Tiểu thuyết lịch sử là hiện tuợng văn học đặc biệt. Nó đặc biệt do hai chữ “lịch sử”gây nên, bởi lịch sử tuy có nhiều thứ như lịch sử một phát minh, lịch sử một giai đoạn văn học, lịch sử làng nghề, song chủ yếu là lịch sử quốc gia, dân tộc, gìong họ, danh nhân và mỗi khi đời sống xã hội có biến động, những vấn đề nhức nhối, người ta thường tìm về lịch sử, khai thác những vấn đề bị bỏ quên, bị phai nhạt, những con người đã bị đẩy ra ngoại biên, tìm đấy những bài học, hấp thụ những chất men, nguồn khích lệ. Người ta muốn nghe lại tiếng nói của lịch sử, muốn sống lại những thời khắc đau thương và hào hung, những thời khắc nhục nhã…đối với người viết và đọc tiểu thuyết lịch sử. Chính vì thế giai đoạn lịch sử đầu thế kỉ XX khi vận mệnh đất nước đang trong cơn biến loạn lớn, tiểu thuyết lịch sử đã nở rộ.
Tiểu thuyết lịch sử có vài trò và sức mạnh rất to lớn. Người Ba Lan thương nói, khi đế quốc Nga chiếm đóng Ba Lan thì nước Ba Lan chỉ tồn tại trong tiểu thuyết lịch sử của họ, và nhà sử học người Anh Arnold Toynbee thì nói: Trước khi hạm đội người Anh đánh tan hạm đội người Tây Ban Nha thì “hạm đội tiểu thuyết lịch sử Anh đã dọn đường cho nó”. Tôi nghĩ rằng tiểu thuyết lịch sử Việt Nam trước nay cũng có vai trò và sức mạnh như vậy.
Lí thuyết về tiểu thuyết lịch sử cũng có nhiều, phụ thuộc vào cách hiểu lịch sử và triết học lịch sử nói chung. Từ quan niệm thực lục thời trung đại đến lịch sử tiến hoá, rồi lịch sử của đấu tranh giai cấp cho đến lí thuyết tân lịch sử chủ nghĩa, quan niệm về tiểu thuyết lịch sử cũng đổi thay. Đặc biệt từ trào lưu “tân chủ nghĩa lịch sử” đã mở ra một thời kì gọi là “hậu lịch sử” (posthistoire) trong trào lưu hậu hiện đại, theo đó các thể loại văn học đều được tái cấu trúc, hoặc là xoá mờ ranh giới cứng nhắc giữa các thể loại, hoặc là lắp ghép các thể loại khác nhau, ngôn ngữ nghệ thuật cũng đổi khác. Trong bối cảnh đó chúng ta cũng nên nhìn thể loại tiểu thuyết lịch sử trong những viễn cảnh khác.
1.Tiểu thuyết lịch sử và tiểu thuyết
Tiểu thuyết lịch sử là một loại của tỉểu thuyết, chuyên viết về những nhân vật và sự kiện có thật trong lịch sử, do đó mà có tên gọi “lịch sử”. Đồng thời đó là tiểu thuyết, chứ không phải là truỵen sử hay kí sự lịch sử, bởi nó không chỉ kể lại sự kiên và nhân vật, mà còn tái hiện lại cuộc sống con người với cả không khí thời đại, các chi tiết về tâm hồn, cá tính, trang phục, nhà ở, đồ dùng, lời ăn tiếng nói, bài ca, trò chơi…, và đặc biệt miêu tả đời sống cụ thể sinh động của nhân vật lịch sử, một trải nghiệm của một con người có tính cách, cá tính, trong dòng chảy của lịch sử, khiến cho người đọc không chỉ đọc một câu chuyện, mà còn sống, thể nghiệm với thời đại ấy nữa. Tiểu thuyết cũng cung cấp một bức tranh có tính bách khoa về thời đại mà nhân vật lịch sử của mình sống. Và vì thế bên cạnh nhân vật lịch sử, buộc phải hư cấu thêm nhiều những nhân vật khác. Bởi vì các tài liệu sử học mà nhà văn dựa vào thường chỉ nêu các sự kiện chính và nhân vật chính. Bản thân sự kiện và nhân vật trong sách sử cũng rất giản đơn, sơ lược thiếu chi tiết, khi viết buộc nhà văn phải tưởng tượng them thắt. Nhân vật lịch sử còn có anh em, họ hàng, có vợ con, người hầu, có bạn bè, tình nhân, hàng xóm, những điều mà các cuốn sử không không mấy khi kể đến, mà có kể đến cũng thường không có các chi tiết về khuôn mặt, giọng nói, tính nết. Mà không có chi tiết thì không viết tiểu thuyết được. Như vậy vai trò sáng tạo của nhà tiểu thuyết không phải là nhỏ và tiểu thuyết lịch sử không chỉ có nhân vật và sự kiện lịch sử mà còn có nhiều nhân vật, sự kiện hư cấu. Nhà văn không chỉ tưởng tượng mà còn đưa sự kiện của quá khứ trở về thời hiện tại của nó, cho người đọc sống lại. Chính vì thế mà nói chung các tác phẩm lịch sử, sử kí, sử biên niên tuy đã có từ xưa, nhưng tiểu thuyết lịch sử thì ra đời khá muộn. Nó chỉ ra đời trên nền tảng của tư duy tiểu thuyết. Nghĩa là khi con người đã biết lấy con người làm trung tâm, và chấp nhận sự hư cấu trong sáng tác. Ở phương Tây tỉểu thuyết lịch sử chính thức ra đời với Walter Scott dầu thế kỉ XIX (1814), cùng thời với chủ nghĩa lãng mạn. Điều này hoàn toàn không phải ngẫu nhiên, bởi vì chỉ với chủ nghĩa lãng mạn thì các nhà văn mới bắt đầu có quan niệm về con người cá nhân và có ý niệm rõ ràng về tiểu thuyết. Nhà tiểu thuyết phải thể hiện quan niệm về con người của một thời đại. Nhà sử học người Anh là D. M. Trevelliana xác nhận rằng, “Nhà thơ Walter Scott một mình đã hiểu được một cách chân thực lịch sử của con người hơn tất cả mọi nhà sử học chuyên nghiệp cộng lại.” Nhà văn M. Gorki cũng nói, “Lịch sử đích thực của con người phải do nhà văn viết chứ không phải do nhà sử hoc viết.”[1] Các ý kiến đó đã cho thấy tầm quan trọng của việc khắc hoạ con người đối với tiểu thuyết lịch sử. Từ đó tiểu thuyết và tiểu thuyết lịch sử mới rầm rộ phát triển. Tiểu thuyết Ba chàng lính ngự lâm và Bá tước Monte Crísto là như thế. Các nhà văn viết tiểu thuyết đồng thời viết tiểu thuyết lịch sử. Trong văn học Nga có thể kể Người con gái viên đại uý của Pushkin, Taras Bulba của Gogol, Chiến tranh và hoà bình của L. Tolstoi. Ở Trung Quốc tiểu thuyết ra đời vào đời Minh khi thị dân và kinh tế hàng hoá đã rất phát triển, và cuốn tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng chính là Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, mà quá trình hình thành cuốn sách chính là hình thành tiểu thuyết ơ Trung Quốc. Nhưng Tam Quốc đang còn tình chất sử thi, chứ chưa hẳn là tiểu thuyết theo nghĩa hiện đại. Ở tiểu thuyết lịch sử không chỉ có lịch sử, có hư cấu mà còn có cả triết lí về lịch sử. Ví như “thiên hạ đại thế, hợp cữu tất phân, phân cữu tất hợp” có vẻ siêu nhiên của kẻ trung dung đứng ngoài trong Tam Quốc diễn nghĩa, hoặc ý niệm về nhân dân trong Chiến tranh và hoà bình. Triết lí là một phương diện chiều sâu của tiểu thuyết lịch sử. G. Lukacs đã cho rằng không chỉ tiểu thuyết nói chung, mà tiểu thuyết lịch sử “phải đạt tới chiều sâu của triết lí lịch sử.” Đó là do nhà sử học chỉ quan tâm sự kiện, nhưng chỉ nhà văn mới quan tâm con người. Ở Việt Nam tuy trước có Lĩnh Nam chích quái lục, nhưng phải đến Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia văn phái, Nam triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm mới coi là có tiểu thuyết lịch sử, nhưng sự vượt lên khỏi sử học ở đây có phần chưa nổi bật, tác giả lệ thuộc sử còn nhiều.
Cần nhận thức rõ sự khác biệt rất lớn giữa tiểu thuyết lịch sử với các thể loại khác về lịch sử, như thơ vịnh sử, diễn ca về lịch sử hay bút kí, kí sự về lịch sử, kịch lịch sử, truyện kể lịch sử. Kí sự và truyện kể lịch sử chủ yếu là ghi việc, chưa có tái hiện đời sống. Ví dụ như một số truyện lịch sử của Phan Bội Châu, nhưng Trùng Quang tâm sử (Hậu Trần dật sử) của ông thì đã là tiểu thuyết, do chịu ảnh hưởng của khẩu hiệu “tiểu thuyết cứu quốc” của Lương Khải Siêu, tuy còn sơ lược. Bàn về tác phẩm của Phan Trần Chúc, Trần Thanh Mại, Đào Trinh Nhất, Nguyễn Triệu Luật…Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại gọi phần lớn là kí sự lịch sử, chứ không phải tiểu thuyết lịch sử. Vũ Ngọc Phan còn chưa bàn đến rất nhiều tác giả viết tiểu thuyết lịch sử khác[2].
Khái niệm văn xuôi lịch sử mở rộng biên độ, bao gồm các thể loại truyện ngắn, truyện vừa về đề tài lịch sử. Về thực chất chúng cũng là tiểu thuyết lịch sử, chỉ khác nhau về dung lượng.
- Tiểu thuyết lịch sử và lịch sử
Sau khi hiểu rõ tiểu thuyết lịch sử là tiểu thuyết, chúng ta sẽ tìm hiểu khía cạnh “lịch sử”của nó, bởi lịch sử phải thích nghi với yêu cầu của tiểu thuyết, chứ không phải ngược lại. Tuy nhiên sự phát triển của tiểu thuyết chỉ mới là điều kiện cần chứ chưa phải điều kiện đủ. Theo ý kiến của G. Lukacs trong sách Tỉeu thuyết lịch sử (1937), sự ra đời của tiểu thuyết lịch sử ở châu Âu bắt đầu từ đầu thế kỉ XIX, sự thất bại của Bonaprte (trùng với sự xịât hiện của tiểu thuyết của Walter Scott.) là vì điều kiện lịch sử của cuộc cách mạng Pháp đã khiến cho con người ý thức được sự đổi thay lịch sử. Trước đó sự đổi thay triều đại được cảm nhận như một cái gì tự nhiên, phi lịch sử. Bây giờ đổi thay phải có logic, có quy luật, có nhiều điều trong nhân quả. Trước đó trong các tiểu thuyết thế kỉ XVII, XVIII các tiểu thuyết lấy lịch sử làm đề tài chỉ thấy lịch sử ở bề ngoài, ở trang phục[3]. Nhưng đó là xét về triết học. Quan niệm truyền thống mà nhiều nhà văn tán thành, nhìn chung, như ý kiến của nhà văn Nhật Bản Kikuchi Kan (1988 – 1948) lịch sử trong tiểu thuyết phải là “các sự kiện và nhân vật nổi tiếng” đã được ghi trong sách sử. Nhà lí luận Nga G. Lenobl trong sách Lịch sử và văn học nêu ra ba tiêu chí của tiểu thuyết lịch sử. Một là nhân vật và sự kiện lịch sử có thật. Hai là nguyên tắc hay chủ nghĩa lịch sử, tức là cho thấy sự xung đột các thời đại, sự quá độ các hệ giá trị. Ba là nội dung của tiểu thuyết phải là hiện thực đã là qúa khứ, mà tác giả và người đọc đều không phải là người đương thời của hiện thực đó. Người đọc luôn cảm thấy có một sự khác thời[4]. Tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, Hoàng Lê nhất thống chí Chiến tranh và hoà bình, là như thế, vừa có nhân vật, vừa có sự kiện lịch sử, và người ta biết sự kiện nào vốn thuộc ai, nay đem gán cho ai. Tỉ lệ “ba phần sự thật bảy phần hư cấu” của Tam Quốc so với lịch sử của Trần Thọ có thể áp dụng chung cho các tiểu thuyết khác.Tính chân thực, xác thực của sự kiện và nhân vật được coi là phù hợp với diễn ngôn lịch sử. Tư tưởng này đã trở thanh tiêu chí cứng của tiểu thuyết lịch sử. Vi phạm điều này coi như thủ tiêu tính chất căn cốt của loại tiểu thuyết này. Tuy nhiên trong thực tế sáng tác có sự mở rộng và xê dịch tiêu chí đó. Ngay từ đầu thế kỉ XIX A. Dumas đã gọi sự kiện lịch sử chỉ như cái đinh để nhà văn mắc cái áo, tức câu chuyện của mình. Như thế sự kiện lịch sử chỉ có giá trị đánh dấu chứ không phải nội dung chủ yếu của tiểu thuyết. Phạm vi “lịch sử” được mở rộng. Các đề tài thần thoại, truyền thuyết thời Hùng Vương được kể lại như Quả dưa đỏ, có ý kiến không xem là lịch sử, nhưng có ý kiến lại xem đó là lịch sử theo quan niệm dân gian vẫn có tính khả tín nhất định của nó, nhất là trong điều kiện ý thức hệ quan phương thống trị chi phối nặng nề. Vậy vẫn là thuộc phạm trù lịch sử? Lại có loại lấy nhân vật trong tiểu thuyết xưa rồi viết thành truyện mới như kiểu truyện Võ Tòng, truyện Lâm Xung, đương nhiên không phải lịch sử, vì đó là nhân vật văn học. Truyện lịch sử tuy có nhân vật lịch sử nổi tiếng, nhưng đã đã được huyền thoại hoá như Phong thần diễn nghĩa, Tây du kí, truyện vũ hiệp của Kim Dung đã đi theo lối huyền sử, thần ma, vũ hiệp, giang hồ, có tính hoang đường rõ rệt, bất khả tín, thiết nghĩ không nên coi là tiểu thuyết lịch sử. Trong các truyện ấy sự hư cấu không khai thác các logich tiềm năng của đời sống lịch sử, mà khai thác các niềm tin về thần tiên, ma quỷ, tín điều tôn giáo, hoặc luật chơi giang hồ, hứng thí chính ở nơi các bí kíp, vũ thuật, không ở sự kiện lịch sử, vậy khó xem là tiểu thuyết lịch sử. Các truyện của Nguyễn Huy Thiệp mà nhân vật lịch sử được kể nhằm những gửi gắm ẩn ý riêng, có tính triết lí, nhưng dung lương nhỏ, mà một số người đã gọi là “truyện giả lịch sử,” hay đúng hơn là ngụ ngôn lịch sử, cũng nên coi thuộc vào phạm trù tiểu thuyết lịch sử. Một số nhà sử học nệ cổ đã lên tiếng phản đối điều này.
Vậy đâu là logic để thừa nhận tính chất lịch sử của các tiểu thuyết mà thiều nhân vật lịch sử chẳng hạn? Tất nhiên tiểu thuyết lịch sử phải có sự thật lịch sử. Phải có sự thật lịch sử, bởi vì phải biết đâu là thật mới có thể biết đâu là hư cấu. Nhà triết học Mĩ là Hilary Putnam năm 1977 đã nêu ra công thức như sau. Nếu xem phản ánh chân thực lịch sử như là mô phỏng hiện thực (mimesis) thì mọi mô phỏng phải thoả mãn hai điều kiện: 1. Phải biết cái gì mô phỏng cái gì, cụ thể là biết văn bản mô phỏng hiện thực nào. 2. Cơ chế mô phỏng lại đòi hỏi, phải chỉ ra sự mô phỏng ý chang cái gì một cách cụ thể. Theo hai điều kiện đó thì ta thấy, nếu chỉ ra được thực tại mô phỏng, thì điều kiện hai bị vi phạm[5]. Như thế thì cả lịch sử lẫn tiểu thuyết lịch sử đều sáng tạo ra các thế giới của mình, mà không ai là cái mô phỏng thực tại lịch sử hết, bởi không bên nào thoả mãn các điều kiện của mô phỏng. Ví dụ nếu biết được đối tượng mô phỏng là cuộc khởi nghĩa chống quân Minh của Lê Lợi, là Lê Lợi, thì việc chỉ ra cụ thể mô phỏng cái gì, không thể làm được. Trong tiểu thuyết cũng vậy, nhà văn biết mình đang hư cấu, bởi đã biệt sự thật. Như vậy khác biệt của lịch sử và của tiểu thuyết lịch sử về một mặt nào đó chỉ là khác biệt về lượng chứ không phải về chất. Trong tiểu thuyết lịch sử, sự kiện lịch sử và nhân vật lịch sử ít hơn, hư cấu nhiều hơn, còn lịch sử thì ngược lại.
Theo lí thuyết, nhiều người cho rằng trong tiểu thuyết lịch sử, giữa lịch sử và thời gian viết phải có một khoảng cách thời gian nhất định để phân biệt với hiện đại, để lịch sử trở thành lịch sử[6]. Ngày nay, do quan niệm văn học phản ánh hiện thực, nhất là hiện thực cách mạng, quá khứ trong tỉểu thuyết không quá cách xa so với thời gian viết, mà chuyện xảy ra chỉ mới vừa qua, trong phạm vi đời người, nhưng chúng cũng đã là lịch sử. Không kể các tác phẩm như Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ, Búp sen xanh đề cập nhân vật lịch sử nổi tiếng giai đoạn đầu thể kỉ XX, rõ ràng phù hợp với tiêu chí tiểu thuyết lịch sử. Các tác phẩm Sống mãi với thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng viết về cuộc chiến đấu bảo vệ thủ đô những ngày đấu kháng chiến chống Pháp, tác phẩm như Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh viết về cuộc chiến 1954 – 1975, Ba người khác của Tô Hoài viết về cải cách ruộng đất, Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh viết về giai đoạn lịch sử hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mĩ, Tuy không có nhân vật lịch sử nổi tiếng, nhưng sự kiện nền tảng là các sự kiện lịch sử có thật, nhân vật tuy khong có nhân vật lịch sử có thật, nổi tiếng đưa vào sách, song các nhân vật hư cấu đã thể nghiệm, chứng kiến các sự kiện lịch sử ấy, qua đó, tác phẩm tái hiện diện mạo, không khí, nhịp độ của lịch sử hay nói cách khác lịch sử là nhân vật chính, cũng nên coi là tiểu thuyết lịch sử. Còn một loại viết dường như muốn tổng kết cả một giai đoạn lịch sử đương đại như Thời của thánh thần của Hoàng Minh Tường, Dưói chin tầng trời của Dương Hướng, tương tự như loại trên, cũng phải coi là tiểu thuyết lịch sử. Ở Nga tiểu thuyết Bác sĩ Givago của Boris Pasternak không có nhân vật lịch sử nổi tiếng có thật vẫn được coi là tiểu thuyết lịch sử dạng mới[7]. Tác phẩm Đất vỡ hoang của Sholokhov viết xong tập 1, tập 2 mười lăm sau mới ra đời, khi cuộc tập thể hoá nông nghiêpợ đã trở thành lịch sử. Do đó tiểu thuyết cũng thành tiểu thuyết lịch sử. Ở đây cần ghi nhận ý kiến của Lukacs như sau: tiểu thyết lịch sử không chỉ bảo đảm việc miêu tả hoàn cảnh duy trì được không khí lịch sử, mà quan trọng hơn, là “miêu tả trung thực bằng nghệ thuật một thời kì lịch sử cụ thể”, với sự kiện, nhân vật lịch sử, điều này theo ông quan trọng hơn cả việc có mặt nhân vật lịch sử.
- Chủ nghĩa tân lịch sử và quan niệm mới về lịch sử và tiểu thuyết lịch sử
Chủ nghĩa lịch sử truyền thống đã nhồi vào ý thức mọi người một quan niệm, rằng mọi sự thực được chép vào sách sử là chân lí khách quan. Bởi vì lịch sử, bắt đầu từ sử biên niện, hoặc sử truyện đều là sự ghi chép những gì xảy ra trên thực tế do người đương thời ghi chép. Từ Aristote đã phân biệt rõ, sử học ghi lại những việc đã xảy ra, còn thơ ca ghi những gì có thể xảy ra. Sự khác biệt ấy về lí là rất rõ. Ở phương đông chúng ta cũng nhớ có những nhà sử viết sử, thà bị vua chém đầu chứ không chịu ghi sai sự thật. Cái huyền thoại ấy cũng nói lên ý thức thượng tôn sự thật khách quan, không vì lí do gì bẻ cong ngòi bút. Rồi với ý thức khoa học lên cao từ cuối thế kỉ XIX sử học được khẳng định là một khoa học phản ánh sự thật lich sử khách quan, điều ấy được coi là định luận.
Nhưng với chủ nghĩa lịch sử mới, bắt đầu xuất hiện từ những năm 60 – 70, thịnh hành vào những năm 80 thế kỉ XX, tính khoa học của sử học bị chất vấn. Các nhà tân chủ nghĩa lịch sử nêu câu hỏi: phải chăng lịch sử là một ngành khoa học? Khi mà mỗi triều đại lên chấp chính liền cho viết lại lịch sử và gọi đối thủ lịch sử của mình là nguỵ triều. Tình trạng nhà Mạc, chúa Trịnh là như thế mà ngày nay sử học đang mới khắc phục phần nào. Ngay lịch sử chiến tranh thế giới lần thứ nhất không hề chỉ ra được nguyên nhân, số thương vong, mỗi sách nói một khác. Câu hỏi liệu lịch sử có thể tái hiện được toàn bộ quá khứ như nó đã thực sự diễn ra không, đã được trả lời hoài nghi, phủ định bởi sự thật lịch sử đã là quá khứ, không tồn tại, nó chỉ hiện diện trong văn bản, do văn bản kiến tạo nên, mà ở đó diễn ngôn lịch sử bị ý thức hệ chi phối. Rút cuộc lịch sử chỉ là diễn ngôn, là văn bản. Trong Nhà văn hiện đại Vũ Ngọc Phan đã nhận xét không thể lấy văn bản này mà bắt bẻ văn bản khác. Lịch sử chỉ là sự ghi chép, trình bày diễn đạt các sự kiện đã xảy ra theo một quan điểm nào đó, chứ không phải sự thật như nó vốn có. Lịch sử chỉ là văn bản, còn nội tình văn bản ghi chép thế nào không mấy ai biết, bởi nhiều sự thật sử học được ghi và cũng nhiều sự thật không được ghi hoặc ghi sai. Điều này chỉ cần quan sát sách sử và báo chí ngày nay thì biết. Tuy nhiên xin nói ngay, những chỗ ghi sai hoặc hư cấu trong lịch sử là không thể chấp nhận. Không thể lấy cớ văn bản hoá lịch sử để xoá nhoà lịch sử không được hư cấu với tiểu thuyết có thể hư cấu. Chỗ này White chưa ổn. Tiếp theo, một khi lịch sử đã là văn bản vậy nó được ghi thế nào? Theo Hayden White, lịch sử là một tự sự. Để cho câu chuyện lịch sử hoàn chỉnh, có logich sử học cũng phải hư cấu, và có bốn phương thức tu từ của tự sự lịch sử: lãng mạn, khi kết thúc tốt đẹp; bi kịch khi thất bại bi đát, hài kịch, khi nhân vật lịch sử đóng vai hề, và châm biếm, khi một kẻ ngu dốt đóng vai vĩ nhân. Với cách lập luận đó diễn ngôn lịch sử có nhiều mặt tương đồng với diễn ngôn tiểu thuyết lịch sử. Lí thuyết lịch sử đó được gọi là “thi pháp học văn hóa”. Thực tế đó cho thấy vì sao mà có nhiều truyện lịch sử có thể chuyển sang tiểu thuyết hoặc kịch, chỉ cần sửa sang, bổ sung chút ít. Thực tế đó cũng nắn lại ý kiến của Aristote, rằng ông chi nói đến sự thật xảy ra mà chưa thấy việc lịch sử phải được văn bản hoá, diễn ngôn hoá. Mà diễn ngôn hoá thì phải khai thác các tiềm năng, khả năng trong sự thật, mà ở phương diện này, lịch sử và tiểu thuyết gần nhau. Tất nhiên như thế không có nghĩa là sử học và tiểu thuyết sẽ đồng nhất. Câu hỏi thứ ba của White là: vậy lịch sử nằm ở vị trí nào trong hệ thống tri thức của nhân loại? Lịch sử là lĩnh vực nằm giữa khoa học và nghệ thuật, và vì vậy nó mang bản chất hư cấu và tràn đầy định kiến. Như vậy sử học không phải khoa học mà cũng không phải nghệ thuật[8]. Vậy sự khác biệt giữa sử học và tiểu thuyết lịch sử là ở chỗ nào? Khác với R. Barthes và H. White có xu hướng đồng nhất, nhà triết học Pháp Paul Ricoeur trong sách Thời gian và truyện kể đã nêu ra quan niệm về một “tự sự học vĩ đại”, bao gồm cả tự sự văn học và tự sự lịch sử, Về mối quan hệ giữa tiểu thuyết lịch sử và lịch sử, ông coi là hai dạng sáng tác và phân biệt: văn chương hoá lịch sử và lịch sử hoá văn chương. Tiểu thuyết lịch sử thuộc loại thứ nhất, còn sử học thuộc loại thứ hai. Theo nhà triết học Anh gốc Hungari Imre Lakatos thì thực tại lịch sử chỉ tồn tại trong quá khứ, hiện tại thì không còn nữa, nhưng phủ nhận tính thực tại của nó thì không được vì nó không phải là hư cấu. Cho nên không thể đánh đồng lịch sử và văn học. Mặt khác, cho dù nắm bắt sự thật lịch sử, thì sự thật có thể được chọn vì luận điểm nào đó, song nó không quyết định khuynh hướng diễn giải, giải thích, sự thật lịch sử cũng không khẳng định một diễn giải nào đó là sai hay đúng.nghia là sự đúng sai nằm ở mặt bằng logic của diễn ngôn. Cho nên theo Gregory Hieromonk lịch sử hay văn học về bản chất đều là những diễn ngôn xã hội, chỉ khác về chức năng. Chức năng của lịch sử là làm ra sự thật, còn chức năng của tiểu thuyết là làm ra cái tưởng tượng. Do đó không được lẫn lịch sử và tiểu thuyết[9]. Sự khác biệt của lịch sử và tiểu thuyết lịch sử là về chức năng. Lịch sử là “khoa học” cho nên sự kiện lịch sử nhiều hơn. Chức năng của tiểu thuyết lịch sử là “nghệ thuật”, cho nên sự kiện lịch sử ít hơn. Chúng không khác nhau về chất, mà khác nhau về lượng. Đó là những quan niệm chung nhất về lịch sử và tiểu thuyết lịch sử thời nay. Từ đầu thế kỉ XX các nhà tư tưởng như P. Valery, M. Heidegger cho đến J-P. Sartre, C. Levis Strauss và Michael Foucault đã hoài nghi lịch sử như môt khoa học khách quan và kết luận của họ là chân lí. Trong khi đó, “sử học dù sao cũng đã thay đổi, nó không còn chứng tỏ mình là công cụ hữu hiệu để nắm bắt tri thức về quá khứ, điều đó thì toàn bộ lịch sử của khoa học lịch sử thời gian gần đây đã chúng minh rồi. Trong ba mười năm gần đây các nhà sử học trên thực tế không hề sáng tạo ra phương pháp nghiên cứu nào mới, và “lịch sử văn hốa mới” được coi như là phương pháp luận mới nhất”[10] Trong tương quan đó, tiểu thuyết lịch sử nhiều khi còn có khả năng đạt đến chân lí lịch sử sâu sắc hơn và chính xác hơn bản thân sử học. Bởi vì vấn đề không ở bản thân sự kiện lịch sử và nhân vật lịch sử, mà ở tầng hàm nghĩa của chúng. Chân lí của sử học là chân lí tương đối, có tính chủ thể và liên chủ thể. Trong các thời đại mà tiểu thuyết lịch sử chưa phát triển, sử học cũng không phải là tài liệu duy nhất về thời đã qua. Không phải ngẫu nhiên mà đã xuất hiện các hình thức dã sử, các thập di, bổ di, các kí sự lịch sử của người không thuộc triều đình viết ra để bổ sung, đính ngoa so với chính sử. Bên cạnh các kinh thư còn có các vĩ thư, chủ yếu là thần thoại hoá các nhân vật lịch sử. Đến thời đại tiểu thuyết lịch sử phát triển thì nó laị có thể mở rộng, đào sâu thậm chí cạnh tranh chân lí lịch sử với chính sử góp phần khắc phục những định kiến hẹp hòi. Cho nên quan niệm xem tiểu thuyết lịch sử chỉ là minh hoạ lịch sử, “văn chương hoá lịch sử” một cách giản đơn là thu hẹp chức năng của tiểu thuyết lịch sử.
- Các hình thái của tiểu thuyết lịch sử trong thời đại tân chủ nghĩa lịch sử
Trong thời đại mà trên thế giới các đại tự sự bị hoài nghi, ở các nước xã hội chủ nghĩa cũ đang diễn ra cuộc đổi thay mạnh mẽ về cơ sở kinh tế và ý thức xã hội như Nga, Trung Quốc, Việt Nam, tiểu thuyết lịch sử đã có nhiều thay đổi. Lấy Trung Quốc làm ví dụ, tư tưởng giả cấu trúc, tư tưởng chủ nghĩa lịch sử mới đã được dịch, giới thiệu rộng rãi ở Trung Quốc từ giữa các năm 80 và có ảnh hưởng sâu rộng trong giới văn học. Quan niệm về lịch sử truyền thống của Đảng cộng sản Trung Quốc thời Mao Trach Đông,phản ánh lịch sử theo một định hướng thống nhất, gọi là “lịch sử chủ lưu”, đấu tranh giai cấp, theo hướng dân chủ tiến bộ, thời đại cách
mạng do đảng cộng sản lãnh đạo tiến lên chủ nghĩa xã hội đã bị phế bỏ[11], thay vào đó là quan niệm lịch sử mới và những sáng tác tiểu thuyết lịch sử mới. Hình thành sự tương phản giữa tiểu thuyết lịch sử cũ và tiểu thuyết lịch sử mới. Tiểu thuyết lịch sử cũ có ba đặc điểm. Một là hư cấu đỏ, viết để biểu dương các anh hung vô sản. Hai là tính chất ý thức hệ, thuyết giáo đậm đặc. Ba là đối lập nhị nguyên ta/địch, thiện/ác, tiên tến /lạc hâu, vô sản/tư sản. Tiểu thuyết lịch sử mới của Trung Quốc từ giữa những năm 80 trở đi đã trai qua ba giai đoạn. Giai đoạn đầu với loại tiểu thuyết “tầm căn” các nhà văn có xu hướng muốn từ góc độ văn hoá đi tìm câu trả lời cho bi kịch hiện đại. Giai đoạn hai là giai đoạn tiểu thuyết lịch sử mới. Các nhà văn bỏ hẳn mô hình lịch sử quan phương của cuộc đấu tranh địch ta mà trở về với các truyện lịch sử gia tộc, lịch sử của các quan nhỏ (bai quan), lịch sử của các hiện tượng xã hội như chế độ đa thê…Các lịch sử ấy đã bỏ xa các lịch sử vĩ mô chỉ gồm các sự kiện lớn với các ông lớn, mà chuyển thành các lịch sử bé, các mảnh vụn đời sống. Nó cũng bỏ xa các lịch sử chính trị mà đi vào lịch sử sinh hoạt, phong tục. Bỏ qua các ý thức hệ quan phương các nhà tỉểu thuyết chọn điểm nhìn dân gian, trở về với các quan điểm đã có trong các tiểu thuyết xưa như Thuỷ Hử. Thí dụ như trong Cao lương đỏ của Mạc Ngôn đã miêu tả các hành vi thổ phỉ với tinh thần yêu nước, không cần ai giác ngộ, lãnh đạo, nhưng đều gặp nhau ở cuộc kháng Nhật. Tiêu biểu là tiểu thuyết Linh kì của tác giả Kiều Lương, kể về một trận đánh thảm bại của Hồng quân Trung Quốc tại sông Tương giang, người kể là một người lính đã đào ngũ, không có biểu dương anh hùng, không có quan tâm ai thắng ai, không quan tâm tính chất của cuộc chiến, vứt bỏ tính chính trị, mà chỉ có trần trụi cuộc chiến tranh vật lộn, giành giật sự sống chết giữa hai loại người được gọi là ta và địch. Nó đã hoàn nguyên bộ mặt chân thực của chiến tranh. Hàng loạt tác giả từ Mạc Ngôn, Cách Phi, Tô Đồng, Diệp Triệu Ngôn,..là như thế. Tiểu thuyết lịch sử Cuộc đời đế vương của tôi của nhà văn Tô Đồng, tác giả kể theo điểm nhìn của một hoàng tử, được mẹ nhiếp chính, kể mọi chuyện âm mưu cung đình, tranh giành quyền lực ở hậu cung, nhưng lại cố ý làm nhoè về nhân vật và thời gian, người ta có thể nghĩ là đời tam quốc, mà cũng có thể nghĩ là đời nhà Minh hoặc đời nhà Thanh, thể hiện một ý thức hư vô về lịch sử. Ở đây loại sự kiện lịch sử đã có, song không có niên đại, nhưng vẫn gọi là tiểu thuyết lịch sử. Từ giữa những năm 90 trở đi tiểu thuyết lịch sử Trung Quốc chuyển sang một dạng thức mới, đó là “đùa cợt lịch sử”. Đó là các trường hợp như Tể tướng Lưu Gù, Càn Long du Giang Nam…nhà văn chế giễu, đùa cợt với các nhân vật lịch sử. Vậy là văn học đã vượt qua loại tiểu thuyết chính trị hoá, ý thức hệ hoá, vượt qua đại tự sự hoá của một thời mà bất cứ hành vi nào của nhân vật cũng có thể “ảnh hưởng đến hoà bình thế giới”, để chuyển sang những mô hình tiểu thuyết lịch sử mới với hình thức đa dạng. Trong các hình thức mới này khái niệm sự kiện lịch sử được hiểu rất rộng. Nó có thể là sự kiện chính trị, chiến dịch, trận đánh, có thể là lịch sử phong tục, tập quán (như đa thê), lịch sử môt trò chơi (như chơi diều), tục hành hình tàn nhẫn (như lăng trì)…Sự kiện lớn với các ông lớn có thể cần, nhưng không nhất thiết phải là nền tảng của tiểu thuyết lịch sử. Với chủ nghĩa tân lịch sử các tiêu chí của tiểu thuyết lịch sử được nới lỏng dần.
Tóm lại cần phân biệt tiểu thuyết lịch sử với truyện sử, kí sự lịch sử và lịch sử. Về nội dung lịch sử cũng cần nhìn thấy có nhiều cấp độ, có thể có sự kiện và nhân vật lịch sử nôi tiếng, mà cũng có thể chỉ có sự kiện lịch sử, có thể tái hiện như bức tranh hiện thực, mà cũng có thể chỉ là ngụ ngôn. Nhìn lại tiểu thuyết lịch sử Việt Nam trong thời đương đại ta thấy có rất nhiều loại. Bên cạnh loại tiểu thuyết lịch sử “chính hiệu” như Bão táp Triều Trần, Tám đời vua Lý của Hoàng Quốc Hải, Mạc Đăng Dung của Lưu Văn Khuê, Hội thề của Nguyễn Quang Thân, Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác…viết về các thời quá khứ, còn có truyên ngụ ngôn lịch sử như truyện của Nguyễn Huy Thiệp. Hàng loạt tiểu thuyết lịch sử mà chỉ có sự kiện lịch sử lớn, mà không có nhân vật lịch sử nổi tiếng như Ba người khác, Nổi buồn chiến tranh, Thời của thánh thần… Có loại, nội dung tiểu thuyết lịch sử giấu trong một bố cục tiểu thuyết đời thường, như Mình và họ của Nguyễn Bình Phương, Xác phàm của Nguyễn Đình Tú. Những tiểu thuyết lịch sử có diễn ngôn khác với diễn ngôn chính thống theo chúng tôi chính là tiểu thuyết tân lịch sử chủ nghĩa. Dạng tiểu thuyết tân lịch sử chủ nghĩa của Việt Nam còn sơ lược, và chưa có nhiều thành công. Tuy vậy nó cũng mở ra một triển vọng mới cho thể loại tiểu thuyết lịch sử..
Nguồn: Nhiều tác giả, Những vấn đề văn học và ngôn ngữ Nam Bộ, NXB. Đại học Quốc gia TP.HCM, 2016
Chú thích:
[1] Trích theo bài báoTiềm năng giáo dục nhân văn của tiểu thuyết lịch sử, Zolina E. N., tạp chí của IEGU, tập 1, năm 2006, tr. 1.
[2] Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại, trong Vũ Ngọc Phan tuyển tập, 4 tập, tập một., nxb Văn học, 2005.
[3] Tiểu thuyết lịch sử, G. Lukacs, Phùng Trực Sinh dịch từ tiếng Hung, bản in năm 1977, Budapest. Trong sách Nghệ thuật tiểu thuyết, nxb KHXH, Bắc Kinh, 1999, tr.229 – 242.
[4] Lenobl G. Lịch sử và văn học, nxb Nhà văn xô viết, M., 1960, tr. 288.
[5] Hilary Putnam, Lí trí, chân lí và lịch sử, Cambrridge, 1981, Bản dịch tiếng Nga, M., 2002.
[6] Luận án tiến sĩ khoa học của Sedrina N. M. về tiểu thuyết lịch sử Nga, bảo vệ năm 1995 tại Đại học tổng hợp Ufa
[7] Luận án tiến sĩ khoa học của C. Polivanov, bảo vệ tại Đại học Tartu, ngày 22 – 4 -2015.
[8] Công trình của H. White tuy được coi là có tính cách mạng trong nghiên cúu lịch sử, song không phải không có khuyết điểm. Khuyết điểm đó là nghiên cứu lịch sử theo lối tiếp cận chủ chủ nghĩa cấu trúc, mà trong Lời tựa viết cho lần xuất bản tiếng Nga cuốn Siêu lịch sử ông nói, nếu bây giờ viết lại ông sẽ không viết như thế. Tuy nhiên ông vẫn khẳng định đóng góp của mình, cho dù có những ý kiến phê phán.
[9] Xem Frank R. Ankersmid, L. Dolezel. and narratology of History của Hieromonk Gregory, Sankt Petersburg. http-cf.hum.uvanl-narratology-a05_pdf-narratio-ankersmit-dolezel.pdf.url
[10] Nhận định của Evgenii Savitski trong bài đăng trên tạp chí Bình luận văn học mới, số 66 năm 2011, nhan đề là Nói sự thật như thế nào? bình luận về thế giới khả năng của L. Dolezel.
[11] Nhìn lại tư trào văn học tân lịch sử nghĩa mười năm, Trương Thanh Hoa, trong tập: Tư liệu nghiên cứu tư trào văn học TRung Quốc thời kì mới, tập trung, Tế Nam, Sơn Đông xuất bản, 2006, tr. 468. Xem thêm: Tư trào văn nghệ tân lịch sử chủ nghĩa ở Trung Quốc, của Trương Tiến, trong sách Lịch sử tư trào văn nghệ Trung Quốc thế kỉ XX, Cát Hồng Binh chủ biên, tuyển chọn, tập một, nxb Đại học Thượng Hải, 2006, tr. 180 – 194.