Bài viết phân tích tiểu thuyết ”Từ Dụ thái hậu” của Trần Thùy Mai từ góc nhìn thể loại qua ba phương diện: cái nhìn rộng mở, giàu tính đối thoại về lịch sử; xóa bỏ ‘khoảng cách sử thi’ trong việc tái hiện lịch sử và lối trần thuật linh hoạt, hấp dẫn. Qua đó khẳng định tác phẩm không chỉ tạo được một bầu khí quyển sống động như thật mà còn thể hiện tinh thần sẵn sàng đối thoại, nhận thức, lý giải, làm rõ những mơ hồ, uẩn khúc lịch sử.
Đọc một trước tác lịch sử, ta khó mà có được những phức cảm như đau buồn, xót thương, kinh ngạc, sợ hãi, căm giận, nuối tiếc… Đơn giản vì ở đó chỉ có những sự kiện, con số, tên người, địa danh… khô khan, không cảm xúc. Trong khi đó, bằng nghệ thuật ngôn từ, bằng vốn sống và trí tưởng tượng phong phú, các nhà tiểu thuyết lịch sử, nhất là những nhà văn có tầm vóc, có thể mang lại cho chúng ta điều này qua việc làm quá khứ sống dậy, hiện hữu như bằng xương bằng thịt, tác động đến mọi giác quan người đọc. Từ Dụ thái hậu của Trần Thùy Mai là một tác phẩm như thế. Tiểu thuyết cũng không phải là thể loại quen thuộc với nữ nhà văn gốc Huế, thậm chí, Từ Dụ thái hậu là tác phẩm đầu tiên thuộc thể loại tự sự cỡ lớn trong văn nghiệp của bà nhưng điều khiến ta không khỏi thích thú và thán phục là bởi sự hấp dẫn trong bút pháp tự sự về lịch sử và sự già dặn trong nghệ thuật tiểu thuyết của Trần Thùy Mai.
Viết tiểu thuyết lịch sử, hẳn là Trần Thùy Mai đã thấy rõ những khác biệt, thậm chí đối lập giữa lịch sử và tiểu thuyết. Nếu lịch sử là câu chuyện của quá khứ thì tiểu thuyết là diễn ngôn của thì hiện tại. Nếu văn bản lịch sử đòi hỏi tính xác thực thì tiểu thuyết cho phép nhà văn hư cấu. Nếu nhà chép sử đòi hỏi phải có cái nhìn khách quan thì nhà tiểu thuyết viết về lịch sử chủ yếu bằng vốn sống, vốn tri thức, kinh nghiệm cá nhân và sự phong phú của tâm hồn. Nhưng có lẽ do chính những đối nghịch ấy, tiểu thuyết trở thành thể loại phù hợp hơn cả so với các hình thức nghệ thuật khác trong việc nhận thức, tái hiện lịch sử. Phải thế chăng mà sau khi đã thành công với thể loại truyện ngắn ở nhiều mảng đề tài khác nhau, Trần Thùy Mai đã thử sức mình ở thể loại tiểu thuyết, trong đề tài lịch sử dân tộc?
1. Cái nhìn rộng mở, giàu tính đối thoại về lịch sử
Cũng như việc đánh giá nhiều vấn đề quá khứ khác, trong cái nhìn trước đây, vai trò lịch sử của triều Nguyễn từng bị phủ nhận, thậm chí từng có lúc bị lên án gay gắt. Gần đây, trong cái nhìn rộng mở và biện chứng hơn, các nhà nghiên cứu đang dần “nhìn lại” cho khách quan những đóng góp của triều đại phong kiến này1. Trần Thùy Mai như đã sẵn sàng đối thoại, không chỉ với những cái nhìn một chiều/ quan điểm độc thoại của một thời mà còn với cả đương thời. Vượt lên mọi định kiến, nhà văn viết về các vị vua triều Nguyễn bằng tất cả sự trân trọng, bởi trong mắt bà, họ trước hết là những bậc chí tôn nhưng sau đó là những con người. Vậy nên, các ưu điểm, nhược điểm của mỗi vị hoàng đế được miêu tả trong tiểu thuyết đưa đến cho người đọc cảm giác chân thực và có tính thuyết phục cao. Thuyết phục không chỉ ở tính chất “người thực việc thực” của tên người, địa danh, sự kiện mà còn trong sự logic của tính cách nhân vật, những biểu hiện sinh động của hành động, lời nói. Dù sẵn sàng trong một tâm thế tự tin như vậy nhưng viết tiểu thuyết về lịch sử với Trần Thùy Mai hẳn nhiên vẫn là một thách thức lớn.
Ý thức về vị thế của người đi sau, Trần Thùy Mai đã chọn một góc nhìn khác về lịch sử nhà Nguyễn: không phải là công cuộc gây dựng cơ đồ hay thống nhất giang sơn, không phải là lúc cam go đối phó với ngoại xâm, mà là lúc thịnh trị. Chọn giai đoạn lịch sử ít biến động nhất của triều Nguyễn, nhà văn chỉ tập trung miêu tả câu chuyện nội tộc. Các sự kiện đáng kể ở đây là việc bỏ trưởng lập thứ (không chọn Hoàng tôn Đán – con của Hoàng tử Cảnh là hoàng tử trưởng của vua Gia Long, mà chọn Hoàng tử Đảm – con thứ lên nối ngôi vua Gia Long), là vụ Mỹ Đường bị cho là có quan hệ bất chính với người mẹ ruột là Tống Thị Quyên… Các biến cố này cũng chính là những điểm nhấn quan trọng của cốt truyện, có thể tạo nên những cú sốc ít nhiều cho độc giả. Dù luôn giữ thái độ trần thuật khách quan, điềm tĩnh, Trần Thùy Mai cũng không giấu nổi xúc động trước mỗi sự kiện lịch sử như thế. Người đọc có thể thấy được niềm xót xa của người kể trong câu chuyện đầy oan khuất của mẹ con Mỹ Đường, nỗi ngạc nhiên trước kết cục cay đắng của cuộc hôn nhân giữa Lê Yên và công chúa Ngọc Ngôn, nỗi sợ hãi mơ hồ trước hàng loạt động thái quyết liệt nhằm củng cố quyền lực của Minh Mạng (chủ trương Tứ bất lập, ban hành Đế hệ thi, Phiên hệ thi)… Riêng vụ án Mỹ Đường, bằng việc xoáy vào tâm trạng đầy dằn vặt, khổ đau của Phạm Đăng Hưng – một nhà chép sử ngay thẳng, trung thực, Trần Thùy Mai đã khiến người đọc không khỏi nghẹn ngào trước kết cục đau xót của vợ con Hoàng tử Cảnh: “Cái đau khổ nhất của ta bây giờ là sẽ chép vào sử làm sao đây? Làm sao ta chép cái việc ô nhục ấy cho người ta, trong khi chính Đức ông Lê Văn Duyệt cũng không biết thực hư?”2.
Nghĩa là, việc chọn góc nhìn không phải là cuộc chiến chống ngoại xâm như các nhà tiểu thuyết lịch sử trước đây đã giúp Trần Thùy Mai có điều kiện thể hiện những góc khuất của lịch sử. Bên cạnh những mưu toan chính trị dẫn đến nhiều biến cố không thể không chép lại trong sử sách3, những chuyện xảy ra trong chốn thâm cung mới thực sự đòi hỏi sức tưởng tượng và khả năng hư cấu của nhà tiểu thuyết bởi sử gia thường không ghi chép những chuyện này. Cũng chính vì yêu cầu cao của việc tái hiện các câu chuyện không có trong chính sử, tính đối thoại/ khả năng đối thoại của tiểu thuyết càng cao. Theo M. Bakhtin, trong sáng tạo văn học, nhất là tiểu thuyết, đối thoại không chỉ được sử dụng như một hình thức bố cục ngôn ngữ mà còn có thể thẩm thấu trong toàn bộ cấu trúc, toàn bộ các tầng ý nghĩa và biểu cảm, tạo nên tính đối thoại của một văn bản. Và chính “tính đối thoại nội tại ấy của ngôn từ, vốn không biểu hiện bằng những hình thức bố cục đối thoại bên ngoài, không tách rời như một hành động độc lập khỏi quá trình ngôn từ thâu tiếp đối tượng – chính tính đối thoại nội tại ấy lại có một sức mạnh cấu tạo phong cách vô cùng to lớn”4. Nó làm nên chất tiểu thuyết – thứ men khiến cho người ta say đọc một cuốn sách. Đối với sách viết về lịch sử, điều này lại càng hết sức quan trọng, bởi bản thân lịch sử mà người ta tri nhận, thông thường chỉ là những sự kiện, con số, tên người gắn với những địa danh chiến trận/ chiến thắng.
Bên cạnh việc nhìn sâu vào những góc khuất của lịch sử, “tính đối thoại nội tại” trong Từ Dụ thái hậu được thể hiện rõ ở cách tái hiện các nhân vật lịch sử mà hình tượng Minh Mạng là một ví dụ rất tiêu biểu. Bằng tất cả những hiểu biết về con người, Trần Thùy Mai cho thấy Minh Mạng là một nhân cách đa diện. Con người ấy có lúc công minh, vì xã tắc, có lúc lại tư thù, dùng mọi thủ đoạn để củng cố và độc tôn quyền lực (vu oan cho mẹ con Tống Thị Quyên và Mỹ Đường – vợ con của Hoàng tử Cảnh); có lúc rất tinh đời, hiểu người (“Hoàng thượng sáng suốt, đã hiểu thần hơn cả chính thần!” – lời Phạm Đăng Hưng); có lúc lại dùng nhầm người dẫn đến loạn (cử Bạch Xuân Nguyên vào trấn giữ Gia Định thay Lê Văn Duyệt); có lúc nhân từ, hiền hậu (trong đối xử với Ngô Thị Chính), có lúc độc ác, chuyên quyền (đưa ra chính sách tứ bất lập, đặt tên các hoàng tử để phân biệt đẳng cấp…); có lúc lãng mạn, tình tứ (“Trẫm sẽ cho trồng hoa trà mi ngập tràn cung thất của nàng” – nói với Nguyễn Thị Bảo); có lúc lạnh lùng, sắt đá (màn xử tội Trương Công Khế)… Qua nhân vật Minh Mạng, Trần Thùy Mai thể hiện rõ năng lực thấu hiểu và thể hiện con người. Dù cho trong tương quan với cốt truyện, Minh Mạng không phải là nhân vật trung tâm của tiểu thuyết, nhưng với việc tạo dựng được những tính cách như vậy, tác phẩm trở nên thực sự có sức hấp dẫn. Nhân vật lịch sử không còn là những cái tên trong quá khứ xa lạ mà như “người đương thời”. Minh Mạng không phải chỉ là một ông vua, một vị hoàng đế mà trước hết là một con người, rất người. Bên cạnh nhân vật lịch sử phức tạp này, nhiều tên tuổi khác như hoàng đế Gia Long, Thiệu Trị, Phạm Đăng Hưng, Hoàng phi… cũng đều được đặt dưới nhiều sự soi chiếu nhưng nhà văn thì thường giấu mình đi, không thể hiện rõ quan điểm của mình. Cách thể hiện nhân vật lịch sử như thế rất phù hợp với đặc trưng thể loại của tiểu thuyết hiện đại.
2. Xóa bỏ “khoảng cách sử thi” trong việc tái hiện lịch sử
Tính đối thoại, như nói ở trên, đã phần nào xóa bỏ khoảng cách sử thi giữa điểm nhìn người kể chuyện với các nhân vật, sự kiện lịch sử. Bên cạnh đó, Trần Thùy Mai còn tập trung bút lực miêu tả nội tâm con người, khiến cho các nhân vật lịch sử trở nên rất sống động. Dùng bút pháp tả cận cảnh, nhất là miêu tả diễn biến nội tâm mà điểm nhấn là nỗi hờn ghen rất con người, tác giả đã tái hiện sinh động những cuộc chiến khốc liệt chốn thâm cung.
Trong bộ ba tiểu thuyết nói về công cuộc phục hưng nhà chúa Nguyễn của Tân Dân Tử5, người đọc ít thấy bóng dáng của các vương mẫu, vương phi/ hoàng hậu… Chỉ khi tình thế nan nguy hoặc cần có những quyết định trọng đại, các nhân vật này mới xuất hiện và thường là bên cạnh Nguyễn vương trong tư thế của người lắng nghe và bị thuyết phục hay nói những lời hữu lý. Chẳng hạn vương mẫu, vương phi, Ngọc Du công chúa cùng xuất hiện ở hồi thứ hai mươi (Gia Long tẩu quốc) khi “Đức Nguyễn-vương cầu Xiêm cứu viện”; công chúa Ngọc Duệ từ hồi thứ hai mươi bốn (Gia Long tẩu quốc) thì được miêu tả như một trang liệt nữ; vương phi ở hồi thứ bảy (Hoàng Tử Cảnh như Tây) “là người rất thông minh hiền đức”, nghe lời Hoàng thượng, hành động có ích cho nhân quần, nhất là cho sự phát triển của phụ nữ… Còn ở Từ Dụ thái hậu, lần đầu tiên những “cuộc chiến chốn thâm cung” của một vương triều, trong một hoàng cung được phơi lộ, được miêu tả cận cảnh, tường tận, trở thành chủ đề chính của tác phẩm. Trong những cuộc chiến không tiếng súng mà mức độ ác liệt của nó là sinh tử, một còn một mất, nhiều nhân vật nữ của Trần Thùy Mai đã giúp người đọc hình dung được phần nào sự khốc liệt của chính trường, của cuộc giành giật tình yêu, ngôi thứ, quyền lực. Ở nơi cung vàng điện ngọc nhưng mỗi người một mối lo âu và luôn cảm thấy số phận mình bất hạnh. Thậm chí, càng ở ngôi cao, người ta càng cảm thấy mình nhiều đau khổ vì luôn phải toan tính, luôn cảm thấy cô đơn/ bị bỏ rơi, luôn nằm trong “tầm ngắm” của những âm mưu, thủ đoạn. Những từ ngữ dùng để diễn tả các trạng thái này như “mếu máo”, “vùng vằng”, “khép mi mệt mỏi”, “mở choàng mắt”, “sa sầm mặt”, “nhíu mày”, “cười khẩy”, “ghé sát thì thầm”, “nước mắt chảy ướt gối”… thường được dùng cho cả Hoàng hậu lẫn Nhị phi, Tam phi, cả Hồ Thị Hoa, Tống Thị Quyên, Ngô Thị Chính… Trong các cuộc chiến chốn cấm thành qua bốn đời vua, Nhị phi Trần Thị Đang luôn là nhân vật trung tâm, là người khởi xướng. Bà không chỉ muốn sắp đặt lại địa vị cho mình, cho con trai mình (Hoàng tử Đảm), mà còn cho cả cháu nội (Hoàng tôn Tông)… Vậy nên, mọi lời nói, hành động của Nhị phi đều chứa đựng những mưu toan. Trần Thùy Mai đã dành nhiều từ ngữ đặc tả ngoại hình, lời nói, hành động, khắc họa rõ nét một người đàn bà ham quyền lực, nhiều mưu kế, đã muốn gì là quyết làm cho bằng được. Về ngoại hình: “Đôi mắt người đàn bà tỏa ra một thứ ánh sáng lạ lùng và cương quyết, khiến trong giây lát mọi người như bị thôi miên”6. Về lời nói, mỗi lời của Nhị phi đều sắc nhọn như dao, khiến hoàng thượng Gia Long nghe cũng thấy mệt mỏi: “Ái khanh, những gì nàng nói ra đều là sự thực, nhưng tại sao sự thực từ miệng nàng bao giờ cũng nhuốm một màu đen tối ảm đạm khiến nhiều khi trẫm sợ phải nghe!”7. Còn Tam phi Ngọc Bình khi vừa mới sinh hoàng nam, nghe những lời của Nhị phi: “Nàng cảm thấy như ai đánh một chùy vào giữa ngực. Tất cả máu trong người nàng như đông đặc lại, tắc nghẽn trong từng thớ mạch”8. Không chỉ diễn tả vẻ bề ngoài, nhà văn còn “phơi bày” nhiều mưu toan thâm hiểm của nhân vật qua những miêu tả nội tâm. Có thể nói, không có biến cố nào của lịch sử trong quãng thời gian trị vì của các đời vua Gia Long, Minh Mạng, Trần Thị Đang lại đứng ngoài cuộc. Để đạt được mục đích tranh đoạt và củng cố quyền lực, Nhị phi bất chấp mọi giới hạn của đạo lý lẫn tình người. Thấu hiểu tận cùng con người Nhị phi nên dù biết bà có đủ tài trí, Gia Long vẫn khẳng định con người ấy thiếu thứ quan trọng nhất để có thể làm một bậc “mẫu nghi thiên hạ”, đó là “sự bao dung của một người mẹ”. Còn Lê Văn Duyệt – một võ tướng dũng mãnh, quyền biến, nhiều cơ mưu cuối cùng cũng phải thốt lên: “Ta đã thua một người đàn bà rồi […]. Bà ta ghê gớm lắm, ghê gớm hơn ta tưởng”9. Có thể nói, Nhị phi là nhân vật nữ gây nhiều ấn tượng, cũng là một số phận của tiểu thuyết nhưng không phải bởi những thăng trầm của đời người mà bởi những phức tạp của tính cách, những cá biệt của lời nói, những thâm hiểm của mưu toan. Chưa hề xuất hiện trong bộ ba tiểu thuyết của Tân Dân Tử, Nhị phi là sáng tạo thành công của Trần Thùy Mai để phục vụ cho chủ đề tiểu thuyết, là minh chứng sống động cho lời nói của chính nhân vật: “chuyện trong cung không chỉ là chuyện thường tình nhi nữ giữa các hậu phi, mà đôi khi chính là đầu mối những chuyện của triều đình, của đất nước”10. Bởi vậy, phía sau nhân vật này và những câu chuyện hậu cung, nhà văn giúp người đọc hình dung rõ hơn, cảm nhận sâu sắc hơn thân phận con người, kể cả những người thuộc hàng hoàng thân quốc thích.
Nói về những người phụ nữ trong cung phủ, Trần Thùy Mai dành nhiều trang miêu tả sự ghen tuông – một cảm xúc rất con người. Tuy vậy, về sự thể hiện thì mỗi nhân vật một vẻ, một cách. Đó là nỗi hờn ghen ấm ức, thoảng qua của Phạm phu nhân trước tình cảm thân thiết của Phạm Đăng Hưng và Hạnh Thảo; là nỗi ghen tuông đầy âu lo của Ngô Thị Chính; nỗi buồn tủi, đau khổ đến suy nhược cơ thể của Phạm Thị Hằng; nỗi hờn ghen quyết liệt đến mức hạ sát tình địch bằng những cách khủng khiếp nhất của Nhị phi… Điều này cho thấy khả năng ngôn ngữ, khả năng thấu hiểu tâm lý, khả năng tưởng tượng dồi dào của nhà văn. Trong hoàn cảnh sống hết sức nghiệt ngã ở cung phủ, mỗi người đều phải tự trưởng thành theo cách của mình. Xuất hiện ngay từ Chương 3 của tiểu thuyết, Tam phi Ngọc Bình được giới thiệu là hoàng hậu của hoàng đế Quang Toản nhà Tây Sơn, sau khi “Quang Toản thua trận, cả nhà anh em con cháu đều bị tru diệt thê thảm trước cửa kinh thành. Chỉ riêng hoàng hậu Ngọc Bình, nhờ có nhan sắc xinh đẹp nên đã được Gia Long hoàng đế miễn tội chết…”11. Ngọc Bình ý thức rõ thân phận của mình trong cung “chỉ là một tử tội còn sống”, nên ngay cả khi được Gia Long – “người đàn ông trầm tĩnh, nhẹ nhàng và lịch lãm” ái ân, nàng vẫn luôn thấy hiện ra hình ảnh Quang Toản với người đầm đìa máu. Về sau khi sinh hoàng nam, trong những lúc yếu mềm nhất, lại bị hoàng thượng xao nhãng, nàng mới nhận ra mình cần ông biết nhường nào. Và gạt bỏ tất cả, nàng “bỗng nhiên mạnh lên khủng khiếp, dứt khỏi tay vú Sửu, xăm xăm bồng con bước đi” tìm hoàng thượng. Ngô Thị Chính ban đầu mỗi khi thấy hoàng thượng có người sủng ái mới thường buồn khóc đến mấy ngày, nhưng qua nhiều năm tháng trong cung cấm đã “hiểu đời hơn trước nhiều rồi”, nàng cuối cùng cũng nhận ra một chân lý: “Đã là tình vợ chồng thì ai cũng muốn độc tôn độc sủng, nhưng thực tế lòng người đàn ông thường đa mang lắm lắm. Một làn da đẹp, một câu nói nũng nịu dễ thương, một cái liếc mắt đưa tình cũng đủ làm cho họ nẩy sinh rung động hứng thú, cho nên mình buồn lắm chỉ tổ thiệt thân, có được gì đâu?”12. Phạm Thị Hằng từ chỗ yếu đuối, chỉ sống bằng tình yêu thuần khiết dành cho Miên Tông nhưng vì các con, vì lòng thương yêu con người, nhất là những người yếu thế như con của Ngọc Bình, đã vùng dậy, mạnh mẽ sống, mạnh mẽ hành động…
Có thể thấy Từ Dụ thái hậu hấp dẫn ở chỗ có quá nhiều số phận của tiểu thuyết. Chúng khiến người đọc phải miệt mài theo đuổi rồi cùng đắm chìm trong những trạng thái phức tạp của nội tâm, sự trưởng thành không giống nhau của tính cách, sự thăng trầm mỗi người một vẻ của số phận. Điều này cũng đã góp phần tạo nên dung lượng, sức vóc của tác phẩm. Nhưng có lẽ, chính ở điểm mạnh này, Trần Thùy Mai lại bộc lộ một điểm hạn chế: không có nhân vật nữ chính hoàn toàn dù tên tác phẩm có thể cho người đọc hình dung Từ Dụ là nhân vật trung tâm, thậm chí, trong người đọc có thể còn lưu lại nhiều ấn tượng về Nhị phi Gia Long/ Thái hậu Trần Thị Đang hơn là Từ Dụ. Thế nên tác phẩm thiếu những điểm nhấn, những trọng âm cần thiết, cái trung tâm bị lấn át bởi cái ngoại biên và dù tái hiện một chặng đường khá dài của lịch sử, nhà văn cũng chưa hoàn toàn làm nổi bật được bối cảnh và tinh thần thời đại. Những ấn tượng về một triều đại phong kiến với vai trò thống nhất giang sơn và hàng loạt chính sách mới trong quản lý, kiến thiết đất nước, tiếp tục mở mang bờ cõi về phía Nam… của nhà Nguyễn từ đời vua Gia Long đến đời vua Tự Đức gần như rất mờ nhạt, cho dù như đã nói, nhà văn muốn tìm một lối riêng. Bởi dù là nỗ lực để không lặp lại thì theo tôi, qua mọi câu chuyện về lịch sử, nhà tiểu thuyết vẫn cần phải làm nổi bật được tinh thần cơ bản của thời đại ấy, đúng như bản chất của thể loại tự sự cỡ lớn này. Nói cách khác, nhà tiểu thuyết cần phải đưa được nhiều nhất những vấn đề của cuộc sống, thời đại vào tác phẩm của mình. Đó là chưa kể, như đã nói, trong nhiều năm trở lại đây vai trò lịch sử của nhà Nguyễn đã được nhìn nhận lại để đảm bảo tính trung thực, khách quan.
3. Trần thuật linh hoạt, hấp dẫn
Trong tiểu thuyết, trần thuật là khía cạnh thi pháp hết sức quan trọng. Với tiểu thuyết về lịch sử, điều này càng quan trọng hơn bởi đó là yếu tố làm nên sự khác biệt với một trước tác lịch sử. Nếu trước tác lịch sử đòi hỏi phải tuần tự, mạch lạc, chính xác tuyệt đối thì tiểu thuyết cho phép nhà văn đảo lộn, đan xen, giả định, tung hỏa mù… sao cho lịch sử hiện ra một cách hấp dẫn nhất. Ở Từ Dụ thái hậu, tiến trình sự kiện/ cốt truyện về cơ bản được triển khai theo trình tự thời gian và nương theo các sự kiện, nhân vật có thật trong lịch sử. Có lẽ vì vậy, tiểu thuyết dù được giải thưởng lớn nhưng không gây ra nhiều tranh cãi, không xuất hiện như một hiện tượng với nhiều đánh giá thiếu sự đồng thuận. Vai trò của nhà văn là từ bộ khung lịch sử đã bồi đắp thành một cơ thể sống động với những thủ pháp nổi bật như sự linh hoạt của lời kể và sự đồng cảm/ hóa thân của người kể vào câu chuyện.
Miêu tả nhân vật bằng chính lời nói của anh ta, có nghĩa là nhân vật vừa đóng vai trò trần thuật vừa tự bộc lộ chân thực con người mình. Thủ pháp này không chỉ là phương tiện chính để thể hiện nhân vật mà còn khiến cho sự kiện lịch sử được nhìn nhận một cách khách quan hơn. Kể lịch sử bằng những cuộc đối thoại của nhân vật là một đặc sắc của tiểu thuyết này. Sự sắp xếp để tạo dựng nhiều màn đối thoại giữa Minh Mạng và Thái hậu (Trần Thị Đang), Trương Đăng Quế và Phạm Đăng Hưng, Trương Đăng Quế và Phạm Thị Hằng, Trương Đăng Quế và Minh Mạng… quả thực rất hấp dẫn. Ngoài việc góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề lịch sử, đó còn là cách để các nhân vật lịch sử không phải là những cái tên “ù lì” (chữ dùng của Nam Dao) mà trở thành những con người với cảm xúc, suy nghĩ, toan tính rất con người. Nếu trong cuộc đối thoại với Thái hậu13, Minh Mạng thể hiện sự từng trải, hiểu người trước một con người đầy mưu toan và tính cách không khoan nhượng như Thái hậu; thì trong cuộc đối thoại với Trương Đăng Quế14, Minh Mạng vừa uy nghi, đường bệ vừa rất biết lắng nghe và điềm tĩnh suy xét… Trương Đăng Quế cũng là nhân vật được nhà văn quan tâm tạo dựng chiều sâu tính cách. Trong cuộc đối thoại với Phạm Đăng Hưng15, trước thái độ hoài nghi, chua chát của một vị quan già thấy mình bất lực trước thời thế đảo điên, Đăng Quế thể hiện sự sôi nổi, nhiệt thành, tích cực. Những lần đối thoại với vua Minh Mạng, Đăng Quế không chỉ cho thấy là một người tinh thông võ nghệ, thấu hiểu lòng người mà còn là nhà tư tưởng, là người minh triết, rất biết mình cần phải làm gì. Nhân vật Nhị phi dù được miêu tả khá sinh động bằng cả ngoại hình, trang phục, cử chỉ… nhưng ngôn ngữ đối thoại mới là phần quan trọng nhất để tạo dựng hình tượng này. Không phải bởi nhan sắc hay công trạng, chính những lời nói đầy lý lẽ, quyền uy và thái độ không khoan nhượng mới là sức mạnh giúp người đàn bà này thỏa mãn những ham muốn quyền lực.
Trong hình thức tự sự cỡ lớn, với việc thể hiện cùng lúc nhiều nhân vật, sự kiện, tình tiết…, Từ Dụ thái hậu cũng đòi hỏi nhà tiểu thuyết phải luân phiên trần thuật sao cho linh hoạt, hấp dẫn mà vẫn đảm bảo được sự logic của cốt truyện. So với cách mà các nhà tiểu thuyết viết về lịch sử theo lối chương hồi trước đây (cả chữ Hán và chữ quốc ngữ) thường làm là dùng các cụm từ/ ngữ cố định như “nói về”, “lại nói về”, “đây nói qua”… thì Trần Thùy Mai có cách diễn đạt uyển chuyển hơn. Các cụm từ nếu được dùng thì là: “hôm sau”, “mấy hôm sau”, “cũng giờ ấy”… Nhiều khi, nhà văn dùng cả một câu để miêu tả những sự việc diễn ra đồng thời, vừa tạo nên một sự chuyển cảnh rất tinh tế vừa giúp cho sự xuất hiện của nhân vật trở nên tự nhiên, dễ tiếp nhận hơn. Chẳng hạn: “Giữa lúc đoàn người ngựa trên đường đến Quảng Ngãi, thì trên dòng sông Trà Khúc, có chú cháu nhà họ Trương đang quăng chài bắt cá trên sông”16. Việc Đăng Quế xuất hiện đúng vào lúc mẹ con Phạm Thị Hằng gặp nguy không chỉ là một tình huống gây hứng thú mà còn khiến cho mối quan hệ của họ trở nên ấn tượng ngay từ phút mở đầu. Có đôi khi, sự đồng thời còn tạo nên phức cảm trong tâm lý tiếp nhận của người đọc: “Trong lúc Tam phi quằn quại vượt cạn, thì bên viện Đoan Trang, Nhị phi cũng đang nóng lòng chờ đợi tin tức”17, “Ngày nhà vua mở lớp học cho các hoàng tử cũng là ngày Từ Khánh thái hậu dời từ cung Nhị phi về cung Từ Thọ, vốn được tiên đế Gia Long cho xây để làm nơi ở cho Hiếu Khang hoàng thái hậu trước đây”18, “Trong lúc đoàn quân đang ra khỏi kinh thành thì trong hoàng cung, thái hậu ngồi trên sập, tay khua vào chiếc tô sứ trong có sáu con xúc xắc xăm hường”19…Nhìn chung, đó đều là những cách để nhà văn xâu chuỗi các sự kiện, tạo nên sự logic, liên hoàn, thuận lợi cho việc theo dõi tiến trình phát triển của cốt truyện. Điều này có thể không thật cần thiết đối với các thể tài khác, nhưng không nên xem nhẹ đối với tiểu thuyết lịch sử bởi đó không phải là câu chuyện của thì hiện tại, mà đã thuộc về ký ức.
Cũng trong cách trần thuật, Trần Thùy Mai đã thể hiện một sự tinh tế đầy nữ tính. Nhà văn dành nhiều sự quan tâm cho người phụ nữ và tạo dựng được nhiều nhân vật nữ với dung mạo, tính cách, số phận độc đáo, không lặp lại. Không kể các bậc công chúa, hoàng hậu, thái hậu, tiệp dư, hiền phi, quý nhân – những nhân vật trung tâm trong các “cuộc chiến chốn thâm cung”, ngay cả những tiểu thư con quan nhỏ hay các nô tì cũng có nhiều người gây thương nhớ cho độc giả. Hạnh Thảo trong tiểu thuyết là một số phận đặc biệt. Cha mẹ mất sớm, vào cung trở thành nô tì của Hoàng hậu Gia Long, bị vu là dòng dõi ngụy Tây Sơn đưa sang cung Tam phi, bị xuất cung, được Phạm Đăng Hưng cưu mang, trở thành con gái nuôi của công chúa Ngọc Tú rồi trở thành kế phu nhân của Phạm Đăng Hưng sau khi người vợ cả qua đời… Trong cảm nhận của Hoàng hậu: “Dù Hạnh Thảo là ai thì bà cũng tin chắc cô là người hiền lương. Từng miếng cô dâng lên, từng lời nói, cử chỉ, tất cả đều mộc mạc, chân thành, tận tụy”20. Yêu thương đến thế nên sau khi Hạnh Thảo dời đi, Hoàng hậu cũng qua đời. Nhà văn nhiều lần hóa thân vào nhân vật, nói lên những cảm xúc, suy nghĩ hết sức sâu kín, giàu tính nữ, giàu yêu thương, vị tha của Hạnh Thảo: “Hạnh Thảo biết mình ra đi là đem theo niềm vui nhỏ nhoi của bà hoàng tội nghiệp: niềm vui được đón người chồng hoàng đế bên mâm cơm ngon ngọt, cạnh những đứa cháu thân thương, để cùng sống lại ký ức về đứa con trai đã mất…”21; “Những ngày ở phủ Phạm, nếu không có chuyện hiểu lầm của Phạm phu nhân thì quả là những ngày êm đềm nhất trong cuộc đời long đong của Hạnh Thảo”22… Rõ ràng có một sự đồng cảm rất lớn giữa nhà văn và các nhân vật nữ qua những lời nửa trực tiếp như vậy. Đặt Hạnh Thảo cạnh Phạm Thị Hằng trong suốt hai tập của bộ tiểu thuyết, nhà văn muốn làm nổi bật hơn những phẩm chất đẹp đẽ của nhân vật nữ chính: Phạm Thị Hằng – Từ Dụ thái hậu. Cho đến tận những trang cuối cùng, khi Phạm Thị Hằng đã là một Thái hậu đầy quyền uy, vào lúc đau khổ, vẫn vịn vào Hạnh Thảo thổn thức: “- Dì Thảo ơi, càng tôn quý thì càng cô độc, như cái cây mọc trên núi cao, ngọn càng vươn lên thì càng bị gió dập vùi. Với dì, con chỉ là con, một người đàn bà đang cần tình thương yêu hơn bao giờ hết!”23.
Đọc Từ Dụ thái hậu của Trần Thùy Mai, ta có thể tìm được câu trả lời cho câu hỏi “Khi nào người ta có nhu cầu tái hiện lịch sử?”. Đó là khi xuất hiện nhu cầu nhận thức, cắt nghĩa, lý giải, làm rõ… những mơ hồ, một ám ảnh, một uẩn khúc lịch sử nào đó xuất hiện trong tâm trí nhà văn. Viết Từ Dụ thái hậu, Trần Thùy Mai không chỉ đứng về phía cái nhìn rộng mở và biện chứng, mà bằng việc sử dụng thể loại tiểu thuyết, nhà văn cho phép mình thỏa sức tưởng tượng và tự khai phóng tư tưởng, đem hết tình yêu, sự gắn bó lẫn những hiểu biết về mảnh đất thần kinh, về vương triều cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam để xây dựng hình tượng, tạo được một bầu khí quyển sống động như thật, ở đó các nhân vật lịch sử đi đứng nói cười, hạnh phúc và đau khổ, sống đời sống của chính mình và cuộc đời của nhiều người khác. Và chính bằng những thế mạnh đó của tiểu thuyết, những câu chuyện không còn hoàn toàn thuộc về lịch sử nữa mà cần cho cả hiện tại.
PGS.TS LÊ TÚ ANH
Tài liệu tham khảo:
1. M. Bakhtin (1992), Lý luận và thi pháp tiểu thuyết (Phạm Vĩnh Cư tuyển chọn, dịch và giới thiệu), Bộ Văn hoá Thông tin và Thể thao – Trường Viết văn Nguyễn Du.
2. Trần Thùy Mai (2019), Từ Dụ thái hậu, Quyển thượng, NXB Phụ nữ.
3. Trần Thùy Mai (2019), Từ Dụ thái hậu, Quyển hạ, NXB Phụ nữ.
4. Nguyễn Khắc Phê: “Nguyễn Thế Quang & ba cuốn tiểu thuyết lịch sử vừa xuất bản”, nguồn: http://vanvn.net/ong-kinhphe-binh/nguyen-the-quang-ba-cuontieu-thuyet-lich-su-vua-xuat-ban/312.
5. Tân Dân Tử (1930), Gia – Long Tẩu – Quốc, Nhà in Bảo tồn.
6. Tân Dân Tử (1931), Hoàng – Tử – Cảnh như Tây, Phạm Đình Khương xuất bản.
7. Tân Dân Tử (1932), Gia – Long Phục – Quốc, Phạm Đình Khương xuất bản, in lần thứ 3.
Chú thích:
1 Đáng chú ý là sự kiện kỷ niệm 450 năm ngày chúa Nguyễn Hoàng vào Nam dựng nghiệp (1558-2008), UBND tỉnh Thanh Hóa và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam giữa thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX” vào ngày 18/10/2008. Xin xem thêm: “Hội thảo quốc gia về chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn”, nguồn: https://thanhnien.vn/hoi-thao-quoc-gia-ve-chuanguyen-va-vuong-trieu-nguyen-185326505.htm.
2, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22 Trần Thùy Mai (2019), Từ Dụ thái hậu, Quyển thượng, NXB Phụ nữ, tr. 323, 75, 71, 130, 322, 41, 21, 392, 166-168, 93, 105, 153, 334, 53, 54, 173.
3 Như vụ án Mỹ Đường chẳng hạn.
4 M. Bakhtin (1992), Lý luận và thi pháp tiểu thuyết (Phạm Vĩnh Cư tuyển chọn, dịch và giới thiệu), Bộ Văn hoá Thông tin và Thể thao – Trường Viết văn Nguyễn Du, tr. 98.
5 Đó là các tác phẩm: Gia Long tẩu quốc, Hoàng – Tử – Cảnh như Tây, Gia Long phục quốc.
14, 15, 23 Trần Thùy Mai (2019), Từ Dụ thái hậu, Quyển hạ, NXB Phụ nữ, tr. 124-125, 48-49, 453.