riết đổi mới, quyết liệt mở đường để tạo dựng dấu ấn khác biệt, Kim Hòa như người thợ thủ công, tỉ mẩn gom nhặt lại những mảnh vụn cũ để cho ra đời những tác phẩm như một tạo tác của trái tim mình” (1). Chúng ta sẽ phần nào cảm nhận được lối viết truyện ngắn ấy của chị khi đọc Giấc mơ đá vỡ.

Viết về nỗi đau chiến tranh và thân phận con người trong chiến tranh là một đề tài không mới. Ngay cả khi viết về bi kịch, nỗi đau bị chia cắt của anh chị em ruột thịt trong một gia đình thời chiến tranh chống Mỹ cũng không phải chỉ có Nguyễn Thị Kim Hòa mới đề cập đến.

Gần đây, Nguyễn Ngọc Tư đăng trên mạng truyện ngắn Nghiêng thương cũng nói đến chuyện trong một gia đình có hai anh em ruột theo hai phía khác nhau nhưng Nguyễn Thị Kim Hòa đã có lối viết riêng với cách kể chuyện, cách xử lý nghệ thuật hoàn toàn khác. Tuy vậy, tác phẩm mới chỉ đặt ra vấn đề mâu thuẫn, đối lập về lập trường, quan điểm của hai anh em ngay trong một gia đình. Ở một trận đánh hỗn loạn, người anh chĩa súng vào người em còn người em thì đâm bị thương người anh mà không hề cố ý bởi vì họ đều nhận thức được: Nếu mình không bắn thì “tụi đi cùng sẽ bắn. Chiến tranh mà”. Phía sau hai anh em còn có cả một đại gia đình và hai anh em có thể hóa giải ngay mâu thuẫn sau trận đánh. Hơn nữa, khi viết tác phẩm này, Nguyễn Ngọc Tư nhằm đề cập đến một vấn đề hết sức tế nhị, thiêng liêng, một phạm trù không thể phân định rạch ròi hay cân, đo, đong, đếm được trong đời sống con người đó là tình cảm đặc biệt là tình mẫu tử. Còn truyện của Kim Hòa thì đã đẩy mâu thuẫn này lên đến tận cùng của bi kịch để đến cuối đời mâu thuẫn của họ mới có thể hóa giải được với nhau. Truyện viết về ba chị em ruột: Hai Kim- Ba Sang- Út Kiên. Ba chị em mồ côi, sống yêu thương gắn bó trong một mái nhà. Từ khi Ba Sang quyết định theo đuổi nghiệp binh phục vụ chính phủ “Quốc gia”, bao nhiêu xáo trộn diễn ra trong gia đình yên ấm, bé nhỏ ấy. Giấc mơ về đàn bướm luôn ám ảnh Hai Kim. Cô muốn bảo vệ em nhưng không thể được. Cả làng đi theo tiếng gọi của ông Tám- ông vua sinh ra từ làng. Út Kiên bị bắt đi lính, sau đó trốn lính đi theo Việt cộng trở thành anh giải phóng quân. Ngay trong một gia đình hai anh em lại là kẻ thù của nhau- mũi súng của đứa này nằm dưới mũi súng của đứa kia. Hai Kim nhận ra đây mới chính là bộ mặt tàn khốc nhất của chiến tranh. Khi máu của một người thân mình có thể đổ xuống bởi một người thân khác. Khi lửa không ụp xuống từ bên ngoài mà bùng lên trong chính những ngôi nhà vốn gắn bó, yên bình. Thật chua chát biết bao nhiêu! Đau xót biết chừng nào! Đúng là lời văn viết như “có máu chảy ở đầu ngòi bút”.

Tôi nhớ đến quan niệm của Nguyễn Thị Kim Hòa: “viết để sống được nhiều cuộc đời trong một kiếp người. Những câu chuyện không thuộc về tôi mà như rút cạn bản thân tôi”. Nhưng rồi cuối truyện là một tình huống bất ngờ với việc Ba Sang trở về gặp Út Kiên trước hương linh người chị quá cố. “Tình máu mủ vượt qua được những ranh giới chia lìa của thời cuộc để tiến tới một cuộc đoàn tụ. Truyện viết về chiến tranh đấy mà lại không hẳn chỉ là về chiến tranh cho nên nó có độ sâu sắc”(2).

Sức hấp dẫn của truyện ngắn này không chỉ nằm ở độ sâu sắc về tư duy, tư tưởng mà còn nằm ở nghệ thuật viết truyện đặc sắc của Nguyễn Thị Kim Hòa.

Trước hết là nhan đề của truyện: Giấc mơ đá vỡ. Nhan đề lạ, độc đáo. Nhan đề ấy gợi lên sự đổ vỡ, tan vỡ, có sự đan xen giữa thực và ảo. Giấc mơ là hư ảo nhưng đá vỡ lại là hiện thực. Đá gợi sự cứng cỏi, sự vững chãi vậy mà vỡ ra. Đó là sự vỡ tan của những giá trị vững bền- tình người- tình máu mủ ruột thịt trong gia đình. Sự đổ vỡ ấy có cả một quá trình vận động phức tạp, đầy mâu thuẫn, vừa vô thức vừa hữu thức.

Lối mở đầu truyện ngắn gọn, tự nhiên, ấn tượng gây sự tò mò, hấp dẫn cho độc giả: Giấc mơ của Hai Kim tối hôm ấy là về một đàn bướm. Tác giả cho nhân vật xuất hiện trực tiếp cùng với chi tiết kỳ ảo! Người đọc bất ngờ khi nhan đề là Giấc mơ đá vỡ còn đây lại là giấc mơ về một đàn bướm! Bao nhiêu câu hỏi được đặt ra với cách mở đầu này: Hai Kim là ai? Sao lại thế? Chuyện gì sẽ diễn ra? Có trở thành sự thực không? Người đọc sẽ bị dẫn dụ theo đến tận cùng câu chuyện để giải mã giấc mơ ấy!

Trong Giấc mơ đá vỡ, Nguyễn Thị Kim Hòa đã rất thành công trong việc xây dựng nên những chi tiết mới lạ . Lep Tônxtôi từng nói: “Giá trị nghệ thuật của một tác phẩm truyện, trước hết được tạo nên bởi những chi tiết mới lạ có sức hấp dẫn người đọc”. Quả vậy, trong truyện có rất nhiều chi tiết tác giả đã chọn lọc và sử dụng rất đắt, có sức ám gợi đối với người đọc. Điều này được kết tinh bởi sự trải nghiệm trong sách vở và trong cuộc sống, đặc biệt là nhờ trí tưởng tượng của tác giả. Nhiều chi tiết nghệ thuật rất đắt tạo thành điểm nhấn nghệ thuật cho tác phẩm. Có những chi tiết hư ảo cứ trở đi trở lại ám ảnh mãi người đọc. Đó những giấc mơ kỳ lạ của chị Hai Kim về đàn bướm, về chiếc áo lỗ chỗ những lởm đỏ của Út Kiên,…

Giấc mơ nào cũng hãi hùng và đầy dự cảm không lành- giấc mơ mang tính điềm báo, dự báo. Chi tiết hiện thực được miêu tả cụ thể, đầy chiều sâu tư tưởng như: lời nói của sư thầy khi Hai Kim kể và hỏi về giấc mơ đàn bướm: Là hiền thì không phải dữ. Đã dữ thì tất không hiền. Chuyện đến phải đến, quan trọng chi dữ hay hiền. Cốt yếu là cách con người đối diện với nó thế nào. Xuyên suốt tác phẩm, tác giả không hề miêu tả trực tiếp trận đánh nào nhưng chị đã chú ý tới vấn đề tác động của chiến tranh đối với từng cá nhân, từng gia đình. Nó cũng khốc liệt, đau đớn không khác gì ở chiến trường binh lửa. Và sự thử thách và cách ứng xử của mỗi người trong thời kỳ ác liệt ấy là vô cùng quan trọng. Từng cá nhân, từng thân phận người, con người và gia đình đều có những mâu thuẫn giằng xé, đều phải có sự lựa chọn để đối diện. Câu nói giản đơn mà chứa đựng triết lý sâu xa. Hay chi tiết về chiếc loa trên đọt dừa kêu gọi làng hiến thêm cho ông ông Tám những đứa con, lúc thì quyết liệt dõng dạc lúc có trận mưa thì giãy giãy lên đôi ba tiếng cuối ầm à, ầm ịt trước khi im bặt. Không biết tiếng phát thanh viên hay tiếng ông vua sinh ra từ làng bị chặn ngang, bóp cổ. Sự giãy chết của một chế độ được diễn tả một cách tự nhiên, tỉ mỉ và bất ngờ như một tấn bi hài kịch nhỏ! Nói đến chi tiết vừa giàu tính biểu tượng vừa thể hiện rõ nét diễn biến tâm lý của nhân vật có thể nhắc đến chi tiết về cái bóng của Ba Sang trên vách nhà. Cái bóng đổ gập, gãy khúc. Cố gồng lên cố chống càng gập càng gãy. Tất cả sự cố gắng, nỗ lực, phấn đấu của Ba Sang- vốn là một tú tài hai xuất sắc đều vô nghĩa trong cái chế độ ấy, xã hội ấy, con đường lựa chọn ấy của Ba Sang. Chi tiết hư ảo có sự hòa quyện với yếu tố tâm linh, chi tiết hiện thực mang tầm triết lý, bao quát, tượng trưng.

Chính vì thế, truyện đã dựng được không khí vừa hiện thực vừa hư ảo. Đồng thời trong truyện ngắn này còn có những chi tiết giàu kịch tính, bất ngờ, mở nút đột ngột tạo nên những độ căng- chùng thẩm mỹ cuốn hút độc giả. Thì đấy, lúc chị Hai Kim đang thất vọng ê chề nhất Hai Kim cứ bị xoay vần bị giằng xé, bị bám theo không dứt bởi nỗi đau của những cuộc ra đi thì Út Kiên trở về Bóng người nón tai bèo, áo xanh, quần xanh, nai nịt gọn gàng lao lên con đường trên núi. Chi tiết kết truyện có hậu cũng đầy thú vị, bất ngờ tạo nên mĩ cảm, gợi mở phong phú cho người đọc. Hai ánh mắt ngỡ ngàng nhìn nhau. Hai ánh mắt lạc nửa vòng trái đất, lạc gần hết cuộc đời giờ mới lại được nhìn nhau. (…) Hai mái đầu bạc trắng rưng rưng tựa vào nhau cùng hướng lên trên bàn thờ. Cháu gái nhìn thấy rõ ràng gương mặt bà trong hình đang cúi xuống. Bà mỉm cười. Ở đây có sự tri ân thiêng liêng của tình cảm gia đình với ba thế hệ: người quá cố (Hai Kim), người đã trải qua bao nhiêu biến cố, thăng trầm đang chứng kiến, đang sống ở hiện tại (Ba Sang, Út Kiên) và người trẻ tuổi- thế hệ trẻ tương lai (đứa cháu gái). Nỗi đau chia cắt của mỗi cá nhân, của từng gia đình, của hai miền nam bắc, của cả dân tộc quá dài! Tác phẩm đặt ra nhiều vấn đề riết róng, nóng hổi của thời đại của đất nước như vấn đề nỗi đau chiến tranh, sự hòa hợp dân tộc đáng phải suy ngẫm. Nhưng đoạn kết này thực sự đã gieo niềm tin tưởng cho độc giả vào tương lai tươi sáng của mỗi thân phận người, mỗi gia đình và toàn dân tộc thời hậu chiến. Đây chính là tấm lòng, là mong ước, khát khao của tác giả, cũng như của thế hệ trẻ ngày nay – thế hệ có độ mở về tư duy và độ lùi về thời gian để chiêm nghiệm suy tư về chiến tranh cách mạng, về trách nhiệm của mỗi người trong việc xoa dịu, hàn gắn nỗi đau ấy!

Không những thế, kết cấu của tác phẩm cũng mới lạ, độc đáo. Kết cấu là yếu tố tất yếu của mọi tác phẩm. Nếu khái niệm cốt truyện nhằm chỉ sự liên kết những sự kiện, hành động, biến cố… trong tác phẩm tự sự và kịch thì kết cấu là một khái niệm rộng hơn nhiều. Kết cấu là toàn bộ tổ chức nghệ thuật sinh động, phức tạp của tác phẩm văn học. Kết cấu có nhiệm vụ góp phần thể hiện chủ đề và tư tưởng của tác phẩm. Nguyễn Thị Kim Hòa đã lựa chọn kết cấu vừa theo trật tự thời gian (vẫn kể theo trình tự diễn biến câu chuyện từ lúc Hai Kim có giấc mơ về đàn bướm cho đến khi có cảnh hạnh ngộ thiêng liêng) vừa theo kết cấu tâm lý (theo dòng chảy tâm trạng của chị Hai Kim) vừa sử dụng kết cấu trùng điệp (giấc mơ về đàn bướm). Lối kết cấu này khiến câu chuyện đôi lúc tưởng như có sự đứt quãng, nhảy cóc, vụn vặt nhưng thực chất lại xâu kết hết sức chặt chẽ nhờ mạch ngầm tư tưởng tác phẩm – nỗi đau tinh thần, nỗi đau chia cắt đầy bi kịch trong chiến tranh hiện diện ngay trong một gia đình và sự chiến thắng của tình cảm ruột thịt thiêng liêng trước ranh giới ngăn cách nghiệt ngã mà chiến tranh đã tạo dựng nên! Kết cấu này đã tăng cường sức tác động thẩm mĩ của tác phẩm đối với người đọc và làm nổi bật tư tưởng, giá trị nhân văn của chính tác phẩm.

Một yếu tố nghệ thuật nữa cũng hết sức quan trọng, có ý nghĩa cốt tử cho sự thành công của truyện ngắn Giấc mơ đá vỡ đó chính là nghệ thuật xây dựng nhân vật. Nhắc đến nhân vật văn học là đang nói đến con người được miêu tả, thể hiện trong tác phẩm bằng những phương tiện văn học. Nhân vật không chỉ thể hiện chủ đề, tư tưởng của tác phẩm, ý đồ nghệ thuật của nhà văn mà còn thể hiện quan điểm về người và cuộc sống của nhà văn trong thời kì nhất định. Cách xây dựng nhân vật trong các tác phẩm văn học, đặc biệt là truyện ngắn là điều mà nhà văn phải quan tâm. Ở Giấc mơ đá vỡ, mặc dù viết về nỗi đau chiến tranh nhưng “đáng quý ở chỗ, tác giả đã biết dừng lại ở sự chừng mực có thể để không gào thét, chửi váng, riết róng, ám chỉ cái này, đổ tại cái kia mà cứ từ từ, dung dị mặc cho các nhân vật nói lên cái điều sâu xa cần nói” (3).

Câu chuyện chủ yếu xoay quanh ba nhân vật cơ bản: Hai Kim, Ba Sang, Út Kiên, bên cạnh đó có những nhân vật phụ như: Ông bác họ, chú tiểu, sư thầy, bà bán bánh canh đầu chợ và có nhân vật đặc biệt đó là ông Tám- người được nhắc đến nhiều nhưng chưa bao giờ xuất hiện trực tiếp trong truyện. Hầu hết các nhân vật không được miêu tả một cách đầy đủ, cụ thể thế nhưng vẫn hiện lên một cách sắc nét, sinh động. Nhân vật chủ yếu được miêu tả, khắc sâu về cử chỉ, lời nói và nhất là về mặt tâm lý “đẩy sâu tính cách, tâm lý nhân vật vào một vùng chiêm nghiệm chân thực. Tức là họ đã vượt qua cái vỏ bên ngoài để đi thẳng vào cái ruột bên trong đậm tính nhân tình thế thái, nỗi niềm trắc ẩn, buồn vui khe khẽ để tạo nên những số phận bình dị và chân thực, mà với văn chương, sự chân thực lại là điều cốt lõi để khiến nó mang được tính truyền cảm thẩm mỹ” (Chu Lai).

Tác giả truyện ngắn Giấc mơ đá vỡ đã dụng công khắc họa hình tượng nhân vật Hai Kim- nhân vật trung tâm xuyên suốt từ đầu đến cuối tác phẩm, gói ghém nội dung tư tưởng của tác phẩm. Tác phẩm ít nói đến sự tàn phá, chết chóc mà chủ yếu nói đến nỗi đau tinh thần, nhất là nỗi đau của chị Hai Kim không che chở được cho em. Hai Kim luôn lo sợ, hãi hùng, khắc khoải, ưu tư… Tâm trạng này của Hai kéo dài lê thê, nhức buốt suốt câu chuyện. Nỗi niềm ấy có nhiều lúc được tác giả thể hiện một cách trực tiếp. Hai Kim hoảng hốt ngay cả khi người khác thấy háo hức: Nhưng sao trong háo hức, chắc nịch của ông bác họ, Hai Kim chỉ cảm thấy buồn, Hai lo ngay cả khi Ba Sang toe toét, bận quân phục chuẩn úy bước chân qua cửa,… Nỗi buồn cắt thẻo Hai Kim ngày ngày trong phấp phỏng lo. Giấc mơ về đàn bướm cứ ám ảnh, đeo đẳng mãi để Hai Kim đem theo giấc mơ về đàn bướm lên chùa. Chùa chênh vênh ngay chóp núi (…) Chùa lạnh. Nỗi niềm của Hai Kim như đang tràn cả ra ngoài: Chùa chênh vênh hay chính lòng Hai Kim đang chênh vênh; chùa lạnh hay chính lòng Hai Kim đang lạnh? Ngay cả khi đã nghe sư thầy trả lời, lẩn quẩn, loanh quanh Hai Kim vẫn chưa nghĩ ra mình sẽ phải đối diện với chuyện (mà còn chưa biết là chuyện gì) từ điềm báo trong mơ ấy thế nào. Đó là mấu chốt để Kim Hòa khai thác tận cùng mọi tầng vỉa nỗi đau, sự lo lắng, thảng thốt của nhân vật Hai Kim hễ nghe tiếng chân chạy rậm rịch trên đường làng, tiếng xe thắng rin rít rồi tiếng khóc ồ lên từ một chòm nhà nào đó là Hai Kim lại liên tục bị nhồi thúc trong một mớ nhộn nhạo từ hoảng loạn sang nhẹ nhõm, từ tuyệt vọng sang thở phào. Mớ nhộn nhạo nhiều lúc làm Hai Kim muốn nghẹt thở, muốn ngạt chết. Có lúc nỗi lo ấy treo hẳn tâm trí mình lên cái loa ra rả tít đọt dừa kế bên nhà, có lúc Hai Kim hãi hùng (…); có lúc Hai Kim chết sững với họng súng, với ánh mắt vằn vện như nhìn kẻ thù của Ba Sang.

Tâm lý nhân vật Hai Kim được nhà văn miêu tả rõ nét, tinh tế, sắc sảo nhất là khi Ba Sang đang lồng lộn chĩa họng súng vào chị khi đi tìm Út Kiên Đăm đăm vào cái nòng đen ngòm vung vẩy giận dữ trên tay em trai, Hai Kim nhận ra không phải mất mát, không phải chết chóc. Đây. Thứ này. Đây mới chính là bộ mặt tàn khốc nhất của chiến tranh. Khi máu của một người thân mình có thể đổ xuống bởi một người thân khác. Khi lửa không ụp xuống từ bên ngoài mà bùng lên trong chính những mái nhà vốn gắn bó, yên bình. Tại sao ngần ấy năm trong cuộc đời mình, Hai Kim cứ bị xoay vần, bị giằng xé, bị bám theo không dứt bởi nỗi đau của những cuộc ra đi. Sự thất vọng, thảng thốt, nỗi đau cứ dồn ứ ra ở đây, có điều gì ghê gớm đang sụp đổ ngay trước mắt chị, chị chới với, bất lực trước những cuộc ra đi đầy nước mắt và sự chia cắt. Khi Út Kiên trở về chị Hai cũng khóc: Nước mắt Hai Kim tuôn ướt đẫm vòng tay ôm chắc nụi của đứa em không gặp lại một lần nào từ hôm ngất xỉu trên miệng hầm. Nước mắt tuôn trên những lặng phắt nghìn năm của núi đá, những rì rào muôn đời của biển, những biến động xoay vòng của thời cuộc, của một đời người. Đến bao giờ thì Hai Kim mới được khóc như thế này, được ôm như thế này nữa bởi vòng tay trọn vẹn của cả hai đứa em trai? Nước mắt của sự chờ mong, của niềm hạnh phúc vỡ òa và khát khao mong đợi. Tác giả đặt bút viết những dòng này như người thợ đặt mũi khoan vào lòng đất nơi có những mạch nước ngầm đang chảy, cứ thế xoáy sâu, phơi trải hết mọi nỗi lòng, mọi ngõ ngách nỗi niềm của nhân vật để bạn đọc cùng nỗi niềm thổn thức, trở trăn. Chủ đề bộc lộ ngay trong dòng suy nghĩ, độc thoại nội tâm của nhân vật: Sức tàn phá, tính chất khốc liệt, dai dẳng của chiến tranh là ghê gớm, tàn phá ngay cả tình anh chị em máu mủ ruột thịt! Tất cả từ đầu đến cuối truyện, Hai Kim khóc, lo, sợ; chỉ đến lúc chết đi khi hai anh em đoàn tụ, Hai Kim trong ảnh mới mỉm cười. Nụ cười ấy đã giải tỏa, xoa dịu bao nỗi đau của kiếp người, thân phận người khi bước qua chiến tranh. Chỉ qua dòng chảy tâm trạng, ta đã bắt gặp ở Hai Kim hình ảnh tiêu biểu của người phụ nữ Nam Bộ: giàu yêu thương, nội tâm, luôn hy sinh thầm lặng mà kiên cường, mạnh mẽ.

Không chỉ miêu tả nhân vật tâm lý nhân vật Hai Kim thành công, Kim Hòa còn diễn tả được sự biến đổi tính cách và diễn biến tâm lý của Ba Sang khá cụ thể. Sự đau đớn, bi kịch của Ba Kim không khắc khoải, dai dẳng nhưng rất buốt nhức và sâu sắc. Bi kịch của Ba Sang cứ gối, chồng xếp lên nhau thể hiện cả một hành trình lạc bước, biến đổi của một con người mong muốn thức thời nhưng lại thất thế! Giọng nói, cái bóng của Ba Kim là những điểm đinh trên tường mà sau khi rút ra người ta không thấy những bức tranh đẹp đẽ, hào nhoáng của chiếc jieep và bộ quân phục chuẩn úy mà chỉ thấy những vết lở loét, nham nhở trên tường của sự khủng hoảng niềm tin. Hai Kim đã thấu hiểu, nhìn xoáy vào tận cùng sâu thẳm con người thực của Ba Sang bằng tấm lòng và sự nhạy cảm của người chị. Nghe tiếng nói của em, Hai Kim chợt hỏi: Là đinh ninh, chắc nịch vẫn lặp tới lặp lui trên miệng Ba Sang rất lạ. Nó đi rồi về. Ba Sang có tin vào thứ mình đang nói không. Ba Sang muốn trấn an chị hay trấn an chính bản thân mình. Nhìn thấy bóng em đổ trên tường, Hai Kim thảng thốt: Ba Sang định tha theo cái bóng lặc lìa đó đến tận bao giờ. Định gồng mình với những khăng khăng, tin tưởng ấy đến bao giờ. Tính cách của Ba Sang được thể hiện qua lời nhận xét, suy nghĩ của Hai Kim: nóng nảy, rổn rảng; qua lời nói mạnh mẽ, dứt khoát của chính Ba Sang: Hai. Em đi trừ bị Thủ Đức đây. Thời buổi này, binh nghiệp là đường tiến thân nhanh nhất, Hai à”; Hai thả nó ra đi. Còn không thì cứ cột nó tới già, tới chết, tới qua hết cái thời này… mặc may”… Ba Sang từ một con người bộc trực, yêu thương, bảo vệ chị và em trai trở thành người hung hãn, thô bạo khi đi lùng sục Hai Kiên: Nó đâu! Thằng chó!Hai xách cổ nó ra cho tui… Hai Kim đã phải chết sững vì nó đang dùng ánh mắt hằn học, thù địch để nhìn chị nó. Nó đang cầm súng để sục sạo lùng tìm em nó. Nó định làm gì? Chĩa họng súng ấy vào ngực em nó và bóp cò sao?Phải chăng Ba Sang đã tha hóa, đã mất hết tình thân! Không, Ba Sang vẫn thương chị, vẫn đội mưa về để nhét viên thuốc cho chị uống khi chị lên cơn sốt nhưng Ba Sang lại chuệnh choạng, lầm lũi cái bóng đi về phía cửa. Không thở dài, không do dự, không quay đầu mặc dù chị gái kêu van cái bóng cúi đầu rồi thình lình lao ra dưới màn mưa! Ba Sang bất lực, không tìm được đường đi, lối giải thoát nào để cứu chị gái, cứu em trai và cứu chính cuộc đời mình! Đây là bi kịch cuộc đời của Ba Sang- của bao nhiêu người lính Ngụy quyền năm ấy thất trận! Tính cách của Út Kiên chậm rãi mà chắc chắn, vô tư, hồn nhiên, trong sáng, hiền lành, dễ thương, giàu tình cảm và cũng rất kiên cường được tác giả khắc họa khá rõ nét. Nhân vật của tác giả Kim Hòa vừa cụ thể vừa giàu tính khái quát, vừa mang tính tưởng tượng sáng tạo vừa ngồn ngột hơi thở đời sống. Ngay cả những nhân vật phụ như ông Bác họ, ông Tám, bà bán bánh canh đầu chợ, sư thầy hay chú tiểu cũng có thần sắc và sức sống riêng. Đến cả cái gậy, cái loa- những sự vật vô tri vô giác dưới ngòi bút của chị cũng trở nên có số phận, có linh hồn. Đó là khả năng sáng tạo, xây dựng nhân vật đáng ghi nhận và đáng trân trọng của Kim Hòa trong Giấc mơ đá vỡ.

Người kể chuyện Giấc mơ đá vỡ hết sức tự nhiên, có duyên và hấp dẫn. Điểm nhìn trần thuật có sự thay đổi linh hoạt. Chủ yếu câu chuyện được kể theo điểm nhìn của người kể chuyện- ngôi thứ ba. Có lúc tác giả trao điểm nhìn cho nhân vật tự kể lại cuộc đời mình, tự đánh giá nhận xét về mình hoặc đánh giá, cảm nhận về nhân vật khác, về những gì diễn ra xung quanh. Ví dụ như khi Hai Kim tự nhớ lại những sự kiện xảy ra với ba chị em hoặc Hai Kim nhận xét, cảm nhận về hai đứa em, về những sự kiện diễn ra trong làng hoặc như ở đoạn cuối tác giả trao điểm nhìn trần thuật cho đứa cháu gái. Tất cả đều góp phần tạo nên sự hấp dẫn, sinh động cho câu chuyện Giấc mơ đá vỡ.

Nói đến sức hấp dẫn của tác phẩm không thể không nhắc đến cách sử dụng ngôn ngữ điêu luyện, tài hoa của Nguyễn Thị Kim Hòa. Nhà văn Chu Lai – thành viên ban giám khảo nhận xét: “Tôi đánh giá cao lối viết tỉ mẩn, tinh tế, sử dụng thổ âm rất đắt của Kim Hòa. Ngôn từ trong truyện của chị chặt chẽ, chắt lọc, có sức nén, chắt lọc, không thiếu không thừa, đủ để cho tâm lí, tính cách nhân vật lên hết màu hết nét với lối viết hiện đại, kiệm lời, giàu hình ảnh, giàu nghĩ ngợi”

Ngôn ngữ kể chuyện vừa bình dị, toát lên thần thái của nhân vật vừa sáng tạo, hàm súc, giàu chất văn, hình ảnh. Tác giả kể về giấc mơ của chị Hai Kim đầy ấn tượng: Đàn bướm đông lắm, thình lình trồi lên từ mỏm đá phía Đông của cụm Mặt Quỷ. Lúc đầu đàn bướm xoắn vào nhau như một quả banh chấp chới vàng đen lẫn lộn, sau tản ra, trái banh mở tung thành tấm thảm khổng lồ toàn cánh là cánh. Thảm bướm tiến thẳng về phía làng. Hai Kim nghe rõ tiếng đập từ những đôi cánh mỏng, tiếng gãy cụp, tiếng rơi xạt như có lớp lớp những hòn đá nào đó vừa rớt, rồi rào rào, rầm rập như một trận mưa đá ai vừa ném xuống. Hình ảnh những đoàn xe nhà binh thất trận đi qua làng cũng đầy ám ảnh với người đọc: Buổi chiều sâu mẹ, sâu con bò lổm ngổm từ những ruộng hành xơ xác lá lên hàng hàng lớp lớp trên đường. Xe nhà binh rũ rượi bụi đất phóng vù qua, một vạt đường dài bệt vàng bệt xanh thứ sền sệt từ những thân sâu, hằn rõ thêm dấu bánh xe. Hình ảnh Mấy cái sơ mi trắng học sinh của Út Kiên bung ra, đất miền Đông trổ trên nền trắng những lởm màu đỏ loét  cũng ám ảnh người đọc khôn nguôi. Đặc biệt, khi miêu tả giấc mơ đá vỡ thành sự thực, câu văn cũng rùng mình, nức nở, vỡ tung: Vậy mà một buổi chiều ngọn Đá Dao đổ thật. Trời không mây mưa, không sấm chớp, không gió bão, đá vẫn đổ. Nguyên cả khối đá cao sững như một lưỡi dao cắm xuống từ trời thình lình ụp xuống. Âm rền lẫn những vụn đá vỡ bắn vào tận dinh tỉnh trưởng trong phố. Đó là những câu văn kết tinh trí tưởng tượng phong phú cùng với sự quan sát tinh tế, tỉ mỉ đời sống của Kim Hòa.

Tác giả còn sử dụng dày đặc các từ ngữ đậm màu sắc địa phương: hổm giờ, thiệt, giỡn, đi ra đi vô, rớt, ém mùng, rêm dừ,… góp phần bộc lộ rõ phong tục, tập quán, tính cách của con người Nam Bộ. Hệ thống từ láy mang đậm bản sắc riêng của Kim Hòa cũng tuôn trào dưới ngòi bút của chị: xủng xoẻng, lần phần, lượng sượng, lò dò, tất tưởi, lằng nhằng, nhộn nhạo, thon thót, chấp chới, lởn vởn, lỗ chỗ, lùng bùng, tẽn tò,… Có những lúc, từ láy xuất hiện liên tiếp: xáo xác, xơ xác, tao tác, rầm rầm, ào ào, tủn mủn tùn mùn,… Những từ láy hết sức gợi hình, gợi cảm, giàu âm thanh, nhịp điệu,… khiến cho câu văn tạo được ấn tượng mạnh ở người đọc, nâng cánh cho trí tưởng tượng của người đọc hình dung, cảm nhận về câu chuyện một cách rõ nét và sâu sắc hơn. Biện pháp nghệ thuật so sánh cũng được tác giả khai thác và phát huy tác dụng khá triệt để. Những hình ảnh so sánh mới lạ, độc đáo, gợi mở, ám gợi, hấp dẫn, thú vị: Mỗi Út Kiên tết ấy Ba Sang về là vui như trúng đậm lì xì; Trong một mùa hè làng cũng tràn tiếng khóc như thế này và màu phượng nở trên đầu núi bỗng đỏ bầm như màu máu…

Ngôn ngữ kể chuyện trong tác phẩm này là ngôn ngữ đa thanh vừa có ngôn ngữ người kể chuyện vừa có ngôn ngữ nhân vật (có đối thoại và độc thoại nội tâm),… góp phần bộc lộ rõ nét tâm lý, tính cách nhân vật. Tác giả ngắt từng đoạn nhỏ, nhịp điệu chùng, chậm tạo độ giãn cho câu chuyện và tạo được tâm thế tiếp nhận thoải mái, thư thái cho độc giả vừa đọc vừa hình dung vừa chiêm nghiệm, suy tư. Nghệ thuật lặp từ, lặp cấu trúc và tăng tiến được sử dụng một cách nhuần nhị, liên tiếp,… như từng đợt sóng gối lên nhau góp phần nhấn mạnh tâm lý, hành động nhân vật đồng thời gợi mở chi tiết tiếp theo để phát triển cốt truyện, dẫn dắt tình huống mới. Điều đó giúp độc giả cảm nhận sâu sắc hơn, rõ nét hơn về cuộc sống, chiến tranh, thời cuộc. Chẳng hạn để tô đậm nỗi buồn, sự lo lắng đến quay quắt của Hai Kim, tác giả sử dụng liên tiếp từ “nỗi buồn” với cấu trúc lặp: Nhưng sao trong háo hức, chắc nịch của ông bác họ, Hai Kim chỉ cảm thấy buồn. Nỗi buồn không phải như cái kiểu sáng sớm ngủ dậy không nghe tiếng chân Ba Sang chạy thể dục huỳnh huỵch ngoài sân trước, rồi bước vào nhà tắm thấy đâu mất trên dây phơi một cái khăn, một cái quần đùi. Nỗi buồn không như đang nắm trong tay một thứ gì đó mà bị bắt phải buông ra. Nó là nỗi buồn khi người ta biết thứ mình vừa buông ra sẽ mất. “Nỗi buồn” bủa vây, giăng mắc khắp nơi. Để đến khi tác giả hạ bút viết: Mất biệt hẳn đi, mãi mãi. Nỗi buồn cắt thẻo Hai Kim ngày ngày trong phấp phỏng lo. Hai lo ngay cả khi Ba Sang toe toét, bận quân phục chuẩn úy bước chân qua cửa. Lo cả lúc tiếng ngáy em rền một góc nhà át hẳn tiếng cắc bụp, cắc bụp đêm vẳng ra từ phía núi.

Như vậy từ buồn sang lo, tác giả đã nhấn thêm một tầng bậc nữa. Hoặc có khi lặp liên tiếp trong một câu văn: Thì Út Kiên mới được chị lẳng lặng gỡ cho cái khóa to đùng, lẳng lặng ngồi xoa dầu lên vết bầm in nguyên hình những mắc dây quấn rịt lấy cổ chân. Út Kiên đã không dám nói một tiếng nào trong lúc ấy. Không phải vì sợ, không phải vì còn giận hờn chị. Dáng điệu lẳng lặng của chị Hai Kim được nhấn đi nhấn lại, lý do khiến Út Kiên không dám nói không phải vì được luyến đi luyến lại để cuối cùng dồn tụ lại thành giọt nước mắt: Mà vì Út nhận ra rớt theo những vệt dầu đổ trên cổ chân là từng giọt, từng giọt nước mắt của chị Hai nhỏ ngày càng nhanh xuống, nóng rẫy. Đó là tình thương vô bờ bến, không nói thành lời của chị Hai Kim đối với đứa em trai bé bỏng nút ngón tay chị thay vú mẹ từ lúc mới biết lững chững. Còn rất nhiều những câu văn kiểu như thế trong truyện. Đây cũng là một hình thức nghệ thuật đặc biệt của tác phẩm cần quan tâm, khai thác, khám phá ở những đề tài nghiên cứu cụ thể hơn.

Mọi giải thưởng rồi sẽ qua đi, Giấc mơ đá vỡ  cũng như mọi tác phẩm nghệ thuật khác còn phải qua sự sàng lọc và đào thải nghiệt ngã của thời gian. Khi đọc tác phẩm, tôi vẫn hơi tiếc một số điều. Giá như một vài đoạn, tác giả thay đổi nhịp điệu kể, diễn đạt sắc gọn hơn, cô đúc hơn một chút, không rề rà, dàn trải để người đọc không thấy rối và mệt khi theo dõi câu chuyện thì tác phẩm sẽ dễ nhận được sự đón nhận, mến mộ của độc giả ngay lần đọc đầu tiên. Giá như một đôi chỗ, tác giả chú ý đến một số lỗi về đánh máy như: “canh chua cá thóc”( trang 112), “Hai Kim đang cúi bắt bọ chét cho con Mực, dửng dung không ngó lên”( trang 114) (5) mà theo tôi đáng nhẽ phải là: “canh chua cá lóc”; “dửng dưng không ngó lên”. Giá như tác giả thêm một chút đột phá, cách tân ở cách kết truyện thì vị trí của Giấc mơ đá vỡ trong hành trình cách tân truyện ngắn Việt Nam hiện đại sẽ vươn xa hơn nữa. Nhưng hy vọng với một tấm lòng đam mê văn chương, mạnh mẽ, sâu sắc, bền bỉ trong cảm xúc và đầy sáng tạo, cá tính ở sức viết, Nguyễn Thị Kim Hòa sẽ vươn cao vươn xa hơn nữa trên bầu trời văn học nước nhà như Nguyễn Bình Phương từng khẳng định: “đây là một tác giả có nội lực đi bền bỉ để tiến tới một sự nghiệp chứ không chỉ là một cây bút trẻ của thời của đoạn” (4).

Tóm lại, với một nội lực dồi dào, sức tưởng tượng phong phú, tư duy nghệ thuật sắc sảo và trái tim nhân hậu nồng ấm, Nguyễn Thị Kim Hòa đã thổi hồn vào từng trang viết Giấc mơ đá vỡ  để giấc mơ ấy ám ảnh khôn nguôi người đọc. Tác phẩm đã giúp cho người đọc cảm nghiệm và vỡ ra bao điều về cuộc sống, về thân phận con người, về nỗi đau chiến tranh, về cốt cách và tinh thần người Việt trong cuộc chiến tranh đã đi qua để hướng tới sự tái sinh đậm chất nhân văn.

HÀ VINH TÂM

—————————

Tài liệu tham khảo:

(1) Lữ Mai (2015),  Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa: “Văn chương với tôi như một liều thuốc!”, http://giadinh.net.vn.

(2), (3) Khải Huyền (thực hiện, 2014),  Thượng tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương: Kích thước của tưởng tượng chính là kích thước của nhà văn, http://VanVN.Net.

(4) Nguyễn Thiện (Thực hiện, 2015), Cuộc thi truyện ngắn VNQĐ: Tác giả trẻ được đánh giá cao, http://vannghequandoi.com.vn.

(5) Tạp chí Nhà văn & Tác phẩm, số 10. 2015.