Tác phẩm văn học là công trình nghệ thuật ngôn từ do cá nhân nhà văn hoặc tập thể sáng tạo nhằm thể hiện những khái quát bằng hình tượng về cuộc sống và con người, thể hiện tư tưởng, tình cảm, thái độ của tác giả trước thực tại. Đó là đơn vị độc lập cơ bản của văn học; là đơn vị sáng tạo, là phát ngôn phức hợp của nhà văn; là sự phản ánh, khúc xạ, âm vang của đời sống hiện thực; là chỉnh thể trung tâm của hoạt động văn học; là đối tượng thưởng thức, tiếp nhận của người đọc. Bản chất, đặc trưng, thuộc tính của văn học đều biểu hiện tập trung ở tác phẩm văn học.
Tác phẩm văn học có thể tồn tại bằng hình thức truyền miệng hoặc hình thức văn bản nghệ thuật (được ghi giữ bằng văn tự), có thể được tạo thành bằng văn vần hoặc văn xuôi; nhưng bao giờ cũng thuộc về một thể loại văn học nhất định (trữ tình, tự sự, kịch), một thể tài văn học nhất định (thơ trữ tình, truyện ngắn, tiểu thuyết, bi kịch, hài kịch,…). Độ dài, dung lượng của tác phẩm văn học rất khác nhau, có thể là một câu (ca dao, tục ngữ, cách ngôn,…) đến hàng ngàn hàng vạn câu (sử thi, tiểu thuyết,…).
Mỗi tác phẩm văn học là một hệ thống phức tạp, bao gồm nhiều yếu tố thuộc những bình diện khác nhau: đề tài, chủ đề, tư tưởng, kết cấu, ngôn ngữ, hình tượng. Đối với những tác phẩm tự sự và kịch, còn có thể kể thêm các yếu tố khác như cốt truyện, nhân vật. Ở những tác phẩm văn học có giá trị, sự kết hợp hài hoà và tác động lẫn nhau giữa các phương diện, yếu tố nói trên đã làm cho tác phẩm thực sự trở thành một chỉnh thể nghệ thuật mang tính thống nhất hữu cơ, biện chứng giữa nội dung thẩm mỹ và hình thức nghệ thuật.
Tác phẩm văn học là đứa con tinh thần của nhà văn, là sự kết tinh quá trình tư duy nghệ thuật của người cầm bút. Một quá trình biến những cảm xúc, tình cảm, biểu tượng, ý nghĩ của nhà văn thành một sự thực văn hoá xã hội khách quan, một đối tượng để mọi người đọc và suy ngẫm. Với ý nghĩa đó, tác phẩm văn học là sự kết tinh của một quan hệ xã hội. Ở thời đại nào cũng vậy, tác phẩm văn học là một bằng chứng cụ thể, là tấm gương khách quan về tầm vóc tư tưởng và chiều sâu phản ánh, về trình độ nghệ thuật và tài năng sáng tạo của nhà văn.
Tác phẩm văn học do nhà văn sáng tạo ra; nhưng nó lại có đời sống độc lập tương đối với tác giả, có một sinh mệnh khác so với những gì diễn ra trong tâm trí của người đã sinh thành ra nó. Tuỳ thuộc vào giá trị tư tưởng, nghệ thuật và sự tiếp nhận của người đọc, tác phẩm văn học có thể sống ngắn hơn hoặc dài hơn so với cuộc đời của nhà văn. Những tác phẩm văn học lớn có thể được đón nhận ở những thời đại, những dân tộc khác nhau, có khả năng trường tồn cùng nhân loại. “Trong lịch sử, tác phẩm tỏ ra ngày càng cũ đi về chữ nghĩa, nhưng lại càng được cắt nghĩa mới về nội dung. Nhờ vậy, tác phẩm là trung tâm của một hệ thống quan hệ biến đổi ổn định: tác giả – tác phẩm – người đọc, và qua đó là hệ thống hiện thực được phản ánh – tác phẩm – hiện thực tiếp nhận, và đồng thời là văn hoá nghệ thuật truyền thống – tác phẩm – văn hoá nghệ thuật đương đại.
Tác phẩm văn học, sáng tác của một nhà văn, sáng tác của một trào lưu, nền văn học dân tộc đều được xem là những chỉnh thể nghệ thuật; trong đó, tác phẩm văn học là đơn vị độc lập cơ bản của văn học, là chỉnh thể nghệ thuật cơ bản nhất. Chỉnh thể là một tổng thể gồm các yếu tố có mối liên hệ mật thiết nội tại, tạo thành một khối thống nhất, bảo đảm cho sự hoạt động của nó cũng như mối quan hệ của nó với môi trường xung quanh. Chỉnh thể không phải là sự tập hợp, tổng cộng giản đơn của các phương diện, yếu tố tạo nên tác phẩm văn học. “Chỉnh thể là sự liên kết siêu tổng cộng để tạo ra nội dung mới, chức năng mới vốn không có trong các yếu tố khi tách rời ra”. Và chỉ trong tính chỉnh thể thì nội dung và hình thức đích thực của tác phẩm văn học mới xuất hiện. Nhà văn tạo được tính chỉnh thể cho tác phẩm tức là đã làm cho tác phẩm trở thành một xã hội riêng, một thế giới nghệ thuật riêng, có quy luật nội tại riêng của nó. Nhà nghiên cứu, khi phân tích tác phẩm, nếu không có ý thức về tính chỉnh thể, không chú ý đến mối quan hệ biện chứng giữa nội dung và hình thức của tác phẩm, thì dễ rơi vào võ đoán, máy móc, giản đơn.
Do tầm quan trọng đặc biệt của tính chỉnh thể của tác phẩm văn học, cho nên, nhiều nhà triết học, mỹ học và phê bình văn học lớn, từ xưa đến nay, đều quan tâm bàn luận về nó. Arixtot trong Nghệ thuật thi ca, khi nghiên cứu kịch và sử thi, đã xác định cơ sở của chỉnh thể tác phẩm là sự thống nhất hành động, là sự mô phỏng một hành động thống nhất. Đến thế kỉ XIX, từ quan niệm xem nghệ thuật là sự tự ý thức của ý niệm tuyệt đối, He ghen cho rằng tính cách là “hình thức chỉnh thể nội tại” của tác phẩm văn học, Belinxki khẳng định, tư tưởng mới là yếu tố quyết định của chỉnh thể tác phẩm. “Như một hạt giống vô hình – Belinxki viết – tư tưởng gieo vào tâm hồn nghệ sĩ, và từ mảnh đất màu mỡ ấy nó triển khai và phát triển thành một hình thức xác định, thành các hình tượng tràn đầy vẻ đẹp của sự đống, và cuối cùng nó là một thế giới hoàn toàn đặc thù, nhất quán… trong đó mọi bộ phận đều phù hợp với chỉnh thể, và mỗi bộ phận vừa tồn tại tự nó, vừa tạo thành một hình tượng khép kín, đồng thời vừa tồn tại như một bộ phận tất yếu đối với chỉnh thể, và thúc đẩy sự tạo thành chỉnh thể”. L.Tonxtoi lại đề cao thái độ đạo đức của nhà văn, coi đó là yếu tố then chốt của chỉnh thể tác phẩm: “Những người ít nhạy cảm về nghệ thuật thường nghĩ rằng tác phẩm nghệ thuật sở dĩ tạo thành một chỉnh thể là do trong đó có cùng một số nhân vật hoạt động, là do tất cả đều tạo nên một mối thắt nút hoặc miêu tả cuộc đời của một con người. Điều đó không đúng. Đó chỉ là cảm tưởng của người xem xét hời hợt. Chất xi măng kết dính tác phẩm nghệ thuật thành một khối và vì vậy mà sản sinh ra ảo giác về sự phản ánh sự sống, không phải là sự thống nhất của các nhân vật và tình huống, mà là sự thống nhất của một thái độ đạo đức độc đáo của tác giả đối với đối tượng.
Tác phẩm văn học là một hiện tượng phức tạp. Tính phức tạp của tác phẩm văn học không chỉ thể hiện ở cấu trúc nội tại mà còn thể hiện qua những mối quan hệ xã hội của nó, qua hệ giữa nó với tác giả, với hiện thực khách quan, với người đọc. Tác phẩm văn học là phát ngôn phức hợp của người sáng tác ra nó, là nơi kí thác nỗi niềm tâm sự, nơi khẳng định quan niệm nhân sinh, nơi thể hiện lí tưởng thẩm mỹ của nhà văn. Tác phẩm văn học còn là sự phản ánh, khúc xạ, vang hưởng của đời sống hiện thực, là tấm gương phản ánh diện mạo lịch sử của một thời kì; đồng thời cũng là nơi dự báo, dự cảm về tương lai. Tác phẩm văn học cũng là đối tượng tích cực của sự tiếp nhận, cảm thụ thẩm mĩ văn học. Trong thực tế thì những quan hệ phức tạp nói trên luôn luôn xuyên thấm lẫn nhau, không thể phân tách một cách giản đơn, máy móc.
Căn cứ vào chức năng giao tiếp và đời sống lịch sử, thì tác phẩm văn học không phải là một sản phẩm cố định, bất biến. Nó không phải là một đối tượng vật thể , tuy nó tồn tại thông qua những dạng vật chất như tiếng nói, chữ viết, trang sách in, quyển sách. “Tác phẩm văn học chủ yếu là một thực thể tinh thần, một tổng thể những hàm nghĩa phức hợp”, “tồn tại ở dạng khả biến”. Sự cảm thụ của độc giả, sự lí giải của giới nghiên cứu qua từng thời đại đều làm phát sinh những phán đoán, đánh giá ít nhiều khác nhau về nội dung thẩm mĩ của tác phẩm văn học. “Như vậy, có thể coi tác phẩm văn học như là sự thống nhất giữa các hàm nghĩa thẩm mỹ tư tưởng đã được mã hoá trong văn bản và những sự cảm thụ, lí giải bởi những thời đại và công chúng khác nhau; đây là sự thống nhất giữa cái tuyệt đối (mã hoá) và cái tương đối (sự giải mã bằng cách đọc, lí giải, cảm thụ).
Nhiều nhà lí luận đã chỉ ra quá trình hình thành tác phẩm văn học. Ở đây, tác phẩm văn học được xem xét như một quá trình, bắt nguồn từ cuộc sống đến nhà văn, tác phẩm, bạn đọc, sau đó lại trở về tác động đến cuộc sống. Trong các khâu của toàn bộ quá trình đó, tiếp nhận (cảm thụ) của người đọc là điều kiện không thể thiếu của tồn tại tác phẩm. Từ tư tưởng, chủ đề, kết cấu, hình tượng nhân vật… cho đến ngôn từ nghệ thuật cũng chỉ có thể bộc lộ hết tiềm năng khái quát và ý vị của nó qua sự tiếp nhận của người đọc.
Tác phẩm văn học không chỉ cố định trong một cấu trúc văn bản mà là một quá trình. Từ quan niệm của lí luận văn học hiện đại cho rằng, tác phẩm văn học không chỉ mang tính hiện thực mà còn có tính kí hiệu thì nhiều vấn đề liên quan đến tác phẩm văn học đã được soi sáng và lí giải từ những cách nhìn mới. Trương Đăng Dung viết trong công trình Tác phẩm văn học như là quá trình: “Với việc nhận ra sự khác biệt giữa văn bản văn học và tác phẩm văn học, hay nói cách khác, với việc khẳng định vai trò của văn bản trước vai trò của tác giả, lí luận văn học hiện đại đã vượt lên tư duy lí luận văn học tiền hiện đại. Nếu trước đó, tư duy lí luận văn học tiền hiện đại (nhất là khoa văn học thực chứng) chỉ nhấn mạnh đến mối quan hệ nhân – quả, đề cao yếu tố môi trường, tác giả,… thì đến lượt nó, lí luận văn học hiện đại đã nhận ra vai trò quan trọng của văn bản nghệ thuật như là trung tâm tạo nghĩa. Văn bản văn học, sản phẩm cuối cùng của sự sáng tạo nghệ thuật, tưởng như đã được hoàn thành khi nhà văn viết xong bản thảo và nhà văn xuất bản in thành sách, nhưng thực ra đó chỉ mới là bước đầu tiên quan trọng để trở thành tác phẩm văn học. Với lớp lớp câu chữ phi vật thể, ẩn chứa nhiều nghĩa khác nhau, luôn biến động và không thể khoanh vùng, tác phẩm băn học có phương thức tồn tại riêng như là kí hiệu thẩm mĩ”. Theo Mukaropxki, tác phẩm văn học là kí hiệu; tính chất kí hiệu là đặc trưng quan trọng nhất của văn học. “Tác phẩm văn học là kí hiệu bởi vì nó tồn tại trong thế giới cảm xúc của chính nó, đồng thời nó cũng vượt ra khỏi những giới hạn để tồn tại trong ý thức chung. Việc tiếp cận tác phẩm văn học, do đó, không nên chỉ hạn chế trong việc phân tích các trạng thái tâm hồn tạo ra sự tồn tại của nó, nghĩa là không thể đồng nhất tác phẩm văn học với trạng thái tâm hồn của người sáng tác. Nêu lên cấu trúc và tính chất kí hiệu tự trị của tác phẩm, Mukaropxki muốn chứng minh rằng có thể hiểu được tác phẩm như là một bộ phận của các hệ thống và các mối liên hệ. Tác phẩm văn học, đúng như trường phái hình thức Nga đã chỉ ra, bản thân nó vừa là hệ thống lại vừa là bộ phận của các hệ thống (xã hội) khác. Những hiện tượng nghệ thuật chỉ có thể lí giải được trong mối quan hệ giữa chức năng thẩm mĩ với những chức năng khác. Đây là bước tiến hoá quan trọng trong quan niệm của Mukaropxki. Những quan niệm nói trên đã chỉ đạo việc tiếp cận, phân tích tác phẩm văn học không chỉ giới hạn trong phạm vi văn bản của tác phẩm mà còn hướng tới sự khám phá nó trong nhiều mối quan hệ khác.
Ý thức được tác phẩm văn học là một quá trình, có thể mở ra nhiều bình diện khảo sát, phân tích tác phẩm. Không chỉ là vấn đề sự tiếp nhận của độc giả, mà ngay cả quá trình hình thành, hoàn thiện tác phẩm, cũng cần phải chú ý, qua đó, thấy được sự vận động, phát triển trong ý thức nghệ thuật của nhà văn. Phân tích tác phẩm văn học, vì thế, có thể đối chiếu ý đồ sáng tác ban đầu và sự thực hiện, quá trình sửa chữa để hoàn thiện tác phẩm. Chẳng hạn, truyện ngắn Đôi mắt của Nam Cao, lúc đầu, nhà văn đặt tên là Tiên sư thằng Tào Tháo! Trong nhật kí ngày 2-3-1948, Nam Cao viết: “Mấy ngày nghỉ tết, tôi viết một truyện cho đỡ nhớ. Truyện Tiên sư thằng Tào Tháo!. Sau tôi đặt cho nó một cái tên giản dị và đứng đắn: Đôi mắt. Như vậy, Nam Cao đã có sự cân nhắc, lựa chọn để đặt nhan đề cho tác phẩm, với ý định, qua nhan đề, làm nổi bật nội dung tư tưởng của tác phẩm. Theo Đặng Minh Phương, bài thơ Xuân sớm của Tố Hữu, đăng trang trọng trên báo Nhân dân, số ra ngày 16-1-1966, có hai câu thơ: “Nghé con, mày đứng cho ngoan/ Chớ ăn mất lá hàng xoan mới trồng”. Có người góp ý, “e không đúng thực tế, vì trời sinh con nghé nó ngửi nó biết lá xoan đắng, nó không ăn”; “Phải chăng vì bí vần oan, cho nên bắt nghé ăn xoan mới trồng”. Mấy năm sau, bài thơ được in lại trong tập thơ Ra trận, câu thơ “Chớ ăn mất lá hàng xoan mới trồng” được sửa lại là: “Chớ xô bờ chuối bờ xoan mới trồng”. Nhà văn Anh Đức kể: ‘”Khi hoàn thành tiểu thuyết Hòn đất gửi ra Bắc, thì chỉ sau đó độ mươi ngày tôi nhận được một bức điện gửi vào nhận xét và góp ý để tôi chữa lại một số chỗ, mà về sau này tôi mới được biết trong đó có ý kiến của anh Tố Hữu, với một ý kiến quan trọng: “Không thể để cho bà Cà Sợi trực tiếp giết con mình tên là Xăm, dù đó là một tên ác ôn…”. Tôi đã chữa lại chi tiết này.”. Việc sửa chữa như vậy đã làm cho hình ảnh bà Cà Sợi không mất đi nhân tính của một bà mẹ, và cũng làm cho tư tưởng của tác phẩm sâu sắc hơn.
*
* *
Ai cũng biết, nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội. Trước đây, trong một thời gian dài, chúng ta dường như chỉ chú ý, có phần cao quá mức hình thái ý thức xã hội của văn học, mà chưa chú ý đúng mức tới đặc trưng của nghệ thuật, đặc trưng cho từng loại hình nghệ thuật riêng biệt. Gần đây, lại xuất hiện một quan điểm mới, như là sự phản ứng lại quan điểm cực đoan nói trên, coi văn học chỉ là thứ trò chơi, không liên quan, không bị chi phối bởi quan điểm chính trị. Có thể thấy, thiên lệch về phía nào cũng đều xa rời đặc trưng của văn học nghệ thuật.
Một quan điểm đúng với bản chất, đặc trưng của văn học, cần chú ý cả hai phương diện nói trên. Văn học nằm trong nghệ thuật nói chung, là một hình thái ý thức xã hội đặc thù; đồng thời là nghệ thuật của ngôn từ. Nếu chỉ chú ý đến văn học là một ngành riêng, một lĩnh vực riêng của nghệ thuật – một hình tháu ý thức xã hội – thì quả là phiến diện, chưa chú ý đến chất liệu riêng của văn học. Văn học còn là nghệ thuật của ngôn từ nữa. Ngôn từ cũng tức là ngôn ngữ, đóng vai trò là phương tiện của ngành văn học. Tất cả các ngành, các lĩnh vực nghệ thuật, một sản phẩm đặc biệt của xã hội loài người, đều phải dùng đến một phương tiện nhất định. Chức năng của các ngành nghệ thuật gần gũi nhau, có thể giống nhau, thậm chí có thể là đồng nhất. Chẳng hạn, chức năng của các ngành văn học, hội hoạ, âm nhạc giống nhau: giáo dục, nhận thức, thẩm mỹ, giải trí,… Nhưng các ngành nghệ thuật, các lĩnh vực nghệ thuật đó lại khác nhau, phân biệt với nhau trước hết là ở các phương tiện mà ngành đó sử dụng và cách thức sử dụng, quan hệ xuất hiện trong khi sử dụng ngôn ngữ (phương tiện đó). Vì thế, trong nghiên cứu và phân tích tác phẩm văn học phải quan tâm, nhận thức rõ hơn, sâu sắc hơn đến vị trí, vai trò, cách thức sử dụng phương tiện đối với việc sử dụng chức năng của văn học. Phải chú ý đến phương diện ngôn ngữ trong việc thực hiện các chức năng của văn học.
Việc chú ý đến phương diện ngôn từ đã trở thành truyền thống trong việc thẩm bình văn chương ở Việt Nam. Ông cha ta, khi bình văn, bình thơ đều đặc biệt chú ý đến phương diện ngôn ngữ, đến “nhãn tự”, “thi nhãn”, đến “thần cú”, “cảnh cú”. Đến thời Pháp thuộc, do ảnh hưởng của khuynh hướng nghiên cứu phương Tây, trong nhà trường, nhiều giáo viên đã chú ý phân tích ngôn từ của tác phẩm, đem đến những cách lý giải hấp dẫn, giàu sức thuyết phục. Từ năm 1945 đến 1975, do hoàn cảnh đặc biệt của một đất nước có chiến tranh, giao lưu, tiếp xúc văn hoá chỉ thu hẹp ở các nước trong phe xã hội chủ nghĩa mà chủ yếu là Liên Xô và Trung Quốc, truyền thống phân tích văn chương nói trên của ta có phần bị gián đoạn. Những nhà nghiên cứu, trong suốt thời gian dài, chỉ tập trung khám phá nội dung tư tưởng; vì quan niệm rằng, nếu đi sâu phân tích ngôn từ thì sẽ rơi vào chủ nghĩa hình thức. Nhà nghiên cứu Phan Ngọc đã chỉ ra những hạn chế này của giới nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam trong một thời gian khá dài: “Phê bình của ta ngại nói đến hình thức. Người ta nói nhiều đến nhược điểm của thơ mới, còn khi nói đến ưu điểm, thì thường lẩn tránh hình thức, vì sợ xa vào chủ nghĩa hình thức… Nội dung tư tưởng Truyện Kiều hay đến đâu cũng là hay với thời đại, không thể so sánh với nội dung tư tưởng của thời đại chúng ta được. Cái còn lại ngày nay là tinh thần lao động nghệ thuật của ông và những thao tác mà ông đã làm”. Chỉ từ sau 1975, nhất là từ thời kì đổi mới (1986), giới nghiên cứu, phê bình văn học mới nhận thức lại, chú ý đến cả phương diện nội dung, cả phương diện nghệ thuật, trong đó có ngôn từ của tác phẩm. Theo GS Đỗ Hữu Châu, trong bài giảng chuyên đề Ngôn ngữ và văn học thì, ngôn ngữ tác phẩm, không chỉ là những âm, những từ, những câu, những biện pháp tu từ rời rạc riêng rẽ; và phân tích ngôn ngữ cũng không chỉ là việc đi tìm khám phá giá trị nội dung của từng yếu tố riêng rẽ đó. Nếu như, phân tích ngôn ngữ mà chỉ đi vào những yếu tố riêng rẽ, chỉ phân tích những phương diện nghệ thuật, thì thường gây ra cảm giác rời rạc. Mà nghệ thuật nào cũng có quy luật chung, có tính hệ thống, chứ không thể tủn mủn, rời rạc. Nói đến ngôn ngữ còn phải nói đến các quy tắc, các vận động điều khiển việc vận dụng ngôn ngữ. Với cách hiểu đó thì quá trình sáng tác của nhà văn cũng như cả cái quan hệ giữa tác giả và độc giả và những quá trình khác cũng là những quá trình ngôn ngữ . Văn học là một quá trình của ngôn ngữ, cho nên ngôn ngữ học chính là cơ sở cần thiết để phát hiện và lí giải các quy luật và hiện tượng văn học.
Trần Đăng Suyền