Cái gì cũng có thể thay đổi, kể cả tên đường tên phố. Những tên đường được vinh danh hôm nay có thể nay mai không còn nữa, những người chưa được ghi danh rồi có thể được vinh quang ngày nào đó!

Bài viết: Thanh âm phố phương Hà Nội – Uông Triều

Tôi ấn tượng với phố Phan Huy Ích vì nơi đây có đình Yên Thành thờ nữ hoàng đế đầu tiên của nước Việt: Lý Chiêu Hoàng và phố này cũng có nhiều biệt thự Pháp cổ điển.

Đình Yên Thành là ngôi đình làng thuộc làng cổ của Hà Nội xưa. Điều đặc biệt đây là ngôi đình duy nhất ở nội thành Hà Nội thờ Lý Chiêu Hoàng. Nói đặc biệt vì Lý Chiêu Hoàng là vị hoàng đế có nhiều thăng trầm bậc nhất triều Lý. Bà là nữ hoàng duy nhất của Đại Việt và cũng là người đặt dấu chấm dứt cho vương triều Lý. Trước đó Bà Trưng đã từng xưng “vương” nhưng Lý Chiêu Hoàng mới là nữ “đế” đầu tiên và duy nhất của nước Việt.

Là nữ, lại lên ngôi báu khi rất nhỏ (6 tuổi) phụ hoàng của bà là Lý Huệ Tông lúc ấy trong tình trạng gần như điên loạn, quyền bính nằm trong tay họ Trần, đặc biệt là Trần Thủ Độ nên có thể nói Lý Chiêu Hoàng làm vua nhưng thực quyền rất ít. Mẹ Lý Chiêu Hoàng cũng là một người họ Trần, bà Trần Thị Dung, anh em với Trần Thủ Độ, người sau này trở thành vợ ông.

Nói như thế để biết rằng khi Lý Chiêu Hoàng lên ngôi thì vai trò của nhà Lý đã mờ nhạt, quyền lực thực sự đang nằm trong tay họ Trần và trớ trêu thay lịch sử đã chọn Lý Chiêu Hoàng làm người chuyển giao giữa hai triều đại.

Lý Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh và bằng sự sắp đặt của Trần Thủ Độ và các thế lực họ Trần, bà đã nhường ngôi cho chồng, chính thức mất ngôi vị đế vương và chấm dứt sự tồn tại của vương triều Lý.

Vì thế trong đền thờ các vua Lý sau này, Lý Chiêu Hoàng thường không được xếp cùng các vị vua khác vì người ta cho rằng bà có tội với triều Lý. Nhưng thực ra trong bối cảnh như vậy, bất cứ ai cũng khó có thể làm khác. Sự chuyển giao quyền lực của bà gây nhiều tranh cãi và cuộc đời của chính bà cũng chịu không ít những đắng cay sau đó.

Lấy Trần Cảnh, được tấn phong làm hoàng hậu nhưng vì không có con, Lý Chiêu Hoàng bị phế ngôi hậu, giáng làm công chúa và có lúc quá buồn nản bà đã đi tu. Sau đó bà “được” chính chồng cũ của mình là Trần Cảnh tức vua Trần Thái Tông “gả” cho Lê Phụ Trần, một tướng lĩnh có nhiều công lớn. Nhường ngôi cho chồng, không có con, chồng bỏ, bị giáng tước, đi tu…đó là chuỗi bi kịch của vị nữ hoàng đầu tiên của nước Việt. May mắn thay, với người chồng mới là tướng Lê Phụ Trần, bà đã sinh được hai người con, một trai một gái. Phải chăng khi ở vị thế ít quan trọng hơn, đồng nghĩa với ít sóng gió hơn, cuộc đời bà được yên bình hơn? Ở vùng Bắc Ninh có lưu truyền câu ca dao thác lời bà trách Trần Cảnh như sau:

Trách người quân tử bạc tình
Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao…

Nhưng phố Phan Huy Chú không chỉ có một điểm nhấn là ngôi đình thờ nữ hoàng đầu tiên và duy nhất của nước Việt. Sự thay đổi tên gọi các đường phố ở Hà Nội luôn ẩn chứa những mảng trầm tích rất đáng chú ý và phố Phan Huy Ích cũng không phải là ngoại lệ. Giờ ta hãy tìm hiểu đôi chút sự thay đổi tên gọi của con phố này để biết thêm về những biến chuyển của lịch sử.
Phố Phan Huy Ích, khi mới hình thành người Pháp gọi là “Đường 33”, đến năm 1931 thì đổi tên là “phố Giám mục Deydier” vì theo chủ trương của người Pháp đổi các đường đánh số bằng tên những danh nhân nước Pháp hoặc những người có công trong việc chinh phục thuộc địa. Giám mục François Deydier thuộc Hội thừa sai Paris, vốn là giám mục phụ trách giáo phận Đông Đàng Ngoài vào thời kì sơ khởi của Công giáo Việt Nam từ năm 1679 đến năm 1693.

Nhưng đến năm 1945, một lần nữa hầu hết các tên phố mang tên người nước ngoài đều bị thay đổi theo tên danh nhân người Việt theo chủ trương của Đốc lý Hà Nội khi ấy Trần Văn Lai và phố Giám mục Deydier được đổi tên là phố Lê Hữu Cảnh.

Lê Hữu Cảnh là ai? Tôi đã tra cứu nhiều tài liệu lịch sử nhưng chưa tìm ra thân phận của ông. Chắc chắn Lê Hữu Cảnh không phải là Nguyễn Hữu Cảnh vì không thể có sự nhầm lẫn lớn đến thế. Và việc đặt tên đường không thể đặt cho một nhân vật vô danh không có tiếng tăm nhưng đáng tiếc tôi vẫn chưa tìm ra tiểu sử của người này. Nhân vật Lê Hữu Cảnh vẫn là một câu hỏi cần thêm thời gian để giải đáp.

Thời tạm chiếm, tên phố Lê Hữu Cảnh bị thay bởi một cái tên khác, phố Bùi Viện.

Bùi Viện (1839 -1878) là một nhân vật nổi bật ở lĩnh vực ngoại giao mà có thể còn ít người biết. Bùi Viện nằm trong nhóm người có chủ trương canh tân đất nước như Hoàng Phan Thái, Nguyễn Tư Giản, Nguyễn Trường Tộ… Đặc biệt, ít ai biết rằng Bùi Viện là người Việt đầu tiên có những giao dịch ngoại giao chính thức với Hoa Kì.

Khi bị người Pháp lấn át, Bùi Viện đã nhận lệnh của vua Tự Đức tìm cách bang giao với Hoa Kì để giảm áp lực của Pháp. Bùi Viện đã sang Hương Cảng (Hồng Kông) để tìm cách tiếp cận với người Mỹ. Sau đó từ Hương Cảng ông sang Nhật Bản để đáp tàu đi Hoa Kỳ. Sau một năm đầy vất vả và nỗ lực Bùi Viện gặp được tổng thống Hoa Kì khi đó là Ulysses Grant. Gặp được tổng thống Hoa Kỳ nhưng Bùi Viện vẫn chưa thành công vì trong tay ông chưa có quốc thư nên không thể có những thoả ước chính thức.

Bùi Viện trở về nước, lấy quốc thư của Tự Đức và ông lại xuất dương lần nữa. Có được quốc thư trong tay nhưng lúc đó bàn cờ chính trị đã thay đổi, lúc trước Pháp và Mỹ kình địch, Hoa Kỳ hứa sẽ giúp nhưng khi Bùi Viện trở lại, Hoa Kỳ và Pháp đã trở thành đồng minh và vì thế Hoa Kỳ khước từ lời giúp đỡ với triều đình Huế.

Tuy thất bại trong việc bang giao với Hoa Kỳ nhưng Bùi Viện cũng có những đóng góp lớn. Ông thuộc trường phái canh tân, có công lớn trong việc xây dựng cảng Hải Phòng và lập ra “Tuần dương quân” – đội quân thường trực trên biển có hàng trăm chiến thuyền và hàng nghìn lính chiến.

Quay lại mạch thay đổi tên phố. Năm 1964, con phố này chính thức mang tên Phan Huy Ích cho đến hôm nay.

Phan Huy Ích (1750 – 1822) sinh ra trong một gia đình thuộc loại danh gia bậc nhất về chữ nghĩa, khoa bảng nước Việt. Phan Huy Ích là con tiến sĩ Phan Huy Cận, là con rể của Ngô Thì Sĩ, em rể Ngô Thì Nhậm, dòng họ bên vợ của ông nổi tiếng về văn hay, chữ tốt, đặc biệt nhạc phụ ông là người soạn những bộ sách rất có giá trị như “Việt sử tiêu án”, “Quốc sử tục biên”, “Ngô gia văn phái”…

Bản thân anh em nhà Phan Huy Ích cũng là những người nổi tiếng về chữ nghĩa như Phan Huy Ôn, Phan Huy Trấn… Phan Huy Ích ban đầu làm quan giúp cho vua Lê, chúa Trịnh rồi sau ông ra giúp nhà Tây Sơn và đã từng tham gia phái đoàn của nhà Tây Sơn sang bang giao với nhà Thanh. Ông là một trong những nhân vật được vua Quang Trung rất tin cậy. Khi nhà Tây Sơn mất, Phan Huy Ích tuy không bị giết nhưng bị bắt đưa vào trong Huế rồi lại bị đưa ra Hà Nội mang ra sân Văn miếu đánh đòn cùng với những người khác như Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Gia Phan… Có lẽ đó là một những vết cay đắng nhất cuộc đời trí thức ông.

Là một sĩ phu Bắc Hà trong một dòng họ nổi danh, Phan Huy Ích để lại nhiều tác phẩm có giá trị cho đời như “Dụ am vân tập”, “Dụ am ngâm tập”, “Thanh Châu lữ hứng”… và đặc biệt ông tham gia dịch “Chinh phụ ngâm”, một kiệt tác của văn học Việt Nam trung đại.

Các con của Phan Huy Ích cũng là những nhân vật quan trọng trong văn hoá, lịch sử nước nhà. Các con trai của ông như: Phan Huy Chú, Phan Huy Thực, Phan Huy Quýnh…và đến cháu ông như Phan Huy Vịnh đều là những nhân vật có tác phẩm để đời. Phan Huy Ích có lẽ là nhân vật duy nhất ở nước Việt mà cả bố vợ, chính mình, anh rể, con, cháu đều được coi là những nhân vật lịch sử, được đặt tên đường.

Như đã nói ở trên, Phan Huy Ích tuy là một phố ngắn, nhỏ nhưng có nhiều biệt thự cổ. Ở bên dãy lẽ của phố có một dãy nhà hai tầng xây giống nhau gợi nhớ đến phố Tạ Hiện. Ở bên dãy chẵn còn giữ được những biệt thự có phong cách cổ điển. Biệt thự số 14 giờ đã trở thành một quán cà phê mang tên Manzi, giữ nguyên kiến trúc ban đầu của các biệt thự Pháp đặc trưng với sàn gỗ, cầu thang gỗ, lò sưởi, cánh cửa hai lớp. Quán cà phê trong biệt thự cũng là nơi trưng bày tranh ảnh nghệ thuật, là một địa chỉ của những người thích sự yên tĩnh và phong vị cổ điển.

Uông Triều